TRUYỆN NGẮN

NỖI BUỒN MỘT NỬA NHÀNH MAI

Truyện ngắn Nổi buồn một nửa nhành maiNăm nay chẳng biết có phải vì thời tiết hay không mà cây mai trong chậu nhà tôi bỗng trổ bông sớm. Điều kỳ lạ là nó chỉ trổ bông đúng một nửa cây mà thôi. “Mai trổ bông một nửa là điềm vui sẽ tới, buồn cũng trở lại.” Tôi chợt nhớ khi tôi lên mười, bà ngoại tôi từng nói như thế với mẹ tôi.

Ngoại tôi là người sùng đạo Phật nên mẹ tôi thường theo bà lên chùa mỗi ngày Rằm, Mồng Một và trẩy lộc hằng năm. Chùa Kim Liên trong làng tôi không lớn nhưng đẹp lắm. Mái ngói uốn công tứ phía với những hình Long, Lân, Quy, Phụng trông thật oai nghiêm làm tôi từng hóa ngông khi muốn trèo lên cao để thu gọn đất trời trong tầm mắt. Kiến trúc đẹp và uy nghi của chùa không giống bất kỳ ngôi chùa nào trong huyện nên cuốn hút khách thập phương dữ lắm. Bên trong chính điện, các ông, bà tượng Phật sáng ngời hào quang với những vẻ mặt nhân từ, phúc hậu. Nhiều tượng Bồ Tát bằng đồng đen và những đồ cổ từ thời nào cũng được cất giữ tại chùa qua hằng trăm năm rồi. Nhiều người đàn bà có bầu thường đến đó ngắm nhìn để mong sinh được những đứa con trai có nét mặt giống Phật Thích Ca và những đứa con gái giống nét mặt của Phật Bà Quan Âm. Chùa không có ni cô. Chùa chỉ có mỗi một trụ trì và một người giúp việc. Nói là giúp việc nhưng anh ta coi như là thầy tụng rất trẻ. Thầy tụng cũng là người đảm đương công việc bếp núc, săn sóc hoa qủa và cây cảnh trong chùa. Chuyện ngôi chùa chỉ có một thầy một trò càng trở nên hấp dẫn hơn khi người ta đồn rằng thầy trụ trì đã nhặt được cậu bé sơ sinh bị cha mẹ hay ai đó vứt bỏ trước cổng chùa. Người ta cũng đồn rằng đó chính là sự oan nghiệt do sư ông tạo ra. Cho nên, ông chịu nhiều tiếng mai mỉa và nguyền rủa của một số kẻ ác mồm về một thầy tu không đức hạnh. Đứa bé được nuôi dưỡng trong chùa. Thể xác nó lớn lên bằng hương hoa, rau qủa nhà chùa và tâm hồn nó tinh khiết khi được nuôi dưỡng bởi câu kinh lời kệ. Tuy nhiên, vì nó không có thân nhân nên biết rất ít về cuộc đời bên ngoài và sống trong nỗi trầm tư khó hiểu khi mang tiếng là đứa con rơi của… sư cụ. Thầy trụ trì không thanh minh một nửa lời. Ngày tháng qua đi…

Mùa xuân năm ấy, hoa mai trước chùa nở rộ những chùm vàng rực rỡ nhưng chỉ một nửa cây. Một ngày nọ, chàng trai thầy tụng phải lòng người con gái thường theo mẹ tới chùa lạy Phật. Ngày anh xin ra chùa để cưới vợ, thầy trụ trì hiền lành bảo: “Nếu lòng con chưa dứt nợ trần, trốn ở đâu cũng phải trả cho xong tình đời. Nếu có duyên với Phật, tự khắc có một ngày, con sẽ trở lại chùa. Hãy đi đi!”. Sau khi họ nên vợ nên chồng, người vợ mỗi năm cứ mang bầu nhưng có mang, có sinh mà không có dưỡng. Người chồng trở lại chùa. Không biết anh đã khấn nguyện điều gì mà năm sau, vợ anh đã sinh được một bé trai. Đứa bé đó chính là tôi. Tôi là con khẩn, con cầu nên tôi được cả gia đình nội ngoại cưng như trứng mỏng. Những năm lớn khôn, tôi không thấy bóng ba tôi đâu cả. Ngoại nói rằng ba đã bỏ đi khi tôi giáp thôi nôi. Bà ngoại và mẹ tôi không tới ngôi chùa trong làng nữa mà đi chùa làng khác. Thế là tôi cũng được theo mẹ lên chùa suốt thời gian tuổi thơ. “Làng tôi có nhiều ngôi chùa nhưng mẹ tôi sao lại đi ké chùa làng bên?” Câu hỏi này mãi theo tôi sau khi tôi lớn khôn. Theo mẹ lên chùa hoài nhưng tôi chẳng thuộc nổi một câu kinh nào ngoài câu: “Nam Mô A Di Đà Phật!”. Khi tôi lên mười, ngôi chùa Kim Liên có kẻ cướp. Họ đã vào ăn cắp rồi ăn cướp những pho tượng Phật đồng đen và những vật cổ qúy hiếm trong chùa để bán. Nghe nói người Tàu thu mua tất cả những đồ cổ qúy hiếm này. Thầy trụ trì bị kẻ cướp chém những nhát chí mạng. Ông được đưa vào bệnh viện và được chỉ định chuyền máu tươi. Người hiến máu không ai khác hơn là… thầy tụng lúc trước. Nghĩa là sự mất tích của ba tôi trong nhà đã được sáng tỏ: Ba tôi đã trở lại chùa và thực hiện lời cầu xin trước đức Phật: “Vợ chồng con tha thiết có được con cái. Cầu xin các vị Phật, Bồ Tát cho vợ chồng con được toại nguyện. Con không phải là người xuất gia và bắt đắc dĩ mới phải sống trong nơi dành cho những người không vướng trần trục. Nếu vợ con sinh được một đứa con bất kỳ là trai hay gái, con sẽ nguyện trở lại chùa để trả ơn cho người đã cưu mang con và chư vị Phật, Bồ Tát đã ban ân huệ.”. Đó là lý do tại sao mẹ tôi hờn giận chồng nên đã không đến ngôi chùa nơi chồng trở lại thành kẻ tu hành. Anh xuống tóc và nhận pháp danh dòng họ Thích như những nhà sư khác. Khi phát tang cho thầy trụ trì, thiện nam, tín nữ từ đâu cũng tới dự lễ tang. Câu chuyện thầy tụng có phải là dòng máu oan nghiệt của sư cụ không, đã rõ ràng. Nhóm máu của hai người chẳng giống nhau. Người ta đưa đám nhà sư dài cả cây số như đưa tiễn những lời độc mồm, độc miệng đi xuống địa ngục và đưa tiễn linh hồn một cao tăng có lòng từ bi về chốn vô cùng!

Ba tôi đã trở thành thầy trụ trì và ông có nhiều đệ tử. Mẹ và bà ngoại tôi không chịu quay lại ngôi chùa làng. Mẹ tôi giận ba tôi vì chuyện bỏ mẹ con tôi để đi tu. Bà nói: “Bỏ vợ con đi tu là trốn trách nhiệm và bổn phận của đấng sinh thành. Phật, Trời nào mà chứng cho!“. Bà thề suốt đời không nhìn mặt ba tôi. Tôi đủ khôn để nói với mẹ rằng: “Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng bỏ cha mẹ, vợ con mà đi tu đó sao?”. Nhưng tôi không muốn mẹ buồn thêm nên im lặng.

Những năm trước, hoa mai nhà tôi cũng chỉ nở hoa một nửa cây. Bà ngoại tôi càng thêm lo lắng. Tôi vốn là cậu bé thích năng động nên không bao giờ chịu ở lẩn quẩn trong nhà đuổi gà cho mẹ. Vào mùa hè, chú tiểu trong chùa làng bên sau mỗi lần gõ mõ là lén sư phụ chạy theo tôi ra đồng xem tôi… bắt chuột. Đến mùa xuân, tôi bắt không được con chuột đồng nào nên tôi rủ chú tiểu ra đồng… phá giới. Cánh đồng chiêm xuân vàng óng đã tới thời thu hoạch nên chim chóc bay tìm tới hàng ngàn. Những đám ruộng chưa gặt, đàn chim nhào tới kiếm sống bu đầy. Chúng hót líu lo và nhảy tưng tưng trên những ngọn lúa chín vàng óng ã. Gió xuân mát rượi khiến tôi quên đi những bài học kiểm tra học kỳ. Chú tiểu ngồi bên cạnh xem tôi sửa lại dây ná. Chú ta luôn há hốc mồm nhìn tôi và thán phục sát đất khi tôi nã đạn vào những trái xoài mùa hè trăm phát trăm trúng. Những lần đi bắn xoài trộm, chú ta lại trốn thầy theo tôi đi nữa dù mỗi lần bị… bể mánh, chú bị thầy bắt ngồi tụng kinh suốt ngày. Cuối đám ruộng nhà ai không biết có hình nộm rất to, rất giống người. Không cần ngắm, tôi lấy chảng ná định nhắm vào đàn chim đang sà xuống thì chú tiểu giật tay:

– Mày cho tao bắn cái hình nộm kia thích hơn bắn chim sát sanh hại vật mày à.

Tôi ngơ ngác nhưng cũng đưa ná cho chú tiểu. Chú ta giơ ná về phía chỗ hình nộm rơm. Tiếng đạn vo đất sét thành cục bay đi trúng mục tiêu nghe cái “bụp”. Đàn chim bay hết lên trời trong tiếng kêu… áááááăăăa…..thất thanh. Hình nộm rơm ngã xuống ruộng. “Chim mà biết kêu tiếng người ư?” Tôi hốt hoảng. Chưa kịp đứng lên, tôi đã thấy tóc tôi bị túm ngược. Một giọng đàn ông giận dữ thét lên:

– Thằng trời đánh, thánh đâm! Mày con cái nhà ai? Mày ra đây bắn chim hay bắn người?

Tôi vừa đau vừa hết hồn nên lắp bắp:

– Dạ! Con đi bắn chim. Hỏi chú tiểu này thì biết nè…

Tôi vừa nói vừa chỉ chú tiểu bên cạnh nhưng chú tiểu đã… đào thoát tự hồi nào! Tôi há mồm:

– Hê? Mới đây mà…?

– Hê với hớ gì? Không cần biết mày đi với ai! Nói cho tao biết nhà mày ở đâu để tao tới mắng vốn ba má mày cho ba mày đánh tét đít mày ra!

Tôi nhặt… hồn tôi… ráp vào người rồi cao giọng:

– Bác định tới nhà con mắng vốn ba mẹ con chuyện gì? Con đã làm gì bác chớ? Con ra đồng bắn chim. Con bắn chim trời chớ có bắn… chim bác hay sao mà bác cấm?

– Ơ…? Trời trờìììi…?

Bác nông dân ngớ người trước những lời ngỗ ngáo của tôi. Sau đó, ông véo hai lỗ tai tôi đau điếng:

– Mày còn nhỏ mà dẻo mồm. Mày coi mày bắn ai đây? Mày nói mày bắn chim? Chim đâu? Mày bắn hình nộm… người thiệt. Ai biểu mày bắn người?

– Ai đâu?

Người nông dân giận dữ. Ông túm tai tôi lôi sềnh sệt trên ruộng. Gốc rạ cứa vào hai chân trần của tôi rát rạt. Tới gần hình nộm, nghe tiếng thút thít như tiếng con gái, tôi chột dạ “Chết cha!”.

– Mày bắn trúng lưng con gái tao tím bầm như vầy, như vầy… này…!

Ông vừa nói vừa vén áo con gái ông lên cho tôi xem:

– Nó mặc đồ hình nộm chứ chim gì?

Mặt tôi không còn chút máu nhưng cũng chẳng chối:

– Dạ dạ… Con đâu có biết con chim… núp sau lưng…?

– Chim gì mà núp? Mày cố bắn vào lưng người ta chứ chim gì mà núp?

Ông quát to đến nỗi mấy người gặt lúa ruộng trên cũng phải ngoái đầu xuống nhìn. Tôi luống cuống tay chân, miệng lúng búng xin lỗi. Ông ta dần tôi một thôi với những câu răn đe khiến mặt tôi xanh lè mà tôi chẳng nghe lọt một câu nào vô tai rồi mới chịu thả tôi đi. Ông ác thật vì đã không quên…tịch thu vũ khí của tôi. Trước khi chạy thục mạng về nhà, tôi liếc về phía hình nộm rơm và kịp thấy con bé hình nộm bị ăn ná của thằng chú tiểu quẹt nước mắt nhìn theo. Về tới nhà, tôi chạy ra chum nước, lấy gáo dừa múc đầy rồi uống một hơi… hạ nhiệt! Mẹ tôi ngồi bên hàng hiên với bà ngoại với cái roi tre lăm lăm trong tay. Tôi ăn 3 roi tre từ tay mẹ rồi theo bà ngoại lên ván ngủ. Đau đít, tôi thề có dịp sẽ phá nát đám ruộng của ông kẹ đó mới thôi!

Tối mai, tôi theo mẹ lên chùa và đóng mặt lạnh với chú tiểu suốt một tuần mặc cho chú ta theo năn nỉ hết nước miếng. Tôi gằn cho nó biết mặt:

– Phật dạy mày đấy à? Gây chuyện rồi bỏ chạy để tao gánh tội. May cho mày là mẹ tao thường dạy tao phải biết đạo nghĩa bạn bè. Nếu không, tao khai ra là sư cụ treo cổ mày lên cây bồ đề trước chùa cho mày thành… chín… qủa luôn!

Chú tiểu bụm miệng cười không kịp. Chú gãi đầu với 3 chỏm tóc thời Đinh Bộ Lĩnh còn chăn trâu và xòe tay hối lộ cho tôi mấy trái đào tiên bự tổ chảng. Tôi lấy ăn ngay cho hả tim gan phèo phổi. Đêm đó, tôi phụng phịu phàn nàn với bà:

– Ngoại nói vui tới, buồn lại nhưng con có thấy vui chỗ nào mà buồn bực thì tới tùm lum.

Ngoại ngẩn người rồi cười:

– Ai có con mắt sau lưng, con? Chuyện gì xảy ra rồi mới có thầy bói đoán. Có thầy bói nào bói tương lai mà trúng không?

Tôi chịu phép bà. Đêm đến, tôi mang cái mo cau ra đám ruộng của ông kẹ. Tôi dự định sẽ… tùng xẻo, sẽ đập cho tơi tớt hết lúa của ông cho biết tay. Vậy mà khi tới chỗ hình nộm rơm, tôi như dậm chân tại chỗ. Khuôn mặt đầy nước mắt của con bé nhìn tôi hôm trước khiến tôi chùng bước. Không trả thù được, tôi ụp cái mo cau lên hình nộm rơm rồi biến. Sau năm đó, cây mai nhà tôi lại trổ hoa đều hết thêm năm năm nữa.

Mồng Một, tôi lại theo mẹ lên chùa. Thường qùy bên cạnh tôi là một đứa con gái quen quen. Tôi moi óc để nhớ và “à” lên khi thấy con bé và chú tiểu… trộm nhìn nhau. Bỗng nhiên, tôi trở thành “gián điệp” cho hai đứa hồi nào không rõ. Ba con bé là người nông dân đã ”dần” cho tôi một trận oan ức về cái tội bắn vào lưng con gái ông. Ông khó tính đến mức không cho con gái có bạn bè đến nhà. Người cha dễ ghét nhưng con gái ông thật dễ thương. Sau vụ bắn nhầm mà lại… trúng đích đó, chú tiểu thường xuyên hối lộ nào ổi, nào cóc, nào mận của chùa qua trung gian là tôi đưa cho cô ta. Của chua ai thấy chẳng thèm và thế là tôi… chấm muối ớt… xén một ít qủa đào tiên ngọt chua ngon tới trời cho vào mồm. May mắn sao! Bộ ba chúng tôi khác làng nhưng chung một trường trung học và chung luôn một lớp. Mùa hè tới là rủ nhau đi khắp đồng ruộng bắt chuột đồng nước hoặc lén bắn xoài trộm rồi ngồi chấm muối ớt ăn chung. Vậy rồi cả ba cũng bò tới lớp 12. Tôi vẫn là người đưa thư. Chú tiểu cũng mang lại những bức thư nói là của con bé gởi cho tôi. “Chắc là thư nàng cám ơn mình thôi!” Nghĩ vậy, tôi bỗng dưng hờn dỗi vu vơ và trong những cơn hờn dỗi vì nghĩ mình bị… bỏ bê, tôi cho từng lá thư vào bếp lửa.

Hôm nay, tôi mang tới cho con bé lá thư của chú tiểu. Con bé mở thư đọc ngay chớ không chờ tôi quay đi. Đọc xong, con bé ngước nhìn tôi bằng đôi mắt buồn chết khiến tôi hoảng. Hôm sau, tôi báo cho chú tiểu biết chuyện này. Chú tiểu trợn mắt:

– Sao mày còn ở đây?

– ???

– Con bé sẽ đi lấy chồng! Ba nó bắt nó phải lấy một tay đại gia. Nghe đâu ông ta là người Hàn Quốc!

– ?! ?! ?!

Tôi buột miệng:

– Sao mày không bỏ trốn cùng cô ta?

– Sao là tao?

– Vậy chứ còn ai?

Chú tiểu trợn mắt:

– Mấy cái thư của nó, tao đã đưa cho mày, mày không đọc à?

– ???

– Mô Phật! Trời ơi! Sao mày không mở ra đọc? Thư tao nhờ mày đưa là thư tao viết dùm mày! Hẹn tối hồi hôm là 2 đứa trốn đi! Bỏ học còn hơn phải lấy mấy tay khùng khùng nước ngoài về không làm vợ cả họ thì cũng bị chồng tâm thần đánh cho tới chết. Mày có hiểu gì không? Mô Phật! Người mà con bé thích không phải là tao mà là… màỳỳỳỳy!

Tôi nhảy dựng. Tôi không can đảm chạy bổ tới địa điểm mà thằng bạn chú tiểu tốt bụng, mắc dịch này hẹn dùm. Tôi nói với nó là tôi không thể. Đêm đó, lòng tôi dậy sóng. Tôi thấy xót xa và như sắp đánh mất vật gì qúy giá. Tim tôi đập những nhịp khác thường. Sao người ta đi lấy chồng mà mình như ngồi trên đống lửa? Gía như những lá thư đốt còn tàn tro trong bếp, tôi sẽ bụm thành bụm để coi thử cô bé viết cái gì trong ấy? Bây giờ, cả những tàn tro cũng chẳng còn! Tôi cắn môi trắng đêm. Sáng ra, con mắt tôi trắng dã và bài kiểm tra 1 tiết của tôi… trắng bóc! Tôi đưa mắt tìm kiếm con bạn ngồi bên cửa sổ nhưng cửa sổ bỏ trống một chỗ. Tôi đưa mắt tìm chú tiểu ở cuối lớp. Cuối lớp cũng vắng người. Trưa đó, tôi chạy ra ruộng rạ. Đám ruộng mênh mông không còn bóng hình nộm rơm đâu cả. Qúa khứ đã có thêm trang mang theo tất cả những gì tuổi thơ chúng tôi đơm bông kết trái. Tôi quẳng cái ná bắn chim, bắn xoài như trả qúa khứ tuổi thơ về với trăng sao. Tôi đem vào lòng những kỷ niệm nửa nhành mai nở hoa cất thật kỹ.

Bây giờ, mẹ tôi đã hiểu và thông cảm cho lời khấn nguyện của ba tôi nhưng bà ít tới chùa mà ở nhà phụng dưỡng bà ngoại. Khi tôi hỏi, mẹ nói:

– Phật ở trong nhà chứ ở đâu xa!

Tôi đến chùa một mình. Tiếng chuông chùa vẫn ngân những hồi chuông cảnh tỉnh. Bên cạnh tôi, chỗ quỳ của ai đã trống vắng bóng một người. Bên cạnh nhà sư, chú tiểu cũng không thấy tăm hơi. Chú ta đã chạy tới với con bé. Họ đã đi rồi! Thế là tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra có lẽ là nên có kết cuộc tốt như vậy. Đôi chân đưa tôi lần về phía chùa Kim Liên. Tôi qùy xuống chân đứa Phật và gần như gào to: “Cầu xin cho hai người bạn con được tới bến bờ hạnh phúc. Con sẽ nguyện xuống tóc quy y.”. Bờ vai tôi có cảm giác nằng nặng. Tôi quay lại. Đôi mắt hiền từ của ba tôi đang nhìn tôi. Ông mỉm cười nhưng không nói một lời. Tôi có thể tự mình trả lời tại sao “Làng tôi có nhiều ngôi chùa nhưng mẹ tôi sao lại đi ké chùa làng bên?” Lòng tôi bỗng xiết chặc một nỗi buồn. Nỗi buồn… một nửa nhành mai theo tiếng chuông chùa dĩ vãng./.

Tháng 12/24/2011
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button