BÓNG MA TRÊN SÂN TRẮNG
Khu nghĩa địa Chín Khúc nhận thêm người nhập khẩu. Căn nhà dành cho người âm phủ được xây vội vàng. Người đi đốt nhang trong khu nghĩa địa chỉ tay qua cái nhà mồ mới xây. Họ xầm xì với nhau về cái chết cũng như hành trạng khi còn sống của người vừa mới mãn hạn trần gian. Dĩ nhiên, người dương gian làm biết vì lý do gì nhưng người khuất mặt biết tỏng tòng tong.
Những ngày trước đó.
Xóm nhà Việt kiều chộn rộn. Chộn rộn vì trong đám con cháu có thằng “vớ” được vợ Việt kiều. Người trong nhà cũng có 2, 3 phe… đảng như trong hệ thống các chính phủ. Đó là đảng bảo thủ, đảng… báo thù và đảng… hậu. Thằng cháu nào có biết chi đâu? Nó khờ như thằng khờ bán bánh khọt và dễ chảy nước mắt như mít ướt sút cùi. Nó được vợ thì mừng như “mở cờ trong bụng“. Thế nhưng, những chuyện mới đây của nó như khơi nưng mủ 5 năm về trước khiến nó cũng e dè với bà nội. Chừng này 5 năm trước, nó sống dở, chết dở với bà nội khi bà tuyên bố… xanh lè: “Mày lấy con Hiền là nội tự tử.” Con bồ nó đâu có làm mất lòng bà nội? Bà định kiến chỉ vì bà… nghe lời bà con dâu. Con bồ nó làm “mất lòng” con dâu bà nội chứ có động đậy tới cọng cỏ nhà bà nội đâu mà bà ghét con Hiền như kẻ thù vậy? Lần đó, nghe lời bà nội và có lý do chính đáng hơn, nó chia tay con Hiền. Sau “năm năm rồi ly biệt”, “tình cũ không rủ cũng tới“. Chúng nó gặp lại và không thể chia tay lần nữa. Không thể chia tay thì lấy nhau thôi. Nó quyết định không ngu dại thêm. Nhưng còn gia đình nó và bà nội? Ba nó cái gì cũng một thưa qua chị dâu, hai kính báo tới bà nội. Ba nó hung dữ với người trong nhà mà đối với người khác, ông cúc cung tận tụy. Bởi lẽ, ba nó có tính… “mèo mã gà đồng?” Không báo tin không được. Báo! Nói sao với bà nội? Nó mượn tạm cái gan con cóc tía để quyết định chuyện quan trọng nhất cuộc đời nó. Nó thuyết phục được ba rồi cùng ba nó về nhà báo tin này với nội một cách dè dặt:
– Con thưa với nội, tụi con muốn về từ đường lạy ông bà, lạy nội. Nội có đồng ý không?
– Hứ!
Hình như cả nhà đã bàn với nhau từ hôm qua nên người đàn bà lúc nào cũng đóng vai “chủ soái” trong gia đình cố không xen vào. Chị ta để cho mẹ chồng trả lời bằng cái miệng nhai trầu có quai nanh, răng có đanh thép:
– Mày có nhà sao không về nhà mày làm đám cưới? Nhà từ đường mà làm đám cưới là xui xẻo lắm con!
Thằng cháu nội cố giải thích:
– Dạ! Tụi con làm đám cưới ở nhà hàng nhưng tụi con muốn về từ đường ra mắt nội thôi à!
Bà nội lạnh lùng:
– Về nhà mày mà làm! Ừa mà mày lấy đứa nào?
– ??!!
Thằng Núi đực mặt ra. Bà nội nó hỏi giỡn hay hỏi thiệt? Bà dư biết nó lấy ai sao bà còn hỏi? Tuy nhiên, là một thằng cháu hiền lành, thằng Núi thật thà:
– Dạ! Con lấy con Hiền.
Bà nội “hùm” một cái. Bà khẳng định một lần chắc như đinh đóng cột:
– Về nhà mày mà cưới!
– Dạ không! Con đâu có nói làm đám cưới nhà nội hay nhà con. Con chỉ xin nội cho tụi con về từ đường thắp nhang.
– Không được!
Bà nhất quyết. Cả nhà gồm nào cha, nào bác, nào cô, nào dượng nhưng không ai lên tiếng “nói vào” cho thằng cháu. Phải chăng họ tôn kính và nghe lời bà như những đứa con, đứa dâu, thằng rể ngoan ngoãn? Nhìn ba ngồi đực mặt ra như không thiết tha với chuyện thằng con bị bà nội rút… thẻ đỏ, thằng Núi nghe tủi thân làm sao! Nài thêm không được, thằng Núi đứng dậy đi ra. Nó không biết là cả nhà tối hôm qua cùng ba nó đã có “hội nghị thượng đỉnh hàng hiên” mà người chủ sị chính là… bác 6 của nó.
*
Chuyện tối hôm qua.
Sau khi tụng hồi kinh cuối, lão bà cởi áo tràng vắt lên ghế. Người con dâu bà cũng gõ cái mõ “cốc cốc cốc” ba tiếng chấm dứt tụng niệm. Con gái bà cùng thằng rể chờ ngồi hiên tự hồi nào. Ba thằng Núi cùng chị vợ mới tậu nhưng lén lút “ăn phở bắc” trước đó, cũng vừa về tới. Hai vợ chồng đặt đít xề xuống mé hiên. Người chị dâu lên tiếng ngay:
– Chú đã nói với họ chưa?
Người em chồng vênh mặt:
– Nói liền! Sợ gì không nói!
Trước khi bắt đầu câu chuyện mà anh ta cho là rất dũng cảm của mình, anh ta xổ một tràng chửi thề rồi lớn giọng:
– Dứt khoát là không! Em nói rằng nếu tên em mà để ở dưới đít má nó là em không chịu.
– Chú làm đúng!
Người chị dâu khen tới. Cô em gái tán thưởng:
– Ông làm tui hết hồn tưởng đâu ông xìu xìu ễnh ễnh cho bả đứng trên đầu ông!
– Dễ gì mậy! Còn lâu!
– Họ nhà gái có nói gì không?
– Không đám cưới nữa!
– Vậy là mừng cho chú!
– Nhưng thằng Núi, thằng trời đánh. Tui từ nó rồi!
– Sao sao?
– Nhà gái nói không tổ chức đám cưới nhưng tùy thằng Núi muốn hay không thôi.
– Nó trả lời sao?
– Nó nói nó muốn cưới con Hiền.
Bà cô út chửi:
– Cái thằng ngu như bò. Bỏ cha lấy vợ đúng là đồ không biết lễ nghĩa!
– Để coi đám cưới nó không có họ nhà nội thử có ra đám gì không?
Người chị dâu cười tủm. Chị chàng không nói gì thêm. Chị quay sang hỏi ý mẹ chồng như tôn trọng sự hiện diện của bà. Bà mẹ chồng chùi ngổ trầu bằng ống tay áo đen thùi rồi cất giọng rỗn rãng:
– Nó cưới ai mặc cha nó, miễn nó đừng rinh về nhà đây là được. Tụi bây đửng có để ý làm gì. Thằng Bảy mày coi như khổng có nó. Nó theo bà cái kia rồi.
– Đúng là mẹ nào con nấy!
Mấy đứa cháu ngoại, nội nghe chuyện không đầu đuôi cũng đớ thêm:
– Sao anh Núi hư như vậy!
– Nó tham tiền Việt kiều!
Bà nội hứ:
– Mấy bà, mấy ông khôn thì nhờ, dại thì chịu. Đứa nào lấy tao chai dầu coi!
Bà vén ống quần lên để lòi ra một vết thương nưng mủ dài cả lóng tay vì dây thép quào trúng khi bà cố ra nhà sau múc cháo cho heo ăn và ngã bổ vào hàng rào. Vết thương này chưa lành, vết thương khác đã lộ ra khiến bà đau đớn. Bà muốn đi nằm. “Hội nghị thượng đỉnh hàng hiên” nhờ vậy mới tạm chấm dứt. Nằm trong phòng, Hường gát tay lên trán. Không nghe chồng ừ hử, chị ta quay qua:
– Anh à! Báo cho chú nó biết tin kẻo nó trách mình bỏ thằng Núi.
– Ngủ đi mà! Mai tính. Tính cả mấy chục năm nay vẫn còn tính à?
– Hứ!
Anh chồng ngáy to. Anh hiền lành đến ngu muội. Chị vợ nằm co người tưởng tượng: Thằng Núi lấy vợ Việt kiều. Như vậy, má nó có phải từ con gà bị trấn nước thành con thiên nga hay không? Bấy nhiêu đó cũng đủ cho chị chàng mất ăn, mất ngủ…
*
Đám cưới thằng Núi và con Hiền vẫn được tiến hành tại một khách sạn Sheraton 5 sao của thành phố. Cả hai cô dâu, chú rể ai cũng khen đẹp đôi ra phết. Họ nhà gái và họ nhà ngoại nổi bật trong các sắc màu: Sắc màu lương thiện. Không ai biết, thằng Núi hết nước mắt vì chuyện cưới xin. Ba nó lúc đầu “ừ”. Lúc sau, hắn nghe lời chị dâu, “lắc”! Hắn chẳng có chút nào xót thương đứa con trai phải sống thui thủi bao nhiêu năm nay kể từ khi ba má chia tay. Ba nó nói thương con nhưng nói cái miệng, ai chẳng nói được. Có lỗi với đàn gái thì mượn trầu, rượu xin lỗi chứ. Một chút lễ nghĩa, ba nó cũng sĩ diện, trọng cái tôi của mình mà chà cái tôi của họ gái xuống sình. Nó sống với má thì để tên má lên trên trong thiệp mời cưới là đúng. Nhà gái cũng thế. Ba con Hiền có so đo trên dưới làm gì? Vậy mà lúc họ nhà gái bảo rằng nếu muốn theo ý hắn, hắn lo đám cưới cho con trai đi. Hắn lại sầm mặt từ chối “Em không thể! Núi! Mày lấy súng bắn ba đi. Coi như mày không có thằng cha này”. Vậy là ý hắn không muốn con trai lấy vợ Việt kiều. Lấy vợ Việt kiều, chị dâu hắn ta sẽ phải thua kém đi. Mất… đảng bảo thủ – đảng báo thù của chị dâu là hắn mất chỗ dựa khi lấy vợ khác. Đằng nào có lợi hơn, hắn chọn. Trong gia đình bà nội thằng Núi, không bao giờ có sự hy sinh mà chỉ có quyền lợi. Sỡ dĩ bác sáu của nó giữ bà nội như báu vật chứ không cho bà nội qua Mỹ với chú út là vì dùng bà nội… hái ra tiền đô. Ngu dại gì mà cho con mồi qua bển. Thằng Núi quên phắt cái buồn tủi thiếu cha, thiếu dòng họ nội trong ngày cưới của nó. Bù lại, nó có má, có dòng họ ngoại và nhất là họ đàng gái thương yêu nó. Con gái, cháu gái người ta cũng như nó “trai chưa vợ, gái chưa chồng”. Con Hiền có đui qùe, sứt mẻ gì mà bảo nó bị họ gái dụ dỗ? Chỉ vì chúng nó thương thật tình. Bấy nhiêu đó khiến nụ cười nó bật ra đúng lúc này. Lúc MC giới thiệu hai họ, quan khách tò mò hỏi thầm nhau sao hai bên họ trai cũng như gái chỉ có mẹ chứ không có cha? Người biết chuyện rỉ tai người chưa biết. Thế là tin tức được truyền đi khắp nơi nhất là ngoài chợ sau đám cưới. Người vui nhất hẳn là cô dâu, chú rể nhưng người thấy như được mở tù thoát ngục mới chính là má thằng Núi, chị Mười Hai. Chị rưng rưng nước mắt nói với thằng con trai:
– Má chỉ trông đợi có ngày này, con sống đàng hoàng là đã trả thù cho má. Những cái người bất nhân không cần có mặt trong bữa tiệc hạnh phúc của tụi con là má hả lòng, hả dạ lắm rồi. Quên ba con đi. Đừng buồn vì ổng nữa.
– Con biết! Ông ba ổng nghe lời bác xúi bậy qúa! Má đừng nghĩ nữa bệnh quạng mệt lắm.
– Con sau này nên biết ơn tới mẹ vợ con và dì ba. Mọi chuyện khác, không cần nghe ai. Hạnh phúc của con do tụi con, do mẹ vợ con và dì ba lấy về cho con. Những người khác, họ chỉ muốn giựt khỏi tay con vì nhỏ mọn.
Quay sang chị sui, chị Mười Hai rơm rớm nước mắt:
– Em nói thiệt. Em gặp chị ba và chị Ngọc coi như em gặp… ông Bụt!
Chị nói như trời hạn gặp mưa rào:
– Em hận. Em hận đến chết cũng còn hận. Ổng đi mèo mà còn nói em gài bẫy cho ổng lấy con đó. Chị nghĩ coi, ổng không có gì chấm mút với người ta, nếu không thương, chẳng tình ý, dù có gài 1111 cái bẫy tình cũng chẳng ai làm được ổng?
– Con Mười Hai! Em đẹp hơn vợ nhỏ thằng Bảy nhiều. Sao nó bỏ em đi theo con đó?
– Trời ơi chuyện đời mà chị. Xấu nhưng có chiêu! Chị không nghe câu đó à? Bây giờ, chuyện đổ bể ra mới thấy ổng không phải là ba tụi nhỏ. Thằng con út ổng giống ổng như mặt cắt ra mà ổng nghe lời mấy người trong nhà nói nó không phải con ổng. Nói chi mà ác qúa vậy? Chị nghe có tức chết không? Nói xấu mà không đỏ mặt chính là mấy cái người “Khẩu Phật, Tâm Xà” như họ.
– Sao thằng Bảy ăn nói đoản hậu vậy?
– Còn sao nữa! Mấy cái người đó đó. Dựng ngược chuyện là nghề của họ mà. Ăn chay niệm Phật mà đi phá vỡ gia đình người khác mới hả dạ. Hèn nào thiếm út chửi cũng phải.
– Con Mười Hai giờ tính sao? Có trở lại hay không?
Chị Mười Hai thật thà:
– Ban đầu vì con em, em cũng muốn quay lại nếu ba nó biết hối nhưng tới ngày hôm nay, nhân cái đám cưới thằng Núi, em mới biết là ổng không phải người cha. Bỏ con ruột mình rồi lấy con người ta về nuôi xưng “ba ba – con con” ngọt sớt! Có người cha nào nhẫn tâm bỏ con như ổng không?
– Có chứ! Nhiều lắm em ơi!
Chị Mười Hai bật cười:
– Chị ba nói vui qúa! Em nói thiệt…
– Ủa chớ nãy giờ, em nói giả hả?
– Em cám ơn chị Ngọc nhất là chị ba lắm lắm…
– Thôi! Dẹp chuyện ơn nghĩa, buồn phiền qua một bên. Nói chuyện vui đi!
– Chuyện đám cưới con em là là vui rồi chị!
– Thôi mệt qúa! Chuyện của em! “Niềm vui” gì gì của em mà em nói hồi bữa đó!
Chị Mười Hai ngớ người ra rồi bật cười hết cỡ:
– Để vài hôm nữa em dẫn “niềm vui” của em xuống cho hai chị gặp mặt. Xấu xấu vậy chứ cũng được! “Củi mục dễ nấu. Chồng xấu dễ sai” mà chị!
– Chớ thằng Bảy có đẹp đâu mà em… sai không được!
Chị Mười Hai cười ngất. Chị chậm rãi:
– Số mạng thôi! Em nói ba thằng Núi sau vụ ổng nghe lời mấy người ở trển bỏ đám cưới của thằng con là “anh đầu to mà óc như trái nho“. Nói tới đây, em mắc cười qúa, nhớ bà nhỏ thiếm út. Nghe em nói vậy, bả chỉnh liền “đầu to mà óc như trái nho… khô chứ giống trái nho tươi còn to đỡ đỡ…”.
– Cái con khùng đó mà!
– Khùng gì chị! Nó còn khôn hơn em nên vợ chồng nó chưa bị tan nhà nát cửa đó chớ!
– Chuyện hồi đó cả nhà chồng nó ăn tiền con kia để bịt miệng, ai không biết.
– Phải chị! “Ném đá giấu tay” không hà! Cứ tụng kinh làm như hiền lành, nhân đức lắm. Con cháu xin về lạy từ đường cũng không cho là em biết ganh sực rồi!
– Không cho là phải rồi. Em thử nghĩ coi: bà già từng tuyên bố nếu thằng Núi lấy con Hiền cách đây 5 năm là bà tự tử. Gớm chưa! Con Hiền từng từ chối lấy thằng con riêng của con Hường và từng “chảng” nhau vỡ đầu vì vụ răng riếc lường gạt ăn tiền, ăn bạc gì đó với con Hiền. Bây giờ còn mặt mũi rước con Hiền về từ đường chễm chệ sao? Nhà đó để cho vợ chồng thằng sáu rồi, đâu còn nhà bà nội mà xin! Nhưng không có vụ này, ai biết được lúc nào bà nội, cô, dượng nói lúc nào cũng thương cháu. “Nước rặt mới biết cỏ thúi”!
– Chị nói cũng phải! Nhưng người lớn mà không biết quảng đại, con cháu nó làm sao biết thương lại!
Chị ba chợt hả miệng cười khằng khặc:
– Họ cần tụi nó thương lại sao? Họ cần là cần cái… ngân hàng vợ chồng thằng Thiện kia!
– À…
– Ăn trái cây! Trái cây tới!
Người quản gia là chị họ mang trái cây lên cắt đứt chuyện… nho khô với nho tươi. Đằng khách sạn Sheraton, cô dâu và chú rể ở lại “động phòng hoa chúc” tại đó. Chúng nó không biết ngoài trời có hàng ngàn ngôi sao nhưng chẳng có “ngôi sao cô đơn” nào dành riêng cho chúng nó vì hiện giờ, chúng nó chỉ thích mỗi một con có đôi là đôi… sam!
*
Sau đám cưới một tháng, nhà từ đường của bà nội thằng Núi phát tang. Thì ra, bà nội nó lăn đùng ra chết. Mới tháng trước, bà còn khỏe mạnh để xô đuổi, mắng mỏ thằng cháu. Bà chết sau gần một tháng phát bệnh nằm một chỗ. Nếu không có con dâu út gọi về thúc đẩy đi bệnh viện, con dâu hiếu thảo của bà chắc để bà ở nhà rồi rước y tá vườn chích thuốc qua loa cho xong. Khi nghe tin “cái nhà băng” sắp về, họ mới hối hả đưa bà vào bệnh viện. Con cháu xúm vào bệnh viện hầu như thể khoe công chứ không có lòng nuôi bà. Bởi vì sau khi “cái nhà băng” về lại Mỹ, họ mang bà về nhà ngay và chỉ vài hôm là bà… thăng! Thế nhưng, “trăm dâu trút đầu tằm“. Họ đổ hết tội làm bà chết là vì thằng Núi lấy con Hiền và chú út gọi về đòi “quậy” nếu sau này thằng con riêng chị dâu làm đám cưới trong nhà từ đường, cái nhà mà thằng Núi xin về thắp cây nhang cũng bị khước từ. Nghe bà đổ bệnh, “đảng phải trái” bán tín, bán nghi vì bà nhiều lần giả chết, giả bệnh. Giả mãi thành thiệt rồi còn gì! Người trong nhà chửi um thằng Núi là vô nghĩa, bất nghì. Bà cô út đưa ánh mắt sòng sọc phân trần với thiên hạ:
– Mấy chú bác, mấy chị cô dì thấy không? Bà nội nó bệnh nằm bệnh viện mà chúng nó cũng không đi thăm. Bà nội chết, ba nó, dượng nó gọi điện thoại báo mà cũng không chịu về. Thứ đồ không có cội, có nguồn. Thứ tham tiền!
Có người biết chuyện mỉa mai:
– Cháu nội xin về từ đường mà nội đuổi xô coi như không tình bà cháu còn thăm nôm gì! Cha bỏ mặc con còn gì tình cha con mà gọi! Chúng nó dại dột đưa nhau về cho họ chửi vào mặt vuốt không kịp à? Cô út gì mà cháu tới nhà đưa thiệp mời lại mắng xỏ xiên xẹo, hất hủi còn hơn người ăn mày tới nhà. Người cô thì dán mắt vào ti vi làm như hồi giờ chưa được coi. Người dượng lo cắm đầu xuống mâm cơm làm như hồi giờ chết đói chưa được ăn. Con Hiền hôm đó hiền chi mà hiền. Gặp tui, tui lấy lại cái thiệp, phủi đít đứng dậy. Không cần mời thỉnh gì ráo! Nói cháu tham tiền, chớ tụi nó có tham không? Của cải hiện giờ của ai mà ra? Chửi cháu tham mà không biết mình còn tham hơn cháu!
– Vậy à!
Người đi đám nhìn thấy khăn tang trăng xóa một trời vì bà nội thằng Núi có rất nhiều anh chị em, con, cháu, chắt. Người ta xầm xì:
– Đám chết mà không thấy con cháu khóc gì hết vậy?
– Không thấy ai lại gần mẹ mình, bà nội ngoại gì hết! Coi bộ tình cảm nhạt nhẽo quá!
Có người gạt phắt:
– Đám chết mẹ Việt kiều sao mà nhạt nhẽo được!
Cô gái mang vành tang trắng được mấy bà già khều lại hỏi, nó phân bua:
– Dạ! Tại vì khóc sẽ làm bà nội không được siêu thoát. Người nhà cũng không được đụng trong mình bà nội vì bà nội đau nhức không chịu đầu thai!
– Ai nói?
– Dạ! Mấy thầy chùa nói!
– Thầy của ai rước về nói bậy vậy trời?
– Dạ! Của bạn thiếm sáu rước về.
– Gọi “thiếm sáu”, vậy con là cháu có quan hệ ra sao?
– Ba con là con thứ tư.
– Ba con đâu?
– Dạ chết rồi!
– Hèn nào thằng thứ sáu đầu đội mũ rơm!
– Dạ! Chú năm con còn sống.
– Ủa? Chú năm còn sống mà chú sáu đội mũ rơm là sao?
– Con không biết!
– Vậy thằng con ai đứng trả lễ kia?
– Dạ! Anh Xoăn.
– Xoăn?
– Con riêng của thiếm sáu.
– Ủa? Con riêng mà đứng trả lễ như cháu đích tôn?
– Con không biết. Thôi con đi lấy đồ cho cô út cái!
Mấy người đi đám chết xì xầm:
– “Ruột bỏ ra, da bỏ vào!”
Người khác gạt đi:
– Mệt qúa! Ruột da gì bỏ vào được hết! Con nuôi, con chung gì cũng bình đẵng trước pháp luật huống chi trong gia đình. Nó được coi như là anh, cháu đích tôn trả lễ cũng được mà!
– Ờ! Chị nói cũng phải!
Chuyện tào lao chấm dứt khi tiếng trống đám ma “bùm bùm bùm” chín tiếng một hồi chuẩn bị đưa người chết nhập địa. Thằng Xoắn “cháu đích tôn” đi ra sau. Nó kiếm không ra con em gái cùng mẹ khác cha nên hỏi một thanh niên mang khăn tang:
– Anh hai có thấy con Lẹ đi đâu không?
– Có! Nó bên kia kìa!
Đợi thằng “cháu đích tôn” đi vào, bà Tư ngoắc thằng hai lại:
– Mày là con ai? Sao hồi giờ không thấy? Thằng này con ai?
– Dạ! Con là con ông thứ tư. Còn thằng này là con chú năm.
– Ủa? Mày là con thằng lớn sao không đứng ra trả lễ? Mày là cháu đích tôn mà!
Nhiều cái “ủa” chuyền nhau. Người ta lắc đầu. Đám ma biết thành đám… hỏi! Cái hòm đỏ chét được khiêng ra xe chở về núi Chín Khúc. Người con thứ sáu đội mũ rơm đi trước. Anh em của nó và thằng con riêng “cháu đích tôn” mang di ảnh và bình hương đi tiếp theo. Người anh thứ năm và đám con người con của anh thứ tư, thứ năm chỉ được quàng cái khăn trắng trên đầu lùi tận cuối cùng như chỉ là quan hệ kiểu “đại bác B.40 bắn chưa tới”. Người nằm trong cái hòm ấy trở thành đề mục của cái gì gọi là “nam mô một bồ dao găm”! Nghe người đi đám xầm xì, người con dâu thứ tư và hai vợ chồng người thứ năm nhìn nhau. Đám tang vội vàng đi vào đoạn kết!
*
Hôm sau, vợ chồng người thứ năm ngẫm nghĩ lời nói của con em dâu út. Nó gọi về… quạt anh chồng: “Người không biết không có tội. Anh năm biết nhưng anh không chịu nói còn tội lỗi hơn. Anh bốn chết rồi thì còn anh năm. Anh chết đâu mà anh sáu đội mũ rơm? Con trai anh bốn còn, anh năm cũng cả lũ nhưng cả đám để con riêng của vợ anh sáu đứng trả lễ, mang mũ rơm. Nhìn mà chướng mắt! Không biết anh em, chẳng hiểu phép tắc. Em thiệt mắc cỡ lây.”
Chị dâu thứ tư than thở: “Thôi mà thiếm! Ai làm sao làm miễn là yên chuyện là xong.” Người anh chồng thứ năm tỏ vẻ cam chịu: “Nghe người ta xầm xì nên chú sáu có giải thích rằng tại vì bà nội ở với chú thiếm sáu nên chú sáu phải mang mũ rơm. Còn thằng Xoắn là vì nó thương nội, ở chung với nội nên nó là cháu đích tôn, trả lễ cho nội.” Người dâu út cả cười: “Vậy a? Vậy thì thuần phong mỹ tục, lễ nghĩa ông bà, huynh đệ tương thân sẽ bị con cháu sau này đảo lộn sạch. Mai mốt cha mẹ nào ở với con trai thứ hay con gái, người đó sẽ… đội mũ rơm. Con cháu người đó sẽ là cháu đích tôn. Ha ha ha…. Mẹ mình bệnh đau, bảo mang đi bệnh viện, lại nói đi giữa đàng lỡ chết thì sao? Chết thì chôn chứ sao! Nhưng phải chạy chữa tới nơi, phải ‘còn nước còn tát’ tới bến chứ! Mẹ nằm trong bệnh viện sợ tốn thời gian, mang về nhà chết cho sớm chừng nào, rảnh tay chừng ấy! Người khỏe như hổ mà nằm thử một ngày trên giường coi, có lở lưng, có nhức người không, có đói khát không? Vậy mà, nỡ bỏ mẹ mình chết trong đói khát. Ăn học làm gì mà nghe lời mấy tay thầy chùa hổ mang mà mẹ chết không cho khóc, mẹ bệnh không cho đụng vô mẹ mình! Thầy bà nào bày người ta bất hiếu như thế mà u mê ám chướng nghe theo!”. Phe đảng… hậu thở dài. Họ hình như đã quen với cảnh bị mẹ ruột bỏ rơi khi bà lấy chồng khác sanh con, có cháu mới nên cho qua mọi chuyện là xong. Chị dâu thứ tư nói qua chuyện khác: “Thiếm sáu trách thiếm út sao không gọi về chia buồn kia.” Cô dâu út cười một tràng dài rùng rợn: “Em không gọi về là có lý do. Em đã nói sau khi bà nội chết, mọi quan hệ cái xóm Việt kiều đó coi như cắt. Họ hất hủi con cháu ruột của em như vậy giống như tạt nước thúi vào mặt em. Vuốt mặt không nể mũi mà em còn về cười cười, nói nói với những người có máu cá trê như vậy được sao? Dâu nào cũng dâu. Mẹ nào cũng mẹ. Sao không thấy bả gọi qua chia buồn với em mà dám trách em chớ? Má không chịu qua đây cho em nuôi vì bả thương con cháu ở bển, ở bển lo thương lại. Má không ở với em, làm sao biết em có biết hiếu nghĩa hay không? Nếu ở vài tháng mà thấy em ăn ở bất nghĩa, bả có thể kêu thằng con mua vé về cũng đâu có muộn. Nhưng trước hết, bả bất nhân với con cháu em, với chị ba em, em không bất nghĩa là may phước cho bả. Không có chị em bảo lãnh con bả qua, cả nhà bả được hưởng bổng lộc Việt kiều mấy chục năm nay sao? Em không cản chồng em lấy hết tiền bạc gởi về cho gia đình chồng nghĩa là không tính toán tới những gì họ đã làm ác cho em. Em không đi chùa nhưng so với những người đi chùa như mấy bả, em thấy lương tâm không có con gì cắn rứt cả. Họ nợ của em chứ em chẳng nợ gì của họ. Có nợ, em nợ cha mẹ em mà chưa trả được. Ai ăn ở sao, sau này con cháu họ sẽ đối xử y vậy cho biết. Hùm. Nói má thằng Núi làm đĩ. Bả làm đĩ nuôi con thì sao! Còn hơn cái thứ bỏ con theo gái, bỏ cháu theo tà. Hôm nay, má thằng Núi sắp có chồng đại gia thì theo ganh ghét người ta. Không muốn người hạnh phúc, tu hành làm chi! Chị bốn, anh năm hiền lành qúa mới bị bả qua mặt. Bả không coi anh chị là anh em, anh chị cần quái gì đưa má kia cho bả tát để cầu 2 chữ bình yên?” Sau cuộc điện thoại dứt, người anh năm nói với vợ và chị dâu thứ tư: “Thiếm út nó nói vậy mà có lý!”
*
Tại nhà hàng Thủy Tiên, người đàn ông khoảng ngoài 60 đang cầu hôn với người đàn bà nhỏ hơn ông ta 10 tuổi. Bữa tiệc ra mắt ấy cũng là tiệc cưới nho nhỏ cho chị chàng lên xe con về nhà… mình. Người đàn ông chính là “niềm vui” của má thằng Núi. Tiếc thay! Ngày ấy, đàng gái chị sui và chị ba “ông Bụt” không có mặt để cùng má thằng Núi “cười lên đi em ơi!”. Nghe tin này, cô út thằng Núi lại… phun lửa với mấy anh trai của mình:
– Đúng là cái đồ không biết thúi. Bả lựa nhằm cái ngày má chôn để đi lấy chồng!
Cô út thằng Núi quên mất “cái đồ không biết thúi” ấy từng là chỗ dựa để cô út nhờ vả. Đám con của cô út đều gọi “cái đồ không biết thúi” ấy là “Má Mười Hai” không phải không có lý do. Chúng đều được “Má Mười Hai” ẩm bồng từ lúc mới lọt lòng. Ba thằng Núi để mặt hầm hầm. Anh ta không nói nhưng tức ói máu vì câu nói của mình đã bị thằng khốn nạn mà anh ta cho là già còn dê đó phá bỉnh. Anh ta từng mắng vợ rằng: “Cô mà bỏ tôi, chỉ có nước chó già lấy chứ ai thèm!”. “Con chó già” ấy vậy mà cưng chìu má thằng Núi hết ý. Chị cười qua điện thoại với cô bạn dâu út: “Thiếm út à, bây giờ tui mới bưng được chén cơm ăn mà không sợ ổng (ba thằng Núi) lấy dao kề cổ. Thoát cảnh này, tui mừng qúa.”. “Ở hiền gặp lành. Hưởng được lúc nào thì hưởng mụ ơi! Cố kiếm… rồng con nhé!”. “Thôi đi mẹ! Già rồi kiếm cho họ cười!”. “Hè hè hè… Vậy mà có khối người năm, sáu chục tuổi vẫn còn ôm con đỏ lói. Khối người bỏ con bên này, chạy về lấy gái mười mấy, hai mươi rồi bị… trói cột bằng đứa con chẳng biết có phải của mình không? He he he… Tui đi làm kiếm ăn qua ngày đây! Chúc mừng mụ. Khi nào chửa đẻ nhớ kêu tui, tui… rặn dùm cho.” Chị Mười Hai chưa kịp la toáng “thôi đi mẹ!”, điện thoại cúp cái “rụp.” Chị bỏ phôn xuống rồi nhìn vào bức hình đám cưới của mình cách đây 30 năm về trước rồi so với mấy hình đám tiệc ra mắt hôm nay mà… chạnh lòng… Đời ai đâu đã muốn vậy!
Chị nhớ lại ngày làm dâu nhà bà hai, mẹ chồng đối xử như người dưng nước lã. Chị ráng chìu mẹ chồng cho đến lúc chịu không nổi thằng chồng hung dữ và nhà chồng ruồng rẫy mới đâm đơn ly dị chồng. Chị rơm rớm nước mắt khi nghĩ lại cảnh bị chồng lấy dao rượt chạy, dí cổ, cứa tay mà… rùng mình. Hắn đi cặp bồ nhí được chị dâu và cô em út chống lưng nên coi chị không ra gì. Chị không hiểu mình đã làm gì để bị cô út, chị bạn dâu thứ sáu thù ghét đến như vậy? Có lẽ vì chị chơi thân với cô em dâu út mà bị ghét? Họ vu cho chị làm đĩ. Thứ gì xấu xa nhất trong đời, họ gom về thẩy vào tay chị. Vậy thôi “ta chia tay nhau từ đây!” Chị ra đi với hai bàn tay trắng. Căn nhà mồ hôi nước mắt của chị, chị đồng ý để lại cho ba đứa con. Con gái chị nói về cha bằng sự căm thù sau khi nghe ba mình bỏ rơi anh Núi:
– Khi con đám cưới, con sẽ không bao giờ gọi tới ổng và cả nhà bà nội.
Chị biết con gái chị ôm trong lòng mối hận bị ba ruột đá té chúi nhũi, xém ngất xỉu vì cái tội… giúp mẹ làm đơn ly dị. Nó hận bà nội, cô út, bác sáu vì họ động viên ba nó: “đá thêm vài đá hay giết cho nó chết đi, bỏ cái tội theo mẹ nó”. Chị nghĩ tới thằng út mà buồn. Thằng út cũng thút thít với má: “Con không gọi ổng bằng ba nữa vì ổng nói con không phải là con ổng”. Trong khi đó, đứa con riêng của chị bạn dâu thì được cả nhà nuông chìu, cho nhận là “cháu đích tôn”. Tất cả không phải vì nó ngoan mà vì tất cả người trong gia đình bà hai đều có… lá bài tẩy. Người dâu thứ sáu ranh khôn đã lật con bài tẩy và nắm lấy là có thể điều khiển hết cả người trong dòng họ nhà bà hai. Đó là cái tính ưa nịnh bợ của mẹ chồng, cái tính hèn nhát của 2 ông anh chồng, cái tính sợ sư tử cái của chồng, cái tính dại gái của 2 thằng em chồng và cái tính tham tiền của con em chồng. Phải! Khi mình có “Gót chân Asin”, người khác sẽ tóm cái đó để bắt mình cúi đầu ngoan ngoãn nghe lệnh đến lúc ngủm cù đeo mới thôi! Con chị phẩn nộ với má rằng tự nhiên có người thế chỗ của má mặc nguyên đồ đại tang y như con dâu chính trong nhà thấy mà… ngứa mắt. Chị cười: “Chủ yếu là tấm lòng chứ khăn sô, mũ rơm làm gì! Sau này, các con đừng cư xử thiếu đạo đức như thế!”.
*
Rằm
Ngoài sân lúc chập chạng, xóm Việt kiều có một bà già. Bà lom khom đứng trước căn nhà mà bà không được phép vào nữa. Trong nhà, tiếng chuông và mõ lại gióng lên. Chị Hường mặc áo tràng như mọi tối. Chị ta tay lần tràng hạt, miệng lẩm bẩm “nam mô…”. Chị ta không thể nào thấy được bóng người đứng ngoài sân. Chặp sau, bà già lom khom lần về căn nhà nho nhỏ của bà phía chân núi. Hướng mắt bà vẫn nhìn về xóm Việt kiều. Đằng xa, một người đàn ông đi chầm chậm tiến về phía bà già. Giữa hai người là một khoảng không. Ông nói với bà bằng giọng Hà Nam Ninh quen thuộc:
– Đừng tiếc nữa bà ạ! Mọi chuyện đã qua rồi! Con cái đứa nào sống ra sao, mình cũng biết rõ rồi! Tại bà lúc nào cũng nghe lời những đứa không biết phải trái.
– Tôi hối hận trong lòng! Tôi muốn nắm tay mấy đứa con khuyên bảo chúng yêu thương nhau chứ đừng rạch đau, sát muối vào nhau nữa. Tôi nằm nghe chúng nó bàn nhau từng chi tiết một mà không mở miệng được. Tội cho thằng Núi!
Ông hiểu bà muốn nói gì, muốn hối hận điều gì và ước mong gì? Ông đưa tay nắm lấy tay bà nhưng ông không làm được. Hình như có một sức mạnh nào đó đẩy bà ra khỏi ông. Đằng xa, những bóng người đi về phía nhà của ông. Hai ông bà đứng yên. Họ không thể thấy hai ông bà. Người đàn bà cùng mấy đứa con tới nhà ông. Họ bày ra một ít món mà ông thích. Ông nghe người đàn bà khe khẽ nói:
– Ba à! Bấy lâu nay, con biết ba vẫn thương mẹ con con chứ không ghét bỏ như má. Cái này là của con dâu út. Nó nói rằng nó thương ba hơn thương má cũng như con. Ba ăn mấy món này chớ đừng ăn cơm nguội. Ba đau bao tử mà cứ ăn cơm nguội hoài sao được. Ba ăn rồi ngủ nghỉ cho khỏe. Mấy món này là của mấy anh. Con phải qua nhà má một tí.
Chị dẫn con tới nhà của bà. Chị nói:
– Đây là bánh ít nhân dừa mà má thích ăn nhất nè. Đây là mấy con sò, con cua mà má muốn ăn lúc bệnh. Con dâu út má mua cho má đó. Má cứ ăn cơm nguội với chuối thì sao mà sống được chớ. Má nuôi gà heo mấy chục năm nay. Má nhận bổng lộc liệt sĩ và gia đình có công cách mạng mấy chục năm nay. Má nhận ruộng làm ra lúa gạo mấy chục năm nay. Chú thiếm út nuôi má mấy chục năm nay. Vậy tiền bạc má về tay ai mà má ăn cơm nguội với chuối? Má ăn rồi qua thăm ba kẻo ba buồn. Nhưng má cũng nên thăm ba trước nữa kẻo mấy anh em buồn luôn. Con dâu út của má nhắn lại rằng nó không ôm lòng giận má nữa.
Chị dẫn con ra về. Trăng sáng soi bóng từng người rõ mồn một dưới đường. Con đường rợp bóng cây ròi rọi dưới trăng như rợp trong lòng chị những điều phiền muộn coi như theo mây, theo gió. Vậy mà, chúng làm bà già đau lòng. Bà nhìn qua nhà ông. Bà thấy mấy người con trai của bà đang xúm xít quanh bên ba ruột và ba dượng. Chúng nó không tới được với bà dù bà cố đi qua bên nhà ông mà không sao bước tới. Bởi vì sao? Bà tự biết. Bây giờ, cái gì bà cũng hiểu ra, nghiệm thấu và biết tất cả lý do. Bốn đứa con trai của bà: Hai đứa là lính cộng hòa đã vị quốc vong thân. Hai đứa là liệt sĩ cách mạng. Bốn đứa con, hai chiến tuyến bắn vào nhau và cùng gục ngã. Chúng nó trả nợ núi sông. Không biết có ai còn nhớ tới máu xương của chúng đã thắm vào và trộn lẫn với nhau trên mảnh đất hình chữ S này? Chồng bà sống không thẹn lòng. Ông lúc nào cũng thương con cháu. Họ gặp nhau ở một tâm hồn trong sáng và lòng hướng thiện giống nhau nên họ đang ở thiên đàng. Trái lại, lòng bà bị cột chặc bởi chữ Sân – Si bự tổ chảng. Bà không mắc chữ Tham nhưng cái Sân – Si dẫn đường bà xuống địa ngục. Bà không mở lòng nên bà chẳng được nhận lòng mở của chồng, con. Có hai người đi qua nhà bà. Bóng họ in lên mặt đường lồ lộ. Họ xầm xì:
– Bà này có con trai lấy vợ có chị bảo lãnh đi Mỹ sướng mất hồn. Nghe nói bà cái gì cũng nghe lời con dâu giữa. Giờ ra đây ở một mình cũng đáng đời!
Họ đi qua những nhà khác và những lời của họ như khắc vào lòng bà già nhưng vết dao đau nhói. Trăng bắt đầu lặn qua núi bên kia. Hương nhang phảng phất trong nghĩa địa Chín Khúc lan tới tận ngày hôm sau.
*
“Hội nghị thượng đỉnh hàng hiên” không có đảng… hậu. Chỉ còn một đảng bảo thủ – báo thù duy nhất nên dễ hành động. Chủ sị vẫn là người con dâu có đứa con riêng. Chị ta “vẽ đường cho hươu chạy” xong, chị căn dặn vợ chồng em chồng:
– Phải nhớ làm cho mau cho chúng nó ra đường không dám gặp mặt ai mới được. Chuyện chú út với miếng đất cô dượng ở để chị lo cho. Việt kiều còn lâu mới kiện cáo được. Chú nó dễ nghe, chị nói là chú nó nghe liền. Còn con vợ nó, ngu thấy mụ nội. Làm gì được!
Quay sang vợ chồng thứ bảy, chị chàng động viên:
– Mấy bà con cô bác ngứa mồm, ngứa miệng nói tào lao thôi. Thiếm bảy tuy mới lấy chú nhưng coi cũng là con dâu. Anh tư, anh năm là con cùng mẹ khác cha, việc gì mà đòi mũ rơm với mũ rạ! Bầy cháu con của mấy ảnh cũng đâu có cùng chung máu mủ mà đòi cháu đích tôn với đích tử! Ai cũng biết là ba má ở với anh chị mà. Anh chị còn nuôi con chị bốn nữa, ai dám đâu mà nói.
Hội thượng đỉnh tan. Tiếng chuông và mõ “boong boong, cốc cốc” lại vang lên om sòm. Cô con gái buồn nên gọi điện cho má. Má hỏi chuyện, nó kể lại. Má nó cười: “Hồi kia mà thiếm sáu nói, má tin. Sau khi nghe thiếm út nói, má đâu có tin nữa. Tiền nuôi nội hay nuôi con cũng là tiền của chú thiếm út. Không đâu mà thiếm tốt vậy chớ? Thiếm tốt mà giành cái từ đường không cho thằng cháu về thắp nhang. Thiếm tốt với nội mà khi nội mới nằm xuống, thiếm đã vội gọi má và chú thiếm năm vào lo chung. Không có con ở nấu ăn, thiếm ấy có rảnh tay, rảnh chân mà đi thâu tiền góp? Ngày xưa, bà nội từng nói tiền cho vay góp là tiền ác nhơn. Vậy mà thiếm cũng làm như trêu tức nội. Tiền ấy ở đâu ra? Chú năm con không được lại gần mẹ, chú tức nói không ra lời. Chú muốn khóc cũng không cho, chú đấm tay, đấm chân trên tường, con không thấy sao? Ba con chết lâu rồi. Má cạy bà nội và chú út nên mới gởi con ăn học ở đây. Tiền học má lại đóng nhưng thiếm út nói rằng chú thiếm gởi tiền cho nội bao gồm việc nuôi con ăn học và đóng tiền trường. Có thấy đâu?” Con bé vẫn cho là thiếm sáu tốt vì nuôi nội. Thiếm út nghe chuyện, cô gọi về: “Con bé ở với nội con cũng biết nội khỏe mạnh nên thiếm sáu đâu cần phải hầu hạ. Nội không chịu ăn là vì hôm nay, cô út vô than, mai, thiếm sáu vào thở. Cha mẹ nào bưng bát phở ăn cho đành! Nội ăn cơm với chuối cho yên là vậy. Chị bốn không biết chứ má từng nói với em là tiền gởi về ‘mấy bả’ nhà ta ‘mượn’ hết. Má còn nói với người ta là ở với con dâu, không theo ý nó là nó bỏ chết! Bà nói với chị ba em là nếu bà không giả chết, làm sao trị được đám con. Thiếm sáu con xấu hay tốt, con hãy tự suy nghĩ lấy. Sau này, đừng giống như thiếm ấy quăng tiền vào mặt cháu ở bệnh viện như một thứ người vô văn hóa là phước cho má mày. Hiểu chưa?”.
Con bé không cần hiểu. Bởi vì, thằng bồ của nó hiện nay là bạn của con thiếm sáu nó. Mối quan hệ này phải giữ lấy bằng cách nói tốt cho thiếm sáu. Chị bốn thở dài. Chị nhủ thầm là lâu lắm chắc chị cũng không có dịp vào nhà bà nội nữa vì nội chết rồi. Trên chợ, người ta đồn rằng nhà họ gái đã dỗ ngọt thằng Núi để gả con. Họ nhà gái Việt kiều ỷ tiền bạc nên bắt ba thằng Núi làm này làm nọ. Còn má thằng Núi “chài” được đại gia nên chọn ngày bà mẹ chồng cũ chôn để làm tiệc mừng trả thù mẹ chồng cũ. Có người nghe theo vì bèo nào có vịt đó. Có người chửi người đàn bà thích “thọc gậy bánh xe“. Riêng chị chàng Hường, chị ta vẫn mặc áo tràng, lần chuỗi hạt, gõ mõ tụng kinh. Có lẽ, chị ta tụng kinh cầu xin cho mình cho vay lấy lãi mỗi ngày một cao. Cao mới có lời!
*
Thêm những người tới viếng khu nhà nhỏ ở sườn núi vào ngày rằm, mồng một. Họ ngang qua một ngôi mộ nhỏ chỉ tay vào:
– Bà hai này lúc sống nghe lời con dâu thứ sáu hất hủi cháu ruột, lấy cháu nuôi làm cháu đích tôn. Bà này còn không cho cháu ruột về nhà ra mắt cháu dâu. Lúc đau bệnh, người trong nhà bỏ thí cho mau chết và nghe lời sư hổ mang không cho con cháu đụng vào mình hay khóc lóc. Bà chết thảm thương trong đau đớn, trong đói khát. Thật đáng đời!
Họ nói đúng. Bà hai đã mở hai con mắt trừng trừng như muốn thu hết những hình ảnh cuối cùng mà con cháu bà giành cho bà như một sự trừng phạt. Bà cố há miệng để nói với con cháu lời hối hận và khuyên lơn nhưng không nói được. Phải! Không cho thằng cháu về nhà từ đường để giờ bà cũng phải ra bụi ra bờ ở. Giành nhà làm gì? Đấu đá nhau mà chi? Nhà cũng là do thằng con bên kia gởi tiền về xây cất mà có. Bà già ngóng cổ về phía xóm 3 căn nhà Việt kiều. Đêm nào bà cũng về đó nhưng không vô được. Bà muốn nói với con dâu đang tụng kinh rằng: “Thôi đi con! Mày nỉ non bên tai má mấy chục năm nay làm cho vợ chồng thằng út suýt tan nhà, vợ chồng thằng Bảy thì nát cửa. Mầy rù rì để thằng Núi suýt nữa mất hạnh phúc. Mày quẳng bao thư vào mặt em gái nó ở nhà thương. Mày tính toán mưu toan chiếm nốt mảnh đất của thằng út khi đẩy con em chồng vào lô đất có sổ đỏ có tên hai vợ chồng thằng út. Mày ‘moi gan, mổ ruột ‘thằng em chồng kiếm cớ lấy tiền nuôi mẹ chồng để đem tiền cho vay. Con tụng kinh mà lòng nặng chữ Tham. Sân. Si thì cũng ‘dã tràng xe cát biển đông’ mà thôi. Má đây nghiệp chướng nặng nề khiến chồng không thể gặp, con không thể nhận. Hối hận qúa muộn màng!”
Ông đi qua, bà đi lại vẫn mãi xầm xì về một bà lão thọ tới… 85 tuổi. Thế nhưng, “Trâu chết để da. Người ta chết để tiếng”. Bà chết để lại tiếng đời ác độc nên chết không nhắm mắt, chết không khép miệng. “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” là đấy. Lúc trăng lên ở khu nhà Việt kiều, trên sân trắng cứ chập chờn ẩn hiện một bóng… ma!./.
Tháng 5/28/2012
Ngọc Thiên Hoa