TRUYỆN NGẮN

ĐIỀU THIỆN THỨ MƯỜI

Truyện ngắn Điều thiện thứ mườiCầm kết quả khám nghiệm trên tay, Hoan thấy tối tăm cả mặt mày. Cô vợ trẻ như cây chuối bị bão đốn ngã. Hy vọng cả hai vợ chồng kiếm mụn con đã tan theo kết quả khám nghiệm của khoa học được gởi từ văn phòng bác sĩ: Hoan Vo, ung thư tuyến tiền liệt. Cái tên mất middle name “văn” mà chẳng có ai còn đủ sức chú ý. Cô vợ trẻ nghẹn lời:

– Không thể nào!

– Nhưng đây là khoa học, em à!

Hoan lấy lại bình tĩnh.

– Khoa học cũng nhiều khi lầm lẫn.

Hoan cười buồn. Anh muốn nói một điều với vợ nhưng lưỡi anh cứ ríu lại. Đâu có cần phải nói thật phũ phàng “Em quyết định tương lai cho mình” hay “Em có thể tìm con với bất cứ người đàn ông nào em muốn”. Hóa ra, người đàn ông nào đó chỉ là một kẻ “nhân giống” và té ra, anh đã coi thường mức hy sinh của người trong cuộc? Người hiểu lý lẽ tất nhiên, không ai có thể thốt lời bừa bãi làm thương tổn trái tim nhân hậu người khác. Hoan làm như không có chuyện gì xảy ra. Cách ấy vẫn hay hơn làm cánh chim ủ rũ. Sự thật làm sao thay đổi? Hoan cầm cuốn lịch nhỏ đánh chéo vào ngày, tháng, năm: Bị ung thư, không sống được. Trước khi chết, tôi sẽ làm đủ mười điều thiện. Cô vợ nằm sấp trên gường, dúi mặt khóc rấm rứt. Khóc thương chồng hay khóc vì đứa con?

Chiều hôm đó, Hoan ghi: Điều thiện thứ nhất: Cúng chùa. Đêm khủng hoảng tinh thần ấy là một đêm trăng rằm. Cả hai đã ngủ quên với nỗi đau trong đêm trăng rằm đó. Cô vợ trẻ sau giây phút bàng hoàng thì tỉnh táo hơn. Cô không đi chùa mà lại đều đặn đến nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Nỗi ám ảnh bệnh tật như trôi đi từng ngày, lặng lẽ, vô hình. Cả hai sống như cây qua đông lạnh tới kỳ xuân ấm. Ai cũng nghĩ người này phải cố tìm cách vui để người kia khỏi buồn cho qua ngày đoạn tháng.

*

Cách nhà Hoan một con đường là nhà cậu mợ Lắm. Cậu Lắm cũng mang chứng bệnh theo chẩn đoán của bác sĩ là “Ung thư tuyến tiền liệt” nhưng kết quả bệnh viện lại ghi: Hoan Vo (cậu tên Hoàn) không dương tính. Xét nghiệm nào được ghi nhận “không dương tính” là coi như tai qua nạn khỏi. Hai vợ chồng cậu mợ mừng húm như bầy gà thoát nạn dịch gia cầm H5N1. Mợ Lắm không còn việc gì khác hơn là đi chùa lễ Phật. Ngày, tháng, năm mợ ghi: Dâng hương gặp quý nhơn nhưng không nói rõ quý nhơn đó làm điều tốt gì cả. Cậu Lắm – gọi theo tên vợ là người đàn ông hiền lành, trí thức. Cậu không thực tế hơn mợ nên thấy vợ bỗng nhiên đi lại nhiều quá nơi chùa chiền thì lo ngại:

– Mợ nghĩ coi có nên đi ngày đi đêm không? Đâu phải ông Phật cứ độ mỗi chúng ta? Nhân gian còn biết bao nhiêu người hằng ngày cầu nguyện đốt hương? Sao mợ hay tin vào những cái vu vơ?

– Ôi chao! Cậu nói đi đâu rồi nhỉ? Nếu không có tôi cầu nguyện, dâng hương, cậu dễ gì hết bệnh.

Mợ Lắm mát mẻ tiếp:

– Nhưng cậu cần phải dưỡng sức vào. Nom kìa, da dẻ cậu xanh như tàu lá, nhìn chả bỏ giống đàn ông. Thôi mọi việc để tôi lo. Cậu cứ yên lòng đừng quấy tôi đi chùa, cậu nhá!

Cậu Lắm mệt mỏi nhìn vợ. Cậu không muốn nói một lời dư thừa với câu chuyện thừa dư biện hộ. Cái giấy kết quả tốt như ngược lại với sức khỏe của cậu. Cậu cảm thấy nó có cái gì đó thiếu sót. Cậu mất dần cảm giác bình yên của cái sức khỏe chỉ được thẩm định trên giấy tờ. Cường độ sinh hoạt giữa hai vợ chồng cậu đã hình như không bắt được nhịp nên mỗi ngày nó trôi đi tuồn tuột như bè trên sông lụt. Chới với và hụp nước như bèo dạt bởi lũ mùa đông và lạnh buốt như những nơi xứ không bao giờ hết tuyết. Cậu nhìn ra khung cửa sổ. Nơi ấy có hai con chim đang nhảy nhảy, rỉa đầu cho nhau êm ái như chưa biết tới một ngày chia lìa. Từng cánh hồng của cậu cũng tươi tắn hơn trong mùa xuân nắng ấm như chưa hề nếm được cái cảm giác bệnh hoạn của con người. Con chim nghe động, vụt bay… Cậu mở cửa ra vườn sau để nhìn mùa xuân về trên từng cánh hoa hồng thơm ngan ngát…

*

Chuông nhà “kính koong, kính koong…”, Hoan ra mở cửa. Anh ngạc nhiên khi nhận bưu phẩm qua đường mail “express” là một cuốn sách. “Thời đại bây giờ mà nhận ba cuốn sách mới là cực hình”. Nhưng anh không “ràm” thêm vì địa chỉ là của người quen lắm – thằng Tiểu Đệ:“Hoan đại ca! Nhờ đại ca góp ý dùm cho cuốn sách bà la sát của tiểu đệ. Cô ta cứ một hai ba bốn gởi ‘tối hậu thư’ cho đệ bắt phải in cho bằng được. Nếu không, cô ta sẽ áp dụng ‘thẻ đỏ’ quốc tế trên… sân banh quốc nội. Nhưng đại ca coi đi, tiểu đệ phải làm kế hoãn binh để copy một bản gởi đại ca ‘thưởng thức’. Nếu đại ca mà ‘gật’ thì đệ sẽ ‘ừ’ cho yên cơm ấm áo. Muôn phần cám ơn. Thằng tiểu đệ”. Hoan bò ra bàn cười không thành tiếng. Té ra thằng Tiểu Đệ gởi sách cầu cứu. Nó vốn có tính sợ “sư tử Hà Đông” y như những thằng bạn “BK” mà anh quen biết. Nó làm chủ một nhà xuất bản. Sách nào nó cũng dám in nhưng chỉ cuốn sách của con vợ là nó… không dám. Để xem lần này, cô em dâu mà Hoan mới biết mặt vài lần viết cái giống gì mà thằng chồng rên như sấm dậy trời đông? Cuốn copy đen thùi lùi, Hoan phải đưa nó vào cây đèn trăm kwatt mới soi ra chữ viết láu tệ hơn chữ gà bới gốc chuối. Hoan quên đi chuyện bệnh hoạn. Anh vừa đọc mấy tờ đầu vừa nhấc phôn nhà (tiền phôn nhà ngày thường rẻ hơn di động, ngốc gì không xài!): “A lô! Thằng Tiểu Đệ đấy phỏng, mày mắt mù, tâm hồn thui chột hay sao mà vợ viết văn hay như thế mà không in cho người ta. Làm xuất bản là phải biết nâng đỡ anh em, bè bạn chứ!. Tao đọc một phần rồi, OK lắm…”. Hoan dừng lại nuốt nước miếng, chưa kịp ca tiếp thì nghe một giọng rú lên từ phía đầu bên kia:

– Ối giời ơi! Hoan đại ca đấy phỏng! Quý hóa quá! Anh đọc sách em rồi đấy à. Em đã bảo với nhà em rồi. Em viết “nóng bỏng” như thế mà nhà em cứ một khoan, hai khoan. Khoan hời, hời khoan thế nà thế nào? Viết “nóng bỏng” mới ăn khách chứ. Thế anh bảo nhà em cho nhà em sáng mắt ra nhá!

Hoan rụng rời, giọng con em dâu kết nghĩa the thé, nhọn hoắc như mỏ khoan giếng dầu Irag. Hoan rủa thầm thằng Tiểu Đệ mắc dịch mày chết toi ở đâu đấy mà không ra bắt cái phôn nhưng vẫn cười giã lã: “Chào cô em gái! Em viết đoạn đầu được lắm, anh đi làm cái đã có gì góp ý sau nhé. Khi nào cậu nó về bảo nó gọi lại cho anh”. Hoan “bye” đàng hoàng, ngắn gọn rồi gác máy, thở phào… mặc kệ cho bên kia đầu giây, cô em dâu kết nghĩa cụt hứng, chửi om lên.

Một ngày xui xẻo làm sao! Cái tật của Hoan y như con vợ thằng Tiểu Đệ, gọi phôn cho ai mà người đầu dây bên kia chưa kịp há mồm thì đầu gọi đã bê hết trời đất nhét vào lỗ tai người bị gọi. Gặp trúng người cần tìm thì không sao, ngược lại, gặp người khác nhấc máy thì họ bủa vào phôn “đứa nào vô duyên chi lạ”. Mắc cỡ không bằng lỡ trớn. Kẻ “quê một cục” nói “sorry” một tiếng thì cũng nghe đầu kia gác máy cái “cụp” như… “bụp” vào mặt mình. Ấy chà chà. Chuông nhạc di động réo lần ba, Hoan cẩn thận cầm máy: “Đại ca ơi! – giọng thằng Tiểu Đệ như mới bị vợ… ‘bầm cái lưỡi’. Đại ca đọc như thế là bỏ mẹ tiểu đệ rồi. Trời ơi!. Đại ca phải đọc từ trên xuống dưới, từ dưới ngược lên, từ giữa ra hai đầu, từ hai đầu nhập cục lại mới là người thưởng thức văn chương chứ lại…”. Hoan tức cười quá nhưng anh làm ra vẻ thản nhiên: “Đại ca mày mới đọc có mấy trang đầu thôi, ai dè con vợ mi nó ở đâu nhảy ra làm sao tao biết. Lỡ khen rồi thì… nhưng mà nó viết được đấy”. Tiếng thằng Tiểu Đệ thở dài sườn sượt, sồn sột trong phôn khi nghe đến câu khen của Hoan. Hoan ha hả một hồi rồi mới tiếp: “Thôi để tao đọc hết rồi nói sau. Ráng chịu chút đi. Con vợ mi đang ở trên mây thì cho nó bay chút xíu. Con nhỏ có bản lĩnh đấy. Người thiếu công lực hay có nội lực nào được khen mà chẳng phổng mũi hả mày? Biến hử!”. Hoan tắt máy. Anh ràm “lại lãnh đạn vào thân”. Anh lôi bản copy ra. Sự êm ả của những tờ đầu còn nguyên cảm giác trong anh. Hoan cứ nghĩ sẽ gặp một kết cục êm dịu nhưng anh… giật nẩy. Những dòng chữ như úp vào mặt anh cùng những lời the thé của vợ thằng Tiểu Đệ mới đây “em viết nóng bỏng như thế mà lại…” khiến anh… nóng ran cả người. Anh cảm giác cái “nóng bỏng” từ hai phía hất vào mặt. Mấy lần Hoan định đứng dậy mà cái “nóng bỏng” kia như có chất keo dán đít anh kéo trở vào cái ghế. Mắt anh cứ dán trừng trừng vào trang sách đen thùi lùi. Thôi chết mẹ rồi! Hoan nghe tiếng thằng Tiểu Đệ gầm gừ bên tai“đọc phải đọc từ trên xuống dưới…”. Đồng hồ di động anh set up chế độ báo giờ đi làm kêu rẻng rẻng… mới đủ sức lôi Hoan ra khỏi… mê hồn trận. Hoan phải đi làm. Ở đó, có cái “nóng bỏng” hiện thực hơn tiểu thuyết. Hú hồn!

*

Mợ Lắm nhớ lại ngày cậu Lắm nhận giấy kết quả không mắc bệnh, mợ lên chùa tạ ơn. Mợ cầm bó nhang lóng ca, lóng cóng thế nào mà rớt “bịch”. Mợ đang cúi xuống nhặt thì bó nhang như có cánh bay ngược lên tay mợ. Mợ lắp bắp: “Cám ơn” và chợt nhận ra nụ cười héo hắt trên miệng kẻ làm ơn. Đạo hữu cả thôi nên dăm câu ba sợi làm quen từ đó. Ngày ấy, mợ về sớm hơn mọi ngày. Hôm nay, mợ về trễ hơn. Mợ vừa bước lên cầu thang vừa hát tan nát bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp: “Hôm nay, em đi chùa Hương, thấy cái gì em cũng thương… xong cúng dường thì em…”. Cậu Lắm há hốc mồm: Có cái gì làm mợ yêu đời thế nhỉ? Một người làm công cửa hàng thôi danh giá gì cơ chứ? Anh gằn:

– Tôi nghĩ mợ kiếm cái chỗ khác làm đi cho xứng đáng đồng tiền bát gạo. Trình độ trí thức của mợ đâu đến nỗi nào không kiếm ra một công việc khá hơn cái nhà hàng.

Mấy lần cậu nói thế thì mợ im nhưng hôm nay mợ đang lên cầu thang thì quay ngược trở lại, đốp chát:

– Cậu đừng kiếm chuyện nhá! Phải, tôi có ăn có học nhưng tôi chưa bao giờ tự cho mình trí thức này, trí thức nọ. Tôi không có trình độ học vấn cao như cậu nhưng tôi chưa hề sống bám vào trí thức hàng mã của đức ông chồng quý hóa như cậu. Hạng trí thức như cậu, thiên hạ khối người đó mà. Cao sang, danh giá, quyền quý phải không? Cậu vào bệnh viện vừa rồi đã không khen rối rít cái bệnh viện sạch sẽ, thơm tho ở cả cái cầu tiêu là gì? Không có hạng người “hạ cấp” ấy thì hạng trí thức như cậu chỉ ngửi toàn mùi vị thối tha thôi đấy. Bày đặt danh với giá, chức với vị. Tôi mửa vào loại người dựa công chê cú, kề phụng khinh gà. Tôi chỉ là nhân viên nhà hàng thôi nhưng cậu không đói thì vào ăn làm gì cho bẩn cái mồm. Người ta không có học cao nhưng lẽ đời người ta có đấy. Tất cả không vì đồng tiền nuôi cái mồm hay sao chứ? Hay chửa, người nào ở vào công việc mình mà giỏi thì tất cả ngang nhau, chả có công việc nào hèn hạ, tầm thường kể cả lau cầu tiêu, dọn rác. Trí thức tàn đời thì phế nhân cũng như nhau. Cậu đấy! Trí thức danh giá như cậu ăn một lần hai cái bát chắc? Cậu đi một lần hai chiếc xe con hay ngủ một lần hai cái gường hoặc nói một lần hai cái miệng? Hay chửa, cậu treo cái bằng cấp danh giá của cậu trước ngực thì con vi trùng nó ngán cậu chắc? Súng đạn nó chừa cậu ra sao? Cậu đi ra đường, hào quang phát sáng không cần mặt trời, không hít thở oxy như người không trí thức? Tôi nghĩ cậu nên nhìn lại cái trí thức dỏm dáng của cậu đi. Chùa chiền, cậu không bước tới. Nhà thờ, cậu chả thiết tha thì cũng còn được nhưng cách nhìn con người qua bằng cấp, nghề nghiệp của cậu ấu trĩ như một kẻ… kẻ gì nhỉ? Ừ kẻ… trí thức. Tôi mệt với cậu rồi đấy nhá. Cậu cứ mang trí thức của cậu ra mà sống cho danh giá, cho ra con người trên sách vở. Hứ!

Ngày cậu Lắm lâm bệnh, cậu đâm ra khó chịu. Công việc gia đình một tay cô vợ lo liệu. Vợ cậu là người Thiên Chúa giáo Bùi Chu – Phát Diệm, theo bố mẹ di cư vào Nam năm 1954. Cô thuộc hàng viết lách nhà nòi, tốt nghiệp thủ khoa văn mà lại sống bằng đồng lương nhà hàng. Cậu thương vợ, tiếc tài năng nhưng bực vợ cứng đầu. Mợ nói rằng: Cả đời mợ, bằng cấp không quan trọng bằng con cái. Mợ chọn nhà hàng vì công việc nhàn hạ, không ảnh hưởng hóa chất lại có thời gian chăm sóc cho con. Hai vợ chồng vẫn ước ao có mụn con. Mợ hay đi nhà thờ là cầu nguyện cho cậu, cho điều mơ ước nhỏ nhoi của mợ. Sự cãi vả trí thức này nọ giữa hai vợ chồng đã làm trái tim mợ như có vết cắt. Có một lần cãi nhau, mợ đã bỏ đi tìm nguồn an ủi và đã khóc trong tay một người khác.

– Nếu đổi được đời tôi, tôi sẽ chẳng phải tìm đến cậu.

Nói xong, mợ ngúc ngắc cái mái tóc đuôi gà mà thời hai người quen nhau, cậu thấy thương muốn chết nhưng bây giờ thấy nó, cậu lại tức anh ách. Giá gì mà… thò tay giật được cho nó đau bỏ bà đi nhưng… người trí thức, ai đi làm thế. Không làm gì cho nguôi lửa thì cậu há hốc…

Cậu Lắm há hốc lần hai. Cậu không mở được một lời. Mợ ăn trúng cái gì mà bữa nay nổ pháo đùng đùng kinh quá! Mợ nói có gì sai đâu chớ nhưng cậu vẫn thấy cậu “trí thức” thật. Người “trí thức” ai lại đi lắm lời với kẻ “cùng đinh”? Cậu chưa bao giờ hạ mình cho người ăn xin đồng nào kia mà! Tiền trí thức phải dùng vào những công việc từ thiện trí thức chứ! Cậu lại ngẫm nghĩ cái trí thức của cậu có gì khác người thường? Không có. Chỉ khác công việc mà có việc nào danh giá hơn việc nào? Cái chàng bác sĩ có bằng MD (Doctor of Medicine – Medical Doctor) nha khoa mà cậu Lắm hay lui tới thì hằng ngày vẫn tiếp xúc với bệnh nhân răng cỏ có gì thơm tho hơn một kẻ quét dọn cầu tiêu? Còn người đàn bà trí thức có treo tấm bằng PHD (Doctor of Psychology) trước cửa mà mợ Lắm tới lui thì cũng đâu khác gì một kẻ bình dân khéo uốn ba tấc lưỡi chữa bệnh tâm thần? Bác sĩ ư? Trí thức ư? Những bác sĩ, nhân viên phòng xét nghiệm phân người, nước tiểu, đờm nhớt… có gì cao sang hơn những người dân làm ruộng, bắt ốc, hái củi đâu chớ. Ai ăn của ai? Mợ Lắm bỗng nhiên trở nên “trí thức” cãi hồi nào mà cậu không rõ?

Cậu mở cửa vườn. Những cánh hoa hồng đã rụng từ tối hôm qua bên cạnh cánh hoa dại mọc ké bên hè. Cánh hoa tàn cao sang, quý phái nằm cùng với cánh hoa tàn nhỏ dại, tầm thường có gì hơn! Cậu Lắm nghe trong mình có con gì rứt xé. Một cố gắng bảo vệ sự danh giá trí thức. Một mệt mỏi với những gì được bao bọc bởi lý lẽ “bảo hoàng” đã bị người thường xé toang chiếc áo vương giả, dòm thấy sự thật bên trong trí thức chẳng là cái gì khác thường. Con vi trùng trong người trí thức hình như chẳng để cậu trong mắt. Nó vẫn tiếp tục tấn công. Thành quả khoa học trí thức không phải là thuốc tiên. Cậu ngước nhìn trời. Bầu trời vẫn cao ngạo, bao la, mênh mông thách thức con người. Hạ cấp, cao cấp gì cũng ngước lên, nhìn xuống chứ có cái nhìn gì khác người? Nhặt lấy những cánh hoa tàn, lần đầu tiên, cậu bỏ chung chúng vào trong cái hũ sành, chút nữa cậu sẽ mang vào nhà cất kỹ.

Những đóa hoa hồng đang mùa nở rộ với đủ màu sắc chen những bông hoa khác. Chúng sống cạnh nhau không tranh cãi bao giờ. Mùa này sang mùa khác, chúng đã yêu nhau và cho ra đời những đóa hồng lai dễ thương làm sao! Cậu Lắm quên đi lời tranh luận của vợ. Cậu ngồi ngắm nghía công trình của mình không chán. Cậu tỉa những lá sâu. Cậu cột lại những nhánh hoa đổ xuống vì sức nặng của bông hoa. Tại sao cái nụ lại không nặng bằng cái hoa dù cũng là hoa? Con người thường không nặng ký bằng người trí thức dù cũng là người? Cậu Lắm như “ngửi” ra được có cái gì đó như trò cười khi loài người tự xếp thứ bậc cho nhau từ những bông hoa mà cậu thường chăm sóc. Té ra, chân lý tự nhiên sẽ được ngộ ra khi mình sống với chính mình trong đó với công sức lao động. Ranh giới lao động trí óc và chân tay như san bằng trong sự giác ngộ đó. Người trí thức tự cho có cái đầu hơn người. Dân bị coi lao động chân tay chỉ có hai tay, hai chân là người trí thức không hơn. Cái đầu không có đôi tay, đôi chân thì sao mà “múa văn, đấu võ”. Cậu Lắm vừa nghĩ vừa cúi xuống hôn từng cái hoa cả những chiếc đã lụi tàn để chúng không có cảm giác bị bỏ rơi. Lòng cậu thấy nhẹ hơn chút đỉnh.

Hai mẹ con chú sóc nhỏ đang nhai hạt dẻ bằng cái miệng nhem nhép như đàn bà chửi lộn, vừa thau láu đôi mắt đen lay láy như hai hạt nhãn lồng nhìn chăm chắm vào cậu như chưa thấy lúc nào cậu tươi như hôm nay. Chúng không có một vẻ gì “cảnh giác” trước người đàn ông trí thức. Kẻ trí thức hay lắm mưu ma, chước quỷ. Con thỏ nhanh như chớp, phóng vào đớp một nụ hồng cuối luống rồi nhảy ra ngoài theo tiếng “xùy” yếu ớt của cậu. Cành hoa bị cụt đầu như quặn mình đau đớn. Cậu Lắm như cảm nhận ra điều ấy. Nỗi đau của hoa đã truyền qua người cậu một ý niệm: Sống còn chỉ trong khoảnh khắc, nháy mắt mà thôi! Cậu thấy chóng mặt. Máu trong người cậu như bị con vi trùng và nỗi đau hút hết. Cậu mở mắt nhìn bầu trời. Cậu thấy bầu trời với tầng khí ozone đã hỏng một lỗ to bằng nguyên Châu Á dư sức cho cậu chui ra ngoài hành tinh trái đất này để làm một vệ tinh trôi tan vào cõi mênh mông – cõi mênh mông trí thức! Cậu nhìn luống hoa lần cuối, nhắm mắt lại – nhắm mắt trí thức và đôi tay nắm những cánh hoa tàn chặt hơn như sợ chúng mất đi theo cơn gió thoảng.

*

Bên kia căn nhà cuối đường, Hoan đang viết vào cuốn lịch điều tốt thứ chín. Lá thư của Hoan viết mấy dòng cho thằng Tiểu Đệ còn chưa ráo mực: “Thằng Tiểu Đệ! Mày đã quyết định một việc gan bằng trời nhưng vô cùng đúng đắn. Cuốn sách của vợ mày thiệt ‘nóng bỏng’ đến nỗi cám dỗ cả lời khen ngợi của đại ca. Nếu cuốn truyện của bà la sát mày bỏ vào máy xài được thì tao bảo đảm mấy thằng đầu nậu sẽ chộp lấy thay cho cuốn ‘phim Yến Vy’ với đầu đề nghe bắt mửa ‘sung sướng’ gì gì đó ngay lập tức! Mày in là trúng mánh đấy thằng Tiểu Đệ ạ! Tiền và lương tri không bỏ chung vào một cái túi được đâu!. Mày hãy chọn lấy. Nếu phát tài nhớ share cho thằng đại ca này dưới âm tào địa phủ nhen”. Nghe tiếng nước chảy róc rách, anh vội vã tắt ngay. Thói quen của anh là không bao giờ anh để vòi nước chảy trong khi súc miệng hay làm bất cứ chuyện gì cần có nước. Thói quen ăn chè trước khi ngủ của vợ cũng là sự tranh cãi giữa cái nào lợi ích hơn cái nào. Anh ghét sự phung phí vô lý như khi cô vợ hễ cứ ai bên nhà réo gọi là cô gởi tiền về lập tức mà không coi thử họ đã sử dụng đồng tiền của một người thư ký như cô vào việc tốt xấu như thế nào? Cô vợ trẻ thì coi đó là sự bủn xỉn. Họ sống mâu thuẫn như vậy đấy không biết đến bao giờ có một kẻ thua cho người kia vừa lòng.

Hoan rửa mặt. Thói quen của anh khi đứng trước gương là săm soi mấy cọng ria mép. Hoan chẳng làm dỏm làm dáng. Anh chẳng thích hàng ria dài cong như hai sừng trâu, như củ ấu ngon tựa hột mít lùi tro của các nhà bác học. Anh cũng chả ưa gì loại râu dài ông cụ non như những người Trung Đông hay như con đĩa trâu của mấy gã độc tài. Anh càng chẳng mê nổi loại râu mép dê cụ của cầu thủ Hà Lan Lalac hay cả diễn viên Hồng Tơ. Loại nào, anh cũng ghét tất. Anh chỉ “yêu” mỗi râu ria của anh. Loại ria người thường không ai dám để. Nó bướng bỉnh khi mọc chỉa lên trời như mấy cọng rạ bị cắt ngang. Bàn tay thục nữ chớ có dại dột sờ vào. Chúng nhìn nom thất kinh. Anh cạo. Anh tra keo vào tóc và chải hất lên cho giống tài tử Hồng Kông. Anh xịt dầu thơm loại tra tấn gì mà khi anh biến ra khỏi nhà một tiếng đồng hồ thì nó mới bắt đầu bay ra choáng ngợp, ngập ngụa khắp nhà. Tất cả sự thay đổi mấy tháng nay là vì anh biết anh không thể sống quá mười hai tháng. Tháng này không phải là tháng cuối cùng của đời anh sao? Nam nhi đại trượng phu trước khi về cõi vĩnh hằng cũng nên thơm tho một tí. Nghề trang điểm xác chết mấy năm nay thịnh vượng chi lạ. Người vợ trẻ của anh cũng đã thôi úp mặt khóc rấm rứt như ngày nào. Thị cũng về mà “trang điểm, tô son lại” nhưng ngạo nghễ với ai thì anh không biết. Có một ngày, Thị không về nhà. Cũng trong ngày ấy, Hoan đã làm “điều tốt thứ chín” và chính là cái ngày mà cậu Lắm đã đi tìm về miền “trí thức”.

*

Thằng Tiểu Đệ vốn kính nể đôi mắt thần của đại ca cũng như giới nhà nước và giang hồ một thời kính nể Hoàng thượng Năm Cam. Đọc những dòng cà rỡn của đại ca, thằng Tiểu Đệ như “mở cờ trong bụng”. Hắn xếp lá thư cẩn thận bỏ trở lại phong bì như thói quen đọc văn ngược đời của hắn. Con vợ sà xuống định nũng nịu thì thằng chồng đã chặn họng:

– Vòi vĩnh đấy phỏng! Anh đã nói với em không được. Đại ca cũng như ý anh thôi.

Nhìn mặt con vợ đang từ phụng phịu chuyển sang bà la sát, hắn vừa thương, vừa “chợn”, bèn xuống nước:

– Hay là em chịu khó viết lại và cắt bớt những đoạn “nóng bỏng” đó đi… Ê làm gì dữ vậy?

Thằng Tiểu Đệ né tránh cái gối xong, lỗ tai đã bị dùi đục thủng:

– Bộ tưởng chỉ có mình Nguyễn Văn Đệ mới có quyền cho in là in, nói không in là Hồ Lâm Ly này chịu thua đấy phỏng? Hồ Lâm Ly này không biết đưa nhà xuất bản khác in hay sao chứ? Nói nhỏ cho Đệ biết nha, có chỗ nhận in nhưng Ly này sợ Đệ mất mặt vì “bụt nhà không thiêng” thôi đấy! Ly này mà ừ hả, thì “Lượng” tới tấp chứ không ly, không loạn gì cả đấy!

Thằng Tiểu Đệ lấy gân:

– Thì… Ly cứ đi mà in, mà ấn. Sách Ly ra, Đệ… biến cho Ly coi nhá! Á, chơi xấu rứa vợ. Đang đấu khẩu sao chơi gối hoài drậy… bà!.

– Hứ! Này thì gối, mền nè. Chia đôi đầy đủ đấy. Đừng hòng! Hùm.

Cô vợ trẻ ngúng nguẩy mấy cái rồi biến mất sau cánh cửa. Thằng Tiểu Đệ hồi hộp không biết nàng dở trò bầu cua cá cọp gì nữa đây. Hắn giở cái mền, he hé nửa đôi mắt dòm chừng và… thất kinh. Một nàng tiên cá hãi hùng! Trời ơi! Cái bộ vó “nàng tiên cá” này của vợ là bộ vó mà hắn ghét ghê, ghét gớm. Nàng biết hắn không ưa nên chưa mặc lần nào. Lạy bà chằn! Khi hòa bình, hắn nói gì mà nàng chẳng nghe. Còn bây giờ người ta đang cố tình chọc tức mình đấy. Hắn nín cười, khen lởi sởi:

– Chao, đẹp quá, mình!

Nàng tiên cá “hứ” lên một tiếng thật bự rồi ngún ngún, ngẳng ngẳng cái đuôi bó hai cái chân chật ních đi vòng vòng như trêu tức. Hắn ác mồm: “Trông cho… té một cái…”. Bịch! Thôi chết. Bịch thiệt. Chết mẹ cái mông, sao không dập cái miệng chửi chồng cho rồi. Hắn cười khùng khục trong cái mền chưa kịp đã thì… bịch, bịch, bịch… tới tấp bởi cái gối dài. Bao nhiêu hận thù của người đời, tối nay, nàng tiên cá trút hết vào thằng chồng mắc dịch. Chờ cho hắn hết cục cựa, nàng bỏ ra nhà ngoài ngồi thở dốc và rút cái phôn bấm bấm… Thằng Tiểu Đệ biết nàng đang gọi cho “người ta” mỗi khi nàng giận. Gọi hoài không được, nàng tắt phôn sau khi chửi một tràng như trong giới giang hồ. Hắn lắc đầu. Hắn vẫn thường đùa: “Em và bà Dung Hải Phòng – tiểu muội Năm Cam có họ hàng gì không đấy?”. Bữa nay, hắn không dám đùa dai. Khi… bà giận, thằng Tiểu Đệ để mặc cho bà chửi gà, chửi vịt. Bà mà giận dữ thì mọi chức vụ, học vị, danh tước, công lao gì của ai, bà… chà sạch sẽ. Trước mắt bà, thằng chồng chỉ còn như con nhái bén nhảy tanh tách trên đám bèo mà bà chỉ muốn tóm cổ làm mồi câu cá trầu hay câu ếch cho chúng xơi tái, xơi lụi hắn ra. Kinh khiếp quá! Hắn biết đêm nay không khéo dỗ thì mai cứ ôm mì tôm mà nhai cho đến nổi mụn luôn còn đồ đạc thì mặc một tuần mỗi một bộ cho chừa! Đàn bà đấy! Hắn tiếp tục trùm mền. Hắn nghe tiếng cửa mở và tiếng xe nổ. Trời trời! Hắn bung mền ra, kịp vén màn nhìn ra cửa sổ: Chiếc xe chưa kịp ấm đã bị cưỡi cổ nên khói trắng xịt thành làn như hỏa tiễn. Hắn nhìn thấy nó “xẹt” một cái, biến mất sau lùm cây trơ xương bởi mùa đông sụp xuống. Phóng bạt mạng như vậy thì chết cha. Chậc! Hắn lo lắng nhưng hắn hiểu nàng tiên cá của hắn giỏi lắm chỉ lòng vòng trong phố này chớ chẳng dám đi đâu cho xa. Hay quá, hắn sực nhớ một việc. Hắn mở máy, dò vào My Documents đánh tiếp đoạn cuối của cuốn “Nắng vừa qua tóc”: “Người đàn bà với cơn giận dữ phóng mình vào trong nắng mất dạng” kết thúc cuốn truyện viết dở mấy tuần nay.

*

Chị vợ Hoan cầm tờ giấy bác sĩ sản khoa siêu âm cất kỹ vào ngăn trái cái bóp. Chị mừng ít, lo nhiều. Nồi cơm điện quên bật đèn đỏ nên sống lình bình. Nồi canh bỏ hai lần muối nên mặn chát chúa. Cá chiên cháy khét lẹt nếu cái Alarm không hết pin, nó sẽ hú gọi xe chữa lửa tới. Hoan từ nhà trên bước xuống với gương mặt không chút gì của kẻ bệnh hoạn.

– Anh đi chút chuyện. Em cứ ở nhà vui với niềm vui em đã cầu nguyện mấy tháng nay.

Chị Hoan rùng mình. Trước đó, chị nghe có tiếng điện thoại. Đầu óc chị để vào tờ giấy bác sĩ sáng nay. Chờ xe Hoan khuất dạng, chị thở hắt ra. Chị chạy lên lầu kiếm chỗ cất tờ giấy mà chị nghĩ để đâu cũng dễ bị Hoan phát hiện. Cuốn lịch nhỏ rơi xuống, chị định cho tờ giấy vào sau bìa nhưng mắt chị như bị thôi miên: “Điều tốt thứ chín: Làm phúc cho người đàn bà cầu xin một đứa con”. Bất giác, chị sờ vào bụng mình. Chị bương bả mở cửa chạy ra xe với khuôn mặt ràn rụa nước mắt. Bữa cơm trưa không ai về ăn cả. Nó sống lềnh bềnh thêm một lần nữa.

*

Nàng tiên cá ngồi sụt sùi trong góc phòng. Nàng mít ướt cũng thuộc nhà nòi. Cái thằng “người ta” mà nàng hay gọi sau khi giận chồng té ra là thằng cu Hoàn ngày xưa. Thằng cu Hoàn học xong đại học lại trúng nghĩa vụ quân sự hai năm. Xong nghĩa vụ hai năm, cu Hoàn kiếm không ra chỗ làm cho xứng cái “trí thức” của nó. Đại học Kinh tế mà thua cả tụi Trung cấp Kinh tế nên cu Hoàn tự ái bỏ luôn cái kế toán quèn. Nhâm nhi ly cà phê buổi sáng và hao phí thời gian buổi chiều, cu Hoan mệt mỏi đành ôm phao HO của bố vợ đi Mỹ – thiên đàng bằng cấp. Anh vừa làm vừa học để lấy cho được cái bằng Master ngành toán tin là ung thư tới thăm ngay. Nhưng nàng tiên cá không hiểu sao thằng bạn thân của cô lăn đùng ra chết một cách thê thảm ngoài vườn khi cô nghe chính miệng nó nói nó đã khỏi hẳn rồi.

Thằng Tiểu Đệ nhìn vợ mà thương. Nàng nheo nhéo cả ngày nhưng thương bạn bè phát khiếp. Chính hắn cũng chẳng dám đụng đến đám bạn bè của vợ một lời xấu. Giúp gì được cho nàng trong lúc này? Trong đám bạn bè, nàng quý nhất thằng bạn ấy. Hắn chết rồi. Nàng tiên cá của thằng Tiểu Đệ tiếc thằng “người ta” mà khóc! Nước mắt nàng rớt xuống tay thằng Tiểu Đệ nóng bỏng làm sao! Hắn muốn rỉ vào tai nàng: “Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu” như mọi lần nhưng trong lúc này thì quả vô duyên. Người đàn bà nào khi khóc cũng diễm lệ mà mềm như lá liễu với thù hằn hoặc yêu thương. Thằng Tiểu Đệ nhẹ nhàng:

– Mai anh chở em đi đưa đám anh ấy, người chết không thể sống dậy.

*

Đám tang cậu Lắm diễn ra lặng lẽ. Xác cậu được đặt trong cái hòm loại đắt tiền – hòm trí thức. Hơn ai hết, mợ Lắm hiểu cậu lúc nào cũng bảo vệ vai vế trí thức của mình. Trong đám bạn bè, người ta thấy có vợ chồng thằng Tiểu Đệ. Một người đàn bà quấn khăn trắng ngồi trước linh cửu mà ai cũng biết là vợ người chết. Nàng tiên cá chạnh lòng. Khoảnh khắc này sao căng thẳng và dài lê thê quá! Cuộc đời đắng cay, đau khổ, hạnh phúc, vui buồn hay hận thù sẽ đi qua đoạn đường này hết! Nàng tiên cá nhìn ngang. Cô bắt gặp một đôi mắt của một người đàn ông đang hướng về người đàn bà chết chồng kia rất kỳ lạ. Linh tính nhạy cảm của một ngòi bút nhà nòi báo cho nàng tiên cá biết rằng: Mối quan hệ giữa hai người không đơn giản. Nàng nào có biết ngày xưa, người đàn ông đó từng thương yêu người đàn bà chết chồng kia tha thiết. Khi người đàn ông đứng lên, quay ra, nàng tiên cá nghe có tiếng người chào hỏi ngoài thềm rất nhỏ. Hình như là: “Chào Cha” thì phải. Chỗ người đàn ông ngồi có người khác vào thay thế. Cuộc đời vẫn là sự thế chỗ mà thôi nhưng có điều sự thế chỗ có đúng lúc hay đúng chỗ hay không?

Bỏ một nắm đất xuống mộ, nàng tiên cá thì thầm: “Ngủ yên đi thằng bạn một đời ôm giấc mơ trí thức của ta. Ta sẽ mang cậu vào trang sách và để cậu đi trên từng trang sách mà sống với đời. Những chuyện khác, nếu cậu có nhìn ra thì hãy lấy tấm lòng trí thức mà tha thứ cho người trong cuộc. Ta về nha. Có muốn đi đâu, làm gì thì kẻ đi mây về gió như cậu đều có thể toại nguyện. Vĩnh biệt”. Thằng Tiểu Đệ không nói một lời. Sự tôn trọng người chết là lý do để người sống tìm ra đống vàng bằng sự im lặng. Khi về nhà, điều đầu tiên, nàng tiên cá làm là gọi tới văn phòng bác sĩ của Hoan.

*

Hai người đàn bà gặp nhau ngoài văn phòng Medical Dental Associates (Nội khoa – Sản phụ khoa – Thẩm mỹ). Người đàn bà gặp nhau ở đâu, trước không thù thì sau cũng bạn. Té ra, họ vì “em bé” mà tới. Người thèm con bao giờ cũng hân hoan. Kẻ không muốn mà bị có thì thấy như đi vào đoạn cuối cuộc đời. Nhìn ánh mắt họ, ai mà không đoán được. Ánh mắt không bao giờ biết nói láo.

– Chị… Lam, Lâm, Lạm… a…

– Lắm Thị Nguyễn, giời ạ!

Cô trợ lý bác sĩ cười bẽn lẽn:

– Dạ, tại không dấu nên tụi em đoán khó chính xác. Mời chị vào phòng số… Chị có bảo hiểm không? Dà, PPO, HMO, Medical, Medicare gì cũng nhận hết. Chị cầm cup này vào trong lấy nước tiểu chừng này này…

Cô vừa nói vừa đưa cây viết gạch ngang chớn ly. Người đàn bà còn lại phải chờ thêm một cô gái trước mình. Khoảng nửa tiếng, người đàn bà tên Lắm bước ra, móc phôn bấm bấm… rồi ngồi lại chỗ cũ. Cô trợ lý lại xướng tên:

– Mời chị Hiền Trần.

Người đàn bà tên Hiền vừa đứng lên thì một chiếc xe Toyota Camry 2005 trờ tới nhá đèn xin đậu nhanh. Người đàn bà tên Lắm quay lại:

– Tôi về trước chị nhá!

Người đàn bà tên Hiền mỉm cười gật đầu, chị tiện mắt nhìn ra cửa. Khi người đàn bà tên Lắm mở cửa xe, người đàn bà tên Hiền… như chôn chân tại chỗ không nghe lời giục lần hai của người trợ lý vì người đàn ông trong xe không ai khác hơn là… Chị mất cả hồn vía. Chị ầm ờ cho xong buổi khám. Chị lái xe không thấy cả bản “No turn on red” nằm chình ình trước mũi xe. Thế là chị… drọt. May thay, không có bóng xe cảnh sát nhưng không biết camera có chụp được bản số xe chị hay không phải chờ một tuần sau nữa.

*

Về đến nhà, chị vật xuống gường. Trời đất tối sầm. Chẳng thà anh đừng để cho chị thấy anh đã đi chung xe với người đàn bà khác trong lúc này. Người đàn bà ấy lại có mang. Không phải của anh thì của ai vào đấy hở trời! Té ra, cái bữa cơm trưa sình lên, sình xuống không ai về ăn chính là cái bữa: Chồng bận đi làm “điều thiện thứ chín”, còn vợ thì đang ôm nỗi lòng được ân huệ bởi điều ước không số bên người đàn ông bí mật. Cả hai vợ chồng giữ vẻ bí mật cho đến bây giờ mà cứ tưởng chẳng có điều gì xảy ra. Chỉ là tưởng tượng thế thôi chứ nào ai có biết thật sự đâu là đâu! Hiền chợt nhớ một việc. Chị vội vã mở cuốn sổ nhỏ. Chị thật sự bấn loạn: Tờ giấy bác sĩ sản khoa đã có người đọc và xếp lại còn ngay ngắn hơn lúc chị vội vã cất vào. Anh đã biết rồi sao anh lại… Nhưng chị vốn là người đàn bà bướng bỉnh. Anh không một lời mở miệng thì đừng hòng chị mở lời. Anh đã có người đàn bà khác đó là điều rõ ràng nhất trong lúc này. Chị càng khó hiểu vì từ khi biết anh, chưa nghe anh nói anh có người yêu hay yêu người nào trước đó và sau này. Anh là loại người dễ cảm nhưng khó yêu được người thứ hai. Anh đã nói với chị như thế. Chị nghe rõ một sự cựa quậy nhỏ bé đang di chuyển nhè nhẹ trong bụng. Cảm giác “mất” và “được” hình như đã phân hai rõ ràng mà chị lẽ ra là người có quyền hưởng trọn. Môi mặn chát đến nỗi chị suýt quên đi cảm giác thiêng liêng đang từ từ đi đến. Sự đùa dai của chị đẩy chồng ra khỏi cái quyền làm cha là cái hậu quả hôm nay chị chỉ còn một mình. Bản năng của một người đàn bà bướng bỉnh trỗi dậy mạnh mẽ. Chị cầu xin Chúa hãy ban cho chị một sức mạnh để tồn tại và sẽ không dễ dàng bỏ qua cái ngày anh bỏ chị hôm nay. Khi con người buộc phải lựa chọn giữa chồng và con, dĩ nhiên, kẻ làm chồng bao giờ cũng bị đẩy ra theo lý giải xưa lơ, xưa lắc; “Vợ chồng như áo mặc vào cởi ra!”.

Nghe tiếng cửa mở. Hiền vội vã kéo mền đắp, giả vờ ngủ nhưng mệt quá, chị ngủ thật nên không nhìn thấy nửa tiếng sau, anh bước nhẹ lên lầu, không bật đèn và bước đến bên chị. Anh nhìn chị thật lâu. Chị không biết cái ngày chị mua ống thử nước tiểu và vô ý quăng vào giỏ rác, anh đã vô tình nhìn thấy hai dấu cộng và trừ báo hiệu chị có… nhưng anh nghĩ rằng người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt như anh thì làm sao có thể có con! Chuyện ghẻ lạnh từ đó.

*

Nàng tiên cá bỏ cái phôn sau khi “thankyou” lia lịa. Cô tức tốc chạy đi tìm chồng như phát hiện ra cái gì đó trọng đại. Thấy thằng Tiểu Đệ đang lui cui sửa cái máy hút bụi, nàng giật ra, níu tay chồng thì thầm:

– Anh ơi! Anh ơi! Hóa ra đại ca không có bệnh hoạn chi hết đấy.

-!!!

– Em mới gọi tới văn phòng bác sĩ và bệnh viện, họ nói đúng là có người tên Hoan Vo bị ung thu tuyến tiền liệt nhưng có tới hai người tên Hoan. Một là Hoan Vo bị bệnh. Một là Hoan Van Vo không gì. Đại ca là Hoan Van Vo, ai cũng biết. Em hỏi bác sĩ riêng của anh Hoan thì bác sĩ họ trả lời họ có ghi nhầm giấy với hai cái tên Hoan Vo nhưng họ đã gởi giấy báo lần hai lâu rồi.

– ?

Thấy chồng cứ mở cặp mắt mèo ra trừng trừng nhìn mình, nàng tiên cá bực bội:

– Thế mình nghĩ em đùa đấy à! Không tin thì tùy.

– Chậm đã bà xã. Vậy thì cái người Hoan Vo kia là thằng “người ta” của em hôm trước mình đưa đám phải không? Nếu đại ca có giấy báo bệnh thì “người ta” của em sẽ là giấy báo không bệnh. Thế thì chết cha rồi. Nhầm như thế thì chết thằng sống mà thằng bị chết cũng chả thuốc thang gì cả càng mau đi theo ông theo bà là phải rồi. Mà đại ca mấy hôm nay đi đâu ấy. Để anh gọi thử xem sao.

– Không ai bắt phôn em ơi! Cả hai phôn nhà và di động đều im ru chắc có chuyện gì. Tội nghiệp cho hai người vợ. Tội nhất là thằng “người ta” của em. Coi cái mặt em kìa, làm như anh có lỗi…

– Ai bảo?

– Cái mặt đưa đám của em bảo!

– Xùy. Đi tập thể dục đây kẻo có người bảo tôi cứ như con vịt bầu no hơi ấy.

Thằng Tiểu Đệ phì cười:

– Thế vịt bầu có nhờ tôi in sách nữa không?

– Chả mà thèm. Vịt bầu… “tiễn” nó đi hôm qua rồi! Hứ!

– Sáng suốt!

– Sáng cái đầu anh. Bùm!

Lại một cái gối. “Ô hay, từ chối in cũng ăn gối, nhận in cũng ăn gối. Ăn cái món này hoài, chán đấy cô nương.! Ném nữa đi!”.

– Thật là tức quá!

*

Cách nhau tháng trước, tháng sau, có hai người đàn bà tới ngày sinh nở. Họ sinh hai đứa con trai. Người đưa họ kẻ trước người sau vẫn là một người đàn ông – đại ca của thằng Tiểu Đệ. Cuộc sống mà họ đang đóng kịch vẫn lặng lẽ đi qua… Một ngày nọ, Hoan quyết định một điều. Anh mở cuốn sổ nhỏ ghi: “Điều thiện cuối cùng…”. Anh không vội cất cuốn sổ. Anh muốn coi lại một lần tờ giấy báo từ văn phòng bác sĩ sản khoa của vợ. Anh lật qua trang cuối cùng. Một tờ giấy báo từ văn phòng bác sĩ của anh rớt xuống: “Hoan Van Vo, kết quả siêu âm tuyến hộ nhiếp: Bình thường”. Ngày báo cách hôm nay đã đến gần một năm trời! Cơn đau thắt lớn hơn nỗi vui mừng chết đi sống lại. Anh nghẹn đắng. Sự việc bất ngờ ập đến khiến anh không còn cảm giác nào. Anh nghe rõ tiếng vợ trả lời qua phôn. Cô ta nói như khóc: “Thưa Cha, con vẫn khoẻ, cám ơn Cha”. Thằng bé oằn oặc trong nôi. Anh bước ra định bồng thì cánh tay anh bị hất ra. Chị không nhìn anh. Chị hầu như câm hẳn một năm nay. Thằng bé nghiền sữa mẹ nín thinh, nín thít. Ôm con vào lòng, chị quay mặt tránh cái nhìn hối hận của anh. Gần một năm nay, chị đã sống bằng sức sống tinh thần của Cha nhà thờ đó. Tôn giáo đúng là chỗ dựa phần hồn khi người ta đi vào bế tắc và bất hạnh.

Anh bước ra sân. Mọi lần, anh sẽ đi nếu không khí căng thẳng nhưng lần này, ngôi nhà đầu xóm này như có cái gì níu anh trở lại. Anh là một kẻ không thích sự lãng phí nhưng bây giờ, kẻ lãng phí chính là anh. Anh kêu trời trong ruột: Tại sao anh không là một kẻ bệnh tật? Làm kẻ bệnh tật lúc này còn hay hơn là người đàn ông khỏe mạnh. Sự thật đang hiện hữu còn kinh khủng hơn người ta sự trừng phạt một kẻ có tội giết người. Anh nhìn về căn nhà cuối lùm cây. Tại sao người đàn bà ấy lại không nói thằng bé đó là máu mủ của anh?

Một ngày, anh nhìn ra chỉ số trong ống thử nghiệm và tờ giấy báo từ văn phòng bác sĩ sản khoa của vợ, anh đã đi với người đàn bà mà anh gặp hôm đi chùa. Quen nhau vài tháng, cô ta đã cầu xin anh một việc. Anh không từ chối vì anh cũng chẳng sống lâu hơn ba trăm sáu mươi lăm ngày. Một người đàn bà biết lấy tình thương yêu và lẽ hiểu biết để đối nhân xử thế mà gặp bất hạnh: Sự tự tôn trí thức của chồng và ước ao làm mẹ không đáng được người ta yêu thương thì thế gian này đẻ ra tình yêu làm cái gì kia chứ? Nhưng anh lúc đó cũng đã nói cho nàng biết là anh không thể có con. Cô ta khóc vì nghĩ anh khinh rẻ mình. Hai kẻ buồn chán gặp nhau. Cô chẳng xin xỏ gì nữa còn anh chẳng có quyền cho hay không. Sự đồng cảm đã quyết định tất cả để có một lần…

*

Chân anh bước trong đêm vô tình dừng lại căn nhà cuối lùm cây. Nhà còn ánh đèn. Qua khung cửa sổ, anh nhận ra người đàn bà nhỏ nhắn đang ôm con. Cánh tay của nó chòi đạp vào không khí. Anh chưa bao giờ ngủ lại đêm trong căn nhà này. Những đêm giận vợ, anh ra thuê Motel mà ngủ cho đến sáng về, không một lời giải thích. Nàng đâu có giải thích với anh điều gì đâu chớ. Anh cứ nghĩ người có lỗi trước ít nhiều gì cũng chính là vợ anh. Anh muốn gõ cửa nhưng lại thôi. Người đàn bà kia chưa chắc đã chấp nhận một kẻ như anh vào nhà ban đêm dù chỉ là một phút. Anh nhìn họ một chút nữa rồi từ từ quay gót. Khi người ta đã có sự chọn lựa thì hãy để cho họ được yên. Anh đi bộ thêm một tiếng đồng hồ nữa là đến khu nghĩa trang. Mặc kệ là có cảnh sát hay không, anh đi vào một ngôi mộ. Anh ngồi bệt xuống cỏ một cách mệt mỏi. Người nằm trong mộ nói gì không ai biết chỉ nghe anh trả lời:

– Người đàn ông hạnh phúc không phải là tôi. Tại sao người ra đi không phải tôi mà là anh. Anh lãng phí trí thức của anh để hạnh phúc vuột khỏi tầm tay chạy vào tay tôi nhưng tôi đã lãng phí thời gian và tình yêu cùng lòng trắc ẩn nên cuối cùng hạnh phúc lẽ ra tôi được gấp đôi lại theo sự lãng phí đó cắt trái tim tôi làm đôi rồi ra đi lặng lẽ.

Người trong mộ mỉm cười. Hai người đàn ông im lặng một lát như ngẫm nghĩ. Người ta lại chỉ nghe người sống trả lời:

– Điều thiện cuối cùng tôi ghi vào cuốn sổ nhưng tôi đã không sao làm được. Cám ơn sự thông cảm của anh. Nhưng anh biết đấy, làm sao người đàn ông như tôi có thể sống trong hai hoàn cảnh ngược ngạo. Hai người đàn bà chỉ có thể chọn một nhưng quyền chọn lựa nào có phải là quyền của tôi. Tôi thực sự có hai đứa con trai mà lại không thể nhìn nhận được đứa nào. Tôi có hai cái nhà để bước vào nhưng tôi không thể thấy thoải mái, tự do mà sống trong đó. Tôi và anh thật sự hai người sống hai mái nhà nhưng khi về cõi âm thì tôi và anh chỉ còn một mái nhà!

Ngày anh nhận giấy báo bệnh, hai vợ chồng anh lại có được một đêm trăng rằm. Nay anh tìm ra tờ giấy báo không bệnh thì lại là một đêm không trăng, không sao. Trái tim anh nhói đau, đau nhói một thoáng, rồi kéo dài, thắt lại. Bốn bàn tay nhỏ xíu như bóp chặt nó, giành giật. Hai người mẹ hiện ra đầm đìa nước mắt. Hoan chới với trong lạnh rét. Anh cảm thấy bàn tay người trong mộ nắm tay anh. Hoan thở hắt. Điều thiện cuối cùng, anh để lại bên đời. Đêm tăm tối, hai căn nhà đầu đường, cuối bãi đèn vẫn sáng suốt đêm như nửa chờ người, nửa cam chịu, nửa ngủ, nửa thức như chiếc bóng giữa một đêm buồn hai lần góa phụ.

*

Thằng Tiểu Đệ như mất hồn. Đại ca của hắn lại lãng phí tuổi trẻ mà đi rồi! Nàng tiên cá ngồi một bên hắn im lặng mãi rồi cũng mở lời:

– Em nghĩ nhức óc chưa ra là phải giải quyết dùm cho đại ca “điều thiện cuối cùng” của anh ấy. Người đàn bà nào bất hạnh mà anh ấy sẽ phải chăm sóc?

– Em đã nhìn ra cái gì đấy hở? Một hiện thực cay đắng phải không? Nhưng không phải hiện thực nào cũng bê hết vào viết lách.

– Nhức đầu quá!

Thằng Tiểu Đệ nhìn vợ, lần đầu tiên, hắn nói thật lòng và rất nghiêm túc:

– Chờ khi em sinh con, em sẽ có đáp số cho “điều thiện cuối cùng”.

Trong mênh mông, giọng người vô hình phát ra lãnh lót: “Thằng Tiểu Đệ, mi thật thông minh. Người thông minh luôn thoát được qua những cái ải khổ của cuộc đời. ‘Điều thiện cuối cùng’ của đại ca, thằng Tiểu Đệ mi hãy làm dùm cho đời chứ chẳng phải riêng đại ca”. Thằng Tiểu Đệ nhắm mắt:

– Nhức đầu quá! Tại sao cái nhức đầu này, đại ca không “share” với tiểu đệ?./.

Tháng 03/12/2005
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button