TRUYỆN NGẮN

CHUYỆN CHIỀU THỨ BẢY

Truyện ngắn Chuyện chiều thứ bảyCứ đến ngày thứ bảy là hình như các thầy không dạy được và lũ học trò beo cũng học được. Thế là buổi học chấm dứt sớm hơn quy định mười lăm, hai chục phút. Chỉ ngần ấy thời gian cũng đủ cho bọn học trò sướng điên. Khu giảng đường ồn như ve họp chợ. Lớp này “động” làm sao lớp kế bên “tĩnh” cho được! Cứ thế, sinh viên thi nhau hốt sách, vở, viết tranh nhau xuống cầu thang cho lẹ kẻo lại gặp cảnh “kẹt… người”. Cứ rầm rầm, rật rật, lẹp xẹp, lép xép, cộc cộc, cốc cốc, í a, í ới suốt mấy dãy hành lang đến độ mấy con chuột nằm chết khiếp trong xó. Khi tới đường chia ngõ anh, ngõ em, bọn con trai rẽ phải về ký túc xá khu B; lũ con gái rẽ trái về khu A thì tiếng ồn có bớt đi đôi chút. Sau đó lại rầm rầm như có bão sắp đến. Cái lũ con trai háu ăn, cứ để nguyên bộ đồ vía, trở ngược lại hành lang đi cùng chiều với bọn con gái, xuống nhà ăn trước tiên không quên cầm theo cái muỗng cứ ngứa tay nện vào mấy cây cột sắt “koong, koong, koong…” điếc cả đầu. Lũ con gái sạch sẽ, tươm tất hơn trong những bộ đồ đủ màu cũng ồn không kém, tốp ba, tốp bảy kéo theo sau.

Nhà ăn chiều thứ bảy lắm chuyện dù bọn học trò chỉ có “canh toàn quốc”, “cơm lỗ đầu” không khê thì sống. Họ ăn, giỡn, chửi nhà bếp cho đã, rồi thấy chưa no, càm ràm tiếp chuyện “con nào bữa nay chia cơm cho tụi mình ít xỉn”, “nước chan gì như nước…”. Nhà ăn phía cán bộ có vẻ khá hơn, tách hẳn với lũ học trò ồn ào và thường họ ăn trễ, hoặc sớm hơn tùy bữa. Đã qua rồi cái thời “cơm độn toàn bánh xe lịch sử” tức là mì dỏm, đen như bụi than, nắn lại thành cái bánh xe, luộc lên cho bọn học trò ăn trừ cơm. Có những thằng nực gà, lựa cơm ăn hết còn “bánh xe” thì lăn từ bàn này, qua bàn khác chơi hoặc đổ đầy nhà bếp bỏ tức. Bao tử người chớ phải loài nhai lại đâu mà “táp” món “bánh xe” quăng chó, chó lỗ đầu vào! Lũ học sinh nội trú cứ mười đứa thì hết năm, bảy đứa mổ ruột thừa. Thuốc toàn “xin cho liền” (tên một loại “xuyên tâm liên” – chữa đủ bệnh, uống một lần cả nắm, ngán tới trời!).

Ăn xong, lũ học trò lại túa ra chờ múc nước uống, nước rửa chén. Lũ con trai thường ăn dơ hơn, tráng tráng chén còn toàn bựa cơm làm cái ly múc nước uống ực ực. Có đứa chờ lâu, dẹp luôn khỏi rửa chén, bữa sau đem ăn lại. Có đứa khôn, chỉ cầm cái muỗng nhôm rồi canh, mắm, cơm trút hết vào một cái xoang nhà bếp rồi xúc ăn, khỏi mắc công rửa chén. Lũ con gái siêng hơn, chia nhau trực lấy nước uống, trực lấy cơm, trực rửa chén.

Chiều thứ bảy, mấy đứa con gái thường đem cơm về phòng. Sau đó, chúng đi bộ ra chợ Khu Hai, chợ chiều để mua thêm rau, cá v.v… về nấu nướng. Có đứa siêng hơn đi nhặt củi dừa, củi cây chụm. Có đứa phá phách thì chẻ vạt gường, cạy tủ ra mà chụm. Chỗ nấu nướng, khói áp lên vách đen như cháy nhà. Ăn xong, trời đã chạng vạng. Ai về nhà thì đi. Đứa dạo biển với bạn, với bồ thì dạo. Đứa đi coi phim ngoài tận chợ Quy Nhơn. Người lạ mặt bỗng xuất hiện trong khu A lũ con gái thiệt nhiều. Khu vườn hoa sứ bên con gái thì xanh tươi bốn mùa, thơm phứcđủ loại hoa. Khu ký túc xá hình cầu nên vườn hoa cũng thế. Giàn hoa giấy đủ màu thi nhau trèo, bò từ dưới đất lên ngập đầu lầu ba. Lũ con gái có bồ, ít muốn đi dạo thì đứng trên các dãy lầu ngoài hành lang bên giàn hoa giấy. Chúng cũng thi nhau mặc đồ chụp hình. Film đen trắng thôi. Cả trường ngót ngàn học sinh mà chỉ có mỗi một ông thầy chụp hình. Được cái thầy dạy hay, lại chụp hình đẹp nên đứa nào cũng khoái bu lại.

Bên khu B con trai thì tiêu điều hoa lá hơn. Hoa cũng y hệt bên vườn hoa con gái vậy mà chúng tàn tạ quá nhanh. Vả lại, bọn con trai cứ mặc quần đùi, ở trần đi qua, đi lại nên hoa cũng mắc cỡ thầm mà héo đi? Thêm nữa, bọn con trai cứ chiều nhất là thứ bảy cứ kéo hết qua tán gái bên khu A, bỏ vườn bông chơ vơ sao hoa chẳng buồn, chẳng héo! Trước đây, hai khu A, B, bọn con trai, con gái được kẻ nào đó xếp cho ở chung rồi xảy ra đủ chuyện đời. Con gái thì mặc đủ lớp, khi phơi thì giăng tùm lum ra chỗ nắng cho mau khô. Con trai phơi đủ loại quần đùi nhìn thấy mà hãi! Cuối cùng, kẻ kia trở lại khôn, chia ra hai giới hai nơi, chuyện đời không đơn giản có thế mới tạm yên.

Chiều thứ bảy, tối thứ bảy không ai kiểm tra giờ tự học. Buổi chiều và một đêm tự do ai không muốn. Nhạc vàng bị cấm nhưng đâu đó trong vài phòng, bọn con gái cũng công khai hát, hát thiệt hay. Có đứa nhớ nhà, không ham bồ bịch thì có thêm thời gian học bài, hoặc ngồi bên cửa sổ thưởng thức gió biển chiều thổi vào mát rượi. Có đứa cặm cụi viết thư cho người yêu phương xa, chung thủy như một câu chuyện cổtích. Có đứa ngồi làm thơ con cóc rồi giấu biệt chẳng chịu cho ai xem. Có đứa xếp hàng đợi đến phiên lấy nước, tắm. Ôi! Cái cảnh ở tập thểmà, dơ một chút đâu có sao!

*

Chiều nay, trong phòng 212 vắng mất Ngọc, Tố bỗng thấy buồn vô kể. Tố nhớ con bạn tròn vo theo tháng ngày, bướng như một sợi dây cao su càng kéo dài, càng bị quật đau. Nó ngó vậy mà cũng bênh Tố quài. Ngày Tố vào trường, ở lớp này, chẳng ai chịu chơi với Tố. Chỉ có Ngọc, Ngọc vào sau Tố hai tháng ở cùng một tập thể 212 người thì bỗng thân nhau. Đứa nào cũng nhường nhau cái ăn, cái ngủ. Đứa nào cũng dành cái hư, cái xấu về phần mình để rút cuộc lại, đứa nào cũng “xí” hết. Những lần Tố đi ăn cơm, Tố không quên mang về cho Ngọc vài cơm cục vì con nhỏ làm biếng đi ăn. Mà cũng ăn quá xá lạ: toàn cơm cục. Những khi Ngọc hay Tố được ở nhà “viện trợ” thì cả phòng bữa đó “hưởng sái”. Mỗi lần Ngọc nhận tiền, Tố thấy con nhỏ cứ buồn hiu. Sau này, Tố mới hiểu là con nhỏ ái ngại về những đồng tiền đó mà Ngọc hay gọi là “tiền cho là tiền mắc nợ, tiền ở đợ mới là tiền mình”. Con nhỏ cứ ăn mỗi chè đậu đen ở căng tin trường hoặc ra quán bà Thọ trước trường vậy mà nó chắc nịch. Lao động lần nào nó cũng được bầu xuất sắc hơn cả đám con trai. Con nhỏ cũng kỳ: Nó chẳng quen thân hay bồ bịch gì với đám mày râu “mấy con cào cào”. Nó gọi thế khi nhắc đến đám con trai ở trường! Tố nhớ ơi nhớ! Nếu nó đừng nghỉ học chiều thứ bảy này chắc cả lớp sẽ được một trận cười no. Con nhỏ sẽ tỉnh bơ nét mặt, vờ chăm chú nhìn thầy nghe giảng bài vừa hí hoáy viết vẽ vào những mảnh giấy nhỏ có móc. Chỉ cần nó huơ tay lên là trên lưng, trên tóc lũ con trai, con gái sẽ có một khẩu hiệu, hoặc dòng quảng cáo: “Cần một thằng chồng”, “Một con vợ ở dơ”, “Hàng mẫu không bán”, “Nơi đây sang nhượng bồ”…

Phòng bên, nhỏ Lan cớ chi đang nằm khóc hù hụ! Con khỉ đó khi cười thì ha hả bể xóm, bể làng, còn khi khóc thì khóc chù hụ y như khóc cha chết. À! Thì ra, cái mặt rũ rượi như cóc chết kia đang kình lộn với thằng bồ. Có Ngọc ở đây, con nhỏ sẽ giũa một trận thê thảm và thế nào cũng xổ nho chùm: “Lũ bồ cũng như quà đám giỗ, thích thì mời không thì tống đi cho trống chỗ!” Có gì mà khóc! Còn Tố thì Tố ngồi yên không dám cục cựa. Tố sợ nhỏ Lan biết mình nghe nó khóc. Nhưng mà nó hú như còi xe lửa hụ thế kia thì mả cha đứa nào nói không nghe chớ! Còn con Thủy nữa. Nhỏ người mà to họng. Con gái gì dễ nổi xung và dữ như gấu ngựa. Bữa nay, cũng đang nghểnh cổ hò hát cái bài hát não ruột, không biết nó gào đến mấy chục lần rồi: “Tôi đã yêu anh từ muôn kiếp nào, cho dẫu mai sau đời nhiều khổđau…” và thế nào, có Ngọc, nó cũng sẽ bịa theo: “Nếu mà chẳng được gần nhau thì đem cái… áo trả mau – để tao tặng lại thằng bồ sau!” vì con nhỏ Thủy cứ “mếch” thằng ma nào là mua áo tặng. Thế là cả bọn cười rầm rầm lên khiến con nhỏ Thủy im bặt và bắt đầu chửi: “Tổ bà mày con cà khịa, con quỷ sứ, con chèo bẻo, con ác là”.

Ôi! Con nhỏ đi lâu ác nhơn! Tố cảm thấy buồn dễ sợ. Tố đang nhớ thêm một thằng bồ – thiếu tá chớ ít gì. Hắn đang ở Campuchia không biết sống chết ra sao. Thế rồi, Tố cặm cụi viết nhật ký. Giường trên đầu Tố là của con Phượng. Con nhỏ cũng cặm cụi viết thư cho thằng bồ ở Bách Khoa Đà Nẵng.

Gió cứ đập vào cửa sổ. Đèn điện đã được bật lên từ hồi nào. Ký túc xá vẫn ồn ào như ngày hội để rồi có một chiều nó sẽ chìm trong im lặng đến dễ ghét để tiễn chân người. Vườn hoa sứ cũng sẽ lớn hơn, già đi như giàn hoa giấy trước phòng. Nhưng! Chúng sẽ sống lâu hơn một đời người. Chắc chắn là như thế!./.

4-1982
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)

Related Articles

Back to top button