TÙY BÚT

TÝ VỀ MANG NHỮNG BÀN TAY… CHUỘT – MẤY ĐỘ XUÂN VỀ, MAI NÃO RUỘT!

Biên khảo Tý về mang những bàn tay ... chuôt - mấy độ xuân về, mai não ruột!

Mỗi năm, Mai đến mùa thay lá, nắng tháng hai cởi áo phong trần, bông Vạn Thọ nở tròn lối nhỏ, hoa từng loại ngập đầy trên phố thị, làng quê ở miền Nam hay hoa Đào nhẹ nhàng tung cánh ở miền Bắc và hoa giấy Thanh Thiên rực rỡ ở Thừa Thiên-Huế thì… “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”.Tết đến. Tết cổ truyền. Tết Nguyên Đán. Tết ta. Tết Âm lịch là một. Một cái Tết chung niềm vui hòa bình, chung nỗi niềm khắc khoải quê hương cách xa…

Mùa xuân quê nhà năm nay lại bắt đầu bằng ngôi vị số một của một giống loài nhỏ bé nhất nhưng đứng đầu 12 con giáp trong thập nhị địa chi: Con Chuột (Anh-chị Tý) trở về sau 12 năm vắng bóng (19/02/1996 – 07/02/2008).

1. Đặc điểm sinh lý:

2. Sinh lý: Chuột là một loài “Thú thuộc bộ Gặm nhấm, mõm nhọn, tai bầu dục, đuôi thon dài, thường phá hoại mùa màng thường và có thể truyền bệnh dịch hạch… Bệnh dịch do một loại vi khuẩn từ bọ chét của chuột đã nhiễm bệnh truyền sang người, gây sốt, nổi hạch hoặc viêm phổi” (vi.wikipedia.org). Chúng thuộc loài có vú, đẻ con. Chúng có thích giác rất thính và khứu giác cảm nhận được mùi vị nhanh. Khả năng di chuyển của chuột khoảng 4km nghĩa là cứ 7km thì nó đi ¾ chặng đường. Các nhà nghiên cứu cho biết: “chuột có khoảng 1.000 gene cảm thụ mùi, trong khi con người chỉ có 400 gene hoạt động, và khoảng 800 gene là bất hoạt”. Theo Trần Hoàng Dũng “Về mặt di truyền, chuột có khá nhiều nét tương đồng với người và hầu hết gene người đều tìm thấy trong bộ gene chuột với độ bảo tồn cao. Do đó mà các nhà nghiên cứu sử dụng rất rộng rãi mô hình chuột trong nghiên cứu các bệnh trên người như ung thư, bệnh tim mạch và thậm chí cả các hội chứng thần kinh tâm lý” (Sử dụng chuột cho nghiên cứu sinh học-sinhhocvietnam.com).
Để chứng minh vì sao nói chuột thông minh, một bài viết “Khả năng thông tin của chuột” (danquyen.com) ghi nhận: “chuột có khả năng tiên tri và linh cảm cực kỳ phi thường. Không những thế chuột còn có khả năng thông tin cho đồng loại… Daniel tin rằng chuột là loài có vú thông minh thứ ba chỉ sau con người và Hắc tinh tinh… Điều mà Daniel và các đồng nghiệp quan tâm là khả năng tiếp nhận thông tin về chuột cho thấy hệ thông tin của chúng rất tinh tế. Ví dụ, một loại thuốc diệt chuột mới được đặt tại đường cống ở Pari thì chỉ trong vài giờ tin tức lan truyền qua cộng đồng chuột hữu hiệu đến nỗi không có con chuột nào chịu ăn thức ăn có thuốc!”.Thông minh như thế nào chưa biết nhưng hễ chuột vào nhà là bị bẫy chuột dính hết đường chạy! Giả thuyết trên đã bị “chế tạo gia, chuyên gia diệt chuột” Trần Quang Thiều (Hà Tây) “phá vỡ” năm 2005 khi “các nhà nghiên cứu lâu nay vẫn khăng khăng, chuột sợ mùi nên khi một con chết những con khác phát hiện ra mùi sẽ không dám lại gần. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Bằng chứng là chiếc bẫy chuột của ông có thể giết hàng trăm con mà không cần phải rửa sạch bằng nước xà phòng… (vietnam.net). Trăm nghe không bằng một thấy. Lý thuyết không bằng thực hành là vậy!

Út heo ăn tạp nhưng anh chị trưởng chuột cũng tạp ăn không kém. Thức ăn chính của chuột là thóc gạo, khoai, quả, ốc, nhái, trùng… Nhìn chuột nhai nhóc nhách, nôm hiền lành với hai con mắt tho lỏ, đen thui, long lanh quyến rũ, thấy rất thương. Chuột rất thích ăn khoai lang sống như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thể nghiệm trong phim “Vợ chồng chuột”. Chúng thích gậm nhấm tất cả những vật liệu được chế tạo từ giấy, gỗ hay vải vóc hoặc bất cứ thứ gì ngay cả vật cứng nhờ hai răng cửa trên và hai răng cửa dưới nhọn hoắc. Hệ thống răng này đã được chuột sử dụng để… cắn lủng thịt con người khi tóm chúng bằng tay! Chính tập tục thích cắn phá và khả năng lây nhiễm bệnh mà loài người xếp chuột vào loại động vật cần tiêu diệt theo như Nguyễn Ngọc Thơ trong “Chuột trong văn hoá thế giới” trên “Báo tuổi trẻ xuân Mậu Tý” (vanhoahoc.edu.vn) khẳng định: “Chuột có ở ngoài đồng, ở trong bếp, ở trên mái nhà, ở trên cây, ở dưới hang…, đâu đâu cũng có thể là thiên đường của chúng. Trong trường kì lịch sử nhân loại, con người không ít lần “chạm trán” với loài chuột, từng bị đói do chúng gặm nhấm hết lương thực, từng bị rét do chúng phá nát nhà cửa, quần áo, từng bị chết cho chúng mang mầm bệnh gây ra. Còn nghi ngờ gì nữa, chuột chính là kẻ thù của con người”. Khi con người thành… “nhân tý” sống chẳng chút… “tí nhân” thì chẳng biết người là kẻ thù của con gì?!

Chu kỳ sinh dục của chuột cái vài tháng tuổi. Mỗi loại sinh sản khác nhau trong năm, khác số lượng chuột con nhưng giống nhau ở chỗ sinh sản nhanh, mỗi đợt từ 2 đến 10 con. Chuột sinh sản nhanh như thế nào chưa ai khẳng định chính xác. Theo các bài viết, người cho một năm một cặp chuột sinh khoảng 400 con; kẻ cho 1.000 con. Cứ thế mà nhân lên 1.000 con đẻ một lần thì… ôi thôi lũ khũ… May thay! Hóa thân nào cũng có khắc tinh. Rắn lục con có chim bìm bịp. Cá sấu con có lũ cò mỏ nhọn. Chuột thì có mèo và những động vật khoái thịt chuột kể cả con người! Tai họa này coi như được quân bằng! Con người bớt thót ruột.

2. Phân loại: Các loại chuột được biết như: Chuột nhắt, chuột dừa, chuột nhà, chuột chù, chuột xạ, chuột đồng, chuột cống, chuột chũi, chuột hải ly, chuột vang, chuột có túi (Perognathus), chuột Kangaroo (biểu tượng của Úc). Theo một bài viết “Tản mạn về họ nhà chuột” (danquyen.com) có thêm: chuột nhảy, chuột báo, chuột sóc, chuột nước, chuột xám (chuột NaUy), chuột đen, chuột chù lùn, chuột bạch… Chúng có mặt khắp hoàn cầu để chứng minh cho loài người thấy rằng chúng là bạn… thân nhất và sẵn sàng “tử chiến” với con người.
3. Các lĩnh vực có chuột:
4. Văn học chuột:
Sự khôn ngoan và nhanh nhẹn của chuột đã đưa họ Chuột này đứng đầu 12 con giáp và cũng từ đấy, thế giới văn học đã dành cho loài gậm nhấm này những chỗ đứng bất tử.

Chuột đi vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân từ ca:
+ Đi vào tục ngữ:

– Cháy nhà ra mặt chuột.

Nói đến cháy nhà thì con gì ở trong nhà cũng phải cắm đầu bán sống bán chết mà chạy ra chứ không riêng gì con chuột. Thế nhưng chẳng ai dùng từ hiện tượng cháy nhà gắn với con vật ngoài con chuột? Vì lẽ, chuột với thuộc tính gậm nhấm, cắn xé bất kỳ thứ gì không phân biệt tốt xấu nên người ta ví chúng như hạng tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân mới hay thù vặt và làm những chuyện tủm mủn hại người. Chuột ở trong nhà người nhưng lại chẳng biết trung thành hay có chút ân nghĩa nào với chủ nhà là thế! Khác với chó, mèo là loài vật trung thành, không ẩn núp, chuột thắc tha, thắc thỏm, lén lén, lúp lúp làm những chuyện giấu hình. Khi không còn chỗ núp (nhà cháy) thì mới chường mặt ra, trốn! Tương đương câu thành ngữ “Nước rặt mới biết cỏ thúi”.

Ngữ này dùng nhiều trong đường lối chính trị, quân sự mà những nhân vật quan trọng được phanh phui. Ở Mỹ “Vụ nữ nhà báo Judith Miller của New York Times tiết lộ tên nữ điệp viên CIA Valerie Plame liên quan đến cuộc chiến Iraq đang làm cho Nhà Trắng bối rối chưa biết xử lý ra sao?” như vietbao.vn đăng tin. Xem ra, mức hoạt động chuột tình báo cũng lắm tai tiếng. Ngay cả đồng loại của nhau, người ta bới nhau như gà bới bụi chuối như khi tìm được lý lịch ai là con cái, họ hàng phe đối lập là họ ập vào mặt ngữ “cháy nhà ra mặt chuột” này. Trường hợp Nguyễn Hữu Nghĩa được coi là em trai tình báo Nguyễn Chí Vịnh, con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một điển hình.

– Chuột sa hũ nếp (miền Nam), Chuột sa chĩnh gạo (miền Bắc).

Thức ăn hảo hạng của chuột chính là thóc gạo. Nếp là sản phẩm cao cấp của gạo. Sự so sánh ngầm này ngụ ý ai cũng hiểu. Chuột mò tới hũ nếp như thân hèn vớ được chỗ sang. May mắn cũng là thủ đoạn. Ngữ nghĩa này chẳng tốt đẹp chi cả. Xây dựng nhân vật xấu, truyện ngắn không thiếu sót khi thêm thành ngữ này vào.

– Chuột chạy cùng sào.

Cây sào là loại cây ở thôn quê, người dân dùng để khèo trái cây trên cao. Sào cũng được dùng để… phơi quần áo. Chúng luôn được chế tạo từ một loại tre đằng dông (họ tre). Tre này nhỏ nhắn, có chiều dài tương đối đạt yêu cầu. Chuột chạy lên ngọn cây sào coi như hết chỗ chạy, như bước đường cùng. Thành ngữ trên được gắn với “sư phạm” thành ra nguyên câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trong thời bao cấp, nghề giáo và y tế không được coi trọng; hay “chuột chạy cùng sào mới vào ban C” với ý thẳng tuột là phê phán sự phân chia các ban học không được công bình thời nay. Ngữ nghĩa này, nó cũng gắn với anh hùng sa cơ lỡ vận. Nghĩa ngậm ngùi thân phận với số mệnh như đã được yếu tố linh thiêng nào đó an bài.

– Đầu voi, đuôi chuột.

Voi đầu to, chuột đuôi nhỏ. Chúng đối nhau về từ, về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để hàm ý chỉ công việc bỏ dở dang hay thành quả của con người “gáy” cho cố mạng mà chẳng làm được tích sự gì như lỗ hổng trống không. Nó không như câu “Ngọa hổ, tàng long” hàm nghĩa ngoài như hổ nhưng trong là rồng. Rồng là con vật biểu tượng cho sự cao qúy. Ngữ này được hiểu như nói hay, làm dở; nói nhiều nhưng thực hiện chẳng có bao nhiêu. Nó dùng trong những công trình xây dựng, giáo dục, chính trị, quân sự…

Chúng ta thấy những công trình “đầu voi, đuôi chuột” như New Century hay vụ mà “Lao Động số 237 Ngày 12/10/2007 chỉ trích:“Triển lãm quốc tế phần mềm và giải trí điện tử ISGAF 2007 do Hiệp hội Phần mềm VN tổ chức vừa khai mạc tại TPHCM. Dù đã cố được ‘đánh bóng’ trong thông cáo báo chí của ban tổ chức (BTC) cho thật ấn tượng, nhưng khách đến tham quan chẳng thấy phần mềm đâu mà chỉ được chứng kiến hầu hết các đơn vị tham gia là những Cty đang kinh doanh dịch vụ game online (GO)”.

Còn đây: “Trên 53 tỉ đồng khôi phục và nâng cấp đường Hồ Chí Minh huyền thoại ở Quảng Trị” đã đi tong (vietbao.vn). “Ông Nguyễn Huy, giám đốc Ban quản lý các khu du lịch Quảng Trị, cho biết hiện dự án đã bàn giao cho đơn vị của ông, nhưng “chẳng biết sử dụng vào mục đích gì, du lịch thì không phải, còn đơn thuần là đường dân sinh cũng khó đi lại được!” vì “sau ba năm thi công, chỗ tráng nhựa, chỗ bêtông, chỗ đá dăm trông ngổn ngang và nham nhở chẳng khác bãi chiến trường” (Theo Phan Hà Linh- Sài Gòn Giải Phóng-tuoitre.com.vn).

Điển hình cụ thể hơn ở Khánh Hòa, công trình chuột như trong bài “Hào phóng cấp đất dự án” (vietnamese-law-consultancy.com) mai mỉa “Dự án xây dựng khu du lịch Rusalka, với diện tích lên tới 45 ha đất được chính quyền thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà cấp sổ đỏ cho tên siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi…, để Nguyễn Đức Chi có cơ hội đi lừa đảo lớn ở ngân hàng và một số địa phương, doanh nghiệp… Dự án tại đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, ba dự án tại huyện Ninh Hoà cũng do Công ty Hoàn Cầu làm chủ dự án đều rơi vào tình trạng chậm triển khai, có dự án còn bỏ đất hoang, có dự án tỉnh chưa thu được tiền thuê đất. Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 1993 đến nay, Công ty TNHH Hoàn Cầu đã được giao nhiều dự án không chỉ tại Khánh Hoà, mà còn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Cần Thơ, Bình Định, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản, song đã đầu tư dàn trải khiến cho chưa có dự án nào được hoàn thành và đưa vào sử dụng, khiến lãng phí đất đai, doanh nghiệp chưa đóng góp nghĩa vụ được với Nhà nước do công trình chưa hoàn thành để kinh doanh, khai thác”.

Người đọc liên tưởng đến loài chuột khoét sập cầu Cần Thơ vào tháng 9/2007 vừa qua mà khiếp! Hiện nay, không riêng gì Khánh Hòa mà chẳng chỉ một Nguyễn Đức Chi, cá nhân, tập đoàn, công trình chuột này đang đẻ ra không biết bao nhiêu là chuột đục khoét ngân khố nhà nước (tiền dân) mà những thuốc chuột cực độc như fokeba 20%, Zinphos 20% đều bị khả năng cực nhạy từ “hệ thông tin” của chuột phá giải như truyện chưởng Kim Dung! Thanh tra Chính phủ biết đâu cũng là nơi ấp ủ hang “sâm thử“! Ai ngu ngốc không… thịt loại quý hiếm “thập toàn đại bổ” này!?

– Ướt như chuột lột.

Chuột lột không như cua, rắn lột vỏ. Chuột lột là chuột bị mắc nước lụt như một bài viết “Ướt như chuột lột” (quehuong.org.vn) diễn giải: “Trời mưa lụt, nước ngập trắng bão trắng đồng, lũ chuột đâu còn chỗ ẩn náu, buộc phải lóp ngóp bơi trong nước trông mới tang thương thảm hại làm sao!…. Bởi vậy, nói “ướt như chuột lụt” mới lột tả được sự gian truân vất vả, sự ướt át và thực trạng đáng thương của tất cả những ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng. Nhưng tại sao từ chuột lụt lại chuyển sang chuột lột?… do vần uột và ụt đứng kề tiếp nhau khó phát âm; theo nguyên tắc đồng hoá trượt, ụt được trượt sang ột dễ đọc hơn”.

Có thể thấy lý giải trên còn nhiều chỗ bàn. Con mèo ướt được tả “ướt như mèo mắc mưa” cũng ý ướt át, khổ sổ. Nhưng mèo không biết bơi như chuột thì tại sao người ta không ví ướt như mèo lột? Hay ví gà, heo, bò… lột?

Chuột lột cũng là con chuột được lột hết lông để chế tạo thành những món chuột như bài viết “Ướt như chuột lột” của Dương Văn Lãm (vanhoavinhphuc.gov.vn) giải: “Trước khi lột, người ta móc ngược những con chuột đã chặt đầu treo lên rồi tưới nước cho chúng ướt lông mềm da. Một người tiếp tục dội nước để cho người kia lột da. Nhờ có nước chảy xuống liên tục nên việc lột da chuột dễ như ta lột bít tất khỏi bàn chân; lông chuột có rụng ra cũng bị trôi theo không hề dính vào thịt chuột nên càng đảm bảo chất lợng. Làm xong hàng rổ, hàng gánh chuột thì không những cả lũ chuột lột bị ướt mà người làm thịt chuột cũng bị ‘ướt như chuột lột’”.

Chuột lột hết da chỉ còn thịt nhớp nhớt, ướt nước nhưng sạch bóng. Vậy thì hình ảnh này ngụ ý chỉ cái gì trong đời sống? Không lẽ chỉ là mô tả cách lột da chuột không thôi? Có thể ví con người tàn đời thì sẽ bị đồng bọn… thịt trụi như “cá nằm trên thớt”?

Như vậy, ta thấy ý nghĩa câu “ướt như chuột lột” là vì chuột mắc lụt có lý hơn về mặt nghĩa khổ sở, tơi tớt vì thiên nhiên. Dùng thành ngữ này không ác ý mà còn như một lời cảm thông.

+ Đi vào ca dao:

– Thứ nhất chuột túc trong nhà

Thứ nhì đom đóm, thứ ba bông đèn.

Ở nông thôn, người dân thường nghe tiếng chuột túc (có người cho là “chuột rúc” nghĩa là chuột chù nhút nhát hay trốn trong nhà. Nhưng từ “rúc” là động từ chỉ âm, “túc” hay “rúc” cũng là một nghĩa âm phát ra của chuột). Nghĩa là chuột không kêu “chít chít” như thường mà kêu “túc túc” hay “rúc rúc” (con trống túc con mái) là điềm hên thứ nhất. Ban ngày, đột nhiên có đom đóm bay vô nhà hay tự nhiên cây đèn dầu có tiêm nổi bông rực cháy lên là chia nhì, ba may mắn cho chủ nhà. Nó ngược với chiêm bao giải mộng nghe tiếng chuột xạ rúc là xui xẻo.

Nhân gian còn có câu:

– Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khỉ rằng cả họ mày thơm!

Bởi lẽ, chuột chù được coi là loài bẩn thiểu, hôi hám. Chúng chê khỉ hôi, mới kỳ. Khỉ đớp lại cả họ hàng nhà mày thơm tho!? Nghĩa bóng được ẩn dụ dưới hình thức ngụ ngôn: Người chê ta thì xấu, ta ngu, ta hèn, ta dốt thì người hơn gì ta đâu? Mình chẳng bằng ai thì đừng chê bai ai không bằng mình!

Chuột đi vào ca dao bằng đặc tính truyền thống “Mèo-Chuột-Chó” thù nhau chí chết:

– Con mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

Chú chuột đi chợ đàng xa

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!

Con chó nằm dưới đói meo

Ghét thằng mèo, chuột cà kheo trên đầu.

Thiệt đúng là ăn miếng trả miếng, láu cá khôn lường! Mèo có bao giờ ưa chuột mà hỏi thăm chuột tử tế đến thế? Chúng là kẻ thù truyền kiếp của loài chuột. Mèo lên cây cau định bắt chuột còn lưu manh vờ thăm hỏi ân cần. Chuột ta nhân thế mới đụp cho cái giỗ cha con mèo. Tử tế không kém phần đốp chát! Chó ghét thói dỏm dáng, ỷ chủ cưng của nhà mèo, càng chẳng ưa chuột bé chút lại cứ bơi móc, cắn xé cho chó bị đòn. Ghét là phải.

+ Đi vào cách nói nhân gian:

– Nhà ổ chuột: Tức là nhà cửa bê bối, hôi thói như ổ con chuột. Giá trị tố cáo sự nghèo khổ của nhân dân trong một đất nước đang đi lên!? “Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng, TPHCM đang tồn tại hơn 1.000 khu nhà ổ chuột, phân bố rải rác ở ngoại thành. Những quận, huyện nào có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng công tác quản lý đô thị tại địa phương bị buông lỏng thì số lượng nhà ổ chuột, nhà xây dựng không phép xuất hiện càng nhiều” (Huy Thịnh-Tiền Phong, vietnam.net).

Nhà ổ chuột không chỉ ở Việt Nam, “Madona tơi thăm nhà ổ chuột. Hôm qua (8/1), ca sĩ Madonna đã làm cho người dân ở Mumbai một phen kinh ngạc khi cô cùng chồng đột ngột xuất hiện tại đây” (24H.com.vn). Hiện nay, trên thế giới không biết bao nhiêu là nhà ổ chuột của dân lành và dân làm biếng lẫn lộn?
– Pháo chuột: Loại pháo nhỏ nổ lạch đạch thường dành cho những nhà nghèo đốt trong dịp Tết ngày trước cùng với các loại pháo Tống, pháo Thăng Thiêng, pháo Bình Đà…

– Dưa chuột (Cucumis sativus): Là loại dưa leo có tính thanh nhiệt, không độc, công dụng làm thuốc chữa tim mạch. Từ loại dưa này, người ta chế ra món dưa chuột chua ngọt, ngon và dòn hay món dưa chuột muối. Chất keo của dưa chuột còn dùng trong mỹ phẩm làm sạch da cho các cô nàng bằng cách cắt từng lát tròn đắp lên mặt chừa hai con mắt ra… dòm… chuột có leo lên mặt… xơi luôn cái mặt dưa leo không?!!

– Lá bài chuột: Một trong 7 cấp của bài Xệp (Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và Chuột). Có hai nhóm bài Xệp: Nhóm có một bộ ba lá chuột khác màu làm một lệnh. Nhóm có một bộ bốn là màu làm 4 lệnh. Cách chơi như cờ tướng. Tết này, người sành bài hay tập tành đánh bài tha hồ rèn luyện cách… điều binh khiển tướng có lợi cho đất nước khi có chiến tranh.

– Đầu voi, trán khỉ, mắt ốc nhồi, mông chuột kẹp: Những người có bộ mặt chuột thường được coi là bất lương. Với câu tả người như thế này thì không cần tưởng tượng cũng thấy hình dáng… động vật của người ấy… đẹp như thế nào rồi! Mông chuột kẹp là mông chuột bị bẫy lép xẹp. Người không có mông tức hạ bộ không nở nang, đối lập với cái đầu to như con voi “đầu voi đuôi chuột” nghĩa thật là đấy! Xấu hơn chữ “xấu”! Thật ra, ghét nhau câu xấu bửa ba. Chẳng có người nào mà xấu hình thức. Chỉ có người xấu lương tri thì mặt có đẹp như Phan An tái thế, như Tống Ngọc hồi sinh hay “tứ đại mỹ nhân” Trung Quốc sống dậy cũng là loại… chuột kẹp hết cả!

Chuột đi vào thần thoại, truyện: Bản thân chuột đã được tạo hóa sinh ra là phải gậm nhấm, phải đục khoét mới có ăn. Xem ra, chúng chẳng xấu xa gì trong việc tự lao động. Ta thấy, chẳng có con chuột nào nằm một đống chờ con khác mang mồi về ăn như con người… chăm ăn chứ không chăm làm. Điều đó, khiến cho chuột đi vào thần thoại với những thuộc tính trời ban này.
+ Đi vào thần thoại, ngụ ngôn:

– Người Trung Hoa lý giải vì sao chuột đứng đầu 12 con vật:“thuở hỗn độn, Ngọc hoàng hạ lệnh loài vật nào đến cổng thiên đình trước sẽ được chọn trước. Trâu vốn thức dậy ra đi từ hừng sáng. Chuột cũng lém lĩnh không kém. Biết mình chạy chậm, chuột bày trò hát cho trâu nghe nên được ngồi trên lưng trâu. Gần đến cổng thiên đình, chuột lao về trước nên được Ngọc hoàng chọn đứng vào chi tý đầu tiên trong thập nhị địa chi, trước hết thảy các loài vật khác” (Nguyễn Ngọc Thơ “Chuột trong văn hóa thế giới”-vanhoahoc.edu.vn).

Trong “Bách khoa trí thức học sinh”, bài “Mười hai con giáp” trang 499 ghi rõ: “Khi bọn chúng đi được nửa đường, con chuột nảy ra một ý xấu, nhân lúc con mèo không để ý, nó đẩy mèo ngã xuống nước, đồng thời giục trâu lên bờ nhanh… Rốt cuộc, con chuột đã giành được quán quân trong cuộc đua 12 con giáp này, theo sát là các con trâu, hổ, thỏ, rồng rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn. Con mèo… đứng thứ 13… Từ đó, mèo rất thù chuột”.

Thật hay không chưa biết nhưng biết rõ hai bài viết, hai dẫn chứng này rõ ràng chẳng thấy trích xuất xứ từ đâu có? Theo nội dung thì con mèo chẳng có mặt trong 12 con giáp? Mà xét về tài di chuyển thì con trâu chậm như rùa làm gì mà chạy nhanh trước mấy con kia huống hồ so với tốc độ bay của con rồng? Ai nói xe tốc hành chạy nhanh hơn máy bay? Chuyện để cho có chuyện mà thôi!

– Người Nhật có “Chiếc bánh gạo” về con chuột vô tình ăn bánh vụn của người nông dân và đền ơn ông lão nọ. Câu chuyện có giá trị giáo dục sự ơn nghĩa cuộc đời.

– Các xứ sở thờ thần Chuột như người Philistines, người Semite, Ai Cập cổ đại hay Ấn Độ với tập tục “Dâng sữa“. Nhìn ảnh thật một chú bé lọt thỏm giữa bầy “đại thử” con nào con nấy to như con… trâu, ta nghĩ chỉ cần bầy chuột đó đói lên một chút thì thần chuột trở thành kẻ… sát nhân khi vật chú bé kia ra mà… thịt vì khi đói thì con nào mà chẳng hói ăn?!

– Ngay ở Việt Nam, người ta không dám gọi tên chuột mà chỉ gọi “Ông Tý” vì sợ ông này mà thù vặt là toàn bộ đồ đạc, giấy tờ trong nhà… tiêu ra cám! Chuột thù vặt cũng giống như rắn trả thù nên mới có câu “đánh rắn thì phải đập đầu, giết chuột chưa chết thì mau giữ mình”, không thì chúng trả thù cho biết mặt!

– Trái lại, văn hóa phương Tây chẳng ưa gì chuột nên “chuột gắn liền với những ý nghĩa xấu xa: kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo rắc tai họa (bệnh tật). Tín ngưỡng thờ chuột được cho là ra đời ở Hy Lạp từ thế kỷ 15 trước CN, được Homer ghi chép trong Sử thi Iliad. Tương truyền thời ấy có một con chuột bạch linh thiêng từng sống dưới bàn thờ thần Apollo (thần nghề y, thần sánh sáng, thần Sự thật, đồng thời cũng là thần gieo mầm bệnh dịch) trên đảo Tenedos. Trong điêu khắc, thần Apollo thường được thể hiện trên thân một con chuột. Và cũng từ đó, chuột thần có tên gọi là Apollo Smintheus, được nhiều cộng đồng tôn thờ. Người Hy Lạp cổ còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về chuột và sư tử, chuột và voi v.v.. Nhiều bộ lạc thời ấy coi chuột là vật tổ, lấy tên chuột để đặt tên thành thị hay tên thị tộc của mình. Họ còn in hình chuột trên các đồng tiền hay các biểu tượng cộng đồng khác. Người Đông Âu thời cổ trung đại đã từng ăn thịt chuột”.

Hèn chi khi phương Đông nghiêng mình vái chuột đừng phá hoại thì phương Tây chế thuốc diệt chuột cho bằng được! Âu cũng là cách ứng phó lưỡng phân! Hai phương trời, hai thái cực. Một bệnh chữa đằng đông, một bệnh chữa đằng tây là vậy.

+ Đi vào truyện:

– Truyện “Chuột và Mèo“: Chuột giữ lúa nhà trời nhưng lại ăn hết lúa rồi trốn xuống trần gian. Trời bắt Táo quân phải tìm cách trừ. Táo quân làm không nổi, Trời mới cho con Mèo xuống bắt Chuột. Mèo giận Táo làm mình mất chỗ ở trên trời nên… ỉa lên bếp Táo. Mèo lại giận chuột làm mình phải mắc công chạy tới, chạy lui nên… hễ thấy chuột là… chụp! (phimhoa.us).

– Chú chuột trong “The Tale of Despereaux” (Newbery Medal 2004) của nữ văn sĩ Mỹ KaTe Dicamillo, là cuốn truyện được coi là “The #1 National Bestseller”. Chuyện kể về chú chuột lạc gia đình yêu nàng công chúa rất cảm động. Truyện nêu lên được thế giới con vật như chuột cũng có xúc cảm như con người.

– Truyện cổ tích “Quan thanh liêm vì một lời nói mà mất thanh liêm” của Việt Nam: Quan nọ nổi tiếng thanh liêm, về hưu, hết tiền, vợ mang con chuột vàng ra bán. Quan hỏi từ đâu có? Vợ kêu từ sinh nhật quan có người hỏi quan tuổi gì để tặng vàng. Vợ nói quan tuổi Tý, người đó tặng con chuột vàng. Quan bực mình: Sao bà không bảo tôi tuổi con trâu? Con người cuối cùng cũng “cháy nhà ra mặt chuột” là đây: Máu tham!

– Truyện ngụ ngôn của Jean De La Fontaine “Chuột và sư tử“. Truyện giáo dục chúng ta chữ Nhân và chữ Tín với nghĩa “Cứu vật, vật trả ơn”. Truyện “Chuột và voi“: Giáo dục chúng ta nên tự biết mình, đừng hợm hĩnh chê bai kẻ khác.

– Truyện tranh “Chuột típ“; “Chuyện kể về chú chuột Nezumi Kun no Ehon”; “Chuột Havi và quả bí ngô” (Harvy and the pumpkin) với những chú chuột dễ thương, thông minh của nhà xuất bản Kim Đồng dành cho thiếu nhi.

– Tình chuột truyện ngắn như tùy bút của Đỗ Hoằng Diệu: “Chuột chù, chuột cống, chuột đồng, chuột bạch chạy dớn dác trên cánh đồng ngập ứa nỗi đau trải dài suốt sa mạc đỏ lòm trái tim em. Nhiều chuột lắm, mỗi vết thương ra đời một đàn chuột. Mà thương tổn ngày nào chẳng có. Có lần anh xua đuổi vào em một đàn chuột, con nào con nấy hung hãn khác thường. Nhưng em đã đeo kính đen, em uống thuốc bổ mắt, em thức suốt một đêm và em nghĩ đấy là chuôt bạch. Chuôt bạch thì đáng yêu phải không anh? Nghe đâu người ta mua về nuôi làm cảnh và cưng chiều lắm. Việt Nam thì em chưa thấy người ta nuôi chuột bao giờ. Cái lần ấy anh còn nhớ không? Anh bị thất nghiệp và phải huỷ vé máy bay đã đặt. Anh phải ở lại đất nước ấy, đất nước mà anh là công dân để tìm việc khác. Hai tuần nghỉ phép và một đám cưới trở thành đàn chuột chạy thục mạng vào em. Nhưng vì em nhìn ra chúng là chuột bạch nên chúng không phá quấy nhiều lắm. Chúng chỉ gây đau nhức một chút. Vài tháng sau ngày chúng đến thì em đã ngon ngọt dỗ chúng trở về hang ổ của mình. Chúng chỉ để lại một cái ổ với những bào thai vương vãi trong em. Vào một ngày tháng Năm những bào thai ấy lại nở tưng bừng thành đàn chuột quái dị”.

Chuột Việt Kiều sẽ cho ra chuột bạch “đáng yêu“. Chuột không Việt Kiều thì chỉ là “chuột chù, chuột cống, chuột đồng“. Thứ hạng xếp loại đâu đấy cả rồi! Loại truyện phản giáo dục cho ra “Hội chứng quái thai” của những cảm xúc không lành mạnh về sinh lý con người cộng với sự buông thả như một kẻ đàng điếm thích cảnh gường chiếu để kiếm ăn thì làm sao mà so sánh với bản năng tự kiếm ăn để sống của hạng chuột dù chỉ là con chuột nhắt!

– Thơ chuột: Những nhà thơ đâu đấy có mang hình ảnh chuột từ cảm xúc về những bức tranh nhân gian mang truyền thống quê hương sớm phai tàn như một niềm phân ưu, nuối tiếc quá khứ.

Với Tú Xương, nhắc nhở một tập tục:

Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà.

Hoàng Cầm tiếc nuối trong “Bên kia sông Đuống”:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…

Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu?

Về đâu? Ai biết về đâu bây giờ?

Phim ảnh chuột, cải lương:
– Cải lương hài “Nuôi chuột Huyện Đề” với những nghệ sĩ: Bảo Quốc, Minh Vương, Lệ Thủy, Hằng Nga, Hoàng Giang, Bảo Chung… vẫn làm người xem, nghe… mát tai, giải sầu qua những nụ cười hạ nhiệt!

Như để chia bớt đặc điểm xấu xí, tai họa của chuột, các nhà làm phim đã cho ra đời những con chuột lột xác mang đầy đủ đức tính tốt đẹp của con người chân chính.

– Chuột phim: Thế giới tuổi thơ từng làm quen với cuốn phim hoạt hình: “Hội đồng chuột” nhát gan khi tìm cách đeo vòng vào cổ mèo để cả bọn tránh được nanh vuốt của mèo. Sự nhút nhát của họ chuột nói lên sự ương hèn, không đoàn kết của con người trước kẻ thù hung ác, mạnh bạo, to lớn.

Người thưởng thức phim cùng thông cảm với “Vợ chồng chuột” của Hà Huy Tuấn hay “Phim chuột” (Truyện của Trương Quang Thịnh) cười nôn ruột. Ít ra, chuột trong phim Việt Nam có học thức hơn truyện chuột.

“Chuột yêu gạo” phim Hàn Quốc và Đài Loan với các diễn viên Trần Di Chung, Hứa Thiệu Dương, Vương Trọng Khánh… làm say mê tầng lớp trẻ thế giới.

– Truyền thống phim chuột: Có từ năm 1919 khi chuột Ignatz của George Herriman được hãng Disney thay thế bằng chuột Mickey-Minnie. Hai chuột Jag và Gus trở thành người thân của nàng Cinderelle đối nghịch với con mèo mập của hai người chị cùng cha khác mẹ làm hài lòng người xem từ năm 1950 đến nay. Thêm vào đó, chuột Gonzales chạy nhanh nhất trong Speedy Gonzales đến năm 1982 thành chuột góa chồng Mrs Brisby đáng thương. Chuột “Thám tử đại tài” trong “Great Mouse” ra đời năm 1986. Đây cũng là phim chuột duy nhất về hai con chuột đồng loại chống nhau.

Thế giới con người cũng từng hả hê, no nê tinh thần bằng những trận cười không dứt khi xem phim hoạt hình của Mỹ: “Tom and Jerry” từ năm 1940 đến nay vẫn còn là bộ phim hoạt hình không tiếng hay nhất, hấp dẫn nhất và có giá trị nhất đối với các tầng lớp xã hội học làm người. Con chuột Tom quả đúng là hết sức quỷ quyệt. Nó tinh quái với mèo Jerry tài lanh, ngu ngốc bằng sự thông minh tuyệt đỉnh của loài gậm nhấm. Bộ phim có giá trị mang lại cho người xem những bài học về nhân phẩm cũng như thú tính hết sức tích cực. Mèo-Chó-Chuột (Jerry-Spike-Tom) dù thù ghét nhau nhưng vẫn phải sống chung một nhà và cũng có lúc thâm tình đến cảm động. Tính tích cực và tiêu cực cũng như thiện và ác, hoà bình và chiến tranh phải đi cùng với nhau như một chân lý.

Cũng phim Mỹ, năm 2007 chú chuột đầu bếp tài ba RaTatouille Remy và anh rửa chén nhà hàng Linguini cống hiến cho người xem những trận cười thỏa thích trong tình bạn bất đắc dĩ bằng sự khôn ngoan, thông minh đầy nhân ái và tài ba của chuột với đức tính tốt không bỏ bạn khi may mắn, sung sướng. Giá trị con người được đánh giá trong phim truyện đầy tính người này là ở chỗ đấy.

Năm 2008, phim chuột yêu công chúa “The Tale of Desperaux” của nữ văn sĩ Mỹ Kate Dicamillo được dựng thành phim với diễn viên 17 tuổi nổi tiếng với các tập phim ăn khách hiện nay chuyển thể từ tiểu thuyết “Harry Potter” của nữ văn sĩ J.K. Rowling trong vai chính phù thủy Hermione Granger là Charlotte Duerre Watson (15/04/1990 tại Pháp, quốc tịch Anh). Cô thủ vai chính là nàng công chúa xinh đẹp (Princess Pea Emma) hiện thân sự lương thiện và cầu toàn hạnh phúc bằng tình yêu.

Mùa phim chuột đã về vui vẻ với năm con chuột tuy đã thiếu những sắc pháo chuột trong nắng xuân.

Tranh chuột, bài hát chuột:
Tranh chuột:
– Ai cũng biết làng Đông Hồ (Bắc Ninh) có tranh nhân gian “Đám cưới chuột“ với 12 con “đại thử” ôm lễ rước dâu ngộ nghĩnh. Theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thơ “Chuột trong văn hóa thế giới”, chuột xuất hiện với tư cách là khách quý và là thông sứ cho người Đông Nam Á biết di cư theo mùa nước nổi vì “nước dâng đến đâu, chuột kéo lên đến đấy” y như chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” của Việt Nam. Chuột đã làm nên thần thoại trên xứ người: “Vùng bắc New Guinea và quần đảo Melanesia hiện vẫn còn lưu truyền nhiều mô típ khác nhau về hai anh em Kulabob và Manup vì ghen tuông mà đánh nhau, người em Kulabob biến thành một con chuột đồng chạy mất, nhờ thế thoát mạng, sau đóng thuyền vượt biển di cư về phía đông. Người Fiji còn coi trọng vai trò của chuột hơn nữa, theo đó loài người đã quá một lần bị loài chuột định đoạt số phận của mình. Thần thoại bất tử của họ kể rằng Diêm vương quyết định cho con người tái sinh mãi mãi, Mặt trăng và thần chuột bàn bạc nhau để trao cho loài người món quà bất tử. Thần chuột kịch liệt phản đối, song cuối cùng cũng bị Mặt trăng thuyết phục. Từ đó, người Fiji tin rằng người chết sẽ được tái sinh nhiều kiếp sau, giống như trên chín tầng cao kia trăng tàn rồi lại mọc. Dân đảo Tonga mượn hình ảnh chuột để nói lên sự khôn lanh, khéo léo”.

Tiếc thay! Những bức tranh chuột đã bị thời gian làm mờ đi vết tích và chẳng có ai vẽ được phong thái bức tranh chuột như người xưa đã vẽ!

Bài hát chuột:
– Chú chuột nhắt với giọng ca Duy Uyên, Xuân Mai hiện lên con chuột nhắt thiệt dễ thương: “Có con chuột nhắt. Nó chạy lăng xăng. Mắt ngó láo liêng. Ngó ngiêng, ngó dọc. Có con chuột nhắt nó chạy lăng xăng, ăn vụng suốt ngày là thật đáng chê. Lêu lêu chú chuột nhắt chít chít. Lêu lêu chú chuột nhắt chít chít”. Dù sao, tạo hóa đã sinh ra loài chuột, chúng vốn cũng dễ thương nếu không có màng cắn phá.

– Chuột yêu gạo (chuột yêu lúa) với Phạm Thanh Thảo (maiyeuem.net) “Ước mong ngày nào người sẽ biết. Và em đây thật lòng muốn nói với anh lúc này chỉ riêng với anh: Mãi yêu anh, mãi bên anh dẫu giông tố rồi sẽ ghé qua. Và em hứa sẽ yêu mãi anh giống như chuột kia yêu gạo vậy thôi”. Yêu như chuột yêu lúa, yêu gạo thì thôi bình luận gì nữa?!

– Đám cưới chuột với những câu than thở “Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác. Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm. Lang thang trước bãi dâu có một anh chuột nhắt. Lang thang chốn bãi hoang có một cô chuột đồng” (yonhac.com). Chắc tác giả bài này lấy nguồn cảm hứng từ bức tranh “Đám cưới chuột” đây!
4. Vi tính chuột:

Từ đặc điểm sinh lý của chuột với cái mõm dài, nhọn cộng tính nhanh nhẹn, người ta đã chế tạo ra những con chuột từ đơn giản đến hiện đại nhất giúp cho ngành vi tính có những chức năng đa dạng phục vụ thông tin cho con người.

Đó là “con chuột vi tính” IBM, “chuột quang” (vnn.vn) năm 1981 từ mẫu mã hình dạng cũ, đã tạo cho các nhà thiết kế vi tính tạo ra những mẫu mã con chuột (model) chuột máy tính mà Tiến sĩ Doug Engelbart chế tạo năm 1964. Sau đó, chuột này được thay bằng chuột Xeroxparc (Xeroxtai Palo Allo) năm 1973. Chuột dây Apple Lisa vẫn dùng từ 1983 đến 1996 thì hãng Microft Intelli Mouse thay chuột dây Scroll. Những con chuột dây này vẫn bị những con chuột thiệt ”xơi” đứt như chơi. Chuột Laser Logitech Mx 1000, cordless EX110 ra đời năm 2004 chấm dứt sự phá hoại của chuột thật.

Chuột quang Sony, Mitsumi đến chuột máy tính có tác dụng diệt virut (vinasofts.ws) đến chuột không dây Ex110. Hiện nay, các chuyên gia máy tính tạo ra chuột vi tính cho người thuận tay trái Lefty Mouse-vi tính quang học (vietnam.net). Hãng Windows thay thế MS-DOS của Microsoft cho ra chuột vi tính: “chuột bi, chuột lăn, chuột quang cho đến chuột không dây của các hãng sản xuất như LogiTech, Genius, Microsoft, Mitsumi… (echip.com.vn). Hiện tại, chuột hiện đại nhất là Logitech Mx Revolution ra đời năm 2006. Nó đang giữ chức này chưa có chuột nào thay thế!

Tử vi chuột:
– Theo Nguyễn Phú Tứ trong “Năm tý nói chuyện chuột” (haivannews.com):

Nhâm Tý18-02-1912 đến 05-02-1913 Mộc
Giáp Tý 05-02-1924 đến 24-01-1925 Kim
Bính Tý 24-01-1936 đến 10-02-1937 Thủy
Mậu Tý 10-02-1948 đến 28-01-1949 Hỏa
Canh Tý 28-01-1960 đến 14-02-1961 Thổ
Nhâm Tý 15-02-1972 đến 02-02-1973 Mộc
Giáp Tý 02-02-1984 đến 19-02-1985 Kim
Bính Tý 19-02-1996 đến 06-02-1997 Thủy
Mậu Tý 07-02-2008 đến 25-01-2009 Hỏa
Canh Tý 25-01-2020 đến năm 2021(*) Thổ

Năm Mậu Tý là Dương Hỏa. Cứ “Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Mộc sinh Hoả, Thổ sanh Kim, Kim sanh Thủy, Thủy sanh Mộc” (Thiên Hà Thủy, Đại Hải Thủy lại hợp với Hỏa) mà tính tới để coi tuổi cho mình. Coi chơi cho vui vậy chứ mấy ai đã biết được “quá khứ vị lai”. Tìm người hợp hết về cung, mạng, chi, dương cho mình cũng trầy da, tróc vảy, hết hơi, tàn đời! Tắt thở!

– Không phải cứ hễ “Thân-Tý-Thìn” hay “Hợi-Mẹo-Mùi” là tam hạp hay cứ hễ “Dần-Thân-Tỵ-Hợi” là “tứ hành xung”. Theo tử vi của giáo sư Hiển Linh, các tuổi cũng tùy vào giờ, ngày, tháng và cung mạng. Riêng tuổi Tý (Mậu Tý) có những tuổi đại kỵ trong đời như sau: Tân Mẹo và Quý Mẹo… nhứt là việc kết duyên không nên hòa hợp với những tuổi trên vì khó thoát khỏi tuyệt mạng hay biệt ly. Mậu Tý không hạp những tuổi này về mặt tình duyên mà cũng chẳng phù hạp ở mặt tài lộc: Mậu Tý, Canh Dần, Bính Thân, Giáp Thân. Ngược lại: Nhâm Thìn, Giáp Ngọ, Bính Tuất hạp tình duyên. Tuổi hạp tốt nhất: Kỷ Sửu, Quý Tỵ, Ất Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi, Ất Dậu. Vậy mà cũng khối người hợp tuổi mới lấy đầu sáng, chiều đã chia tay! Quải!

– Chiêm bao thấy chuột: Trong “Khám phá bí ẩn của những điềm chiêm bao” (Michael Halbert, Sam Giang -1970) trang 41, giải mộng: “Chiêm bao thấy chuột bạch là mơ mộng một bóng hình mà không được thành tựu. Thấy chuột cống là phải đề phòng bạn bè phản trắc. Thấy chuột đồng, nếu chạy dưới nước là công việc làm ăn sắp gặp may. Nếu chuột chạy trên khô là còn ngưng trệ. Nếu chuột gậm lúa hay cỏ là sắp hao tài. Thấy chuột gậm quần áo là điềm tang khó. Chuột gậm chân tay là người mưu hại mình. Nghe chuột xạ rúc, nên đề phòng bị mất trộm. (Số hạp 15)”. Lấy số này mà đánh đề có thể thành… triệu phú nếu không “tan gia, bại sản”!

Tin hay không tin thì việc coi tuổi tác trong hôn nhân, hùn hạp, kinh doanh… người Việt Nam mê tín hơn bất cứ nước nào! “Nhân định thắng thiên” cũng nhiều nên tài không qua số thì phước chủ cũng may thầy đó thôi!

Tem chuột: Canada cho phát hành tem chuột nhân năm mới 2008 như đã từng phát hành 11 con giáp trước đây. Tem chuột do họa sĩ Harvey Chan vẽ dựa vào câu truyện dân gian của Trung Quốc có tên “Vợ chuột” (nguoi-viet.com).
Khảo cổ chuột: Chuột đã có mặt trên trái đất khi nào? Sự phát hiện hóa thạch chuột của nhóm khảo cứu Uruguay mới đây là câu trả lời: Chuột xuất hiện xưa như trái đất với… 4 triệu năm. “Loài chuột mới phát hiện này được đặt tên là Josephoartigasia monesi, theo tên nhà khảo cổ sinh vật học, một chuyên gia người Uruguay nghiên cứu bộ gặm nhấm. Sự phát hiện này đã phá vỡ kỷ lục của loài chuột lớn nhất còn sinh sống trên trái đất là chuột ở Argentina, nặng khoảng 60 kg, và một loài chuột Phoberomys pattersoni đã được tìm thấy ở Venezuela năm 2003 nặng không quá 700 kg” (luyenchuong.net). May thay, nếu không có những chấn động thiên hà làm tuyệt chủng những con vật khổng lồ như khủng long, như chuột đại đại bự này thì con người bé nhỏ sống chung với nhóm khổng lồ sẽ… khổ lòng như thế nào?
Người tuổi chuột nổi tiếng: DiPark Jin Young, Bae Yong Joon (1972), Shim Eun Ha ,Yoon Eun Hye (1984), violong Chung Kyung Hwa, tài năng piano Lim Dong (muavang.net).
Chuột… đạo văn: Trái với những con chuột dễ thương như ong mật đi hút mật mang về cho nhân loại những mật văn chương giải trí, gần đây, một loại chuột chuyên đi tha những bài viết sẵn có tác giả về trang web của mình rồi bỏ quách đi tên tác giả khiến cho các web khác trích lại có dẫn link đàng hoàng nhưng là link của chuột copy. Trường hợp dịch giả Nhị Tường cũng bị chuột đạo văn tha đi bài dịch của mình bỏ lên web của chuột làm của riêng khiến tác giả than thở “Cho đến một ngày, chợt thấy bài dịch ‘Cong, nhưng đừng gãy’ của mình nằm trên một trang web nọ, người ghi bên dưới là “suu tầm”. Ô hay chi lạ. Không hiểu sao người có thể ghi một câu “sưu tầm” nhưng lại cố tình bỏ quên cái tên của người đã dịch bài. Người đã bỏ thời gian đọc, suy gẫm, nghĩ câu, tìm chữ… và đánh máy để có ngày nó hiển hiện lên cho người khác “sưu tầm”. Có vị, đứng đắn hơn, ghi bên dưới là: nguồn xì trum.net. Ngược nguồn tìm về nơi xuất phát thì xitrum.net ghi: nguồn Quảng Đức” với 20 cái web… chuột (nhituong.com)!!!? Nếu người nào chịu khó đi một vòng quanh thế giới vi tính thì sẽ phát hiện… chuột đạo văn, đạo tùm lum này với không nguồn gốc trích dẫn nằm hàng dọc, hàng ngang trên đấy mà chẳng ngán bẫy giăng cũng chẳng sợ thuốc gì! Chuột này có ngày cũng bị còng… thời gian khóa tứ chi lấy gì chạy chôm chĩa!
Những loại chuột văn học, chuột thi cử, chuột tiến sĩ… không chóng thì chày có ngày cũng mắc bẫy chuột hay thuốc chuột do chính mình chế tạo ra! Đó cũng là luật “có vay, có trả” của nhân gian mà thôi!

III. Chuột: lợi và hại: Tất cả những gì trên cuộc đời đều mang thuộc tính “lưỡng phân”.

Sự hại của chuột và cách phòng trừ:
Chuột (Hải Ly được coi là nguy hiểm cho nhà nông sau ốc bươu vàng chuyên phá hoại mùa màng) phá hoại cây cối, truyền bệnh dịch nên người ta tìm cách diệt chuột bằng vi sinh song song với việc dùng những biện pháp thủ công như bẫy chuột, keo dính chuột hay bắt chuột. Kỹ sư Thành Trọng Kim, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh Ninh Thuận cho biết: ”Chuột là loài dịch hại quan trọng và khó quản lý nhất trong số các loài dịch hại đối với sản xuất nông nghiệp. Từ một đôi chuột bố mẹ qua một năm sinh sản phát triển thành dòng họ cháu chắt lên đến…2000 con!… Chuột phá hoại tất cả các vụ mùa trong năm, ở tất cả các loại hoa màu và trên khắp mọi cánh đồng. Khả năng ăn hại của chuột rất lớn, số lương thực chuột ăn phá một năm đủ để nuôi sống trên 20 triệu con người trên thế giới” (nea.gov.vn). Vì vậy mà loài người tìm đủ cách diệt loài nhỏ con mà ngon độ này bằng mọi cách:

– Thuốc diệt chuột: Thuốc diệt chuột Rat-K, Biorat, Ropel hay “Fokeba, Zinphos (phosphua kẽm rất độc, thuộc loại thuốc hạn chế sử dụng). Hiện nay, nông dân diệt chuột phần lớn bằng các hợp chất đông máu như Brodifacoum (tên thương mại Klerat, Forwarat), Bromadiolone (Killrat, Musal), Diphacinone (Yasodion), Warafin, Flocoumafen (Storm)“(vietnam.net), hay fokeba 20%, Zinphos 20% cực độc (hạn chế sử dụng) có tác dụng chống đông máu gây xuất huyết trong, hủy hoại tế bào, tắt nhịp tim, quấy loạn mạch… gây chết chuột ngay nếu mạnh và chết sau 2-3 ngày nếu nhẹ. Chúng không màu, không mùi nên có tác hại chung: Loài người từng lấy thuốc này để tự hủy hoại mình như mẹ con chị Trần Thị Thuyền và con gái tự tử ngày 16/04/2007. Nhân viên thu thuế Trung Quốc bỏ thuốc chuột vào căngtin cho đồng nghiệp chết (vnexpress.net). Vụ ngộ độc kẹo bim bim có thuốc diệt chuột tại trường Mầm non Khung Nhung (Hà Giang) do cô giáo Trần Thị Phong đặt gài chuột và quên không đóng cửa khiến các cháu ăn phải. Thú vật chó mèo cũng bị chết khi ăn phải thực phẩm có thuốc chuột (calitoday.com). Người ta cũng dùng thuốc diệt chuột để đầu độc nhau như vụ bà Lũy pha thuốc chuột vào cà phê cho chồng uống chết thẳng cẳng (vietbao.vn, ngoisao.net). Vụ cô giáo đầu độc 340 trẻ em ở trường Mầm non Lĩnh Nam-Hà Nội bằng thuốc chuột Fokeba 20% phosphor kẽm cực độc năm 2006 đã làm phụ huynh ớn lạnh (laodong.com, vietnamnet.vn, giadinh.net.vn)…

Tội ác thường đi sau khi thủ phạm là nạn nhân của những trường hợp bị cưỡng chế, bị đánh đập, bị bạc đãi, bị phụ tình, bị xốc… Ví dụ nếu con chuột không có nguy hại thì giết chúng làm gì? Nhưng nghiệt nỗi, chuột không ăn lúa, gạo thì chúng sống bằng cái chi để tồn tại? Phương tiện không thể biện minh mục đích khi chúng ta hiểu rằng trong cuộc sống của chúng ta, mọi thứ đều là con dao hai lưỡi, kể cả tình cảm cha mẹ dành cho con cái nhiều quá thành ra hư hỏng con em mình. Suy cùng, việc giáo dục tới nơi tới chốn về nhận thức vấn đề và có trí thức khoa học mới mang lại cho con người những giá trị tinh thần không mua được bằng tiền bạc. Thuốc chuột chỉ dùng cho chuột nhưng làm sao có thể không có khả năng đáng tiếc xảy ra khi con người cố tình sử dụng vì mục đích cá nhân hay sự nhầm lẫn vô ý của người trong việc gây thêm tội ác?

– Bẫy chuột (mouse trapper): Làm bằng thép, gài vài cục cơm, mỡ, khoai… cho chuột vô ăn thì phần dưới sẽ ập xuống đè chuột lại. Cách này thô sơ, thường dùng trong nhà nhưng cũng hiệu quả. Năm 1975-1976, học sinh tại các trường tiểu học đã bẫy chuột và chặt đuôi chuột nộp cho trường theo yêu cầu. Một hình thức giết chuột tập thể. Cách thức này đôi khi người cũng bị bẫy khi chân sơ ý đạp lên hoặc tay vớ nhầm. Các loại bẫy chuột hiện tại là: BC1 và BC5 như bẫy cũ với miếng mồi là phó mát thường ít hiệu nghiệm khi chuột ăn hết phó mát rồi mà chẳng thấy cái bẫy sập xuống!

– Bẫy điện: Khi bẫy chuột bằng điện ở ruộng thì kết quả khủng khiếp: Chuột chưa chết mà người bị giật chết: Bẫy điện của anh Hoàng, chồng chị Mai đã giật chết ông Cường hàng xóm vào ban đêm (tienphong.vn). Huyện Giao Thủy, Nam Định có 5 người cũng bị điện giật chết vì bẫy điện của mình (vnexpress.vn). Ở Tiền Giang, bẫy điện ông Phước đã giết anh Trần Quốc Bảo (vndaily.net). Cách này còn dễ sợ hơn cách rà cá bằng diện ngày trước.

– Bẫy chế tạo: Khi “giáo sư diệt chuột” Trần Quang Thiều không bằng cấp đã phát minh cái bẫy chuột hiện đại trong 5 năm diệt 1 triệu con chuột làm kinh ngạc thế giới khoa học!

– Keo dính chuột (Norat): Chất keo có nhiệm vụ làm dính chuột khi chuột chạy ngang qua. Cách này cũng làm dính chân người khi dẫm phải. Cái lợi của nó là một bẫy có thể dính nhiều con nhưng nếu bẫy không được đêm nay thì ngày mai phải bỏ đi vì lờn chuột!

– Bẫy cốc: Có người phát minh ra bẫy chuột bằng chiếc cốc thủy tinh có nam châm và dây xoắn, chuột chỉ việc chạy vào rồi ngồi trong đáy cốc mà nhâm nhi thức ăn (motofunvn.com). Không giết chúng thì bẫy chúng làm gì? Bẫy rồi cũng… thịt thì cũng có gì nhân đạo hơn?

Chính dấu chân chuột để lại trên những chỗ chúng đi qua là “yếu điểm” để con người dùng hàng chục cách để tiêu diệt chúng! Đó cũng như thủ phạm tội ác để lại vết tích trên hiện trường với mật mã DNA khi được giải mã thì thủ phạm hết đường trốn thoát!

– Nhà khoa học diệt chuột: Chính nhờ những con chuột mà chúng ta có thêm một nhà khoa học diệt chuột: “Cuốn “giáo trình” được ông Thiều tóm tắt trong Công thức tám – sáu. Tám là 8 cách quan sát quy luật hoạt động của chuột như dựa vào dấu chân, đường chạy, cửa hang… Còn sáu chính là 6 cách đặt bẫy tài tình: đặt trên đường mòn, trên dây phơi, trên mặt nước hay ruộng khô…Mỗi địa hình ông đều chỉ ra cách thức đặt bẫy khác nhau. Chẳng hạn, khi chuột leo từ tường nhà xuống, chúng cũng chỉ leo hết khoảng 3/4 quãng đường. Cách đất chừng gần một mét chuột sẽ nhảy xuống chứ không bao giờ leo tuột xuống tận chân tường. Vì thế, để trừng trị lũ ranh mãnh, người đánh chuột phải đoán được vị trí chuột nhảy xuống và đặt bẫy tại đó thì mới “thắng”.. Một chuyên gia Đan Mạch đã nói trước toàn hội nghị rằng: “Đây là một nông dân kì lạ. Nếu gọi ông ta là một nhà khoa học về chuột thì cũng không quá lời…”.Những dũng sĩ diệt chuột cũng xuất hiện khắp nơi như Trương Quá và 40 dũng sĩ (Ninh Thuận, nea.gov.vn).

Nhà sáng tạo Lê Đức Hiền (Xuân Lộc) tàn tật nhận hai cúp vàng về phát minh “Máy điện châm DH/ K102 và Bẫy chuột liên hoàn DH/BC.5 ra đời và dành hai cúp vàng tại Techmart 2005”. Không có lũ chuột phá phách, chúng ta không có những người nông dân, tàn phế thông minh, tài ba như thế. Mới nói: Nhân tài phải nhờ thời thế!

Chúng ta không chờ “mất bò mới lo làm chuồng”. Diệt chuột không bằng phòng chuột:

– Phòng chuột: Phòng chuột trong nhà bằng cách bẫy chuột, giữ sạch sẽ nhà cửa, đồ ăn thức uống đậy cất kỹ lưỡng, giấy tờ quan trọng phải cất trong tủ sắc. Ngoài đồng thì người ta cứ sau vụ mùa là đốt rạ tránh chuột làm ổ đẻ, đuổi chuột bằng cách xịt nước, đào hang, đặt bẫy chế tạo hoặc nuôi mèo, rắn, chim để chúng ăn chuột nhưng cũng nên phòng ngừa những con rắn cắn người, con trăn ăn con nít… Cái gì cũng có hai mặt xấu tốt của nó. Hạn chế mức thấp nhất dùng thuốc diệt chuột vì cũng diệt cả con người.

– Thị phi chuột: Mới đây, chuyến bay của hãng United Airlines tới Bắc Kinh đã mang theo 8 con chuột sống và chết ngày 07/01/2008 khiến Trung Quốc mất hồn vì “chuột có thể phát tán hàng chục loại virus gây chết người và tạo ra những tai nạn chết người khi chúng cắn đứt dây điện trên máy bay”. (luyenchuong.net). Đây là mối nguy hiểm chung của nhân loại nên trừ trường hợp có những kẻ thích khủng bố, chia rẽ thế giới đã cố tình chủ mưu thì chẳng chính phủ nước tự do, tân tiến nào sử dụng chiêu bài này hay sử dụng vũ khí sinh học gieo thảm sầu cho nhân loại hèn hạ như thế cả!

Lợi của chuột : Chuột cũng như các động vật khác, ngay cả vi trùng, vi khuẩn, virut, người ta nuôi chúng để thí nhiệm.
Y học: Chuột cũng như các động vật khác, ngay cả vi trùng, vi khuẩn, virut, người ta nuôi chúng để thí nghiệm.
– Các nhà nghiên cứu nuôi chuột để sử dụng trong nghiên cứu sinh-y học và dùng thí nghiệm tìm thuốc vắcxin chống bệnh cho động vật và con người. Họ cũng nghiên cứu phương pháp quản lý chuột bằng biện pháp sinh thái (sokhcn.baria-vungtau.gov.vn). Người ta nghiên cứu thu thập và trữ lạnh phôi, tinh trùng, gây các đột biến mới bằng phương pháp hóa học. Tìm hiểu chuột- động vật chuyển gene bằng cách thiết lập bản đồ đột biến và xác định chủng đột biến bằng các giá trị vật lý. Nghiên cứu di truyền, tế bào và dò tìm thông tin về di truyền chuột trên internet với cách nuôi nấng chuột, nuôi cấy tế bào phao chuột, tạo ra chuột knock out với các phương pháp nghiên cứu có sử dụng chuột…

Việc sử dụng chuột thí nghiệm có giá trị như một công trình khoa học quan trọng của con người. Bằng chứng thực tiễn là “Hội đồng xét giải Nobel tại viện Karolinska Thụy Điển hôm nay quyết định trao giải Nobel Sinh lý học và Y học 2007 cho Mario R. Capecchi, Martin J. Evans và Oliver Smithies về những khám phá ra “nguyên lí gây biến đổi gene đặc hiệu ở chuột bằng cách sử dụng các tế bào nguồn tạo phôi”- principles for introducing specific gene modifications in mice by the use of embryonic stem cells– (thuvienkhoahoc.com).

Trước đó, nhà bác học người Pháp Yersin đã thử nhiệm trên chuột thành công trong việc tìm vacine Plague bacillus (bệnh dịch-bạch hầu) năm 1894. Ông đã mở Viện Pasteur (Pasteur Institule) tại Nha Trang để nghiên cứu bệnh dịch.

– Tạo giống chuột mới: Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hitoshi Sakano thành công trong việc tạo ra những chú chuột không biết sợ mèo. Nhưng chuột không biết sợ mèo thì mèo sinh ra để làm gì đây? Câu hỏi có đau đầu các nhà bác học?

– Các nhà khoa học còn tìm cách hồi sinh tim chuột đã chết (tinhnhanh.com) hay tạo ra siêu chuột trong các phòng thí nghiệm (doanhoikhoaly.blogspot.com). Xem ra, chuột quả có giá trị cho con người bên cạnh những mối hại to lớn khi nó phá hoại mùa màng và nguy hiểm khi truyền bệnh dịch.

Nghệ thuật:
Chuột vào truyện, phim ảnh, cải lương… thành nguồn thu vô tận cho người sản xuất và là những món ăn bổ dưỡng tinh thần cho con người nhất là các em thiếu nhi.

Thịt chuột:
+ Thịt chuột là món ăn đã trở nên “cứu khổ cứu nạn” cho dân thường và là món ăn độc đáo của một số làng chuột như làng chuột Cổ Dũng (Hải Dương), làng Phù Dật (An Giang), làng nhập khẩu chuột Chray thom (Campuchia). Chợ Đình Bảng không thể thiếu thịt chuột trong thức ăn trong đám cưới. Xem ra, người dân đã có công ăn việc làm trong việc bắt chuột và chế tạo ra những món ăn đặc sắc từ thịt chuột.

– Thịt chuột đồng cũng là đặc sản miền Tây (luyenchuong.net) với các món “chuột nướng chao, chuột săn về đem thui lột da, bỏ hết xạ quanh cổ, bên nách háng, bộ lòng (chừa gan) (anchoicali.com).

– “Món ngon nhất là: ”chuột khìa nước dừa”. Chuột lột da rồi khoét một lỗ nhỏ dưới bụng, móc hết ruột ra. Thịt chuột băm nhuyễn trộn hành tỏi, ngũ vị hương (vae.org.vn).

– “Chuột đồng xào củ kiệu” với những gia vị thường như tiêu, bột ngọt, nước mắm và kiệu tươi ăn với xì dầu, chanh ớt! Chảy nước miếng… nhưng hổng dám ăn!

– Món “Sâm thử”: Những con chuột còn đỏ hon, đỏ hỏn này là thức ăn quý hiếm khi chúng được nuôi bằng sâm qua ba đời. Món ăn ghê rợn dành cho quý tộc, đại gia này gọi là “Sâm thử” (chuột sâm). Thực vật có “nhân sâm” sao động vật lại không thể không có một “chuột sâm”? Thế là tính tất yếu nhân tạo được phôi thai và hình thành.

Một câu hỏi đặt ra: Vậy, chuột có nên bảo tồn để ăn thịt hay nên tiêu diệt hết? Tất nhiên, với tốc độ sinh sản chóng mặt của chuột nhưng tốc độ tiêu thụ chuột của con người còn chóng mặt hơn đã thấy chuột có nguy cơ… tiệt chủng như các đặc sản từ biển. Rừng sẽ hết vàng. Biển sẽ khô bạc. Chuột cũng… tiêu tùng. Mọi thứ tiêu tùng thì người làm sao mà… trường thọ?

Kết: Nhân năm Tý, nói chuyện chuột cho vui nhà, vui cửa để quên đi một thuở xanh màu. Chuột nào cũng không nguy hiểm bằng người chuột, công trình chuột. Đặc tính chuột là đục khoét, gậm nhấm, truyền dịch đại họa thì loài người có khá hơn chi? Mỗi chúng ta dù tuổi gì cũng có “hai con chuột” ẩn hình trong mình: Một chuột người chăm ăn, chăm làm. Một chuột tinh đục khoét, tham lam. Khi người chuột này yếu thế thì chuột tinh kia nổi lên. Thế mới nói: Phá nhất là chuột nhắt. Rắn mắt nhất là chuột nhà. Già nhất là chuột chù. Hôi như cú nhất là chuột xạ. Lạ nhất là chuột lùn. Sung nhất là chuột đồng. Hống hách nhất là chuột NaUy. Nguy nhất là chuột Hải Ly, chuột cống. Có công nhất là chuột… thí nghiệm. Cướp sạch tiệm là chuột… người. Tươi nhất là chuột bạch. Oách nhất là chuột Kangaroo. Ngu nhất là chuột… mắc bẫy!! Sẩy nhất là chuột… công trình! Thịnh nhất là chuột… SIDA! Làm cha nhất là chuột…. Chủ!
Hà…Thế thì cười buồn, đối tế với nhau mà rằng:

Chuột túc túc gọi rầu tông đường tuyệt chủng thấy lòng đau!

Mouse gù gù kêu thảm huyết thống tiêu đời nghe dạ sầu!

Đưa út đệ Heo ra đi, xóa tan khốn khó, tham nhũng với tham quan

Đón trưởng huynh Tý lại về, mang đến giàu sang, thiện lương và thiện đức.

Tháng 1/25/2008

Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG

Bài viết, truyện, phim, sách:
The Tale of Desperaux (Kate Dicamillo, USA-2003 giải văn học xuất sắc thiếu nhi -Newbery Medal 2004).
Năm Tý nói chuyện chuột (Nguyễn Phú Thứ-haivannews.com).
Ướt như chuột lột (quehuong.gov.vn).
Ướt như chuột lột (Dương Văn Lãm-vanhoavinhphuc.gov.vn).
Chuột trong văn hóa thế giới (Nguyễn Ngọc Thơ- Báo Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tý-vanhoahoc.edu.vn).
Bách khoa tri thức học sinh (Nxb vhtt-2001).
Tình chuột (Đỗ Hoằng Diệu, vietnamthuquan.net).
Sử dụng chuột cho nghiên cứu y sinh học (Trần Hoàng Dũng-sinhhocvietnam.com).
9. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Chân dung “dũng sĩ diệt chuột” (17.24h.com.vn).
Chuyện ly kỳ về ông giáo sư diệt chuột. (Lê Tân, vietnam.net).
Diệt chuột hại lúa? Gian lao nghề bẫy chuột đồng (Thái Sơn Ngọc-nea.gov.vn).
Hai cúp vàng cho một người tàn tật (Nguyệt Trinh-hdnd.dongnai.gov.vn).
Khám phá bí ẩn của những điềm chiêm bao. (Michael Halbert, Sam Giang -1970).
14. Tử vi trọn đời (Hiển Linh-1968, Nữ mạng).
Sản phẩm thuốc trừ chuột và ốc (agro-thanhson.com.vn), (tcvn.gov.vn).
Lựa chọn chuột vi tính (Nguyễn Ngọc Điệp-echip.com.vn).
Truyện Mèo và Chuột (phimhoa.us).
Hào phóng cấp đất dự án” (vietnamese-law-consultancy.com).
Web site: thuvienkhoahoc.com, vietnam.net, 17.24H.com, yonhac.com, luyenchuong.net, neagov.vn, doanhoikhoaly.blogspot.com, tienphong.vn, motofunvn.com, haivannews.com, vietnamthuquan.net, sinhhocvietnam.com, quehuong.gov.vn, vanhoavinhphuc.gov.vn, hdnd.dongnai.gov.vn, vnexpress.net, tuoitre.com, vea.org.vn, motofunvn.com, vnn.vn, vanhocedu.com, agro-thanhson.com.vn, tcvn.gov.vn, echip.com.vn, hoang trang.scom.vn, danquyen.com, viet-dongtam.com, phimhoa.us, vi.wikipedia.org, giadinh.net.vn, vietnamese-law-consultancy.com…
Xin chân thành cám ơn

Related Articles

Back to top button