TRUYỆN NGẮN

TRẠNG NGUYÊN…”TẨU KẾ!”

Ngày xửa ngày xưa, ngày nay cũng rứa. Chuyện kể rằng nơi thôn cùng xóm vắng nọ có hai người bạn tên Tú và Lú cùng đi thi trạng nguyên. Lú là con nhà giàu, lo chơi, biếng học nhưng nhờ có cha là phú ông đút lót cho quan giám khảo hòng được đổ trạng nguyên khoa này. Tú con nhà nghèo nên thi miết mà cứ rớt mồng tơi và nhè cột mỡ mà đu hoài.

Một hôm, Lú đi thi gặp Tú giữa đàng. Lú phe phẩy cây quạt mỉa mai người bạn cũ:

– Coi kìa! Sĩ tử khố rách áo ôm, miếng vô chẳng có, miếng vào cũng không như mày mà đi thi trạng nguyên thiệt không biết xấu hổ! Danh đề bảng hổ chẳng có chỗ cho mày!

Tú lặng thinh không nói, chỉ đọc: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”.

Lú nghe chẳng hiểu gì nên tức qúa:

– Mày không thèm nói chuyện với ông hả? Mày đọc thần chú trù ẻo ông à? Chuyến này ông lên quan, mày đi ăn mày là vừa.

Tú vẫn đọc: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”. Nói nhiều miệng mọc lông như khỉ. Bất nhân thì như con qủy”.

Lú lóng tai nghe ngóng rồi lẩm bẩm: “Nó học gì mà có khỉ lại có qủy drậy cà?” . Lú xếp quạt xỉa vào Tú:

– Thôi! Ông đi lên kinh dự thí. Cho mày ngồi đây đọc thần chú mà chơi với… qủy và… khỉ của mày! Xí…….!

Tú nhìn theo rồi xòe cây quạt… mo ra “phe phẩy”:

– Bộ mày tưởng ông đây nghèo không mua nổi cây quạt à? Quạt lông của mày gặp nước là ba bàn hú trụi. Quạt mo của ông đấy chính hiệu… quạt mo thằng Bờm mà phú ông xin đổi ba bè chín trâu. Xí……

Chờ thằng Lú đi một đoạn, thằng Tú cũng vội vã xách… nãi chuối bồ hương làm lương thực, lên đường.

Một tháng sau.

Thôn xóm nọ bỗng loa kèn vang trời dậy đất. Quân lính la to: “Quan trạng về làng!” Tiếng trống “Bùm Bùm Bùm Bùm….” điếc tai khiến lũ chó đói ngứa miệng sủa “Quải! Quải! Quảìììi! Hãi! Hãi! Hãìììi!

Lú xênh xang mũ mão, khệnh khạng đi kiệu có tiền hô hậu ủng về làng. Tú bấy giờ áo quần tươi tả, mang bị ra đầu đường ăn mày. Lú trông thấy cười mỉa:

– Thằng ăn mày nào vậy hè? Ngước đầu lên cho quan nhìn kỹ coi? Nè! Ui! Cái túi ăn mày của mày thấy bộ… no. Mày xin được nhiều tiền lắm có phải?

Tú trả lời tỉnh bơ:

– Năng nhặt thì chặc bị, bẩm quan!

Lú cười ngặt ngẽo:

– Hí hí… ăn mày mà còn đọc thơ!

Tú ra bộ lễ phép:

– Bẩm! Đây không phải thơ mà là thành ngữ ạ!

Quan tân trạng mặt giận từ xanh ra xám nhưng sợ dân làng biết chuyện nên giả lã:

– Nghĩ tình bạn bè cùng xóm, nay quan bố thí cho mày mấy đồng lẻ mua… khỉ, mua.. chí về nhà chơi nha!

Nói xong, Lú thảy mấy đồng tiền xuống chỗ Tú ngồi nhưng Tú không thèm lượm mà còn nói:

– Lấy tiền quan, bẩn tay cơ hàn!

Quan tân trạng tức qúa:

– Mày chê tiền quan? Vậy thì, ta cấm mày từ nay không được lượm tiền của thập phương bá tánh bằng tay! Trái lệnh, ta cho mày thành… hột mít lùi tro luôn! Bây đâu! Lấy thêm tiền vãi ra coi nó nhặt bằng cái chi?

Thằng Tú không nói gì. Nó lẳng lặng lấy ra cái cần câu khiến quan trạng cùng binh lính ngẩn ngơ rồi cười ngất. Tân trạng ôm bụng:

– Thằng ăn mày này khùng hết biết, điên hết phần của lũ tâm thần. Giữa đàng mà câu cá chẳng khác xuống biển bắt nai.

Tú không thèm trả lời mà chỉ đưa cần câu lia qua mấy đồng tiền quan thì những đồng tiền lập tức ngoan ngoãn theo cần câu… chui vào bị hành khất cái bang của Tú trước những cặp mắt sửng sốt của tân trạng và lính.

– Bây đâu? Coi thử cái cần câu của nó có gì đặc biệt mà tiền chạy theo?

Quan lính coi xong, chạy lại ghé sát tai quan trạng:

– Bẩm! Chỉ là… cục nam châm thôi ạ!

Quan tân trạng ngẩn người. Hắn tiếc mấy đồng tiền mà không sao lấy lại được. Hắn lập tức lên kiệu đi ngay.

Vài tháng sau, thông báo của quan phúc thẩm:

“Quan trên phúc khảo. Trần Văn Truồng (tức Tú) đổ trạng nguyên. Lê Văn Lếch (tức Lú) có tội hối lộ quan, khi làm quan lại tham lam, ham ăn hối lộ nay cho về vườn cày ruộng. Quan phú hộ, tội hối lộ mua quan cho con, tịch thu gia sản chia cho học trò nghèo!”.

Xóm làng lại một phen điếc tai vì loa kèn: “Quan trạng… về vườn!” Bùm bùm bùm. Beng beng beng beng… “. Lũ chó bỗng sủa tiếng ngoại ngữ “nai (nice), nai (nice), nai (nice)… “ hết hồn luôn.

Mấy tên lính áp giải Lú lếch thếch lê lếch thê thảm đi ra tới chỗ Tú đổi áo. Tú đưa hết đồ nghề… ăn mày cho Lú:

– Cầm lấy túi này! Mày chê vai này vai nọ, lúc khó cũng đi ăn mày sống thôi con!

Lú xìììììì dùng dằng rồi nhảy đổng lên:

– Đằng nào, ông, ông ông… cũng từng… đổ trạng và… làm quan…

– … quan ăn mày! Nè! Cầm sách này học lễ nghĩa để mai này khỏi phải chơi với… khỉ!

Tú phe phẩy cây quạt mo lên kiệu ra đi. Lú sựt tỉnh hồn:

– Ủa? Ủa? Trong kịch bản không có phân vai ngược như vầy. Thằng nào đổi kịch bản?

– Nhập vai đi ông nội!

Người nhắc tuồng cảnh báo, Lú quăng hết đồ đạc:

– Xìììììí! Tưởng ngon lắm! Xììììììììììí. Tao mà đóng vai xin bố thí hả? Bố thí cái chi?

Tú ôm một vật tặng Lú:

– Cái này nè!

Lú giận qúa không thèm lấy. Chờ cho Tú đi rồi Lú mới bưng lên thấy nặng, mặt hớn hở tưởng tiền vàng, mở ra xem thấy… trái sầu riêng gai tua tủa. Lú gào thét lớn:

– Trời! Trái sầu riêng! Mày chơi tao đấy à, thằng Lú mắc dịch? Thúi quắc làm sao tao ăn?

Tú tỉnh khô móc 1 múi sầu riêng ra đưa cho Lú:

– Hồi trước, quan thảy cho con tiền xu. Con nhặt hết để dành. Nay có dịp con mang nó ra mua sầu riêng tặng cho quan.

Nói xong, Tú đổi giọng:

– Sầu riêng mấy trăm ngàn một ký mắc bà cố. Không ăn đưa tao ăn!

Tú giành lấy múi sầu riêng, ăn tuốt. Còn cái vỏ, Tú vất lại cho Lú:

– Ăn sầu riêng để biết sầu với thiên hạ. Vỏ sầu riêng cho quan mày làm thuốc trị bệnh “Tham thì thâm!”. Xong rồi! Nhớ dọn dẹp hết rồi mới vô, mày!

Tú thảy đồ cho Lú cầm rồi đi vào. Lú tức qúa:

– Thằng qủy… cái! Đứng lại! Ê ê ê… Cái màn dọn dẹp này không có trong kịch bản! Ê… ê…

Tú đang đi, quay đầu nói với:

– Ê cái gì! Ngọc Thiên Lôi mới viết thêm phần khúc kết như vậy đó! Ai biểu mày chê vai ăn mày mà chỉ muốn làm quan trạng! Nghệ sĩ mà chọn vai ngon mới diễn thì ném về nghệ… tìm không ra chữ ghép. Tao vô trước à.

Tú nói thật nhỏ:

– Trên sân khấu còn có mình mày. Mày hớ hênh là ăn bom… giuốc dép. Liệu hồn!

Lú tức qúa, gào tiếp:

– Thằng qủy… cái… Ngọc Thiên… Lôi. Tao… bắn màỳỳỳỳỳỳỳ!.

Hắn lấy gân cổ hét lớn như nhập vai khiến khán giả vỗ tay rần. Ngọc Thiên Lôi hôm đó, xuống sân khấu lo cởi giày, lột mão “tả thi hoàn hồn”. Sau đó, Thiên Lôi – trạng nguyên ăn mày Trần Văn Truồng tự Tú, liền sử dụng “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” của Tôn Tẩn mà vội đào thoát như đại tá Gadhafi dù Thiên Lôi có… 2 trái bom nguyên tử… mini nhưng yêu hòa bình nên không… nỡ… ném./.

Tháng 8/2011

Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button