TRUYỆN NGẮN

HOA LÒNG NỞ CUỐI ĐỜI

Truyện ngắn Hoa lòng nở cuối đờiHo một tràng gần đứt cổ họng, chị ôm ngực thở dốc! Mặt trời đã hung nóng cửa sổ hắt vào lòng chị một thời đã xa… Ngoài kia, đường phố hình như cũng rực sáng với bao sắc màu. Những bó hoa cho ngày 20/11 từ lâu đã không dành cho chị. Chị vói tay kéo cái màn. Bóng tối trùm xuống. Tay chạm vào viên thuốc, ánh sáng sự sống lại loé lên trong căn nhà bé nhỏ giữa khu thành phố rộn ràng vào ngày hội Nhà giáo Việt Nam.

Chị nhắm mắt để nghe lòng chửng lại. Đã không còn nghe tiếng những thằng Tâm, nhỏ Hằng the thé gọi bạn vào giờ ra chơi mà chị mấy lần cú đầu để bật cười khi nhìn thấy thân hình chúng co rúm lại… Quỷ sứ! Chị cũng chẳng hình dung được bé Cúc thường cô đơn giữa sân trường giờ lấy chồng chưa, con cái? Biết bao nhiêu đứa từng viết kiểm điểm cho cái tội trốn học, bỏ tiết, nhảy cửa sổ, đánh lộn, chẳng thuộc bài… Còn cô bé lớp phó học tập mà chị nhớ nhất? Giờ này chúng nó đã về đâu?

Ngày chị được chuyển (hay bị thuyên chuyển công tác?) từ thành phố lớn về một huyện đồng bằng nhỏ bé, chị nhận chủ nhiệm toàn những lớp phá nhiều hơn học.

– Thằng khỉ kia! Sao lại cãi tay đôi với thầy?

– Em là con gái sao mà chơi với lũ con trai cứ đá vào đít chúng?

– Lớp gì mà thích hát, thích chơi hơn thích học là sao?

– Mấy đứa chẳng thương cô thì cũng thương cha mẹ chớ?

– Trời hành hay sao mà viết vẽ lên cái tường của trường?

– Em kia! Bộ hết chỗ chơi hay sao mà vào phòng hiệu trưởng đá banh?

– Đã dặn không được quay cóp mà cứ cóp cứ quay, đừng trách cô thầy cho đạo đức yếu ở lại lớp ráng chịu.

– Cậu phá phách kia! Lại đây cho tui bảo! Hộp phấn này em bẻ ra hết trơn cho giáo viên khỏi viết phải không? Còn chối?

– Mai những người này tới trường cho cô phụ đạo thêm nghe chưa?

– Kỳ này lớp giật cờ tiên tiến, lần sau ráng mà giữ cờ cho tới cuối năm. Được không?

– Mới tuần trước được cờ, tuần này… đứng chót! Là sao?

Vậy mà cuối cùng, lớp cũng có những đứa học sinh ngoan, học giỏi. Mỗi khi thấy bóng dáng cô chủ nhiệm từ xa đầy… dũng khí bước lại, bọn nhóc chạy trối chết vào lớp ngồi im lặng, ngoan ngoãn như đàn cừu để rồi đi phá lớp chung quanh. Tiếng tăm lừng lẫy bắt khiếp! Dù đội học sinh giỏi của chị, mấy khóa liền vẫn hạng nhất, chị vẫn phải la rầy. Nhiều khi la xong, no luôn. Người đồng nghiệp nhiều khi nhắc nhở:

– Mày không biết ăn cái thứ gì mà dồn sức la tụi nó. Cứ đạo đức yếu cho nó ở lại lớp cho xong.

– Bộ tính hét một lần cuối cùng hả em?

– Chưa thấy giáo viên nào…dở hơi như mày. Lao động cũng nhào vô làm với học trò! Phí sức cho cố!

Chị mỉm cười. La nhiều nhưng chẳng đứa nào ghét. Chúng vẫn cười hì hì, gãi đầu, gãi tai khi bị phạt. La nhiều thì bể phổi. Điều đó có thật hay không mà chị nhiễm cái lao hồi nào chẳng rõ. Chị đem tiền cúng bác sĩ hoài. Có một ngày… đang giảng bài, chị ho khan và ngắt ngư. Cục phấn rớt xuống nền nghe cái bụp. Lần đó cũng là lần cuối cùng chị nhìn thấy những đứa học trò đang ồn ào bỗng… chết lặng. Con ho như đánh tiếng cắt cái nghiệt sư phạm này từ đây. Chị nhìn học trò bằng cặp mắt của kẻ thất vọng. Nó vô hồn và chịu đựng. Những cặp mắt học trò nhìn chị với những cái nhìn không còn phân biệt đứa nào phá phách hay ngoan hiền hoặc đứa nào học giỏi hay không? Vậy là chị phải chọn con đường ra đi…

Mái trường đã thôi không nhìn thấy người cô chủ nhiệm thường đến lớp sớm với chiếc xe đạp cọt còi. Những cánh phượng gọi hè chấm dứt niên học cứ đến trong lặng lẽ. Ve gọi sầu về trên áo trắng các em. Trong lòng chị, những ngày nằm viện, chị nhớ trường quay quắt, nhớ học trò đến thắt lòng. Khoảng chân không thầy – trò cứ hụt hẩng dần đến ngày nay, chẳng ai còn nhớ chị. Mới mà đã hai mươi mấy năm trời!

Một lá thư mà người hàng xóm đã mang tới dùm chị. Không họ hàng thì nhờ hàng xóm. Không bè bạn thì cậy láng giềng! Chị mỉm cười trong đau xót cùng sự an ủi vỗ về. Một lá thư xa lạ. Chị mở ra bằng nỗi niềm khó tả. Mắt chị như tia nắng mặt trời bừng dậy sau cơn giông. Chính là anh ấy. Người đàn ông hai của hai mươi hai năm trước mà chị một lần vào vai phản bội khi chị được chứng nhận là mình mắc bệnh. Chị nhớ lại lời anh cầu hôn với chị bằng cái giọng điệu ngượng ngập mà ngọt ngào:

– Mình làm đám cưới nhé.

Chị ừ. Vậy mà khi anh nhờ người mai mối, chị lại từ chối. Không phải chị không thương anh. Chị không thể nói là chị có mang chứng bệnh nguy hiểm. Làm sao mà có thể tự miệng mình nói ra! Chị dẫn anh đi lòng vòng trong lời lẽ: Rằng em chưa muốn lấy chồng. Rằng em còn suy nghĩ. Rằng em chờ dăm bảy năm nữa. Anh cũng ừ, chịu chờ. Thế là chị hoảng! Chị dựng lên những lá thư coi như là bằng chứng chị… phản bội anh. Những lá thư có đóng dấu bưu điện từ thành phố Hồ Chí Minh đàng hoàng. Chị cố tình để quên trên bàn còn anh thì vô tình mà đọc được. Anh trải những lá thư tình chưa ráo mực ấy xuống bàn như rải vào lòng chị những mảnh mẻ chai, nhẹ nhàng:

– Vì những cái này phải không em?

Chị nhìn anh nghẹn ngào. Anh bỏ ra về trong hờn giận, chán chường thì chị thấy mình như đánh mất tình yêu. Chị khóc lặng lẽ… Như để trả đũa sự phản bội của chị, anh lấy vợ ngay sau đó vài tuần. Nhà cô dâu cách nhà chị một con đường nhỏ. Họ chẳng có thời gian để yêu nhau. Ngày anh rước dâu, chị nhìn ra khung cửa sổ nghe những tiếng pháo nổ lập bập mà ngập ngụa đau khổ. Ai không có chuyện gì mà nỡ lòng chối bỏ một tình yêu! Anh quất vào tim chị một vố khá đau còn lũ vi trùng thì gặm nát hai lá phổi của chị. Đằng nào cũng như chị sắp phải bị tử hình.

– Thằng Hải nó trả hết quà cưới của mày gởi cho nó. Mày khùng quá! Cứ nói thẳng với nó là không yêu nó cho xong, ai bảo mày để rơi những lá thư của mấy thằng bồ cho nó thấy. Cả trường, ai cũng nghĩ mày ba lăng nhăng. Mà mày hay thật! Vớ đâu ra một bầy tang tình con nhện thế?

– Nhỏ Chi tóm được thằng Hải coi bộ vênh mặt ra đấy. Nó xấu hơn mày, lại đanh đá thấy cha sao thằng cô hồn này chịu lấy mà coi được?

Cả tổ văn thì người thông cảm, người không. Danh hiệu tiên tiến của chị cũng theo cái lăng nhăng này đi đứt. Ngày chị ra đi, người thiên hạ mới tá hoả ra là chị… mắc bệnh lao. Thế là thiên hạ câm như hến! Người mến mộ thì thở dài thương tiếc con nhỏ dạy giỏi, hát hay, chủ nhiệm tài. Kẻ bàng quan tình người nhưng trọng chức danh thì thở phào như loại bớt một kẻ thù trong giai đoạn thừa giáo viên, thiếu trường lớp! Ngày chị đi cũng vào một tháng 11, chị không cho lũ học trò biết nhưng rồi chúng cũng biết. Thế là lũ học sinh cả lớp bỏ hết một buổi học để xuống nhà cô chia tay. Thầy cô mấy bộ môn… thất nghiệp cả buổi đó. Thầy hiệu trưởng đành thua trận. Ông lắc đầu:

– Chưa bao giờ thấy lũ học trò quậy thương cô nó đến thế!

Tình thương có năm bảy nguyên nhân mà ông không thể nào hiểu hết. Trong cương vị của ông: Đón nhận giáo viên mới, chỉ đạo chung, loại trừ những người chống đối, bắt giáo viên vào khung hình của mình. Xong. Cũng vì thế, ông được lòng cấp trên nhưng mất lòng cấp dưới. Để lấy lòng lãnh đạo, không thiếu những kẻ bán mình! Với chị, ông nễ phục vì tay nghề, e dè tính cương trực của chị. Ông chấp nhận một người giáo viên mang về cho trường những danh dự dù người ấy có… bướng bỉnh một chút.

– Tội nghiệp con Thùy! Trời kêu ai nấy dạ. Biết sao!

Rồi như để hòa cùng tấm lòng như hoa, như hương của lũ học trò, ông hiệu trưởng làm một nghĩa cử cao cả: Kêu gọi đóng góp. Bản thân ông cũng rứt ruột ra hết nửa tháng lương.

– Chưa bao giờ thấy cha hiệu trưởng nào… xịn như cha này.

– Có bồ bịch chi không mà quan tâm đến thế?

Ngày hôm sau chị đi đúng vào ngày 20/11. Trời hôm ấy nắng đẹp như hôm nay. Hoa và hoa. Quà và quà. Tấm lòng với tấm lòng. Nhỏ lớp phó học tập mắt đỏ ngầu. Nó lỳ đòn nên không nhỏ nước mắt hòa vào mưa nước mắt của bạn bè. Trong lớp, chị thương nó nhất. Giáo viên nào không có lấy một vài đứa học trò để cưng! Nhà nó nghèo xơ xác. Mẹ nó mất từ lúc nó lên ba. Nó sống với dì ghẻ nên ăn đòn nhiều hơn ăn cơm. Những ngày lao động, nó nhịn đói đến mức xỉu trên bờ mương. Anh nó mất khi đụng trận ở biên giới Tây Nam vào năm 1979. Thế là nó mồ côi cả tình anh em. Chị thương nó vô vàn. Cuộc đời của nó đã nhắc lại thời học sinh của chị cũng đói nghèo và tự lực bương chãi với mớ rau hành của mẹ nhưng may mắn hơn nó là chị có tình thương của gia đình. Chị nhìn thấy nỗi lòng của nó. Những vết thương lòng của nó như lành hẳn đi khi có người cô giáo chui vào rịt thuốc, rửa chùi. Thế là với công sức của chị vun đắp, nó bứt phá lên trên hàng ngàn đứa bạn để trở thành cô bé học sinh giỏi của trường, học sinh giỏi văn nhất tỉnh. Sự bứt phá không dừng lại khi chị ra đi là món quà không thể đánh đổi trong chị. Nó cùng chị… mất tích!

*

Ho trở lại. Hai mươi mấy năm trời, chị vẫn làm bạn với từng cơn ho như thế. Con vi trùng như đã không khét đục gì thêm. Tình yêu không sinh sôi kể từ khi chị đẩy người yêu đi cưới vợ. Chị ý thức bản thân với cái mầm bệnh của mình. Vậy là cô đơn từ đấy. Nghèo khổ đeo đẵng từ đấy. Nhìn tấm thiệp chúc mừng ngày giáo của người yêu cũ kể từ hai mươi năm nay, chị ngồi phịch xuống gường, ôm lấy ngực:

– Vậy là anh ấy đã biết!

Bây giờ, chị mới thấy lòng mình thôi căng thẳng. Trái tim cũng vỡ ra những mảnh vụn chắp vá rồi khép lại, nhói đau. Qua rồi những ngày để yêu, để sống hạnh phúc sao bây giờ còn có chút rung động thời cuối đời như thế này hở trời! Trời có nghe không thì chẳng ai biết nhưng người hàng xóm nghe và những người xa xôi có chị trong lòng cũng như cùng cảm nhận. Thuốc hết. Chị cũng chẳng sức để uống tiếp. Người hàng xóm hằng ngày tốt bụng cứ ghé thăm. Nhưng lòng tốt của con người cũng có hạn vì người hàng xóm ấy chỉ sống bằng cái nghề bán chè xôi nước, giúp đỡ chị bằng tiền bạc thì ai nuôi bầy con? Lại chỉ bằng của một đồng, công một lượng.

– Sao cô không cho học trò cũ hay bạn bè thân quen biết để họ giúp đỡ?

Chị lắc đầu:

– Đã có một người biết rồi. Em nghĩ là em sắp phải dọn đi.

Người hàng xóm há hốc… Chị ho một chập rồi quờ quạng… Người hàng xóm tá hỏa. Bà ta chạy tới chạy lui như sợ chị làm gì điên dại trong lúc này. Bà kéo tấm màn ra. Ngoài đường nắng vẫn tràn ngập. Chị ra hiệu người hàng xóm kéo cái màn lại. Chị muốn ngủ một giấc dài…

*

Người thiếu phụ nhặt lấy những đồng cen nhỏ bé, cũ kỹ cho vào một cái hủ. Hình như chị ta thích thú nhặt nhạnh những đồng xu. Lúc đầu, người ta cười. Sau đó, thấy nơi nào có đồng cen rớt là báo cho chị ta. Mười mấy năm nhặt nhạnh, cái hủ đã tràn đầy. Cho đến một ngày, có người cho chị một cái tin… Cái hủ tức khắc được đổ ra tại một nhà bank gần nhà. Máy đếm tiền cen chạy nhanh ào ào lẻng xẻng. Mấy chục nghìn tiền cen giờ hóa tiền trăm trước những con mắt thán phục của những người làm chung, chạy theo chị ta tò mò muốn biết chị ta có được bao nhiêu:

– Trời! Công nhận bà này giỏi thiệt nha!

– Chút nữa tao cũng đi nhặt như mày. Thiệt là có công nhặt bạc cắt có ngày chắt ra đô! Bái phục! Bái phục!

Con bé thấy chị ta mang tiền về khoe với bố, nó vòi:

– Con cũng lượm cho má chớ bộ. Mua cái gì ăn đi, má!

– Không được! Không được! Tiền này dành cho chuyện khác. Mua ăn thì có bố mua cho.

– Em để làm gì hở?

Chị cười không trả lời.

– Chắc mẹ làm công việc từ thiện nữa đó con. Tánh mẹ con bố biết mà!

– Mai con cũng nhặt cho mẹ. Trường con, đồng xen cứ rớt hoài chả ai nhặt. Con cũng thấy cả ở ngoài đường.

– Nhưng con đừng nhặt tiền cắt rớt ở những chỗ “lộ phí giao thông” nhé. Camera cảnh sát nó chụp hình con đấy!

– Bố cứ… Hùm. Thương má thôi!

Chị ôm con vào lòng. Trong chị, sự chắt chiu, dành dụm là một đức tính mà chị muốn dạy cho con. Chắt chiu không đi chung với hà tiện. Dành dụm không có nghĩa là không sài.

*

Người thanh niên tìm đến căn nhà trong gốc phố. Anh ta mừng húm khi thấy có người mở cửa. Anh trao tờ thư fax và mấy trăm đô với một bó hoa rực rỡ. Người ký nhận thảng thốt, chẳng kịp hỏi câu gì thì anh thanh niên vội quả quay ra. Chị ôm bó hoa trong tay với những nỗi niềm khó giải. Mừng hay buồn? Vui hay khóc? Những gì chị có hôm nay là kết quả của một tấm lòng ngày xưa chị đã ban phát chăng? Người chị yêu đã hiểu nỗi khổ tâm của chị. Người học trò nghèo khổ đã tìm ra cô giáo của mình! Những tiếng nói chung đã gặp nhau ở tấm lòng. Món quà quý giá này làm sao chị có thể đánh đổi? Chị chỉ biết ngày 20/11 năm nay, chị đã không cảm thấy cô đơn. Giá như mà chết trong lúc này, chị cũng cảm nhận ra niềm hạnh phúc. Hạnh phúc của tình yêu không phải chỉ kết thúc bằng một cái đám cưới. Hạnh phúc đời giáo viên không chỉ chấm hết khi chia tay. Chị chia những niềm vui này với người hàng xóm và ngày 20/11 năm nay có ít nhất bốn người được tìm thấy niềm vui nhỏ bé mà vô cùng thiêng liêng, cao cả trong cuộc đời. Hoa cho ngày thầy cô ngoài phố vẫn ngập trời. Hoa trong lòng người cũng đang hé nụ. Chị thèm được sống biết bao!./.

Tháng 11/17/06
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button