TÙY BÚT

TRẦN VÂN – NHỊP CẦU KÝ ỨC

(Tùy bút này chỉ dành riêng cho những tâm hồn đồng điệu)Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Một cú phôn dài hàng tiếng đồng hồ kết lại bằng 2 câu thơ văn thẩn: “Một nhan sắc không tàn theo thời gian. Một vóc dáng không đẫy đà theo năm tháng.” để ca ngợi một… thỏi nam châm bên kia bờ đại dương có công lực bằng “mười thang thuốc bổ”. Có loại người dù tiếp xúc hằng ngày, cũng chỉ là quan hệ xã giao và cũng có hiếm hoi loại người dù chỉ “văn kỳ thanh” đã đủ làm cho cả núi băng tan. Khi băng tan, ký ức tràn về trên dòng biển mặn… Quy Nhơn…

Đã 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay giọng nói nhỏ nhẹ nhưng tiếng cười… văng miểng khắp buôn làng của chị. Ba mươi năm trước, Văn K.1 chị ra, Văn K.5 chúng tôi vào. Chị không ở lại trường để “nâng khăn sửa túi” cho lão sư phụ “mít ướt” (sư phụ tôi không bao giờ ưa cái từ này), tôi chắc không làm sao phát hiện được khu cán bộ có một… bông hoa rừng! Thầm phục “sư… phù” tôi “sáng mắt” còn chị “sáng lòng” để trở thành… sư mẫu; tôi không quên… thầm khen cái đầu “ngu thường trực” tự nhiên “thông minh đột xuất” của mình vì tôi đã phát hiện ra… mợ Chung Tử Kỳ – Trần Vân!

Hai bà Tám và Mười này… tán chuyện gì đây? Trời ơi! Không hiểu chuyện cổ tới kim, từ Âu sang Á có trong máu tự hồi này mà cùng phun ra như rồng phun nước bốn biển như cá nhà táng quậy sập năm châu! Người kể, kẻ bình. Người gù, kẻ gật. Hai cái phôn chịu không xiết… chết mẹ cục pin! Xong? Chưa xong, tôi cắm dây sạc pin, thu mình như con giao long trong xó mà… bấm chốc chốc… Đầu kia, nhạc phôn chờ phát ra… “sóng vỡ òa, hình bóng phai nhòa, khi nhận ra, mình rất nhớ…”. Mẹ bà! Y như hai bà “gay”! Vậy rồi đài phát thanh từ USA phải tạm ngưng phát sóng vì sóng Việt Nam “yếu ớt, còi cọt” chuyển tải không nổi lượng biển tình lai láng, sáng về sớm này. Chán! Rủa xả xong, tôi chìm vào ký ức Quy Nhơn: Một thời tao ngộ và một đời khó quên…

Trang web của Văn K.1… um tùm hoa cỏ và gai xước. Nhìn đó để nhớ một thời, mình cũng… từ nơi ấy mà ra. Văn K.1 các anh chị đúng là thần dân “tứ xứ” từ Hà Nội cho tới Vũng Tàu. Hà Nội có: Lan Hương, Hồng Yến, Hồng Hà. Nam Định có: Đức. Đà Nẵng có: Mỹ Hoa, Khánh, Thanh Hải, Thanh Tâm, Thu Thủy, Nở, Bích Huệ, Thành Tân. Quảng Ngãi có: Hà, Thị Nở. Tuy Hòa – Phú Yên có: Tuyết Hoa, Nga. Đà Lạt có: Sang. Bình Định – Quy Nhơn có: Ngô Hà, Ngô Lan, Thu Hà, Thu Sương. Nha Trang – Khánh Hòa có: Ngọc Hà, Thanh Tròn, Thị Kính. Đồng Nai có: Văn Tới, Kim Phi, Kiều Nga. Sài Gòn có: Lan Hương, Hồng Vân, Ngọc Diệp, Như Quỳnh, Trần Vân. Vũng Tàu có: Kim Thanh, Thu Thảo… Những anh chị từ ba miền đất nước lại có dịp “tung cánh chim tìm về tổ ấm” Quy Nhơn khi mái đầu điểm phấn, khiến những nụ cười nở ra khi hội ngộ thì những xót xa khi chia tay lại về ấp ủ ngày tao ngộ 5 năm sau!

Có những anh chị “xuất cảng” hải ngoại còn để lại dấu hỏi như Huyền Phương lấy chồng Đức ở Đức? Xuân Đời ở Úc. Thanh Hiền làm Báo Vũng Tàu? Những dấu hỏi còn bỏ ngõ nhưng chắc chắn rằng sư tỷ Nguyễn Thị Tư hiện đang ở Canada. Văn 78 hôm nay lắm người thành đạt. Không biết mảnh bằng Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn có bùa phép gì mà biết họ thành… đại gia như Thị Nở, Minh Oanh, Hồng Yến, Ngô Hà, Xuân Hương, Thanh Tròn. Đại gia thiếu gì sơn hào hải vị mà vẫn cùng chung “thịt luộc, cá chiên, rau muống”! (nhìn vào hình làm thầy bói). Trời! Khác nào chúa Trịnh nếm “Tượng Lo” của Trạng Quỳnh! Vui thay, còn nhiều anh chị còn khoái… ôm cục phấn, chung tình với ung thư phổi như Nga, Thu Hà, Thu Sương, Hồng Yến, Ngô Hà, Ngô Lan, Kim Oanh, Thanh Tròn, Huỳnh Lâm, Tuấn Ngủ. Không thiếu các sư huynh đã trở thành… đày tớ của dân như Đức (Giám đốc Sở Giáo Dục Nam Định), Minh Oanh (Hiệu trưởng THPT Hà Đông), Hậu, Dũng (Sở GD Quảng Ngãi), Dũng (Tổng BT Báo CA TP.HCM), Huỳnh Văn Tới (Tỉnh Ủy Đồng Nai), Bùi Tiến Chước (thiếu tướng), Quách Hưng Hộ (đại tá). Làm “đày tớ” như họ có “đày đọa” những “chủ nhân” không mới là… chuyện bây chừ mới kể! Riêng tỷ Nguyễn Thị Tư đang làm phiên dịch (professional interpreter/translator) cho Bộ Di Trú Canada như thông tin trên trang nhà Văn 78. Wào! Làm quan lớn là một sự tự hào chung cho khối Văn Quy Nhơn nhưng sự tự hào này có ích cho tổ quốc, đồng bào không thì chưa biết. Người hội ngộ, kẻ biệt tăm như sư huynh – vận động viên môn “Đầu Thai Sớm” là Nguyễn Ngữ. Không biết rồi tới huynh – tỷ – muội – đệ nào cầm đuốc đi sau? Ngỗn ngang nỗi niềm tâm sự! Chén rượu đầy vơi cạn cùng. Karaoke rung lên từng nốt nhạc hào hùng có, trữ tình có!

Bỗng đâu lại có những biệt danh ngồ ngộ như “Tuấn đầu bạc, Tuấn ngủ, Tuấn tròn, Minh cận, Tùng cận và nhất là Đức… cống!” Nghe chưa xong từ “Đức” thì người bị nghe đã chạy… mất dép! Tôi biết huynh – tỷ Văn K. 1 đếm trên đầu ngón tay như tỷ Thanh, huynh Tới, huynh Thân, huynh Lập và Trần Vân. Vậy mà bây giờ ngần ấy cái tên, tôi đọc vanh vách cho Trần Vân nghe khiến thị… cơ hồ bất tỉnh nhân sự!

Đọc trang web “Hội Ngộ Văn 78”, tôi ngỡ như mình vừa sống với từng kỷ niệm của các sư huynh – tỷ thời “canh toàn quốc, cơm bánh xe”. Thời ấy, sinh viên hầu như mang họ… Trần và có chung cái tên… Nghèo, tự là… Truồng! Bởi vậy mà sư huynh Bùi Tiến Chước bây chừ là… thiếu tướng không… thiếu gì cũng bùi ngùi với “Sắp Tết” thời xưa:

Tết chưa đến mà bồn chồn rạo rực
Bởi ngoài phố kia pháo đã đẹt đùng
Sao giờ này mẹ chưa gửi tiền mua vé tàu xe(?)
Bè bạn thay nhau chực chầu suốt ngày bên cửa vé
Bởi không vé trong tay là gian nan lắm nỗi
Tàu thì chui toa đen, xe lèn như nêm cối.

Những dòng tâm sự ngút ngàn khiến cho hậu sinh Nguyễn Anh Thư, học trò của sư tỷ Tôn Nữ Thị Hà phải bật ra “Chỉ còn khoảng trống” cho người nào không chịu chật cứ… chui! Trong khi đó, Drem làm “từ thiện văn học” là “Tìm chủ nhân cho bài thơ” mà chưa biết đến bao giờ “trả lại tên em?” Sư huynh Trần Thanh Bình sau một chuyến du ngoạn tháng 7/2012 vừa qua đã thổn thức với “Ba mươi năm gặp lại”:

Chuyện ngày xưa, nào ai có biết
Đã hiện về trong những phút giây qua.

Sư huynh chắc vốn là “đệ tử” của Lưu Linh nên cả trong “Chiêm Bao” cũng mơ tưởng nhớ bình rượu Bàu Đá! Trời à! Chàng Xuân Đời bỗng dưng có tâm tư 2 chiều. Trong “Phố xưa giờ cũng hững hờ”, sư huynh hờn vì mình “lạc lõng bên lề kỷ niệm“. Trái lại, trong “Đèo anh bằng xe máy”, hồi ức tréo cẳng ngỗng:

Mong chiều đừng rơi vội
Mong phố xá vắng người
Mong đường dài hun hút
Chỉ có em và tôi!

Chỉ có đôi ta thì trời sập không biết, đất nứt không hay lấy chi mà hờn con phố chứ? Còn sư huynh Nguyễn Mạnh Hùng rên xiết một nỗi buồn tri kỷ “Sao không về gặp nhau Đệ ơi” và da diết với huynh Huỳnh Vân Hà trong “Cảm xúc cuối” khiến người đọc… nghẹn! Nhưng Huynh Mạnh Hùng thật ác ôn khi đưa các cựu sinh viên về với… mùi hương nào rất quen ở… “Eo… Nín Thở“. Huynh cũng là tác giả truyện ngắn “Thầy giáo dạy văn” còn nhiều bi kịch trắc trở hiện hữu mãi ở đời.

Hội Ngộ Quy Nhơn văn 78 qủa thật là mái nhà che gió mưa nên mới đó đã có tên thành viên mới tới cư ngụ như Hà Quảng, khóa 3. Sư huynh tung hứng nỗi lòng trong “Đường về Quy Nhơn“:

Quy Nhơn ơi! Sao mà tha thiết quá
Vẫn âm thầm theo nỗi nhớ thời gian.

Còn trăng xứ Rùa với huynh, vẫn “in tròn trong mắt em”. Kỷ niệm da diết sao vầng trăng sao có thể… méo vàng mắt em? Bà xã huynh… moi ra em nào thời đó, chắc body của huynh cũng… tròn vo như mặt trăng! Ấy da!

Sư huynh Người Xứ Quảng trở về “Thời yêu dấu” khiến người đọc chạnh lòng:

Ta quên làm sao trước cửa phòng mình
Có cây hoa giấy bốn mùa hoa tím ngắt
Thằng bạn thất tình ôm đàn nghêu ngao hát
Cô bạn bên phòng xinh quá là xinh

khiến muội muội đây chợt nhớ tới “Giàn hoa tím trước hành lang khẽ gởi nụ cười hiền với hoa tím tình yêu”. Huynh cũng… vác… tướng Chước thẩy cả vào “Tình nội trú” để bỏ dấu hỏi hồi ấy vị tướng tương lai này đã yêu ai? Vậy mà có con “ma yêu” lén vào “động phòng hoa chúc” trên giường tầng trên khiến cả nội trú ồn ào chuyện đi bắt… ma yêu! Khiếp!

Sư tỷ Ngọc Diệp siêng năng viết bài cho Hội Ngộ Quy Nhơn. Nhờ đó trong “Nội trú là nhà” có bao nhiêu cựu sinh viên ngược dòng thời gian nhớ mẹ bị tướng Chước “chỉnh huấn” như Đảng chỉnh huấn Đặng Thùy Trâm!? Wao! Những cái tên thầy lạ được nêu ra như thầy Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Văn Hạnh… vì khóa sau đâu ai biết các “thầy đã đi đâu, về đâu?”.
Ta không thể nào nhớ hết chuyện linh tinh
Những chuyện ấy đã đi vào kỉ niệm
Của cái thời sao mà thương thế
Chẳng bao giờ ta dám quên đâu

Nổi bật và vững chắc công lực vẫn là “Thơ Lục bát”… cơm nguội của đại ca Mai Bá Ấn. Anh có những bài, những câu 6/8 làm cỏ úa màu cũng phải xanh lại, rùa đang ngủ cũng ló đầu ra… nghe! Có nỗi buồn nào mà “trong veo” như “nước trong veo” ở trong “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến không? Với đại ca Ấn là có đấy. Mất cha nó con người yêu nên buồn… trong veo. Tình nghèo trong veo như “canh toàn quốc” của thời sinh viên vậy!

Dừng chân bên giếng đầu làng
trong veo dòng nước dưới tàng đa xưa
khô queo từ độ đầu mùa
giếng hoang tiếng nhái nhặt thưa… điếng lòng

Anh còn có những bài viết về huynh Nguyễn Ngọc Hưng khóa 2 nằm liệt giường: “Nguyễn Ngọc Hưng và những cuộc dịch chuyển số phận”. Đời cần có một tấm lòng là thế! Nhưng vụ Đặng Khánh Cường, Phạm Liên Châu viết bài trên mạng tố bài thơ “Hoài khúc tháng ba” của thi sĩ khuyết tật này đạo thơ “Khúc hát tháng ba” của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh khiến người thương áy náy. Những “tấm lòng” này thật giả ra sao, huynh Ấn không biết nhưng truyện ngắn “Phía sau nước mắt” của anh cũng là một tấm lòng hướng thiện của anh. Hy vọng tâm hồn anh mãi tím ngắt “Cánh bằng lăng”.

Bức phá trên đường… lên thiên đàng Canada, sư tỷ McAmmond Nguyễn Thị Tư còn một mình một cõi viết lách. Chị là tác giả cuốn truyện ngắn “Đường đến cõi Samadhi” hoặc truyện song ngữ Việt – Anh “Trên nền tuyết trắng xóa” (Nxb HNV – 2009) và có mặt trên các tờ báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội. Bùi Quang Huy, Văn A K. 5, Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai “bốc” lên với bài “Nguyễn Thị Tư – từ xóm đạo An Trung đến Thung lũng tuyết” trên báo Văn Nghệ. Trần Vân ca ngợi chị hết lòng. Anh Tuấn ngủ trân trọng chị hết cỡ và mọi chúng ta nên tặng cho chị những nụ cười hãnh diện.

Hội Ngộ Quy Nhơn Văn 78 qủa xứng tầm “đại sư huynh – đại sư tỷ”. Xứng tầm là vì chưa có khóa nào bỏ công sức, “dốc hết tình này” để làm một trang nhà riêng như “của để dành” thâm tình như vậy. Cũng chưa có khóa nào… chịu chơi với “Hội ngộ 30 năm” ở tháng 7/2012 đầy tình nghĩa cố nhân. Các đại ca – sư tỷ trong đó có chị Trần Vân, anh Tuấn ngủ đã… moi ra một “con trùng” sư muội đang lặng lẽ ủi đất cho đời để mà nghĩa khí, mà cao cả viết ra “Đa Tài Ngọc Thiên Hoa”. 5 từ này, tin chắc, chẳng thể phát ra từ những lò… Tiến sĩ giấy và lò Giáo… dác! Xưa nay, “tài” vốn kỵ “tài”. Mình chẳng tài mà người vẫn kỵ mới mắc quai!

Cuối cùng, không thể không nhắc tới… Trần Vân: Mẫu người “lý tưởng” của mọi thời đại. Người con gái khoa Văn K. 1 từng làm say đắm bao nhiêu “sư phù”! Một người phụ nữ không bon chen. Sống hết mình. Yêu… tầm cỡ. Không yếu hèn và chẳng “Hoạn Thư” như những “sư tử” trong được nuôi trong nhà đầy nanh vuốt của các đấng mày râu khác. Trần Vân cũng là thỏi nam châm qúy hiếm của tình bạn, tình trường.

Nói chung, không có sư mẫu Trần Vân, trùng muội muội này vẫn còn ẩn mình trong “tuyệt tình cốc” không biết đến bao giờ mới “tái xuất giang hồ”. Chim vành khuyên Trần Vân cất tiếng hót đúng điệu, con trùng dưới đất chui lên. Nó bỗng thấy yêu đời. Trần Vân còn yêu đời nhiều hơn nó nữa. Không sống bằng tâm, dễ gì nhận được trái tim của người khác. Nếu tôi là đấng mày râu, tôi cũng… móc qủa tim như chưa từng ngủ yên này ra tặng người con gái xứ Bồng. Trần Vân là nhịp cầu nối vòng tay thân ái. Trần Vân là nhịp cầu ký ức bồi hồi nhưng… nóng hổi của tôi về mái trường Quy Nhơn. Tôi yêu thành phố biển bé nhỏ, xinh xắn mà vô cùng đầy ấp kỷ niệm này. Tôi thương hai chữ Quy Nhơn đến quặn lòng. Vì vậy, tôi đau buốt khi thấy những ai viết chữ Quy thành chữ Qui xa lạ dù với bất cứ ý thức hay vô ý thức nào. Với tôi:

Sóng kỷ niệm ngủ yên, giờ thức giấc
Bụi thời gian ký ức phủ chân tình.
Tôi đang đi tìm lại một niềm tin
Lau sạch bụi để không bao giờ mất!
Giữa yêu thương, thù hằn như đánh vật
Quy Nhơn còn chân chất một tình yêu!
Giữa bao nhiêu dối lừa đau đớn nhất
Quy Nhơn còn ngây ngất một lần yêu!

Cám ơn những anh chị đã bắt nhịp cầu ký ức cho tất cả cựu sinh viên Đại Học Quy Nhơn. Với tôi, nhịp cầu ký ức chính là… Trần Vân./.

Tháng 10/31/2012
Ngọc Thiên Hoa

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Tùy bút Trần Vân - Nhịp cầu ký ức

Related Articles

Back to top button