TRUYỆN NGẮN

Bàn tay vô hình

Truyện ngắn Bàn tay vô hìnhChôn cất má xong, anh em tôi trở về chỗ ở của mình. Không khí vẫn trùm một màu ảm đạm, tang tóc buồn thê lương với nỗi đau mất mẹ mong thời gian xoa dịu cơn đau này….Căn buồng của má vẫn còn nguyên với những di vật từ cái rương mà tôi hay bị dập tay mỗi khi đóng lại. Những bộ đồ bà ba, những chiếc áo dài, cây gậy gỗ… vẫn còn để nguyên chỗ cũ. Cái bàn trước buồng má ngày xưa, má hay ngồi uống trà nay cái bình trà được thay bằng cái hình của má và khuôn liễn màu đỏ đằng sau. Nhang đốt trong nhà không khi nào dứt cũng như đốt mả cho ấm đủ ba ngày, người ta gọi là “mở cửa mả”.

Căn nhà chỉ còn tôi trở thành chị lớn với ba đứa em nhỏ xíu. Mỗi đêm ra ngoài mả má đốt lửa bằng củi chôm chôm, bưởi trong vườn, tôi thừ người nhìn những ngọn lửa nở ra, bắn lên và… chết. Lửa còn phải chết huống chi là con người! Tôi nghĩ đến bà cố ngoại khi ngồi nhổ tóc trắng bà ngoại. Tôi nghĩ đến bà ngoại khi ngồi nhổ tóc bạc cho má. Bất giác, đôi tay tôi tự sờ đầu mình. Không có ai để nhổ tóc tôi mà nghĩ đến… bà ngoại hôm nay! Thương tiếc quá. Đau lòng quá đi! “Xèo! Xèo! Xèo!”. Không phải là tiếng kêu của khuôn bánh khi bột chạm vào cái nóng bật ra… món bánh xèo mà má thường hay đổ khi trời bắt đầu ngân ngấn mưa. Thanh củi nhỏ trên tay tôi loang lỗ khi tắt, khi nhá lên rồi “xèo” nhưng tôi không buồn để xuống. Cái tay tôi đã bắt đầu chạm lửa khi những dây thần kinh đầu ngón tay bắt vào cái nóng rát thật lâu. Tôi vẫn ngồi yên ngắm nhìn không chớp mắt. Giá như bây giờ có ai đó cắt cổ tôi cho đầu rụng xuống, tôi cũng không màng! Có lẽ như vậy nên tôi nghĩ đến Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà lo việc nước, bị giáo chọc vào đùi chảy máu mà không hay. Dù là anh ta lo chuyện lớn “nước non”, còn tôi chỉ nghĩ về một chuyện so với anh ta là “bé con” nhưng tất cả quy về sự chịu đựng của cái đầu dễ sợ. Quên hết, quên hết mọi cảnh giác của thể xác khi cái hồn ta quá đau, quá hụt hẩng! Rồi cái đau của thể xác lên tột đỉnh đã kéo cái hồn ta về trạng thái tĩnh: Đừng hành hạ thể xác nữa. Nhưng hình như tôi nhận ra trong cái đầu một sự “vâng lời” không phải vì cái xác đâu mà chính là một sự “vô hình” nào đó có cái quyền ghê gớm. Cái đốm lửa đang nhảy múa như có linh hồn. Tôi nghe một vài tiếng “xèo xèo” lần cuối trước khi thảy thanh củi trên tay vào đống củi sắp tàn. Ngọn lửa bùng lên nổ “lép bép” văng những tia làm áo tôi lủng lỗ mà tôi cũng như rắn hổ bị thôi miên không nhúc nhích đến nỗi tôi muốn kêu lên một tiếng:“Má à!” nhưng hàm đã cứng lại.

*

Ba ngày đã qua, không khí trong nhà hình như giãn ra nhưng vẫn xem ra có một cái gì đó vô hình cứ lởn vởn, lởn vởn không chụp bắt được. Mỗi ngày, mỗi lần thắp nhang má, tôi cứ thấy những gốc nhang gần tàn nhá lên sau khi tôi thì thào. Mỗi khi tôi nhìn hình má, cặp mắt má buồn thiu lại như muốn trào nước mắt. Tim tôi rụng trong ngực phải thở hắt ra mới khỏi ngạt thở. Đêm thứ tư, tôi và đứa em gái đang ngủ trên chiếc giường phòng trên như ngày nào thì tôi bỗng tỉnh giấc bởi tiếng “cộp, cộp“. Mình mẩy tôi cứng ngắt. Cái tay phải của tôi kịp lay con em bên cạnh một cái thì đơ luôn khi tiếng “cộp cộp” càng tới gần… Máu từ bàn chân dồn hết lên ngực, nặng nề quá chừng! Động tác cuối cùng của tôi là kéo chiếc chiếu từ dưới chân phủ lên người tôi lúc này thun lại như trái bóng! Tiếng “cộp cộp” mất tiêu mà tay tôi vẫn nắm chặt gốc chiếu không thả. Cái đồng hồ trên tường có quả lắc của ba tôi còn để lại “rào rào” rồi gõ đúng mười hai tiếng!

Sáng dậy, tôi bung mình chạy tới chỗ cây gậy của má lấy ra gõ thử xuống nền xi măng “cộp cộp“, y hệt! Mặt tôi xanh lè. Cây gậy này không biết của ai cho má khi má bệnh chứ má mới năm chín mà chống cái gì! Má đã dùng cây gậy đó “đe” thằng em út của tôi nhiều hơn là chống. Tôi im luôn không dám kể nhưng trưa đến, chị dâu tôi đã tất ta, tất tửi chạy vô, mặt cũng tái lét:

– Má về kêu tên Q, mày ơi!

– !!!

Tim tôi rung trong ngực lần nữa.

– Tao không nói láo đâu. Có lẽ chưa đủ bốn chín ngày nên má lẩn quẩn chưa đi đầu thai thôi. Tao tưởng tao nghe lộn nên nghe lại cho kỹ, té ra vẫn là gọi tên con Q đó.

– Bậy bạ không, làm gì có!

Ông anh thứ sáu của tôi gạt phắt liền. Tôi nuốt nước miếng. Đầu óc căng thẳng quá. Ngày xưa, tôi là con bé khoái nghe truyện ma. Lớn lên, tôi chuyên đi khuya hoặc đi qua nghĩa địa mà không biết rợn da gà. Có lẽ vì tôi đâu có gặp cái gì. Nào là ma le vì chết sông, ma lè vì thắt cổ, ma đuốc, ma gà tùm lum, ai kể thì kể, tôi không tin gì hết.

Hai đêm nữa, tiếng “cộp cộp” vẫn đều đều giữa đêm mười hai giờ. Căn nhà trên rộng rãi lại không ai dám ngủ nên chỉ còn cái đồng hồ của lắc của ba làm bạn với cái bàn thờ của má. Tôi và con em dọn xuống nhà dưới. Thành ra, nhà dưới đông người vì có thêm hai đứa em trai. Một đêm tiếp, khi tôi

đang ngủ thì lại thức giấc không phải vì tiếng “cộp cộp” mà vì tiếng “keng keng” của cái móc sắt cửa mạch thông xuống nhà dưới. Lần này, tôi cố tĩnh táo hơn đập con em dậy. Hai chị em nghe ngóng, thì tôi thót bụng: ”M ơi ! Bóp cẳng cho má, con”. Đêm đêm, tôi hay đấm lưng, bóp chân cho má mà.

– Má về, V!

Nước mắt tôi chảy dài không còn vì nỗi sợ hãi mà vì được nghe lại tiếng má. “Là má thôi không phải là là ma, là quỷ gì đâu!” Tiếng móc xê đập vào cửa thêm mấy đêm nữa rồi thôi. Bấy giờ, tôi mới kể cho anh chị tôi nghe. Ông anh thứ sáu vẫn gạt phắt:

– Hoang đường, để tao thử.

Nói rồi, anh tôi bước lên nhà trên. Cả nhà như nín thở. Riêng lòng tôi nghe thật lặng lẽ, nỗi hoảng hốt của đêm nghe tiếng “cộp cộp” ban đầu biến mất. “Thịch, rầm!” Chưa đầy một phút, ông anh tôi bay vọt từ tầng cấp nhà trên lao cái “thịch” xuống nhà dưới thiếu chút nữa đập đầu vào cái tủ đựng thức ăn. Anh tôi lóp cóp ngồi dậy, mặt cắt không còn hột máu. Chị em tôi bu lại.

– Tao mới nói: ”Bà già có ngon thì nhát chơi” là nguyên dĩa trái cây đổ xuống cái rầm như tiếng đập bàn nên tao sợ quá… drọt.

Nói xong, ông anh tôi chuồn ra nhà ổng một mạch.

– Có lẽ má đập bàn nên dĩa trái cây mới đổ. Bả giận đó.

Chị dâu tôi mặt xanh lét nói. Tôi lại phải chạy lên dọn dẹp, thắp lại cây nhang không quên thầm thì:

– Thôi má à! Đi tìm ba đi, đừng buồn. Tụi con sẽ sống được mà!

Đôi mắt má trong hình lại như muốn cử động khiến dòng nước mắt thương mẹ trong tôi lại từ từ bò ra lăn xuống mặt, nóng hổi.

*

Bốn mươi chín ngày qua đi chờ tới ba tháng mười ngày cúng lần nữa. Thằng em kế tôi bỗng dưng có bồ cứ bỏ nhà đi đêm hoài. Một ngày nọ, tôi kêu nó lại “dũa”:

– Sao mày cứ đi đêm, đi ngày theo gái vậy. Má mới chết đó còn tang trong mình sao đi tùm lum. Hết gạo rồi đó!

Nó cãi. Hai chị em tiếng qua, tiếng lại, bỗng nhiên lại nghe cái “rầm” và tiếng cái tách đựng nước cúng va vào nhau cái “cách“. Tôi hết hồn nhìn xuống bàn thờ: Cành bông hoa layơn có một nhánh từ từ quẹo xuống. Thằng em tôi đờ ra. Từ đây, tôi biết rằng tôi sẽ không nên nói một cụm từ mà làm má buồn “hết gạo rồi“. Cái ngày đợi bốn mươi chín ngày trước đây, tôi đã từng hứa trước bàn thờ Má: “Tụi con sẽ sống được mà!” Trong đó đã có sự ngấm ngầm hứa bảo bọc lũ em. Thắp trở lại cây nhang, tôi không dám buông một lời hứa gì vì sợ giữ không được sẽ làm má giận. Cành hoa layơn lại ngay thẳng như lúc đầu không có gì khiến giữa ban ngày, da gà tôi nổi cục.

*

Rồi ba tháng mười ngày qua đi, tôi không còn nằm chiêm bao, không nghe động đậy gì ở trong nhà thì tôi lại thèm nghe tiếng “cộp cộp“, tiếng móc xê chạm vào cửa “reng cheng” kèm theo tiếng gọi giữa mênh mông… Không ai tin nhưng tôi là người trong cuộc rõ ràng hơn bất cứ chuyện kể về thế giới thứ ba. Tôi cứ như không bao giờ đi một mình. Tôi nghĩ là má vẫn theo tôi từng giờ, từng phút nhắc nhở tôi đừng làm một điều gì xấu hay điều gì má không hài lòng. Vậy mà có một ngày đã xảy ra…

Ph và tôi bàn nhau ra xứ Rùa chơi để thăm lại căn nhà 77 Phan Bội Châu. Vé đã mua rồi, tôi và nó chuẩn bị đồ đạc để sáng dậy là đi liền. Thắp xong cây nhang, tôi dọn dẹp nhà trên đàng hoàng, lau chùi bàn thờ sạch sẽ không quên râm râm khấn:

– Má cho con đi chơi chút. Con sẽ về liền.

Tôi căn dặn mấy đứa em kỹ càng và ngủ. Bốn giờ sáng, tôi và Ph thức giấc. Tôi lên nhà trên thắp cho má cây nhang trước khi đi thì bật ngửa: Cây nhang cũ cháy không rớt tàn. Đôi mắt má lại như động đậy. Sợ quá, tôi ôm ngực, tay phủ tấm che mặt hình lại, cố nuốt nước miếng xuống. Khi tôi dò dò ra giữa bàn thờ ông bà, tôi vấp một vật suýt té nhào. Nhìn kỹ lại, tim tôi rụng trong ngực lần thứ a: Trời ơi! Ai vác cái bao gạo từ trong hốc ra giữa bàn thờ. Mấy đứa em tôi ban đêm đừng hòng năn nỉ chúng lên được nhà trên. Tôi lật đật hỏi Ph đang thụt thò ở cửa mạch:

– Mày có rinh bao gạo này?

Ph lắc đầu. Tôi tá hỏa nhưng không dám nói sợ nó hoảng hồn. Tôi biết má không cho tôi ra xứ Rùa tới căn nhà bên hông rạp Lê Lợi nhưng tôi không thể bỏ chuyến đi. Chỉ một đêm ở khách sạn Hòa Bình, tôi và Phượng quày quã mua vé trở về nhà lập tức. Tôi không một lời giải thích còn Phượng cứ nghĩ tôi gặp “xui xẻo” nên đi về mà thôi.

*

Bước đường của tôi đã định sẵn bởi một bàn tay vô hình làm tôi đôi khi vỡ tim nhưng thương yêu vô bờ bến. Người khuất mặt biết hết mọi thứ nhưng còn phải đi “đầu thai” nữa chớ! Có một nỗi đau trong tim mà tôi chưa bao giờ nói với má khi thắp nhang. Có lẽ, má chưa biết nên chưa nói gì chăng? Hay là má thiệt cảm thương tôi nên bỏ qua? Dù gì đi nữa nếu có kiếp sau tôi xin nguyện được làm con của má, xin cho tôi được yêu thương và lấy chỉ một người. Không ai biết người nào nhưng má đã biết và cây nhang kia lại nhá lên, đôi mắt má lại động đậy. Miệng tôi nghe đắng chát tự hồi nào bên cạnh cái bàn thờ nghi ngút khói nhang. Một bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc tôi êm đến nỗi tôi chỉ muốn gởi lại cái xác phàm này cho cuộc đời để đời mang tôi trả về cát bụi./.

Tháng 6-1988
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)

Related Articles

Back to top button