TRUYỆN NGẮN

ĐIỂM TỰA

Truyện ngắn Điểm tựaMẹ cho Trâu thấy tờ hai đô năm 1978 mà mẹ đã kiếm được từ cái ngày đầu tiên mẹ đặt chân đến đất Mỹ năm 2000 theo diện ODP. Những ngày đầu tiên thật ý nghĩa. Mẹ theo cha đi lau cửa kính cho người ta và người đàn bà tốt bụng đã dấm dúi cho mẹ hai đồng bạc đó. Mẹ dặn Trâu – đứa con gái mới mười bảy tuổi:

– Đồng tiền là mạch máu nhưng nếu con để máu ngược hồn tim thì coi như con trở thành nô lệ cho nó đấy. Khi nào muốn làm việc gì thì hãy nhớ đến tờ hai đô này của mẹ.

Trâu chẳng hiểu điều mẹ nói là có ý gì. Lời nói của mẹ theo thời gian chìm vào biển mặn để có một ngày nó trở thành vô giá. Trâu vừa đi học vừa đi làm. Cô vào làm công cho một hãng điện thoại. Lương rẻ mạt như bèo cho heo ăn nhưng Trâu không hề chán nản. Tiền đâu phải từ trên trời rơi xuống như lá rụng mùa thu mà tha hồ nhặt! Tan giờ, Trâu đi cất đồ chuẩn bị ra về thì nghe tiếng gọi. Trâu dừng lại và bắt gặp thằng phụ trách kỹ thuật của hãng đang chờ cô. Nó theo cô cả tháng nay rồi đấy mà.

– Tôi đưa cô về được chớ?

– Dạ không.

Trâu cười nhưng bụng chửi thầm: ”Đồ thả dê lộn chuồng”.

– Tiếc nhỉ. Trái tim cô bằng đá chắc?

– Thưa ông. Tim tôi có thể bằng đá nhưng lửa ông chưa đủ để đá chảy thành nước.

Thằng xếp cười một tràng rồi hất hàm:

– Không muốn tăng lương sao?

– Muốn chớ nhưng tôi chưa đủ năm tháng và thực chất để được tăng.

– Tôi có thể đề nghị lên sếp lớn tăng cho cô.

– Bằng cách nào?

– Đi với tôi một đêm.

Trâu nhếch mép. ”Mày là thằng đàn ông trơ trẽn mà tao chưa bao giờ thấy trong đời”. Thay vì… quẳng chiếc giày vào mồm nó, Trâu quay người đi thật lẹ ra xe. Cô mở máy, bật số de, lùi cái xẹt và cho số tới, dong. Thằng xếp phụ trách kỹ thuật trơ mặt, tức điên.

Trâu không nói chuyện cô đi làm bị khuấy rối cho mẹ nghe. Mẹ mà hay thế nào mẹ cũng chẳng để yên. Con bé mười bảy ngốc nghếch năm nào trở thành cô gái hai mươi hai. Ngần tuổi ấy, cô có thể tự biết và tự quyết định lấy những điều mà lứa tuổi cô cho phép. Thời buổi hiện đại, con người không thể nào cứ lấy cái lố bịch của sự ngây thơ bệnh hoạn để cho người ta thương hại.

Sáng nay, cô nhận trong tay tờ giấy buộc thôi việc. ”Layoff” đó thôi. Cả hãng chẳng hay biết gì ngoại trừ bà Nancy. Bà chứng kiến hàng ngày cảnh Trâu cứ bị thằng phụ trách kỹ thuật gọi lên văn phòng. Bà bắt tay từ giã Trâu trong rưng rưng:

– Buffalo! (con trâu nước). Tội nghiệp cho cô. Thằng kỹ sư ấy thiệt đáng ghét! Nó không phải đàn ông thực sự.

– Cám ơn bà. Con sẽ tìm job khác. Có loại đàn ông không thể là đàn ông thực sự thì cũng có hạng đàn bà thực sự là đàn bà. Con sẽ không sao.

– Chúc may mắn đến cho cô.

Trâu cười. Người tốt trên thế giới này đâu đến nổi chết hết. Trâu về nhà sớm, bụng buồn chút chút nhưng cô thở phào trút được cái nợ đeo dai dẳng cả tháng nay. Không có gì sung sướng bằng rũ được nợ nần. Thế nhưng, con người ai không một lần mắc nợ! Mẹ hỏi chuyện. Trâu bảo cô không thích làm ở chỗ ấy. Mẹ thở dài. Hình như bà cũng đoán được ít nhiều lý do trong ruột cô con gái ương ngạnh mà hiếu thảo, chơn chất này. Con bà không thuộc loại đứng núi này trông núi nọ. Khi nó không làm một chỗ nào thì phải có lý do chính đáng.

– A !

Bà chợt nhớ cô con gái năm nay đã hai mươi hai. Hai mươi hai năm cách đây về trước… Bà gặp một người đàn ông – một người đàn ông thực sự. Ông ta không… tàng tàng tốt bụng như anh Tràng trong ”Vợ nhặt” của Kim Lân cũng chẳng phải là người đàn ông mắc chứng bệnh ”vợ nhặt, vợ thảy” mắng nhiếc vợ con trong ”Dòng sông tật nguyền” của Phạm Thanh Khương hay người đàn ông chơi đĩ trả tiền sòng phẳng đến lộn mửa trong ”Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Ông không nhặt bà như người đi câu bạ đâu câu đấy. Vợ chứ phải bèo hoa dâu hay cá đâu mà muốn câu thì câu muốn vớt thì vớt! Ông đã vá dùm bà chiếc xe đạp xẹp lốp. Ông vẫn lấy tiền bà bình thường như khách qua đường nhưng ông lại chuyển tiền ông kiếm được cho một người ăn xin qua lại cái quán vá xe đạp nghèo nàn của ông. Hình ảnh ấy đã làm bà chạnh lòng. Những ngày tiếp theo, bà vẫn ghé ngang cái quán ọp ẹp ấy để bơm xe đạp. Một lần, ông mới mở cửa quán thì thằng bé hàng xóm hớt hơ, hớt hải chạy ra báo tin mẹ ông đang ngất xỉu. Ông dùa hết đồ nghề, xăng dầu… bương bã chạy tới chiếc xe đạp cũ kỹ rồi cắm đầu đạp thục mạng. Ngày ấy, bà đi bỏ xì dầu muộn vì mắc… coi quán cho ông. Cuối cùng, mẹ ông được cứu. Tuổi già hay trở chứng với những cơn ngất do cao huyết áp là chuyện thường nhưng rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời. Qua cơn nguy, hai mẹ con ông lại sống với nhau trong những ngày chưa bao giờ biết nghèo khổ hay giàu sang. Lòng hiếu thảo của ông làm cho bà xốn xang…

– Sao không kiếm cái nghề nào khá hơn?

Ông cười như chưa bao giờ biết cười:

– Nghề này không khá hơn thì ai vá xe cho người ta đi làm đúng giờ, đi chợ đúng buổi! Vậy thì nghề nào khá nói thử nghe coi? Bộ nghề này không có ai thèm lấy chắc?

Bà… ngọng nghịu…

Hai năm sau, bà thay cái xe đạp cũ bằng chiếc xe cối 50 còn ông vẫn cái quán ấy nhưng nó đổi bảng hiệu từ ”Vá xe đạp Khang” lên… ”Honda Khang”. Coi như cuộc đời ông đã ”khang” lên từ khi có… bà! Nghề nào khá hơn nghề nào đến hôm nay, bà vẫn chưa giải đáp được cho ông nhưng câu hỏi ”không ai thèm lấy” thì bà giải toán cho ông bằng một cái đám cưới giản dị và con Trâu ra đời. Một đứa thôi. Không hơn.

– Mẹ à! Mẹ.

-!!!

– Mẹ nghĩ gì nữa đây?

– Không nghĩ gì hết. Con gái lớn tồng ngồng nghĩ hết cho mẹ rồi.

Bà dạy con những gì nên theo và điều gì tránh xa. Bà không bao giờ cho con lên mạng một mình dù chỉ là… để học. Biết đâu đấy, vô tình sẽ có những hình ảnh ”không ra giống người” chình ình nằm lăn đùng ăn vạ giữa máy. Nhưng con bé nhà bà khá dễ dạy. Nó chịu khó ngồi đọc hàng giờ mục khoa học mà không chán. Nó bảo mẹ là nó phải đọc thật nhiều để sau này không hỏi mẹ tùm lum những thuốc men và biết cách nuôi dạy con cái. Sức sống của cô con gái bà như con trâu nước quậy trong bùn mà mạnh mẽ làm sao! Khí chất làm sao! Bà cảm thấy bà có phước.

– Mẹ à!

– Gì vậy trời? Đấm lưng hay nhổ tóc ngứa thì… go ahead!

– Tối đấm cho mà! Con nói con đi làm. Mẹ đọc mớ này dùm con coi con có bị… accident ngữ pháp không? Lâu rồi, con cũng quên. Mà chắc gì mẹ còn nhớ đây ha?

– Đừng khích tướng cô nương! Tui thừa biết cô muốn tui làm gì rồi! Giả đò dụ mẹ. Hừm! Mẹ đẻ ra mày đấy!

– Híc!!!!

Trâu bị mẹ lật tẩy. Cô cười ngặt nghẹo. Tiếng cười nhỏ dần theo chân Trâu leo lên xe, mất hẳn. Ba Trâu về – người đàn ông thực sự vá xe đạp hai mươi hai năm trước của bà đang bước lên lầu kiếm vợ. Ông bước thật nhẹ nhàng như đang đi trên mây.

– Sao về sớm thế?

– Ông chủ báo đóng cửa đi ăn đám cưới.

– Đọc cái này cho con dùm đi.

– Thôi bà đọc cho nó đi mà. Cho tui nghỉ xả hơi mai làm bù. Dạo này không hiểu sao bài vở người ta gởi đến cứ phải mất thời gian kiểm từ ngữ, câu kéo chưa nói nội dung không rõ họ viết cái gì nữa. Đọc mệt người còn con mắt muốn lòi tròng.

– Hùm! Sửa xe thăng quan lên… sửa bài. Vinh dự thế mà làm dóc!

– Vinh dự cóc khô. Bà tưởng tui chỉ có nghề vá xe thôi ư? Vá xe là vá cho đời chạy trơn đó bà. Nó viết cái gì thế?

– Tùm lum.

– Có sai ngữ pháp không?

– Không. Những liên từ ”và” ”nhưng”, nó sử dụng rất đúng. Trước và sau chúng không bao giờ có dấu phẩy cả. Ví dụ nó viết: ”Những đứa con nít thường hay thích người lớn thương yêu, dỗ dành và chìu chuộng” chớ không phải ”dỗ dành, và chìu chuộng”.

– Thì phải. Con bé này bỏ hãng chắc vì chữ ”nhưng” đấy. Nó thích làm bác sĩ mà lại thích viết lách, được lắm. Để tui cày bừa vài năm nữa cho con có đồng xu rủng rỉng đi học với bạn bè. Nó con gái đó. Má mày để mắt tới con nhiều nhiều một chút.

– Khỏi lo. Nó tự lo bản thân nó mà tui thấy còn hơn ông lo cho tui nữa.

– Bà cứ… Nè thấy gì chưa? Thuốc trị nhức mỏi cho bà nè.

– !!?

– Thì chờ… năm mười năm nữa thế nào bà cũng trở chứng đau nhức. Đến chừng đó, không có tui thì bà cũng có thuốc uống cho ấm mỏ ác.

– Trời! Chưa già đã lão. Thuốc nhức mỏi mà công dụng ấm mỏ ác? Hay gớm!

– Hì hì…

*

Trâu đến chỗ làm part time job. Công việc chạy bàn nhàn hạ hơn ngồi dập từng con ốc điện thoại. Cô cám ơn trời đất cho cô một cơ may. Chủ tiệm nào ở Mỹ cũng ưu tiên một cho học sinh nên cô kiếm việc nhanh. Tiền tip nhà hàng để dành cộng chung và chia đều. Thành ra, cô ngoài lương chạy bàn một giờ 5 đô lại thêm vài chục tiền ”tip” mỗi ngày. Khách hàng đủ thứ tầng lớp nhưng nhà hàng nước nào, khách nước nấy nhiều hơn. Nhà hàng Việt, khách Việt tất nhiên. Có người Việt tất có báo. Có báo, tất có ”tham luận” bàn tròn nhanh tích tắc.

– Viết văn gì mà cũng đăng!

– Thơ trào phúng gì đọc muốn mửa!

– Bình bóng đá gì mà chờ coi đội nào vào giựt cúp năm 2006 này.

– Họ cho mình dân đọc không biết gì nên viết đại.

– Hết đề tài sao mà cứ bu vào mấy cái màn trần truồng mất dạy thế này cho lũ trẻ nó xem!

– Ước gì tui trúng tờ vé số như hai vợ chồng ông này mà sướng hén.

– Lại ”đạo tranh, đạo văn rồi đạo luận án”!

– Ba cái thằng biên tập chắc buồn ngủ trong khi… lái máy bay!

Trâu nghe mà buồn cười. Mẹ cô thường dạy cô: ”Con viết gì thì viết nhưng phải coi mình viết mục đích gì? Cuối cùng, con muốn gởi đến cho người đọc ý tuởng nào mà con đã đưa vào trang giấy?. Chọn thể loại nào phải hiểu đặc điểm thể loại đó ra sao mới viết. Đề tài thiếu gì đừng bắt chước người ta?”. Ngày mẹ và ba tranh luận về những cái tưởng như đâu đó đã định rồi mà Trâu cười muốn chết.

– Keo dán sắt là gì ba?

– Trời! Thứ keo dán cao cấp gọi là Super Glue đó. Thủy thủ thì gọi nó là e-pô-xít dán sắt. Nó như tên gọi đến sắt cũng bị dính kín mít huống hồ…! Dân vi tính thì dùng nó để gắn những audiotrach hoặc segment lại với nhau tạo ra những tập tin… Mà thôi, con mở mạng ra, rà lên thấy liền.

– Thôi ông ơi! Truyện này cho học sinh học thì coi bộ ”Vợ nhặt” của Kim Lân… ra rìa vì “Vợ nhặt” không có cảnh hiếp dâm, chửi bậy, nói tục vô tôị vạ. Tui lại chán quá! Tui xem truyện xong, tôi phải kêu lên: “Nhà văn Kim Lân ơi! Bác tưởng mình bác thời chưa giải phóng ấy mới có vợ nhặt sao? Bây giờ, giải phóng đã sáu mươi mốt năm ở miền Bắc, ba mươi mốt năm ở miền Nam mà cũng còn khối đàn ông… nhân đạo chơi đĩ nhặt vợ, nhặt vợ chơi đĩ đấy”. Thấy mà ghê!

– Ba! Mẹ nói cái gì vậy?

– Mẹ mày bị… chạm nọc.

Nhưng mẹ nào có nghe. Mẹ say sưa:

– Con có đọc thì đọc nhưng đừng bắt chước viết như thế. Mẹ nghĩ tác giả nào muốn viết về những biểu hiện trưởng thành của người con gái thì hãy đọc thật kỹ lại truyện dài The Thorn Birds của Colleen Mc Cullough ở chương thứ mười trong bốn mươi sáu chương (Đoạn cô bé Meggie đến tuổi dậy thì tưởng mình bị ung thư sắp chết đang khổ sở với cha Ralph). Còn muốn viết theo giá trị nhân đạo không bị bóp méo thì hãy đọc ”Vợ nhặt” của Kim Lân trước khi cho hai nhân vật đàn ông mắc chứng bệnh… đàn ông đi nhặt đàn bà! Đừng tưởng cứ hễ bê hết những câu chữ tục tĩu, những cái bí hiểm đàn bà con gái ra rồi pha chút sex và là truyện tăng phần hấp dẫn, có giá trị văn học. Văn học với chủ nghĩa tự nhiên ngần ấy thì các giáo sư, tiến sĩ cũng… giảng dạy hết nổi, nấc cục từng đoạn, chết chắc!

– Mẹ! Người ta viết cũng tốn công, tốn sức.

– Cho tô phở gà, không, gà sợ mắc dịch. Cho tô hủ tiếu Tiều Châu. Nước uống chọn number 3.

– Cho ly nước mía trước nhen.

– Cho… bàn số …

Tiếng khách gọi món ăn đã cắt đứt đường liên lạc vớ vẩn của Trâu. Cô vội vã quày trở vô trong. Đây mới là công việc cần làm cho ngày mai của cô. Thức ăn dư có khi còn nguyên cả nhưng vẫn phải đổ hết vào thùng rác để bảo đảm không bị nhiễm độc khi ăn thừa. Trâu cảm thấy cuộc đời có cái gì đó không được quân bình. Cảnh những em bé đi nhặt rác và đói vẫn đầy trên thế giới. Đói nghèo và trí tuệ như đi liền nhau, chẳng nhân nhượng còn lòng người thì như trời cao, đất dày nên lên chẳng tới, với chẳng thấy! Thế nhưng, trời dù có lúc màu đỏ, xám, đen hay vàng nhưng khoảng mênh mông vẫn một màu xanh bao la và vô tận. Hãy nhìn đời bằng màu xanh đó cho nhẹ lòng, có hơn không!

Hết giờ, Trâu thay áo nhà hàng rồi vội vã ra xe. Trâu không quên mua hai ly nước mía cho ba mẹ và lái xe đến trường. Trâu biết khi mẹ cầm ly nước mía, mẹ sẽ thả hồn… Nước mía uống mát và gợi nhớ quê nhà! Mẹ đã từng bưng ly nước mía tươi màu xanh đọt chuối ngắm nhìn không chớp mắt. Còn hôm nay thế nào mẹ cũng: “Cái lò gạch của Chí Phèo và Thị Nở từ tận mấy chục năm trước như được xây lại ‘kiên cố’ hơn ở thế kỷ mà vi tính, di động không còn trong cổ tích! Thế mới thắc cười nôn ruột và xót xa!. Văn học ngày nay chứa quá nhiều cặn bã dâm dục, tục tĩu đến mức các nhà sản xuất vi tính cũng hết hơi khuyên phụ huynh đừng cho con em vào mạng một mình. Sinh nghề tử nghiệp là đấy. Có một ngày, con cái kẻ viết những văn hoá dung tục sẽ… mắc vào cái ‘bất tận’, cái ‘tật nguyền’ dễ hơn người ngoài cuộc. Mìn cóc không làm người ta chết nhưng khiến người ta phế nhân cả đời. Văn hoá dung tục cũng thế, như trái mìn cóc mà chỉ có những người dư thừa máu… chiến tranh mới lạnh lùng cài đặt trên cánh đồng bất tận và trong dòng sông tật nguyền!’‘. Trâu nào có nghe nhưng cô ”cảm nhận” được tiếng lòng của mẹ, người mẹ mà Trâu yêu quý, kính trọng tưởng trên đời không có cái gì đáng giá hơn để đánh đổi.

Trâu đến lớp thiếu chút nữa trễ giờ vì nghĩ ngợi mông lung. Giờ hoá học trôi qua… Trâu nghĩ nếu mình là nhà bác học, mình sẽ chế tạo thuốc chống vi trùng thay vì súng đạn, bom mìn. Chiều nay, Trâu lại phải viết một truyện cho báo kỳ này. Cô chưa biết mở đầu bằng câu chuyện gì. Trâu nghĩ đến lời của mẹ: ”Chọn đầu đề rất quan trọng vì tất cả nội dung chỉ gói gọn trong một đầu đề. Chọn đề một nơi, viết một nẻo coi như bài luận văn lạc đề. Con cứ nghĩ như mẹ ngày xưa thời củ mì, củ lang đói rã ruột mà cũng có đi làm đĩ sống đâu! Mẹ phải đi lên núi kiếm từng bó củi về bán, ra đồng mót từng cọng lúa để nấu cháo ăn, đêm bán bánh mì, ngày đi bỏ từng lít xì dầu, chai nước ngọt. Có xấu mặt nào? Huống hồ hiện nay không thiếu gì công việc nào bán vé số, nào bán bánh canh, bán hàng rong hay phụ nhà hàng, phụ hồ, bán tiêu hành ớt tỏi mà còn sắm nhà cửa, xe cộ. Ngày nay ai nói nghèo hơn ngày xưa? Ăn thì ăn cơm trắng, cá tươi, ở thì có ở nhà hoang như trong kiếm hiệp đâu? Chỉ có những người lười lao động chỉ muốn ‘bán trôn nuôi miệng’ cho sướng tấm thân mới dấn thân vào cái nghề không do kiếp nghèo đưa đẩy mà do… cái tử cung khá dày”.

Mẹ nói nhiều nhưng Trâu chỉ cột lại vài ý chính của mẹ thành… bó như cỏ để… nhâm nhi và nhai lại. Đó là lòng nhân đạo đúng nơi, lòng thương người đúng chỗ. Đó là bản chất tốt đẹp của con người cần cày xới để trồng hoa chớ không trồng… thuốc lá!

Trâu vào thư viện trường tìm vài cuốn sách để làm homework nộp cho ông thầy tốt bụng mà nghiêm khắc trong học hành và mượn chốn… tu hành là cái thư viện này, cô sẽ có thời gian là hai giờ để viết một truyện. Cô chợt nhớ mẹ dặn: ”Khi nào muốn làm việc gì thì hãy nhớ tờ hai đô của mẹ”. Hoá ra, tờ hai đô của mẹ là lòng mẹ, công cha, là công sức, là nhân cách, là điểm tựa cho thân Trâu – Buffalo mượn định luật Acsimet mà chống… trời!./.

Tháng 7/01/06
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button