TRUYỆN NGẮN

CÁI BÀI THƠ ẤY

Truyện ngắn Các bài thơ ấy

Thấy bà xã mua hoa là tôi biết đám giỗ thằng bạn tôi đã tới…

Trong đám bạn trai cùng lớp, tôi không ưa lắm cái thằng Dũng. Trời ơi! Ba má nó khéo đặt làm sao! Nó là Nguyễn Anh Dũng hẳn hoi nhưng thiệt ra, nếu tên nó bỏ dấu ngã thì thành tên con Dung sợ ma nhứt xóm. Mỗi khi gặp chuyện nóng bỏng gì là thằng Dũng như “đĩa phải vôi“! Những lần tập thể dục nhìn nó cà bơi, uốn éo theo kiểu “yểu điệu thục nữ” là tôi ghét cay, ghét đắng. Giờ ra chơi nào, nó cũng chui vào thư viện lùng sục như một con mối. Con trai gì đá banh mà bị banh “dớt” trúng đít là nó ôm đít vừa nhảy vừa la quai quái. Nó không đủ thước tấc nhưng lúc nào cũng đòi làm… thủ môn! Có lần, cả đội rủ nhau đi tắm sông. Thằng ôn vật ấy cứ ngần ngừ… Thế là “chướng” mắt tôi. “Bịch!”… Ùm… “Áááá ặ ặc…..”. Bạn biết cái gì xảy ra rồi! Đi đâu, phá xóm hay phá làng, nó cũng là người bỏ chạy trước khi đồng đội… gặp nạn! Quải quá! Tôi trịnh trọng tuyên bố với nhỏ Dung là đứa hay bênh nó nhứt lớp:

– Để bà coi! Thằng Dũng xi cò que mà bà bênh vực, nó sẽ chẳng làm nên cái tích sự gì! Nó chỉ giỏi mỗi cái nhảy dây thun và đọc sách!

Con Dung “nguýt” tôi một cái dài thấu Hà Nội xong, xổ nho chùm luôn:

– Còn… mày! Mày chỉ giỏi cái cóp bài và phá hoại. Mày mới là thằng khổng (không) có ra gì! Nói xấu bạn, không biết soi gương là… mày!

Thiếu chút nữa, tôi “binh” con ma này một đấm thì kịp “thu chưởng” vì địch thủ của tôi chỉ nhát ma chứ không ngán người. Nó “đá giò lái” là tôi văng ít nhất cũng chục mét có đầu. Tôi thề sẽ trả thù.

*

Giờ ra chơi. Bọn con gái lớp 11 C đang chụm mũi xầm xì cái gì rồi cười hi hí, tôi rõ nhất nhưng giả vờ đứng ra xa. Còn con Dung? Mặt nó đỏ bằng “mặt trời xuống biển như hòn lửa” của Huy Cận năm nào. Tôi nhăn mũi cà khịa với thằng Dũng đang xanh mặt như tàu lá:

– Gớm nhỉ? Cậu làm thơ tặng chị chàng còn khá, ai tặng quà cho người đẹp, đằng í lại vác cả bài thơ “Hương thầm” tặng?

Thằng Dũng ngơ ngác:

– Tui… không… tui…

– Hi hi… Nguyên cả cuốn “Những dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo nữa kia! Gớm nhỉ!

Lớp tôi la hét ầm lên với vụ “sicandan” ghê gớm như hai trái bom Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật năm 1945. Nhìn thằng Dũng mặt tái mét, lóng ca lóng cóng, thanh minh thanh nga rằng không hiểu tại làm sao sách trong cặp táp nó lại chui vào cặp nhỏ Dung còn bà Dung nhát ma thì co rút như gà hầm bị rút xương ở cuối lớp, tôi hả hê… Bà Dung cầm cái bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn được chép bằng chữ in hoa có tên Nguyễn Anh Dũng tặng Nguyễn Thị Dung mà chẳng thể nào đoán ra “tác giả”! Đang chộn rộn, cả lớp giật mình khi nghe tiếng thầy mới bước vào lớp đã mang không khí chiến tranh:

– Im lặng nghe thông báo của trường!

– Chuyện gì long trọng vậy trời?

– Suỵt!

Nhỏ lớp trưởng đưa hai tay dọa. Tôi hứ nó cái cắc rồi cặp mắt cũng chuyển hướng theo ông thầy đang đọc thông báo…

*

Tháng sau, lớp tôi thiếu mất thằng Dũng. Nó “quê” với bạn bè nên thôi học chăng? Tôi đâm ra có chút hối hận mà chẳng biết làm thế nào? Tôi nghĩ tới nhỏ Dung. Chắc nó thù tôi thấu xương! Lớp tôi qua bầu không khí nhộn nhịp tới bầu không khí căng thẳng từ biên giới Tây Nam đưa lại thì mấy tuần sau, đâu lại vào đó: Ồn như vỡ chợ khi ra chơi, trốn tiết trong giờ học, nhảy cửa sổ, đá banh nát vườn hoa của trường… dù trưa nào, nhà trường cũng phát thanh bài ca: “Giặc bành trướng xâm lược đất nước ta, gieo bao nhiêu đau thương, tang tóc cho muôn nhà…” Tờ bích báo với chủ đề trên được dán lên tường. Con nhỏ lớp phó học tập lớp tôi đưa cái bài thơ “Bước tiếp bàn chân Phù Đổng” chuyền cho chúng bạn đọc. Tôi chúa ghét thơ với thẩn nên không thèm ghé nửa con mắt dòm. Nhưng tai tôi lại cứ phải nghe cái gì mà: “Đuổi giặc thù, ta xây lại non sông. Ta xây đẹp những hồn người hy vọng”?. Cái gì mà: “Hãy tiến lên! Lời tổ quốc thiết tha. Nâng ta bước theo bàn chân Phù Đổng…”! Tôi điên tiết, cố giật bài thơ để coi cho biết thì nhỏ lớp phó nhanh tay hơn khiến hai tay tôi chụp trật, chới với trong không khí… Nó chẳng thèm đưa cho tôi đọc thì thôi, còn hụ còi xe lửa vào mặt tôi:

– Đồ nam nhi chi chí dỏm! Mày có giỏi thì ra chiến trường… “thọ tiễn” với người ta! Thằng Dũng xong nghĩa vụ biên giới Tây Nam về, nó… bắn mày trước!

– Hả?

Tôi há hốc… Câu cảnh báo câu sau của nhỏ lớp phó học tập không làm tôi ngán nhưng hai từ “nghĩa vụ” làm tôi giật thót! Ôi! Thì ra, thằng ma nhát sông này nó xung phong đi bộ đội chứ không phải vì tôi chơi khăm nó mà nó nghỉ học. Tôi… nuốt nước miếng vào họng…

Trưa đó, tôi… phang tới nhà thằng Dũng. Má nó bảo tôi trong nước mắt:

– Nó đã đi hai tuần trước rồi con.

Dì ngồi trên bộ ván xưa với hai đứa em gái của thằng Dũng, phân trần với tôi bằng cái giọng ngùi ngùi:

– Nó đòi đi biên giới hoài. Bác giữ đâu có nổi! Nó có chí khí của ba nó.

Tôi nhìn theo cánh tay của bà chỉ về hướng bàn thờ còn phảng phất khói nhang mà giật mình: “Hèn nào mà trong cặp nó lúc nào cũng toàn thơ truyện của lính! Nào là ‘Những người đi tới biển, Những dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo, nào là ‘Dấu chân người lính’ của Nguyễn Minh Châu… Nó thích nhất bài ‘Núi đôi’ của Vũ Cao và ‘Hương thầm’ của Phan Thị Thanh Nhàn”. Tôi hỏi thăm, an ủi vài câu xong, xin phép dì ra về mà lòng nặng nề bao nổi!

*

Bọn con gái lớp tôi lo lúi húi viết thư cho bạn theo hòm thư số… Tôi “quê” mặt nên chỉ biết tìm cách giã lã. Nhỏ Dung nhát ma không hiểu sao cứ giữ cái bài thơ “Hương thầm” (mà tôi đã thủ phạm) như một báu vật. Sang năm 12, cả lớp đều biết nhỏ Dung đã nhận được cái bài thơ ấy với nét chữ của chính… Nguyễn Anh Dũng đề tặng. Một lằn roi quất rát vào hồn tôi và tôi biết mình phải làm gì trong ngày cả nước ra quân…

*

Cũng chừng này, ngày này, tháng này, hai muơi sáu năm trước, nhỏ Dung quấn chiếc khăn tang khóc người hy sinh trong trận đánh cuối cùng ở Lạng Sơn – Cao Bằng vào ngày 5 tháng 3 năm 1979. Năm 1983, tôi học xong đại học ngành nông nghiệp rồi trở về phục vụ huyện nhà. Những ngày cuối tuần, tôi lầm lũi tới nhà Dung để giúp ba má Dung, má Dũng phơi lúa và cuốc đất trồng rau. Dung học cao đẳng kế toán rồi cũng về huyện làm chung cơ quan với tôi. Dung chẳng thèm đếm xiả tới tôi. Ba năm sau, ba má tôi mang trầu cau sang nhà Dung xin cưới Dung cho tôi. Không hiểu sao, Dung đồng ý. Lấy Dung về, tôi chưa có dịp… “binh” một chưởng nào, còn Dung cũng chẳng có thời cơ “đá giò lái” cho tôi lộn mèo thì hai đứa con chui ra. Bây giờ, Dung “nhát ma” đang dùng hai đứa con để “nhát” tôi. Tôi không thấy ái ngại chuyện gì vì chưa bao giờ làm Dung buồn trong hai mươi năm chung sống. Nhưng tôi ngại nhất một ngày, một tháng trong năm. Đó là ngày đám giỗ thằng Dũng. Dung tắt hết những nụ cười trong ngày ấy. Hôm nay, lòng thấy nguôi ngoai, tôi lò dò mở lời:

– Bà còn giận tui về cái vụ ấy không?

Bà xã tôi đang ngồi tư lự trước tấm bia của người xưa, bật cười:

– Hỏi… vô duyên!

Hai đứa con trai tôi mang cái vô duyên của cha đi “cưa gái” và rinh về cho tôi… bốn thằng cháu nội. Nghiệt ngã làm sao! Hai đứa con dâu của tôi lại là hai đứa cháu gọi thằng Dũng bằng cậu. Tôi vò đầu… chợt nhận ra mái tóc mình cũng đã đổi màu từ… cái bài thơ ấy!./.

Tháng 3/26/2005
Ngọc Thiên Hoa
(Đặc san “Kỷ niệm 45 năm Trung học Hoàng Hoa Thám – Diên Khánh”)

Related Articles

Back to top button