TRUYỆN NGẮN

BUỒN KHÔNG EM? – NGỌC THIÊN HOA

Cứ mỗi lần nghe ai hát bài ”Huyền thoại chiều mưa” là nhỏ Phượng buồn xo. Bởi lẽ, nhỏ đã hát bài hát mà nhỏ thích ấy trong một buổi chiều mưa. Cái buổi chiều mưa xui xẻo đã đẩy Phượng vào trại giam A30 Đồng Găng này với cái tên thiệt tế nhị: “Trại phục hồi nhân phẩm!”. Nhân phẩm của Phượng có gì mà phục hồi? Chẳng qua Phượng cùng một số người bị “hốt” trong cái đêm mưa khi ngồi chờ tàu để… vượt biên.

Ba Phượng đã đi lọt sau năm năm học cải tạo về. Má nóng ruột gom góp đồ đạc bán sấp bán ngửa được mười lăm cây vàng cho ba mẹ con đủ “mua” ba chỗ trên cái tàu hai lốc tám mà chẳng ai kịp nhìn nó dài, rộng như thế nào?

Thiên hạ thi nhau vượt biên nườm nượp từ năm 1975 đến nay. Số người nằm trong bụng cá cũng không ít. Rồi cái tin “cá ăn thịt người” được thổi phồng lên, thiên hạ mất hồn không dám đụng đến cá. Có người còn nói họ nhặt được ngón tay hay những chiếc nhẫn mà cá nuốt của người. Trời, Phật, Chúa, Thánh, Thần, ông Địa… cũng phát điên vì phải đi đủ chỗ để… gia hộ và để nhận… đền đáp. Thêm cái tin “Việt nam bài xích xua đuổi người Hoa” làm giới Ba Tàu khắp nơi nhất là vùng Chợ Lớn – Sài Gòn lại lục tục kéo nhau về Trung Quốc.

Thời buổi lộn xộn như vậy ai dám ở lại đất này! Người lớn đi mang theo con nít đủ loại tuổi. Có gia đình đi mãi rồi cũng lọt. Có gia đình đi mới lần đầu đã bị công an tóm hết. Tội. Trại phục hồi nhân phẩm nhận “ma mới” hết lớp này đến lớp kia thấy mà quải. Sau đó, ai “cải tạo tốt” thì được thả về. Một số anh chị em có máu văn nghệ sĩ thì nằm trong đợi văn nghệ đi biểu diễn lấy tiền cho trại khỏi phải lăn lê ngoài nắng cuốc đất, trồng rau để “cải thiện đời sống”.

Chuyện vượt biên vẫn cứ tiếp diễn. Những kẻ tổ chức lượm vàng bỏ túi không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng họ cũng phải chia năm xẻ bảy: Phần mua dầu, mua thức ăn dự trữ cho người vượt biên, phần phải “mua bãi.” “Mua bãi” mới nặng. Bởi lẽ, người mua nếu không “hào phóng” thì kẻ bán bãi sẽ “thộp” cổ. Một lần mua bãi phải mua “sự im lặng” của công an. Người ta kháo nhau như thế, Phượng nghe, chứ Phượng có biết mô tê gì đâu! Ai vượt biên ở phía Bắc thường rớt vào Hồng Kông. Ai đi hướng Nha Trang thì dễ rớt qua Phi. Ai đi Sài Gòn, Vũng Tàu thì may mắn vào Singapua. Thường khi gặp sóng to gió lớn thì tắp vào các đảo hay trôi lênh đênh chờ thần may mắn là các tàu qua lại trên biển vớt cho, không thì làm mồi cho cá hoặc rơi vào bọn hải tặc.

Chị Lan, bạn của chị Phượng đã gặp bọn hải tặc và bị bắt làm vợ, còn bao nhiêu bạn cùng ghe bị chúng giết chết. Chị Lan hên, nhằm lúc bọn cướp đi “làm ăn,” chị thấy có máy bay bay ngang, thế là chị cùng hai bạn gái xinh đẹp khác lấy áo làm cờ phất lên lia lịa. Nay chị đang ở Úc và chị đã viết thư về kể cho gia đình chị nghe như thế.

Phượng còn nghe nhiều chủ ghe đã nhận nửa số vàng của những người vượt biên nhưng đã bắn hết họ hoặc xô họ xuống biển hay là người ta ăn thịt lẫn nhau. Phượng nghe mà xây xẩm mặt mày. Phượng thiệt tình chẳng muốn phiêu diêu ớn lạnh như thế cũng chẳng muốn người ta làm “đám giỗ” mình cùng ngày với những người có máu thích phiêu lưu, mạo hiểm. Phượng cũng không muốn bỏ mấy đứa bạn nối khố của Phượng: Nhỏ Thi miệng thì lúc nào cũng bô bô, nóng nhưng thiệt tốt bụng. Nhỏ Hà thì “xà bát” nhưng đàn violông nghe nổi da già. Nhỏ Nga bé loắt choắt viết chữ đẹp ác mà bự sư. Đặc biệt là con Cún. Con Cún thiệt khôn. Nó biết mang cho Phượng chiếc guốc, cái bàn chà và giữ kẻ trộm thiệt sáng hơi.

Lần này, Má cùng chị em Phượng về, thế nào Má cũng dẫn mấy chị em đi lần nữa. Phượng nói Phượng chẳng thích đi vì sợ chết đuối, sợ đủ thứ. Má Phượng hét lên:

– Chết thì chết cả nhà, sợ gì!

Thương Má thiệt nhưng Phượng ngán đi lắm. Bỏ ăn, bỏ ngủ, chạy lên rừng, núp trong bụi, nhịn đói, nhịn khát. Để tránh bị “bắt đi,” Phượng theo ở luôn trong trại, để được hát, được múa.

Đêm nay, Phượng sẽ đơn ca bài ”Tình ca biên giới” dễ thương, nhí nhảnh hợp với tuổi mười bảy của Phượng. Vậy mà Chu Ngọc giận Phượng.

– Tại sao không chịu đi với anh?

Hắn giận Phưnợg. Hắn chẳng chịu “dợt” cho Phượng thường xuyên như mọi lần. Hắn muốn Phượng về nhà để tìm cách vượt biên với hắn. Hắn cổ lỗ sĩ cứ lải nhải: “Xướng ca vô loại” hoài, trong khi hắn cũng là một nhạc công khiến Phượng nổi điên. Thế là họ giận nhau.

Khi Phượng bước lên sân khấu, Chu Ngọc lãng tránh cái nhìn của Phượng. Chu Ngọc biết rằng điều đó sẽ càng làm cho Phượng nổi sung thêm. Ngọc biết Ngọc sai khi đòi hỏi một điều vô lý ở cô bé. Nhưng Ngọc cũng muốn Phượng nhượng bộ mình vài điều bỡi lẽ, tại sao Ngọc cứ phải chìu theo ý Phượng hoài?

Phượng hát xong lại phải hát thêm vì khán giả yêu cầu. Đám thanh niên cứ nhao nhao lên vì con bé đẹp, dễ thương lại hát thiệt hay, múa thiệt dẻo. Ngọc tiếc thầm vì rằng nếu Phượng cứ đắm chìm trong ca hát, trong những tràng pháo tay và những cặp mắt đam mê của cánh đàn ông, Phượng sẽ bỏ mất một cơ hội làm bác sĩ. Phượng có khả năng trở thành bác sĩ. Phượng học giỏi mà! Phượng ở lại đây để chỉ hát thôi sao? Liệu cái lý lịch của Phượng có thể cho Phượng đôi cánh để đậu vào một trường Đại học Y khoa Huế hay Sài Gòn? ”Hát đi em! Đêm nay và nhiều đêm nữa em vẫn rực rỡ như tiên nga. Không ai nỡ bỏ quê hương mình nếu không vì một lý do nào đó. Anh sẽ phải đi một mình, đành chấp nhận không có em. Em đã đánh mất một cơ hội còn anh đi thì bị kết tội là ‘phản bội’. Nhưng, anh không thể bỏ phí tuổi trẻ của mình cho thời gian gặm nhấm!”.

Phượng ở lại một mình với nghề ca hát mặc ai nguyền rủa hay tiếc hùi hụi. Sân khấu luôn luôn lộng lẫy đối với cô. Phượng lấy chồng ở cái tuổi mười chín. Lấy một nhạc sĩ khi mình là ca sĩ thì còn gì bằng! Nhưng, sự đời không đơn giản. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau đã đẩy chàng nhạc sĩ ba mươi sang tay cô ca sĩ khác.

– Anh ấy là của tôi! Cô nên chuẩn bị giấy tờ là vừa.

Phượng không níu kéo. Những gì không thuộc về mình thì níu kéo cũng vô ích. Phượng ngồi ôm con, góa phụ giữa cái tuổi hai mươi rực rỡ thời con gái. Bên kia đại dương, ba mẹ Phượng đang đau lòng đứt ruột vì số phận của đứa con gái cứng đầu, đáng thương. Còn Chu Ngọc, Chu Ngọc đang vào năm thứ hai của trường đại học Y.

– Em đã chẳng nghe anh một lần! Hãy chờ anh.

Phượng cảm thấy buồn. Cô nhận được tiền trợ cấp từ ba mẹ. Cô vừa nuôi con vừa đi học lớp y tá ở tỉnh. Bao nhiêu chàng trai lại bám theo người mẹ trẻ: “Gái một con như thuốc ngon nửa điếu”. Chàng nhạc sĩ ngày nào quay lại nhận con. Phượng dửng dưng. Bát nước đổ rồi làm sao hốt lại? Thế là cô y tá tương lai vẫn sống một mình.

“Tình chết không đợi chờ. Tình xa, ai nào ngờ…”. Đêm nay, Phượng ngồi ru con, vừa học bài cho ngày tốt nghiệp. Chu Ngọc vẫn là nguồn an ủi thứ hai ngoài ba mẹ và đứa con gái xinh đẹp – lại con gái. Phượng biết Chu Ngọc rất đau buồn khi thấy Phượng dở dang duyên phận nhưng Ngọc cũng sẽ trở thành một chàng bác sĩ với bao cô gái đang chờ đợi ở đó. Hai phương trời cách biệt rồi lòng cũng sẽ theo năm tháng lãng quên dần. “Hãy quên em đi!”. Sự cao thượng nào cũng mang lại xót xa cho cả hai: Người cho, kẻ nhận. Cũng không thiếu gì kẻ có số phận như Phượng giữa cuộc đời này. Phượng không hối hận vì đã ở lại mà hối hận vì đã không phân biệt cái thật và giả trong thứ tình yêu lẽ ra phải được tôn thờ hơn nguyền rủa.

”Bao năm qua, em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình sầu…”. Phượng hát khẽ và thầm cám ơn người nhạc sĩ nào đó đã viết bản nhạc như để dành riêng cho Phượng.

Thiệt ra, trên đời này, không có gì để riêng cho ai hết, cả may mắn, xui rủi hay hạnh phúc và bất hạnh./.

Tháng 10-1981
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button