TRUYỆN NGẮN

HẠNH PHÚC TRỞ VỀ TRONG ĐỚN ĐAU

Truyện ngắn Hạnh phúc trở về trong đớn đauNhận dùm đơn xin việc của Lâm, Hùng cười xởi lởi:

– Tớ nhất định sẽ trình lên thủ truởng. Cậu yên tâm đi. Chậm lắm là tháng tới, cậu sẽ có chỗ làm.

– Cám ơn cậu nhiều. Sáng mai, ra quán cũ uống cà phê với tớ nhé!

– Ừ!

Lâm hồ hởi bước ra khỏi công ty cổ phần có cái tên rất vua chúa “Hoàng Gia”. Công ty này hợp tác với nước ngoài nên lương cao, đồng lương béo bở, rất khó chui vào. Lâm tin tưởng ở Hùng. Thằng bạn tốt số thật. Mới tốt nghiệp xong, Lâm còn đang loay hoay kiếm chỗ đầu quân thì nó đã được công ty này nhận vào với cái chức Trưởng phòng Tài chính.

Cả năm nay, Lâm trầy trật mãi với công việc trái cẵng ngỗng của mình. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán mà phải chui vào làm trưởng nhóm xúc đất của công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Thành. Uổng thật! Anh hy vọng một ngày nào đấy, anh sẽ tìm đúng vị trí của mình. Anh không ngồi nhầm ghế nhà trường nhưng ra trường thì ghế nào trống để dành sẵn cho anh?

Anh nhớ ngày đầu tiên, cầm hồ sơ của anh, Phó Giám đốc công ty Đông Thành cũng là bà con xa phía má, rút ra một tờ. Đó là tờ khai lý lịch. Ông ta đọc cẩn thận rồi nhếch mép:

– Chỗ quen biết, chú chỉ còn cách nói thật. Lý lịch cháu như vầy mà công ty nào dám nhận cháu ơi!

– Ảnh hưởng gì đâu chú? Nếu có thì sao cháu vẫn được học?

– Ối! Được học là chuyện “chó táp nhầm ruồi”. Đầu xuôi nhưng đuôi chẳng lọt là thế. Chú chẳng qua cũng chỉ làm việc cho người ta. Giám đốc có thói quen nhận những hồ sơ từ trên chuyển xuống thôi. Ít khi có chế độ từ dưới chuyển lên. Mà có thì người đệ đơn cũng phải biết điều…

– Chú coi thử có chuyện gì làm thì giúp cháu. Cháu làm chuyện gì cũng được. Thất nghiệp dài dài, má cháu buồn lắm. Bà không cho cháu đi xa mới khổ.

– Tại sao hai má con không làm giấy đi Mỹ. Chú thấy bao nhiêu người đi diện HO đấy. Đi cho nó sướng cháu ơi! Ở đây mà làm gì!

– Má cháu không muốn đi.

– Vậy sao? Khối người lo chạy chọt để lọt ra nước ngoài đấy!

Ông nhún vai vì không tin có người nào chịu ở lại đây nếu như có điều kiện đi nước ngoài mà không thèm đi.

– Cháu về đi. Khi nào nhóm thợ đào đất có chỗ trống thì chú gọi cháu.

Lâm mừng quá. Anh dạ rối rít.

Một tháng sau khi công ty nọ nhận vào học việc… đào đất, anh mới dám nói với má là “Con đã tìm được việc làm“. Người đàn bà ngừng tay khi nghe con nói. Những đoạn mành trúc chưa ghép, đủ màu lăn tong tong chung quanh chỗ chị. Chị đưa mắt nhìn thằng con trai và khẽ cười hiền hòa:

– Má mừng cho con. Con nói cho Nghi biết để nó bớt lo lắng!

– Nghi tới hả má?

– Vừa tới.

– Dạ.

Lâm hấp tấp quay đi. Nhà Nghi cách nhà anh không xa mấy nên anh chỉ cần qua một lốc đèn là đụng ngay cánh cửa sắt. Con chó trong nhà sủa tới tấp khiến anh chợn. Nhà Nghi xưa nay làm gì nuôi chó chứ? Anh lúng túng… “Két ét éttttttt“. May quá, con nhỏ em của Nghi ra mở cửa. Nhận ra người thanh niên trước cổng, con bé tươi roi rói:

– Suỵt! Ki Ki! Đi vô! Anh vào đi!

– Có chị hai ở nhà không?

– Có nhưng chị hai đang tiếp khách.

– Ai vậy?

– Anh Hùng đó mà.

– Hùng nào em?

– Ảnh làm chung công ty của chị hai đó.

– ??

– Anh vào đi chứ!

Lâm dợm chân bước vừa bán tín, bán nghi cái tên Hùng này. Khóa anh có ba Hùng. Thanh Hùng thì về Hà Nội. Công Hùng thì vào nhà xuất bản công an. Chỉ còn là…

– Trời ơi! Cậu hả?

– Tớ đang nghĩ tới cậu đây?

Lâm nhận đúng là Trần Hùng. Nghi tròn mắt:

– Hai người quen nhau hồi nào?

– Hùng là bạn học của anh. Hai người biết nhau hồi nào hay vậy?

Nghi chưa kịp trả lời thì Hùng nhanh miệng:

– Nghi và tớ làm chung công ty. Hai người quen nhau như thế nào?

Lâm nhìn Nghi. Anh thật thà:

– Nghi là bạn gái của tớ. Quen lúc ngồi chờ ký lý lịch xin việc làm ở phường.

Lâm không nhận thấy mắt Hùng sập xuống còn Nghi cố tránh cái nhìn của Lâm. Cô em phá tan không khí đang đông đá của mọi người:

– Quen trước hay sau gì cũng bạn hết mà. Mấy anh ngồi chơi với chị Nghi để em lấy nước uống. Hay là mình uống nước mía đi. Quán sát đầu đường, em chạy ù ra thì có liền!

– Em đi mua dùm chị, công chúa! Sao không lấy tiền?

– Mua chịu quen rồi. Chị trả sau.

Cả ba ngồi xuống ghế. Con chó chạy quanh chân Nghi. Hình như nó đã quen hơi chủ nhà. Hùng nhìn Lâm:

– Mấy tháng nay, cậu có việc chưa?

– Đang làm ở chỗ Đông Phương.

– Ui! Cậu có thần kinh không? Đông Phương là công ty trách nhiệm hữu hạn bên đất đai. Không lớn gì cho lắm…

– Mình chỉ cần có chỗ làm việc được rồi.

– A!

Hùng quay sang Nghi:

– Có phải người em nói là Lâm đây không?

Nghi gật đầu.

– Chúng tớ đang nói về cậu đấy nhưng nếu Nghi nói tên cậu thì đâu có mất thì giờ. Ngày mai, cậu mang hồ sơ tới chỗ tớ. Tớ kiếm cho cậu công việc kế toán ngay. Nhớ mang văn bằng Anh văn hay Nhật, Đài Loan nếu cậu có.

– Mình làm gì có chừng ấy ngoại ngữ thế. Chỉ bằng C Anh văn thôi.

– Vậy cũng tốt.

– Không có nước mía mấy anh ơi. Cúp điện rồi.

– Thành phố gì ngày cúp, ngày có. Chán bỏ xừ. Tớ và cậu với Nghi ra quán cà phê tốt hơn. Bé em có đi với mấy anh không?

– Dạ không! Em mắc học bài và coi… đá banh!

– Ui mẹ! Con gái mà mê bóng?

– Nó đá bóng bể hết mấy chậu kiểng trong nhà ra tới hàng xóm. Mẹ em bị người ta mắng vốn hoài đó mà. Hai anh đi đi. Nghi hơi nhức đầu.

– Vậy thôi? Em nên uống thuốc, nghỉ ngơi.

Thấy Hùng chăm chăm tới mình hoài, Nghi đánh trống lãng:

– Không sao đâu sếp! Ngày mai, em có mặt làm việc đàng hoàng.

Lâm chỉ biết cười. Anh vốn là người ít nói. Nghi thường chê anh chẳng biết nói câu gì cho ngọt ngào. Hai người dẫn nhau tới cái quán máy lạnh. Những tiếp viên hình như quen mặt Hùng, chạy ra tiếp đón niềm nở. Hơi máy lạnh dễ chịu đã đuổi cái nóng đi mất nên Hùng cởi mở hơn. Trước khi về, Hùng ngăn Lâm trả tiền:

– Để tớ trả. Cậu đừng bày đặt. Khi nào lên quan, tiến chức thì bao lại tớ chẳng muộn.

Hùng không quên dặn Lâm:

– Nhớ mai mang hồ sơ đến chỗ tớ nhé! Tớ đã hứa với Nghi rồi.

Lâm không để ý tới câu sau của Hùng. Anh đang mừng muốn chết. Thằng bạn tốt của anh nay đã khá nhưng vẫn không quên bằng hữu. Đó là niềm vui của anh. Anh mang niềm vui này chia xẻ với má, với Nghi đêm ấy. Nghi nhìn anh một chập, cô không nói gì ngoài hai chữ “chúc mừng”. Sáng nay, anh đã mang hồ sơ xin việc làm cho Hùng.

* * *

Từ chỗ Hùng về, Lâm vẫn đợi. Một tháng. Hai tháng. Lâm hỏi về chỗ làm thì Hùng cứ niềm nở nhưng bảo anh cứ ráng chờ vì hiện thời chưa có chỗ trống cho kế toán. Lâm lại quay về với công việc coi công nhân đào đất với một niềm hy vọng từ nơi bạn bè.

Hùng đón Nghi khi tan giờ như mọi ngày để đưa Nghi về nhà. Phòng riêng của Nghi lúc nào cũng hoa, cũng quà của Hùng mua tặng. Con chó KiKi này là cũng của Hùng mua cho Nghi. Hùng si Nghi đến nổi con em phải cảnh giác dùm chị:

– Chị Nghi à! Hình như anh Hùng ảnh… mê chị rồi. Chị coi chừng anh Lâm biết được, ảnh buồn đó nha.

– Con khỉ! Nhỏ mà biết gì! Thanh niên phải thế chứ? Mai mốt tới phiên em có bồ thì nhà này phải mở cửa hàng bán hoa luôn!

– Hùm! Không thèm nói chuyện với chị.

Khi con em đi rồi, Nghi thờ ra: “Nó nói đúng. Mình chỉ mong ảnh nhận anh Lâm vô làm sớm chừng nào hay chừng nấy. Công ty quả là đang cần người sao Hùng cứ nói chưa có nhỉ? Ngày mai, mình có nên làm dạn hỏi thẳng ông Giám đốc hay không? Ông này thì đi đông tây nên khó liên lạc. Chỉ có Phó giám đốc với Trưởng phòng Tài chính – Kế toán là Hùng mới tìm được ổng thôi!”.

Phôn của Hùng và Lâm không hiểu sao gọi tới cùng một lúc. Nghi nghe Lâm trước: “Em hả? Tối nay, chúng ta đi chơi chút được không?”, “Anh chờ em tí”. “A lô! Em hả? Tối nay, anh đưa em đi chỗ này, nói chuyện về công việc của Lâm”, “Anh chờ em tí nhé!”. “A lô! Anh hả? Tối nay, em nhức đầu quá! Mai nha!”. “Ừ, em bảo trọng. Hôn em”. “Anh nói chuyện Lâm thế nào?” “Gặp nhau anh nói. Nói trong phôn bất tiện”.” “Anh chờ em thay đồ”.

Nhìn thấy chiếc xe Toyota Aralon bóng láng đậu trước cổng chờ, Nghi điếng:

– Sang thế? Đi chơi mà cũng lấy xe con?

– Mấy sếp đi, mình đi ké thôi. Sang năm, anh nhất định sẽ kiếm chiếc xe mới nhất để đưa em về… dinh!

Hùng nói đầy tự tin. Nghi cười:

– Đừng giỡn chơi!

– Anh nào dám giỡn với em chớ! Mình tới quán cũ nhé?

– Tùy anh!

– Không! Tùy em chọn để cho thấy con gái là nhất đó mà!

– Ừ thì quán cũ!

– Vào đó không được nhăn mặt khi mấy cô tiếp viên hở hang tới gần nghe không?

– Làm gì mà em nhăn mặt chứ? Họ ăn mặc như thế mới quyến rũ đàn ông các anh.

– Anh muốn em… ăn mặc thế để anh bị quyến rũ!

– Lại nữa!

– Đùa chút thôi, công nương! Nào mời xuống xe!

Hùng mở cửa xe cho nàng một cách điệu đàng khiến Nghi đỏ mặt. Ngồi cả buổi mà chẳng nghe Hùng nói gì về Lâm cả. Cô chỉ mong Hùng câu đầu tiên là “Lâm đã được nhận vào”. Thế nhưng Hùng chỉ nói toàn chuyện vu vơ. Nghi phải nhắc:

– Sao anh nói có chuyện anh Lâm?

– Ạ! Chuyện Lâm khó xin quá. Thủ trưởng bảo rằng lý lịch anh ấy có ba là người của chế độ cũ nên không thể nhận.

– Công việc là xét ai có khả năng hay không chứ gì cứ nhắm lý lịch hoài vậy?

– Em cũng biết rồi. Cơ quan nào bây giờ mà chả thế. Em không có Đảng thì chỉ suốt đời dân quèn. Em không bằng cấp, cả đời nơm nớt sợ mất chén cơm. Hồi học trong trường, em không thấy toàn bộ những cán bộ cốt cán hầu hết đều là người miền Bắc cả sao? Em không thấy trong lớp, cán bộ lớp, bí thư chi đoàn là thành phần nào rồi chứ?

Nghi chẳng muốn nghe gì nữa. Cô cảm thấy như mình bị từ chối đơn xin việc làm. Cả buổi, Hùng gợi đủ chuyện nhưng Nghi ừ hử cho qua.

– Em không vui vì chuyện Lâm ư? Anh sẽ cố gắng lần nữa. Nếu nhận Lâm thì phải kiếm chuyện gì cho một đứa nhân viên kế toán nghỉ việc. Cái đó, tùy em kiến nghị cho ai thôi! Em là Kế toán trưởng mà.

Nghi bàng hoàng. Rõ ràng, Hùng đang khóa miệng cô bằng cách này đây. Lâm vào thì người khác phải ra. Nhưng rõ ràng chiếc ghế kế toán hành chánh còn bỏ trống kia? Nếu phải cho người nào nghỉ việc thì phải có lý do, có bằng chứng người ấy phạm thâm thủng nhân sách công ty, biến thủ ngân quỷ mới được chứ. Lại phải giở chước hại người ư! Nghi làm sao mà làm được!

Hai người vừa ra xe, mấy cậu nhỏ ngồi trước quán cóc chỉ trỏ:

– Hình như là chị Nghi của anh Lâm.

– Đâu? Ờ, đúng rồi. Chắc họ đi công chuyện.

– Đi với bạn anh Lâm đó mà.

Trong phòng máy lạnh, cô nhân viên nhặt được một túi hồ sơ từ ghế ngồi của hai người mới ra. Cô đưa cho chị chủ. Chị chủ thò tay mở cái cặp để coi thử. Hai mắt chị ta sáng rỡ hơn lúc có khách đông. Chi ta nói như muốn chỉ mình nghe:

– Cái người đàn ông đó chẳng giống mấy cha ham gái!

* * *

Đưa Nghi về nhà, Hùng không vào, anh chỉ nhắc nhở:

– Em cẩn thận. Ngày mai cho anh quyết định để anh trình sếp!

Nghi gật đầu. Cô chỉ muốn ngủ cho đầu bớt căng thẳng. Khi chiếc xe Hùng mất dạng, cô em gái chạy ra:

– Chị đi chơi mà nói đau đầu. Anh Lâm mua một mớ thuốc tới nhà nè! Chị uống đi!

– Con khỉ! Chị có đau đầu gì mà uống? Mày uống hết đi!

– Hả??? Em uống?

– Không lẽ chị mày uống? Anh ấy có nói gì không?

– Anh chơi với mẹ một chút rồi về.

Nghi thở hắt: “Một đêm chẳng được việc gì?”. Con em nhìn theo chị, nó bỗng nhiên huýt sáo: “Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục… “.

– Khùng!

Nghi ném cho con em cái gờm rồi chui vào phòng. Mẹ gọi giật lại:

– Nghi! Vào đây mẹ biểu!

– Trời đất! Mẹ chưa ngủ sao?

– Chưa? Con gái đi chơi với thằng Hùng, nói xạo với thằng Lâm? Hay dữ há! Chọn đứa nào chọn một đứa thôi con! Thằng Lâm nghèo kiết cú, nhắm lấy nổi thì lấy. Thằng Hùng giàu có nhưng chẳng biết tâm tính thế nào, lấy về hưởng phú quý thì chọn nó đi! Mẹ nhờ chút!

– Mẹ à! Chán mẹ thí mồ! Mẹ chẳng nói rằng tiền bạc nó trác mắt mình hay sao chứ? Mẹ nói vậy, sao mẹ không lấy chú Tâm. Chú ấy cũng giàu sụ, trưởng công an nữa. Ra đường có chạy nhanh bay tóc hay quẳng mũ bảo hiểm cũng không sợ bị phạt. Mẹ lấy chú ấy cho tụi con nhờ.

– Hứ! Chuyện thằng Lâm thế nào? Sao nó cứ đâm đầu vào làm mãi cái công ty xúc đất ấy? Thiếu gì chỗ mà xin việc cho bỏ công sức học hành?

– Nhiều chỗ thì nhiều nhưng khó xin lắm. Vả lại, má ảnh không muốn ảnh đi xa.

– Vậy sao con không đưa nó vô chỗ con?

– Mẹ không biết Lâm là bạn của Hùng. Hùng nắm trưởng phòng có quyền hơn con. Con nói rồi, Hùng hứa một tuần nhưng nay đã gần nửa năm rồi. Anh Lâm học giỏi mà. Hy vọng công ty trọng dụng ảnh.

– Cái gì? Thằng Hùng là bạn thân của thằng Lâm?

– Dạ phải! Có vậy, ảnh mới hứa giúp anh Lâm. Người khác, Hùng đâu hứa làm gì.

– Hèn nào!

Người mẹ ngữa mặt lên trần nhà rồi nhìn con gái:

– Con có biết vì sao Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm xô xuống hang không?

– Biết mà! Mẹ nói hoài.

– Con có biết vì sao Thạch Sanh bị Lý Thông lấp hang không?

– Mẹ hỏi hoài. Nhân vật cổ tích, truyện không à.

– Vậy thì tại sao Tôn Tẩn bị Bàng Quyên chặt chân? Nhân vật này cổ tích hay thật?

– Mẹ nữa! Dĩ nhiên là thật.

– Con hiểu rồi thì coi như con có câu trả lời vì sao nửa năm nay, Lâm không được công ty nhận vào! Vì Lâm sẽ thể hiện công việc xuất sắc hơn Hùng và chủ yếu là… vì con đó! Những kẻ tị hiềm sẽ không lớn nổi thành người.

– ??!

Nghi lăn ra ghế. Con em tưởng chị trúng gió, nó vội vã lấy chai dầu xanh chạy vào. Mẹ thấy con gái đau lòng, bà vớt lại một câu:

– Nhưng có thể có nguyên nhân nào khác hơn. Con hỏi thẳng Hùng là cách hay nhất.

Nghi trở vào phòng. Cô thấy Hùng hình như có thể là như vậy. Tin nhắn của Lâm đêm nào cũng tới trước khi Nghi ngủ: “Chúc em ngủ ngon. Anh yêu em”. Ở ngoài, khi gặp nhau, Lâm chẳng bao giờ nói được một câu ba từ như vậy cả.

* * *

Lâm cho nhóm xúc đất nghỉ giải lao nhiều hơn thường lệ. Anh tìm một chỗ ít bụi bặm rồi ngồi xuống với mấy công nhân.

– Anh Lâm nè! Nói thật nhé! Chỗ này không hạp với anh nhưng anh mà đi thì tụi em bị đì hết sống luôn.

– Vậy thì anh ở mãi đây chờ mấy đứa bây giàu sụ lên mới đi được không?

Lâm cười và nhìn đám công nhân đang đờ đẫn với nắng chảy mỡ. Chúng nó mới mười mấy, hai mươi mà đứa nào trông cũng chai ngắt. Cuốc mướn thì có gì sướng? Anh từng nhìn bảng tính lương công nhân của công ty mà thở dài. Lương gì thua cả lương nhân viên tiếp thị hay chạy bàn. Nghiệt nổi, người ta tiếp thị chữ nghĩa phun ra có hơi, có hám. Người ta chạy bàn, ngoại hình người nào nhìn qua cũng giống Phan An, Tống Ngọc. Mấy đứa công nhân này, công ty nhặt nhạnh từ dân tứ xứ, làm xong hết công việc là thất nghiệp dài dài. Chữ nghĩa bới không qua con gà, hỏi lương phạm gì cho cao? Thế còn anh? Lương anh chỉ đủ đổ xăng đi làm và ráng nhịn lắm mới mua tặng cho mẹ cái máy xây sinh tố và mua cho Nghi cái giỏ xách. Anh nghĩ tới Nghi mà lòng chùn lại.

Ngày đi ký lý lịch ở phường, anh đã gặp Nghi. Cả hai chờ mỏi cổ. Qua lại mấy câu vậy mà anh… cua được Nghi. Hai đứa thường rủ nhau đi ra quán sinh tố. Anh thích kem. Nghi ăn sữa chua. Lâm đâu có dám dắt Nghi tới nhà hàng sang trọng dành cho những công tử đại gia. Nghi ngồi sau anh, thỉnh thoảng giật áo anh khi anh cua gấp khúc hay chạy nhanh một tí. Anh đưa Nghi về nhà. Má thấy đã thương. Má anh khen Nghi hiền. Bà nói: “Con gái không chưng diện và lễ phép thời buổi này hiếm hoi”. Nghi đưa anh về nhà Nghi. Mẹ Nghi thấy cũng mến. Mẹ Nghi bảo: “Những thằng thanh niên thời này nhịn làm hơn nhịn sài, ít đứa chịu khó“. Hai nhà xích lại gần nhau hơn. Những ngày đi chơi, hai đứa bị mắc mưa, Nghi đứng bên Lâm. Anh chỉ dám ôm lấy bờ vai của Nghi cho đến khi mưa tạnh. Nghi thường mắng anh “ngốc nghếch“. Vậy mà, Nghi đi yêu cái “ngốc nghếch” của Lâm cho tới khi Nghi vào gặp Hùng cùng cơ quan thì Lâm như thấy khoảng cách giữa anh và Nghi đã dần dần cách xa. Hùng đi với Nghi nhiều hơn anh đi với Nghi. Anh bất giác thở dài. Mấy thằng công nhân vô tư lự, dếnh thêm một cú:

– Cô bạn của anh Lâm, tối hôm qua, tụi em thấy đi với sếp nào trên chiếc xe láng bóng chạy vào phòng máy lạnh Hương Giang.

Lâm giật thót. Hèn nào, anh tới nhà không gặp Nghi. Lâm hơi chạnh lòng: Nghi và Hùng cùng chung một cơ quan. Hùng mới đây đã có một cơ ngơi vững vàng. Hùng giỏi hơn anh nhiều lắm. Nghi đi với Hùng xứng hơn Nghi đi với anh. Vậy mà anh chẳng chịu nhận ra. Đột nhiên, anh nghĩ đến điều ấy trong đớn đau. Hèn nào, Nghi chẳng chịu đi chơi với mình. Lâm mở phôn, anh muốn gọi Nghi nhưng giờ nghỉ giải lao đã hết. Gió, bụi, nắng chiếm hết thời gian suy tư. Lâm lặng lẽ với công việc ngoài công trường và đôi khi phải giúp Yến, cô kế toán trưởng, trung cấp tính toán những con số cần thiết cho công ty đang ảnh hưởng cơn khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới.

* * *

Nghi đến công ty sớm hơn thường lệ. Cô vào phòng Giám đốc. Ông Giám đốc may sao cũng vừa mở cửa phòng. Thấy Nghi hấp tấp, ông hỏi:

– Có chuyện vậy, cô Nghi?

– Dạ! Con gặp chú chút xíu.

– Hỏi đi! Nhanh lên, chú còn đi họp.

– Công ty mình đang thiếu kế toán phải không chú?

– Thì thiếu chứ. Hùng nó đang tìm người đó mà. Chẳng lẽ cô lại không biết?

– Chú có duyệt hồ sơ nào có tên Trần Thế Lâm không?

– Không! Làm gì có ai mà Lâm với rừng!

– Dạ, cám ơn chú. Con về.

– Um?

Ông Giám đốc ngạc nhiên. Ông chẳng hiểu gì cả nhưng bận quá, ông quên bẳn chuyện này luôn.

Nghi chạy hỏi gì với người quét dọn. Chị ta nghe xong, lắc đầu. Nghi bới tung mọi thùng rác. Công ty không có máy nghiền giấy. Cơ hội tìm kiếm của Nghi vẫn còn hy vọng.

– Em tìm cái gì thế?

Tiếng của Hùng làm Nghi giật mình. Cô luống cuống mấy giây rồi bình tĩnh:

– Một chiếc bông tai.

– Ôi! Chiều đi ra cửa hàng vàng bạc, anh sẽ mua cho em đôi khác. Khỏi tìm nữa. Em đã quyết định đổi chỗ cho ai chưa?

– Vẫn chưa, anh.

– Em cũng thấy, em khó tìm người thay thế như vậy thì đừng hờn anh không giúp Lâm nghe không?

– Biết mà. Hờn gì đâu! Em cám ơn anh đã nhiệt tình giúp Lâm không hết!

Nghi bỏ vào phòng mình.

Công ty hôm nay đang lao nhao. Hùng hỏi Đông:

– Chuyện gì mà chúng nó xôn xao thế hả? Ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt mới chết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng được coi là con trai của ông ta cũng không xôn xao bằng?

– Anh không nghe sao chứ? Ngân hàng hết tiền thanh toán cho khách hàng vì họ cho công ty vây mua bất động sản? Công ty mình dính cũng không ít! Vàng lên giá khủng khiếp. Ai cũng mong xong việc chạy ra chợ mua đô la cho chắc nên đô cũng nhảy vọt theo luôn. Nghe nói công an đang bố trí chung quanh mấy tiệm vàng. Coi chừng mua đô là bị hốt!

– Sao nữa?

– Hai nhà báo tờ Thanh niên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải tờ Tuổi trẻ bị tóm vì vụ viết bài vụ PMU8 đến nay cũng chẳng có tin tức gì. Người nói cho đáng đời. Kẻ bảo thấy đáng thương. Dân chúng tụm năm, tụm ba kháo rằng con chó trung thành nào cũng phải có ngày mắc bã chó do chủ đánh ra.

– Cái tin đó nghe xưa như trái đất. Ai bảo hai ông này dám hiên ngang tố ông thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến làm chi? Ông này có cái dù to hơn ông cán bộ đứng sau hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Cỡ như Đinh Văn Huynh, Thượng tá của cục Cảnh sát điều tra C14 cũng bị đồng đội tóm cổ cái ọt và bị tạm giam thì hỏi kẻ đứng sau phải gớm ghê. C14 thuộc Tổng cục cảnh sát nhân dân, Tổng cục II của Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ. Đơn vị này thuộc Bộ công an. Ai đụng đến được đây? Nhưng chúng ta nếu muốn sáng ra sờ gáy biết cái đầu mình còn trên cổ thì im hết cho xong. Khối gì việc mà mình phải làm để sống qua ngày. Hùm! Có tin gì mới nữa không?

– Có nhiều lắm chứ? Thôi tụi em đi làm việc.

– Hùm! Đồ chết nhát! Mới hù một câu đã ngậm mồm như con sò!

Hùng lầm bầm. Thị trường chứng khoán với chỉ số VN index từ 1.200 điểm xuống thấp 500 thật tồi tệ. Thị trường địa ốc khủng hoảng ngáp ngáp, ai mà chẳng rên trong ruột. Dự toán luật giảm thuế cho công ty từ 28% xuống 25% như miếng cá thiu treo trước miệng mèo đói! Ối cha! Bọn cơ quan mình cái gì chúng cũng biết, tài thật!

Phòng bên, bọn trẻ đang chụm đầu cá độ Euro 2008, thấy Hùng vào, họ lập tức tản ra. Hùng nổi tiếng nghiêm khắc và chuẩn mực nên ai cũng nễ. Chỉ có một người, hiện tại, người ấy đang nhìn Hùng với cặp mắt đầy uất hận. Đó là Nghi.

* * *

Chiều 5 giờ, không muốn cho Hùng đón, Nghi lấy xe chạy đi đường khác. Không hiểu sao, cô lại chạy tắt vào con đường trong cho tới chạng vạng. Con đường này thông với công trình công ty Đông Phương đang ủi đồng, lấp ruộng để mở đô thị. Hàng ngàn nông dân đang mất kế sinh nhai. Tiền bồi thường giá thấp lè tè đang là vấn đề kiện tụng hằng ngày. Chiếc xe Nghi lạng quạng chậm dầm vì đất đá gồ ghề. Cô đang lo giữ tay lái thì nghe tiếng hét:

– Đứng lại! Khôn hồn xuống xe! Đưa hết tiền bạc ra đây!

Nghi không còn hồn vía. Cô run tưởng chết đến nơi. Cô nghĩ đến những cảnh trong phim cướp giật, hiếp dâm mà gai góc nổi cục cục. Hai tên coi bộ chưa ráo mùi sữa mẹ, cầm hai con dao bầu to thấy gớm, đang hùng hổ tiến lại.

– Muốn gì đây mấy em?

Nghi thu hết can đảm mở miệng. Trong tình huống này cần bình tĩnh mới được. Không chống cự cũng thế. Thà chống thử coi thế nào?

– Mấy em không thấy chỗ kia là công trình đang thi công không? Người ta đang trực ở đó đấy! Ăn cướp ngày hả?

– Muốn chết hay muốn sống! Nói dài dòng, con mẹ kia!

Chúng nhào tới. Nghi vung cái giỏ sách mấy vòng chống đỡ con hai con dao bầu “Véo, véo”. Cô nghĩ đến mẹ. Không thể chết trong lúc này. Cô nghĩ đến em gái. Không thể nào chết trong lúc này. Cô nghĩ đến Lâm. Không thể nào chết khi cô chưa làm sáng tỏ mọi chuyện.

– Bớ người ta! Ăn cướp! Ăn cướp!

Giọng la của Nghi khá to. Hai thằng nhỏ như bất ngờ trước con mồi chống cự dữ dằn. Chúng… chợn! Đằng xa, ba bốn người chạy lại. Tiêu rồi! Cứu binh chúng đã tới thì mình chết chắc! Nghi chẳng còn hồn vía nữa. Sự sợ hãi làm cô như mất cả sức, mềm nhũn ra… Chiếc xe ngã kềnh ra mặt đất tự hồi nào.

– Mấy thằng khốn kiếp! Dám cướp của ban ngày! Tao quánh chết cha chúng mày!

Hai thằng nhóc nháy mắt đã bị ba anh hung đánh cướp cứu mỹ nhân kia tóm cổ. Lâm chạy tới chỗ người con gái, nhận ra Nghi, Lâm mất hồn vía:

– Trời ơi là em hả? Anh đây! Nghi! Anh đây!

Đám công nhân đang chuẩn bị làm thịt hai thằng nhóc. Một thanh niên dứ dứ con dao bầu trước mặt thằng cướp con:

– Hai thằng ôn hoàng hột vịt lộn chết bầm! Thứ gì mới nứt mắt mà đi cướp của, giết người? Trói mày lại cho công an xử trí. Anh đưa chỉ về đi! Để tụi em… thịt mấy thằng ôn vật này.

– Em lạy mấy anh. Tha cho em lần này. Tại thằng này xúi nè, anh hai!

– Mày nói ẩu! Không phải mày cá độ đá banh thua hết mới nghĩ cách này hay sao?

– Quân hèn! Trong lúc cùng bị bắt đã đổ vạ cho nhau. Anh hùng gì cái lũ mày? Hử? Hử?

– Hai đứa bay cướp bao nhiêu người rồi?

– Dạ, dạ đây là lần đầu tiên?

– Dao này ai rèn cho mày?

– Dạ! Mấy anh trong xóm dùng để chém chuối rẫy, tụi em… chôm!

– Trời!

– Cha mẹ mày đâu?

– Dạ! Ba má em ở cái chòi tận chân núi kia kìa. Chờ tiền bù lỗ ruộng xong mới đi chỗ khác.

– Đi đâu?

– Dạ chắc đi… ăn cướp quá!

– Trờiìi!

– Mấy thằng ôn vật! Đi về nhà, ủa, đi về chòi hết đi! Gặp công an, chúng đá tụi bây không dập mề đừng gọi tao là anh hai! Thứ ăn cướp của đàn bà phụ nữ thì đàn ông gì chúng bây! Tao… thiến cha nó đi cho tụi mày thành đàn bà luôn hén?

– Dạ đừng anh! Em chừa không ăn cướp nữa.

– Cút! Kẻo chúng ông đổi ý bây giờ! Tụi mày không đi ăn cướp thì cũng đi ăn cắp thôi! Đi mau!

– Dà!

Hai thằng ôn vật chạy tuốt. Mấy người thợ đào đất thu chiến lợi phẩm là hai con dao bầu. Quên Lâm và Nghi đang còn chỗ chiếc xe nằm dài đo đất, hai thằng ngứa tay nên cầm hai con dao, quay lại “chẻng chẻng” với nhau mấy cái chơi!

– Bà mẹ nó! Dao lụt nhách gì mà cũng vác đi cướp!

– Đồ ăn cướp không có nhân đạo. Chém người thì dùng dao nào chém sắt như chém bùn như trong kiếm hiệp để người ta đứt luôn cái đầu, khỏi đau. Chúng nó lấy dao này chém người, đau cái cổ thí mẹ. Cứa hoài có đứt đâu! Trời, quên nữa, anh Lâm coi chỉ có sao không?

Nghi mở mắt. Thấy Lâm, cô mừng quýnh! Hai tay giữ lấy cổ Lâm, nước mắt Nghi ràn rụa nhưng miệng thì cười. Lâm nhìn vào mắt Nghi, xót xa:

– Chút xíu nữa là toi mạng mà còn cười được nữa sao em?

Như ước định một điều đau lòng mà anh buột phải nói ra, anh ngập ngừng:

– Anh gọi Hùng cho em nhé! Anh ấy lấy xe con đưa em về cho lẹ!

Nghi không trả lời. Cô nhìn anh như hờn về một câu anh đã nhẫn tâm nói.

– Anh chở chị về. Tụi em chạy theo rồi chở anh về sau.

– Quyết định vậy đi!

Nghi ngồi sau Lâm. Cô không đụng tới cái áo của anh như mọi lần. Lâm biết, Nghi đang giận anh vì lời nói khi nãy. Anh im lặng cho đến khi tới nhà Nghi. Nghi chỉ dặn:

– Đừng nói gì cho mẹ em biết!

– Ừ, anh không nói gì đâu.

Khi Lâm về, Nghi ôm chặt cái giỏ xách vào lòng. Món quà của Lâm tặng cho Nghi, nó đã có vết xước. Ngày mai, cô quyết định phải gặp Hùng hỏi cho ra lẽ. Nghi phôn cho Hùng: “Tối nay, em muốn gặp anh. Anh Lâm nhờ em nói với anh xin lại hồ sơ. Anh ấy không muốn làm chỗ mình nữa”. “Anh sẽ tới ngay”.

* * *

Đằng nhà Nghi, bà mẹ Nghi cũng đang chờ con gái để nói chuyện mà bà vừa nghe qua điện thoại lúc nãy: “Lâu quá! Bà có mạnh giỏi không?”. “Bình thường. Bên này nóng lắm”. “Bên tui thì trời như Đà Lạt. Hình như mùa hè bị xóa sổ năm nay hay sao mà vẫn còn lạnh”. “Thế à! Có gì mới không bà?”. “ Gì đâu mà mới? À! Dân chúng mới nhận tiền thuế trả lại của ông W.Bush cho mỗi người ba trăm đây. Đỡ vả. Nếu không có chiến tranh, chắc dân Mỹ cũng chẳng lo lắng như bây giờ. Xăng mắc lắm bà ơi! Vật giá tăng mỗi phút!”. “Ở đâu chẳng thế bà. Mỹ loạn thì cả thế giới loạn theo. Mà ai sẽ làm tổng thống Mỹ bên ấy?”. “Tui hơi đâu mà để ý nhưng tui muốn bà Hillary Clion ton hơn” Bà ấy thua rồi mà!”. “Thua gì mà thua. Ông Obama mà không năn nỉ bà này ủng hộ thì ông già cựu chiến binh kia McCain thắng là cái chắc! Mà bà ơi! Tui ghét mấy thằng cha thầy bói quá đi. Họ không có năng khiếu dự đoán tương lai mà chỉ đoán quá khứ không à. Như cái vụ tranh cử giữa Obama và Hillary ngã ngũ thì họ mới nói tại sao bà này thua, tại sao ông kia thắng. Có ngon thì bây giờ nhận định xem nào? “Bà nóng làm chi! Bà gọi tui có chuyện gì không vậy?” . “Ờ, bà không nhắc tui quên. Tui nói cái này cho bà định coi”. “ Chuyện gì quan trọng vậy?”. “Bà có hai đứa con gái phải không? Tui muốn làm mai cho thằng Hải, cháu tui”. “Xa xôi quá mà! Lũ nhỏ có gặp được bao nhiêu ngày đâu mà mối với mai?”. “Bà xưa quá! Thằng cháu tui là luật sư đó bà. Không phải thuộc loại trâu già ham gặm cỏ non đâu! Nó ra trường ba năm nay rồi. Nó hiền lành. Mẹ nó muốn kiếm vợ Việt Nam có ăn học, hiền lương. Mẹ con nó chuẩn bị về nước đó. Tui cho địa chỉ nhà bà và số phôn rồi. Báo cho bà biết vậy thôi”. “Trời! Bà xưa nay cứ mai dong mà phòng không hoài!”. “Hí hí… tui làm phước nên mới không phải ở tù chung thân đấy thôi!”. “Con Nghi có người yêu rồi”. “Mệt bà quá. Chủ yếu là cho chúng nó gặp nhau cái đã… Thôi phôn tui sắp hết tiền. Tiết kiệm. Hí hí.. bye bà”.

Người mẹ gát cái phôn. Bà biết tính con gái. Nghi giống bà. Nó không yêu lung tung và chẳng bao giờ lấy người mà nó chẳng thương đâu. Tốt hơn là bà nhất định không nói gì.

* * *

Tại quán cà phê máy lạnh Hương Giang, chủ quán đang nói chuyện qua cái phôn. Cô ta vừa cười vừa nhắc tới cái cặp da có những giấy tờ với người từ phôn bên kia: “Anh hứa phải không? Đêm nay chứ không đêm mai gì hết! Không được. Phải đêm nay. Chỗ nào thì em sẽ cho anh hay sau. Bye”.

Hùng thừ ra trước máy tinh. Anh không thấy con số nào cho rõ ràng hơn là những con số không chạy qua, lướt lại trước mắt. Việc Nghi suýt bị cướp hôm qua, Hùng cũng không hay. Dự án thầu xây công trình du lịch nằm trên bàn với những khoản phải chi ra khiến anh chóng mặt. Anh chóng mặt hơn khi nhận cú điện thoại từ sáng. Ngày hôm nay sao mà dài khiếp! Anh mân mê chiếc hộp xinh xắn, màu đỏ bằng nhung mà anh định tối nay gặp Nghi, anh sẽ nói, cũng hết còn can đảm. Không còn can đảm làm gì ngay cả gọi cú phôn lỡ hẹn. Hùng im luôn.

Chờ tới 9 giờ tối cũng không thấy Hùng đến, Nghi càng chắc một điều, Hùng đã hủy bộ hồ sơ xin việc của Lâm nên không dám tới. Cô tin chắc lời giải của mẹ là sự thật. Điều đó chứng minh rằng, Hùng đã không xứng đáng là người bạn mà Lâm hết lòng tin tưởng thì làm sao Nghi có thể tiếp nhận Hùng với tư cách bạn bè, nói gì đến tình yêu?

– Chị hai! Sao hôm nay không ăn cơm. Mẹ dặn nếu chị không ăn cơm thì mẹ bắt chị… quỳ đó.

– Mày giỡn hoài. Chị đang đau cái đầu.

– Lại chuyện anh Lâm phải không? Chị quả thật không biết gì! Anh Lâm được công ty Đông Phương giữ lại làm kế toán trưởng tạm thay cho chị kế toán trưởng kia lên xe bông về nhà chồng tận Cà Mau lận.

Nghi bàng hoàng:

– Chị ấy lấy ai thế?

– Nghe anh Lâm nói lấy một tay kỹ sư trong Công ty cổ phần cơ khí Petrolimex đó. Oai chưa? Công ty Đông Phương thì còn mỗi anh Lâm có bằng cấp cao nhất về Kế toán.

– Kế toán trưởng tạm thời cũng ngon rồi. Sao anh ấy không nói với chị?

– Anh ấy dặn em và mẹ đừng nói.

– Thiệt tình! Cơm còn không?

Đột nhiên nghe chị hai hỏi cơm, con em cười rũ:

– Đúng là tin tình yêu mạnh hơn cái chết! Xuống bếp lục ăn đi chị hai! Ai đâu mà hầu. Em còn coi đá bóng.

– Hôm nay, ai đá với ai?

– Russia với Turkiye.

– Sao nói Nga thắng rồi?

– Ờ quên! Turkiye với Germany.

– Lại lạc hậu nữa. Germany thắng rồi còn gì!

– Gớm! Chị nói không coi mà gà nào chọi gà nào, chị rành hơn ai hết! Thì Đức với Tây Ban Nha. Chị bắt ai?

– Chị bắt… cái đầu mày. Mê thằng tiền đạo nào chưa? Coi đi, chị hai đi ăn cơm. Mẹ đi chơi với chú Tâm rồi hả?

– Chú Tâm gì! Mẹ qua nhà anh Lâm.

Nghi mất hồn:

– Chuyện gì?

– Em biết chết á! Chắc chuyện chị và anh Lâm ấy.

– Mẹ thiệt tình. Chút nữa chắc chắn anh Lâm sẽ đưa mẹ về. Em nói chị ngủ rồi nhé! Hừ! Có việc rồi chẳng báo cho một tiếng!

* * *

Đường phố mùa hè quả bụi bặm. Hai bên đường quốc lộ, những hoa đào đã nở rực rỡ. Người đi đường dừng bên quán nước mía để xem chừng coi có công an thường chận bắt xe không bản số, chạy quá tốc độ, không mũ bảo hiểm… Không thấy tín hiệu gì, họ bắt đầu phang ra đường. Chị bán nước mía nhìn theo, chép miệng:

– Bày chi cái cảnh ra đường đội cái nồi cơm điện ngó nặng nề hơn mang cái tròng cổ!

– Tai nạn nhiều quá phải thế thôi! Xe cộ tràn ngập. Không chết bớt thì chỗ đâu mà chứa nổi. Không thấy Miến Điện mới đó đã bị bão Margis, magít gì đó, Trung Quốc thì động đất. Chết nhiều hơn lính Mỹ tử trận tại Irag!

– Biết! Nhưng nhìn chướng quá đi! Nhìn thấy mệt mỏi, hết văn minh.

– Mày đi đường nói chuyện điện thoại là coi chừng đó nhé! Chúng giật cho mà té ra đường cho lỗ mũi ăn trầu. Vàng vòng cất hết đi. Mang đồ giả mà chúng lấy được cũng khốn khổ với bọn cướp. Nó quánh cho cái tội vàng thật không mang, mang vàng giả.

– Cho hai ly nước mía chị. Cho chanh muối nhiều chút! Nhanh nhanh chị ơi! Nóng quá!

– Em chờ nhen. Cúp điện nên xây tay lâu xí đỉnh.

Người đàn ông đỡ người đàn bà ngồi xuống. Bụng chị ta hình như sắp tới ngày sinh.

– Tới ngày sinh còn chạy xe, không sợ sao em?

– Dạ, em bảo vợ em ở nhà nhưng nó không chịu. Chạy xe thì xe chạy chứ mình có chạy đâu. Nó nói thế thì sao cãi lại.

– Chạy bỏ mối trái cây thôi mà! Cho con cái trong bụng biết công khó của mẹ phải chạy vạy từng bữa ăn nuôi nó.

Nghe tới đây, chị bên cạnh cười to:

– Con cái có biểu chúng ta đẻ chúng ra đâu?

Không khí lại xoay quanh chuyện con hư, con hỏng, con cán bộ, con đại gia, con nhà nghèo, con mồ côi, con bỏ thùng rác… Người cầu cái này, kẻ ước điều kia. Chị bán nước mía chỉ cầu trời cho có điện. Tiếng xe hú ầm ĩ.

– Cái gì đông vậy?

– Cái bọn quay phim đang quay mấy đứa chân dài.

– Một năm không biết bao nhiêu là cuộc thi khoe vốn tự có.

– Vốn tự có con khỉ! Toàn là “tự nâng cấp” của mấy tay quảng cáo nói láo ăn tiền. Nước ngoài thi hoa hậu còn chất lượng chút ít chứ nước mình thì đâu vào đó cả rồi!

– Thi hoa hậu hoàn vũ Việt Nam vừa rồi không thấy sao? Chưa có kết quả mà những thư nặc danh đã công bố bộ ba Hoàng Yến, Nguyễn Thùy Lâm, Thiên Lý trúng giải!

– Làm gì có!

– Không tin thì đi hỏi mấy tay săn hoa hậu ấy! Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam nói cho có oai chứ có cô gái nào ở nước ngoài là Việt Nam được thi đâu? Mà có thi cũng giỏi lắm ôm giải mót. Nói tiếng Việt không chuẩn thì nguyên cớ bị loại rõ ràng nhất. Ông không biết chứ, những cô du học sinh Việt Nam từ nước ngoài về thi mà cũng nói là hoàn vũ, hoàn vũ cái củ cày!

– Ông rành gớm nhỉ!

– Sao không! Tui ăn rồi cứ coi ba con chân dài này nên bà xã tui hăm… mấy lần. Coi hoài chán quá!

– Nghe nói hoa hậu Thùy Lâm đăng quang tại Vinpeal ở Nha Trang được “cho” thêm chiều cao từ 1m 69.5 lên 1m 7 và có web cho 1m 72.

– Ui! Cô ấy là con của ông Tổng giám đốc sắt thép miền Nam giàu sụ.

– Nó cũng dễ thương chứ bộ.

– Ông coi chung quanh nó có con nào ra hồn không mà nó không được chọn? “Trong thế giới người mù, thằng chột làm vua”.

– Còn ba cái thằng nhà thơ, nhạc sĩ chầu rìa thấy ghét!

– Sao nói vậy cha nội?

– Tụi lính đảo nói rằng mấy ông nội này mang khăn áo ra đó để lấy “hứng” viết thơ, làm nhạc cho ngày thi hoa hậu hoàn vũ thế giới nhưng hơn hai tuần ăn chơi thì hứng lên nhưng hứng… đi về mà chẳng có bài bài ra lò! Đúng là tìm cách rửa tiền của nhân dân.

– Vậy ông có đi coi không?

– Tui chỉ coi trên ti vi mà thôi! Tiền không có cho con đi học cua, lấy gì mua cái vé ngàn mấy đô la trời!

– He he he… chỉ làm con ve sầu mùa hè!

– Thôi, chào bác. Tui đi trước đa!

– Chào!

Con bé tấp vào chỗ bán nước mía tự nãy giờ. Nó cứ phải chờ cho chị xây nước mía cho khách uống tại chỗ. Nó không thèm mang mũ bảo hiểm chi ráo. Nó toàn gặp hên nên chẳng bóng áo vàng nào rượt. Chị chủ quan đang xây cho nó thì có thêm chiếc xe tấp vào:

– Cho bốn bịch nước mía đi liền chị ơi!

– Chờ chút được hông? Đang xây cho cái cô này này…

– Cô nương ơi! Nhường cho qua trước được hông?

Con bé kêu trời trong bụng nhưng cái mặt vẫn tươi:

– Nè! Cầm lấy! Ủa ủa? Tiền tiền?

– Chút xíu nữa thì quên. Có tiền thối không?

– Trời! Mười triệu đồng mà mua có bốn bịch nước mía? Thối lại cho anh thì anh lấy thúng mà đựng tiền lẻ!

– Chết cha! Không có tiền nhỏ. Mua cho mấy bà già ở nhà ấy mà.

Con bé bỗng nổi máu anh hùng:

– Tui cho anh mượn tiền nè. Cầm bốn bịch nước mía này mang về cho bà ngoại, bà nội anh!

– ??? Giống chửi xéo quá vậy?

– Đi đi! Tui không phải dại trai đâu! Khi nào gặp tui thì trả tiền lại cho tui đấy! Đi xe không mũ bảo hiểm, công an phạt thì đưa tờ mười triệu ra là nó… thối cho nhé!

Khách và hai anh thanh niên cười ầm trước câu nói đùa láu cá của con bé. Người thanh niên ngồi sau giục:

– Đi nhanh kẻo trễ! Cám ơn cô bé. Ngày mai, mấy anh sẽ tới đây trả nợ. Còn nợ hôm nay thì kiếp sau đền đáp cho.

– Hứ! Hông cần!

Hai người thanh niên đi ngay. Hình như họ đang vội vàng.

* * *

Cầm ba bịch nước mía, con bé chạy đường tắt về nhà. Câu chuyện hôm nay, nó lại thủ thỉ kể với mẹ và chị hai. Ba mẹ con ôm bụng…

– Thôi con đi làm. Em không vào trường à?

– Hôm nay, lớp em được nghỉ buồi chiều. Tối mới vào sinh hoạt.

Nghi đi làm. Nguyên ra sân trước. Giờ này thì chẳng có ai nhìn cô… suýt bóng vô tường. “Bịch. Bịch. Bịch…” Trái banh sau được Nghi nổi hứng hay sao đá tung bay qua cái cổng sắt. Nó rơi đúng vào đầu cái xe con đang trờ tới. “Bình bình bình!”. Tiếng đàn ông rú lên: “Trời trời trời…”. Nguyên đẩy cửa sắt thì đụng ngay ba người khách lạ. Tưởng họ mắng vốn, Nguyên lắp bắp, gãi mũi:

– Xin lỗi, lỡ chân!

– Cô là?

– Cô? Á! Chủ nợ bốn bịch nước mía của tôi! Ôi mèn!

Người đàn bà đứng tuổi lúc này mới lên tiếng:

– Nhà này là của bà Xuân Nga phải không cô?

– Dạ!

– Chúng tôi vào được chứ? Có bà Nga ở nhà không?

– Dạ được. Dạ có. Để cháu đi gọi má cháu.

Hai anh thanh niên ngó nhau.

– Thật là một chuyến đi có ý nghĩa quá mậy?

– Vậy thì coi chừng tao phải trả nợ cái câu “kiếp sau đền đáp” của mày rồi!

Họ vào nhà trong. Nguyên chạy ra trước. Cô không quen nghe chuyện người lớn. Người thanh niên trẻ hơn xin phép chủ nhà rồi đứng dậy đi theo con bé. Nguyên nhận ra là người thanh niên ngồi sau chiếc xe mua nước mía hồi trưa. Cô cười to.

– Oan gia gặp nhau phải không… cô… a, em?

– Công an có… thối tờ mười triệu cho anh không?

– Ha ha… Anh chờ em… thối lại thôi! Nhưng anh đã đổi ý. Có thể là em không giờ thối lại.

– Vì sao?

– Vì anh… cống nạp cho em hết luôn!

– Ha ha ha… Anh muốn chụp một trái banh nữa thì nè… bịch!

– Ui da! Nặng!

Khi những người khách không mời đi khỏi, Nguyên hỏi mẹ:

– Họ tới làm gì đó mẹ?

– Coi mắt vợ cho con trai.

– Chị hai có biết không?

– Tối nay mẹ sẽ nói. Con hình như đã quen biết họ?

Nguyên cười to:

– Con kể với mẹ rồi. Con gặp mấy ảnh lúc mua bốn bịch nước mía mà đưa tờ mười triệu ấy!

Bà mẹ há hóc. Bà bật cười: “Có thể là điềm tốt nào đó”.

* * *

Người đàn bà đứng tuổi đang nghỉ trong một khách sạn sang trọng. Bà ta hỏi con trai:

– Không gặp con gái lớn của bà Nga. Tối nay, con tới đó đi! Mẹ đã xin phép bà ấy. Con nên chuẩn bị mà gặp cô Nghi.

Thấy con trai chẳng chú ý, bà nhắc lại:

– Con nghe gì không hả?

– Dạ! Con vẫn nghe mẹ đó chứ. Tối mình con đi sao?

– Đi coi mắt vợ thì mẹ sẽ đi nhưng mình đã tới nhà rồi coi như đánh tiếng. Tối nay, con đến một mình có lẽ tự nhiên hơn là chúng ta phải tới ba người.

– Dạ!

– Nhớ đừng trổ ra Việt Kiều hay này nọ. Nhà người ta có vẻ không phải mê hơi hám Việt Kiều.

– Dạ!

Người thanh niên trả lời cho có. Đầu óc anh đang nghĩ về quán nước mía và trái banh da.

Tối hôm ấy, người thanh niên quay trở lại. Chị Nghi của nó đang gặp chuyện gì đó bực mình nên nói dăm câu là xin nghỉ sớm. Người tiếp lại chính là con bé Nguyên. Nó tha hồ trổ mồi lém lỉnh.

* * *

Hùng vào phòng làm việc của Nghi. Anh thu hết can đảm để nói câu xin lỗi mà không mở miệng được. Nghi không nói gì về cuộc hẹn không gặp tối hôm kia. Chị kế toán gõ cửa. Nghi trả lời:

– Chị vào đi chị.

– Chào sếp! Nghi à! Sát bên nhà chị có bà bán bắp luộc, chị mua cho em vài trái ăn chơi. Chị thấy em mấy hôm nay, cơm trưa chỉ ăn toàn bắp. Nhớ chia cho sếp với nhé!

Nghi cười buồn:

– Chị thiệt tình! Bày vẽ quá. Sếp thích thứ khác hơn là bắp bình dân.

Chờ chị kế toán đi ra, Hùng có dịp mở khẩu:

– Em hờn anh lâu thế? Mấy hôm nay, em không được khỏe sao? Anh xin lỗi. Đêm đó, anh kẹt quá!

– Em có nói gì đâu!

– Em không nói, anh mới đau!

– Mọi chuyện đã rõ ràng rồi! Anh không cần khỏa lấp. Có được một người bạn như anh, chúng tôi thật vinh hạnh!

Nhớ câu của mẹ, Nghi hừ, rồi nhắc lại:

– Những kẻ tị hiềm sẽ không lớn nổi thành người!

Nghi mát mẻ. Hùng thừ ra. Anh không biết làm sao mở miệng tiếp. Anh đứng dậy, nhìn Nghi rồi quay đi.

Ngoài hành lang, chị kế toán nhìn theo dáng đi của Hùng. Chị biết rằng giữa hai người có chuyện chẳng vui. Nghi đã không làm to chuyện chị không thanh toán tiền lương cho công nhân đúng hẹn. Chồng chị chơi cá độ đá banh nên chị mới khổ. Cái tật mê cờ bạc của anh ta làm chị sống dở, chết dở. Bỏ thì thương mấy đứa con, vương thì tội thân mình. Chị không bị kết tội thâm thủng ngân quỷ. Phước bảy đời.

Nghi hàng ngày hoạch toán những con số khống của công ty nên Nghi biết rõ. Những tờ hóa đơn thanh toán hàng hóa của công ty lên hàng tỷ đồng nhưng không phải cho công ty hết. Trái lại, chúng chạy vào những công trình, biệt thự của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị để trốn thuế. Sự tham nhũng có đỡ đầu của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị lại được luật kinh tế che chở so với số tiền mà chị kế toán kia vay trước còn khủng khiếp hơn nhiều. Nghi mở cho chị kế toán một con đường bằng cách cho chị vay tiền trả nợ. Vài chục triệu đồng với Nghi là không nhỏ nhưng giúp chị đừng ngã vào hố sâu cũng là một điều lương thiện.

Chị kế toán biết ơn Nghi. Chị mang hồ sơ vào phòng Hùng vừa nộp vừa kiếm cách nói vào một vài câu giúp họ hàn gắn lại tình cảm. Chị khựng lại. Hùng không có trong phòng. Chiếc điện thoại di động của Hùng đã nằm chõng vơ trên bàn. Hình như, chủ nó đã… mạnh tay. Chị mang nó qua phòng Nghi:

– Sếp đời nào quên điện thoại! Chắc bị tâm thần rồi. Em cất cho sếp.

– Dạ.

Đưa tay cầm lấy cái điện thoại, Nghi vuột tay. Chị kế toán nhanh mắt chụp được. Chiếc điện thoại như chạm nút nào đã phát ra những tiếng động khiến cả hai bối rối nhìn nhau: “rè rè… bụt bụt e… e.. em không thể làm như thế? Sao lại không? Anh bỏ em mà theo con nhỏ đó, em còn tạm tha. Anh hứa tối nay đưa em đi nhưng anh như kẻ chết sông. Đừng hòng em giao lại tập hồ sơ này. Không thể được. Em trả nó cho anh. Vật không phải của mình thì giữ làm gì? Quan trọng với anh không? Quan trọng không phải là tiền mà là chữ Tín. Quan trọng vậy thì anh phải biết điều với em. Bao nhiêu? Tiền? Ha ha ha… Em chỉ cần anh. Điên thật! Cô giữ luôn đi! Cùng lắm, tôi bị mang tiếng cho vừa lòng cô. Đồ đạc khách bỏ quên, cô chủ không trả còn làm khó. Cách làm ăn của quán cô đó hả? Đừng hốt muối lấp miệng. Em nói cho anh biết: Mọi thứ luật nào cũng không bằng luật rừng! soẹt. re…re..”

– Chuyện gì vậy hả?

– Em không rõ. Hình như anh ấy bị người đàn bà nào đó ép làm chuyện gì? Hình như một tập hồ sơ. Thôi! Chị mang nó bỏ lại phòng ảnh. Em sợ bị mang tiếng nghe lén điện thoại.

– Em đi đi! Lỡ ai gặp chị trong phòng của sếp, chị khó thanh minh lắm. Trong công ty mình, thằng Tùng và Linh là hai đứa hay moi móc chuyện người ta. Nói chuyện với ai, nó cũng rình chụp hình và mở máy thu để coi gió chiều nào thì ngã theo chiều nấy. Ngán lắm!

– Thôi được, để em.

Nghi vào phòng làm việc của Hùng. Những chồng giấy bị gió hất tung ra. Cô thuận tay xếp lại cho ngay ngắn. Tim cô thót lại như người bị coi trộm thư từ. Trong mớ giấy tờ, có mấy chữ ghi thật to: “Nguyễn Thị Đoan Trang, con gái Phó chủ tịchTtỉnh sẽ về phòng kế toán. Gởi Hùng Phòng Tài chính – Kế toán. Khương“.

Nghi choáng váng. Cô vội vã chạy ra khỏi phòng như trốn một sự thật. Khương là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhân vật này còn to gấp trăm lần ông Giám đốc của công ty. Gặp nhân vật này, Hùng thúc thủ thì Lâm làm sao có cửa chính mà vào! Mấy tháng nay, Hùng không một lời thanh minh nào hết là vì sao? Hùng bị kẹt vào lời hứa giữa Lâm và nhất là với cô chăng?

Một tiếng đồng hồ sau, khi Nghi còn đang bấn loạn về sự phát hiện của mình từ cái phôn và tờ giấy trên bàn Hùng thì có người gọi vào máy:

– Chị Nghi! Sếp Hùng đang nằm phòng cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Chị tới mau đi. Bọn em đang ở đây nè.

Những phát hiện và những tin bất ngờ đến ngoài dự liệu khiến Nghi khó tiếp nhận cùng một lúc. Cô khụy xuống, đầu óc đang quay mòng mòng. Chị kế toán phải dìu Nghi đứng dậy. Chị tưởng rằng Nghi xốc vì tin Hùng bị tai nạn nên an ủi:

– Không sao đâu em! Chị chở em tới bệnh viện.

– Dạ.

Thay vì báo cho Lâm rõ mọi chuyện và cáo lỗi cái hẹn ngày mai thì Nghi lại ngoan ngoãn đi theo chị kế toán. “Mạng người quan trọng”. Trong đầu Nghi lóe lên ý nghĩ ấy. Hai chị em như vẹt thiên hạ ra để chạy nhanh hơn. Hai chiếc mũ bảo hiểm dắt ở đầu xe gởi trong bệnh viện được một lúc thì không cánh mà bay!

* * *

Lâm tới nhà Nghi với bó hoa hồng. Con em gái lại ra mở cửa:

– Chào anh rễ! Chị hai của em không có ở nhà.

– Hôm nay chủ nhật mà em. Chị hẹn anh hôm nay tới nhà mà.

– Anh Hùng bị xe đụng từ thứ sáu. Chị ấy đến bệnh viện. Anh không hay gì sao?

Lâm tái mặt. Anh để bó hoa trên bàn, hấp tấp:

– Anh đến bệnh viện bây giờ. Hôm nay là ngày sinh nhật của chị hai em.

Con em chưa kịp há họng, Lâm mất dạng. Anh nôn nóng dùm cho thằng bạn. Dù sao, với anh, nó cũng là một người bạn tốt.

* * *

Phòng hồi sức đông nghẹt. Lâm nhìn thấy Nghi đang lom khom với cái khăn lau mặt cho bệnh nhân. Anh đoán là Hùng rồi. Đến bên cạnh Nghi, anh khe khẽ hỏi vì thấy Hùng đang cố gắng nhướng hai con mắt nhìn anh:

– Cậu đi đâu mà xe đụng vậy?

– Anh mới tới hả? Ảnh lủi vào thanh chặn đường rầy xe lửa chớ có ai đụng đâu! Sao anh biết mà tới đây?

– Nguyên nói cho anh mới lúc nãy. Cậu không sao chứ?

Hùng cố cười. Cái đầu còn băng đỏ máu. Nghi trả lời thay:

– May mà không sao. Chỉ hơi chảy máu vì rách da đầu.

– Vậy thì may phước.

Loay hoay một lát, nhận thấy mình như thừa thải, Lâm kiếm chuyện:

– Em ở đây với anh ấy. Sinh nhật vui vẻ. Anh phải về đây. Cậu nằm nghỉ cho lại sức. Tớ đi nhé. Mai tớ quay lại thăm cậu.

Lâm tay nắm tay Hùng. Đôi mắt Lâm nhìn Hùng đầy thương cảm. Hùng lí nhí: “Tớ xin lỗi”. Lâm cũnng nói thật nhỏ: “Sau này, cậu nhớ chăm sóc tốt cho Nghi nhé!” rồi quay bước. Nghi đã vì Hùng mà quên cái ngày sinh nhật của mình thì sao Lâm không thể vì Nghi, vì Hùng mà thông cảm cho cô chứ? Lâm không giận Nghi nhưng anh chạnh lòng. Anh chỉ thấy số phận của Nghi và anh như đã được định mệnh an bài. Anh bước thật dài. Nghi nghe như bước chân của Lâm đang dẫm lên trái tim mình!

Khi Lâm vừa khuất thì gường bệnh nhân Hùng có thêm một cô gái tới thăm. Trước khi ra về, cô ta đưa tập hồ sơ cho Nghi, nhỏ giọng:

– Vật hoàn chủ. Cô em cất dùm cho hắn. Tôi cũng không nên chiếm đoạt cái gì chẳng thuộc về tôi.

– Cám ơn chị.

– Người đàn ông này không đơn giản nhưng hắn còn có lương tâm đó cô. Loại người có chút lương tâm thì rất là hiếm hoi trong cái xã hội nửa thịt, nửa mỡ này. Cô giữ lấy nhé!

– Chị đã hiểu lầm!

– Tôi chỉ nói ra một lời cần nói. Còn mọi việc sau thì hai người tự xử lấy chứ! Hà… Chào.

Trước khi quay gót, chị cuối xuống Hùng cũng thật nhỏ giọng:

– Khi nào bị người ta… hất hủi thì hãy đến Hương Giang.

Hùng thở phào. Nghi nhìn xuống tập hồ sơ. Cô biết nó chứa cái gì trong ấy. Mọi cái hình như đã muộn màng. Cô giấu không nói cho Hùng biết và không hỏi vì sao anh thu lại hay tình cờ thu như cô tình cờ nghe được qua record trong phôn anh. Chuyện không đáng nhắc thì cũng nên quên đi. Cuộc sống này còn bao thứ phải lo toan. Khi mẹ Hùng đến, Nghi ra về. Bà nhìn theo và nói với con:

– Con thật khéo chọn bạn gái! Có phải vì công việc, vì tai nạn hay vì nó mà con đâm đầu vào cổng xe lửa?

Hùng nhìn mẹ. Anh thấy nỗi lo âu của mẹ trong mắt. Anh cười cho mẹ yên lòng.

Hùng xuất viện. Anh liên lạc ngay với một người. Hai người trò chuyện rất lâu. “Cám ơn. Nhớ giúp đỡ dùm nhé! Cũng là bạn bè cả mà!”. “Yên chí! Vợ tớ cũng từng làm chung chỗ của anh ấy. Vợ tớ khen anh ấy rất giỏi chuyên môn. Tớ phải có những tay này cho bằng được nhưng không biết anh ta có chịu đi xa không?”.

Sau ngày Hùng và người đàn ông nào đó trò chuyện, Lâm nhận lá thư từ Bảo và thư Yến, cô kế toán trưởng cũ của công ty. Anh dè dặt nói với má về một chuyến đi xa. Người mẹ nhìn con đăm đăm:

– Giờ thì má không giữ con lại bên mình nữa. Con trai phải lập nghiệp tiến thân. Nhớ đừng làm ba cái chuyện nhỏ ăn chén nhỏ, lớn ăn tô lớn mà má buồn lòng.

– Con đâu đến nổi thế má! Ở nhà một mình má có buồn không? Hay là con cho ba số điện thoại của má để ba nói chuyện cho vui?

– Đừng nhắc tới ba con. Ông ta đã có vợ khác. Bà ấy có thể là một người đàn bà tốt. Má không muốn chiếm lĩnh thứ gì không còn của mình. Ba con đã lấy bà ta. Đủ thấy, ông đã không có má trong lòng. Má không cản hai cha con nhìn nhau nhưng tốt nhất, con phải tự lập thân chứ đừng trông chờ tiền Mỹ. Con có ba đứa em cùng cha khác mẹ đấy. Ba con phải lo toan.

– Thôi đừng nhắc chuyện đó nữa. Mỗi lần nhắc, má cứ chùi nước mắt hoài. Con không đi đâu nữa hết.

– Không nên bỏ lỡ cơ hội. May mắn không tới hai lần đâu con. Chuyện con và Nghi coi như xong hay sao?

Thấy má nhắc tới Nghi, Lâm đành nói thật:

– Nghi và con làm sao có kết quả gì! Nghi yêu Hùng. Con thấy Hùng một lòng với Nghi. Hùng lo cho Nghi nhiều hơn con lo cho cô ấy. Con làm sao nỡ chia cách họ!

– Nhưng Nghi có nói với con là nó yêu Hùng không?

– Dạ không nhưng con thấy nhiều lần, cô ta hẹn với con nhưng lại đi với Hùng. Đám công nhân công ty con, đứa nào cũng biết.

– Một cô gái tốt thì sẽ làm những chuyện tốt. Nghi có lẽ tự ái vì con cứ lầm lũi chẳng nói năng gì tới cô ta. Con à! Phải bày tỏ tấm lòng chân thành của mình. Con có trao hết trái tim con cho nó thì con mới nhận trái tim của nó chứ?

– Má không biết thôi! Cô ta ở bệnh viện săn sóc cho Hùng đủ hiểu rồi. Thôi má ngủ đi.

Bà mẹ thở dài. “Hãy để cho nó đi xa để nó trưởng thành hơn”…

Công ty Đông Phương. Một tháng sau.

Lâm bàn giao mọi thứ cho người kế toán mới. Anh cám ơn và từ giã mọi người. Công ty định mở tiệc tiễn anh nhưng anh không cho. Đám công nhân đứa nào cũng buồn thiu. Nhưng người buồn nhất chính là anh. Đưa anh ra sân bay chỉ có má. Chị suy nghĩ lắm mới quyết định cho con đi xa. Chị rơm rớm nước mắt:

– Con đi nhớ cố giữ sức khỏe là má mừng.

– Con nhớ mà má. Khi nào công việc ổn định, con sẽ về đón má vào.

Nhìn những người thân đưa tiễn thể hiện tình cảm thắm thiết ở sân bay, Lâm chùng lòng. Anh cố gắng không quay đầu. Anh hiểu rằng cái nhìn sau cùng của anh khi ngoái đấu lại nhìn mẹ, có thể làm trái tim người mẹ can đảm ở lại Việt Nam chứ không chịu chấp nhận cuộc tình tay ba, sẽ vỡ ra.

* * *

Nguyên báo tin muộn quá. Nghi bủn rủn chân tay. Tại sao một phút chia tay, Lâm cũng không dành cho cô? Từ ngày gặp ở bệnh viện, vì tự ái, cả hai chẳng ai gọi cho nhau. Nhưng trong lúc này thì khác, Lâm đang là người rời xa cô vĩnh viễn. Nghi nghe lòng oan ức quá! Cô quyết định kết thúc mọi chuyện. Cô nhắn tin trong phôn cho Lâm và nhấn nút “send” với hy vọng là anh có thể hiểu tiếng lòng của cô dù là lần cuối cùng. Tại sao Lâm không chịu mở lòng ra mà hiểu cho cô? Sau lần gặp ở bệnh viện, Nghi như giải tỏa được nỗi khúc mắc. Nghi nhìn Hùng với cặp mắt không phải dành cho Lý Thông, Trịnh Hâm hay Tôn Tẩn như mẹ ví dụ. Khi đã cởi ra được những mớ bòng bong trong lòng, Nghi đã coi Hùng như một người bạn, đồng nghiệp và là sếp tốt của mình. Không muốn cho Lâm hiểu lầm, Nghi không đi chung với Hùng. Lâm không biết nhưng lòng cô biết rõ. Cơn giận hờn tình yêu nào cũng phải cần có thời gian và sự thông cảm hóa giải. Lâm đã không chịu hiểu. Nghi cũng không chịu nói. Vậy mới có cái kết quả tồi tệ hôm nay. Người đi, kẻ ở đều mang vết thương! Không được! Nghi phải tới đó càng nhanh càng tốt.

Hùng đang ngồi trước vi tính. Nghe tín hiệu, anh mở máy. Anh bàng hoàng với những dòng nhắn tin của Nghi: “Anh không chịu nói gì với em? Em chỉ yêu một mình anh mà thôi. Em tới sân bay ngay”. Hùng tưởng như mình đang rớt xuống vực thẳm. Anh ra chỗ để xe con, nổ máy, chờ Nghi.

Trong phòng, Nghi không kịp thu dọn giấy tờ. Cô chỉ kịp vớ cái xách tay và bương bã bước ra.

– Em vào xe! Chúng ta đi tới sân bay! Em chạy xe máy thì chừng nào mới tới chứ!

– !!!

Nghi sững sờ. Cô chết điếng. Cô không hiểu sao Hùng lại biết cô đi tới sân bay mà đón? Nhưng dù sao xe con cũng chạy nhanh hơn xe máy. Cô lên xe. Một nhân viên như đã được thông báo sẵn, anh ta mang chiếc xe máy của Nghi cất lại trong nhà xe.

* * *

Máy bay cất cánh, Lâm không thấy được người con gái từ một góc sân bay nhìn theo ràn rụa nước mắt. Chiếc xe Toyota Aralon thường ngày đã thay bằng chiếc BMW X6 X DDRI 3.5. Trong xe cũng có một người đang chờ một người đưa tiễn người trong sân bay. Hùng đã biết người đi là Lâm và biết Lâm sẽ đi đâu? Anh chở Nghi về mà không nói gì. Để tôn trọng những cảm xúc riêng tư của Nghi, Hùng im lặng. Anh nghĩ rằng thời gian sẽ làm cho Nghi quên và anh sẽ đường đường chính chính đi vào trái tim cô bằng một tấm lòng. Nghi đau đớn. Cô đã mở tấm lòng cho Lâm nhưng Lâm cả một tin trả lời cũng nhẫn tâm không nhắn lại.

* * *

Bên kia phi trường nơi đón người, có hai vợ chồng người kỹ sư Công ty xăng dầu Petro đang đón một người mà họ hết lòng tin tưởng vào khả năng chuyên môn của anh. Lâm đã tìm ra một chỗ đứng cho mình sau khi quyết định phải đi xa. Anh mở phôn ra. Tin nhắn của Nghi. Lòng anh rộn lên nhưng thật là nghẹn ngào: “Chúng ta cần phải nói rõ ràng. Em không thể nào yêu anh và lấy anh đâu. Em xin lỗi!”. Trong xe của hai vợ chồng cô kế toán Đông Phương dạo nào đang hát bản “Người tình trăm năm” của Đức Huy: “Nếu như có một ngày. Một ngày nào đó. Anh xa em, chẳng còn thương đau. Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay. Nhiều như những gì mình qua tay. Một lần, đã trọn vẹn ái ân. Với anh, em mãi là người tình trăm năm… Nhưng vòng tay yêu dấu đã xa rồi như con tàu ra khơi… Đến một ngày nào đó, em sẽ biết rằng, anh yêu em nhiều bao nhiêu…”. Anh nghe lòng rưng rưng. Nghi đã không còn yêu anh.

Trước mặt, một nhà hàng với bản hiệu 5 sao lộng lẫy, to khổng lồ, sáng chói. Năm ngôi sao giăng ra trước mặt. Lâm cười buồn. Người ta có thể cho anh hết năm sao thì anh cũng không vì thế mà trở thành tinh tú cũng như anh chẳng nhận sao nào thì bầu trời kia chẳng mất sao mà sáng thêm ra! Một sao hay hai sao đối với anh chẳng có ý nghĩ gì khi không có tình yêu! Anh không tranh giành quyền lực và tình yêu. Lương tâm anh lấp lánh ngàn ánh sao rồi. Anh không biết rằng sự hy sinh của anh có mang lại hạnh phúc cho Nghi hay chỉ làm cho Nghi đêm đêm ôm cái giỏ xách tay vào lòng với nhiều vết xước?!

* * *

Nửa năm sau.

Hùng đi công tác ở thành phố. Anh thẳng xuống Cà Mau gặp Hùng. Hai người bạn lâu ngày gặp nhau lại dẫn ra quán cà phê. Hùng nhìn ra đường:

– Thành phố nào cũng càng ngày càng chật chội và khó thở quá.

– Cậu bị sao vậy? Hà Nội không đang mở rộng tới miền núi sao?

– Hừ! Đất miền núi ai mua? Giá sẽ ra sao khi Hà Nội mở rộng? Người kém thông minh cũng hiểu được mà.

– Sài Gòn khác hơn không?

– Khác và không khác!

– ???

– Ngày nào cũng có dân Tiền Giang, Hậu Giang… kiện tụng đất đai bị tịch thu là cái không khác. Nhà cửa dinh thự, khách sạn, nhà hàng khang trang nhưng không phải của dân lao động, đó là cái khác!

– A! Rõ rồi. Đừng phiền vì ba cái chuyện như cơm bữa này nữa. Thế hệ chúng ta tiếp nhận không nổi.

– Công việc dạo này của cậu ra sao?

– Rất tốt. Cám ơn cậu rất nhiều.

– Tớ làm gì mà cám ơn?

– Yến nói cho tớ biết rồi!

– A! Cậu không giận tớ chứ? Thật là khó ăn nói với cậu lúc ấy.

– Tớ có bao giờ giận cậu đâu? Cậu dạo này ra sao?

Hùng nhếch miệng cười buồn. Anh thò tay trong cặp, lấy ra một tấm thiệp:

– Tớ đến lúc phải lấy vợ. Cái này dành cho cậu, mời cậu sắp xếp thời gian ra với tớ cho vui.

Lâm nghe nhói một cái:

– Tất nhiên. Nghi khỏe không?

– Khỏe.

– Cậu đừng làm cô ấy buồn. Cô ấy yêu cậu.

– Yêu tớ? Người Nghi yêu chính là… cậu đây này!

Lâm như nhảy dựng lên. Anh mất bình tĩnh. Hùng mở cái phôn cho Lâm đọc cái tin nhắn của Nghi trước giờ Lâm lên máy bay từ nửa năm trước và chua chát:

– Những dòng này không phải viết cho tớ mà cho cậu. Nghi nhắn nhầm phôn thôi!

Lâm bấn loạn. Anh không thể đưa tin nhắn trong máy anh cho Hùng đọc. Lâm chỉ thắc mắc:

– Vậy sao cô ta chịu lấy cậu?

– Ai nói Nghi chịu lấy tớ? Tớ năn nỉ gần như gãy lưỡi. Tớ cũng là đàn ông. Không nên chiếm lấy những gì không thuộc về mình. Câu này đã thành chân lý rồi. Cậu thì những gì đã thuộc về mình cũng đánh mất!

– Tớ ư? Trời ơi! Cậu mới nói cưới vợ…

– Bà xã tớ cứ phải là Nghi hay sao?

Lâm lo lắng:

– Vậy Nghi giờ như thế nào?

– Cậu hỏi Nghi thì biết!

– Nửa năm nay, tớ không liên lạc. Tớ nghĩ là cậu và Nghi sẽ có hạnh phúc sau chuyến cậu nằm viện.

– Tim cậu cũng sắt quá nhỉ? Nhà Nghi nghe nói có Việt Kiều luật sư về xin cưới đó? Tớ gặp Bảo, chồng Yến một chút. Cậu nên tranh thủ cơ hội còn lại đi!

Họ chia tay. Lâm tức tốc gọi về cho má. Má anh cười trong phôn:

– Con muốn về thăm Nghi thì về. Bày đặt thăm má làm gì! Tuần sau nhà Nghi rước dâu đấy!

Lâm không làm được việc gì nữa cả. Anh đành nói thật với Bảo để xin về nhà ít hôm. Công việc công ty bề bộn nên anh chỉ được phép đi khẩn trong hai ngày.

* * *

Bên kia, nhà Hùng tưng bừng rước dâu. Cô dâu chính là chị chủ quán cà phê máy lạnh Hương Giang. Bên này nhà Nghi cũng chuẩn bị đèn treo, hoa kết cho ngày mai. Nghi đến chúc mừng Hùng rồi đi ngay vì cô mắc lo đám cưới nên Nghi và Lâm không gặp nhau trong tiệc cưới của Hùng. Chú rễ, cô dâu nhà Nghi vẫn còn trong bí mật.

Đêm nay, Lâm tới nhà Nghi nhưng chỉ đứng nhìn từ xa mà lòng quặn lên đau đớn. Nghi lấy chồng thật sao chứ? Nghi yêu anh mà anh lại đẩy Nghi vào tay người khác ư? Bản chất của Nghi đâu phải là hạng gái thích giàu có? “Lâm ơi! Mày là một thằng hèn. Mày tưởng mày cao thượng ư? Mày đã giết chết trái tim của người mày yêu và yêu mày. Tại sao khi nghe tin Hùng thông báo mà mày cũng giữ kẽ đến giờ này mới chường mặt ra xót xa! Mày còn là thằng đàn ông không? Người không lớn nổi chính là mày!”. Anh không giữ nổi thái độ bình tĩnh của một kẻ “quân tử tàu”. Anh nhất quyết phải gặp Nghi cho bằng được đêm nay. “Kíng kong…” “Gâu gâu gâu…”. Lại con chó của Nghi. Lần này người mở không phải là con em mà là mẹ Nghi. Bà nói một câu đầy ý nghĩa:

– Con đã chịu về rồi à?

– Dạ. Bác à! Nghi có ở nhà không?

– Nó đang lo đồ đám cưới…

– Không thể được!

– ???

– Bác cho con gặp Nghi. Con muốn nói chuyện rõ ràng với Nghi.

– A! Ô! Ui… cái thằng…

“Nó ăn trúng cái gì mà trở nên nóng như lửa vậy?” Người mẹ hết sức ngạc nhiên. Nhưng ít ra, bà cũng đã nhận thấy thằng ăn trúng cái gì này đang ghen… Chứng tỏ là nó vẫn yêu con gái bà. Sao nó ghen nhỉ? Ấy dà! Bà lẩm cẩm mất. Nó ghen vì cái đám cưới này… Trời! Bà… bật cười.

Con chó Ki Ki hực lên mấy tiếng rồi ngoe ngẩy cái đuôi chạy trước. Anh như chạy theo con chó. Anh đụng đầu con em gái Nghi đang tươi roi rói bước ra:

– Chị Nghi đâu?

– Ô anh Lâm! Anh Lâm về chị hai ơi! Chỉ đang kết hoa trong phòng kìa!

Lâm xông vào phòng. Nếu anh có bị mắng chửi thì cũng chỉ hết đêm này. Anh không ngán nữa. Anh trở nên nóng vội hơn bao giờ hết!

– Xuân Nghi!

– !!!

– Em không thể nào lấy người xa lạ! Anh xin lỗi!

– !!?

Không ghìm được lòng mình, Lâm ôm lấy Nghi. Hai tay anh xiết chặc Nghi như không muốn báu vật trong tay anh vụt bay. Nghi như trời trồng, chịu trận. Những cánh hoa hồng đang kết rơi xuống sàn. Lâu lắm rồi Nghi mới cảm nhận lại được nụ hôn thắm thiết của tình yêu. Cô không chống cự cho đến khi gần như nghẹt thở, Nghi mới đẩy Lâm ra:

– Anh làm gì vậy?

– Tại sao em lấy người ta?

– Ai nói? Người ta nào?

– Vậy ngày mai người ta cưới ai?

Nghi như bật ngữa. Cô ra ghế Salon. Lâm theo ngồi bên cạnh. Bên ngoài, mẹ và con em gái Xuân Nguyên như trút được tảng đá nằm đè mấy tháng nay. Bà thở phào. Tiếng chó sủa inh ỏi ngoài sân cùng tiếng người đàn ông càng gần tới. Nhìn thấy anh ta, Lâm đứng dậy:

– Anh là… ?

– Anh là… ?

– Tôi là… người yêu của Nghi.

– A! Chào anh! Anh về dự cưới của chúng tôi chứ?

Lâm như người cõi trên té bịch xuống trái đất. Tại sao mình giới thiệu là người yêu của Nghi mà anh ta là chồng sắp cưới của Nghi lại không có phản ứng gì? Chẳng lẽ anh ta tự tin đến mức coi thường đối thủ. Lâm hỏi lại lần nữa:

– Anh là…

– Chồng con bé Nguyên!

Người mẹ phải đỡ lời. Tim Lâm thót lại mấy nhịp rồi bung ra. Anh trố mắt nhìn Nghi. Cô như hờn dỗi về cái ngày về bất chợt và sự hàm hồ của anh, bỏ vào trong. Lâm xuống lửa:

– Bác cần con giúp gì thì nói con!

– Đi dỗ con Nghi là được rồi! Đi mau!

Chỉ chờ có thế, Lâm chạy bổ theo Nghi nhưng anh chợt quay lại với Nguyên:

– Bé Nguyên! Anh chúc mừng em! Cám ơn em.

Con bé nhìn thấy Lâm đang trong cơn như mộng du mà không khỏi bật cười:

– Mẹ coi kìa! Ảnh như con lật đật!

– Kệ nó đi! Ít ra, nó cũng có chút lớn hơn cách đây nửa năm.

Cả nhà lo chuyện cưới hỏi ngày mai, không ai thèm bận tâm đến hai người đang như sắp chết đuối được cứu từ sông lên.

* * *

Sáng ra, Lâm hối hả chạy vào tiệm bán nữ trang mua quà cưới cho Nguyên và không quên làm một việc…

Nhà Nghi tưng bừng nghi lễ rước dâu và nhà hàng đầy ập khách dự tiệc. Nguyên tươi tắn, rực rỡ bên cạnh người chồng hào hoa. Con bé ngày nao trở thành người đẹp nhất trong một ngày đẹp nhất. Nghi hôn em. Cô rươm rớm nước mắt:

– Vậy là căn nhà này chỉ còn có chị hai và mẹ đấy!

– Chị với anh Lâm cũng thế mà!

– Sao thế được! Chị sẽ ở với mẹ.

– Phải! Khi cưới em xong, anh sẽ để em ở với mẹ.

Lâm thỏ thẻ bên tai Nghi khiến Nghi phải đẩy anh ra kẻo người ta nhìn.

Một ngày cưới đã qua. Không thể bỏ lỡ cơ hội, Lâm cầm lấy tay Nghi, khẩn trương:

– Hãy làm vợ của anh nhé?

Nghi im lặng. Lâm mở hộp. Anh thận trọng cầm tay Nghi và mang chiếc nhẫn vào. Anh nhìn vào mắt Nghi nửa đùa, nửa thật:

– Coi như anh cột đời em chung với đời anh. Anh là tù chung thân của em.

– Em mới là tù chung thân của anh!

– Không! Vậy thì tù chung thân của nhau. Ngước mặt lên!

– Làm chi?

– Anh… hôn. Mai anh phải về Cà Mau rồi.

Nghi ngước mặt lên, anh cuối xuống: “Xuân Nghi! Anh… yêu em”.

Nụ hôn của anh đầy mùi vị mặn chát nước mắt của Nghi nhưng vị mặn chát ấy được cộng trừ. Nó trở thành hương vị ngọt ngào hiếm có trên trần thế. Nghi đã buột anh phải nói ra được một câu ba từ mà cô mong đợi bao nhiêu năm nay.

* * *

Lâm ra phi trường. Lần này không có má nhưng Lâm đã có Nghi.

– Em yêu! Anh sẽ trở về. Đợi anh nhé! Nhớ qua thăm chừng má dùm anh, an ủi bà cho anh nữa. Hãy giữ gìn sức khỏe cho anh và cho hai bà mẹ nhé! Xa em, anh nhớ em chắc chết!

Nghi chớp mắt như cố ngăn xúc động:

– Ai biểu bỏ đi?

– Em nhắn trong phôn anh là em không yêu anh! Anh làm sao đây?

– Em nhắn nhầm thôi!

Lâm ôm lấy bờ vai Nghi, vừa đùa, vừa cảnh cáo:

– Em có thể nhắn tin nhằm phôn nhưng đừng lấy nhầm chồng, nghe chưa?

Nghi cười ngượng nghịu. Lòng cô rộn lên niềm hạnh phúc bất ngờ trở về.

Trước khi vào phòng cách ly, Lâm ôm hôn cô trước bá quan thiên hạ. Anh chẳng sợ ai cười nữa. “Với anh, em mãi là người tình trăm năm“. Trái tim anh bao ngày yêu trong đớn đau đang đập lại những nhịp yêu thương cuồng nhiệt./.

Tháng 06/27/2008
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button