XIN ĐƯỢC MỘT LẦN THA THỨ
Nhà hàng Thiên Tân thường đông nghịt khách vào những ngày cuối tuần. Thiên hạ nghèo đâu không biết chứ ban đêm thì hào phóng và giàu sụ lên qua sự tiêu sài khiếp sợ. Bàn số 13 có năm người đàn ông. Họ ăn mặc nôm lịch sự. Thỉnh thoảng, họ pha vào câu tiếng Anh đùa cợt. Những món họ gọi toàn thứ hàng đặc sản đắc tiền mà loại thương gia mới dám ăn. Nhân viên phục vụ nhà hàng toàn nam nữ thanh niên từ hàng ba mươi trở lại. Họ mặc đồng phục quần xanh, áo sơ mi dài tay cho nam và áo váy hồng ngắn tay cho nữ.
– Tính tiền!
– Dạ. Bốn thùng Heniken 9 triệu 3. Mười con mũ ni 6 triệu. Năm tôm hùm…
– Thôi khỏi. Tính tổng được rồi.
– Dạ. Tính cho khách thấy rõ mà. Dạ, 19 triệu 13 ngàn, chú.
Số bàn 13, tiền lẻ cũng 13 không làm cho những người khách sịn để ý. Một trong năm người họ trả tiền và một trong bốn người còn lại ngoắc một nhân viên:
– Em! Cô bé tóc dài kia có chồng chưa? Tên gì vậy?
Người thanh niên chạy bàn quay lại nhìn và lễ phép:
– Dạ, cô ta tên Hận. Trường Hận. Họ Trần. Chưa chồng. Cô ta là sinh viên năm thứ tư của Đại học Ngoại Ngữ hệ mở rộng.
– Cám ơn.
Năm người lên xe. Chiếc xe con Camry đời 2000 cáo cạnh, lùi bánh rồi chạy từ từ ra khỏi nhà hàng tiến về khu đấm bóp trước khi đổ lại khách sạn 5 sao của thành phố, bỏ lại tiếng xầm xì của đám nhân viên:
– Giàu có, sài sang mà lịch sự quá. Không giống những người hách dịch.
– Chắc là thương gia trí thức. Việt kiều trí thức giàu có.
– Tiền bo cũng hảo lắm.
– Hình như chấm con Hận. Thế nào tối mai họ cũng tới.
Ngày mai, họ tới thật. Cô gái tên Hân chắc do chủ nhà hàng sắp sếp nên phục vụ bàn 13 này. Cô gái mặt mày sáng láng có đôi mắt u ẩn buồn đã quyến rũ một trong năm người khách sịn. Một tuần sau. Năm người khách trở thành quen thuộc của nhà hàng Thiên Tân. Cô gái mang cái tên Trường Hận theo yêu cầu của khách phục vụ bàn số 13 với tiền bo mỗi đêm làm ganh tị bạn bè. Một tháng sau, nhóm năm người chỉ còn bốn. Đêm họ tới nhà hàng cũng là đêm cô gái Trường Hận được phép nghỉ.
*
Thành phố vẫn rộn rã như thỏa mãn những gì xảy ra và chẳng hề dự tính gì cho tương lai khi đêm xuống. Xe cộ trên đường vẫn chen chúc tranh nhau từng ngã tư, ngã năm. Công an giao thông thổi tu huýt liên tục để cảnh báo và phạt thẳng tay cho những cuộc chạy xe vượt tốc độ và trái len. Nạn chung tiền tại chỗ không là vấn đề đáng kinh ngạc vì nó quyết định nhanh nhất cho tài xế được phép chạy tiếp cho kịp thời gian hợp đồng. Đâu đó, chiếc xe cứu thương hụ còi inh ỏi như điệp khúc quen thuộc không thể thiếu cho bất kỳ một thành phố nào đang vào thời giao mùa thời văn minh và thời tiền sử. Trên những con đường nhỏ, cạnh những nhà hàng đông ngẹt thì vẫn đó đây những tiếng rao hàng cô đơn theo tiếng dép lẹp xẹp, tiếng chân người nặng nề, lê la gánh gồng, mời mọc: Chè sôi nước, bánh ú, hột vịt lộn, mì gõ… Nghèo thì ăn đồ nghèo. Sang thì vào cửa sang. Đâu đó hai thế giới đã phân chia tự kiếp nào!
Những chiếc xe thồ nằm chốc mõm chờ khách trên các vệ đường cho phép. Thỉnh thoảng, vài chiếc xích lô như một dấu tích quay ngược, chứng vật cho một thời đại cổ lỗ đi qua. Nhưng người chẳng tân đại. Người vẫn dẫm đạp nhau trên các thương trường. Người vẫn nhìn người tàn tật đi qua không nhường lối. Người vẫn thải ra những rác rưỡi xuống mặt đường, đổ những dơ bẩn vào những dòng sông và hất lên không khí dày đặt tiếng chửi thề, câu tục tĩu vô tội vạ thì thả vào thinh không. Những làn sóng ngoài không gian của người hành tinh khác đang thu giữ lại hết và hình như họ đang bận rộn nghiên cứu ngôn ngữ người trái đất nên đĩa bay đã thấy ít xuất hiện trên bầu trời.
Khách sạn 5 sao nhìn trật ót của thành phố đang chìm vào giấc ngủ. Năm người họ ở năm căn phòng. Chẳng ai biết phòng bốn người kia có thêm khách nào hay không nhưng đêm nay, căn phòng của người đàn ông phóng khoáng được giới nhân viên nhà hàng bình bầu là số một, có thêm người. Một cô gái tuổi hai hai. Hình như chưa quen lắm với cuộc sống khách sạn và mùi vị gường chiếu nên ra chiều e ngại. Người đàn ông mở tủ lạnh, lấy ra chai nước khoáng. Hắn tháo lớp nhựa bọc, đổ nước vào cái ly màu xanh và đưa cho cô gái:
– Em uống đi! Cả ngày, em đâu có uống nước.
Hắn chỉ vào phòng tắm, tự nhiên:
– Em có thể tắm một chút. Vòi nước nóng anh mở sẵn. Nhớ đừng tắm nước nóng quá, hư da.
– Em về nhà tắm cũng được.
– Về nhà bây giờ? Mới vừa ngồi chưa năm phút đó mà.
Nhìn cô gái mở mắt ra như chẳng hình dung chuyện gì. Người đàn ông dịu dàng:
– Ừ, mới mười rưỡi. Em có thể ra về khi nào em muốn.
– Em về nhen kẻo mẹ em trông.
Người đàn ông hình như cảm thấy câu này hơi động trong óc nhưng chẳng biết nó nằm ở vùng nhớ nào! Khi đưa cô gái ra cửa, bất giác, hắn nắm tay cô gái lại một cách nhẹ nhàng, van xin:
– Hay là em ở lại với anh chút nữa! Anh có chuyện này muốn nói với em.
Cô gái ngước nhìn hắn. Không hiểu sao cô gật đầu. Chiếc gường mau chóng thành hai cái ghế. Cả hai chẳng nói gì hết. Hắn chợt ấp úng:
– Em, em có… muốn lấy anh không?
Cô gái chớp mắt nhìn xuống chiếc giày của mình:
– Để em về hỏi mẹ em. Anh có vợ chưa?
– Chưa. Hỏi kỳ quá! Quen nhau cả tháng rồi đấy. Em sợ anh gạt em phải không? Thề nè…
Cô gái bối rối. Cô chẳng phản ứng nào khác là nhìn mãi nơi mũi giày và nghe ngoài đường tiếng những tiếng động thưa thớt dần. Hình như cô đang làm con nhện và cả con tằm mà chẳng thể nào lý giải cho những gì cô dành cho hắn như đêm nay chẳng hạn. Tình yêu chăng? Mơ hồ quá. Tiền bạc chăng? Lại không phải. Cô chỉ biết người đàn ông trước mặt cô bây giờ là người mà cô đang chờ đợi đã như… lâu lắm rồi… có mãnh lực quá khứ gắn bó và cô không thể tách ra khỏi ma lực hiện tại này.
– Tại sao em dám theo anh lên đây?
– Em không biết!
– Không sợ anh… sàm sỡ?
– Không!
– Trời! Đừng tin người quá em. Em có lên những chỗ giống nhau thế này lần nào chưa?
Cô gái không để ý câu hỏi khôn khéo của người đàn ông. Cô nói thật:
– Chưa!
Người đàn ông nhìn ra cửa phòng.“Trời à. Sao lại có một cô gái thơ ngây giữa thành phố người ngợm này vậy trời!”. Thật hiếm hoi quá. Những gì hiếm hoi vẫn được coi như một báu vật. Chừng như sợ báu vật kia bay mất, giọng hắn chìm xuống:
– Em không thể tiếp tục làm ở nhà hàng kia nữa. Có ngày người ta sẽ… giựt mất em.
– Em cần tiền để đi học. Chỉ làm thêm mấy tiếng ban đêm thôi à. Mẹ em cũng chẳng muốn em đi làm ban đêm. Làm nhà hàng chỉ cực vào cuối tuần, còn những ngày thường thì nhàn hơn. Em quen cái khổ rồi.
– Ôi trời. Em chẳng biết gì hết.
– Chẳng biết gì hết là sao?
– Cô bé à, ý anh muốn nói từ bây giờ, em chẳng cần đi làm, cứ đi học cho xong, anh lo cho.
Cô gái cười:
– Không được đâu! Sống nhờ người khác, mẹ em không chịu.
– Lại cũng mẹ. Em không quyết định được sao chớ?
– Em không muốn mẹ em buồn đó mà.
– Vậy thì em… lấy anh. Em không sợ mẹ cùng em mang tiếng sống nhờ người khác. Em nhờ chồng đâu có sao! Hở?
– Lấy anh?
– Trời ơi! Nãy giờ nói khô bản họng. Không lẽ anh đang làm mai em cho một thằng khác. Anh ngu dữ vậy trời? Hết sức!
Cô gái bật cười. Thái độ cởi mở của người đàn ông trước mặt đã làm sự e dè của cô tiêu tan bớt. Ở hắn, có cái gì khiến cho cô yên tâm hơn là lo sợ.
– Hiểu chưa?
– Chút chút thôi!
– Trời ơi chỉ có lấy hay không mà cũng chút chút! Anh đưa em về nhen. Về hỏi mẹ nhé? Hay là anh cùng về nhà em nói với mẹ em…
– Không!
– Không thôi, em làm gì la to dữ thế?
– Anh đi với em ban đêm, mẹ nghi em, mẹ buồn.
– Hỏi một câu chót: Em có… yêu anh không? Trả lời ngay: “Em không biết’’ cho coi!
– Em không biết mà! Em về nha kẻo mẹ em trông.
Người đàn ông kêu trời liên tục. Hắn tiễn cô xuống lầu bằng chiếc thang máy. Trong khi thang đang chạy, hắn tranh thủ nói:
– Mai anh gặp em ở nhà hàng. Em ngủ ngon. Thế nào em cũng… lấy anh. Anh có lòng tin. Nếu chịu lấy anh thì mai em đi chơi với anh, còn không thì thôi. Anh không miễn cưỡng. Em đi cẩn thận. Hãy đi bằng taxi khách sạn an toàn hơn.
Không chờ cô gái gật, hắn gọi:
– Taxi! Chở bạn tôi về nhà.
– Dạ.
Hắn nhìn cho đến khi chiếc tắc xi mất hút vào ngõ rẽ mới chịu lên phòng.
Đêm ấy, không có ai ngủ yên trừ những thằng bạn của người đàn ông kỳ lạ. Cửa phòng hắn được gõ nhẹ. Hắn mở cửa. Mùi nước hoa hừng hực, xộc vào mũi:
– Cho ngủ ké được không anh?
– Xin lỗi! Không thể.
– Hùm. Đàn ông gì không biết hưởng!
Hắn lợm giọng. Đàn ông cũng tùy thằng chứ. Thằng nào cũng bạ đâu ăn đấy thì chẳng phải là nhóm máu của hắn. Hắn thích nhìn người đẹp khỏa thân. Gái ăn mặc trần truồng khoe của báu thì dại gì hắn không dòm như bao thằng đàn ông khác nhưng ôm ngủ hay lấy làm vợ phải là những người đàn bà mà hắn yêu và không dễ buông thả. Hắn không thèm khát lắm mùi vị thịt người với chăn ra thơm phứt, dư sức quyến rũ sự buông thả lòng mình của những người thèm xác thịt hơn thèm nét đẹp tâm hồn. Lòng hắn đang có một người và hắn không thể chìm vào những mùi vị nước hoa ai cũng xài được kia để làm món quà cưới cho một người mà hắn đang yêu thương. Không thể nào! Hắn quay điện thoại xuống phòng tiếp tân bằng cái giọng lễ độ nhưng là tối hậu thư:
– Xin lỗi! Nhờ cô nói với quản lý khách sạn nếu muốn đuổi khách năm căn phòng số 1013 tới 1017 thì cứ để cho mấy cô gái ăn khuya kia tiếp tục gõ cửa vào tối mai nhé.
Hắn gát máy, lăn ra gường. Khách sạn nào cũng thế. Mở cửa toác hoác để làm ăn với cả những hạng người thích chơi trò gường chiếc chứ không ưa lao động. Phòng hắn không nhận những vị khách không mời thì đối với phòng khác, đó là những vị khách mời trong đêm cho đủ hương vị nệm ấm, chăn êm và chẳng đếm xỉa gì đến sự lây lan bệnh hoạn chết người.
Thành phố chìm vào giấc ngủ ngắn ngủi để rạng chập choạng sáng ngày mai, nó lại hòa vào thế giới phù phiếm với những ảo tưởng riêng cho từng loại người. Tình yêu cũng như thành phố, như mây trời đầy sắc màu huyền hoặc của yêu thương và thù hận, của công bằng và bao che dung túng!
*
Chiếc tắc xi dừng lại. Cô gái móc bóp. Người tài xế phát tay:
– Chú ở khách sạn trả rồi.
– Cám ơn.
Hân gõ cửa. Một người đàn bà trung niên mở cửa. Giọng bà hơi run:
– Con lại đi chơi khuya? Đi với người đàn ông đó phải không?
Hân gật đầu:
– Mẹ yên tâm. Chúng con chỉ nói chuyện chơi thôi. Có lẽ, có lẽ mẹ à…
Người mẹ nhẫn nại chờ con gái kéo dài chữ có lẽ đến lần thứ tư:
– Có lẽ con… lấy anh ấy. Nhưng lấy anh ấy thì con sẽ theo anh ta rời khỏi đây. Con chỉ muốn ở bên mẹ. Chỉ cần mẹ không đồng ý, con thôi ngay.
Người mẹ nhìn con gái. Chị bình tĩnh để coi mình nên nói gì với con trong lúc này. Thay vì ừ hay lắc, chị chỉ nói gọn:
– Thay đồ, tắm rửa và ngủ một giấc. Ngày mai, con sẽ có câu trả lời của mẹ.
*
Chiếc máy bay Boeing 750 của hãng hàng không JAJ cất cánh đúng 12 giờ đêm mang theo năm người đàn ông lịch sự trở về Mỹ sau khi phi cơ đổi chuyến bay qua hãng American Airlines (AA) tại Nhật với thời gian chờ: 3 tiếng 20 phút. Trời ngày ấy mây rất xanh và trong vắt. Đường chân trời mở ra đầy sắc màu khi độ cao máy bay qua màn hình báo tới hơn 10 kilomet.
Về đến Mỹ, người đàn ông chạy tới văn phòng tổ hợp dịch vụ lo thủ tục giấy tờ ngân hàng, giấy chứng nhận độc thân, khai sinh người bão lãnh có tên Tran Trương Han. Anh ta quên đi thắc mắc là sao cô vợ chưa cưới của anh có tên Trương Hân mà lại lấy Trường Hận, nghe kinh quá. Lần anh hỏi, người vợ vốn ngoan hiền của anh bỗng đanh giọng:
– Để người ta không quên mình!
May sao, giấy tờ tiếng nước ngoài không dấu nên cảm giác nghi hoặc đó cũng tan biến theo công việc lo thủ tục bảo lãnh hôn thê của anh.
– Xong xuôi. Giấy tờ của anh hợp lệ. Nhanh nhất là sáu tháng và chậm nhất là một năm. Anh cẩn bổ sung những bills thanh toán tiền điện thoại giữa hai người.
Anh thở phào. Anh không hiểu tại sao mình gấp gáp đến điên lên như thế?
*
Một năm sau. Một người đàn ông trong bọn họ tuổi chừng 38-40 gởi thiệp mời đám cưới. Tuần trăng mật của họ không thực hiện ở Việt Nam. Chuyến bay quốc tế cùng tên nói trên đưa họ cùng về Mỹ. Nước mắt từ giã đã không là chuyện lạ lùng giữa đôi bờ chia cách. Cô dâu theo chồng để lại người mẹ đầy thương yêu trên chuyến hẹn đoàn tụ một, hai năm tới. Mẹ đã cho con gái câu trả lời ngay sáng ngày hôm sau khi cô muốn mẹ đồng ý cho cô lấy chồng xa hay không:
– Lẽ ra, mẹ chưa thể nói ừ vì mẹ không thuộc loại ham tiền, con không phải loại ham chồng ngoại. Mẹ đồng ý cho con lấy anh ta vì thứ nhất anh ta thuộc loại không phải là kẻ dùng tiền mua người. Thứ hai là con cũng thương anh ta và anh ta rất thương yêu con. Thứ ba là mẹ muốn con nên sống vào một thế giới khác với một lý do riêng. Khi nào không thấy hạnh phúc thì hãy trở về bên mẹ.
Hân chạnh lòng. Mẹ cô lúc nào cũng có thái độ bình tĩnh và cương quyết trong khi cô mang tính bướng bĩnh dưới lớp hiền lành. Con rễ của chị bày tỏ hết tình cảm của mình để lay lòng bà mẹ vợ:
– Con sẽ bão lãnh cho mẹ sang Mỹ với Hân. Con hứa.
Người mẹ cười buồn. Chị nhìn hai đứa nó không chênh lệch tuổi tác với nhau bao nhiêu xa và cũng chẳng có gì khuyết điểm để mà từ chối nhưng sao lòng chị cứ băn khuăn một điều gì chưa thật rõ ràng còn nằm đâu đó trong bóng tối. Vậy rồi con chị ra đi. Hân đã lấy cái người mà cô muốn lấy. Cô đã đến nơi khác biệt mà cô muốn đi. Những điều ấy không phải là sự ban thưởng của cuộc đời dành cho cô hay sao? Nhưng với những gì lấy được dễ dàng, người ta sẽ đánh mất đi những cái tương tự như một sự bão hòa trong thế giới “đa kim ngân phá luật lệ”. Hân đã không điều tra được chồng mình là con người như thế nào trong nhóm sài tiền như nước ở Việt Nam. Hân không thể biết chồng mình đang làm nghề gì dù nghề nghiệp trong lý lịch bão lãnh ghi rõ: “Master of Business Administration (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) từ trường “Massachusetts Institute of Technology” (MIT) thành phố Cambridge, tiểu bang Masachusetts, Hoa Kỳ. Choáng ngợp trước những phồn hoa của một nền văn minh đứng đầu thế giới, cô dâu mới như đang trong mơ. Cô quên hết mọi thắc mắc của mình. Cô hy vọng những dấu hỏi ấy đừng quay trở lại trong để cô có tháng ngày êm ả mà sống như mẹ mong muốn, như mình ước ao. Rồi mọi thứ sẽ quen đi như chồng cô vỗ về.
Những đêm đầu tiên làm vợ, cô cảm nhận một niềm hạnh phúc chẳng phải vì căn nhà đầy đủ tiện nghi mà vì có được người chồng có hiểu biết và quý trọng tình yêu thương. Thay vì hét lên, cong người lại lấy gân, lên cốt giữ chặt lấy người như lần trước ở khách sạn năm sao thì cô thả lõng người ra dần và nhắm mắt. Anh hết căng thẳng nhưng cảm giác thiêng liêng đã như trôi tan khi anh buông vợ ra, thở dài, không nói điều gì nữa hết. Anh nhìn vào cặp mắt vợ. Cặp mắt này sao có thể tài thánh mà giấu anh một điều không thể có được vậy? Anh muốn nằm ra xa thì anh nhích lại gần vợ hơn để nhìn cho kỹ. Vợ anh không nói tiếng nào. Ôm lấy bờ vai của vợ, cảm nhận cái run run của vợ, anh nghe có một cảm giác nào đó quen thuộc hằn lên. Không phải là ham muốn. Không hẳn là thèm thuồng. Nhưng tại sao anh vẫn không tìm được cái cảm giác êm đềm vợ chồng bằng tình yêu? Vợ anh hình như là cam chịu hơn là tự nguyện. Không lẽ anh không yêu vợ hoặc nàng chẳng yêu mình? Vợ anh là người như thế nào, anh là kẻ rõ hơn ai hết khi chưa lấy, sao lấy rồi thì hình như anh chẳng hiểu gì cả! Thay vì người chồng thường ngủ trước vợ sau chuyện gối chăn thì anh là người thao thức. Nhìn vợ ngủ trong nước mắt, anh thấy như mình có lỗi, anh ôm nàng đang ngủ mà lòng lại suy nghĩ đi đâu đâu…
Trong ngày cưới, nàng rực rỡ nhưng đêm tân hôn, nàng co cụm tâm hồn. Nàng không mở lòng đón nhận những gì cần có trong quan hệ giữa hai người yêu nhau thì ngày làm vợ, thái độ nàng cũng chẳng khác gì hơn là tránh né, sợ hãi điều gì đó. Chăn gối có gì làm nàng ghê sợ đến thế? Sợ hãi nhưng sao nàng lại đồng ý lấy anh với bằng chứng là nàng đã đi với anh trong lần hẹn quyết định đó? Anh có thể hôn nàng nhưng không thể làm cho nàng trở lại tư thế một người con gái có chồng trên chiếc gường cưới thật ấm cúng. Nàng chỉ nằm nghiêng để nói dăm câu, ba sợi nhưng khi anh đưa vợ về tư thế riêng của con người thì vợ anh khiếp hãi. Điều đó, nó làm anh mất đi một ít ý nghĩa. Đêm ấy, anh đã gặn hỏi vợ:
– Tại sao em làm cái gì kỳ cục vậy chớ?
Nàng chẳng giải thích ra được điều bí ẩn nào. Vậy mà anh vẫn cam chịu, chẳng đòi hỏi và bắt buộc gì thêm. Cho đến đêm nay, khó khăn lắm nàng mới bớt hoảng sợ thì anh mất đi thêm một ít ý nghĩa nữa. Anh chìm vào giấc ngủ đầy những dấu hỏi chẳng có ai trả lời.
Sáng ra, anh dặn vợ:
– Em ở nhà nghỉ ít hôm. Anh lấy một tuần vacation để ở nhà chơi với em và sẽ chở em vô trường làm thủ tục cho em tiếp tục theo học.
Anh thay đồ và đi ngay khi điện thoại reo nhưng không quên hôn vợ như một thủ tục.
Hân nhìn theo chồng, cảm giác ngùi ngùi chẳng biết bắt đầu từ đâu? Nàng chẳng hiểu vì sao mình đã bớt sợ hãi khi nằm bên anh nhưng nỗi lo âu khi anh ra khỏi nhà cứ tăng dần theo cấp số nhân. Ở anh, có những bí mật mà nàng chưa thể biết hết. Nàng cũng thấy rằng mình thương anh không chút giả tạo. Nhưng tình thương ấy liệu có đủ sức nuôi dưỡng một tình cảm gia đình nàng đang nắm trong tay? Còn phải chờ ở anh nữa. Thực sự anh là con người như thế nào qua lớp áo không phải loại phàm phu tục tử mà nàng biết trong một năm quen nhau ở Việt Nam?
*
Ngày qua ngày… Hai bên cứ phải giữ kỹ những dấu hỏi riêng cho mình. Trên những bức tường hồng nhạt chẳng có bóng dáng một con thằn lằn tắc lưỡi dùm họ trong đêm nên những nỗi niềm khó giải, họ nuốt hết vô trong bụng. Một sáng vài tháng sau, trước khi anh đi làm, Hân lấy cho anh cái áo:
– Em mặc cho anh nhé?
– Ừ. Coi anh như… con cũng được.
– Nói tào lao! ???…
Hân thấy hai bả vai của anh có những vết mờ mờ như những vết tay cào hằn thẹo. Nàng run run hỏi chồng:
– Có con gì cắn anh hai bên vai phải không?
Nàng cảm giác thân hình anh như giật bắn lên nhưng anh lại vẫn dịu dàng:
– Anh chui vào bụi cây đó mà.
– Ờ!
Đêm đến, nàng lăn xả vào anh. Nàng xoa bóp hai vai cho anh để tận mắt nhìn cho rõ những dấu sẹo trên hai vai của chồng. Nàng lấy tay ướm vào thì đúng là dấu những ngón tay có móng cấu hằn. Chỉ có điều là nó nhỏ hơn và ngón út thì lợt lạt như mất hẳn theo thời gian. Hân bàng hoàng. Những lúc trước, anh cởi trần nhưng vì Hân mãi nhắm mắt nên có thấy cái gì đâu! Không thể lầm lẫn được với những gì mình phát hiện, Hân khiếp đến trân mình. Thân hình mềm mại như bông gòn của Hân đã cứng ngắt trong tay anh. Nàng chết lặng không nói được tiếng nào. Hân buông tay, vật ra gường, bất động. Anh hoảng hốt:
– Em sao vậy? Đừng làm anh sợ, em. Trúng gió phải không?
Từ “trúng gió” anh buột mồm buông ra đã đánh động vào ký ức của Hân. Hân như bất tỉnh và nàng mở mắt khi nghe tiếng chồng gọi, lay đến hàng chục lần. Hân lấy lại bình tĩnh:
– Em, em… không sao đâu. Hơi chóng mặt một chút. Khó chịu quá. Em, em muốn… ói…
Nàng chạy vào nhà cầu, đóng cửa, ói thật. Hình như nàng sắp có con. Niềm vui và nỗi kinh hãi đi đôi với nhau khiến Hân chẳng hồn vía nào để mở miệng cho tới khi anh chạy vào nhà cầu, vực nàng đứng dậy, dìu nàng lên gường bằng cánh tay rã rời. Những ngày sau, nàng bỏ ăn và cứ liên tục ói khiến anh không thể không nghĩ tới một điều. Anh áp mặt sát vào cổ nàng:
– Em, em có… mang phải không? Mai anh đưa em tới bác sĩ và em có thể ghé chợ mua những món gì em thích ăn.
Hân muốn đẩy anh ra nhưng nàng không đủ sức. Ói thật vì em bé hành cũng có mà ói vì cái người đang năm bên cạnh có, nàng bắt đầu kiểm tra chồng.
*
Sáng hôm sau, anh và nàng đi lên phố. Tin vui của bác sĩ sản phụ khoa báo ra làm anh xúc động nhưng Hân chỉ nở nụ cười héo hắt. Hân kêu chồng đi hớt tóc còn nàng mua linh tinh. Về nhà, xong đâu đó, nàng lôi ra một thứ đã mua, cẩn thận mở nó ra và cắn ngon lành:
– Thơm quá! Bánh ú ở đây cũng gói bằng lá chuối mốc, ruột xanh mướt, anh ăn thử đi…
– Ừ, hơ… em nói… bánh ú?
Anh nhảy một bước dài tới vợ. Quên cả những gì dịu ngọt, quên hết những món ăn mà anh đã nói sáng nay với vợ mua ăn nếu thèm vì có bầu, quên phứt vợ đang ăn dở, anh hốt hết, quơ không còn cái xơ vụn, thảy hết vào thùng rác trước cặp mắt kinh hoàng của vợ:
– Không được ăn. Không được ăn!
– Anh làm gì kỳ vậy hả?
Nàng thét lớn làm anh khựng. Anh nuốt nước miếng tránh cơn giận dữ:
– Em! Em có thể ăn mọi thứ nhưng anh van em đừng ăn thứ này. Anh xin em…
– !!!
Hân ràn rụa nước mắt. Vậy là nàng đã nắm chắc được điều nàng nghi ngờ. Nàng nhìn chồng chăm chắm khiến anh khó chịu khi nàng buông một câu xé toang lòng anh:
– Anh giải thích cho em rõ một chút được không, được không hả? Có gì không thiện chung trong cái bánh ú ấy?
Anh quay người đi lên lầu, không giải thích. Đêm đó, hai người hai thế giới.
*
Mỏi mệt và chán chường, Hân chờ chồng đi khỏi mới lồm cồm bò dậy. Mấy tháng nay ăn không, ở không sao mà ngán ngẫm quá. Con người ta sinh ra ở đời có ăn, có làm mới có hứng thú mà sống. Dù nàng đang chờ thi lấy bằng lái xe, dù nàng chờ ngày trở lại trường nhưng thời gian rỗi rãi như có độ co giãn của trò ảo thuật. Điều bí mật đã bật ra. Nàng chẳng biết làm gì hơn là im lặng. Quá khứ kinh hoàng trở nên về một ngày một rõ khi nàng nhìn thấy chồng ở trần với đôi vai đầy vết sẹo cấu véo. Nàng nghiến răng khi hắn đẩy nàng ngửa ra dù rất là êm ái nhưng nàng thấy gai nhọn đã châm chích đầy thân thể. Nhìn căn nhà chẳng có cái gì trút vào đó sự hả giận, nàng bắt đầu lùng sục.
Cô gái thùy mỵ một năm trước đã biến mất. Nàng lật sách báo tìm số điện thoại của hãng máy bay… Nhưng điện thoại ở nhà, hắn đã cắt. Phịch! Nàng vật ra gường. Chiếc gường ngủ như có cái gì bẩn thỉu. Nàng lật ngược nó ra cho hả hơi. Khi hai tấm nệm đổ chỗng ngỗng ra nền thì nàng thấy chúng lộm cộm cái gì đó ở trong. Nàng lần tay vào. Đó là những chiếc túi ny lông với đầy những bột trắng như sữa ở trong? Heroin? Hân như trời trồng! Phản ứng tự nhiên, nàng ôm lấy bụng. Vận hết sức còn lại, nàng hì hục đẩy hai tấm nệm về nguyên chỗ cũ. Rã rời tay chân, nàng nhìn vào hai bàn tay mình. Hai bàn tay tám năm về trước đã cào lấy máu kẻ ác dâm thì mới đây, hai bàn tay này lại lôi ra nguyên nhân mọi thứ tội lỗi và sung sướng trên đời. Cả hai: Tên cuồng dâm và tên bất chính nhập chung lại cùng một người. Trời hỡi! Người đó lại là chồng nàng! Nàng muốn nhào vào lòng mẹ, muốn gọi mẹ ơi mà mở miệng không nổi! Ban ngày mà như bóng đêm vây lấy nàng đang trở thành con nhỏ mười lăm cách tám năm về trước!
*
Căn nhà như có tang. Nó thu nhỏ lại cho mỗi người. Anh đã bị vợ hất ra khi đụng tới. Nàng rẻ rúng anh ra mặt. Không thể chịu nổi sự ghẻ lạnh, anh mở khẩu:
– Tại sao bỗng dưng em lại lạnh lùng đến vậy? Anh đã làm sai điều gì?
– Tự hỏi lương tâm anh đi!
Nàng bật dậy như chiếc lò so. Anh căng người ra để nghe vợ kết tội. Mặt tái đi khi nghe vợ gằn:
– Anh làm nghề gì vậy hả? Nghề lương thiện hay nghề bất lương? Nói đi? Anh có dám nói thật với em không?
– Em nói cái gì vậy? Anh làm gì bất lương? Ai nói?
– Chàng phóng khoáng! Gã hào hiệp! Anh chỉ là một kẻ lừa bịp!
– Hãy cẩn thận lời nói. Anh là chồng em!
– Chồng em? Chồng em đâu phải là một kẻ đáng nguyền rủa vậy chớ. Em nói cho anh biết: Anh có thể gạt hết cả thiên hạ này, gạt chính lương tâm anh nhưng có một thứ anh không thể nào gạt được, là em – một chứng nhân!
Nàng gầm lên. Nàng không còn là cô vợ hiền lành. Sức mạnh từ đâu cho nàng trở nên hung dữ như thế? Anh sững sờ một thoáng rồi lại nhẹ nhàng:
– Hãy cho anh một lý do.
– Anh buôn bán Heroin.
Cùng tiếng Heroin là anh cùng nhảy dựng lần nữa. Anh tiến sát vợ, nhìn vào mắt nàng, hai tay anh nắm chặc vai nàng:
– Chỉ có thế thôi?
– Chỉ có thế thôi?!
Đến lúc nàng thay vì hung dữ thì ngạc nhiên đến trơ ra. Cái đó mà hắn không cho là quá đáng, là hết sức thì còn gì để nói. Nàng gạt hai tay hắn ra, gằn giọng:
– Đừng đụng vào tôi! Hai tay anh đầy vấy bẩn. Những gì mẹ con tôi nợ anh, tôi sẽ trả lại hết.
Anh thét lên:
– Nhưng món nợ ân tình, em trả làm sao đây?
– Nợ ân tình? Anh nợ tôi những tháng ngày còn trẻ, anh có biết không! Một lý do anh muốn biết là những gì ở dưới cái gường này. Bởi có chúng nên ngay cả cái phôn nhà, anh cũng không dám bắt đường dây phải không?
Nàng hét lên dữ tợn. Hắn trợn mắt nhìn nàng. Hắn chợt bật cười một tràng dài ngạo mạn:
– Thì ra là vậy! Phôn không bắt là vì anh đi cả ngày. Anh sài di động thì bắt phôn làm gì cho tốn tiền mỗi tháng không không. Anh sài không phung phí như em nghĩ đâu. Anh không làm gì trái phép. Buôn Heroin đâu có phải là cái tội gì ghê gớm. Nó còn thua xa những kẻ buôn nước, bán nòi đó em! Hình phạt do con người định đoạt mà thì làm gì có công bằng. Em nói đi! Anh là kẻ chuyển vận Heroin, đúng vậy nhưng anh làm công cho người ta chuyển qua trung gian, còn đem đi đâu thì anh hoàn toàn không can thiệp và chẳng ai cho phép người trung gian được biết. Anh có tội phải không? Em hình dung đi: Ở Mỹ hay ở Việt Nam, anh không ăn cắp, không giết người, không trộm cướp, không tham nhũng, không vận chuyển Heroin về nước thì bắt anh tội gì? Anh có tội đáng giết không?
Hắn nhìn nàng đang như ngã sấp ra thềm:
– Em bình tĩnh mà nghĩ thêm: Tại sao người ta nguyền rủa, chém giết, treo cổ, bắn bỏ những người mang Heroin mà chẳng dám động một cộng lông chân của bọn trùm? Tại sao? Tại sao nơi sản xuất ra những thứ thiên hạ nói là ghét bỏ, là ghê gớm vẫn ngày đêm sống nhăn? Tiền trám họng đó em! Không ai dám vỗ ngực nói mình trong sạch. Anh có tội hả? Những kẻ thụt két, tham lại hàng tỉ đô vẫn chẳng có ai lãnh án tử hình. Những kẻ giết người, ăn chơi sa đọa, buôn thịt, bán người không bước qua cái ải chung thân. Vì sao? Anh vẫn cho rằng mình còn trong sạch hơn cả bọn ấy. Em nói anh dơ dáy, bẩn thiểu nhưng em ơi! Thế giới này còn chỗ nào lương thiện trắng như tờ giấy mà đồng tiền không tanh tanh thì hãy chỉ cho anh coi? Anh đã không sài tiền một cách phung phí, anh nhắc lại. Anh đã dùng hết một nửa cho những gì gọi là từ thiện ở đây và ở Việt Nam đó. Không có tiền thì con người thiếu sự từ thiện đó em. Em thơ ngây đến phát rồ!
Nàng qụy xuống. Nàng không chống đỡ một chiêu nào trong lý giải chắc như đinh của hắn. Nàng không muốn nói cho hắn biết rằng nếu ai cũng lý giải tội của mình chẳng nặng hơn kẻ khác như hắn nói thì xã hội và luật pháp – dù chưa công bằng chẳng còn là cái gì nữa. Thiên hạ loạn hết. Không có ai sống nổi với đồng lương lương thiện của mình khi nhìn những kẻ bất nhơn phè phỡn lọt lưới luật pháp và dẫm đạp lên tình người. Không có tiền để làm công việc từ thiện nhưng sống lương thiện cũng chính là một công việc từ thiện. Nàng cũng chẳng còn sức để chỉ trích kẻ tám năm về trước sa đọa đạo đức nay lại đang đứng thao thao đạo đức làm người trước mặt nàng mà nàng chẳng làm gì được! Thay vì hét lên cho rách họng thì nàng chợt hạ giọng:
– Ngày mai, anh có thể cho em mượn cái phôn?
– Anh sẽ gọi hãng điện thoại bắt phôn cho em ngay. Ngoài chuyện đó ra, em còn ghép anh vào tội gì nữa?
Nàng im lặng. Đêm nay, nàng ngủ một mình trên cái sô pha nhà dưới mà dự tính mọi thứ cho ngày mai. Anh theo dỗ vợ. Anh năn nỉ cô hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định:
– Nếu em không thích công việc anh đang có thì anh sẽ thôi. Anh rất thương em. Ngày đầu gặp em ở nhà hàng Thiên Tân là anh đã có cảm nhận đó. Em cũng hiểu đó mà. Hiểu anh sao không chịu thông cảm cho anh? Lên nhà trên ngủ. Em không thể ngủ dưới này mãi. Anh không quấy rầy em. Còn đứa con của chúng ta, em không nên nghĩ vẩn, hại đến nó. Anh xin em.
Hân không nói một lời. Khi lòng đã có vết cắt thì ngủ ở đâu cũng vậy thôi!
*
Ba tuần sau. Anh đi làm về. Anh chẳng thấy vợ đâu. Một tờ giấy với nét chữ mềm mại mà quyết liệt đặt sẵn trên bàn như xiết lấy tim anh: “Em phải trở về với mẹ. Chỉ có mẹ mới cho em cuộc sống yên lành. Em không thể chờ anh về để nói một lời cám ơn anh đã lấy em hay nói lên một lý do khủng khiếp vì sao em ra đi không từ giã. Chúng ta đã lấy nhầm nhau. Em không biết có nên giữ lại đứa con của chúng ta? Em có thể tha thứ cho anh với cái nghề không được xã hội chấp nhận của anh nhưng chẳng thể nào tha thứ cho một người chồng đã có một quá khứ là… tên vô lương tâm tám năm về trước. Con bé mà anh đã dùng sức hủy hoại đời nó là một con nhỏ bán bánh ú tuổi mười lăm. Là… em đây. Là vợ anh. Làm sao em có thể yêu anh”?
– Không! Không! Trời ơi trời!
Thân hình vạm vỡ của anh đổ xuống như cây chuối bị người ta xả đôi. Anh rên siết trong lòng. Anh như chết đuối dưới sông. Điện thoại reo mấy chục lần, anh không cầm máy. Anh nhũn người và đã hiểu vì sao vợ anh lại co rúm cả thân hình trong tay chồng mà khiếp sợ chuyện gối chăn. Anh đã giải tỏa dấu hỏi trong đầu vì sao trong đêm tân hôn, nàng không còn trinh bạch. Là vì thằng khốn nạn tám năm trước đã ngu xuẩn, mê tín đến không còn là con người. Là anh đây. Trời ơi! Em ơi! Anh là một thằng khốn kiếp, tên sát nhân trinh bạch đáng nguyền rủa! Anh quặt quịu chùi xuống ghế. Nước mắt tên để cáng ngày xưa đã đến lúc chảy thàng dòng ân hận thì người con gái ấy, là vợ anh mà anh yêu thương tận cùng cõi lòng cũng đã đi rồi…
*
Tám năm về trước. Một bóng đen lùi lũi trên đường. Hắn vừa thua liên tiếp mấy canh bạc mất trắng mấy chục nghìn đô. Xui xẻo thật. Hắn gõ cửa một căn nhà bằng ba tín hiệu. Cửa mở:
– Nói?
– Nhất quá tam!
– Vào đi! Thất bại nữa phải không?
– Phải!
– Có thử chưa?
– Chưa thử vì không mấy tin mê tín.
– Không tin thì tùy nhưng đây là bùa thiêng nhất của giới thương mãi, giang hồ. Ngươi tự lo liệu.
– Vậy ta phải buột lòng làm như vậy? Thất đức quá không? Xưa nay, ta chưa làm điều gì không phải đạo.
– Muốn làm đại sự thì phải hy sinh. Người không vì mình, trời tru, đất diệt. Tùy nhà ngươi. Khi nào bị bắn lủng sọ thì hồn ma chớ gõ cửa nhà ta, nhớ chưa?
– Nếu thử mà vẫn thua trận?
– Thì người cắt cái thủ cấp ta cúng tổ!
– Đâu cần ghê gớm thế, lão trượng!
– Hãy đi đi! Nhà ngươi mặt mày u ám. Sống không qua nổi con trăng này nếu không mau tự giải điềm u ám đó thì đừng hòng có ngày vinh thân.
Hắn lập tức đi ngay trong cơn say ngà ngà. Ngoài đường trời tối tăm trong những ngõ hẽm. Tiếng rao hàng bánh ú khiến hắn nổi cơn đói cồn cào. Hắn buột miệng:
– Bánh ú! Bánh ú!
Một bóng đen đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp, bưng cái thúng xà lại:
– Mua bánh ú, mấy cái chú?
– Còn mấy cái? Ba cái hả. Cho ba cái đi! Bánh ú nhưn gì đấy?
– Dạ, thịt heo.
– Heo long mồm lở móng mà cũng làm thịt bán được? Hay dữ đa!
– Dạ đây là heo không lở mồm, chú.
– Làm sao biết không lở mồm?
– Dạ, ăn vào không thấy bệnh là biết!
– Ừ! Hả? Kha kha kha…
Hắn phá lên cười vì cái câu trả lời khá thông minh của người bán. Hắn lột ngay một cái, ăn ngấu nghiến trong khi người bán đưa hai cái còn lại cho hắn. Hắn gật gù:
– Ngon! Nếu mà số tận thì ở đâu, ăn gì cũng tận. Nhưng… á!
Hắn giật mình. Không phải lão thầy kia đã nói hắn u ám, sống không qua nổi con trăng này sao? Biết đâu ăn cái bánh ú nhưn thịt heo long mồm lở móng này vào thì sẽ chết? Hắn trợn mắt nhìn đêm. Đêm đồng lõa tội lỗi. Hắn nhìn chăm chắm và người bán bánh:
– Con gái à? Mấy tuổi?
– Dạ cháu mười lăm.
– Mười lăm?
Hắn bàng hoàng. Thoáng qua đầu những lời ông thầy nói sao như có lực đẩy ngàn cân xô dạt luơng tri hắn vào lãnh cung, nhốt lại. Hắn ngước mặt nhìn trời lần nữa. Bóng đêm vẫn như đồng lõa. Hắn nhìn hai bên. Thùng rác công cộng to đùng phía sau lưng.
– Muốn có tiền không?
– Dạ muốn.
– Lại đây với ta. Rồi ta cho tiền.
– Chú trả tiền bánh. Cháu đi về nhà. Cháu về nha kẻo mẹ cháu trông.
– Nhà ở đâu ?
– Gốc kia kìa, có cây bự đó.
– Ừ đi đi!
Hắn sựt tỉnh. Hắn móc túi trả tiền đàng hoàng cho ba cái bánh ú. Khi cô bé bán bánh ú dợm chân bước thì hắn lại sựt tỉnh lần nữa. Hắn nắm vạt áo bà ba thâm thâm đen của cô bé kéo lại khiến con nhỏ hoảng kinh. Nhanh như chớp với áp lực của bia bọt và lời khuyến khích của lão thầy tàu, hắn dùng một tay bịt mồm, một tay kéo con bé vào đằng sau thùng rác. Con nhỏ ú ớ, giãy dụa. Nó kinh hoàng đến khô ráo. Nó cào. Nó cáu. Nó đạp. Hắn khoá hết chân tay. Bóng đêm như đồng lõa. Số mệnh ác nghiệt ghé thăm. Hắn thả con nhỏ ra sau cơn kích động vì mạng sống, vì mớ tiền thua đỏ đen, vì mối hờn mấy nhát dao thua đủ. Đôi vai hắn rát buốt, tươm máu. Con nhỏ nghẹt cổ họng. Nó không nhìn thấy gì ngoài bầu trời đen thui thui chạy trên số mạng đen đủi của tuổi mười lăm. Hắn chết trân nhìn nó bất động. Hắn vực con nhỏ dậy bằng hai cánh tay lực lưỡng. Nhét cuộn tiền dầy và túi áo nó. Hắn dìu thân hình té qụy của nó ra đường, gọi taxi.
*
Người mẹ mở cửa chờ con. Đêm nay nó bán ế hay sao mà về muộn. Rồi con nhỏ cũng về. Bên cạnh nó là một người đàn ông không rõ mặt. Hắn khẽ khàng:
– Em nó trúng gió dọc đường, tôi đưa về dùm. Chào bà, tôi đi! Hẹn gặp lại.
Hắn gọi chiếc taxi khác như trốn chạy một tội ác mà chính hắn chẳng kịp hiểu sao mình hèn hạ đến vậy.
Người mẹ chẳng kịp nói, chị lo đỡ con gái. Nó lã trong tay chị. Những vệt đỏ chạy bầm lưng khi người mẹ cạo gió cho con gái như chứng minh lời người đàn ông kia là thật. Người mẹ ôm con vào lòng không ngó ngàng gì đến số tiền nó kiếm đêm nay nhiều gấp mấy lần những ngày khác cộng lại. Người mẹ chờ con gái tỉnh lại, múc từng muỗng cháo đúc cho con:
– Mẹ cạo gió rồi! Không sao. Đừng tắm. Chỉ rửa mình thôi kẻo gió nhập. May mà có người tốt bụng đưa con về nếu gặp kẻ xấu là khổ thân con.
Con nhỏ cắn nát cặp môi như kiểm nghiệm sự sống của mình. Nó ngoan ngoãn ăn hết chén cháo. Người mẹ cũng cắn nát môi để cho những gì mình đã biết chìm vào im lặng. Con nhỏ cầm những đồng tiền dư mang đi cúng chùa bằng hết.
*
Từng đêm trên đường phố nhỏ, người ta vẫn thấy tiếng rao bánh ú vang lên trong tối nhưng không phải con bé mà là mẹ nó. Người bán bánh ú vẫn đi ngang qua con đường đó trong khi ở một nơi khác, kẻ vừa tẩy úa cầu mắn may bằng tấm thân trinh bạch trong canh bạc đỏ đen vẫn đen chớ không đỏ. Căn nhà ông thầy được kẻ kia gõ cửa và hắn gằn giọng:
– Nhất quá tam!
– Cầu may phát tài.
– Phát tài! Ta đến để cảnh cáo nhà ngươi. Nếu nhà ngươi còn sống bằng cái nghề lừa gạt thiên hạ này thì ngày trở về, ta sẽ chặt cái đầu nhà ngươi xuống cúng tổ như lời thề bán mạng của nhà ngươi.
Hắn quay bước sau khi quăng cái dao thái thịt heo bự tổ chảng trước mặt ông thầy cái thịch khiến ông ta nhảy dựng. Ông ta chờ hắn đi rồi mới thở ra, cười cợt:
– Chỉ tại nhà ngươi ngu quá. Kẻ ngu thì dễ lừa. Thử cho sướng không thưởng mà còn mang nghiệp chướng tới đây! Hừ.
Chẳng chờ hắn quay trở lại. Công an đã hốt lão thầy xúi quẩy, ăn lường này đi mất.
*
Hắn trở về nơi hắn đến. Ăn năn, vật vã bảy năm không một lần về lại đất nước có con đường hẽm tội lỗi ngày xưa. Hắn không đến sòng bài, dẹp luôn cả bia bọt. Tiền làm ra, hắn cúng vào việc thiện. Công việc gọi là thiện thì ở đâu cũng thế. Ăn mày chân đất bất vãng lai thì ăn mày trí thức hiện hữu. Vậy mà, căn nhà có gốc cây to ấy lại không nhận tiền của hắn. Người giao tiền phải hoàn lại cho hắn sau khi khấu trừ phần trăm vận chuyển không người nhận. Cho tới một ngày, người chuyển tiền báo với hắn rằng hai mẹ con nhà nọ không có ở đó nữa thì hắn cùng bốn người bạn xin visa về Việt Nam trong ba tháng để có một ngày tận thế trong đời hắn hôm nay.
– Trời ơi! Oan nghiệt!
Hắn nhìn đồng hồ. Hãng máy bay về Việt Nam ngày hôm nay chỉ có bốn hãng. Hắn biết vợ hắn sẽ đi đường máy bay dừng trạm Tokyo. Hắn gọi lên văn phòng máy bay. Người bán vé cho biết có tên Tran Truong Han. Vậy là hắn phóng người ra xe, thẳng hướng phi trường: “American Airlines, đi từ Dallas, transit ở Japan”. Chuyến bay đã cất cánh. Hắn ngước nhìn nó thẳng đầu lên không từ từ lao vút trên bầu trời mang theo cả tình yêu và lòng thù hận của một người đang ngồi trên đó đang trút xuống nỗi niềm đau điếng cho người ở lại.
*
Hắn trở về nhà với hai bàn tay không và tấm lòng đã chết cho đến hai hôm sau. Hắn gọi bốn thằng bạn tới giao hết những gói hàng còn lại và tuyên bố không vận chuyển trung gian nữa. Thái độ thất thần của hắn làm cho bốn người kia kinh hãi.
– Bộ tình yêu quan trọng thế sao mày?
– Liệu con vợ mày nó có khai ra?
Hắn lắc đầu và xua tay ra hiệu họ để hắn yên. Bốn người bạn biến nhanh trong chiếc xe BMW 2001 mới tinh không nghe tiếng động rời khỏi nhà một người lính vừa… đào ngũ! Sự đào ngũ trong quân đội là bản án tử hình nhưng với hắn, sự đào ngũ này làm hắn thoát ra bản án tử hình này để rơi vào bản án chung thân khác còn đau đớn hơn là bản án lăng trì của lương tâm.
*
Hân ngạc nhiên khi thấy mẹ đón ở phi trường Tân Sơn Nhất. Cả hai kêu taxi về nhà đúng 12 giờ đêm. Mẹ không ngạc nhiên khi thấy con gái xách va ly trở về. Mẹ ôm con gái trong im lặng, chia xẻ. Chị đã biết vì phôn thằng con rễ gọi về hồi hôm nói rằng cô vợ nhớ mẹ nên về chơi ít bữa. Hân cười:
– Dạ phải. Con về chơi ít hôm.
Nhưng người mẹ đã nhìn ra cô con gái không phải về chơi. Vé máy bay không khứ hồi đã nói lên một phần nào sự quyết định của nó. Chị không vặn hỏi mà chờ con gái thế nào cũng sẽ mở lời với mẹ.
Hai tuần sau, người mẹ nhận lá thư. Chị đưa cho con gái. Nó không muốn mở là chị đã hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa hai vợ chồng. Chị không đọc mà nhìn con:
– Con lớn rồi. Mẹ có thể thay con đi bán bánh ú nhưng không thể thay con đọc lá thư này của chồng con. Hai đứa phải tìm cách giải quyết lấy với nhau vì con cái. Khi nào cần góp lời, mẹ mới góp.
Hân đột ngột hỏi mẹ:
– Con có thể không giữ đứa bé trong bụng con được không?
Người mẹ ú ớ. Chị kinh hoàng khi nghe con nói. Chị trợn mắt nhìn con:
– Nếu con thấy làm mẹ là một điều sỉ nhục thì con cứ làm theo con nghĩ. Mẹ đây chỉ thấy rằng mẹ rất sung sướng khi có đứa con dù đứa con gặp không may trong cuộc đời. Có con và nuôi dưỡng là trách nhiệm thiêng liêng của người làm mẹ như một đặt để kỳ diệu mà cuộc đời ban tặng. Con của con là đứa con do cha mẹ hợp pháp sinh ra thì lý do gì con đi từ bỏ nó?
– Con nói chơi thôi.
– Con đang có mang phải không? Mấy tháng rồi? Không thể nói chơi. Đứa bé sẽ nghĩ gì khi nó hiểu được người mẹ định giết nó khi còn trong bụng? Chẳng có bài toán khó nào giải không ra cũng như chẳng việc gì mà không giải quyết được cả ngoại trừ người ta cố tình không muốn đụng đầu.
Người mẹ nói xa xôi. Hân nằm dài trên bàn. Lòng Hân ngổn ngang. Bất giác, Hân mở cái thư: “Hãy tha thứ cho anh. Anh xin em. Em có thể trả thù anh bằng bất cứ trừng phạt nào nhưng hãy cho đứa con của chúng ta được sống. Hãy cho anh một cơ hội được bù lại những ngày xưa anh nhất thời lầm lỗi. Anh thề rằng trước và sau đó, anh chẳng làm chuyện gì trái đạo. Em là người thứ hai nhưng em vẫn là người duy nhất của anh. Anh có thể quỳ xuống chân em mà cầu xin em cho con được sống. Anh xin em hãy cho anh một cơ hội làm chồng, làm cha. Hãy quay về đây với anh…”. Hân châm lửa đốt thư. Nàng nhìn ngọn lửa đang mang tro tàn thổi vào bóng đêm.
Ngày mai, Hân đi xin việc làm ở một ngân hàng quốc tế với mảnh bằng ngoại ngữ có trong tay. Mẹ vẫn bán bánh ú với một gian hàng vừa phải đủ ăn. Đó là câu trả lời bằng hành động mà Hân muốn. Nàng sắt đá từ hồi nào không rõ. Lòng Hân cũng ngập ngụa yêu thương và căm hờn. Khi cả hai mặt cộng trừ cùng ở chung trong một con người thì những ngày tháng yên ả không bao giờ về tới.
*
Năm năm sau. Thằng bé năm tuổi đang cùng bà ngoại xếp lại những cái bánh ú mới luộc thơm phứt lá chuối. Nó bụ bẩm và xinh đẹp như cha mẹ trên tấm hình đám cưới. Người qua đường bình dân thường ghé quán này vào đêm góp phần làm cuộc sống của ba người không rơi vào túng thiếu.
Mấy ngày qua, có một người đàn ông trong chiếc mũ lụp sụp như đêm nay đang ngồi phía quán cóc cà phê. Trời sấm chớp như báo hiệu có giông hay mưa mù. Người mẹ chạy ra dắt thằng bé qua đường. Nó muốn mua cây cà rem. Hơn ba tiếng đồng hồ mà người đàn ông vẫn không rời quán cóc. Người mẹ đứa bé nhìn thấy ông. Hai người nhìn nhau. Thời gian chậm chạp có chân rết bò vào lòng. Rồi quán cóc cà phê phải dọn. Mưa bắt đầu nặng hạt. Người đàn ông đội mưa, lầm lũi ra đi.
– Chú nè chú!
Người đàn ông quay lại. Hắn nhìn kỹ đứa bé. Nó đưa cho hắn cây dù bằng tay trái và tay phải thì đưa cho hắn chùm ba cái bánh ú với tiếng được, tiếng mất:
– Mẹ (nói cho) chú mượn cây dù và (cho chú mấy) cái bánh ú này để (làm kỷ) niệm.
Hắn cúi xuống bế nó lên, xiết chặt lấy, đặt một cái hôn lên má:
– Nói với mẹ và bà ngoại là… chú rất cám ơn.
Thằng bé chạy vào quán. Trên mặt nó không biết là nước mắt hay nước mưa ướt nhòa. Bà ngoại vội bế cháu. Mẹ thằng bé thản nhiên như không có gì xảy ra. Lần đầu tiên, mẹ chị thấy con gái mình bướng bĩnh và sắt đá đến phát sợ. Bà chỉ lo cho con trở thành một người khác.
Người đàn ông nhận hai thứ. Hắn biết nàng còn yêu thương hắn nhiều lắm nhưng yêu thương mà chẳng hề tha thứ thì cũng coi như giết hắn thêm lần nữa mà thôi! Chiếc dù che mưa và chiếc bánh ú đã không phải đã nói lên hai điều đó hay sao? Hắn rên:
– Nàng quả là một người đàn bà kiên cường đến mức độc ác khiến ta muôn vàn bái phục. Đàn bà trên thế giới này như nàng thì chẳng có người đàn ông nào dám phạm tội dù chỉ một lần!
Hắn nhớ tới con số 13 ở nhà hàng Thiên Tân có hai chiều hạnh phúc và tan vỡ. Hắn nguyền rủa căn nhà với ám ngữ “nhất quá tam”. Thì ra, làm người bất lương thì chẳng có kết quả tốt nhưng làm người bình thường thì hạnh phúc đơn giản nhất mà đôi tay lương thiện cũng với không với tới thì làm người làm gì nữa để cho hai chữ hạnh phúc tròn trịa không vỡ vụn dưới mưa giông? Hắn không mong gì nữa cả. Đứa con trai năm tuổi khôn ngoan là bằng chứng một sự trả thù lương tri mà người vợ đã cắm vào trái tim hắn một nhát dao vô hình nhưng ngọt lịm. Hắn chờ, chờ ngày nàng trở về với hắn dù ngày đó sẽ không bao giờ có được thì hắn cứ chờ. Hắn có lòng tin về điều ấy như đã từng tin nàng sẽ chấp nhận làm vợ hắn trong sáu năm về trước. Nhưng ngay cả cái điều hắn chờ nàng cắm một nhát dao vào trái tim tội lỗi của hắn cũng không thể có thì cái ngày nàng quay về với hắn làm sao có thể có trong một người đàn bà đã để lý trí lên trên tiếng gọi của con tim, đã để lòng căm hờn đè bẹp tình tình yêu và mang lòng lạnh nhạt đánh bạt sự tha thứ?
*
Hân ôm con đau đớn. Đứa bé nằm yên trong vòng tay mẹ mà ngủ. Nước mắt nàng cũng hòa vào cơn mưa rớt vào lòng những giọt trầm bỗng của yêu thương và căm hờn. Nàng nhớ những tháng ngày hạnh phúc mà hắn mang lại cho nàng trong những đêm ngoại ô thắp nến. Nàng phán phục khi thấy hắn không là kẻ dung tục, sàm sỡ hay thiếu lòng nhân từ với những người hành khuất. Nàng thương tiếc từng cử chỉ ân cần, tha thiết mà hắn đã cho nàng bằng tất cả tấm chân thành trong những giờ nàng bên hắn hay phải bệnh. Nàng mềm lòng trước những gì hắn không cưỡng đoạt nàng trên gường. Làm sao có được người đàn ông thứ hai như thế trong đời? Nàng gạt nước mắt khi nhớ ánh mắt rạng rỡ, vui mừng của hắn bởi nghe tin nàng có mang. Chừng ấy tiếc, chừng ấy nhớ làm nàng bật ra tiếng lòng đau nhói: “Trời ơi! Nếu trở về với nhau, một khi dĩ vãng ngược dòng thời gian quay về cắn xé tâm hồn thì làm sao em có thể yêu anh, làm sao em có thể nằm bên anh, với con mà lòng bình lặng để yêu anh mãi mãi”. Hân ôm con: “Làm sao mẹ có thể tàn nhẫn để cho con sinh ra đã không có cha nhưng con ơi, vì mẹ không muốn áp đặt lên người một đứa bé như con phải chịu hai chiều yêu thương và hận thù của cha mẹ. Mẹ thà vừa làm cha, vừa làm mẹ để lòng thanh thản nuôi con lớn khôn mà cầu xin con hãy tha thứ cho mẹ đã cắt đứt trong con một tình phụ tử mà con đáng được có, con ơi!”.
*
Người mẹ khe khẽ bước tới gường con gái. Nước mắt bà chảy dài khi nhớ lại tám năm về trước, con gái bà lã đi trong tay bà. Bà nhìn nó lớn lên trong cam chịu mà không biết rằng nó đã mang trong lòng một mối hận không gì tẩy rửa. Bà chứng kiến con gái bà cười sung sướng bên chồng ngày cưới và nhìn thấy ánh mắt nó xa xôi khi nhắc tới ngày xưa. Còn giờ đây, nó đang sinh cho bà thằng cháu ngoại kháu khỉnh và chạy về với bà, chấp nhận sự trả thù bằng cách cắt chia hai thế giới một gia đình. Sự trả thù ấy sao mà bà thấy dễ sợ hơn sả một nhát dao. Bà thở dài: “Mẹ có lỗi là đã không làm sao biết được người đó chính là chồng con. Mẹ xin lỗi là mẹ không làm sao hàn gắn lại cho con hạnh phúc trọn vẹn từ trong đau đớn tám năm về trước mà hắn chém vào lòng mẹ những nhát dao rướm máu và chà lên tấm thân trinh trắng của con bằng những vết mực đen khó tẩy như hôm nay trong con. Thật tội nghiệp cho con. Hãy tha thứ cho mẹ nhưng hắn không phải là kẻ xấu xa tột đỉnh. Hắn đã mang con về nhà trao cho mẹ chứ không tàn nhẫn vứt con bên đường. Hắn đã yêu thương con hết lòng và chẳng có lầm lỗi gì thêm sau khi lấy con. Nếu vì đứa con, vì lòng trắc ẩn, vì tình yêu thương chưa chết trong con thì đừng nên vì sự bướng bĩnh trả thù quá khứ mà hãy cho chồng con một cơ hội làm lại từ đầu. Kẻ mắc lỗi mà không phải vì động cơ cá nhân, chỉ nghe lời xúi quẩy, biết hối hận sẽ là một người chính nhân”.
Bà nhìn thằng cháu đang ngon giấc. Bà ngó ra đường. Trong bóng đêm, có một người đang lầm lũi dưới cơn mưa của trời đen và của lòng để cầu xin được một lần tha thứ!./.
Tháng 12/20/06
Ngọc Thiên Hoa