TẢN MẠN

“LY RƯỢU MỪNG”… ALIVE AGAIN?

Easter day – Lễ Phục Sinh tức ngày Chúa sống lại? Chúa sống lại thì chưa ai được thấy nhưng dòng “Nhạc Tiền Chiến” của Việt Nam (VN) trước 1975 thì thật đúng là “chết đi, sống lại”! Điển hình, cuối 2016, đầu 2017, “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (PĐC) sau 40 năm “ngủm cù đeo” bỗng được Bộ Văn Hóa cấp giấy… phục sinh!

PĐC là một trong hàng loạt cái tên Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước… cùng với dòng nhạc tiền chiến, nhạc vàng bị bức tử sau 1975. Người bật đèn xanh cũng bật luôn đèn xám cho mình là cựu Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh (NVL) vào thời điểm 1987.

Chúng ta không nói lại dòng nhạc này đã ảnh hưởng nhạc Pháp như thế nào và hình thành ra làm sao hay đi sâu vào nhịp Valse cùng Tempo… mà chúng ta chỉ có một điểm nhấn là “Ly Rượu Mừng” bị ngủm vì… lính… VNCH rồi được hồi sinh cũng vì lính nhưng là lính chống Pháp?? Cần bám vào cái phao ảo như thế không?

Tác phẩm nào cũng thế. Nó sống được là vì cái gì? Vì giá trị thẩm mỹ (đẹp, đẵng cấp) và nội dung (đi vào lòng người với những cung bậc nhất định). Nhạc tiền chiến bất hủ vì cái gì? Vì con người, vì lính? Lính được phân loại hai miền Nam – Bắc, được xác định chống Pháp, chống Mỹ thì sống chứ nhất định không được chống… Cộng Sản (CS)! Nhưng nếu bài “Ly Rượu Mừng” xuân đó dở ẹt thì có ca ngợi bố CS cũng chả con ma nào thèm nghe. Nhạc tiền chiến, hay nhạc vàng của thời VNCH là một kho tàng kim cương của nền Âm nhạc VN. Vứt chúng một bên hay khai tử chúng, nền Âm nhạc VN chỉ như một gã què lò cò đi mò ban đêm với ba cái nhạc cách mạng, nhạc đỏ chỉ hợp cho một giai đoạn nhất định và chẳng có giá trị liên thành.

Cấp giấy phép hay không, dòng nhạc tiền chiến cũng đã có một chỗ đứng đẵng cấp từ khi chúng chào đời. Nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An… cũng lần lượt tái xuất giang hồ đó sao? Không có lợi nhuận từ dòng nhạc tiền chiến – con gà đẻ trứng vàng – này, chả có con ma nào chịu ngồi chồm hổm bơm thuốc hồi sinh cho một con… hủi? Và chỉ khi tác giả… trẩu thì sản phẩm trí tuệ tinh thần của họ mới được đánh giá trở lại.

Có thể nói: Tất cả những gì nhà nước VN làm hôm nay cũng chỉ là đi lùi lịch sử, lùi về với nền văn minh đã bị bức tử suốt 40 năm qua để lội ngược trở lại. Trường lớp thời xưa là “Tiểu học – Trung học” thì xoá đi đổi là “Trường phổ thông cơ sở cấp 1, cấp 2; Trường phổ thông trung học cấp 3…” Bây giờ thì lại lấy về đổi tên như… 40 năm trước. Đốt và xóa sổ? Nền Văn học VNCH bị bức tử, bị thiêu cháy rồi từ trong đám cháy lôi ra “Tự Lực Văn Đoàn”, tổ chức tham luận tìm kiếm “Văn học miền Nam” báo hại làm học trò chạy theo bán sống, bán chết! Cháy không hết và xóa không xuể thì quay lại tưới nước và phục hồi. Đấy cũng là một cách “thức thời vụ” nếu không, được người chân chính chép chân sử đưa vào trang u ám nhất trong Lịch sử VN giai đoạn sau 1945 và sau 1975 khác nào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh?

Vậy chứ nội dung ca khúc “Ly Rượu Mừng” là gì?

Ly Rượu Mừng

“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó/ Á A A A/ Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui/ Á A A A/ Muôn lòng xao xuyến duyên đời/ Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình/ Kìa nơi xa xa có bà mẹ già/ Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương/ Á A A A/ Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A/ Chúc mẹ hiền dứt u tình/ Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương/ Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới/ Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui đợi anh về trong chén tình đầy vơi/ Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa/ Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.”

Phạm Đình Chương (1956)

(Theo Cao-Đắc Tuấn danlambaovn.blogspot.com).

Giấy khai sinh trên các trang web sites ghi 1951, rồi 1953 lung tung xà bèng mục đích để làm sáng tỏ nguyên nhân còng và mở còng! PĐC di cư vào miền Nam dĩ nhiên phải nhớ nơi chôn nhau cắt rốn “Hoài Bắc” chứ! Con Tằm ăn dâu thời nào, nhả tơ thời ấy mới là Người! Không cần “bới bèo ra bọ” tìm cái nguyên nhân mơ hồ để xuống tay…

Nội dung ca khúc có giai điệu đẹp này là một chuỗi đối tượng được tác giả nâng ly, cạn chén để chúc: “người nông phu, thương gia, công nhân, người người, binh sĩ, lính, bà mẹ già, đôi uyên ương và người nghệ sĩ.” . Một bức tranh hòa bình thật ấm cúng mà không phải những tác phẩm nào thời tiền chiến cũng chuyển tải cái “Cần lao Nhân vị” của một thời VNCH hay “Đánh đổ tư sản mại bản” của VNDCCH!

Xét để bức tử vì từ “binh sĩ – lính” miền Nam thì loại người khác trong ca khúc cũng là người của miền Nam, tức là “kẻ thù” của CS luôn. Trong đó, “thương gia” – “tư bản đỏ” cần đánh sập là chủ trương của CS sau 1975. Xét để hồi sinh vì “binh sĩ – lính” chống Pháp tức “phe ta” thì cũng còn loại “thương gia” mà CS cần xóa bỏ với khẩu hiệu “tả tả tả” theo Tàu “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, cũng là kẻ thù của CS nốt! Vậy có cần phải lấy cái lý do gà mờ “binh sĩ – lính chống Pháp” để cho ca khúc ấy được hát không? Mà dù cho lính VNCH thì họ cũng từng đổ máu cho Hoàng Sa của chung VN ta!

Trong chế độ CS, quyền được tự do sáng tác và thưởng thức của con người còn hạn chế. Nếu một tác phẩm được cưng như trứng mà trứng đó chả ai mua thì chỉ là cái trứng thối! Nhìn lại toàn cảnh VN trên muôn góc độ thì chúng ta biết thôi!

Mới ca rằng:

Hất hủi rồi lại nâng niu

Vứt đi, lụm lại lắm điều ngu si!

Tác phẩm tự có chân đi

Ngàn năm bất diệt, cho chi cũng thừa!

Liệt sĩ 6 tỉnh nắng mưa

Chết vì ai để sớm trưa ngậm hờn…

Hồn thiêng bóng quế dập dờn

Khúc nhạc nào kể nguồn cơn đâu nào?

Chống Pháp, chống Mỹ loạn trào

Còn chống Trung Quốc đứa nào viết đâu?!

Luồn kim, cái kiến gọi nhau:

Đừng luồn trôn lũ giặc Tàu hỡi… quan!

Hy vọng “Ly Rượu Mừng” sẽ được chúc rộn ràng không chỉ tới hai ngàn không trăm hai mươi. Chúng ta chúc cho nhạc sĩ PĐC nói riêng và nền Âm nhạc VN không chỉ có thêm một tuyệt tác bất hủ “Ly Rượu Mừng” mà hàng ngàn ca khúc sẽ Alive Again. Bất luận một sự thay đổi nào có lợi cho dân tộc thì dù muộn vẫn có còn hơn không./.

Tháng 1/5/2017

Ngọc Thiên Hoa

[yourchannel user=”CNN” search=”LY RƯỢU MỪNG”]

Related Articles

Back to top button