QUÊ HƯƠNG

CỰC PHẨM ”ỐC BƯU”

Quê hương Cực phẩm ốc bưu

Món ốc Bưu chanh, gừng, ớt, xả
Thương mẹ già vất vả nuôi con.
Tuổi xuân qua dấu chân mòn
Mai con khôn lớn nhớ giữ tròn chữ ân!

Ai về Nha Trang cũng thích vào những ”Quán Gió” dọc theo con đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng vòng quanh biển mà thưởng thức đặc sản hải sản lừng danh của xứ biển: Tôm, cua, mực, cá, ngao, sò, ốc, hến gì cũng đủ cả. Thế nhưng người ta ít người biết đến một loại ốc một bình dân được trộn vào nhau tạo thành một hương vị đồng quê – phố biển mà người có tiền mua tiên cũng chưa chắc mua mà nếm qua cái món đặc biệt đồng quê này. Đó chính là loại ốc: Ốc Bưu ở ruộng đồng – nơi thôn cùng xóm vắng!

Chao! Vòng ra khu chợ Đầm và khoảng 3 giờ chiều để kiếm ra cô gái bán ốc này hơi khó khăn vì người ta tranh nhau…
Tiếng đồn bậu bán ốc bưu
Nên bậu bận bịu, lu bu tối ngày?
Qua người miền trỏng, ra đây
Chờ bậu mua ốc mới ra nông nổi này…
Chờ lâu quá, người đẹp bán ốc chưa đến, khách… tài lanh, banh banh cái… ví. Thế là ”thánh thủ thần thâu” ngó tới liền. ”Ra nông nổi này” là vậy! Không xu ngồi khóc còn tiền đâu mua ốc, bậu ăn?
Rồi cuối cùng, nàng tiên bán ốc cũng chui ra với cái thúng ốc chưa khui nắp và một hỏa lò để hong cho ốc nóng nảy mới thấy là… chảy nước miếng! Ực!

Nhìn cô tiên giở nắp… Ôi một trời khói trắng (không phải một làn khói thuốc lá khét lẹt của mấy cha nội… chích ngày, chích đêm) bay tản ra chung quanh xa đến… cây số còn thoang thoảng mùi thơm:
Lá xả, lá bưởi, lá chanh
Thiếu ba thứ ấy, ốc em thành ốc… heo.
Thiêu thúi cho… heo ăn vì ”thiếu em lửa cháy bình khô rượu” như thiếu mùi hương ba thứ lá nói trên, khách đâu thèm!

Người ta ăn ốc Bưu, trước tiên là… ăn hơi cái mùi thơm ngào ngạt trên không lẫn lộn vào đâu được.
Muốn có một con ốc Bưu thơm tho, hấp dẫn như thế, người luộc nhọc sức, nhọc công. Ốc mua về từ những người bắt ở đồng mới ngon. Ốc không bị mất thịt và chết sình. Người lội ruộng sình đi bắt ốc cũng cực. Xúc. Sàn. Xẩy. Lựa ra ốc lớn, ốc nhỏ, ốc đít dài để riêng rồi rong, rồi rửa cho sạch mới dám mang ra chợ bán. Tiền chẳng bao nhiêu nhưng cái nghề bắt ốc từ lâu đã thành nghề cha truyền con nối. Bỏ không nổi. Người mua về khổ công hơn thế nữa. Họ sợ nhất là những con ốc Bưu chết vì luộc một con ốc chết trong một cái nồi đầy ốc như vậy là… tiêu luôn:
Con sâu làm rầu nồi canh’
Con ốc Bưu chết nó… hành người ăn.
Ăn trúng con ốc chết sình, khách cầu cứu vào thuốc… hồng hồng. Ai nói ”thủm thủm dễ lủm, dễ nuốt” với con ốc chết sình này, tui… chết liền!
Ốc mua về, người luộc ngâm vào mấy đợt nước cơm cho ốc chịu hả họng trôi hết bùn động bên trong:
Con nào ngáp ngáp thì thảy ra cho heo táp liền liền
Luộc bán mang tiếng nồi ốc đáng đồng tiền của em.
Người luộc mang ra xả năm bảy lần nước sạch rồi cho vào nồi đun lên. Đừng tưởng như nấu cơm điện nhá! Giao cho ông Táo là tiêu tùng. Ốc Bưu luộc phải canh đúng giờ như canh xắc thuốc Bắc vậy đó. Canh không đúng, thuốc từ ba chén, không còn tám phân mà một giọt làm thuốc cũng bị cái ấm đất, ấm điện… uống hết. Người canh thuốc hoảng vía vội đổ mớ nước vào nấu lại… Không ai thấy ngoài ông Táo!

Còn ốc? Ốc quá lửa thì… ăn hết đi mày… heo ! Chúng thụt họng, thụt lưỡi, teo thịt hết còn gì mà bán! Người bán ốc Bưu năm thì mười họa bị ”tổ trác” một vài lần, mắc hồn.
Ốc rửa càng sạch thì độ hôi của mùi bùn bị… báng đi hết. Ca dao hay hát:
Trong đầm gì đẹp bằng sen…
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Nhưng với loại ốc sống trong bùn thì dứt khoát phải hôi bùn. Rửa không sạch, luộc không đúng lửa, lộn vài con ốc Bưu thúi… coi như… Tào Tháo rượt chạy quanh thành phố biển khỏi cần tập thể dục mỗi ngày cũng… sút ký nhanh chóng. Bệnh viện Khánh Hoà nằm sát một bên. Yên trí!

Tục ngữ có câu: ”Khôn ăn cái. Dại ăn nước” nhưng với ốc Bưu, không ăn hay không uống gì cũng bị xếp loại… dại tuốt tuồn tuột vì món ”nước ốc Bưu” là món độc chiêu níu chân khách đấy: Vị ngòn ngọt của thịt ốc Bưu, mùi thơm của lá chanh, lá xả, mùi gừng của mắm, mùi mằn mặn của muối, Tất cả trộn lộn lại thành món ”Súp nước ốc Bưu” không lẫn lộn với bất cứ món hải sản nào. Uống vào… mê tơi luôn!

Nào bây giờ xin mời khách hàng ngồi xuống vài cái ghế màu xanh xanh, đỏ đỏ, lớn nhỏ đều thương để chung quanh cô tiên ốc. Muốn ốc nào: Ốc đít dài thì rẻ hơn tuy cũng là ốc đồng quê nhưng ít thịt hơn. Ốc Nhảy thì mắc lắm vì loại này mấy nhà hàng lớn… xỉ hết cha rồi nên mắc. Hai chục ngàn… 4 con lớn, 5 con nhỏ…. Còn chỉ chị ốc Bưu là vừa rẻ, vừa ngon, vừa dòn, vừa béo nè! Hai ngàn một dĩa cả mấy chục con. Mại dô! Khỏi cần mại, thiên hạ cũng… dô cả rồi!
Ăn làm sao nhé?
Đầu tiên, bạn cầm cái chén ốc, đừng ăn vội dù… thèm muốn chết! Bạn hãy… làm chảnh một chút, đưa chén ốc Bưu ngang mũi để tận hưởng mùi thơm xả, chanh, gừng ngào ngạt, hít một hơi dài vào tận phổi cho đa đã như kẻ ghiền hút thuốc lào!
Ốc bạn chưa ăn, chưa mất nhưng hơi không kịp ngửi là nó bay theo ông, theo bà hết đó nghe! Di động có rung rinh hay em út có… rình. Mặc kệ chúng ”đi chỗ khác chơi, chờ chút nữa”.
Nào tới con ốc. Bạn lấy cái tăm xỉa răng khư mày con ốc ra, nuốt nước bọt trước kẻo chảy ra hai mép người xung quanh… ói không kịp! Lấy tăm đâm vào con ốc rồi kéo hết ra. Nhớ đừng bày đặt chơi sang mà kéo có một nửa, uổng đấy! Kéo hết ra rồi từ tốn chấm vào chén nước mắm gừng đặc đặc, chua cay ngọt bùi đủ vị rồi cho vào cái mồm…
Nhai đi, nhai cho tan, cho nát cuộc đời con ốc! Thế mới ngon! Ực, con này, con nữa, con giữa, con kề… No chưa? Hấp dẫn không? Rồi nhớ xin ”chị cho em tí nước ốc ạ!”. Uống nước ốc (phải… xin à! Nếu không là khách quen, cô tiên bán ốc không cho đâu vì nước súp đó còn để cầm hơi cho nóng ốc). Ực! Khà! Thắm thía hương vị đồng quê chưa? Cám ơn. Đừng quên trả tiền nhá! Mai lại sớm nha! Không thì ”tìm em ở chợ Đầm, em dầm mình dưới biển”. Bán hết, nhảy xuống biển tắm một hơi, chơi với… cá rồi ghé qua chỗ Mì Quảng, mua một tô về cho… má như ngày xưa má bán ốc nuôi em!

Tiền có nhưng có món gì ngon thì phải còn chờ vào bàn tay khéo léo chế biến của con người. Khách đi rồi hương chanh, xả, gừng, ớt còn đọng vành môi!
Đêm nay ra ngóng biển Đông
Ăn ốc nhớ kẻ lưng còng lội sông.
Chiều trông con nước ngược dòng
Thương người mẹ lội giữa đồng nuôi con
Trăng sầu in bóng mỏi mòn
Hỏi người năm tháng có còn đợi nhau!

Khách ra về có nhớ? Người bán rong hôm nào?

Tháng 3/10/06
Ngọc Thiên Hoa

Back to top button