TRUYỆN NGẮN

ĐOẠN KẾT NHỮNG VÌ SAO

Truyện ngắn Đoạn kết những vì sao“Thuở bé, tôi lười học nhất làng nhưng lại là thằng hay cà nanh với bạn bè về những bảng danh dự xanh đỏ vàng nhất nhì ba của chúng. Những ngày má tôi lên núi kiếm cơm, xuống đồng kiếm cá nuôi con thì tôi long dong phá hết làng này đến xóm nọ. Ba tôi hiền như cục đất. Cuốc mướn sần tay sau tháng ngày hết thời cưỡi ngựa. Tôi nhìn thấy người đời như những cây gai. Tôi cũng là thằng bảnh trai nhưng nhìn ai bảnh hơn tôi là tôi ghét. Thấy ai hiền thì tôi cậy sức hiếp người. Nghe ai giỏi thì tôi dè biễu. Biết ai giàu thì tôi ganh. Thế là tôi được danh thằng khó chơi nhất xóm hồi nào mà tôi không biết. Vậy rồi ba má tôi lần lượt chầu trời, tôi phải tự nuôi thân bằng miếng vườn nho nhỏ của ông bà nội để lại. Cuốc đất lả người. Miếng đất nọ, tôi bán quách. Thế là tôi thành kẻ giang hồ… “.

– Ba thằng cu viết cái gì mà giang hồ vậy?

Chết cha! Tôi kịp gấp trang giấy lại, cười nhe răng đánh trống lãng với má thằng cu đang hừ giọng từ phía sau:

– A! Kiếm hiệp Kim Dung mà. Anh… đói bụng quá!

– Hừm! Đừng giả bộ. Ngày nghỉ lại không chịu nghỉ. Bắt chước Việt Nam ngày lễ nào thì ngày ấy như hành xác thiên hạ. Giáo viên ngày 20 tháng 11 thì thi giảng dạy, học sinh học bù đầu. Ngày phụ nữ thì bắt phụ nữ thi cái này, họp cái kia. Không có lễ, họ còn sướng cái thân hơn. Còn ở đây, mắc mớ gì hành xác mình vào mấy câu chuyện tào lao. Hồi ký với hồi ức vớ vẩn! Lại thi văn với thi phú! Kim Dung với Kim chỉ. Đừng viết nữa có được không? Đời này viết văn không theo đơn đặt hàng là bán vợ, đợ con luôn! Để em coi, anh viết cái chi nữa…

Tôi không giựt lại cuốn vở vì trước sau gì vợ tôi cũng quyết coi cho bằng được. Tôi nhe răng lần nữa khi vợ tôi gầm gừ. Đọc xong cái đoạn tôi vừa mới viết, vợ tôi nhăn mặt. Cô ta lườm tôi:

– Dân toán lý mà viết văn thì có nhện nó sà xuống đọc và làm ổ luôn. Anh đừng có nói là anh viết anh thời cỡi truồng đó nhé! Thời tuổi thơ mà hạnh kiểm ruồi bu kiến đậu như thế thì chẳng lớn nổi thành người. Chết rồi anh!

Vợ tôi chợt hớt hãi làm tôi giựt mình vì thường sau những câu này, thị sẽ bắt tôi chạy đi mua cái món chi mà thị thiếu ở chợ:

– Gì vậy?

– Mấy hôm nay tuyết phủ ngập trời, trời mù không thấy trăng. Hôm nay, trời quang, mây tạnh lại không thấy sao? Là sao?

– Sao là sao?

Tôi thở phào! Vợ tôi nhay cuốn vở trong tay tôi rồi tất tả nhảy ra ngoài sân. Tôi chợt hiểu nên nói với theo:

– Chúng đi mất mấy ngày nay rồi!

– Sao không nói sớm. Người ta chuẩn bị máy hình mà chụp không được cái nào…

Tôi nhìn vợ phụng phịu mà cười thầm. Ngày 12, thị vừa ngắm được mặt trăng cười ngây thơ với hai sao Kim và sao Mộc là tay đưa máy lên… Máy không phát tiếng tẹt tẹt… vì hết pin. Chút xíu nữa là tôi phải đi nhặt cái máy chụp hình trong hồ nước ngập tuyết. Thị kiếm không ra sợi dây sạc pin nên kình tôi một trận. Hai đứa con cưng cũng bị vạ lây này mà im re. Chỉ có hai cái report card với straight A của hai đứa con mới cứu cánh cho cái đam mê của mẹ. Hôm nay thì làm gì còn cái hình mặt trăng cười đây, khóc đó nữa. Tôi đành xuống nước:

– Vài… chục năm nữa chúng sẽ quay lại mà em. Đừng nổi lửa lên em trong lúc này trông không được đẹp lắm đâu!

Thị mặc kệ lời mật ngọt tôi rót vào tai, thị càm ràm với ông bà Táo. Ở Việt Nam, chắc ông bà Táo đã “vả” cho một cái sưng mồm rồi! Tính vợ tôi, chẳng giống… đàn bà. Thị thích nhất là xem thiên văn vào mỗi tối. Thị thường dắt con chỉ vào những vì tinh tú lấp lánh trên bầu trời giảng giải: “Ngôi sao sáng rực rỡ kia là sao Kim Tinh. Sao Venus đó con. Bà ngoại gọi sao Vệ Nữ. Nó mọc cả ngày lẫn đêm. Khi nó mọc lúc hoàng hôn thì gọi là sao Hôm. Nó mọc lúc bình minh thì gọi là sao Mai. Đây là hành tinh gần như song sinh với trái đất mình vì khích thước nó gần bằng trái đất… Kia là sao Mộc Tinh… xa xa là sao…”. “Má à! Ngôi sao sáng chói kia có ai ở trên đó không?”. “Không có. Vì ở trong sao Kim đó nóng lắm. Thấy nó đẹp vậy mà không sinh vật nào tồn tại. Nó sáng rực vì nhờ những đám mây chứa axít hấp thụ ánh sáng mặt trời…”. Hai đứa con tôi cứ hỏi hết chuyện trên trời rồi lại chuyện dưới đất hợp “gu” với mẹ. Nghe vợ nói chuyện với con như súng liên thanh, tôi bị lực hấp dẫn của thị lây luôn. Trong đầu tôi loáng thoáng những cái tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ mà nhớ tử vi bói toán của ba tôi. Ngày xưa, ba tôi là thầy coi tử vi thứ thiệt. Ông không phải loại “bói ra ma, quét nhà ra rác” như người người lười làm ăn khác. Ba tôi thường giải thích với bạn mình khi cắt nghĩa xong những điềm chiêm bao, cái nháy mắt, con nhện sa trước mặt, như con tử trận chiến trường, người mẹ mắt trái giật liên tù tì. Tôi nghe cái chi mà “Nam La Hầu. Nữ Kế Đô” như là hung thần, khắc tinh của những tuổi mắc sao này. Với nữ, sao Kế Đô thường gieo hạn trong hai tháng 3 và 9 âm lịch. Với nam, sao La Hầu thường gieo hạn vào tháng giêng và tháng 7 âm lịch. Vợ tôi nói rằng hai hành tinh này chắc còn lâu, loài người mới nhìn thấy chúng. Ba tôi trầm ngâm bên những người bạn chí cốt của ông: “Khoa học có nhiều cái khó tin nhưng có thật. Mình hiểu không nổi vũ trụ bao la này. Hành tinh thì hàng tỷ. Sao cũng tỷ tỷ ngôi. Dân số thế giới chúng ta có bao nhiêu đâu! Chỉ 6 tỷ rưỡi đến 7 tỷ là cùng. Nên nói mỗi người ứng với một ngôi sao không phải là không có. Lực sóng từ trường đó mà. Ông học giỏi môn Lý, chắc ông rành sóng từ trường với các photon hơn tui. Ánh sáng được chứng minh bởi Heinrich Hertz từ James Clerk Maxwel và Michael Faraday với tốc độ 300.000 km/s. Trong khi trái đất tự quay chung quanh nó chỉ trung bình chỉ có 30km/s. Vì vậy, khi con người được sinh ra, điện từ trong cơ thể đứa trẻ sẽ bắt gặp tần số dao động của một trong hàng tỷ tỷ ngôi sao trong vũ trụ. Sao hạn hay sao may của con người cũng tùy thuộc chu kỳ quay của ngôi sao mà mỗi con người hấp thụ đó mà…”.

Những khi ba tôi bói tử vi, lập sao giải hạn cho ai, tôi cũng ngồi bên cạnh nghe tiếng được tiếng mất và ngủ gục bên ván ông ngồi hồi nào. Ba tôi thường đùa: “Thằng nào chắc vướng lực từ trường của ngôi sao… ngủ”. Nhưng tôi thuộc lòng, ba tôi bói tử vi cho tôi là sao Thổ giáng hạn, loại “trời đánh trật búa”. Bà nội tôi nghe ba tôi nói vậy thì “hùm” liên tục. Bà rầy ba tôi khéo ăn mà vụng nói.

Điều ba tôi nói linh kinh khủng, nhất là lần tôi súy nữa bị sét đánh ra tro. Hai đứa học trò trốn học như tôi và thằng cu đen nhà hàng xóm đèo nhau trên chiếc xe đạp lúc chiều trời sập soạng mưa to, sấm chớp ầm ầm. Thình lình, tôi thấy chớp qua một cái rồi không kịp nghe tiếng… rầm động trời động đất là bất tỉnh. Ngày hôm sau, nhà tôi đưa đám ma thằng cu đen. Nó bị sét đánh cháy sám đen toàn thân. Nó ngồi ngay đằng sau tôi chở đi. Má tôi và bà nội mặt mày không còn chút máu. Bà thường dặn tôi chớ nên đi xe đạp và chui vào các bụi cây cao khi thấy sấm chớp. Vậy mà tôi ham cúp cua nên quên mất. Tôi thoát chết. Bà nội và má tôi lo cúng vái khắp nơi. Ông bà, trời phật ăn đồ cúng cả tháng không hết. Chỉ có ba tôi điềm nhiên. Hình như, ông đã biết rằng số mạng con trai ông không thể yểu tử. Ông nói: “Bổn mạng Thổ rất vững. Nó có vành đai khí quyển chứa toàn H2. Hành tinh này nhẹ hơn tỷ trọng của nước nên sét đánh từ đám mây tích điện xuống những ai mang bổn mạng sao Thổ sẽ được luồng mây H2 hóa giải”. Nhưng ông cảnh báo tôi: “Con mà rớ vào dây điện cao thế là nó giật chết liền nghe không? Lần sau, mày mà leo rào bẻ mía trộm coi chừng cái đít!”. Tôi dạ to. Thầy dạy Lý của tôi giải thích vì sao tôi thoát chết khi bị sét đánh khác với ba tôi: “Sét đánh thẳng từ đám mây tích điện âm dương hàng triệu vôn xuống vật thể, người gần vị trí thẳng đứng nhất. Trò Tùng (thằng cu đen) ngồi đằng sau trò với cái yên sắt là vật dẫn điện cho sét đánh xuống. Thường thì hiếm có ai bị sét đánh mà không chết. Những người sống sót cũng bị đủ chứng về thần kinh. Trò may mắn nhờ phúc cha đấy. Lần sau, trò còn dám trốn học đi chơi nữa không?”. Tôi “dạ không” ngoan ngoãn đến hết bậc trung học. Tôi súy chết một lần nữa khi theo bạn lên núi bắn chim rồi hì hụi khiêng về… trái bom nhỏ. Cả bọn hì hục đổ nước và ngồi cưa… Cả xóm hôm ấy… chạy không còn một bóng. Ba tôi lúc này… hết bói tử vi luôn. Ông thành… thợ vẽ xanh mắt, xám mày. Mấy tay gỡ bom mìn được công an mời tới. Trái bom nhỏ ngoan ngoãn lên xe theo công binh gỡ bom mìn. Cả nhà tôi như ong vỡ tổ. Xóm làng tôi, khối người còn… vãi ra quần. Ba tôi ngồi im như thiền rồi bất thình lình, ông hướng về tôi: “Ba lạy con! Tui lạy ông. Ông mà còn mang của không vốn ấy về nữa là tui… từ ông”!. Lần đó, ông thôi coi tử vi luôn. Ông nói, bói tử vi mà bói không xong cái thằng con trời đánh thì bói làm gì! Bà nội thở ra không kịp: “May mà ở đồng bằng chứ nhà mà ở gần đồi Sạc-ly, không biết nó rinh bao nhiêu bom mìn trên cái đồi ấy về nhà?”.

Tuổi 16 đã qua, vậy mà tôi cũng cứ quần đùi với chảng ná chạy cùng làng cuối xóm. Đến một ngày, tôi rình bắt hai con chim con đang tập bay thì gặp công nương xóm vườn đang leo cây cau vừa tuột xuống đất cái “phịch”! Tiếng động của công nương đỏng đảnh kia đã làm hai con chim bay mất hướng. Tôi quạu:

– Làm bay mấy hai con chim của tui, bà nhỏ kia!

Công nương chẳng vừa. Nó quọ lại:

– Đồ vô duyên! Chim… mày còn đó, chó có tha đâu mà mất!

Nó mở loa phóng thanh. Tui rủa: “Đồ trâu chết sình!”. Nó chửi: “ Thứ trời đánh không chết”! Tức điên. Mỗi lần đi học xa về, tôi cùng công nương hung dữ kia, thấy mặt như thấy địch. Tám năm chửi bới cùng công nương mệt đuối, cuối cùng, tôi… rinh cái loa phóng thanh này về nhà luôn… Ai ngờ, loa phóng thanh nhà tôi lại chuyển sang phóng… thiên. Qua đây cũng thế. Đêm nào, thị cũng túm ba cha con ra nhìn trời ngắm sao cùng thị mẹt! Cũng may, thị thành phóng… lựu chắc tôi banh xác tự hồi nào!

Mất chụp hình sao Kim, sao Thổ cùng mặt trăng cười, thị quạu quọ. Tối nay, cha con chúng tôi phải ăn cơm… gạo lức muối mè nữa rồi.

– Cơm gạo lức quay lại cũng như mặt trăng cười của ba cha con mày quay lại đó mà! Ăn đi! Cơm gạo lức muối mè đầy đủ vitamin với enzyme, chống ung thư, giảm cholesterol mỡ trong máu. Nhìn má làm gì! Ngày xưa, Phật Thích Ca đi tu chỉ ăn mỗi ngày một hột mè mà đắc đạo đấy.

Thị nói xong, bưng chén cơm gạo lức ăn ngon lành. Cha con tôi cố nuốt, cố nhai từng hột mà… tức anh ách. Nhai lau thì thấy nó ngòn ngọt trong mồm nên quên bén sự càu nhàu. Thị chờ cha con tôi ăn xong mới chịu đứng dậy. Thị sợ sấp nhỏ rình lúc má không chú ý, thảy lẹ chén cơm vào thùng rác. Những lần thị bắt được, hai đứa nhỏ phải qùy mà nghe má giảng về: “Hạt gạo làng ta. Có bão tháng bảy, có mưa tháng ba. Hạt mồ hôi sa, những trưa tháng sáu. Nước như ai nấu, chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy” của Trần Đăng Khoa. Ớn chết!

Thằng con trai tôi nuốt vội hạt cơm cuối cùng, nháy mắt cho con em rồi đưa mắt nhìn ba. Tôi nheo mắt… Hai đứa nhỏ tụm vạt áo. Chúng chạy ra đằng sau, trút bớt phần cơm gạo lức giấu má đổ vào cái bịch nhựa mà má nó hay đi chợ cất để dành đựng giấy vụn, rác cho con. Tôi theo sau, nói nhỏ:

– Lần này thôi nghe con! Đổ cơm mang tội chết. Má biết, má bắt qùy nữa thì ba cứu hỏng nổi đa.

Tôi quày quả vào nhà để nhận tách trà xanh nóng từ nội trợ của tôi:

– Cám ơn bà xã! Lần sau cho con ăn cơm gạo lức thì ít lại một chút. Chúng nó còn ăn món ăn của chúng nữa, em!

Vợ tôi hứ lên khi nghe hai từ “bà xã”:

– Thì cứ ăn hết chén cơm đó, muốn ăn thêm món khác thì ăn. Không kèm con ăn món gì, mai mốt chúng mập như cái lu. Hết thuốc chữa chống phì.

Nhìn ra ngoài trời, thị nhíu mày:

– Sao đêm nay như thiếu một cái. Hình như chúng chết lâu rồi đến nay mới tắt ánh sáng! Có lẽ, người nào đó vừa… đi!

Giọng thị buồn buồn, xa xăm mỗi khi nói về một kiếp người:

– Ai cũng có số. Khổng Minh kia phép thuật hô phong hoán vũ, mộc ngưu lưu mã, bát quái trận đồ, dời sao, chuyển số mà cũng không qua nổi số trời đã định cho Ngụy Diên làm hư trận phép chuyển đổi giờ tử của mình. Thất tinh không cứu nổi Khổng Minh thì ai mà sống được như Bành Tổ hư truyền! Sợ chết sớm bỏ con…

– Thôi mà! Lại thiên trời địa đất!

– Những người ác thường sống lâu. Triều cương loạn thọ hơn triều cương chính! Vũ trụ có hàng hà tỷ tỷ ngôi sao nhưng có bao nhiêu ngôi sao sáng? Con người sinh ra la liệt mà có mấy kẻ biết điều! Đi học bài đi con! Còn ông nữa.

– Gì nữa đây trời! Lại kiếm chuyện?

– Hút thuốc lá khét nghẹt, quăng tùm lum. Tui mà có phép như Tề Thiên, tôi bứng triệt gốc thuốc lá này như bứng cây nhân sâm ngàn năm của Thanh Phong. Những người hút thuốc, tôi cho… đi nhị tỳ luôn! Mình hút mình chịu không nói gì. Người khác hít vào bị lây ung thư phổi và đủ thứ chứng về óc, tai nữa. Ba mày đọc sách báo nhiều mà chẳng biết chút xí kiến thức y học nào về bản thân! Uổng cho tôi lấy ông như…

– Bông hoa lài cắm bãi cứt trâu!

Tôi phá lên cười sặc sụa. Đứa con gái đang học bài nghe má nói tới cái câu thần chú quen thuộc nên buột mồm nhại câu sắp than thân của mẹ. Thị hừ trong họng và que quẩy đi vào phòng giặt đồ. Tôi chờ hai đứa nhỏ học xong, mở máy hút bụi. Máy hú điếc tai nên át cả tiếng thị hát vọng cổ “Người tình trên chiến trận” trong phòng xếp đồ cho con. Thị vừa bưng thùng đồ ra, vừa nhắc con:

– Hai anh em đi xúc miệng rồi ngủ đi. Mai má dẫn đi ăn phở.

– Má không nấu nữa sao?

– Không phải! Lâu lâu cũng phải đi ăn ủng hộ người ta. Ai cũng ở nhà nấu nướng thì tiệm phở bán cho ai!

– Con không muốn ăn tiệm phở đó nữa. Dở lắm!

– Ừ! Dở thì không vào nữa. Chỗ nào mình không thích, cái nào mình không ưa thì đừng vào, đừng coi, đừng đưa mắt ngó làm gì! Ủa, cái report card của hai đứa, má để đây, đâu rồi?

– Con nộp cho cô rồi.

– Nhớ mà học lấy Straight A để sau này lên đại học được học bổng, khỏi tốn tốn tiền ba má. Trường con, mấy đứa được A?

– Ba đứa.

– Con có thích bạn học giỏi như con không?

– Có chứ.

– Con có chê bạn học chưa có A không?

– Con thích luôn. Bạn của con mà.

Vợ tôi mỉm cười. Thị đặt cái thùng đồ xuống ôm hai đứa trong vòng tay. Thị hài lòng với câu trả lời con nít đầy thiện lương của con. Cho hai đứa nhỏ đi ngủ, thị ngồi vá chiếc nút áo ấm mùa đông cho thằng anh con bé. Thị nói rằng ở đâu cũng vậy. Những thứ gì còn dùng được thì dùng, đừng học thói phung phí. Con nít học bên tây cũng phải học qua thêu thùa, may vá từ mẫu giáo. Tôi nghe đã quen và ớn lạnh những tiếng the thé quát tháo của vợ nhưng thích nhất những lúc thị ngồi chúi đầu cùng hai đứa con tôi với vần a, ă, â tiếng Việt và thị ngồi cặm cụi kiểm tra từng nút áo cho các con. Mỗi khi có sự kiện gì kình cãi giữa hai vợ chồng, hai đứa con tôi với những bài kiểm tra loại A và report card A hoặc bị cái B đưa về là thị quên hết những chuyện khác ngay lập tức. Con tôi thường hỏi:

– Ba có thương má không?

Tôi hỏi ngược:

– Con có thương má không?

– Thương má chớ. Má của con mà.

– Má có ăn ham với ai không?

– Không.

– Má có bày con tham lam không?

– Không có. Má nói con sau này má đi theo ngoại thì nuôi em. Nếu con làm có nhiều tiền thì nên giúp người nghèo, bà con bên Việt Nam…Nếu bạn tới nhà chơi thì kiếm đồ ăn cho bạn, chơi với bạn không giành giật… và má dặn gì nữa khi ra đường mà con quên rồi.

– Trời! Ra đường gặp người lạ cho gì cũng không lấy, thấy gì không coi, dụ đi thì không theo họ… Ở nhà không mở cửa cho bất cứ ai mà không phải ba má. Vậy mà cũng quên.

Thằng nhỏ cười. Tôi “bỏ nhỏ”:

– Má con là người đàn bà không tham lam. Má chăm chỉ làm lụng và nuôi dạy các con và vì má là người mẹ Việt Nam thuần túy không hề có lòng ganh tị với ai giỏi hơn, giàu hơn mình.

Tôi chẳng biết chúng có hiểu hết những lời tôi nói bằng tiếng Việt không nhưng hai đứa ngây người ra khi nghe tôi nói về má cũng đủ thấy chúng biết lắng nghe ba “ca” má hấp dẫn như thế nào!

– Nhưng ba bảo này nhé! Má có khi hơi…nóng và hay càm ràm. Má biểu cái gì thì làm theo. “Cá không ăn muối cá ươn”. Ba đây còn ngán khi má nổi quạu. Biết chưa? Cây chổi lông gà má cất trên đầu tủ lạnh kia? Ủa! Nó đâu rồi?

– Con bé lấy giấu rồi để má không… uýnh đít!

Ba cha con tôi cười khanh khách. Nghĩ tới đây, tôi phì cười nhưng vội nhắm hai con mắt lại ngay khi nghe thị lầm bầm từ cầu thang đi lên:

– Ba mày bỏ “chát” xong thì bồng kiếm hiệp, không kiếm hiệp thì lại viết! Khùng hết thuốc chữa. Sao nay tự dưng ngủ sớm vậy cà!

Chờ vợ trút hết công lực vào… giấc ngủ, tôi lẻn xuống nhà dưới, mở máy vào mạng sau một ngày cày đồng bất kể nắng mưa. Ngày trước, trôi trốn vợ “chát” trong phòng thì bị thị bắt quả tang. Thị xông vào… “chát” dùm tôi. Thị “chát” xong thì tôi cũng không còn con ma nào để chát nữa! Nhận tin nhắn qua di động thật ướt át, thị trả lời dùm tôi. Trả lời xong, tối, tôi không nghe tiếng hù hù hay teng teng tới nữa! Hết tài ghẹo gái ham đồ ngoại, tôi đổi qua viết lách. “Già rồi, viết cho đỡ buồn”. Nghe tôi nhắc chữ “già”, thị cười như điên. “Vậy sao? Khi ‘chát’ với gái trên mạng thì chỉ nói ai nói xạo mới có 35!!”. Tôi lại… nhe răng: “Làm ăn chút thôi“. Vợ tôi đọc truyện tôi khen “OK” nhưng kết cho một câu méo mặt: “Khùng! Khéo thừa cơm, dư cháo! Đọc dở, họ cười. Đọc hay, họ ganh. Càng nhiều người tranh nhau đọc, khối người càng cà nanh…”. Hôm nay, may mắn, chẳng hiểu sao, ba cha con tôi không nghe thị lãi nhãi tiểu nhân như bèo trôi sông, quân tử nước trong ngập úng , bần hàn, trí thức đua tranh. Thị thường ví người quân tử bưng chén cơm ăn không làm chuyện bậy, không quấy chuyện khùng. Tôi không là quân tử. Nhưng tôi còn biết có kẻ “khùng” hơn tôi đang ấn chuột phím vào hàng 5 sao dưới mỗi bài viết để đánh dấu một sao, hai sao… Những kẻ đó nếu vợ tôi nghe được, thị chắc sẽ nói ngay là chúng nó đang bưng chén… không phải cơm! Thế nào thị cũng phun mấy câu đại loại như:

Người ơi nhớ học lời hay:

Ganh ta cũng chỉ hành giày bản thân.

Dở hay, tốt xấu bất phân

Không vô trí thức cũng phần bất lương.

Tôi cặm cụi đánh tiếp vào bài đang viết dở từ nửa trang giấy ở công sở đã tận dụng 1/2 bỏ sọt rác mà tôi mang về đóng thành quyển vở cho con tôi tập viết tiếng Việt và cho tôi viết lách: “Tôi là thằng lười học nhất làng nhưng lại là thằng hay cà nanh…” nhưng chưa biết kết thúc cho nhân vật tôi bưng… chén gì ăn? Tôi tắt máy, đi ngủ quách để cầu giấc ngủ an nhàn giải một đáp số nhân văn. Khi tôi lên phòng, ba mẹ con đang ngủ ngon lành. Giấc ngủ thánh thiện của những thiên thần sắp về trong tháng Noel. Ngoài trời những ánh sao đã tắt. Bầu trời tuyết trắng phủ dày còn chưa tan. Mưa đang rớt từng hạt bên cửa sổ. Những hoa giấy trong phòng đơm hoa từng chùm hồng lên trong ánh sáng ngoài chiếu qua ô cửa sổ. Trời rất lạnh nhưng tôi nghe lòng ấm cúng và nhẹ nhàng khi nghĩ về những thiên thần của tôi hơn là những kẻ khùng văn học. Mang những ý nghĩ thiên thần đó, tôi sẽ cho nhân vật của tôi thuở nhỏ hay cà nanh người; lớn lên ganh người; già rồi, cô đơn mới quay về với chút bản tính lương thiện của con người còn sót lại. Nhân vật của tôi cũng chưa tham nhũng quá độ như Bùi Tiến Dũng trong vụ PMU – 18 năm 2006 hay Huỳnh Ngọc Sĩ trong vụ PCI năm 2008. Tôi như được… Khổng Minh “điểm sáng”. Tôi chậm rãi kết: “Bàn tay tôi thời cà nanh đang thò vào hàng năm sao dưới bài viết của người khác để nhấn nút một sao cho hả hê lòng ganh tị thì chợt khựng lại. Bóng đêm và kẻ giấu mặt là đồng lõa những tội lỗi không thiện chung. Tôi sinh ra đã trúng và sao Toán Tận và tôi đã phủi sạch công lao của người khác bằng ngôi sao Thái Bạch. Sao Thiên La, Địa Võng với Diêm Vương đang chờ tôi ở cuối con đường có sao Huỳnh Tuyền. Thế nhưng, tôi muốn được trở về với sao Tam Kheo và Thái Dương. Tôi đang bưng chén cơm ăn. Dù sao, tôi cũng còn là con Người”. ./.

Tháng 12/9/2008
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button