QUÊ HƯƠNG

CA DAO, TỤC NGỮ, HÒ VÈ BÌNH ĐỊNH: CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ

Văn học dân gian, một mảng không nhỏ trong nền văn học Việt Nam đã có từ lâu đời là dòng suối con ngọt lành đổ về dòng sông xanh mẹ văn học.
Ca dao, tục ngữ, dân ca, hò vè lại là một mảng không nhỏ nữa trong văn học dân gian bao gồm: Thần thoại, Cổ tích, Truyện cười, Ngụ ngôn.
Tục ngữ, ca dao, dân ca, hò vè là tiếng hát bình dị, mộc mạc, phong phú của cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trong phần tổng kết quá trình sưu tầm văn học dân gian ở Bình Định (miền Trung), người viết xin trình bày vắn tắt với trích dẫn một phần nhỏ sưu tầm được từ xã Nhơn Hậu, An Nhơn (với 360 câu ca dao, 120 câu tục ngữ, hò vè).
Bình Định giáp ranh giới với Phú Khánh (bao gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên). Non sông với những lằn ranh thay đổi theo lịch sử. Con người nằm trong hoàn cảnh ly tán. Bởi vậy, dân gian hát ru:
Ai về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.
Dị bản:
Ai về Bình Định quê ta
Phú Yên quê chị, Khánh Hòa quê em.
”Mẹ”, ”Chị” và ”Em” được trùng phùng. Hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên nhập lại thành Phú Khánh còn ”Cha” thì nhập vào với dì ghẻ ”Quảng Ngãi” thành ra Tỉnh Nghĩa Bình.
Mỗi địa danh đều có một nét đặc sắc riêng biệt của nó về lịch sử, thắng cảnh và văn học khó mà lẫn lộn.I. Bình Định: Con người và lịch sử:
Đất Bình Định xưa thuộc bộ Việt Thường – một trong mười lăm bộ Văn Lang. Bình Định gắn liền với thành Quy Nhơn (Hoài Nhơn năm 1602, thời Nguyễn Hoàng) và gắn liền cái tên với lịch sử lừng lẫy một thời: Thành Đồ Bàn (còn gọi là Vijara-Chà Bàn – Kinh đô của Chiêm Thành). Trải qua bao cuộc huyết chiến đẫm máu tàn khốc giữa Việt Nam và Chiêm Thành, giữa anh em Bắc – Nam, Trịnh – Nguyễn, giữa hai họ Nguyễn Ánh và Nguyễn Tây Sơn; thành Quy Nhơn bị phá bởi Nguyễn Ánh và được đổi tên là thành Bình Định vào năm 1799.
Lịch sử Quy Nhơn – Bình Định được ghi thêm vào một thành ngữ ”Một Vương, hai Đế” để ám chỉ nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ với các danh tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân…
Bên cạnh đó, Bình Định lại có thêm Mai Xuân Thưởng và phong trào Cần Vương với Bùi Điền, Nguyễn Cang, Nguyễn Hoá… cùng Trần Quý Cáp, Trịnh Phong của Khánh Hòa ghi vào lịch sử hai tỉnh những trang sách vẻ vang.
Bao nhiêu vết tích (đổ rồi xây), bao nhiêu sự nghiệp (lên và xuống), bao nhiêu máu xương, nước mắt (thù và mình) đã tạo cho mảnh đất Bình Định một nét hào hùng riêng biệt ít nơi nào có.
Văn học đi cùng lịch sử. Văn học Bình Định với mảng văn học dân gian (phần ca dao, tục ngữ, hò vè, đối đáp) vẫn sinh sôi, nẩy nở từ bối cảnh hào hùng nhưng cũng nhuộm màu thê lương, đậm đà sự duyên dáng vốn có của ca dao, dân ca; ý nhị của hò vè và không mất cái thâm thúy, sâu sắc của tục ngữ. Mảng này gồm ba phần: Thắng cảnh, Hương vị đặc biệt và Lịch sử: 1. Thắng cảnh:
Vì đây là bài viết sưu tầm nên toàn hầu hết, người viết chỉ ghi lại những gì ”mắt thấy, tai nghe” những lời kể, những câu ca dao. Những câu ca này, phần lớn có nhiều dị bản (theo tính đặc thù riêng của mảng tục ngữ, ca dao, dân ca).
Quy Nhơn có rất nhiều thắng cảnh mà ca dao ghi lại:
Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi
Có đầm Thị Nại chạy dài biển đông.
Hay ướt át hơn:
Đứng trên Quy Nhơn nhìn lại bán đảo Phương Mai
Cạnh đầm Thị Nại nhớ ai hôm nào?
“Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?” như một điệp khúc không dành riêng cho Bình Định nhưng bán đảo Phương Mai hay đầm Thị Nại với nguồn thủy sản hấp dẫn thì lại là của riêng Bình Định mà chẳng nơi nào có. Đầm Thị Nại ”nhớ ai” không ai biết nhưng nỗi nhớ đó chính là nỗi nhớ của lịch sử. Nhớ ai? Là nhớ những người đã đổ máu giữa hai cuộc chiến do hai dòng họ Nguyễn với Nguyễn Vương từ Gia Định ra Diên Khánh, tiến quân ra Quy Nhơn qua cửa Thị Nại chăng? Người kể không chắc chắn còn người viết chỉ ”đoán già, đoán non”. Nhưng hai câu ca dao này thì rõ ràng hơn:
Khéo khen con tạo trớ trêu
Nắn nguyên Bãi Trứng nhớ tổ tiên là Âu Cơ.
”Bãi Trứng” đưa chúng ta về ”Sự tích trăm trứng” – cổ tích mà cũng như thần thoại về những người Việt Nam cùng cha, cùng mẹ ”con Rồng, cháu Tiên” trên đất Việt Nam nói riêng và đất Bình Định nói chung. Nhìn cảnh nhớ người, nhìn vật nhớ lịch sử, câu ca dao này có giá trị như một chứng nhân nguồn gốc tổ tiên.
Quy Nhơn quả có địa điểm du lịch là ”Bãi Trứng”. Nó gồm hàng ngàn hòn đá xanh, tròn nhẵn được xếp đặt rất công phu và khéo léo bởi bàn tay thiên nhiên làm du khách có thể liên tưởng đến một ”Hòn chồng” ở Đồng Đế – Nha Trang. Nếu Bình Định có ”Bãi Trứng” là ”Hòn vợ” thì ở Khánh Hòa có ”Hòn chồng” ứng với cái câu:
Bình Định nghĩa vợ. Phú Khánh tình chồng
Quy Nhơn triền sóng vỗ lòng núi sông.
”Bãi Trứng” nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng và lọt trong ”Bãi tắm Hoàng hậu”. Con tạo thật khéo trớ trêu nhưng nếu tạo hóa đã nắn ra một ”Hòn vọng phu” trong nắng, trong mưa làm nhũng lòng bao nhiêu người nhớ về cổ tích, đã tạo ra một ”Hòn chồng” ngàn năm sóng xô thì tại sao không thể cho ra một hòn vợ là bãi trứng của bà Âu Cơ? Nào Bãi Tiên, nào Tháp Cánh Tiên, nào khu Quy Hòa… với từng con sóng vỗ miên man…
…Vào Ghềnh Ráng nhớ lại nàng
Nam Phương hoàng hậu giăng màn… tắm ở đây.
Ý ca dao như bổ sung cho ”Bãi Trứng” nhưng nghe sao có chút gì đó mai mỉa. Té ra, người ta đang ”trách nhẹ” vị vua cuối cùng của Nguyễn triều là Bảo Đại đã học cách Đường Minh Hoàng phung phí của cải mà cúc cung cho ”người đẹp” trong lúc nước nhà loạn lạc ”một cổ hai tròng” là Nhật – Pháp trước năm 1945. Rồi sau đó, người bản xứ cũng quay về tâm tình mặn mà của quê hương:
Ai về thăm cảnh An Khê
Sông Ba chồng nhớ vợ nhà Sông Côn.
Nét đặc trưng của ca dao viết về quê hương thường mở đầu: ”Ai” đầu câu rồi ghép: Ai đi? Ai về? để biểu đạt tình cảm dạt dào mong muốn có người chia xẻ. Tại sao gọi hai con sông trên là vợ, là chồng; những người bản xứ suy đoán: Có lẽ vì mối quan hệ thân thiết giữa hai con sông này thông vào nhau như duyên chồng vợ:
Cù lao xanh thương anh ở đảo
Sông Hà Giao dạo khúc tâm tình.
Mong sao hai đứa tụi mình
Như mây với nắng bóng hình có nhau.
Sông Hà Giao cũng là tên của sông Côn nhưng vì sao có hai tên như vậy thì người Quy Nhơn cũng chịu. Thế nhưng có một điều, người ta chắc chắn rằng: Con sông Côn vợ này dịu dàng lắm. Cô ta không tác yêu, tác quái mới dạo được “khúc tâm tình” với những người ở đảo. Những Hầm Hô, Sa Khổng Lồ, Hòn Ngang, Hòn Trống, Hòn Chiên, Hố Rùa… đã tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên mà người đến thăm một lần qua, nhớ mãi!
Đất trời nơi đâu thế nào, con người ở đấy thế ấy. Nếu thiên nhiên đã hậu đãi người Quy Nhơn, đất Bình Định thì người Bình Định, dân Quy Nhơn chẳng thể bạc bẽo ở tình người. Tình người ngọt lịm trong hương vị Quy Nhơn.

2. Hương vị đặc biệt của xứ Rùa:
Những đặc sản ở vùng quê biển, người ta không lạ nhưng có một vài món lạ ở xứ Rùa mà nhiều người chưa có diễm phúc nếm qua. Đó là những món bánh dún, bánh gõ bột mì, bánh tráng sữa… có ở nông thôn Bình Định. Những bánh ít, bánh rế, bánh tai vạc, kẹo đỗ, chanh ngào đường… cũng đi vào ca dao:
Thương em vất vả với cái bánh mõ bột mì
Nhưng em đừng nghĩ anh chỉ vì này nọ kia.
Anh ”drìa” đến huyện Hoài Ân
Kiếm trà ”Cam Khổ” chia ngọt bùi cùng em.
(Người viết đổi ”về” thành ”drìa” cho đúng với âm tiếng nẫu).
Kẹo đỗ, bánh mõ Bình Định, người viết bài được thử qua nhưng ”Trà Cam Khổ” với cam lai thì… cam đoan chả ai mời người sưu tầm văn học này uống một hớp để thử xem hương vị đắng, ngọt tới mức nào! Nhưng câu thành ngữ này là chìa khóa ”vừng mè ơi, mở cửa“: ”Trái đắng khổ qua, bạn trà Cam Khổ”. Đọc lên là biết ngay hương vị loại trà này: Đắng nghét. Cây trà này mọc từ Núi Chúa ở Hoài Ân. Người Bình Định đã uống trà đắng này mà ”cam khổ” để ”chia ngọt, bùi cùng em” là khẳng định một tấm chân tình hiếm có.
Đàn ông, con trai Bình Định chịu đắng. Đàn bà, con gái Bình Định chịu roi:
Trai Quảng Ngãi. Gái Bình Định
Roi Thuận Truyền. Quyền An Thái.
Hay:
Ma Bình Thuận. Cọp Khánh Hòa
Gió Tu Hoa. Góa Bình Định.
Đọc lên, người ta ngấm ngầm hiểu đàn bà con gái Bình Định là ”dữ dằn” không thể chọc ghẹo. Nét dữ dằn ấy lại có tính chất lịch sử:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cũng biết đi roi, đi quyền.
Dị bản:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền.
Hoặc:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cưỡi voi diệt thù.
Một nét căn bản khác nổi bật vẫn là sự cần cù với một mái gia đình chăm chỉ, đầm ấm:
Chồng chài, vợ lưới, con câu
Bà ngoại đi xúc, cháu dâu đi mò.
Dừa xanh Tuy Phước, Gò Bồi
Chài, lưới, câu, xúc, mò con cá Bống mủn ăn cùng nồi cơm niêu.
Món đặc sản này có lẽ không ai nỡ lòng mà ăn! Hơn nữa, món bánh xèo từ Nha Trang đã vượt mấy cái đèo: Rù Rì, Ruột Tượng, Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông để ra món bánh xèo Quy Nhơn vàng rực, dòn khấy chưa ăn mà nghe tiếng ”xèo” đã chảy nước miếng, ngon não nùng:
Thương em thân phận bánh xèo
Tìm em, anh vượt cái đèo Cù Mông.
Từ Nha Trang qua mấy cái đèo ngoằn nghèo đến đèo Cù Mông là tới Quy Nhơn. Chữ ”xèo” âm nghe sao mà ”èo uột” gán cho thân phận phụ nữ từ cái ”Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đến cái bánh xèo Quy Nhơn cũng ”ba chìm, bảy nổi”, xèo tới, xèo lui, cháy lên, cháy xuống. Chúng đúng với thân phận thấp hèn, xót xa trong ca dao: Thương em thân phận con rùa. Trên đình đội hạc, dưới đình đội hia” hay ”Thương em thân phận con chim. Chim bay biển Bắc, anh lại đi tìm biển Nam”. Những ví von, ẩn dụ này nghe quen tai hơn ”Thương em thân phận bánh xèo”. Nét độc đáo của cao dao Bình Định là chỗ khác người như thế! Người viết thích cái câu này hơn:
Anh về dưới Giã hồi hôm
Gánh phân bỏ ruộng, gió nồm bay lên.
Giã cũng là Quy Nhơn. Hình ảnh chàng trai đồng quê ”tranh thủ” bón phân cho lúa vào ban đêm nói lên sự cần cù đáng quý. Nó toát lên hết nếp sống chăm chỉ làm ăn, siêng năng cày cấy với công việc đồng áng được phân chia đồng đều: ”Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Đây chính là hình ảnh đẹp nhất của người nông dân Việt Nam một thời tay lấm chân bùn, đầu tắt, mặt tối.
Cái chơn chất của người Bình Định cũng rất lý trí qua những câu hò vè mà các cụ già ngồi hát:
Hò ơ… Nếu giỏi giang thì cho thiếp hỏi chàng
Ba năm ông Hậu hờ…,

Ba năm ông Hậu chớ đố chàng là ai?
Dĩ nhiên, người đáp phải nắm chút ít kiến thức lịch sử. Nếu không, chàng bị cho là ”dốt bỏ xừ”. Trả lời xong, chàng đố lại:
Hò ơ… Em về Ghềnh Ráng có rảnh, có rang
Ghé ngang bãi tắm Hoàng hậu hờ…, ghé ngang bãi tắm Hoàng hậu, anh đố nàng ai xây?

Người đẹp phải moi óc để biết do chính là vua Bảo Đại xây. Ăn bánh xèo xong, đố lịch sử cũng đã, người ta quay về với thi nhân:
Em về Ghềnh Ráng, em có nhớ dáng thi nhân
Tuổi đời lận đận, mạt vận là ai kia drậy cà?
(Nguyên lời kể ”Tuổi đời lận đận, mạt vần là ai kia drậy cà ?” Người chép xin được đổi một từ ”mạt vần” thành ”mạt vận” cho hợp nghĩa với cuộc đời tàn phế thương đau của Hàn Mặc Tử).
Mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hoà dời ra Ghềnh Ráng là một nơi người để người hâm mộ đi về chia xẻ, thương xót kiếp phế nhân của một tài hoa có số phận hẩm hiu.
Quy Nhơn có thành quách lịch sử. Quy Nhơn có mộ địa thi nhân. Quy Nhơn còn là nơi của ”Bàn thành tứ kiệt” trong tục ngữ: ”Nhất Yến, nhì Hàn, tam Lan, tứ Quách” (na ná như ”Nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt”) để ám chỉ bốn thi nhân: Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn.
Quy Nhơn từ dạo ấy đã nổi tiếng là thành phố của thi ca. Những con số thứ tự, người viết nghĩ không phải để xếp hạng mà chỉ là cho suông câu, suông miệng. Nếu có thể, người viết xin thêm: ”Nhất Yến, nhì Hàn, tam Lam, tứ Quách, ngũ Thanh” (đó là nhà thơ Thanh Thảo).
Quy Nhơn, thành phố của thi ca, của nét đẹp thiên nhiên với những tấm lòng chân chất, quật cường. Quy Nhơn là chứng nhân lịch sử đưa vào Bình Định những trang lịch sử kinh hoàng, thảm khốc.

3. Những dòng hò vè nhuộm sắc màu lịch sử:
Bình Định có câu: ”Nguyễn Nhạc vi vương. Nguyễn Huệ vi tướng”. Câu này cũng giống như tương truyền, Nguyễn Trãi thông minh đã dùng mỡ bôi vào lá cho kiến đục ăn mà thành mấy chữ: ”Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần” để tập hợp lực lượng thống nhất chống nhà Minh xâm lược. Câu ”Nguyễn Huệ vi tướng” là chưa chính xác vì Nguyễn Huệ có tướng làm vua: Quang Trung hoàng đế là vị vua tài giỏi về cầm binh thần tốc nhất trong lịch sử Việt Nam chứ không phải có số làm tướng.
Hầu hết, những người ở Quy Nhơn nói chung và Nhơn Hậu – An Nhơn nói riêng đều tự hào là quê hương của Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Họ đều ca ngợi, khâm phục Nguyễn Huệ tài giỏi và ”trí, nhân” hơn người anh cả Nguyễn Nhạc. Họ ghét Nguyễn Ánh với sự trả thù man rợ đối với nhà Tây Sơn nhưng không ghét tướng Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Võ Tánh – em rễ phò mã, là đại tướng của Nguyễn Ánh vì giữ thành Quy Nhơn không nổi nên tự thiêu trên lầu Bát Giác, còn Ngô Tòng Châu phải uống thuốc độc tử tiết để cứu lấy hơn tám ngàn binh sĩ bị vây trong thành bởi kiện tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu. Người dân Bình Định cao cả với nghĩa cử cũng rất độc đáo là: Thông cảm và thương tiếc vô hạn cho những người trung liệt:
Trung trinh thật đáng tướng hiền
Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm.
Dị bản:
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Hỏi thăm ông Hậu thủ thiền vì ai?
Hay:
Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm.
Câu hò ông Hậu là ai chính là Hậu tướng quân Tả tiền dinh chưởng cơ: Võ Tánh phò mã.
Người viết còn được nghe một loạt bài vè về nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân và vè chàng Lía nhưng có vẻ không hợp với sử sách nên không chép. Người viết còn nhớ một chàng Lía ngày xưa:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Liá bị vây trong thành.
Dị bản:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú lính bị vây trong thành.
Ám chỉ quận He Nguyễn Hữu Cầu với bài vè:
Nghe vẻ, nghè ve, nghe vè chàng Liá
Miệng mồm lia lịa, chân đá tiá lia…
Bài vè này như để chỉ sự lanh lợi của một kẻ ngang tàng, nổi dậy nhưng nó chưa đúng với Nguyễn Hữu Cầu. Trong lịch sử, nhân vật này hoạt động ở Nghệ An trở ra nên không dính dấp gì đến chàng Lía Truông Mây ở Bình Định cả.
Một cuộc chiến tranh thảm khốc xảy ra ở Tây Sơn đã xoá sổ một triều đại Chiêm Thành thời Lê Thánh Tôn tại thành Đồ Bàn, để lại những câu ngậm ngùi như tiễn đưa một dân tộc ra đi vĩnh viễn:
Đồ Bàn trống đã sang canh
Nhất Vương, nhị Đế lừng danh một thời.
như tiếc nuối cho thời vàng son rực rỡ mà ngắn ngủi của dân tộc Chàm và triều Tây Sơn Nguyễn Huệ! Tập thơ ”Điêu tàn” của Chế Lan Viên với những hồn ma phiêu bạt và khúc nhạc ”Hận Đồ Bàn” bất hủ của nhạc sĩ Xuân Tiên qua tiếng hát Tú Nhi (Chế Linh) đã ra đời trong sự xúc động tột đĩnh của thi nhân và nhạc sĩ khi tìm lại bóng ”Người xưa đâu mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu… Triền sóng xô, muôn tiếng vang trong lúc đêm trường về”!
Đồ Bàn của Chàm. Phan Rang cũng của Chàm nên có chung đặc sản là món ”Bánh rế”:
Bánh Rế kể lể chuyện đời
Mời anh xơi để nhớ thời Bồng Nga.
Thời Chế Bồng Nga huy hoàng đã qua. Một triều sáng chói Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng lùi vào dĩ vãng. Nhất vương Nguyễn Lữ tam đệ – một tướng không được coi là dũng cảm. Nhị Đế kia là một Trung ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc, hoàng huynh và một Đế nữa là Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ tài ba yểu mệnh, nhị đệ. Hai dòng họ Nguyễn tranh nhau chữ “Đế” ròng rã nối tiếp thời vua Lê, chúa Trịnh. Một nước không thể hai vua, một nhà làm sao hai chủ? Thế là trận chém giết giữa anh em, chú cháu, con dì mãi mấy thế kỷ. Tây Sơn ghi lại tiếng thở dài chung cho ”Nhất vương, nhị Đế”:
Nhâm Tý, Quý Sửu, Mậu Thân
Nhất vương, nhị Đế lần lần quy tiên.
Dị bản:
Nhâm Tý, Quý Sửu, Mậu Thân
Nhất vương, nhị Đế mãn phần quy tiên.
(Người viết đổi ”mãn phần” thành ”lần lần” hoặc “dần dần” vì từ ”mãn phần” với từ ”quy tiên” là từ đồng nghĩa, khác âm).
Tây Sơn chấm hết, Quy Nhơn – Bình Định mở ra một huyền thoại lịch sử khác về người anh hùng chống Pháp dưới hịch ”Cần Vương” của vua Hàm Nghi (một nhà không phải “Nhị Đế” mà là “Tam Đế”: Kiến Phước – Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh):
Nước mắt Phú Phong chảy qua Phú lạc
Đầu rơi còn tạc tiếng ông Mai.
Người anh hùng ấy là Mai Xuân Thưởng và tên ông đã để lại tên đường. Quy Nhơn, quê hương anh hùng vì đã sinh ra những người anh hùng, hào kiệt sống mãi với nghìn năm.

II. Tình người gởi lại xứ Quy Nhơn:

Đất An Nhơn có truyền thống đánh giặc từ lâu đời. Con người An Nhơn nói riêng và Bình Định nó chung đã gắn bó với ruộng đồng với biển xanh làm nên lịch sử cho một ”xứ nẫu” có tâm tình dạt dào đến não ruột:
Ai về nhắn với nẫu nguồn
Măng tre trên anh gởi xuống, dưới cá chuồn em mang lên.
Ca dao, hò vè, tục ngữ Bình Định chắc chắn sẽ còn nhiều khám phá mới mẻ hơn, đặc sắc hơn về con người và lịch sử ở đây. Mảng văn học này đã và sẽ bổ sung vào nền văn học dân gian Việt Nam ít nhiều giá trị trên hai mặt: Nội dung và Hình thức với tình người ấm áp đầy thương mến.

Quy Nhơn, tháng 3/1983
Ngọc Thiên Hoa

(Viết tiếp những dòng hai mươi ba năm trước)
Tôi đã trở về nơi đây sau hai mươi năm trời xa cách. Quy Nhơn thành phố biển vẫn đêm ngày đưa đón người đi xa. Thành phố đã đổi thịt thay da sầm uất hơn ngày nào nhưng tiếng sóng vỗ vào bờ vẫn dội vào lòng tôi những ngày xưa thân ái. Những con còng hai mươi năm trước ”chắc nay đã về già. Cuối trường cây hoa sứ một mình rụng từng hoa”. Già trong nỗi nhớ thương từng con đường Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Trần Phú… dài theo từng kỷ niệm. Mái trường phố biển ngày xưa hiền hòa, khiêm tốn nay tráng lệ, huy hoàng… trở thành nỗi khắc khoải trong tôi. Những hòn đá trứng nơi ”Bãi Trứng” trong tay tôi hình như cựa quậy… Mùa hè chia tay thoáng chốc hai mươi năm!
Khu Ghềnh Ráng vẫn thân ái chào đón người xưa mà lòng người nghe như tiếng mưa rơi rụng trong lòng. Khu Quy Hòa vẫn lặng lẽ đón nhận những cuộc đời bạc phước như đã từng mở rọng vòng tay đón nhận một thi nhân Hàn. Ngôi mộ Hàn đơn sơ nhìn xuống Ghềnh nghe sóng hát mãi khúc Kinh Cầu!
Tháp Cánh Tiên! Những ngọn tháp Chàm sừng sững, hiên ngang trong sương gió. Tôi chạm tay vào đó cầu xin được làm kẻ tiễn sau cùng! Dân tộc nào mất nước chẳng thương đau!
Tôi cũng đã bước trên bờ thành một Kinh Đô tàn phế và lòng lâng lâng khi đi vào nhà Bảo tàng di tích Tây Sơn. Tôi đã quắc mắt nhìn vào quá khứ dụng hình tàn bạo của kẻ chiến thắng và cuối đầu lặng lẽ rơi nước mắt dưới chân vợ chồng người nữ tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân anh hùng.
Bao la vẫn là biển. “Biển Quy Nhơn bọt sóng trắng Quy Hòa!”. Lịch sử đi qua… vô tình ném trả những kỷ niệm xa xăm còn in dấu vô hình!
Quy Nhơn!
Quê hương – tình yêu tuổi học trò và một thời tuổi trẻ. Những ai còn, ai mất vẫn là nỗi ngậm ngùi cho kẻ đi xa.
Ai về Bình Định quê cha
Phú Yên quê mẹ. Khánh Hòa quê em.
Phú Khánh đã trả lại tên cho em. Nghĩa Bình cũng quay vể những ngày chưa tách tỉnh. Ai sẽ trả lại cho ta cái Hồn người đã mất từ những tháng ngày không êm ả để hồn ta chịu nhập về thân xác của mình!
Quy Nhơn!
”Nơi đó không là nơi ta sinh ra. Nhưng nơi đó là nơi ta từng nghe thành phố thở. Đã rời xa nhưng sao ta vẫn thấy nhớ một đời. Quy Nhơn hỡi Người! Ta gởi lại tháng năm yêu”./.

Quy Nhơn, tháng 3/1983
Lisle, tháng 3//06
Ngọc Thiên Hoa

Chân thành cám ơn tới:
– Các bác xã Nhơn Hậu – An Nhơn, Bình Định đã cung cấp phần ca dao, tục ngữ, hò vè, đối đáp.
– Nhà truyền thống Tây Sơn, Quy Nhơn.
– Kính cám ơn sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Xuân Nhân, thầy Huỳnh Văn Tới (Khoa Ngữ Văn ĐHSPQN) phụ trách phần Văn học dân gian VN năm 1983.
Tư liệu tham khảo có sử dụng:
– Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, Nxb VHTT – 1999).
– Việt Nam quê hương Bình Định mến yêu (vietshare.com, quehuong.org).

Xin trân trọng cám ơn.

Quê hương Ca dao tục ngữ, hò vè Bình Định: Con người và lịch sử

Back to top button