CHUYỆN TẢNG ĐÁ HÌNH NGƯỜI
Có một anh làm rẫy hiền lành, siêng năng tên là Mắm sống cùng cha già tên Muối trong một thôn làng dưới chân ngọn núi. Bọn công tử nhà giàu đi săn hay qua rẫy khoai lang của anh. Họ thấy anh cứ hì hục cuốc đất nên bực mắt lắm. Chúng tưởng anh là khùng nên chọc ghẹo, ném đất đá vào người anh. Anh nhẫn nhịn tháng này qua tháng khác. Cho đến một ngày nọ, bọn công tử phá mãi mà không thấy anh trả lời, chúng tức quá mới quay ra mắng nhiếc người cha già của anh ở nhà và hát:
– Thằng khùng Mắm là con nhà thằng Muối. Thằng Muối thằng Mắm cuốc đất lắm nên ở truồng…
Anh nghe cơn tưng tức trong lòng đang trào lên không còn chỗ nhịn khi nghe bọn nó chửi cha mình. “Nhịn mãi có mà nhục với chúng ư?. Anh dừng cuốc, dựa lưng vào phiến đá hình người bên suối gần rẫy để nghỉ lấy hơi và dự tính sẽ tới nhà thằng nào đập trước. “Ta sẽ dạy chúng mày một bài học cho biết tay!”. Tiếng chim hót véo von… Gió chiều thổi hiu hiu… Tiếng suối róc rách chảy miên man… Anh nghe lòng mình nhẹ hẩng…
– Nhà ngươi đang dự tính một chuyện xấu có phải không?
Một ông lão xuất hiện. Ông vừa vuốt râu, vừa hỏi. “Không có”. “Nhà ngươi đừng dối. Ánh mắt ngươi long lên đầy sát khí. Tay ngươi nắm chặc cái cuốc nhưng không phải để cuốc đất trồng khoai lang”.
Anh làm rẫy kinh hoảng:
– Ông là ai?
– Ta là ai không quan trọng. Cái quan trọng là nhà ngươi sắp gây tai họa.
– Kẻ gây ra họa không phải là tôi!
– Nhà ngươi hãy nghe ta kể một câu chuyện nhé: “Chuyện tản đá hình người”:
Ngày xưa, có anh học trò trước khi hạ sơn, sư phụ dặn dò: “Con bản chất hiền lương, tâm địa chân chất tất sẽ không sa vào tham lam nhưng con đang tuổi trẻ nông nổi, khó lòng thoát khỏi sự sân si cuộc đời. Hãy nghe lời dạy của sư phụ: Học chữ ‘Nhịn’ thì điều dữ hóa lành, vạ hung hóa kiết. Nếu con trái lời, sư phụ sẽ phạt con cả đời quay lưng vào vách mà hối cải cho đến khi con cảm hóa được một người khác làm điều tốt”.
Anh học trò vâng dạ rồi từ biệt thầy.
Huyện nọ xảy ra những vụ án trộm cướp, tham của công, giết người tàn ác khó xử. Quan huyện trẻ được lệnh nhà vua đến để thụ lý. Vị Tân quan hết lòng ra sức điều tra, thu thập chứng cớ để truy bắt tội phạm. Nghiệt thay! Tội phạm lại là những kẻ ban ngày rất được lòng dân nhưng đêm lại bịt mặt gây tội ác. Thế là Tân quan bị dân la ó, phản đối, sỉ nhục. Tân quan nhất định chiếu theo luật mà xử. Sau khi các tội phạm nhẹ thì bị tù, nặng thì bị chém, Tân quân mang tiếng là “ác quan”. Ông đi đến đâu cũng bị gia đình các tội phạm rủa xả, xúc phạm và dân chúng oán hận. Tân quan vẫn không phản ứng gì. Các thơ lại, nha môn trong phủ đều bất bình mà rằng:
– Nếu đại nhân không mau mau xử lý, e rằng lũ người không biết phải quấy kia càng ngày càng lấn ép đại nhân.
Tân quan ôn tồn cắt nghĩa:
– Các ngươi biết một mà không biết hai. Ta đây phụng mệnh triều đình thi hành công vụ, có lý nào vì chuyện bất bình riêng tư mà làm hư chuyện đại sự. Nếu họ phạm tội thì ta sẽ bắt theo luật. Họ vì con cái, thân nhân, gia quyến bị tội hình mà bức xúc nên thốt ra những lời phi nhân thì cũng là “nhân chi thường tình”. Những chúng dân lương thiện, nhân chuyện ta đây chém đầu những kẻ họ tưởng là tốt mà bất bình thì cũng chẳng chi trái khuấy. Những kẻ này tính khí nóng nảy nhưng lòng dạ khẳng khái. Họ chỉ vì hiểu sai ta nhất thời nên hồ đồ nhưng so với những kẻ đứng ngoài cục diện nghe họ chửi ta mà mừng vui, lấy sự ta bị nhiếc mắng làm sung sướng thì khác nhau xa lắm. Ta lấy nhân tâm mà đối với ác tâm. Cái ô sa này của ta không vì những người bộc trực này hay vì những kẻ xu thế kia mà rớt nhưng nó sẽ rơi nếu như ta trừng trị tham quan mà bọn ấy là quan nha.
Cả bọn nghe ra, lấy làm phải. Tân quan trở lên núi thăm sư phụ:
– Con đã làm đúng lời sư phụ dạy.
Sư phụ anh mỉm cười:
– Con đã bước đầu học được cách tiêu trừ chữ “Sân”. Thử thách con người như thế cũng chưa gọi là đủ. Con “nhịn” vì con làm quan. Nếu con không làm quan mà con “nhịn” được mới là “thành nhân chi mỹ”.
– Đệ tử u tối không hiểu ý sư phụ?
– Rồi con sẽ tự thông.
Đúng như Tân quan liệu đoán. Nhân xử bọn tham quan ô lại trong huyện mà ông rớt mũ ô sa. Ông về núi ẩn cư cùng sư phụ. Ngày ngày, ông xuống núi bán củi. Lương dân thì xót xa nhưng kẻ xấu thì cười cợt. Chúng sỉ nhục thân phận của ông. Ông nhẫn nhịn. Đến khi, chúng réo tên sư phụ ông ra mà xúc phạm thì ông không dằn được nữa, bao nhiêu dằn nén bấy lâu dồn lên đầu. Ông vung chiếc búa:
– Ta làm quan không hại một ai. Chỉ tại con cháu các ngươi tri pháp, phạm pháp nên ta mới xử theo luật. Nay ta bị lột mũ quan cũng vì chuyện trừ gian diệt ác. Ta làm quan vì chuyện công tư nghiêm minh mà chịu nhục đến cả sư môn thì hỏi còn gì là công đạo? Ai làm nấy chịu, sư phụ ta không dính líu vào chuyện này, các ngươi dám xúc phạm đến thì đừng trách ta “hạ thủ bất quờn”.
Kết quả: Ông đã chém trọng thương những kẻ xấu đó bằng võ công mà ông đã học bấy lâu nay mới có dịp thi triển. Vị sư phụ không cản kịp. Ông đau xót nhìn học trò:
– Con đã làm đúng lương tâm nhưng con đã vi phạm giới luật sư phụ đã giao ước trước khi ta cho con hạ sơn. Người ta chửi con, mắng nhiếc sư phụ vài câu nhưng con thì chém họ gần chết. Lấy lẽ luận lẽ, con đúng nhưng lấy tội luận tội, con là kẻ có tội vì biết phạm tội là tội mà vẫn phạm. Bấy giờ đây, con đã hiểu “nếu con không làm quan mà con nhịn được mới là ‘thành nhân chi mỹ’ chưa?”.
– Đệ tử không thể để người ta xúc phạm sư phụ. Con không thể nhịn mãi để trở thành kẻ hèn.
– Nhịn giặc ngoài mới hèn còn như nhịn người bần dân trong nước thì không hèn. “Đạo bất đồng, bất tường duy minh”. Phật Thích Ca vì sao mà thành chánh quả con có biết không? Lòng tà không quấy nhiễu được ngài. Tâm ma chẳng thể vấn vương được ngài. Trước khi con bị triều đình bắt quy án, sư phụ chỉ có thể làm cho con không lọt vào tay họ. Làm người chẳng gì hay ho thì làm đá. Đó là cách duy nhất cho con giữ được thanh danh. Con hãy học chữ “Nhịn” thêm trăm năm nữa cho tiêu trừ lòng sân si để hồn phách được tan biến vào khói sương.
Tảng đá hình người xuất hiện từ đó bên dòng suối hiền dịu này.
Sau khi kể xong, ông lão vuốt râu:
– Vậy nhà ngươi có muốn đi trả thù nữa không? Thời gian trả thù bằng đủ cho ngươi trồng một luống khoai lang. Ta đi đây!
– Khoan đã!
Anh làm rẫy ú ớ… giật mình tỉnh giấc. Trong tay, cây cuốc vẫn còn cầm chặc. Tảng đá hình người lạnh ngắt sau lưng anh. Anh thẩn thờ một hồi rồi cầm cây cuốc vung lên…
Mấy tháng sau, ruộng lúa mất mùa, dân tình đói khổ. Rẫy khoai của anh xanh um đến ngày thu hoạch. Mùi khoai nướng thơm phưng phứt khắp làng. Khoai lang của anh đã trở thành thức ăn cứu đói nhất thời cho người nghèo khó trong đó có những kẻ từng chê bai, phỉ báng anh.
Anh đặt dĩa khoai lang nướng trước tảng đá và khấu đầu: “Cám ơn lão bá! Cầu cho linh hồn ông tiêu diêu cực lạc”.
Bên bờ suối, tảng đá hình người rung rinh rồi… biến mất. Nó đã tan vào khói sương khi làm xong một điều phân biệt thiện ác.
Anh nhìn lên trời. Trong làn mây trắng mênh mông như có ông già vuốt râu mỉm cười: “Thời gian trả thù bằng đủ cho ngươi trồng một luống khoai lang. Hãy nhớ nhé!”./.
Tháng 05/18/08
Ngọc Thiên Hoa