TRUYỆN NGẮN

HÓA GIẢI MỘT LỜI NGUYỀN

Truyện ngắn Hóa giải một lời nguyềnRằm tháng Tư, năm 1964, trời bất ngờ đổ một cơn mưa lớn. Những người đi lễ Phật Đản đêm ấy đều được… tắm trong mưa. Thầy trụ trì trầm ngâm. Ông ngước nhìn trời. Bầu trời đang mưa mù, bất thình lình tiếng cú kêu ba tiếng trên cây bồ đề trước chùa. Thầy lặng lẽ bảo các môn đồ:

– Một lời nguyền đã trở về! Một người nào đấy sẽ phải ra đi!

Không ai hiểu thầy mình muốn nói về lời nguyền nào, của ai, trở về thì làm sao? Chưa đồ đệ nào kịp hỏi thì trời lại quang sáng dưới ánh trăng. Ông hân hoan:

– Có người đã hóa giải nó! Xưa nay, nhân định thắng thiên không phải là không có!

Đêm ấy, tại một nhà hộ sinh, dưới cơn mưa mù, một sản phụ còn rất trẻ đang ôm bụng đau quằn quại, khấn cầu trời đất… “Uoa, uoa, uoa”… Bà mụ vừa lôi ra từ trong bụng người mẹ trẻ một đứa bé đỏ hon hỏn. Tiếng khóc của nó thật to. Người chồng nắm tay vợ mừng vui:

– Là con trai!

Đôi mắt người mẹ trẻ đang mệt mỏi, vụt sáng rực lên với nụ cười mãn nguyện. Bên cạnh gường, một người mẹ trẻ khác mới vừa… cho đi đứa con gái. Ở một nhà hộ sinh khác nữa, một bà mẹ đông con cũng vừa sinh thêm một bé gái. Nó được giữ riệt trong gia đình đông con ấy như một báu vật. Bầu trời sau cơn mưa, sáng rực lên vì ánh trăng. Hình như có hai thế lực đang tranh nhau làm bầu trời tối hơn hay sáng ra nhưng theo quy luật thiên nhiên, rằm nào mà trăng chẳng no tròn và sáng?

Đứa bé trai kháu khỉnh nhưng lại không ngoan. Ai cũng tưởng nó lớn không nổi vì khóc suốt ngày. Thấy con khó nuôi, vừa lúc con đầy tháng, ba mẹ nó phải bồng lên chùa ký gởi cho sư cụ. Nghe tiếng thầy trụ trì tinh thông sách toán, người cha nhờ gieo một quẻ cho con trai. Sư cụ hỏi ngày giờ sinh. Thằng bé khóc oằn oặc. Ông như bị tiếng khóc của nó thôi miên. Bất chợt, những điều sư cụ không định nói đã bật ra:

– Thí chủ chuẩn bị tâm lý. Đứa bé này sẽ không ở với người nhà lâu. Nó mạng Hỏa. Sanh trúng giờ Thuỷ. Hỏa kỵ Thủy. Bổn mạnh yết ớt. Nó sinh nhằm sao Mộc Đức nhưng mạng hạn Tán Tận. Nếu có hồng phúc tề gia. Nó sẽ có người cứu mạng. Bằng không thì… nhập thủy tắt tử!

Người mẹ rụng rời. Chị đứng phắt dậy và lập tức bồng thằng con rời khỏi chùa. Người cha thầm trách sư cụ tại sao “ác khẩu” rồi vội chạy theo vợ. Sau khi người mẹ trong giận dữ mang đứa con èo uột ra về, sư cụ như sựt tỉnh. Thầy ân hận vì những lời mình phán ra. Ông đành qùy gối trước những tượng Phật vô động nhưng chẳng vô giác, vô tri:

– Đệ tử là kẻ xuất gia nhưng không giữ được tâm lành. Đệ tử đã lỡ miệng nói những điều quái gỡ như một lời nguyền rủa người mẹ đáng thương. Vậy đệ tử xin chịu nhận sự trừng phạt cho con trai người mẹ đó thoát tai kiếp.

Đức Phật vẫn lặng lẽ. Hình như, mỗi đức Phật chỉ thích ngự toà sen để nghe người phàm cầu xin, sám hối là chính!

Ngày hôm sau, các môn đệ vẫn thấy thầy qùy trước bàn Phật. Người đệ tử trưởng khẽ gọi:

– Thầy! Thầy!

Khi tay anh ta chạm vào vai sư phụ thì thân hình ông lăn ra. Thầy đã viên tịch tự hồi nào! Hồn thầy về nơi đâu, nào có ai được rõ?Trên dòng chữ viếng lễ tang, ghi rõ: Thích Quang Minh – Trần Độ Trì!

Người mẹ trẻ săn sóc con trong lo sợ khôn cùng. Chị không giết một con kiến và chẳng làm bất cứ chuyện gì trái với lương tâm để đức cho con. “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”. Thằng bé sau những tháng ngày oặn ẹo thì bỗng bụ bẩm hơn. Những lời “tiên đoán” độc địa của vị sư cụ đã trôi theo thời gian như cái chết bất ngờ của ông cũng đi vào quên lãng trong gia đình bà. Khi đứa bé khỏe mạnh lên thì ba nó sức như suy sụp xuống. Ông bị mắc chứng phong thấp. Người ta bảo cái gì cũng có sự quân bình với hai chiều tương tác: Nếu người này giàu lên thì người kia phải nghèo đi. Nếu kẻ này khôn ra thì kẻ kia phải ngu đần. Có kẻ mạnh thì phải có kẻ yếu. Có người thắng thì phải có người thua. Có kẻ làm vua thì có người làm giặc. Có chủ thì phải có tớ. Có thầy phải có đệ tử. Có quân tử tất có tiểu nhân. Có sinh phải có tử. Vậy là thằng bé kia vẫn sống với người mẹ tảo tần nuôi nấng hai cha con bằng nồi chè đậu ván bên lề đường. Thằng bé lớn lên, học giỏi nên nó có chuyến đi xa. Người mẹ không bao giờ tới chùa để cầu nguyện nữa. Bà chỉ cầu xin trước bàn thờ tổ tiên dòng họ. Hằng đêm, bà ngước nhìn trời van vái những điều chỉ có bà và trời đất biết. Người ta cũng nói rằng: “Ai làm điều bất lương hay thiện lương, hai bên ‘giai giác’ đều biết cả”.

Cho đến một ngày nọ, thằng con bà đi học xa đã trở về nguyên vẹn hình hài. Bà mới biết vẫn còn có trời đất, có những điều thuộc về tâm linh linh thiêng trong thế giới trần gian này.

Hàng phượng dọc con đường bà ngồi bán chè đã qua mấy chục lần thay lá mà nỗi lo sợ cho một lời nguyền năm xưa chẳng được thay trong lòng bà!

Mùa đông năm 2005.

Con đường làng rẽ vào xóm vườn quen thuộc đang chìm vào cơn mưa. Lũ chó trong làng thường sủa inh ỏi khi nghe tiếng xe nổ chạy vào xóm nhỏ. Không hiểu sao, tối nay, chẳng con chó nào buồn tình mà “gâu gâu”? Người trung niên chạy chiếc tay ga Honda Spacy, cố vội vã cho qua hết đoạn đường làng. Bên kia sẽ là con đường lớn nối về quốc lộ 1. Anh cứ thầm trách sao mình lại chạy vào con đường tắt này cho mệt. Trong mờ mờ, anh thấy có một bóng trắng từ hướng ngược chiều anh đang tiến tới. Đường xóm nhỏ hẹp lắm thì làm sao đi được một lúc một chiếc xe và một người? Người kia hình như chẳng muốn tránh. Anh phải tránh. Chiếc xe thắng gấp. Nó mất trớn nên chùi theo bùn lầy của con đường đất đang nhão nhòe. Bùn đất đưa chiếc xe anh nhào xuống đường mương đang mùa nước lũ. Anh nhắm mắt chờ… uống nước… Chiếc xe như có sức mạnh vô hình nào đó kéo lại mắc giữa hai thân cau nên chỉ có cái đầu xe chìm xuống nước. Cái bóng trắng chen đường với anh mất dạng. “Đi nhanh thật. Sao có người lại vô tâm thế nhỉ? Không coi thử người ta bị lọt xuống mương chết sống như thế nào?” Anh nhủ thầm và hết hồn khi nhìn thấy cái mương nước sâu lút đầu. Té xuống đó không uống nước mới là thánh! Anh rùng mình cái nữa rồi gạt nước mưa làm cay hai con mắt và ra sức kéo chiếc xe lên. Đằng sau lưng, một người đàn ông tự đứng đấy tự hồi nào, giúp anh. Anh trung niên toát mồ hôi hột dù trời đang lạnh xiết. Anh lí nhí:

– Cháu cảm ơn bác! Không có bác, chắc cháu… uống nước sình bụng rồi!

Ông già cười cười. Ông quay lại nắm tay một em bé trai khoảng 11- 12 tuổi đang đứng bên hàng cau mờ mờ. Hai ông cháu từ từ đi vào căn nhà trước mặt. Anh trung niên nhìn theo lối vào nhà mà ngờ ngợ rằng hình như anh đã từng đến căn nhà này cách đây 23 năm vì đó là nhà một cô bạn học cũ? Vườn xanh lá đang ẩn hiện trước mắt anh. Anh vụt miệng hỏi theo:

– Bác ở trong nhà ấy à!

Ông già dừng bước như lắng nghe rồi gật đầu.

– Cô bé tên Hằng phải con bác không?

Ông già lại gật.

– Tại sao hồi trước con lên nhà không thấy bác? Còn cháu này là…

Ông không trả lời. Bóng ông như khuất vào khu vườn um tùm lá đang sũng nước mưa. Anh trung niên tưởng ông không nghe nên chẳng dám hỏi nữa. Anh nổ máy xe và chạy qua hết con đường bùn sình còn lại. Phía bờ tre, chút xíu nữa là anh đụng phải người đàn bà đang bế đứa bé trong tay đi trong cơn mưa mù. Anh dừng xe tránh qua, thuận tay, cởi cái áo mưa của mình ra đưa cho hai bà cháu:

Bác lấy áo mưa này che cho em!
Người đàn bà không rõ mặt dừng lại. Bà cầm lấy tấm áo mưa, phủ trùm đứa bé, gật đầu như cám ơn và đi thẳng. Anh trung niên ướt như chuột lột hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên kia. Anh lẩm bẩm: “trời mưa mù, lạnh lẽo khiến người nào cũng không muốn nói chuyện?”. Nhưng lòng anh có chút vui khi vừa được làm điều gì thanh thản trong lòng. Mẹ anh bao giờ cũng nhắc nhở anh bốn chữ “trên kính, dưới nhường”. Anh có dám quên đâu! Nghĩ tới mẹ khiến anh quên đi mọi chuyện. Bà thấy anh về muộn thì thế nào cũng ra cửa ngóng chờ. Anh vội vã chạy nhanh. Qua khúc đường toàn bụi tre tối là đường cái bên kia chẳng có giọt mưa nào. Anh thở phào: “Gớm quá! Ngõ có chút xíu mà khối người qua lại trong mưa!”. Chiếc áo sơ mi trắng ướt hết đang được gió quạt. Nó dần dần khô. Xe cộ trên đường quốc lộ 1dọc ngang chạy loạng choạng khiến anh quên đi đoạn đường nguy hiểm có nhiều điều kỳ lạ xảy ra.

Anh mang chuyện này nói với ba mẹ. Ba mẹ anh nay đã già nhưng còn tỉnh táo. Bà điếng ruột khi nghe con kể suýt bị té xuống mương sâu. Bà nhớ lời sư cụ bốn mươi mốt năm trước: “Thí chủ chuẩn bị tâm lý. Đứa bé này sẽ không ở với bà lâu. Nó mạng Hỏa. Sanh trúng giờ Thủy. Hỏa kỵ Thủy…”. Nhìn thằng con đang ngây ra trong chuyện kể. Bà đành giấu trong lòng một nỗi lo sợ miên man.

– Ba của Hằng cũng lạ quá má. Bác ở đâu sau lưng xe con mà con không biết chi hết? Con nhìn thấy xóm vườn như chẳng thay đổi cho mấy ngoài con mương nhiều nước và sâu hơn. Bác ấy không nói gì chỉ gật đầu.

– Tại sao con đi ngang qua nhà cô bạn học mà không vào thăm cô ấy?

– Lâu quá rồi con cũng quên ngõ. Nếu không có ba Hằng thì con chẳng nhớ căn nhà đó là của Hằng. Mưa quá! Trời lại tối. Chắc Hằng bây giờ cũng có chồng con và có thể không ở đó nữa!

Anh bỗng tư lự. Bà mẹ nhìn con. Bà nhắc lại một ít:

– Ba con lúc nào cũng nhắc cô ấy. Ngày xưa, ba con hay luôn hối con lên nhà thăm con bé vì con bé mấy lần đạp xe đạp xuống nhà tìm con mà không gặp. Ba cứ tiếc…

Anh trung niên ngần ngừ:

– Con cũng chẳng hiểu sao chúng con mỗi người một ngã! Giờ cô ta ở đâu? Làm gì? Chồng con thế nào, con cũng không rõ. Thôi thì… cầu mong cho cô ấy hạnh phúc. Giờ đây, người nào cũng có gia đình riêng cả rồi. Biết làm sao!

Nghe giọng thằng con trai buồn buồn. Bà mẹ thôi nhắc lại chuyện cũ. Đêm đó, bà có một giấc mơ không biết chuyện gì mà bà cười xong thì lại khóc. Tiếng sụt sùi của mẹ làm anh phải chạy sang. Người cha trấn an thằng con:

– Má chắc đang mơ thấy trở lại thời sinh con đấy.

– Thời sinh con ra thì như thế nào?

Ông suýt nữa kể cho thằng con nghe chuyện 41 năm về trước thì ánh chớp sẹt qua nhà và tiếng sấm ầm thật to như ngắt chuyện. Khi thằng con về phòng riêng, ông nghe ngóng tiếng mưa và ngủ hồi nào chẳng rõ. Trong giấc mơ, ông thấy bầu trời trăng sáng và cơn mưa đổ ào xuống ngôi chùa 41 năm về trước.

Anh trung niên không yên lòng. Anh nhìn ba mẹ. Anh nhìn ra trời. Trời tối như bưng. Anh thấy lạnh nên kéo mền đắp cho ba mẹ với bao nhiêu điều muốn hỏi mà chẳng làm sao hỏi được. Cô bạn học ngày xưa nay ở đâu? Giờ đã lấy chồng? Nỗi buồn của anh như ngọn gió đông chui vào lòng gậm nhấm. Anh là kẻ đã phụ người! Anh ngủ với vợ con nhưng lòng mình đã để đâu về một nơi xa xôi lắm trong ký ức một thuở học trò…

Năm 2008.

8 giờ tối. Quang đang ngồi họp bạn. Mới có mấy ly rượu mà đầu óc đã quay mòng mòng. Mắt anh hoa lên. Trong cơn nửa mơ, nửa tỉnh, anh thấy có người đang như truyền âm: “Hãy mau cứu lấy con cháu của ta!”. “Nhưng cháu có biết cháu gái tên gì? Mấy tuổi? Bệnh gì? Nằm khoa nào mà cứu chứ?”. “Tự khắc sẽ biết!”. Anh giựt mình tỉnh ngay. Đêm nay, anh không có ca trực sao lại mơ tào lao như thế này? Chắc hằng ngày, công việc của anh là gây mê cho bệnh nhân nhiều nên “nhiễm thuốc mê” mà đâm mê sản cũng nên? Thấy anh ngầy ngầy, mấy người bạn đưa mắt nhìn nhau:

– Thằng này hồi nào đâu có say chết như vậy?

– Miệng nó lầm bầm như nói chuyện với ai đấy?

Quang rời bàn tiệc sớm. Anh thấy đầu đau âm ỉ. Anh vừa về đến nhà thì điện thoại reo. Anh nhận ra giọng của bác sĩ Quân, trưởng khoa cấp cứu: “Alô! Người nhà bác Quang đang từ tuyến huyện chuyển xuống đây nè. Nghe nói nặng lắm. Bác tới liền nhé!”. Quang ngớ người ra. Anh tính gọi lại nói rằng anh nào có ai là người nhà nằm trên tuyến huyện chuyển xuống như thế đâu? Nhưng không hiểu sao, anh lại quay xe trở lại bệnh viện như một cái máy. Anh vừa tới thì chiếc xe bệnh viện cứu hụ còi chạy thẳng và dừng trước cửa khoa cấp cứu. Băng ca được chuyển xuống. Quang như có ma lực. Anh lại đi theo sau những người đang bước thấp, bước cao, bước sấp, bước ngửa này!

– Người nhà bác Quang đấy? Cho làm thủ tục nhập viện ngay!

Quang tính đính chính nhưng anh mở miệng không được. Anh tới cạnh gường để nhìn mặt bệnh nhân. Trước mặt anh là một bé gái nhỏ xíu, mặt nhệch nhạt, mắt đỏ ngầu, đờ đẫn mà ngạc nhiên. Anh đâu có cô cháu gái nào như thế? “Hãy mau cứu lấy con cháu của ta“. Anh nhớ lại lời ai vang trong tai anh hồi tối mà rùng mình!

– Bệnh nhân cháu gái bác Quang mổ sản hồi chiều ở tuyến huyện. Cô ấy bị băng huyết sau khi mổ nên mất máu quá nhiều.

Cô y tá nhanh miệng. Người nhà đi theo chỉ có hai người đàn bà. Họ chất phác vì cung cách nông dân chậm chạp, chẳng lanh lẹ như người thành phố. Anh buột miệng:

– Cháu bị mổ sản đến băng huyết à? Hồi chiều mà đến khuya mới chuyển xuống? Tại sao lại không chuyển nhanh xuống đây mà còn để trên đó?

Không có ai trả lời. Anh hối thúc với bác sĩ đâu đấy. Chờ xong xuôi, anh hối hả tìm bác sĩ khoa sản. Nhìn cách thức anh nôn nóng như thế, mọi người trong khoa cấp cứu ai mà chẳng tin rằng con bé này là cháu của anh.

– Hồi nãy có người tới báo rằng cháu bác đang chuyển viện. Chẳng hiểu sao họ không trực tiếp gọi bác?

Nhưng Quang không nghe câu nói với của cô y tá. Tâm trí anh chộn rộn việc gì chẳng rõ.

Người nhà đi theo bệnh nhân đang từ mặt xanh xám chuyển hồng trở lại. Chị thấy con cháu được nhập viện nhanh chóng thì thở phào. Người mẹ đi theo con thở hắt:

– May quá! Mấy khi gặp được bác sĩ tốt bụng.

Nhưng con bé đang lạnh chuyển sang sốt. Nó liệm đi. Nó như đi vào cõi chết. Nó lang thang trong vô cùng. Ở đấy có những người mà nó chưa từng gặp trong đời bao giờ. Nó thấy một người đàn ông giống hệt cái hình trong mộ. Nó chạy theo: “Ông nội a! Ông nội đi đâu? Cho con đi với!”. Ông già đi nhanh lắm, ông nói vọng lại: “Ở lại với ba mẹ đi cháu. Cháu mới vừa có đứa con gái dễ thương. Hãy sống mà nuôi con. Nội về thăm cháu luôn đấy mà!”. Con bé thều thào: “Con đau quá! Con hết máu rồi. Con chết chắc, nội ơi!”.

– Bác sĩ! Bác sĩ! Sao cháu nó trợn mắt dữ vầy nè…

– Ớ! Trời! Bệnh nhân… cháu bác Quang như tắt thở rồi kìa!

Người nhà mặt mới hồng lại chuyển sang xanh lét. Họ ú a, ú ớ gọi cứu. Phòng cấp cứu nhanh chóng nhập cuộc. Quang đang cùng bác sĩ khoa sản bàn chuyện “cháu gái” thì được tin. Anh chạy bổ xuống… “Không được chết! Nếu không! Tôi làm sao ăn nói với một người…” Anh rên trong lòng nhưng lại không biết mình nói cái gì! Cô y tá điều dưỡng chạy theo anh cũng không hiểu tại sao ngày nay, bác luôn miệng nói xàm dữ thế?

Quang xem biểu đồ huyết áp. Anh lo ngại cơn sốt cao trên 38 độ C rồi hạ xuống 36 độ C của con bé “cháu” này. Anh nghĩ tới một chứng nhiễm trùng huyết có thể xảy ra. Tầng số thở của tim thì không quá 90 lần/phút? Nào có phải nhiễm trùng máu gì? Chắc phải do một nguyên nhân nào khác? Máu chuyền bằng loại máu đông lạnh đã vô tác dụng. Anh đề nghị cho chuyền máu tươi và thuốc trụ sinh ngay. Thấy người nhà bệnh nhân thắc mắc, anh giải thích ngắn gọn chỉ riêng họ nghe. Nếu không, mọi người sẽ bảo tại sao cháu anh mà họ chẳng thấy người nhà gọi anh bằng những ngôn ngữ trong gia đình:

– Máu đông lạnh thiếu chất Fibrinogen để tạo cục máu đông. Chị hiểu tôi nói gì không? Không hả? À… đại khái như vầy nhé: Nếu chị bị đứt tay, chị thấy vài phút sau, tay chị tự ngưng chảy máu phải không? Tức là máu chị có cục đông máu chận vết cắt nhỏ. Máu không chảy nữa. Chị không bị mất máu. Rồi! Con cháu đang bị vết thương chảy máu, máu không có chất đông máu Fibrin thì máu chạy vào cơ thể cháu rồi chạy ra như người ta thay nước hồ cá vậy. Thôi, mấy chị vận động người nhà thử máu rồi cho cháu một ít cứu mạng cháu. Lẹ lên! Càng sớm, càng tốt!

Người nhà tá hỏa chạy đi. Bà mẹ mập ú thì máu lại thuộc nhóm B không trùng với con. Người cha có nhóm máu O thì lại mắc chứng viêm gan độ 3. Thằng chồng có cùng nhóm máu thì lại ốm như cây tăm xỉa răng. Lấy đúng xị máu thì nó cũng gần cấp cứu! Chỉ có bà cô họ tội nghiệp, thức canh cháu đã đời, thiếu ăn, thiếu uống lại phải rút xị máu mà cho cháu! Phòng lấy máu lạnh quá. Hai cô cháu run bần bật. Người lấy máu đùa:

– Người cho máu sao mặt ai cũng tái me, tái mét như mất máu hết vậy?

– Trời ơi! Đi lên, đi xuống mấy cái lầu bằng chân. Ai mà chẳng xỉu. Chờ thang máy còn lâu bà cố luôn. Hồi nãy, con bé bị mấy chị đè đầu lấy máu thử lại. Lần trước, bác sĩ nào không biết, bỏ quên máu ở đâu, bảo rằng máu đông cứng chết hồng huyết cầu nên xét nghiệm không được. Tay chân nó bầm tím như trái mồng tơi vì kim lấy máu của mấy chị y tá, bác sĩ cứ trật ra, trật vô, trợt lên, trợt xuống! Trời ơi! Con nhỏ là sản phụ bị làm băng. Mất máu vì sanh mổ lại còn mất máu về thử nghiệm nữa. Nó không chết là may. Tụi tui chạy tới chạy lui như vậy, mặt mày xanh xám đôi chút nhưng có mất giọt máu nào đâu!

Người lấy máu bật cười. Ông thầm khen con người chất phác nói lời nào cũng chân thật mà như gươm như đao! Bệnh viện nước mình là phải thế. Đủ chuyện phiền toái hơn ngoài đời đấy! Ông nhìn tờ giấu thử máu của chị ta ghi rõ: Trần Kim Hương!

Những loại thuốc trụ sinh Penicillin đắc nhất được đưa vào máu. Máu tươi từ người cùng nhóm O cũng đã được truyền vào cơ thể con bé. Nhờ đó, nó đã dập tắt được chứng máu không đông do truyền bằng máu đông lạnh. Quang lo lắng hơn vì chứng sốt cao vẫn còn. Điều đó có nghĩa là trong cơ thể cô bé đã có vi trùng gây sốt. Vi trùng sinh ra từ vết mổ dơ. Quang thở dài. Anh thầm nghĩ: Giữa sự sống và cái chết như địch và ta trên chiến trường qua từng tất đất phải quyết giành giật lấy. Vậy mà đâu đó, hay mới hôm qua, nhiều người đã tự hủy cuộc đời mình. Nhiều đôi trai gái tự tử vì tình ngày càng đông. Họ tự hủy diệt tuổi trẻ bằng mọi cách!

Con bé lại chìm vào cơn sốt sau khi tỉnh được vài ngày. Từ phòng cấp cứu, nó được đưa vào khoa sản rồi từ khoa sản, nó lại chuyển vào cấp cứu. Chị thu ngân cứ ngạc nhiên khi thấy người nhà đóng hết đợt tiền chục triệu này tới chục triệu khác:

– Em ấy bị bệnh gì mà nằm lâu dữ vậy chị? Nhiều người sinh em bé bị sốt cũng đâu có phải nằm viện lâu như em này?

– Chị đâu có biết cái gì! Bác sĩ biểu sao, làm vậy thôi!

Người nhà đi ngang qua chỗ hành lang thì nghe tiếng khóc than. Chị đứng lại, nghe ngóng. Một người biết chuyện, kể liền:

– Thằng bé ung thư máu. Gia đình không có tiền nên mới vừa chết. Còn bên kia là mẹ của con nhỏ 15 tuổi phá thai ở ngoài bị nhiễm trùng, nhập viện cũng không tiền nên chết luôn.

– Không tiền thì đừng hòng ở bệnh viện. Tụi tui nằm ké một chút mà mấy con y tá, bác sĩ gì chửi tưng. Xin hộ lý cái áo bệnh viện thay cho con thì cô ta mắng sang sảng. Mượn cái ghế kê ngồi cuối gường, họ quắc mắt thấy mà ê! Nhét tiền vào túi áo là mượn cái chi cũng “để em lấy cho”. Thật khốn khổ!

Mỗi người thi nhau nói một chuyện cho qua ngày. Họ nhếch nhác thấy mà thương cho nỗi thống khổ truyền kiếp của loài người! Chị cô họ của bé Thu lầm lũi lên phòng cấp cứu. Con bé mở mắt:

– Con thấy ngứa chỗ mổ quá cô chín à! Gãi dùm con đi!

– Ngứa là lành rồi đó! Để cô chín xem.

Người cô giở áo con cháu, tay chị chạm nhẹ vào bụng… nước vàng vọt trào ra từ cái lỗ mổ còn tun tút. Chị cơ hồ… xỉu tại chỗ!

Phòng Hội chẩn.

Đông đủ các trưởng khoa có liên quan cho kíp hậu phẩu. Quang nhìn vào hồ sơ bệnh nhân khoa sản: Trần Anh Thu:

– Quy trình hậu phẩu cũng phải bắt đầu mê toàn phần bằng gây mê tĩnh mạch cho cháu. Đặc biệt, bên bộ phận khí thở nên cố gắng đảm bảo thông suốt đường thở cho cháu để tránh thương tổn không nên có cho bệnh nhân như bầm nơi tiêm và nôn mửa. Ca mổ sinh từ tuyến huyện đã không thành công cho một sản phụ mới 19 tuổi trong tình trạng “thập tử nhứt sanh“. Chúng ta chịu trách nhiệm hậu phẩu. Các phương cách để giữ lại nguyên vẹn tử cung cho người mẹ trẻ thì chúng ta thử rồi. Không kết quả! Sốt cao là do hiện tượng nhiễm trùng ngoại khoa.

Không ai nói gì cả. Bác sĩ nào cũng thấy ca mổ này sao mà nặng nề trong tâm trí họ khi nguy cơ xấu đã tới 99% rồi.

Nhóm bác sĩ hội chẩn quyết định mổ lần hai bằng đường cắt bỏ toàn bộ tử cung qua đường bụng đã mổ sẵn là phương pháp nguy hiểm nhưng không còn con đường chọn lựa nào khác.

Trưởng khoa sản trưng ra những hình ảnh siêu âm của nữ bệnh nhân 19 tuổi:

– Tử cung Trần Anh Thu qua siêu âm toàn vết đen máu nhiễm trùng. Nơi vết mổ cũ nhấn xuống tràn mủ vàng chảy ra ngoài. Sốt cao có co giật chứng tỏ nhiễm trùng lan rộng khắp ổ bụng. Không mổ thì chết mà mổ thì chúng ta chưa chắc bảo đảm mạng sống vì cháu mới mổ mười ngày. Sức khỏe cháu yếu quá. Để lâu thì vi trùng ăn lan qua các phần khác mất. Giữ không được tử cung thì buột lòng phải cắt bỏ. Tuyến huyện làm không đúng quy trình vệ sinh, nguyên tắc mổ dẫn tới tình trạng bệnh nhân từ nhẹ sang nặng. Bác sĩ nào cũng có sơ xuất nhưng những sơ xuất dẫn đến nguy hiểm hoặc chết người như thế này là không đáng có. Chúng ta đã đọc tin trên báo Thanh Niên: Bác sĩ Tô Thị Kiều Dung của bệnh viện Lao – Phổi Hà Nội trong 2 năm đã mổ chết hai bệnh nhân là chị Thủy và anh Sơn, bỏ quên “gạc bông” trong bụng bệnh nhân Dũng mà vẫn làm trưởng ca mổ. Nhóm y bác sĩ trực Nguyễn Văn Tích thuộc bệnh viện Bà Rịa đã bỏ lơ không ngó ngàng gì đến sản phụ sinh non. Cô phải tự leo lên bàn đẻ, tự kiếm nước uống và… tự đỡ đẻ cho mình. Thai nhi ra hai chân, gọi bác sĩ thì họ lo ăn uống, cười đùa. Mẹ trẻ 20 tuổi phải chồm dậy, kéo hai chân con ra thì mắc bờ vai… con chết ngắt, suýt chết luôn mẹ. Cả bệnh viện xin lỗi khi báo Thanh Niên đăng tin nhưng đâu cũng vào đó. Bệnh Viện Bạch Mai thì để chết bệnh nhân khi bác sĩ khoa hồi sức – cấp cứu thiếu chuyên môn băng bó. Năm 2008 này, bệnh viện Hoàn Mỹ đã làm chết cháu Nguyễn Dư Thịnh 7 tuổi là kỳ thủ xuất sắc của tỉnh Đắc Lắk vì gây mê quá liều bằng Ketamin hay bác sĩ Lê Văn Thuyết của bệnh viện đa khoa Thanh Liêm bỏ trốn sau khi làm chết em Đỗ Thị Hoài hoặc khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức truyền dịch xốc thuốc làm chết chị Đặng Thị Thu Đông… Chẳng sếp nào nào không bao che cho thuộc hạ? Mọi chuyện tới giờ vẫn “chưa xác định nguyên nhân“. Khi xảy ra chết người, từ trên xuống dưới đều trốn tránh trách nhiệm hoặc kiểm điểm cho có lệ.

Quang nhìn chị ra hiệu thôi đi. Chị nói riêng với Quang chẳng ăn nhập gì điều anh lo cho chị:

– Ca này nặng lắm. May ít, rủi nhiều. Bác đừng cho ba má cháu biết kẻo họ lo lắng.

Thì em đang lo cho cháu sốt vó đây, còn lo cho chị đấy! Chị đừng nói thêm về những bác sĩ lang băm nữa kẻo lọt tới tai mấy đứa nhỏ… tình báo.
– Tôi việc gì mà sợ chứ!

– Đôi khi cũng là do con người có phước phần mà chị. Tiêu cực chỉ là thiểu số. Tôi tin tưởng rằng có ai đó đang vô hình quanh quẩn nơi chúng ta mà phán xét. Như cháu bé này. Tôi có hy vọng rằng cháu sẽ qua khỏi tử thần! Chúng ta mỗi người cùng chung chiến tuyến chống lại thần chết.

Anh nói thực lòng và cũng không cắt nghĩa được vì sao mình lại có nỗi lo lắng tột độ với hăm hở trái ngược như thế. Bác sĩ trưởng khoa sản quay lại bàn họp bằng cái giọng đều đều nhưng chắc nụi:

– Báo đã đăng ra và có xử lý, nào có phải tin vịt gì. Nói ra cho ngành y mình rút kinh nghiệm như thế không tốt hơn sao chứ? Tôi kể anh chị em nghe một ca này: 15 năm trước, khoa sản cũng có một vụ tuy không chết người mẹ nhưng làm chết em bé sơ sinh và để lại ảnh hưởng to lớn tới tinh thần của bệnh nhân. Người ta không kiện là may lắm. Trường hợp cô Trần Thu Hằng có mang đứa con đầu, sinh già. Ca mổ cấp cứu hôm ấy là bác sĩ Hồ Thị M. Không hiểu sao, mổ cấp cứu sáng mà lại để tới chiều mới mổ. Phẩu thuật viên mổ lâu quá, đứa bé đưa ra ngoài lại không được cấp cứu đúng chế độ nên 15 phút sau thì mất. Hồ sơ ghi: Thai nhi tim yếu. Tử trong bụng. Cân nặng 1kg 7. Dị tật bẩm sinh: mất gót chân.

Bao nhiêu cặp mắt nhìn chị như bất ngờ trước thông tin của này, chị trưởng khoa nhấn mạnh:

– Hồ sơ đó không trung thực. Bác sĩ M lập lên để tránh trách nhiệm. Thai nhi nhỏ như thế thì không thể nào. Lượng nước ối và cân lượng của thai nhi không thể chênh lệch quá vậy. Chị Hằng năm ấy trước khi có mang, cân 48 ký. Tới ngày phải mổ là 58 ký. Sau khi mổ còn 50 ký. Bé sơ sinh được ghi: 1 ký 7 nghĩa là nằm dưới chỉ số nhẹ cân. Không lẽ còn bao nhiêu là nước ối và nhau 8 ký 3? Không lẽ các bác sĩ siêu âm cho chị Hằng liên tục trong ba tháng cuối mà không biết hiện tượng thai thiếu cân, thai suy mà không hướng dẫn cho người mẹ biết ? Vậy, siêu âm để cho bác sĩ đọc, bác sĩ coi chơi thôi à? Vô lý hết sức! Mổ cấp cứu lấy thai thì thai nhi phải được lấy từ 5 đến 10 phút là nhiều nhất để tránh trường hợp thai nhi bị nhiễm thuốc gây mê, thở phải nước ối và bị thương vì phẩu thuật lâu. Bác sĩ chúng ta lại tay nghề yếu đến gây chết thai nhi vì mổ tới gần ba tiếng. Thời gian mổ từ 5 giờ chiều mà tới gần 8 giờ, sản phụ mới được đưa vào phòng hồi sức. Sản phụ không bị hậu phẩu và hậu sản là may mắn lắm vì ít ra, kíp mổ 15 năm trước đã hoàn thành khâu tiệt trùng. Học trò chị Hằng là y tá lo em bé hôm ấy. Đứa bé ra đời như thế nào thì sao nó lại không rõ? Đứa bé tật nguyền, cân nặng bao nhiêu, hình vóc ra sao thì phía nội, ngoại họ hàng biết hết. 5 năm sau, phát giác vụ hồ sơ bệnh án giả, người nhà chị Hằng đòi kiện bác sĩ M vì đã lập hồ sơ giả gây khủng bố tâm thần cho người mẹ. Đứa bé bụ bẩm, kháu khỉnh nặng đủ cân lượng, không có dị tật nào. Người cùng xóm tới coi đông đen, ai mà chẳng biết điều đó. Họ mới tiếc hùi hụi về thằng bé xấu số này. Nếu tin xấu thì “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường” rồi! Sỡ dĩ, tôi biết rành như thế là bệnh viện chuyển xuống cho khoa sản một lá thư của người mẹ nói trên (sau một tháng, chị mới biết là con mất). Lá thư với những giấy tờ ghi rõ chị đi khám thai định kỳ mấy lần, có bao nhiêu bác sĩ siêu âm, khám cho chị ta và cho biết kết quả là tim thai nhi rất tốt. Tại sao con chị lại mất? Lúc ấy, chị chưa biết hồ sơ của chị được thành lập khủng khiếp như vậy?

Thấy mọi người chăm chú lắng nghe, chị như được cởi mở những nút thắt 15 năm qua:

– Người mẹ đó may mắn là đã đi nước ngoài và có điều kiện sinh được con. Nếu theo điều kiện môi trường khoa học, ở nước ta, chị sẽ khó mà sinh con vì có thai trên vết mổ cũ rất nguy hiểm với triệu chứng vỡ tử cung. Chị cho tôi hay rằng bác sĩ sản khoa nước ngoài của chị mừng hơn lượm được vàng khi nhìn hồ sơ mổ: bác sĩ M đã chọn phương pháp mổ dọc từ ổ bụng nhưng mổ ngang trong tử cung. Đó là cách chọn đúng đắn giúp người mẹ này có khả năng sinh con lần thứ hai mà ít sợ nứt vết mổ cũ. Chị ta năm 2000 có về gặp tôi và trình bày mọi việc. Hồ sơ bệnh án của chị được phó giám đốc bệnh viện chỉ định cho tôi lấy copy cho bác sĩ bên ấy của cô ta năm 1998. Tôi không hiểu sao bác sĩ M lại không hợp tác trong việc này. Mọi người trong khoa mới tá hỏa ra là có sự việc đáng tiếc xảy ra. Lúc ấy, tôi không là trưởng khoa. Bác sĩ M, trên lại chẳng có họp rút kinh nghiệm hay kiểm điểm tay nghề, đạo đức gì!

Chị dừng một chút:

– Trường hợp Trần Anh Thu nặng hơn mà may mắn: Cháu không còn sinh sản nhưng được đứa con. Nếu chị Hằng không thể sinh được nữa thì không còn con cái! Tiệt tự! Ngành y còn có những bác sĩ thiếu trách nhiệm và yếu tay nghề như thế thì còn nghề gì có trách nhiệm hơn? Bây giờ, với trường hợp của bé Thu, chúng ta nếu không kiểm điểm nghiêm khắc thì sẽ có thêm bao nhiêu thiếu nữ bị “tàn phế” khi được bác sĩ chúng ta mổ lấy thai như thế này!

Quang nhìn kết quả thử máu của con bé và hồn vía để hết vào đấy nên anh như không nghe bác sĩ nói về cái tên người mẹ 15 năm về trước. Khi chị nói xong, anh cất giọng nặng nề:

– Trong máu cháu Thu đã có vi trùng Staphylococcus aureus (MRSA) chuyên đề kháng thuốc trụ sinh nhất là Methicillin. Chúng ta nên đổi thuốc mới để dứt nhiễm trùng vết mổ cho cháu.

Mọi người thảo luận xong. Bác sĩ trưởng khoa giảng cho sinh viên tập sự:

– Nhiễm trùng vết mổ là mối lo ngại lớn nhất của ngành chúng ta. Có rất nhiều ca nhiễm trùng vết mổ ở vùng hạ vị, vết mổ ở chân, giác mạc, giải quyết thoát vị bẹn, … Trường hợp bé Thu đang bị nhiễm trùng vết mổ sau phẩu thuật mổ sinh ổ bụng. Nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân thứ nhất là khâu tiệt trùng không an toàn trước khi mổ của các bác sĩ. Mổ ở các tuyến huyện với phương tiện thiếu thốn là nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm trùng vết mổ. Bé Thu là mổ lấy thai (Cesar). Người nhà không yêu cầu mổ lấy thai mà là do bác sĩ tuyến huyện trực tiếp mổ với lý do, sản phụ theo giấy siêu âm đúng ngày tháng sinh nhưng không có hiện tượng đau bụng sinh. Sản phụ mới 19 tuổi, không nằm trong bốn chỉ định mổ lấy thai (vết mổ cũ trên thân tử cung, sanh khó, ngôi mông và thai suy). Bác sĩ mổ trước đã thiếu sót trong việc quyết định cho mổ lấy thai mà không tìm hiểu nguyên nhân. Chọn thời điểm mổ lấy thai chưa thích hợp ví dụ trường hợp này là đoạn tử cung chưa thành lập vì sản phụ chưa chuyển dạ.

Phòng Hội chẩn chỉ còn nghe tiếng máy quạt vù vù như phụ họa cho máy lạnh không đủ công suất tải.

– Tử cung bé Thu không thể cứu được. Hoại tử có thể đã lan tràn các vùng bụng, bằng chứng là vết thương sau mười ngày mà vẫn không lành, lại tràn mủ khi đụng tới. Nhưng muốn tránh chứng sốt cao và bằng mọi giá phải cầm máu cho được thì phải cắt nguyên tử cung và hai buồng trứng. Một người đàn bà có nhiều kỳ sinh đẻ hay sinh mổ rồi thì việc cắt bỏ không nói gì. Đây lại là một thiếu nữ mới 19 tuổi? Cắt tử cung là triệt đường sinh nở! Chúng ta đã, đang và sẽ làm mẹ, chúng ta nghĩ gì đây? Thật ra, tuyến huyện chỉ cần nắm vững nguyên tắc không kham nổi thì chuyển viện cho người ta ngay. Đằng này… bác sĩ mổ cho bé Thu vẫn giữ riệt sản phụ ngay cả sau khi mổ mà làm băng. Kiến thức về y học chưa đủ tốt nghiệp làm bác sĩ. Sau khi mổ lấy thai mà sản phụ ra máu thì nên biết đó là triệu chứng đầu tiên của nhiễm trùng ngoại thương thì nên chuyển tuyến ngay đi chứ! Tôi đã nghe người nhà bé Thu báo rằng nếu người nhà không yêu cầu cho chuyển viện một cách khẩn trương, quyết liệt thì tuyến huyện cũng chẳng cho chuyển. Họ sợ mất mặt hơn sợ bệnh nhân mất mạng. Chỉ cần sản phụ đêm mổ đó mà không được chuyển viện tuyến tỉnh thì sẽ chết ngay vì mất máu. Trên xe cấp cứu chỉ có hai y tá đưa đi!? Hỡi ơi! Tôi thực không hiểu nguyên nhân khan hiếm bác sĩ hay sao mà nguyên tắc đưa bệnh nhân đi chuyển viện cấp cứu có bao nhiêu bác sĩ, y tá đi theo mà cũng không rành? Ngay cả kiến thức truyền máu bịch không cầm thì phải dùng máu tươi chuyền vì máu tươi chứa chất chống loãng máu cũng chẳng biết thì làm bác sĩ cái gì! Bác Quang nghĩ sao nếu nói là do bên gây mê thiếu trách nhiệm?

Quang lắc đầu:

– Hậu sản sốt với vết thương không lành có mủ nói chung là hiện tượng nhiễm trùng nội. Có thể từ một ổ nhiễm trong cơ thề, tụ cầu khuẩn theo bạch huyết cầu và đường máu; có thể do nhiễm trùng ngoại qua các vết thương và theo quá trình mổ đi vào cơ thể bệnh nhân. Tuyến huyện thường bị dính vào nhiễm trùng ngoại 90% vì điều kiện tiệt trùng chưa được coi trọng. Bệnh nhân nếu sau khi mổ lâm vào tình trạng đau đớn hay mê man thì mới là do khâu gây mê yếu liều thuốc hay quá liều gây thiếu oxy trong não hoặc những trường hợp khác. Bởi vậy, nước ngoài, bác sĩ luôn luôn kiểm tra kỹ tuổi tác, cân lượng để đưa lượng thuốc vào cơ thể bệnh nhân cho thích hợp.

– Khâu chuẩn bị mổ lấy thai… yếu quá!

Chị nói trong cơn thất vọng:

– Nước ta, trình trạng các dân quê dạng mổ bò, mổ heo mà còn “lành tay” hơn các cô cậu ông bà bác sĩ thiếu kiến thức y khoa nhưng thừa kinh nghiệm chạy chọt mới lọt vào trường y khoa mà mang dao mổ cứu người thành… giết người! Hy vọng may mắn, lần này, chúng ta sẽ không để bé Thu thêm một nhiễm trùng ngoại khoa nữa sau hậu phẩu. Tôi thật không dám khẳng định nhưng tôi tin con người cũng có mạng số đấy! Tôi cũng chưa quả quyết chắc chắn nguyên nhân nhiễm trùng chính. Nếu lần này, chúng ta mổ theo phương pháp chúng ta sẽ làm mà thành công, tôi mới có thể khẳng định tiếp theo vì sao bé Thu nhiễm trùng vết mổ lấy thai nơi ổ bụng. Điều tôi muốn nói với anh chị em ở đây là chúng ta đang tiến hành một ca cứu người mà người đó chỉ là một thiếu nữ 19 tuổi! Một bệnh nhân rất trẻ. Cô bé rất đáng được cho chúng ta cứu sống từ trong cõi chết!

Mọi người im lặng. Họ như hiểu thấu lời vừa răn đe vừa đánh động tư tưởng của vị bác sĩ trưởng khoa sản. Chị sẽ cầm dao mổ chính. Thế nhưng, một mình chị thì làm sao có thể cứu sống một mạng người mà không cần các bàn tay từ mẫu khác giúp chị bằng trái tim! Điều này có nghĩa là thành công của chị cũng chính là thành công của lương tâm tập thể! Nó đúng với tất cả trường hợp trước khi xung trận, đại nguyên soái hay tổng tư lệnh quân đội lúc nào củng có lời “phủ dụ” chân thành để động viên, khuyến khích người ra trận phải biết mục đích tiến tới của mình phục vụ, hiến thân, hy sinh là ở chỗ nào? Lợi ích cho ai?

Sau hội chuẩn, Quang đi tới phòng cô bé và dặn người nhà:

– Đừng cho cháu ăn, uống gì sau nửa đêm nhé! Ngày mai, cháu sẽ mổ lại.

Thấy người nhà con bé ai cũng mất hồn và bật khóc sau hai tiếng “mổ lại”. “Mổ lại là chết còn gì!”. Quang phải an ủi:

– Không sao đâu! Chúng tôi làm hết cách cứu cháu mà. Lo tiền chạy cho cháu đi. Tốn kém lắm đó. Thuốc chích kháng sinh mạnh ba trăm rưỡi ngàn mỗi lọ, chích liên tục trong nửa tháng. Nếu không có tiền thì cháu coi như trị dài hạn bằng thuốc trụ sinh thường nhưng khá nguy hiểm.

– Dạ! Tụi em ráng kiếm tiền chạy cho cháu. Trông chờ phước ông bà thôi anh ạ!

Khi Quang vào thang máy, anh gặp chị trưởng khoa sản cùng vào. Anh bày tỏ đều băn khuăn của mình:

– Nhưng tôi cũng hơi lo lắng là nếu lần này dùng kháng sinh quá mạnh, sợ lần sau, vi trùng kháng thuốc thì khó mà dùng kháng sinh chữa bệnh cho cháu!

– Biết vậy, nhưng chúng ta không nghĩ ra cách nào khác!

Hậu phẩu. Ca đặc biệt: Trần Anh Thu

Các bác sĩ chính và phụ cùng êkíp mổ bao gồm các khoa gây mê, khoa sản, khoa ngoại tổng hợp, các học sinh tập sự có mặt đều mặc quần áo hấp, đội mũ che hết tóc và mang bao che mặt Mask có khí thở khi bước vào phòng mổ. Họ rửa tay thật kỹ càng ít nhất 5 phút bằng Chlorhexidine – một chất khử trùng hóa học dùng khử trùng và diệt khuẩn. Không khí im lặng thích hợp cho một ca mổ sắp bắt đầu. Bệnh nhân được vệ sinh bằng thuốc dung dịch diệt vi khuẩn, và dung dịch Povidone-iodine (PVPI). Quang trực tiếp gây mê tĩnh mạch cho bé Thu. Anh cẩn thận liều lượng vì đã có không ít trường hợp tiêm thuốc mê quá liều nên bệnh nhân… đi luôn. Con bé khép mắt lại. Nó từ từ đi vào giấc ngủ vài tiếng đồng hồ… “Không biết, ông nội có tới thăm nó hay không?”.

Vải che đúng kỹ thuật không phủ ngoài vùng mổ được trải ra. Phẩu thuật viên là bác sĩ trưởng khoa sản, mang hai bao tay thận trọng bước lại. Cả phòng như nín thở. Chị rạch một đường theo vết mổ cũ. Máu và mủ bắn tung tóe trên người chị khiến ai nấy kinh hoàng! Mổ ra đoạn nào, chị cô lập đoạn nấy tránh dây trùng nhiễm khuẩn lần nữa. Vùng nhiễm trùng sưng tấy, đỏ thẩm. Máu bầm đen ứ chung quang thành tử cung. Chị khéo léo mở một tạng mỏng chung quanh. Chừng một lúc, chị lui ra thay áo và bao tay rồi tiếp tục với ca mổ hậu phẩu mà chị than thầm là chưa bao giờ nặng như thế trong cuộc đời làm bác sĩ của chị. Vạch ngang tử cung được rạch ra. Chị toát mồ hôi hột. Toàn bộ vùng bụng như bị hoại tử hết. Khả năng lây lan rộng không còn bao lâu nữa. Chị nạo vét từng chút một và nhiều khi chị thấy sây sẩm mặt mày! Bộ phận tim mạch, thở oxy… vẫn chăm chú theo dõi bệnh nhân có bị hạ huyết áp hay không? Nhiều trường hợp bệnh nhân hậu phẩu đã chết ngay trên bàn mổ lần thứ hai. Với con bé này, chị… cầu may là chính! Một mạng người thì phải cứu lấy nhưng biến chứng nặng nề quá như vầy thì chỉ còn chờ… trời cứu. Mọi việc mất tới bốn tiếng đồng hồ chỉ để nạo vét từng mẩu để lấy cho hết những tế bào hoại tử do vết mổ đã nhiễm trùng nặng của bác sĩ tuyến huyện. Sau khi rửa sạch vết mổ, chị đóng vùng bụng bằng steri-strisps. Biểu đồ thở của bệnh nhân vẫn đều đặn vạch những đường lên xuống. Kíp mổ thở phào! Quang nhìn chị. Chị cười yếu ớt, nửa đùa, nửa thật:

– Cháu khỏi tay tử thần hay không, phải coi đức của… bác Quang!

Quang… ú ớ…

Phòng Hồi sức.

Quang tới thăm “con cháu” thường xuyên. Anh theo dõi những đường dây đo đạc huyết áo, nhịp thở và tim. Anh bảo người nhà:

– Đừng lo lắng quá! Cháu đã qua nguy kịch rồi. Bác sĩ đã bơm thuốc giảm đau vào cho cháu. Băng dán tự tiêu sau một tuần lễ đến mười ngày thôi. Ngày mai, cháu sẽ chuyển qua khoa sản. Chị chăm sóc cháu cẩn thận là được. Bác sĩ khoa sản sẽ chỉ dẫn người nhà cách thức giúp cháu sau khi về nhà. Chồng cháu đâu? Sao chỉ thấy có hai chị em đây trực miết vậy?

– Chồng nó ở nhà.

– Ở nhà? Vợ mổ gần chết mà ở nhà à?

– Nó còn nhỏ lắm. Biết gì đâu!

Nghe tiếng than của bà cô họ. Quang không hỏi nữa. Anh căn dặn vài điều rồi đi ra. Các điều dưỡng viên nhìn theo: “Người nhà của bác, hèn chi bác tới hoài!”. Người nhà bệnh nhân khác buột miệng: “Không phải người nhà bác sĩ thì chắc… xong!”. Không ai buồn nói theo vì chị ta không nói, người ta cũng biết ở bệnh viện phải có những thủ tục gì và như thế nào rồi! Chị ta nói xong thì cũng lo mà kiếm chỗ nằm nghỉ cho hai con mắt như hai cái hố khép lại một chút. Chiếc chiếu rách tập thể bay mùi nồng thuốc hôi tanh. Tiếng ồn ào. Chân bị người này đá, người kia đạp. Có người chạy theo bác sĩ… dấm dúi vào túi áo… Ai mà chẳng mong cho thân nhân của họ thoát khỏi tử thần, thương tật. Bệnh viện ồn ào, tanh bông băng. Vậy mà những người nuôi bệnh nhân, họ vẫn ngủ ngon lành. Giấc ngủ ngon như chưa hề có được trong đời. Người cha đang cúi đầu đau khổ vì vô phương khi nhìn thằng con trai đi núi bị rắn hổ gầm cắn ba ngày chưa tỉnh! Sáng ra, kẻ nào đó trong đêm đã cuỗm của những người khốn khó những cái phôn di động, những đồng tiền vét cả gia tài lo chữa bệnh cho thân nhân. Coi như người này mất thì kẻ kia được lại diễn ra tiếp tục khắp nhân gian!

Mười ngày sau. Tử thần chạy mất. Bệnh nhân 19 tuổi hậu phẩu được xuất viện. Đêm ấy, trời đổ mưa. Quang không hiểu sao thấy hai mắt nặng trĩu. Thức đêm trực đã quen, anh làm gì mà buồn ngủ đến vậy. Chống không nổi, anh bỏ mặc vợ con, chìm vào giấc ngủ.

– Cám ơn anh, anh bạn trẻ!

– Cám ơn gì cơ?

– Cám ơn đã cứu sống cháu gái tôi! Nhận ra tôi không?

Quang bàng hoàng… Anh giật mình tỉnh giấc. Bên cạnh, vợ con anh vừa chìm vào giấc ngủ. Họ làm sao thấy được một bóng hình từ giấc ngủ của anh đã đi ra!

Quang thức luôn vì câu nói của ông già trong giấc mơ. Ba năm trước quay lại trong anh một mùa mưa kinh khủng…

Một tháng sau.

Anh siêu âm con “cháu” và thấy dấu hiệu đáng mừng: Vết mổ kéo da non. Quang đi công tác tuyến huyện nên sẵn dịp, anh ghé thăm người “cháu bất đắc dĩ” ấy. Nhà cô bé ở vùng thôn dã theo lời hướng dẫn của ba nó. Quang lại theo con đường ba năm trước để rẽ vào thôn xóm ngày nào. Vẫn con đường làng quê xanh um cây trái ấy. Vẫn con mương đầy nước chảy xuôi về biển mặn. Con mương này, anh từng suýt đâm xuống trong một đêm mưa tơi bời hoa lá. Vẫn hàng tre um tùm không thấy ngõ này tới ngõ kia. Anh nhớ tới người đàn ông dẫn đứa cháu trai kéo chiếc xe của anh trong đêm mưa. Anh nhớ tới người đàn bà bồng đứa bé mà anh đã nhường áo mưa trong đêm mưa gió.

Anh dừng trước mương nhỏ. Tiếng chó sủa om sòm làm anh thấy vui vui. Không khí thôn quê nhẹ nhàng có khác! Ba mẹ bé Thu và bé Thu bồng con đón chờ anh.

– Cháu chào chú!

– Cháu thấy khỏe hẳn chưa? Ô! Bé kháu quá! Chắc bà ngoại khéo nuôi đây.

– Dạ, cũng đỡ nhiều chú à! Dạ, má cháu và bà cố ngoại trông nôm. Cháu chỉ bồng được một lúc thì mỏi tay rồi!

Thấy mọi người rôm rả, Quang hỏi người cha:

– Nhà ăn mừng cháu phải không em?

– Dạ, hôm nay cũng đám giỗ má em. Sẳn dịp, mừng con em sống lại. Em cám ơn anh và mấy bác sĩ… Anh ngồi chơi!

– Có gì đâu!

Anh ngồi xuống ghế nhìn ra vườn cây xanh xanh mà thoáng chạnh lòng.

– Uống nước anh Quang! Nhà tụi em chẳng có gì. Anh dùng ít trái cây cho vui. Cây nhà lá vườn, tụi em trồng nên không bơm hóa chất đâu!

Quang bật cười. Anh chỉ sang nhà phía trong:

– Tòa nhà to kia của ai vậy?

– Ạ! Nhà ba má em đó mà!

Quang giật mình. Anh hỏi dấn tới:

– Vậy hai bác? Hai bác…

– Ba má em mất lâu rồi mà anh! Ba em mất, coi… 40 năm rồi anh. Má em mất khoảng 21 năm!

Quang như ngồi trên ổ kiến lửa. Người anh cứ muốn sốt lên. Ba bé Thu như không nhìn ra dấu hiệu lạ lùng trên người anh. Anh ta huyên thuyên:

– Nhà đó không có ai ở hết. Anh ra đây chơi chút với tụi em. Em cúng má em ở ngoài mả trong vườn.

Quang đi theo ba bé Thu lần theo ra đằng sau khu vườn. Một công viên… nhà mồ, lần đầu tiên, anh được trông thấy. Giàn hoa giấy đỏ ôm hết lấy mái che ngôi mộ. Hoa Thạch Thảo màu xanh tím nở ngan ngát hương. Những chùm hoa trắng li ti chung quanh ngôi mộ như muốn nhắc nhở về một thế giới chia đôi! Còn hoa hồng thì đã vào tàn cuộc. Anh nhớ lại có những lần, anh muốn tặng cho cô bạn học một đóa hoa hồng nhưng chưa kịp tặng thì họ chia ly. Quang chưa định thần. Anh muốn hỏi một người nhưng chưa kịp hỏi thì ba bé Thu nhanh miệng:

– Chị lớn em xây mồ đấy. Hai cái mả này của ba má em. Còn cái mả con này là thằng bé con chị Hằng.

Quang lùng bùng lỗ tai. Mắt anh mờ theo ngọn lửa mà ba bé Thu vừa đốt vàng bạc vừa phân bua:

– Ngày mai mới giỗ chính. Chị Hằng nói đốt hai ngày cho ba má em có tiền xài và giúp cho cô hồn các đẵng cô đơn bóng chiếc có chút đỉnh tiêu.

Mắt Quang như sập theo đóng lửa đang bốc cao trong gió. Trong đống lửa có người đang cầm xấp tiền rãi vào khoảng không: “Hãy nhận đi những linh hồn oan ức! Ta nhận tai họa trong gia đình dòng họ Trần để hóa giải mối oan tình ngày xưa cha ông ta đã gây ra cho dòng họ nhà Lý các ngươi. Lời nguyền của Lý Huệ Tông trút vào dòng họ Trần Thủ Độ xin được hóa giải ngày hôm nay. Từ nay, sau đứa cháu bị nạn này, các con cháu nhất là các cháu gái của dòng họ Trần Thủ Độ sẽ không bị mắc vào lời nguyền của dòng họ Lý Huệ Tông. Họ sẽ không phải bị đau đớn vì sinh đẻ. Họ không phải tuyệt tông, tuyệt tự vì lời nguyền. Ta đã tu bao nhiêu kiếp. Ta hóa thân vào trụ trị một ngôi chùa để tịnh độ chúng sinh. Ta hóa thân vào những người đi cứu người để hóa giải lời nguyền. Oan nghiệt tiêu tan. Ai làm nấy chịu! Hồn oan họ Lý mau giải thoát mà đầu thai kiếp khác!”.

“Gâu! Gâu! Gâu”! Tiếng chó sủa và tiếng gọi của ba bé Thu làm Quang sựt tỉnh. Anh nhìn quanh ngôi mộ tro tàn khói tỏa mà rùng mình. Anh ráng hết sức can đảm bước tới thắp mỗi phần mộ ba cây nhang rồi anh chào hết mọi người trở về với cái mặt như trúng gió. Anh chạy thật nhanh như cố tránh một chuyện gì kinh khủng đã xảy ra trong anh lâu lắm rồi mà anh chẳng nhận ra.

Tới bệnh viện, công việc đầu tiên của anh là chạy bủa vào khoa cấp cứu:

– Bác sĩ Quân! Đêm cháu Thu chuyển xuống này, ai đã tới báo nó là cháu tôi vậy?

Quân ngạc nhiên:

– Vậy không phải sao?

– Trả lời đi mà!

– Một ông già tướng tá rất sang trọng.

– Ông tên gì?

– Bác như… bị cái gì ấy nhỉ? Tôi đâu có hỏi tên làm gì chớ! Tôi nghe người nhà của bác chuyển xuống cấp cứu rất nặng nên lo mọi thứ cho cháu liền. Có chuyện gì vậy?

– Ơ không! Vui miệng hỏi chơi chút mà!

– Vậy cứ tưởng… điên!

Quang quay đi nhưng nghĩ sao, anh quay lại:

– Ông ấy đi với ai?

– Hỏi nữa! Tôi có để ý đâu!

Cô y tá đứng gần cửa mau miệng:

– Hôm ấy, em trực nữa mà. Ông ấy đi với một bé trai!

– ???

Quang thất thần. Anh quay quả đi như nhảy. Mọi người nhìn theo, há hốc:

– Bác ấy nay sao ấy nhỉ?

Quân nhún vai: “Có lẽ nó gặp… ma!”.

Quang lao vào thang máy như… chạy trốn. Anh chạy tới phòng trực của anh là ngã lên chiếc gường, nằm ngửa, thở gấp! “Chết lâu lắm rồi ư? Sao mình mới gặp có ba năm mà lại chết lâu rồi? Thằng bé ư? Đứa bé nằm trong vòng tay của… Trời! Ba cái mả mà bốn người là sao? Chuyện gì mà lời nguyền rủa của dòng họ Lý Huệ Tông với Trần Thủ Độ?”. Anh học sử nào có giỏi mà biết ông già trong đống lửa muốn nói tới cái gì! Hết buổi chiều. Tan ca trực, anh trở về nhà định hỏi mẹ thì điện thoại reo. Quang bắt phôn mà không đủ tỉnh táo nhìn số điện thoại. Giọng đầu bên kia ngập ngừng… xưng danh. Quang bật dậy ngay.

Quang tới quán cà phê như đã hẹn. Anh nhận ra cô bạn học ngày nào. Cô ấy vẫn như xưa: Ít nói nhưng hay cười nửa miệng. Anh không nén nổi sự xúc động của mình:

– Em… tại sao tới bây giờ mới chịu xuất hiện? Trông em như bé con ngày nào! Uống gì anh gọi cho?

– Vẫn như xưa?

– Vậy à? Anh lại không… như xưa!

– ???

– Anh trực bệnh viện nhiều đêm thức trắng nên cứ cà phê tới tấp.

Cô bạn cười hiền lành:

– Bà xã làm ở đâu?

– Bệnh viện khác.

– Vậy là khỏi phải… kình lộn hằng ngày!

– Em thiệt tình! Vẫn không thay đổi khẩu khí.

– Anh có vẻ mệt mỏi phải không? Có phải vì chuyện bé Thu?

Quang ngớ người.

– Con bé bị mổ sản, đêm hôm nó sắp chết vì mất máu là em gọi điện thoại nhờ người xin chuyển viện. Ai biết anh làm đó đâu!

– !!?

– Đêm đó, tự nhiên, em không ngủ được. Trời cứ sấm chớp hoài. Em… ngứa miệng “phang” về thì đúng phóc.

– !!?

– Anh bị gì vậy?

– Anh? Hơi bị….xốc?

– Xốc… thuốc mê chính anh thì có! Em tính kiện mấy bác sĩ dỏm nhưng có biết bao gia đình bệnh nhân kiện thưa rồi, ăn nhằm gì đâu. Vài triệu thảy ra thì xong! Nghĩ lại thì cũng một phần do số mệnh của nó. Trên đời này, có cái gì mà vẹn toàn. Vợ chồng không thương nữa thì đến lúc thành kẻ thù. Bác sĩ mổ không cứu bệnh nhân thì bệnh nhân chết!

– Anh muốn hỏi em…

– Hỏi đi? Chồng con phải không? Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi! Nghề ngỗng thì… cu ly vác gạo bến tàu!

– Em cứ chận họng anh hoài! Cái tính ngang xương không ai trị nổi!

Cô bạn cười to.

– Em có thằng nhỏ bỏ cho ngoại phải không?

Cô bạn sửng sốt nhìn anh. Khó khăn lắm, cô mới nghẹn ngào mở khẩu:

– Phải, nhưng bỏ hai đứa lận!

– A! Anh xin lỗi!

– Lỗi gì?

– Khơi lại nỗi buồn cho em.

Cô bạn anh phá lên cười. Chưa bao giờ, anh nghe có giọng cười nào mà “man rợ” như thế! Cô lạnh lùng:

– Buồn đã thành món ăn hằng ngày thì vui cũng là nước uống hằng đêm. Mà anh có chuyện gì?

– Chỉ tò mò vì anh mới lên nhà em. Nhà xây hồi nào?

– Năm 2001.

Quang lẩm nhẩm: “2001, mình lên nhà 2005, vẫn thấy cái nhà cũ… trời ơi!”.

– Anh sao vậy?

– Anh đâu có gì? Chắc tại bị rượu chóng mặt.

– Đang uống cà phê mà rượu gì vào đây?

– Em có tin rằng trên đời này có… ma không?

– Tin và không tin!

– Trả lời cũng bằng không!

– Em cũng chẳng tin là hôm nay, anh không có đầu óc tỉnh táo để nói chuyện với bạn bè!

– Anh tỉnh mà!

– Xạo! Anh nói chuyện như người cõi trên! Em ngu dốt không sao hiểu nổi!

– Đừng xỉa nữa mà! Vậy thì như thế này nhé: Em bỏ hai đứa nhưng anh chỉ thấy ba cái mộ rất đẹp và rất ấm cúng của ba má em và thằng con em.

Cô bạn buồn buồn:

– Em bỏ nó bên này.

– Vì sao?

– Vì bác sĩ kiểm tra khuyên rằng nên bỏ đi vì thai nhi mắc bệnh Down Syndrome. Em không can đảm bằng những người mẹ đã nuôi con với chứng bệnh đó. Thật hổ thẹn.

– Em quyết định rất đúng đắn vì để nó sống trong bệnh tật thì khác nào bắt nó sống không bằng chết?

– Em không biết mình làm đúng hay sai nhưng em biết mình ích kỷ, không dám đối diện với sự thật. Những bà mẹ sinh con khuyết tật hai đầu, bốn tay… vẫn kiên cường nuôi con ăn học đàng hoàng. Khuyết tật cũng chữa được đấy thôi. Em đi chợ, thấy những người bệnh Down đứng làm công mà nghĩ tới đứa bé mà chảy nước mắt. Tổ chức quốc tế “Concerned Woman of America – CWA” đã có dự án giảm phá thai khi biết con mình mắc bệnh. Anh cũng biết là thử nghiệm, vẫn có kết quả sai lầm của khoa học. Nhiều khi, mình nghe lời bác sĩ mà giết con mình oan ức! Bà ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng Hoà, Sarah Palin, nữ Thống đốc bang Alaska cũng nuôi đứa con út bị bệnh này.

– Việc tranh cử ở Mỹ thế nào?

– Em chẳng quan tâm. Ai lên làm Tổng thống thì em cũng chỉ đêm lo lắng chiến tranh, ngày lo leo thang của vật giá. Nhưng lần đâu tiên, Mỹ có ứng cử viên Phó Tổng thống là nữ. Cơ hội thắng cử của liên danh Jonh McCain – Sarsh Palin (một già một trẻ) với liên danh Barack Obama – Joe Biden (một trẻ, một già) đối nghịch có chiều hướng đi lên. Có thể nếu không đụng tới tiền bạc quyết định, liên danh đảng Cộng Hoà đỏ sẽ thắng liên danh đảng Dân Chủ xanh. Bà Thống đốc bang Alaska “sạch sẽ’ trong lý lịch nhiều hơn các vị ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống nói trên. Liên danh của họ cũng không “hèn” hơn cách thức moi móc thư rác của bà Pakin của liên danh Obama để hạ thấp vai trò của người đàn bà 44 tuổi này. Các đài báo đăng tin việc Dân biểu đảng Dân Chủ, ông Charles Rangel, người Mỹ gốc Phi của New York miệt thị Thống đốc Sarsh Palin. Ông nhiếc bà là người “disabled’ là tàn phế vì bà có đứa con tâm thần. Từ này, người ta thường dùng cho những quân nhân Mỹ bị cụt tay, cụt chân. Một lời nói mất hết tính người mà cũng dám nói ra! Đó là hành động hèn hạ, phản lại tất cả tình thương cao cả của Thượng đế và giá trị con người trong mối quan hệ bình đẵng theo Hiếp pháp Hoa Kỳ. Phản lại những điều mình từng tuyên thệ là hành vi thiếu văn hóa, vô lương tâm. Anh thấy không?

– Làm sao thấy?

– Hùm! Muốn phe mình thắng, muốn mình được trọng dụng mà không dùng tài trí mà lại dùng lời hay hành động hạ cấp để phỉ nhổ đối phương là phi quân tử! Hành trình tới cương vị một Phó Tổng thổng của Palin như đã gián tiếp nói rằng: Mỹ đã biết tới giá trị của người phụ nữ trong cương vị lãnh đạo quốc gia từ khi nhận ra sự thất bại của bà Hillary chỉ là sự thất bại của nền dân chủ chỉ biết tiền bạc, lợi nhuận và trọng nam. Ai biết đâu rằng, nếu McCain “đột tử” giữa nhiệm kỳ, dĩ nhiên, Tổng thống của Mỹ sẽ là bà Palin. Việc này hấp dẫn như Hillary Clinton tranh chức ứng cử viên Tổng thống vừa qua vậy. Tất nhiên, bà Palin chưa thể sánh với bà Hillary về tài trí và thông minh.

Quang chăm chú nghe. Anh nhớ lại rằng cô bạn anh luôn xuất sắc về lập luận:

– Em làm nghề… thầy bói chắc hốt bạc! Làm luật sư thì… bị cáo hết thuốc gỡ! Obama đang thất thế à? Lần trước nghe nói ông ta nhiều cơ hội làm Tổng thống Mỹ?

– Obama không mời Hillary vào liên danh là một sai lầm lớn. Ông ta mất hết số phiếu khổng lồ từ Hillary. Tự tin đến cuồng ngạo là thất bại cho những ai mộng tưởng lớn lao. Trừ phi… có một phép nhiệm màu nào đó! Ai có chính sách làm cho nền kinh tế Mỹ từ con số 0 lên 100 thì người đó sẽ được bầu làm Tổng thống. Phép màu là đấy!

Nghe nhắc tới hai chữ “nhiệm màu”, Quang trở lại vấn đề quan trọng của anh:

– Em nói em bỏ một đứa nữa phải không, năm nào?

– 2004!

Quang lại lẩm nhẩm: “2004, mình năm 2005 đã gặp người đàn bà ẩm đứa bé có thể chỉ mới một tuổi?!!” Anh thất sắc lần nữa!

– Thôi, tối mai gặp lại. Anh về nghỉ cho khỏe đi. Nhìn bản mặt… xương xẩu của anh, em cũng… hết muốn nói chuyện!

– Ừ! Chúc em ngủ ngon!

– Trời ơi! Mới 7 giờ tối mà ngủ cái gì!

Quang tiễn cô bạn đi xong, anh phóng xe về nhà.

Mẹ anh đang ngồi chơi với hai đứa con anh. Quang xà lại gần mẹ vừa ôm hai đứa nhỏ vô lòng:

– Cho ba nói chuyện với bà nội chút, ba thương!

Chúng nó chạy lên lầu. Bà nội nhìn thằng con:

– Có chuyện gì nữa hả con?

– Ba đang ngủ hả mẹ?

– Ngủ tốt nhờ mấy lọ thuốc của con chích ấy.

– Mẹ à! Mẹ có nghe về Trần Thủ Độ hay Lý… Lý Huệ Tông gì đó không?

Người mẹ ngạc nhiên nhìn con:

– Lâu lắm rồi, hình như các con đã không còn nhớ lịch sử nước mình?

– Thì mẹ thông cảm! Lo chuyên môn còn không xong, xảy ra chuyện gì là chết người. Lịch sử hãy để cho mấy đứa trẻ nó học cho đủ điểm thi là được rồi. Mẹ nói đi!

– Trần Thủ Độ là Thái sư nhà Trần. Đại khái thế! Ông ta vì muốn tiếm ngôi họ Lý nên ép Lý Chiêu Hoàng – con gái út của vua Lý Huệ Tông mới 7 tuổi gả cho Trần Cảnh 8 tuổi rồi bắt nhường ngôi cho chồng. Ông lấy vợ Huệ Tông tức là Trần Thị Dung cũng chị họ ông.

– Sao nữa?

– Để mẹ nhớ. Hình như sử chép rằng Lý Huệ Tông buồn bực mới đi tu. Trần Thủ Độ vì muốn bảo vệ ngôi tông họ Trần nên lập mưu đào hầm chôn sống họ Lý. Lý Huệ Tông tu ở chùa đang nhổ cỏ thì bị Trần Thủ Độ nói bóng rằng: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Ông ta hiểu ý mà thắt cổ tự tử.

Thấy mẹ dừng chỗ này, Quang sốt ruột:

– Còn gì nữa không?

– Sử chép tới đấy thì thôi!

Nhìn mặt con thất vọng, bà chép miệng:

– Nhưng nhân gian thì truyền rằng: Trước khi Lý Huệ Tông thắt cổ, ông ta nhìn trời nguyền: “Dòng họ TrầnThủ Độ từ nay, con trai thì tuyệt tông, con gái thì tuyệt tự. Sống đau khổ thân xác, chết mồ mả không có đất chôn“. Thầy trụ trì chùa đó là họ Trần. Ông ta thấy Lý Huệ Tông mắc oan nghiệt thương tâm mới nguyền rủa nặng nề vậy, mới đem lòng trắc ẩn. Ông ta tiếp theo một lời giải: “Dòng họ Trần gây tai ác chỉ mình Trần Thủ Độ thì con cháu bị oan nghiệt nhưng Trần Thủ Độ có công với đất nước, vậy xin cho con cháu gánh nạn tới tám thế kỷ thì thôi. Con cháu họ Lý vì lời nguyền rủa của cha ông cũng phải bị gánh vạ này. Họ phải là người tạo phước trong dân gian, nếu không, dòng họ cũng tuyệt tông, tuyệt tự“. Nói xong, ông lấy bảy nắm gạo, bảy nắm muối rãi lên trời. Trời đang nắng thì nổi mưa. Lý Huệ Tông đã chết!

Quang há hốc mồm. Anh như đang lang thang trên mây. Chợt nhớ ra một điều, anh hỏi mẹ:

– 44 năm trước, mẹ sinh con ra như thế nào?

Bà mẹ hoảng hốt thật sự. Bà chìm trong quá khứ một lúc lâu rồi mới nói:

– Lẽ ra, mẹ không thể nói cho con điều lo sợ của mẹ suốt 44 năm nay.

Bà kể cho con về một đêm rằm tháng Tư… khi người mẹ này sinh đứa con trai thì mẹ kia cũng sinh con gái…

Quang hỏi chị bác sĩ khoa sản sau giờ làm việc:

– Chị họ Lê hay Lý?

– Sao… đồng chí hỏi kỳ quá hà? Họ Lê.

– Vậy hả?

– Nhưng mẹ nuôi chị nói mẹ ruột không hiểu sao đã cho chị trong một nhà hộ sinh. Mẹ nuôi chị nói rằng trong giấy tờ ký cho, bà ký họ Lý. Không biết là ba hay mẹ họ Lý? Chị đâu có cha!

– Ồ! Thật thê thảm! Cám ơn chị Lý Thu Tâm.

– Trời! Bánh vẽ gì nữa đây?

– Tháng trước lúc hội chẩn, chị nhắc tới bà mẹ nào bị mổ, thai nhi chết, ra nước ngoài mới sinh con được đó?

– Trời! Lúc đó, bác đang… ăn vụng à?

– Có ăn cũng đỡ!

– Trần Thu Hằng! Bồ cũ hả?

Chị đía cho vui, còn Quang như trúng tên. Cả hai … cười trừ. Quang bây giờ mới biết bác sĩ trưởng khoa cũng chỉ bằng tuổi mình. Hai người được sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùng nhà hộ sinh. Anh đi về phòng. Anh gọi cho cô bạn: “Em có mấy người chị? Con cái họ khỏe chứ hả?” Chẳng biết bên đầu dây nói gì mà anh mất hết xương sống!

Chị về căn nhà cũ thăm mộ ba má và con. Những món đồ chay mà “tưởng mặn” được bày trên bàn cúng làm chị bực mình. Chị chuối chát:

– Đã ăn chay còn bày ra tưởng tượng đó là thịt gà xé phay, thịt heo quay, gà ướp sả ớt, canh ổ qua nhồi thịt, tôm hỏa tiễn… thì tu hành, tu tâm cái gì! Muốn thì cúng người chén cơm trắng với chén xì dầu, còn ăn mặn thì làm 7 mâm, 10 cỗ mà ăn cho thỏa thích! Tu hành với tu tiên con khỉ! “Một cái giá bằng ba cái đấm”. Người đàn bà nghèo khổ không có tiền mua gạo cúng chùa mới đi mót từng hạt lúa sót lên cúng Phật. Phật nhận lễ ngay. Ăn chay thì ra ăn chay. Ăn chay mà theo kiểu này thì một là mập béo vì chất dầu chiên. Hai là tâm tà mới nghĩ ra món “chay mà mặn” lừa cái bao tử nhân gian đến thế!

Mọi người cười ầm. Nhưng ai cũng công nhận chị chưa bao giờ nói… ngông, chửi… đổng mà… trật!

– Ủa? Ai phủ áo mưa trên mộ em chi vậy?

– Tụi em cũng chẳng biết. Tự nhiên thấy trên mộ thằng cu có cái áo mưa nên để luôn.

Chị cúng mả xong, ngồi thẩn thờ một lúc định lấy cái áo mưa cất nhưng không hiểu sao, chị phủ lên mộ con: “Cho con ấm trong mùa đông”! Những con bướm chao qua, chao lại trên cánh hoa chuồn chuồn lơ thơ sao mà nhẹ nhàng quá thể. Chị chạnh lòng, mong ước ngày nào đó, hồn mình cũng phiêu diêu một nơi nào không có chiến tranh và lòng hận thù thế kỷ! Chị nghĩ tới người bạn học ngày xưa. Anh ta giờ đã là bác sĩ! Cũng khu vườn như thế này nhưng cây cối thấp hơn, xanh hơn và ấm cúng hơn, anh đã từng cùng với chị và bạn bè đừa vui, ngồi nhìn lá rụng và hái chôm chôm… Ngày ấy, không khí vườn cây ấm cúng vì còn má. Mấy ngày nay, anh ta cứ như người mộng du… Điện thoại hỏi cũng chỉ hỏi chị em con cháu không thôi như đang tra xét việc gì! Anh ấy có phải công an, cảnh sát gì chứ? Nhà chị, con gái ai cũng mang đầy vết sẹo trong người vì mổ sản, vì mổ ruột… Có bao nhiêu loại mổ, chị em, con cháu nhà chị… lượm hết! Con cái thì sinh nhiều mà dưỡng chẳng bao nhiêu! Nhiều khi, chị rủa thẳng ông trời sao tàn ác với dòng họ chị. Điện thoại reo. Lại là anh bạn học dở hơi. Chị nghe: “Em đang ở mộ ba má và con em…. ừ, cũng rất lạ vì tự nhiên có cái áo mưa phủ lên mộ thằng bé mà chẳng ai muốn lấy nó đi kể cả em…”.

Tối hôm đó, Quang quyết định phải làm một điều gì đó mới yên lòng. Anh lấy bảy nắm gạo, bảy năm muối. Anh chờ vợ con và ba mẹ ngủ xong, nhẹ bước lên lầu. Bầu trời trong vắt. Những ngôi sao lấp lánh về khuya thật đẹp mắt. Giá như bây giờ có cô bạn học cùng ngắm sao trời thì hay biết mấy! Nhưng những giọt mưa lại lất phất rơi… Anh còn một nhiệm vụ thiêng liêng phải làm. Anh thầm thì một hồi rồi tung tất cả nắm gạo và muối lên không. Anh tin rằng từ đây, hai dòng họ Lý – Trần sẽ không có lời nguyền nào chen giữa. Ngày mai, thế nào cũng có khối người la làng: “Mấy đứa nhỏ ôn dịch nào rắc muối, gạo đầy đường” cho mà xem. Dĩ nhiên, anh… nín!

Sáng mai, anh mở mắt, một mẩu thư đặt trên bàn. Chắc vợ anh cài lại cho anh trước khi đi làm. Cô ấy đi sớm chở con đi học. Anh mở ra:“Em đi nhé! Tự nhiên, em cảm thấy lòng mình thanh thản. Có thể là vì em đã gặp anh. Có thể là vì mình vẫn chỉ là bạn bè. Em đã từng tiếc rằng đã không có cơ hội nói với anh những gì thiêng liêng nhất. Nhưng em đã nhận ra, giữa chúng ta, tình bạn bè tốt hơn…Phải không anh? Nếu có duyên phận, chúng mình đã đến với nhau từ lâu. Em đã nói thật những lời này với bà xã anh. Cô ấy là người vợ tuyệt vời: Không ghen với bạn gái của chồng. Không tò mò chuyện quá khứ của chồng. Em rất vui khi thấy anh có người bạn đời hiểu biết. Vội quá! Em không thể cùng anh có thêm một đêm người ly cà phê, người ly chanh muối vào ngày mai. Thôi đành tạm biệt”.

Quang bần thần. Cảm giác những vụ việc ly kỳ đã ám ảnh anh hết thời gian dành cho cô bạn gái ngày nào. Anh vừa giải nó xong thì cô ta lại đi rồi! Phải chăng là số phận hai dòng họ như anh đã nói? Có thể là vì hai dòng họ này đã từng có quan hệ anh, chị em với nhau từ thời Trần Thủ Độ lấy chị họ Trần Thị Dung? Chúng ta không thể nào lập lại. Mãi mãi không thể nào lập lại!

Chuông reo. Anh ra mở cửa. Một tập hồ sơ từ khoa Gây mê trường Đại học Y khoa Huế chuyển về: “Gởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lý Huệ Quang”.Anh mở thư riêng đọc xong rồi cầm mẩu thư của cô bạn gái và tập hồ sơ trên tay như đong đo. Anh nói thầm: “Vậy là ngày mai, anh cũng phải đi công tác xa. Anh dự định ngày mai, như ngày xưa từng dự định sẽ tặng em một bông hoa hồng vào ngày em sinh nhật. Nhưng ngày sinh nhật của chúng ta là một tối trăng rằm cũng qua lâu rồi phải không? Anh đành tạm biệt em, Trần Thu Hằng”.

Cơn mưa tháng chín trở về trên khóm trúc trước nhà. Hoa cúc mùa thu sũng nước cũng vàng rực góc sân. Cơn mưa làm trôi tan những phiền muộn trong anh. Cơn mưa mùa thu sẽ làm cho mọi người đứng cùng chung chỗ nấp dưới hiên nhà. Anh tin tưởng: Cơn mưa tháng chín ngập trời xa kia cùng với tấm lòng vị tha sẽ… hóa giải một lời nguyền – một lời nguyền lịch sử!./.

Tháng 9/24/2008
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button