TRUYỆN NGẮN

ĐỒNG GỌI

Anh cùng mẹ và chị hai đã về tới phường Thốt Nốt, 1 trong 9 phường của quận Thốt Nốt. Không có bà nội nhắc đi, nhắc lại lúc nhỏ, anh không thể nào nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn của anh giáp thành phố Long Xuyên của An Giang về phía Bắc, giáp quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ phía Nam, giáp huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ phía Tây và giáp con sông Hậu về phía Đông.

Lâu lắm rồi, nếu hôm nay không có chuyện trầu cau cho chị hai, gia đình anh ít có dịp về thăm quê nội. Mẹ anh là người Hà Nội. Ông nội anh là người Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên cũ. Ông nội gặp bà nội ở đó. Cha anh được sinh ra trước vài năm khi huyện Thốt Nốt về lại với Cần Thơ năm 1963. Mẹ gặp cha trong những ngày còn sinh viên của trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội. Ông mất vì đột qụy khi thức trắng đêm để nghiên cứu về giống lúa mới cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chị hai anh mê nhạc và họa. Nhạc của chị toàn lúa và sông. Họa của chị toàn cánh đồng và sóng nước. Nhưng anh vốn là “nòi nào con nấy”. Anh lại mê cánh đồng. Mê từ tấm bé khi theo bà nội đi ruộng. Ở đó, anh có những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên. Những bông lúa lơ thơ đưa phấn bay lả tả trong gió đến khi bóc vỏ lúa vàng nham nhám để ra hạt gạo trắng ngà đã cuốn hút tuổi thơ anh. Không giữ được ý chí thằng con, người mẹ đành phải cho con nối nghiệp. Gia đình anh chuyển ra Hà Nội với bà ngoại khi anh học xong trung học.

Nghe tin cháu gái sắp lấy chồng, bà nội anh mừng lắm. Chồng nó ở bên kia cầu Cần Thơ. Chúng nó cùng gặp nhau ở trường Đại học Mỹ Thuật Sài Gòn. Bà ngóng trông ngày gia đình thằng Phú về chuẩn bị đám cưới cháu nội. Tiếng thằn lằn tắt lưỡi ban đêm cũng chưa nhiều bằng tiếng chắc lưỡi của bà ngóng trông dâu và cháu. Bà lấy lúa vãi ngoài sân sau cho đàn gà ăn. Tiếng chó sủa sang sảng mừng đằng trước nhà, bà chưa kịp xua chó, ba mẹ con lù lù xuất hiện trước cửa. Thảo nào ai cũng nói “trẻ nhanh hơn già.” Bà mừng quýnh quáng nhưng giọng bà oán như các bài “Tứ Oán” của ca cổ:

– Mẹ con bây đưa mấy sấp nhỏ về mà không báo trước cho mẹ biết vậy bây?

Người con dâu góa bụa dịu dàng:

– Con muốn cho mẹ mừng. Hai đứa chào bà nội đi chứ!

Mẹ chưa xong lời, chúng nó đã lao tới chiếm hai cánh tay bà nội. Bà cười sung sướng, lúng phúng chỉ mỗi câu:

– Lớn hết rồi! Lớn hết rồi!

Lúa năm nay thu hoạch được mùa, bà không thấy sung sướng bằng gặp con, gặp cháu. Cái “trọng tình hơn trọng của” của người Việt bao nay là như vậy. Tin đằng nọ thổi đằng tai chỗ kia. Chỉ một lát, căn nhà bà nội đầy đủ họ hàng. Khi quây quần vui vẻ, mọi người nhắc tới cha nó, Mạc Thiên Phong. Người mẹ nghe lòng héo úa. Bà nội đưa tay lấy khăn quàng trên cổ, chùi nước mắt. Hai đứa cháu chạnh lòng nhưng cố giữ bình tĩnh của tuổi trẻ coi như “chuyện buồn cũng đã qua rồi”!

Đêm Thốt Nốt chìm trong tiếng cười. Nhưng ai vặn máy hát phát ra rả… “… Chị hai cứ ngóng trông hoài bóng con đò xưa. Biết người xưa kia giờ sang sông. Biết người ra đi mà vẫn mong. Nhung nhớ đêm ngày, tóc chị giờ như đã phai…”. Nghe chưa dứt câu, bà nội la oai oải:

– Đứa nào mở nhạc buồn vậy bây?

– Đám cưới mà vặn nhạc buồn qúa! Vặn Hoài Linh hát “ôi drui qúa xá qùa xa” đi bây!

Chị hai của Phú không ngại. Chị cười:

– Con bé Phương Mỹ Chi hát hay qúa! Nó đang “ru lại câu hò” đó nội. Cháu không kiêng kị cái chi hết nội ơi!

– Ừ! Thời buổi tân tiến thiệt nhưng thôi đừng có vặn mấy bài ca buồn. Để đợi xong cưới hẳn hay.

– Dạ, bà!

Phú nhìn chị hai. Không biết chị hai có mối tình “vắt vai” nào để “biết người ra đi mà vẫn mong” không mà hình như chị có nỗi lòng hiện ra trong ánh mắt buồn buồn. Phú nhận ra rằng anh thương người chị “một giọt máu đào hơn ao nước lã” này kinh khủng. Lòng anh trong mùa nước nổi thật đầy những niềm riêng, chung đan chéo quặn lòng!

*

Cả xóm tụm lại căn nhà có hai chữ “VU QUY”. Bà con chộn rộn với mổ heo, làm gà. Tiếng cười nói í a, í ới rộn ràng như ngày hội. Đám cưới nhà quê như thế đó. Ai cũng xúm vào giúp nhau như thể nhà mình cưới vậy. Dù gia đình cô dâu ít khi về quê nội nhưng xa cũng như gần, dăm ba tiếng là hòa đồng cả xóm. Chị Hai Thi lại xinh đẹp như Tây Thi khiến bao chàng trai bước hụt, ngẫn ngơ. Những chuyện con gái miền Tây lấy chồng Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Hàn… không đoạn kết đẹp chẳng ai nhắc tới. Chú rễ đẹp trai không kém. Anh xuất hiện một lát như thể “bẹo hình, bẹo dạng” của các xuồng “bẹo” hàng trên các chợ nổi miền Tây rồi chạy ngược về Vĩnh Long. Đôi uyên ương này là niềm hãnh diện của xóm làng. Chúng nó có học. Nghe đâu chị Hai Thi ngày trước yêu một anh kỹ sư nông học. Chàng đi nghiên cứu sinh nước ngoài rồi không hiểu sao họ lại “đường ai nấy đi”. Chàng thanh niên chị gặp sau có gia đình y như chị. Họ đều là con gia đình gốc nông dân lẫn trí thức khiến ai cũng tự hào nên ai hơi đâu đi nhắc những chuyện không hay giữa tiệc cưới rình ranh. Một chặp, cô gái khoảng 17-18 mang một thúng bánh đi vào. Cô chào mọi người rồi xà tới chỗ nội của Phú:

– Bà nội Tám! Ba má con gởi mấy cái phu-thê này cho chị Hai Thi.

– Ba má con đâu, sao không thấy?

– Dạ! Ba má con chuẩn bị đồ đi họ mà!

– Ậy dà! Nội Tám quên phửng!

Bà nội đưa đôi mắt trìu mến khi con bé quay đi như thể giới thiệu người hàng xóm “đẹp” nhất trong lòng bà cho thằng cháu biết:

– Ngày nào đi học về hay nghỉ học, nó cũng chạy qua chơi với bà. Nó thạo việc đồng, giỏi việc học. Con không nhớ nó à?

Phú lâng lâng… Anh nhớ: Đôi mắt to thật đẹp như hai hạt nhãn hôm nay giống y chang ngày xưa con bé bé tí tẻo teo. Anh thấp thỏm muốn chạy sang nhà hàng xóm nhưng còn hơi dị. Nhân lúc mọi người xúm lại nói về chuyện “tân nương” ngày mai phải “cử” làm cái này, phải “kiêng” cái kia, Phú… đánh bài chuồn ra nhà sau xem đàn gà của nội đang ăn lúa để tiện mắt dòm qua căn nhà có vườn vú sữa tươi tốt. Đà gà hàng chục con thấy “người lạ” nhưng chẳng quan tâm mà lo giành ăn, đá nhau túi bụi. Phú chợt nghĩ tới câu “Gà nhà bôi mặt đá nhau” mà nghe lòng… chua lét! Một tiếng “quác” như bổ chửng vào người khiến anh nhảy dựng ra phía sau, mất hết hồn vía. Không tiện “vượt biên” qua vườn vú sữa, Phú trở vào trong để xem giúp gì cho chị hai và… dò hỏi bên tai nội về con bé hàng xóm “bạn ruột” của bà. Bà nội cười chúm chím:

– Con Thốt Nốt đó! Con cậu Ba đó mà. Nhìn không ra à? Phải rồi! Nó lớn phổng phao không giống như hồi con ở đây, nó như cây tre miểu.

*

Đám cưới chị hai rồi cũng qua. Thủ tục miền Tây Nam Bộ giản lược hơn phong tục cưới miền Bắc. Nó chỉ còn lễ hỏi và cưới cùng ngày. Cậu Ba hàng xóm kiếm đâu sáp ong để chế ra hai đèn cầy. Đèn cầy bằng sáp ong khó tắt khi ra gió. Đèn cháy đều trong nghi thức lên đèn bảo đảm không chồng hay vợ ăn hiếp lẫn nhau theo mê tín địa phương. Miền Tây Nam Bộ là nơi phát sinh món mắm cực ngon nhưng vào những ngày cưới, món mắm này… biến mất khỏi thực đơn vì “hàng kiêng” cùng canh chua cá lóc, rau đắng nấu canh. Nhìn cơi trầu cau của chị. Bất giác, Phú nhớ món cốm vòng và hồng của quê mẹ. Khách vui thâu đêm, suốt sáng. Hàng xóm giúp nhau thực lòng. Lòng tốt con người không có biên giới cũng chẳng có chia cách sắc tộc người Khmer hay Hoa. Những chiếc bánh ít, “phu-thê” phong tục hầu như biến mất khỏi thực đơn cưới ở đám cưới nhà hàng, nay lại xuất hiện ở đám cưới nhà quê. Thảo nào, chỉ mười năm đổ lại mà Cần Thơ gần như đổi da thay thịt ở những công trường, cây cầu Cần Thơ. Sắp tới là cầu Vàm Cống, những tuyến đường liên tỉnh, những con đường làng lát đá thẳng băng. Đô thị mọc lên, cánh đồng thu hẹp lại nhưng nó vẫn mênh mông xa tít tận chân trời.

Phú đang thả hồn mông lung thì thấy bên cạnh mình có thêm một người. Không hiểu sao, bà nội phân cặp anh cùng con bé hàng xóm bưng qủa qua nhà trai. Cô nhỏ e thẹn trong chiếc áo dài hồng tươi khiến ai nhìn cũng thương. Cô không dám nhìn Phú. Bất giác Phú kêu thầm: “Thốt Nốt?”. Xe cưới qua cầu Cần Thơ. Phú khèo cậu Ba hỏi nhỏ:

– Ngày con đi Hà Nội, chưa có cây cầu này mà cậu?

– Ấy dà! Mày lỗi thời qúa đi! Đây là cây cầu văng dài nhất Đông Nam Á đó.

Rồi cậu chép miệng:

– Nó là niềm hãnh diện của người Cần Thơ nhưng cũng là một sự cố đau buồn không may. Mày đọc báo không hay sự cố sập nhịp năm 2007 à?

– Dạ. Có nghe. Nhưng ở Mỹ Hòa của Vĩnh Long chớ không phải trong phần Cần Thơ.

– Biết vậy nhưng xót là xót xa chung. Cầu vừa khánh thành năm 2010 lại gặp nạn “cát tặc” năm 2012.

– Ở đâu mà chẳng có nấm, mối, chuột đục đẽo cuộc đời, cậu! Cầu đẹp qúa cậu Ba! Không thua gì những cây cầu văng Rạch Miếu của Tiền Giang – Bến Tre, cầu Thuận Phước – Đà Nẵng, Mỹ Thuận của Tiền Giang – Vĩnh Long, Phú Mỹ của Sài Gòn hay Cầu Bính của Hải Phòng, Bãi Cháy của Hạ Long.

– Ôi chu cha! Mày như học thuộc lòng địa lý! Giỏi! Giỏi! Người Việt Nam mà không nhớ cái tên quê hương mình khác gì người ngoại tộc! Phải! Đất nước mình đâu đâu cũng đẹp nhưng giữ gìn cái đẹp nết của người Việt mới là cái quan trọng. Làm quan phải liêm chính nè. Làm thầy phải lấy kiến thức và thực hành làm trọng chớ không phải thầy đi ô tô, đi buôn kiến thức. Làm bác sĩ phải có y đức này….

Phú mỉm cười:

– Con có… đẹp nết không cậu?

– Khi nào mày làm cho con Thốt Nốt cười, mày mới nói chuyện đó đi!

– Chao ôi! Cậu làm khó con!

– À này! Mấy chiêu vỡ lòng cậu bày cho mày dạo nọ, mày còn nhớ hòng khi có dịp sử dụng không?

– Lâu qúa không đất dụng võ nhưng con làm sao mà quên được cậu! Công nhận cậu dùng mấy chiêu này để làm “anh hùng cứu mỹ nhân” cưới mợ Ba à?

– Hùm! Mày ăn trúng giống… môn ngứa hay sao?

Hai cậu cháu cười lăn. Phú trang trải kỳ vọng của anh sẽ trở về Cần Thơ. Mười năm qua, Cần Thơ phát triển vượt bậc về mọi mặt nhất là công nghiệp hóa. Hai khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt, Ô Môn, Hưng Phú 1, 2 mọc lên. Những dự án cho công nghệ phần mềm CSP cũng hứa hẹn kỳ vọng. Những khu mua sắm sung túc vẫn là chợ cổ Cần Thơ, Metro, Vinatex, Tây Đô, Điện máy Sài Gòn- Chợ Lớn, Co-op Mart… Cần Thơ, vùng đất mới, đô thị loại 1 khiến 62 tỉnh thành còn lại nể vì . Thế nhưng Cần Thơ mà trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 theo Nghị Quyết 45 của Bộ Chính, có khối “tảng đá” cảng đường. Bởi vì rằng, Cần Thơ nói riêng cũng như 62 tỉnh thành khác nói chung, nông nghiệp chiếm hơn 2/3. Nông nghiệp lên công nghiệp như các nước tiên tiến khiến nhiều công trình đô thị trơ gan cùng tuế nguyệt và người dân kể cả gia đình liệt sĩ khiếu kiện đất đai tận Hà Nội suốt mấy chục năm trời. Đó là một bài toán mà Ngô Bảo Châu hay Vũ Hà Văn cũng…bó tay.com.

– Xuống xe, tới rồi nhen bà con!

Phú giật mình. Anh liếc ngang nhưng Thốt Nốt không dám nhìn anh một lần.

Làm lễ xong, họ nhà gái về lại để chuẩn bị tiệc chiều. Họ hát tới đêm. Những làn điệu hò Cần Thơ như hò cấy, hò mái dài, hò huê tình, hò vọng… được các bà, các cô thi nhau hò khiến cả xóm Thốt Nốt chìm vào mê cung: “Hò… ơ… Vú sữa Cần Thơ. Cá tôm Bình Thủy. Thi vị Cái Răng. Lộng lẫy Ninh Kiều. Cần Thơ đô thị miền Tây. Áo bà ba nọ ngất ngây dáng hồng. Em chèo xuồng chợ trên sông. Cần Thơ đẹp ở tấm lòng… hò… ơ… của em?”

Cho dù của để chưa dễ đầy hầu bao nhưng ai cũng có cái ăn, cái mặc. Khi cuộc sống thong thả trong chi tiêu, người ta “mở hầu bao” nối tình hàng xóm. Cũng như bây giờ, tâm hồn thấy nao nao khiến Phú ngược dòng thời gian…

*

Không biết có phải vì xưa kia, ở đây trồng nhiều Thốt Nốt hay không mà quận này mang tên một loài cây lấy đường đặc biệt. Cây giống cây dừa mà tán xum xuê giống y chang cây cọ. Ở nông thôn, người nông dân trồng chúng dọc theo bờ ruộng. Thốt Nốt cao chót vót giữa trời trong khi cánh đồng lúa mênh mông, vàng ối óng ánh phía dưới. Thời còn bé, Phú và bọn con nít rất thích leo trên Thốt Nốt để bắt chim. Ban đêm, Phú leo lên Thốt Nốt kẹp ống tre buột nylon vào cuống hoa cắt đầu cho nước chảy vào ống. Trái Thốt Nốt lớn như trái dừa. Thu nhỏ, giống y chang qủa măng cụt với màu tím rịm. Cậu Ba nói rằng: “Cây này sống hơn cả đời người đó mày! Trước đây, chúng bắt nguồn từ đất Khmer nhất là ở Thất Sơn. Nước Thốt Nốt ngọt nhất vào mùa hè. Đường Thốt Nốt bảo đảm nguyên chất bổ ích cho sức khỏe con người hơn là đường trắng kết tinh hiện nay. Muốn có 1 ký đường phải có 4-5 lít nước Thốt Nốt nên khó nhọc muôn phần, giá thành không rẻ. Dân ta thì cái gì rẻ, không cần biết xuất xứ hay thành phần gì bên trong, cứ mua, cứ tiêu thụ và cứ… bệnh viện, trạm xá, quan tài mà chui vào!”

Nghe giọng cậu Ba tếu lâm tự thất truyền, Phú cười no! Khi hái Thốt Nốt, Phú thường dành trái ngon nhất, nạo cái trắng bóc cho thêm nước dừa Thốt Nốt ngọt lịm để dành cho con bé 4-5 tuổi hay theo anh đi khắp đồng nội. Sợ lúa cắt trúng mặt con bé, Phú thường cõng Thốt Nốt vượt qua cánh đồng vào mùa lúa bắt đầu chín tới để hái Thốt Nốt. Cây Thốt Nốt của bà nội không biết đã mấy mươi năm mà chúng mọc thành hai nhánh hai cây hữu tình. Gốc là cái ghế cho hai anh em ngồi nhâm nhi dừa Thốt Nốt. Con bé ăn ngon miệng, ngẫu hứng “lý chia phần”: “Em một cây. Anh một cây“. Phú cười, gật đại.

Thốt Nốt có lắm địa danh gọi mời du khách như cù lao Tân Lộc. Đặc biệt, những làng nghề nuôi sống mấy trăm ngàn dân Thốt Nốt từ lâu như làng bánh tráng Thuận Hưng, làng lưới Thơm Rơm, làng thúng Thốt Nốt, làng hoa màu Tân Phước, làng nấu đường Thốt Nốt… Không hiểu sao, Phú lại mê vườn cò Bằng Lăng hơn cả. Muốn đi tới vườn cò Bằng Lăng, mọi người phải qua cánh đồng mênh mông lúa đang thì con gái hay đang mùa chín tới. Một lần nọ, Phú thấy cậu Ba cũng “vượt biên” băng đồng. Gặp đồng minh, anh gọi:

– Cậu Ba! Hôm nay dẫn Thốt Nốt đi đồng sớm qúa vậy? Mợ đâu?

– Ờ! Má nó đi chợ nổi Cái Răng với chị hai nó rồi. Con bé này mấy lần trước cho nó theo mày ra ruộng chơi là nó đòi đi liên tục. Không khéo sau này lại mang kiếp làm nông dân rồi!

– Nông dân thì sao cậu? Nước mình 70-60% nông dân mà.

– Hùm! Đô thị mới đang phát triển rầm rộ. Nông dân cạp đất ăn à? Lúa gạo mất giá thì dù trúng mùa, lái buôn cũng ép giá như ép chuối khô.

Rồi cậu Ba chắc lưỡi hít hà:

– Ruộng dạo này nhiều rầy nâu phá lúa qúa. Thêm ốc bươu vàng với chuột cắn nát lúa hết!

– Ruộng nhà nội con cũng vậy. Bà nội nói rằng sang năm chắc phải đổi giống gì gì đó, con không biết. Con bảo nội chờ con nghiên cứu ra giống mới rồi hẳn đổi. Nội la con “thằng bú dù, khỉ gió”!

Cậu Ba phá lên cười:

– Hà hà hà… chờ mày nghiên cứu giống lúa mới, nông dân không trúng mùa, cũng đã… trớt vớt!

– Cậu…u u.. ậu..u…!

Phú cong môi. Âm “âu” phát ra dài tới tận chân trời. Thốt Nốt giơ tay bứt một nhánh lúa. Con bé mất thăng bằng lộn đầu qua kia ruộng. Phú nhoài người tới theo bản năng, anh xốc nách con bé trước khi mặt con bé ụp xuống ruộng. Cánh tay của cậu Ba quờ chậm hơn. Con bé không khóc lấy một tiếng. Cậu Ba lắc đầu như chịu… nhường:

– Chào thua! Trẻ vẫn nhanh hơn già.

Phú cười to:

– Cậu già chỗ nào? May mà út chưa bị lúa cắt mặt đa!

– Cũng không sao. Chỉ chút là… uống nước ruộng, lúa cắt rát mặt. Tao bị bả mắng tát nước là cùng. Hà hà…

Phú nhìn cậu Ba mà thán phục cái tính hài hước bình tĩnh của ông. Cậu Ba đưa tay đón lấy Thốt Nốt:

– Mày định đi đâu, thằng Phú?

– Con đi vườn cò đây! Hay là cậu cháu mình đi chơi cho biết mùi cò.

Cậu Ba “xì” một tiếng:

– Mày làm như người ngoại tỉnh không bằng. Dân thổ địa mà mậy!

Phú cười lần nữa:

– Vậy cậu có đi không? Ra kia đón xe đi cho nhanh!

Cậu Ba không nói không rằng, cậu bồng con út cùng hướng với thằng Phú. Băng ngang hết cánh đồng lúa cũng lè lưỡi! Mấy cậu cháu lên xe theo Quốc lộ 91 qua Ô Môn tới xã Thới An. Mua hai cái vé xong, ba cậu cháu thong thả cuốc bộ vào cổng. Những người khách cũng lục tục trước sau đi vào. Vườn tre xanh mướt hiện ra. Cậu ngồi xuống. Con út nhảy lên lưng cha. Hai tay nó ôm cổ cha thật chặt. Phú chợt… chạnh lòng! Anh không bao giờ có hạnh phúc được cha cõng trên lưng như vậy. Đàn cò đảo tới, đảo lui rồi chao nghiêng. Sự nhộn nhịp hấp dẫn của thế giới cò đã lôi Phú ra khỏi tổ bùi ngùi. Chặp sau, Phú quên hết chuyện “mồ côi cha ăn cơm với cá”. Phú hít hà:

– Trời ơi! Con chưa thấy nơi nào mà cò nhiều như vầy. Đẹp qúa chừng chừng cậu Ba hả?

Quay sang Thốt Nốt, anh hỏi:

– Út đếm bao nhiêu con? Cò có màu gì?

Con bé đếm 10 ngón tay thêm 10 ngón chân rồi không biết làm sao! Nó mở to mắt nhìn Phú. Nhìn con bé say sưa giương đôi mắt to đen thui như hai hạt nhãn hướng về những sắc màu cánh cò, Phú ước gì mình có được đứa em gái. Anh vuốt mặt con bé. Nó khẽ cười. Nụ cười thật xinh giống mẹ. Hèn nào, cậu Ba không mê mẹ nó. Mợ Ba đẹp không thua gì mẹ anh. Con gái miền Tây trắng nõn nà chẳng kém gái Hà Thành.

– Hua a… ui cha cái gì vậy?

Phú nhảy dựng, đưa tay che đầu. Cậu Ba cười khùng khục:

– Cứt cò chứ gì ”hua” mày! Hà hà hà… Cho mày mượn chai nước nè. Hú hồn! Chúng không ị lên đầu! Ủa con út đâu rồi?

Thừa lúc cha không để ý, con bé lẻn sang bên kia. Nơi đó, có hai con cò mỏ vàng đang úp mõ vào nhau tâm tình. Phú bước mạnh. Tiếng động làm đôi cò bay mất. Con bé bỗng bật khóc! Phú kêu khổ thầm: “Quái! Khi nãy té gần lát mặt không chịu khóc. Bi giờ bay mất hai con cò lại mít ướt ra là sao?”

– Nín đi con! Thiếu gì cò. Nè nè nè… Coi đi!

Nhớ tới đây, Phú bất giác bật cười thành tiếng. Tiếng cười đơn độc của anh thành tiêu điểm cho họ nhà gái và bà con cười ầm. Mẹ lắc đầu mắng yêu thằng con:

– Cái thằng không chút ý tứ!

Phú gượng đỏ mặt. Anh xoay lưng về Thốt Nốt như giấu cái vô duyên của mình. Đợi Phú không để ý, Thốt Nốt lẻn vào trong. Cậu Ba ra hiệu cho Phú:

– Cười mười thang thuốc bổ. Lấy cậu ít đá, thằng phải gió!

“Thằng phải gió” vội chạy ra nhà sau. Anh bắt gặp Thốt Nốt ở đó. Chuyện cũ có dịp quay về. Phú nhìn vào đôi mắt hạt nhãn của Thốt Nốt. Anh khen thật lòng:

– Em có đôi mắt thật đẹp.

Thốt Nốt cười bẽn lẽn. Phú nắm lấy tay cô. Thốt Nốt định giựt lại nhưng không hiểu sao, cô để yên. Dì sáu hàng xóm nhìn thấy, kêu to:

– Hua a! Thằng Phú làm gì đó?

Phú nắm tay Thốt Nốt chặt hơn:

– Nắm tay Thốt Nốt chớ chưa được làm gì đâu, dì sáu!

Mọi người cười no. Câu nói này, Phú như đã công khai gỡ mối bòng bong trong lòng mình.

*

Phú xin phép cậu mợ Ba dẫn Thốt Nốt đi chơi. Anh chở Thốt Nốt đi thăm vườn cò. Đến đoạn đường 91, đang nói chuyện, bỗng Thốt Nốt thét lên. Phú nhanh chân hất chiếc xe máy và anh dừng lại. Hai thanh niên thấy Phú tay không, cũng dừng xe. Một tên chống nạnh:

– Một, đưa xe máy, đưa túi xách. Hai, ăn đòn no. Tóm lại, uống rượu mời hay rượu phạt? Mày chọn mà đi chơi với người đẹp!
Thốt Nốt bấu chặc tay Phú. Phú nói nhỏ, thật nhanh: “Em đứng sang bên để anh xử chúng nó”. Rồi anh xắn tay áo:
– Chúng mày có ngon thì lên một lượt!
Hai thằng cướp cạn nhào lên. “Bịch!” Chỉ một hai “front kick”, “jum kick” và “side kick” với mấy cú “reverve punch” từ Phú khiến hai thằng cướp cạn… ngã chõng vó. Hai mã tấu văng ra đường. Một cái văng trúng cánh tay trái của Phú. Thốt Nốt hét lên khi thấy tay Phú chảy máu. Cô lấy hết bình tĩnh, nhặt hai cái mã tấu giơ thật cao. Thấy mặt cô gái hằm hằm, tay lăm lăm hai mã tấu khiến hai tên cướp… chợn. Nháy mắt, người đi đường tiếp tay Phú khống chế hai tên chờ công an Thốt Nốt tới giải đi. Tay Phú máu chảy nhiều khiến Thốt Nốt phải chở anh tới trạm xá băng bó. Bà nội rên rĩ cùng con dâu:
– Dạo này quán xá cà phê mọc đầy khiến lũ thanh niên lêu lõng chuyển sang cướp giật kiếm sống. Chắc đây là băng cướp từ Ô Môn lên đây mà. May mà chỉ mới 2 tên, nếu đông, chắc bây không mạng mà về nhà!
Mẹ Phú lắc đầu:
– Cũng may, người dân ở đây không vô cảm như chỗ khác!
Cậu Ba nghe chuyện nhưng cậu không lộ nét lo lắng ra ngoài. Cậu bắt tay Phú:
– Mày đã có đất dụng võ rồi đó con. Khá lắm!
Không chờ tay Phú lên da non, mẹ vội vã hối Phú thu dọn đồ đạc, tạm biệt hàng xóm. Trăng sáng một góc trời. Phú chạy sang nhà cậu Ba tìm Thốt Nốt. Con bé luống cuống. Phú hát khẽ: “sáng trăng sáng cả vườn chè…”. Thốt Nốt bật cười:
– Vườn vú sữa anh à! Tay còn đau không?
– Ờ thì “sáng cả vườn vú sữa nhà em”. Hết đau rồi nhưng chắc còn sẹo.
– Mai đi hả?
– Ờ! Mai anh đi về Hà Nội với mẹ sớm. Chị hai bên nhà chồng chắc hưởng tuần trăng mật xong rồi cũng trở ra sau.
Thốt Nốt không nói gì. Cô nắm chặt vè áo vò tới vò lui.
– Hè này, em định học ở Cần Thơ hay ra Hà Nội?
– Em chưa biết!
– Học ở đâu cũng được miễn là em thích và hợp với hoàn cảnh của nhà em. Ngày trước, mẹ không cho anh đi học Nông Nghiệp nhưng anh thương cây lúa qúa. Thương bà nội, thương dân mình. Cha anh bỏ đời cũng vì cây lúa giống. Anh nghĩ, mọi người ai cũng chọn cho mình một nghề thích hợp. Chị hai anh thích Mỹ Thuật. Chị hai em thích Ngành Y. Em và anh lại chọn ngành Công nghệ Sinh học. Ngành này không dễ cũng chẳng khó miễn là mình thích. Điểm sàng 20-21. Em là học sinh giỏi nhưng lại không thuộc diện ưu tiên điểm cộng nên cũng khá vất vả. Cần gì anh giúp cứ hỏi anh nghen út?
– Em biết mà!
Phú đổi giọng như Trọng Thủy rên rỉ cùng Mỹ Châu:
– Khi về đây không có em. Muốn kiếm thì kiếm em ở đâu?
Thốt Nốt nửa đùa, nửa thật:
– Chỗ đồng em té hay ở vườn cò!
– Ôi trời! Ý anh nói là ở trường đại học nào cơ!
Phú rên trong lòng. Ngày mẹ con Phú ra Hà Nội, Thốt Nốt nép mình bên cây vú sữa nhìn theo. Phú chạnh lòng. Anh bấm máy nhắn tin liên tục.
*
Thốt Nốt chọn ở lại Đại học Nông Nghiệp Cần Thơ. Mỗi năm đến hè, Phú lại phải từ Hà Nội nói thăm bà nội, mượn cớ thăm đồng, thăm cò để gặp Thốt Nốt. Ác nỗi, bạn của mẹ Phú bỗng đâu xuất hiện. Bà “đánh tiếng” cho anh một cô gái. Mẹ anh và bà ngoại hình như chịu cô gái này lắm. Cô ta từng ở Cần Thơ, từng học chung lớp với Phú. Gia đình họ ngoại cũng ở Hà Nội. Riêng Phú, anh biết rõ lòng mình đã gởi về đâu nên anh dửng dừng dưng. Anh trả lời anh đã có người yêu nhưng cô bạn cũ thẳng thừng bảo cô không ngại vì “xa mặt cách lòng”. Cô Lan quây lấy của anh đến nỗi anh không còn cách nào liên lạc với Thốt Nốt. Phú không phản đối quyết liệt vì sợ mẹ và bà ngoại buồn lòng. Anh không muốn Thốt Nốt hiểu lầm anh nhưng… “Muốn người ta không biết thì đừng làm”. Lan về Cần Thơ thăm nhà nhưng chủ yếu tìm đến Thốt Nốt để khẳng định, Phú đã… có chủ!
“Vậy là Phú có người yêu“. Thốt Nốt không thật tin như thế nhưng lòng cô cảm thấy hụt hẩng. Cô không chút biểu hiện nỗi đau buồn ra mặt như hồi cô té sấp trên ruộng. Lòng cô nát tan. Cô từng khóc vì đôi cò ở Bằng Lăng nhưng sao bây giờ không nhỏ ra nổi một giọt nước mắt? Cô ta xinh đẹp. Con nhà đại gia nữa. Thảo nào Phú ít nhắn tin cho Thốt Nốt. Thốt Nốt quyết định chìm vào học hành để quên lãng…
Thốt Nốt ngồi trên bờ ruộng. Vụ lúa Thu-Đông đã vào mùa thu hoạch.
“Anh sẽ cùng em ra đồng thăm lúa. Giống lúa Cần Thơ 3 của chúng mình sẽ sống vượt lên trên cỏ dại, rầy nâu, sâu bọ. Người dân ta sẽ ăn được những hạt cơm vừa thơm, vừa dẻo. Năng suất lúa nhất định không dừng lại con số 9 tấn/ha…”. Thốt Nốt nghe mắt cay cay. “Anh sẽ đợi em học xong. Anh sẽ về Cần Thơ quê nội của anh và của em. Anh muốn cùng em ở đây chung tay đồng ruộng. Chúng ta không chỉ tái tạo giống mới cho lúa mà em còn phải cho anh… giống mới lai hai họ Mạc – Nguyễn…”.
Đôi cò trắng chao cánh về phía Thốt Nốt. Bất giác, cô khóc thành tiếng. Cô gọi tên anh trong đắng lòng. Cô gục đầu trong đôi tay lạnh giá.
Phú đến từ sau lưng cô, đau nhói. Anh đứng một chập rồi ngồi xuống bên cạnh Thốt Nốt. Nghe tiếng động nhưng Thốt Nốt không ngẩng đầu lên. Cả hai im lặng đến nỗi chỉ còn nghe tiếng gió lướt qua cánh đồng.
– Anh xin lỗi! Thốt Nốt! Thốt Nốt à! Nghe anh giải thích!
Cô hất bàn tay anh ra. Cô mượn sự im lặng để nghe lòng phán quyết. Phú kiên nhẫn:
– Anh đã giải quyết mọi chuyện rồi. Có phải Lan chọc em và anh Hải nói gì với em?
Thốt Nốt lắc đầu.
*
Hôm sau, Phú ra cây Thốt Nốt có chảng hai ngồi một mình. Anh bực thằng Hải làm hư chuyện anh. Từ lâu không liên lạc với Hải. Ngày còn mài đủng quần ở trường, bộ ba Phú, Hải và Lan cùng là cán bộ lớp. Hải học giỏi lắm. Ước mơ của nó vượt qua cây lúa bay tới tận trời tây. Cái gì nó cũng được nhưng cái tính hay lấy cái xấu, cái tiêu cực làm đề tài để phủ nhận sạch bách những thành qủa khiến ai tiếp xúc với nó cũng chợn. Hai đứa học cùng trường, chung lớp nhưng không cùng lý tưởng. Khi Phú quyết định chọn ngành nông nghiệp, Hải trợn mắt:
– Hết ngành rồi hả mậy? Cây lúa có gì danh giá chứ? Thi cái ngành nào điểm cao cao chút nhưng ngày y, dược, kế toán, tài chính hai lăm, hăm bảy trở lên cho nó oai. Nông nghiệp cao lắm không qua con 21. Mày uống lộn thuốc chắc?
Phú muốn “đấm” cho nó một đấm. Hải học giỏi nên thi đâu đậy đó cộng thêm vào nhà giàu. Ba má nó làm quan to chẳng lo tiền bạc nên khi học xong Ngành Y, nó có ngay cái vé du học sinh ở Mỹ. Trong khi đó, khối đứa bạn rụng đại học đăng ký hầu hết vào xuất cảng lao động chứ nhất định không chịu thi vào Ngành Nông Nghiệp. Bây giờ, bạn bè tứ tán. Mỗi lần phượng nở, không là con gái nhưng Phú cứ nghe lòng lâng lâng. Thì cứ cho là mỗi đứa một chí và giá như có dịp gặp lại, tình bạn 12 năm phổ thông vẫn còn là mối dây hay dù cho chỉ là “cầu khỉ” chẳng hạn. Phú ngày đêm mê với những công nghệ sinh học xanh và trắng áp dụng cho nông nghiệp. Những cái tên enzyme, gene và quy trình nghiên cứu để tránh ô nhiễm môi trường và các biện pháp chống sâu bệnh cho lúa khiến anh mê say. Người “tổ sư thầy” mà anh ngưỡng mộ là nhà nông học Lương Định Của. Những giống lúa lai nổi tiếng một thời như giống NN8-388 hay giống NN75, hoặc giống Nông nghiệp 1. Các giống lai Nhật này đến nay đã ít phổ biến vì chịu hạn kém và bị rầy bám lá nặng. Phú nhớ bà nội thường nhắc tới giống Thần Nông 8, 732 một thời làm mưa làm gió cho ngành nông thập niên 70-80 “thời bao cấp, đất nông nghiệp giao trắng cho hợp tác xã nên sản lượng lúa thấp lè tè vì “cha chung không ai khóc”. Khi đất giao cho nông dân thực hiện chính sách “xưa như trái đất” là “người cày có ruộng”, năng suất các giống lúa trên mới tăng cao.” Phú hiểu vì sao nông dân sống hết mình với đồng ruộng. Hồi xưa, “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là cả một “gia tài của mẹ để lại cho con”. Thế giới tân tiến. Đồng áng được cải thiện. Chiếc máy cày thay con trâu. Máy gieo, máy sạ giống thay cho đôi tay cấy gặt của người nông dân. Thế mà vẫn nhớ sao mùa thi cấy trên đồng của các cô thợ cấy! Bỗng “đùng” một cái, thằng bác sĩ chết tiệt, mắc toi kia về thăm quê gặp Lan chi rồi lắm chuyện ra…
Cậu Ba đứng sau lưng hồi nào:
– Cái thằng này thiếu sự cảnh giác qúa!
Phú cười buồn:
– Con có cái gì mà cảnh giác với không, cậu?
– Suy nghĩ gì nữa? Sang năm có về đây làm cán bộ nhớ đừng nhúng tay chàm đa!
– ??!
– Nhìn cậu làm gì? Khi còn tay trần, mình trụi, ai cũng chân chất, lương thiện. Vậy mà mới có chút “khạc ra gió, ho ra sấm“, không biển thủ cũng lủ khủ tiêu cực.
– Ở đâu, tiêu cực chả có cậu. Không nhiều thì ít mà.
– Ừa! Chỉ riêng chỗ mình cũng khối chuyện tham. Ngành nông thì công ty TNHH mọc như nấm lường gạt nông dân như vụ mua cá của công ty An Khang. Nông dân bị nông trường chiếm đất. Cán bộ phòng chống tham nhũng lại là người tham nhũng và gian lận bằng cấp. Cả vụ “ăn trên xương máu” tiền tài trợ cho các hộ nghèo ở Ô Môn. Mày không biết chứ ngay cả Bệnh viện Tây Đô cũng “đắp chiếu” hơn 300 trăm tỷ đồng vì tranh chấp hơn thua.
– Con đọc tin rồi. Đã giải quyết đâu đấy như vụ Trung tâm Thương mại Cái Khế ấy mà. Hàng loạt giám đốc, chủ tịch huyện, tỉnh gì cũng bị kỷ luật hết trọi.
– Ừa. Công ty Đăng Kiểm cũng lùm xùmg tiền bạc. Mọc lên công trình nào là lao chao công trình đó. Ngay cả công trình Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc cũng bao tiếng xùm! Chậc! Sống thanh bạch cũng khó thiệt đó mày!
– Cậu à! Xưa nay không phải cái nào cũng có cái giá của nó à? Những công trình mà lợi nhiều hơn hại thì phải hai tay “vỗ cho thật đều, vỗ cho thật to” à?
– Thằng nỡm! Chữ với nghĩa! Mà mày định về đây thiệt à?
– Dà!
– Ừa! Về cho bà con nông dân nhờ. Xã mình có mấy trăm ngàn so với gần 2 triệu dân Cần Thơ thì chưa bao nhiêu. Ruộng đồng cũng bạt ngàn dù đã mất đi không biết là bao! Cánh đồng vẫn sống, vẫn xanh chớ chưa phải là “cánh đồng bất tận” của sự nghèo đói chết chóc Cà Mau! Cái đất mình vậy mà đã mười năm rồi đó.
– Lâu rồi chớ cậu?
– Cái thằng! Mày giỏi sinh học chớ không giỏi lịch sử. Người Việt không biết sử Việt. Người Cần Thơ mà không biết lịch sử Cần Thơ coi như “người cõi trên” mẹ rồi!
Phú bật cười. Cậu Ba say sưa:
– Mày có nghe tới Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ không hả? Đửng có nói mày không mang dòng họ Mạc nghen con?
– Dạ. Tổ tiên nhà con là họ Mạc.
– Á! Tao phát hiện ra chất “giang hồ” của mày!
– Mô Phật! Gì lạ vậy cậu Ba?
– Nội tổ nhà mày chắc là Mạc Cửu rồi. Ông ta coi như tỵ nạn “chính trị” nhà Thanh. Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá do ông giành lấy từ Chân Lạp rồi dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Thế kỷ 17, vùng đất Cần Thơ này gọi là Trấn Giang. Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu dâng 4 vùng đất Trấn Giang, Trấn Di, Long Xuyên và Kiên Giang cho nhà Nguyễn Phúc Chú. Mày có thể là từ dòng Mạc Tử Dung, Mạc Tử Hoàng hay là Mạc Tử Sanh hoặc là cháu ngoại?
– Thôi đi cậu! Có thể, hay là, hoặc là… nhiều giả thuyết không đủ chứng minh cho một huyết thống.
– Ờ. Nhưng chắc chắn dòng họ Mạc đã góp phần mở mang lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn Nam tiến.
Phú lắc đầu:
– Được cái công này, mất cái đức kia.
Cậu Ba xua tay:
– Thôi không nói chuyện dây cà dây muống nữa. Tuổi trẻ mấy đứa bây thiệt là đáng gờm!
Rồi cậu nói nhỏ:
– Thốt Nốt và mày sao rồi?
Phú trầm ngâm:
– Giận con về chuyện cô Lan.
– Tao không bênh con nhưng mày sống với nó thời nhỏ ít nhất cũng mười mấy năm. Mày ra đó làm ba cái chuyện lăng nhăng biểu sao nó không giận. Cậu Ba tin mày nhưng phải để trái tim và cái đầu con Thốt Nốt tin mày mới đặng a!
Phú rên:
– Con thật không biết phân bua thế nào?
– Kệ mày nhen. Thôi tao đi à.
Cậu Ba phủ đít đứng dậy. Gió thổi một hơi khiến cậu liểng xiểng giữa đồng. Lúa gợn sóng từng lớp này tới lớp khác như rợp vào lòng Phú lăn tăn bao nỗi…
*
Phú thả bộ trên con đường mới toàn dừa là dừa. Nghe nói Hội Nông Dân thành phố hổ trợ kinh phí mua dừa giống trải hai bên đường như phụ họa vào phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Phú ước chi thay dừa bằng Thốt Nốt. Cái tên Thốt Nốt là người hay quận hoặc xã cũng ăn sâu vào máu của Phú. Mùa hè tới, Cần Thơ sẽ có thêm một cán bộ Tiến sĩ Nông học từ Hà Nội trở về. Mùa hè tới nữa, cô Thạc sĩ Nông học sẽ ra Hà Nội bảo vệ luận án tiến sĩ. Tạm biệt Cần Thơ, thành phố kết nghĩa với Phnom Penh của Campuchia, Sán Đầu của Trung Quốc và Nice của Pháp.
Cánh đồng Cần Thơ xanh mênh mông và vàng óng khi tới mùa. “Ba tăng, ba giảm” và “một phải và năm giảm” vẫn là đề tài cho bất cứ người nông dân và kỹ sư tham luận. Thốt Nốt vào vụ đông – xuân. Ở đó có tiếng gọi tình yêu. Tiếng gọi đồng./.

Tháng 10/25/2013.
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button