TRUYỆN NGẮN

TRẬN CHIẾN NÀO VINH QUANG? (Cái đồng hồ của mẹ)

Trận chiến nào vinh quang? (Cái đồng hồ của mẹ)

Đặt ly bia Heineken lên bàn thờ, Thảo nhìn bọt bia sủi tăm rồi lắng dần… sao giống như một đời người thân bôn ba trắng tóc! Khoảng ngần ấy thời gian đủ để thanh toán, trả nợ cho “sinh, lão, bệnh, tử”, nghĩa ơn và hận thù! Thảo nhìn lên tường. Tường vôi trắng bóc không có bóng một con thằn lằn tắc lưỡi giữa đêm đông cho người viễn xứ chạnh lòng mong một ngày tương hội! Chao! Thật là thánh thiện nếu bây giờ có ai đó gõ lên một tiếng chuông không lời cho mọi người thức tỉnh? Thảo lại nhìn đồng hồ… như cách đây ba mươi năm, mẹ đã nhìn như thế để chờ tin tức từ đài bên kia vĩ tuyến 17 nghe những cái tên “sinh Bắc, tử Nam”. Cái đồng hồ của mẹ dường như dừng lại ở mốc 30/04/1975.

Trước đó hai ngày, mẹ bế em, dắt Thảo chạy theo đoàn người di tản, cờ máy bay “bốc” đi như bốc những chuyến hàng ngoài ý muốn. Giữa hai lằn đạn dứt khoát phải có kẻ sống, người chết và giữa sự sống, cái chết bắt buộc phải có sự “đấu tranh sinh tồn”. Mẹ nào có biết cái lý lẽ trên.

– Chị là ai? Vợ con tướng tá nào? Dân sự thì chờ đó đi!

Mẹ khựng lại như em bé bị người giật ra khỏi bầu vú mẹ. Tiếng trẻ sơ sinh ằng ặc giữa cái nóng nực và đói khát hòa lẫn tiếng kêu khóc, tiếng súng nổ bị ném vào không gian hỗn loạn, mênh mông…

”Chị là ai” ư? Chị là vợ của một “nghĩa tử Quốc Gia” chưa có “sao”, có “gạch”, chưa có “bông lúa” trên cầu vai áo đã nằm xuống cho cuộc tản cư hôm nay trở thành một cuộc chọn lựa dành “quyền ưu tiên”. Dĩ nhiên, vợ con những tử sĩ, những thương phế binh chỉ được cấp “thẻ đỏ” trước lúc vào… sân banh! Khi chiếc máy bay cuối cùng quay cánh, lạnh lùng bay ra biển, mẹ khô khốc:

– Cuối cùng, họ cũng bỏ rơi mình!

Câu này, nhớ lại, Thảo như nghe “quen quen” khi lá bùa hộ mệnh của Quốc Gia bị hiệp định Geneva 1954 và Paris 1973 tháo gỡ và khi diện HO được “bốc” đi gần hết chỉ còn diện… H.ám (thương binh, tử sĩ) ở lại thì càng nghe quen lắm lắm!

Việt Nam mở tiệc mừng chiến thắng vĩ đại 1975, rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm với cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trong lòng kẻ mừng, người khóc, kẻ được, người thua nhưng có lẽ cái mừng dễ chấp nhận là không còn tiếng súng, tiếng bom để anh em dàn trên hai trận tuyến nã súng vào nhau! Mẹ con Thảo bị bỏ lại, lam lũ bán bánh mì, bán báo giữa sự mừng công: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ” của chế độ mới từ Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh.

– Học chữ “nhịn” con ơi!

Mẹ hay nói vậy với chị em Thảo khi bị chọc ghẹo, rủa sả, lăng mạ. Một chữ “Nhịn” của mẹ thả xuống cuộc đời trở thành chiếc thuyền chở mấy mẹ con trôi lênh đênh trên biển đời nước mắt! Mẹ lại nhìn đồng hồ sau khi mấy ổ bánh mì đã vơi. Thảo biết cái nhìn ấy không phải chờ di tản mà tới giờ “lá lành đùm lá rách te tua”. Thảo mỗi đêm mang cho cậu ổ bánh mì. Đôi chân cậu đã bỏ lại chiến trường đầy bom mìn. Cái binh nhì của cậu không đủ “đô” cải tạo để được bên “nhân đạo” giữa đàng bỏ bạn kia, thả cần câu, câu con cá ngắc ngư thảy vào cái gọi là dòng sông tự do trong tưởng tượng. Nhặt rác, lượm ny-lông, bán báo… cũng không phải là cái nghề tồi tàn. Chị em Thảo đã lớn lên từ vũng lầy đen tối -nạn nhân giữa hai cuộc chiến “cốt nhục tương tàn” có khác gì thời Trịnh – Nguyễn phân tranh! Sự hy sinh thầm lặng của bố đã không là cứu cánh. Bố hy sinh cho ai? Được cái gì? Mẹ còn có chị em Thảo là niềm vui, là niềm tự hào hơn “những cô gái mở đường”, những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chỉ còn ôm lấy tuổi không còn thanh xuân, vuốt ve mái tóc không còn óng ả, ôm huân chương chiến công trong cô đơn, trong ngậm ngùi! Giữa hai lằn đạn, sự trả giá đó quá đắt cho hai chữ “Tự Do”, hai chữ “Hòa Bình” còn nhiều tranh cãi. Thảo trở nên lầm lỳ, ít nói và nhường nhịn khi bọn trẻ khác cứ cho “rác này là của tao” đến khi cả cái vỉa hè “không của riêng ai” mà chúng cũng giành “của tao” thì Thảo xin phép mẹ quên đi chữ “Nhịn” mà xửng cồ:

– Ai nói vỉa hè này của mày? Đừng thấy người ta nhịn hoài làm tới!

– Mày làm gì tao? Kỳ hẹn cho mày đến tối trả lời đi chỗ khác hay là không?

Thảo cười lạt. Kẻ làm lớn như tổng thống Thiệu mới ngần ngừ, chần chừ khi đại sứ Mỹ Mactin gởi tối hậu thư vào dinh độc lập năm 1973, còn Thảo, Thảo buông một câu cộc lốc, dứt khoát:

– Không!

Lập tức, thằng ôn con nhảy vô túm tóc Thảo. Con bé dữ dằn khi bị tấn công. Cái sức mạnh chỉ đuổi con gà của đứa con gái mới mười hai tuổi như được tiếp sức bởi chữ “Nhịn” lâu ngày thành “tức nước vỡ bờ” của chị Dậu năm nao với cái lý lẽ vỉa hè không của riêng ai đã làm thằng ôn con không biết phải quấy kia… ngắc ngư:

– Mày ngon thì ở đấy, chờ đấy.

Thằng ôn con phủi đít, “phang” đại mấy câu gỡ danh dự rồi… drọt. Thảo đụp lại:

– Hăm dọa? Nói được phải làm được. Tao đứng đây chờ, nếu cần… đổ máu luôn cho sự không biết điều của mày!

Chồng báo bị gió thổi bay tứ tung. Người đi đường nhặt hộ. Suốt đời, hai chữ “Tự Do” dù là tự do của kẻ lượm rác hay bán báo cũng vẫn là “nhặt nhạnh” đó thôi! Tiếng tu huýt gắt gỏng “tuýt tuýt”. Một chiếc áo vàng choé xuất hiện:

– Bán báo mà đánh lộn gây mất trật tự công cộng, biết tội gì không, nhỏ?

– Đánh lộn gây mất trật tự? Thế bắn nhau gây mất gì, chú?

– Á a! Lý sự gớm nhỉ? Nhà ở đâu? Sao không học hành… cháu gái?

– Thưa chú, nhà cháu ở bên kia. Cháu học một buổi, bán báo một buổi.

– Sao lại đánh lộn?

– Cháu không có đánh… lộn. Cháu đánh… trúng!

Suýt nữa cái dùi cui của anh công an rớt xuống đường. Anh ta khẽ nhếch môi:

– Thôi đi đi!

Thảo lê chân trên đường theo con gió trong nhẹ tênh với cõi lòng thanh thản. “Em đi qua chốn này ối a biết đâu nguồn cội. Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài…”. Một thời Trịnh Công Sơn với “Biết đâu nguồn cội” đã làm mẹ rơi nước mắt!

Những bọt bia đã tan mà bố không uống một giọt nào! Cõi vô thần, vô hình chỉ là hương hoa, mây khói. Cái đồng hồ của mẹ vừa chỉ đúng 12 giờ đêm. Cái ngày cùng giờ mà mẹ nằm xuống sau khi nghe tin đứa con trai út bỏ mình trên biển, không một lời trối trăn ngoài chữ “Nhân”, chữ “Nhịn”. Sự yên giấc nghìn năm của mẹ nhẹ nhàng, trắng tay, trắng tóc! Mẹ đã cùng bố dắt tay nhau qua bên kia cuộc đời! Thảo nuốt sự đau đớn xé lòng, bước lên máy bay bằng cái thẻ ODP của chị – người chị tưởng mất tích từ lâu. Hành trình một chặng đường bên kia bờ ảo vọng mà cái tử sĩ của bố không được đoái hoài, hóa ra, không đơn giản.

– Ba mày đi B chớ tử sĩ gì? Cái đồ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Theo CS thì nói quách đi còn bày đặt? Tử sĩ thì chôn ở đâu? Ai làm chứng?

– Nói cho thê thảm hung!

Thảo không buồn thanh minh cho cái lý lịch mơ hồ của mình. Cứ thêm muối, đường, bột ngọt gì cũng được. Nếu bố còn sống, bố là ai? Làm gì? Thảo cũng chỉ mong có bố. Thời thế tạo ra con người trong chiến trận. Trốn được sao? Giấu được sao? Bức chí tự sát cũng không là sự kết thúc khôn ngoan, chạy trốn cũng không là thượng sách! Khi sang Mỹ, Thảo làm công trong những hãng xưởng phần đông cu ly là dân Việt diện con lai, HO, ODP. Mỗi lần xếp Mỹ hỏi: “Where are you from?” là Thảo chạnh lòng khi buột miệng trả lời: “I am from VN”. Xưng người Việt Nam trong lúc này không thấy hèn mạt cũng không vinh dự gì! Người Việt Nam mà vầy ư? Đọc sách báo thấy chỉ có một nhúm người Việt tỵ nạn ở hải ngoại mà đã có biết bao “liên minh”, biết bao “mặt trận”, mục tiêu “giải phóng” Việt Nam cho “Tự do”, Thảo lắc đầu. Ngay tại thời Pháp thuộc, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa vĩ đại rồi cũng đi vào xương trắng nuôi chí hờn căm là vì sao? Cây không rễ, cây làm sao sống nổi! Hội người Việt có mặt khắp các tiểu bang cũng đâu đủ sức phục vụ hết cộng đồng. Cái phần “bảo vệ người Việt bị thuế cắt cổ” vẫn chưa có trong điều lệ và sự bầu cử hầu hết liên minh, tự ban chức chớ có dân sự nào bầu lên! Thảo ngao ngán nhìn một đống sách mấy chục năm toàn là chửi bới nhau thậm tệ. Trận “Giặc văn bút” giữa liên minh Nghĩa – Hương và Nhâm – Triều đã kéo bao nhiêu cao thủ võ lâm nhảy vào tham chiến khiến võ lâm đồng đạo ngước mặt nhìn trời than thở như thuở Đặng Dung! Thảo tiếc quá! Những chất xám thiên phú ấy lẽ ra phải được dùng đúng nghĩa thì văn học hải ngoại hôm nay không dậm chân lại ba mươi năm. Thảo nhớ thời Tố Hữu trị “Nhân văn – Giai phẩm” cũng kéo lùi văn học Việt Nam ngần ấy năm. Trách người có ngẫm đến ta? Cãi nhau đâu là công trình phục vụ tổ quốc? Thảo nhìn đồng hồ của mẹ: Ngập ngụa trong dĩ vãng đau buồn, thua thiệt hay hào hoa hão huyền không phải là liều thuốc giảm lượng cholesterol trong máu, không phải là cây cầu nối chữ tự do. Ly bia của bố sóng sánh nước trong tay Thảo:

– Cho con được uống phần đắng chát này để các con của con nuốt vào lòng lời ngọt ngào, không bội bạc nghe bố!

*

Thảo dạy con học chữ.

– Sao phải học tiếng Việt, má?

– Để sau này con không quên mình là người Việt Nam.

– Việt Nam có gì… ngon không, má?

Thảo cười không thành lời:

– Có cái ngon, cái chưa ngon, chờ tụi con lớn lên làm cho ngon.

Lũ nhỏ trố mắt. Thảo hỏi con:

– Biết Âu Cơ là ai không?

– Dạ biết.

Và chúng lim dim…

Ngủ đi con! Hãy đi tìm cô Tấm dịu hiền, hãy trân trọng giọt nước mắt quanh đời Kiều, để biết dòng lịch sử Việt Nam mở đầu từ thời Hồng Bàng và kết thúc không chỉ vào cái mốc 30/04/1975 mà cho tới bây giờ. Còn nữa, con phải biết những câu tục ngữ: “Gà nhà bôi mặt đá nhau” hay “Ngao cò cắn nhau, ngư ông đắc lợi”. Nơi xứ người dạy con học chữ Việt sao mà khó hơn uống thuốc đắng. Nhưng dạy con làm người Việt Nam thì càng cay đắng hơn vì người Việt Nam như thế nào mới là tấm gương sáng để con cháu soi vào? Thảo từ lỳ lượm, ít nói bỗng trở nên tranh cãi cực kỳ. Thảo ghét những kẻ cứ nghĩ có tiền là có tất cả nên, một lần…

– My money is good any where!

Một bà khách người Mỹ gốc Châu Âu buột mồm.

– But, not here.

Thảo đập lại. Mày có tiền nhưng mày không thể nhảy qua đầu những khách hàng đến trước. Mày có tiền cũng không thể đi một lần hai chiếc xe hơi và ăn một lần bằng hai cái miệng. Khách hàng kiểu đó không thể là “thượng đế” với Thảo. Có một lần nghe chuyện dân da trắng mắng dân da vàng là “Oriento”, Thảo sôi máu:

– Mày tưởng bọn mày là văn minh chăng? Mày tưởng bọn mày chính thống chăng? Chỉ là bọn xâm lược đất người!

Kết quả Thảo mất việc mấy lần. Thảo không ngại tìm chỗ khác vì Thảo nghĩ trong những kẻ quên mất lòng tự ái dân tộc vẫn còn nhiều người biết chữ “Sĩ” là gì? Ba mươi năm ở Việt Nam, chế độ mới đã căng một biểu ngữ tại các trường mẫu giáo: “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”. Hóa ra, đó là một cuộc thách thức cho người Việt hải ngoại trong ngấm ngầm. Thảo từng nói với bạn: “Muốn ‘tự do’, muốn đổi chế độ mà chỉ nhắm vào thế hệ đã đến giai đoạn cuối cuộc đời thì làm sao đọ với người ta?”. Những người chỉ giỏi chửi nhau nếu may mắn thắng, liệu có lập được một chế độ khá hơn chế độ cũ hay chỉ quẳng súng chạy lấy mạng khi gặp biến cố? Trong câu: “Tu thân. Tề Gia. Trị quốc. Bình thiên hạ” thì chữ “Tu thân. Tề gia” được xếp hàng đầu. Ta có làm được đâu? Thảo lại nhìn đồng hồ: Vẫn còn thời gian để bước vào trận chiến không đổ máu nhưng rất cần cho sự hy sinh về công sức, tình thương, chất xám của cha mẹ, của những bậc tiền bối cỡ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…

Thảo biết rằng đã đến lúc Thảo cũng phải lao vào trận không phải đào hầm tránh bom mà phải thực hiện cho được cái mục đích thiêng liêng: “Nuôi con khoẻ. Dạy con ngoan”. Trận chiến này mới thật là vinh quanh và vĩ đại! Thảo đặt ly Heineken mới rót lên bàn thờ của bố và nhìn vào cái đồng hồ của mẹ để thương nhớ người em./.

Tháng 3/30/2005

Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button