QUÊ HƯƠNGTIN HOT

THƯƠNG NHỚ ĐI VỀ – NGỌC THIÊN HOA

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non cao biển rộng, người thương đi về.

(Quách Tấn)

 

Nhắc đến Khánh Hòa là nhắc đến Nha Trang-thành phố biển xinh đẹp với hai con đường Trần Phú (Duy Tân ngày xưa) chạy dài-được coi là một trong những thành phố có biển đẹp nhất thế giới. Nha Trang gắn liền với Diên Khánh: Một biển. Một đồng bằng, rừng núi. Sự kết hợp kỳ lạ và huyền diệu này đã sản sinh ra những di tích lịch sử, những thắng cảnh tuyệt vời với những con người hiền hòa, hiếu khách, xinh đẹp không kém phần thông minh, gan dạ.

Mềm mại mà dũng cảm, mạnh mẽ là tính chất của biển. Chất phác, chân thật mà kiên cường là thuộc tính của đồng bằng em, núi rừng chị. Nha trang mượt mà. Diên Khánh xanh um với bốn mùa mưa nắng !

Quê hương Diên Khánh - Ngọc Thiên Hoa

1. Diên Khánh-Di tích lịch sử:

Cửa Đông rồi đến cửa Tây

Thành kia ai đắp, vương triều ai xây ?

Thành Diên Khánh (Phủ Diên Khánh ngày xưa) là vết tích của vương triều Nguyễn Ánh. Sau lưng trường Hoàng hoa Thám cũ là cung điện vương triều. Người ta bước lên trên những thước đất còn lại, đi qua hai cổng cửa Đông, cửa Tây mà không sao giấu được sự ngậm ngùi, ngỗn ngang bao nỗi thương đau !. Xương máu nào cũng của mẹ Âu, cha Lạc !. Và giờ đây, cửa Tiền, cửa Hậu cũng chỉ còn trong quá khứ mà thôi !.

Diên Khánh là một huyện của Khánh Hòa. Thành Diên Khánh được nhà nước ghi nhận là ”Di tích lịch sử” vì nó không những là hoàng cung của tiền triều nhà Nguyễn Thế Tổ mà còn là ”Tổng hành dinh” của phong trào ”Cần Vương” chống Pháp tại quê nhà.
Thành Diên Khánh được Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) quyết định xây dựng vào năm 1793 sau khi cùng Võ Tánh, Nguyễn văn Trương đánh bại Tây Sơn mà chiếm lấy. Thành này, sau đó do Hoàng Tử Cảnh và BáđaLộc trấn giữ rồi giao cho Võ Tánh. Võ Tánh chuyển về giữ thành Qui Nhơn thì Đặng trần Thường và Nguyễn văn Thành giữ.
Trong thành có cột cờ, dinh các quan lại như tuần phủ, án sát, nhà kho và hoàng cung. Hoàng cung là nơi vua chúa, hoàng hậu, hoàng tử, thân tộc vương gia. Không gọi là vương triều trong thoáng ngậm ngùi thì biết gọi là chi ? Vị hoàng tử Hi đã chết trong hoàng cung tại đất Diên Khánh này.

Thành Diên Khánh ngày xưa với tường hào vững chắc được che chở bởi những hàng tre đã đẩy lùi hai đợt tấn công của vị Thiếu phó tài giỏi của Tây Sơn là Trần quang Diệu (1793-1795). Cũng cùng một đội quân dưới sự chỉ huy của Trần quang Diệu tấn công thành Qui Nhơn lại dẫn đến sự tự thiêu của Võ Tánh, sự uống thuốc độc của Ngô tùng Châu. Lạ thay !. Trước đó, Võ Tánh cũng là một trong những tướng giỏi của Nguyễn Ánh bảo vệ thành Diên Khánh vững chắc cùng với Nguyễn văn Thành, Đông cung Cảnh, Đặng trần Thường…

Anh hùng bên nào vì chữ ”Nghĩa” mà chết bao đời vẫn làm người hoài cổ rơi lệ !.

Một ngôi mộ đá ấm áp dưới gốc cây Bồ Đề chùa Kim Liên Bửu Tự (Thuộc xã Diên Toàn) tương truyền của một vị tướng thời Trần đánh nhau với quân Chiêm rồi bị mất đầu. Xác được con ngựa trung thành mang về. Ngôi mộ và truyền thuyết vẫn còn đó với nắng, với sương !

Một ngôi mộ khác nằm ở Diên Tân thờ tản đá lớn từng ngày là của một Thái Tử Chàm bị thương nặng từ thành Đồ Bàn-Tây Sơn chạy đến đây chọn Diên Khánh làm nơi an nghỉ cuối cùng !. Mẹ Diên Khánh dang rộng vòng tay…

Bốn mùa mưa gió

Làm kẻ đưa đò.

Vẫn giữ câu hò

Ngọt ngào quê mẹ.

Lời ru khe khẽ

Con ngủ ầu ơ…

Con đường Quốc lộ 1 từ Diên Khánh ngang Nha Trang phải qua một cái cầu gọi là cầu Sông Cạn nhưng nước không cạn bao giờ !

Ngước lên trời mây giăng thâm thấp

Ngang qua cầu Sông Cạn chấp tay.

Vết gò chết chém đâu đây

Cụ Trần qúy Cáp thẳng ngay bỏ mình.

Chí sĩ Trần qúy Cáp chống Pháp hưởng ứng phong trào ”Cần vương” của vua Hàm Nghi năm nào đã ngữa cổ chịu chém không đầu hàng cùng bao bạn bè noi gương Trần bình Trọng thời Trần ngày xưa: ”Ta thà làm qủy nước Nam…”

Diên Khánh không quên họ và càng không quên Cây Dầu Đôi (bến xe Lam Thành-Nha Trang cũ) với cái miếu nhỏ hương khói bốn mùa:

Miếu ai ngự giữa Cây Dầu

Khói nhang phảng phất vơi sầu Trịnh Phong !

Nhà chí sĩ Trịnh Phong cũng đã bỏ mình vì mảnh đất Diên Khánh. Nhà chí sĩ này đã từng rơi lệ cho đất nước khi còn sống thì khi chết, ông lại lệ rơi khi nhìn thấy những cặp tình nhân gặp cảnh éo le, dại khờ đến Cây Dầu Đôi kết liễu đời mình. Hỡi ơi !:

Ma thất tình có nghĩa chi

Ma vì nước mới khắc ghi đời đời.

Lịch sử mở lượng khoan hồng. Diên Khánh rộng lượng bao dung. Hai mươi bốn xã, thị trấn Diên Khánh đã sống trong tình nghĩa cao cả đó:

Diên Sơn, Diên Phú, Diên An

Diên Lộc, Diên Thạnh, Diên Tân, Diên Đồng.

Diên Toàn, Diên Thủy, Diên Điền

Diên Bình, Diên Thọ với cùng Diên Lâm.

Diên Lạc, Diên Phước, Diên Xuân

Suối Tiên, Suối Cát, Suối Tân, Suối Dầu…

 

Đưa duyên kiếp bướm hóa tầm

Thôi anh thà cứ lấy …nhằm hăm bốn…Diên.

 

2. Diên Khánh-Nét đẹp dịu dàng không nỡ lòng quên:

 

Nếu Nha Trang có Tháp Bà, Hòn Chồng, Hòn Yến, hồ cá Trí Nguyên…thì Diên Khánh có Am Chúa, Suối Lồ Ồ, Suối Đổ, Hòn Bà, Đá Giăng…

Sự tích bà Thiên Y A Na linh thiêng gắn liền với Am Chúa ( xã Diên Điền) hay sự tích ”Cọp ba chân” đi tu ở Suối Đổ với những chàng Khổng lồ đánh cờ ở Suối Tiên đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ của biết bao du khách !. Tiếng suối róc rách của Suối Đổ, Suối Lồ Ồ như tiếng đàn du dương đưa ta liên tưởng về một ”Côn sơn ca” của Nguyễn Trãi-người anh hùng dân tộc !. Rừng đó. Suối đó. Những câu chuyện về những nàng công chúa mơ các hoàng tử được mở ra…

 

Bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu cuộc đời đã đi qua nhưng núi rừng vẫn còn ở lại chứng kiến những ly loạn đời thường, những mất mác chiến tranh và vỗ về những hồn sống cho một khát vọng về ngày mai. Nếu khu Đồng Bò, hòn Chín Khúc-Diên An gợi cho ta một cảm giác man mác buồn, tan tác đau vì sự chia ly hai thế giới thì dòng suối Đảnh Thạnh-Diên Tân khiến lòng ta ấm áp trở lại với những mói quan hệ cần phải sống:

Đồng Bò, Chín Khúc biệt ly

Cho dòng Đảnh Thạnh thầm thì nhớ thương.

Suối Tiên chảy miết mười phương

Xin đừng nói phải nói đoạn trường cùng ai!

Diên Khánh xanh um. Cái xanh um thay cho màu tang tóc. Cái xanh um của rừng núi, của ruộng đồng Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Phước…là cái màu xanh của khát khao yêu thương và thèm lời chìu chuộng của người con gái Diên Khánh.

Vào những mùa trái cây trĩu qủa, người ta lạc vào vườn chôm chôm, cam, xoài, mít ổi…Người ta đắm say trong những cuộc tình miệt vườn thơ mộng:

Trái cây đọng nước ngọt ngào

Màu xanh Diên Khánh dạt dào lòng ai !

hoặc:

Chôm chôm hạt mỏng, cơm dày

Ngọt lời ba má, đong đầy tình em.

Những câu ca trên như muốn nhắn gởi cho ta, muốn trao cho người nếm qủa một thông điệp làm Người: ”Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây”. Nếu Diên An, Diên Toàn… nổi tiếng về những vườn cây xanh tươi tốt bốn mùa thì Diên Thủy, Diên Diền…tiếng tăm về bánh tráng và chầm nón:

Xứ Huế nón lá bài thơ

Xứ Thành nón lá ngẩn ngơ lòng người.

Chợ Thành ngày xưa ngập tràn nón lá. Những người con gái từ lớp sáu đến lớp mười hai đã đội nó lên đầu với những chiếc áo dài thướt tha duyên dáng học trò đã làm say mê bao chàng trai khác xứ. Những chiếc nón lá đã dần dần thay thế bởi những chiếc mũ Model hàng ngoại nhưng hình như, ngoảnh đi, nhìn lại, tà áo dài trắng và những chiếc nón lá cổ truyền mới chính là một sự kết hợp hài hòa tạo nên nét đẹp đơn sơ mà mặn mà, đậm đà nhất của người con gái Việt Nam nói chung và Diên Khánh nói riêng.

 

Bên cạnh màu xanh của đồng bằng, rừng núi, ruộng vườn, Diên Khánh còn đang vươn lên với khu công nghiệp Suối Dầu. Thực sự, người ta không quên ngôi ”Trường vừa học vừa làm cấp 3” Suối Dầu ngày nao bên khuôn trang nuôi ngựa lấy huyết thanh chủng ngừa bệnh dịch hạch của vị Bác sĩ người Pháp Yersin (Alexandre Yersin 1863-1943) đã đến Khánh Hòa và chọn Suối Dâu lập IVAC năm 1895.

Người tham quan thường dừng lại trước ngôi mộ của vị ân nhân vĩ đại này đã sống hết lòng vì nhân loại như mặc niệm…

Diên Khánh là thơ. Diên Khánh là nhạc, là dòng sông êm ả lặng lờ trôi…

 

3. Diên Khánh với bài ca ”Dòng sông Thành”:

Cách đây ba mươi năm, nhạc sĩ Huyền Long đã viết ca khúc ”Dòng sông Thành” được coi là ca khúc duy nhất của người Diên Khánh viết về dòng sông Diên Khánh. Cũng năm đó, một học sinh trường Diên Thạnh1 (Phòng giáo dục Huyện cũ) đã cất tiếng hát trong đêm văn nghệ: ”Dòng sông Thành êm đềm lặng soi bóng nước. Sau luỹ tre xanh, sông Thành uốn khúc. Qua bao nhiêu năm bồi đắp phù sa cho nhà nông thêm phần ấn no…”

Dòng sông Thành nằm dưới chân đầu cầu Thành:

Đầu cầu Thành lắc la, lắc lẽo

Vác cần câu, anh lẽo đẽo theo em.

Lỡ em có lọt xuống cầu

Thì câu kia, anh…móc, anh…câu em lên liền.

Dòng sông đó nối liền Bãi Sạn của Diên Lạc chảy qua xứ Thành (Thị trấn Diên Khánh) nhập vào dòng sông Cái Nha Trang trôi về biển mặn. Người dân bao xã ven sông Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Thủy, Diên Điền, Thị trấn Thành…đã có thời thơ ấu bơi mình trong dòng sông này và dòng sông hiền hòa kia vẫn muôn đời êm trôi chảy…

Đến ba mươi năm sau, Hồng Thi và Huyền Long lại mới có dịp viết ca khúc thứ hai cho quê hương Diên Khánh nhưng không phải là dòng sông mà cho người dân lam lũ trên đồng ruộng:

‘ Hôm nay học cấy, ta thấy vui vui. Hai chân đi thục lùi. Nhịp ba và nhịp bốn. Cuộc đời ta vốn. Trai gái phải có đôi. Nhịp cày anh đi tới. Nhịp cấy, em thục lùi. Xong việc hết rồi. Tay chân rời rã. Chuyện làng, chuyện xã. Chuyện nước, chuyện non. Muốn luôn luôn còn. Hãy chăm lo cày cấy !”

Lời ca mộc mạc, nhịp điệu vui tươi như nhịp sống lam lũ mà rộn ràng của người dân quê Diên Khánh. Một lần nữa, ta lại thấy trân trọng và biết ơn những ai đã góp một bàn tay cho Diên Khánh tươi đẹp nói riêng và đất nước nói chung.

Diên Khánh-nơi hội ngộ của những tấc lòng vương vấn…

 

4. Diên Khánh-”Người ơi, người ở đừng đi nhé !”:

 

Khúc tình quê đã kết thúc phần Diên Khánh xanh um mở ra một màu xanh tình yêu của người Diên Khánh. Nếu gái Bình Định biết ”đi roi, đi quyền” thì gái Diên Khánh gánh gồng, thêu vá, chầm nón, cấy cày…dệt nên những bản tình ca bất tử !. Con trai Diên Khánh qúy cha, kính mẹ, thương vợ, chăm làm, yêu con, mến khách. Tình yêu thương ấy đã lẫn vào dòng người đi mưa, về nắng, buông thúng, bán bưng, xuống đồng, lên núi cho đến muôn đời !

Tiếng vó ngựa đã không còn nữa nhưng trong mỗi một người dân Diên Khánh, cái ”dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo” kia vẫn không dễ dàng quên, vẫn từng đêm ”lốc cốc” trong tâm hồn như khơi dậy một tình yêu quê hương, đất nước !.

 

Tình yêu Diên Khánh mát mẽ từng dòng sông, lắng động, cuồng nhiệt như dòng suối đã làm xao xuyến biết bao trái tim người ngoại tỉnh. Không ít người lãng tử đã chọn Diên Khánh làm quê hương thứ hai của họ:

Diên Khánh từ ấy

Thành mảnh hồn ta.

Dù đi muôn ngã

Vẫn sống chan hòa.

(Thi Nhím)

Và những tà áo dài thướt tha, những tâm hồn trong sáng, chân chất, thật thà…đã ý nhị thầm thì với ai: ”Người ơi !. Người ở, đừng đi nhé !”

Khánh Hòa dù không phải là xứ trầm hương thì ”non cao, biển rộng người thương vẫn về”:

Diên Khánh-Nha Trang một trời, một bể

Thương nhớ đi-về theo áo trắng em bay…

 

Tháng 3/10/05

Ngọc thiên Hoa

Related Articles

One Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button