*TIẾNG ĐÀN THÚY KIỀU: KHÚC NGÂM NGUYỄN DU*
Tác phẩm luôn phản ảnh con người và thời đại. ”Truyện Kiều” được xem là một công trình văn học độc đáo của Nguyễn Du và của thế kỷ. Thời đại của Nguyễn Du đã được phản ảnh qua tiếng đàn của Thúy Kiều. ”Tiếng đàn Thúy Kiều: Khúc ngâm của Nguyễn Du” cũng là khúc ngâm của những “hồng nhan bạc mệnh” và những ai có ”chữ tài kèm với chữ tai một vần” như nối tiếp một cuộc đời nhiều nỗi thăng trầm của Nguyễn Du.
“Đoạn Trường Tân Thanh” được coi là “đoạn trường hận” của một cuộc đời tài hoa bị vùi dập. Tiếng đàn bốn dây của Kiều đánh lên cho Kim Trọng nghe đã gợi lại một thời kỳ lịch sử oanh liệt:
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.
Một thời Hán Cao Tổ Lưu Bang cùng Tây Sở Bá Vương Hạng Võ tranh hùng, thiên kinh địa nghĩa trong lịch sử Trung Quốc như được tái hiện. Khúc nhạc của Kiều dạo lên không phải là một bản tình ca của người yêu cho người yêu mà là một “nỗi lòng” cho một người hiểu được “nỗi lòng”. Nguyễn Du nâng niu, nạm ngọc, chạm vàng quanh cái lý lịch của Kim Trọng rất cẩn thận và cân nhắc:
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Sáu câu thôi, Nguyễn Du đã dựng nên một nhân vật tuyệt vời: Dòng dõi trâm anh, cha truyền con nối lấy “hậu” làm “nền” cho cái“hào hoa phong nhã”. Tiếc quá! Từ “tót vời” làm hỏng mất cái ý “điềm đạm, đĩnh đạc, dễ thương” của Kim Trọng (dùng từ “tót” trong“ghế trên ngồi tót sỗ sàng” cho tên quan vô lại Hồ Tôn Hiến thì “đắc”. Có lẽ bản dịch nôm “tam sao, thất bổn“? Mấy ai đã đọc được bản in chính lần đầu của Nguyễn Du?). Con người thông minh cũng chưa chắc gì đã biết “thông cảm” cho người khác nếu tâm không có chữ “nhân“. Kim Trọng của Nguyễn Du thấu hiểu nỗi lòng Kiều và từ Kim Trọng ta hiểu ra đó chính là chàng Nguyễn Du – Kim Trọng.
Nguyễn Du cùng quê với Nguyễn Công Trứ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng Nguyễn Du may mắn hơn sinh ra trong một gia đình dòng dõi trâm anh, thế phiệt. Khúc ”Hán – Sở tranh hùng” qua tiếng đàn Kiều phải chăng cũng là hai triều Nam – Bắc; Trịnh – Nguyễn phân tranh và hai vương họ Nguyễn (Nguyễn Ánh – Nguyễn Nhạc) đánh nhau chí chết? Cái “tiếng sắt, tiếng vàng” chen nhau, đồng, thau lẫn lộn “biết ai chơn chúa, biết ai trung thần” làm kẻ sĩ Nguyễn Du sao không khỏi chau mày, rơi lệ? Tiếng đàn này chỉ để cho Kiều đánh ra vì nếu để Kim Trọng dạo khúc thì chắc phải là khúc “Đông Ngô – Gia Cát” lại không hợp với phong thái ”vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của thư sinh thời Lê – Trịnh, Trịnh – Nguyễn, Nguyễn – Nguyễn lúc bấy giờ:
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một là lưu thủy, hai rằng hành vân.
Khúc Hán – Sở đi vào vòng kết thúc với sự thua cuộc và tự kết liễu của Tây Sở Bá Vương Hạng Võ, đã sản sinh ra “ai oán” một Ngu Cơ. Sự chiến thắng của Lưu Bang đã cho ra đời một bàn tay sắc Lữ Hậu cùng bè lũ gian thần hại chết Đại nguyên soái Hàn Tín. Còn sự thắng lợi của Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh sản sinh ra cái gì? Nguyễn Ánh mang cái hào quang ”rước voi giày mã tổ” thắng sát ván Tây Sơn và trút vào Tây Sơn bằng sự trả thù man rợ thì sản sinh ra cái gì? Lịch sử Việt Nam lại được mở ra từ thế kỷ XVII, XVIII…
Chỉ biết, thời đại tranh chấp dã man của các tập đoàn phong kiến thời bấy giờ đã lật nhào Xuân Quận Công, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ (thời Lê mạt) và hất Toản Quận Công Nguyễn Khản (Tham Tụng, Thái Bảo) đại huynh để Nguyễn Du trở thành một chàng trai bên lề danh vọng! Nguyễn Du không tham gia Tây Sơn nhưng phải ra làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mệnh. Cái quan tước xênh xang mũ mão này có phải là Nguyễn Du mơ tưởng? Thi đậu Tam Trường trong khoa Thi Hương, chàng Du đã không thèm vác lều chõng thi tiếp vì lẽ gì? Tất cả đều cuốn vào dòng bí mật:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Khúc ngâm của Nguyễn Du qua Kim Trọng từ tiếng đàn Kiều trả lời chút ít có phải chăng? Chàng Tư Mã Tương Như buồn chi mà tiếng đàn Kiều “như sầu như oán”? Dòng họ Nguyễn Tiên Điền tan nát. Cậu bé Nguyễn Du mười một tuổi mồ côi cha, mười ba mồ côi mẹ. Tây Sơn đã làm cho cậu bé này: “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán“. Khúc ngâm của Nguyễn Du “nghe ra như oán như sầu” phải chăng? Dù là “áp đặt” cũng chẳng nói là “không đúng”!
Đời Kiều từ khi gặp hồn ma Đạm Tiên đến khi gặp chàng Kim cũng chưa có gì đến nỗi “oán sầu” như vậy. Con gái ngày xưa chỉ thêu thùa, may vá (công, dung, ngôn, hạnh) ai đi đọc “Tam quốc chí” với lịch sử Trung Quốc làm gì để gảy lên tiếng đàn ai oán cho người yêu nghe? Cho thấy, mọi xếp đặt lồng mình vào nhân vật là bàn tay của Tố Như mà ra cả.
Danh hiệu Hồng Sơn lạp bộ kia có phải từ cái đỉnh núi Hồng Sơn mà ra:
Ngã hữu thốn tâm vô dư ngũ
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
(Đáy lòng ta không nói được cùng ai như núi cao Hồng Sơn như sông sâu giang Quế).
Cho nên mới có tiếng đàn Kiều gảy lên:
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một là lưu thủy, hai là hành vân.
Khúc Kê Khang mà Kiều đàn cho Kim Trọng có lẽ được hiểu có nhân vật tên Kê Khang một trong “Trúc lâm thất hiền” gồm Kê Khang, Nguyễn Tịch, Nguyễn Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh đời Tấn? Uống rượu, ngâm thơ là sở trường của họ. Khúc ca Quảng Lăng được hiểu theo nhiều cách nhưng khúc ca này đã được một ẩn sĩ đời Hán bạn Lưu Tú (Vua Hán Quang Vũ) tên là Nghiêm Lăng (Tử Lăng) dạo. “Lưu thủy, hành vân” là đi mây, lướt biển trở thành một điệu hát trong cải lương. Khúc nhạc Quảng Lăng lưu loát, siêu thoát, đi mây về gió chỉ có ở trong kẻ sĩ bất đắc chí hoặc hiền sĩ xa lánh trần. Nguyễn Du là một kẻ sĩ, hiền sĩ giữa loạn thời:
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Nàng Vương Tường Chiêu Quân, cung nhân Hán bị cống Hồ đã nhảy sông trầm mình. Nguyễn Du để Đạm Tiên hiện ra mở đầu cuộc đời Kiều bằng cái nhìn “bạc mệnh” rồi để Kiều tự kết liễu mình qua khúc nhạc cuối đời cũng là… nhảy sông. Chiêu Quân nhảy sông Hắc Hà bên Hồ. Kiều trầm mình nơi Tiền Đường. Hạnh Nguyên trong Nhị Lộ Mai cũng nhảy sông. Kiều Nguyệt Nga của Lục Vân Tiên cũng nhảy sông. Khúc Chiêu Quân chỉ “gọi là” nhưng “khúc ngâm” của Nguyễn Du là ở chỗ này: “Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia”. Chao! Chúa nào để mà luyến? Bản thân Nguyễn Du đâu có mặn mòi gì với mấy triều vua Nguyễn, còn triều Lê Cảnh Hưng của phụ thân thì lúc đó, ông còn chỉ là cậu bé! “Khúc ngâm” ai oán “nửa phần tư gia” này mới chính là nỗi buồn tan nát!
Kim Trọng “ngậm đắng nuốt cay” thì Nguyễn Du ruột cũng “vò chín khúc” vì sự “can trường thốn đoạn” này!
Viết Kiều nhiều, ca ngợi Nguyễn Du lắm nhưng ai ai cũng nhắm vào nhân vật Từ Hải, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến… để kết tội chế độ phong kiến mà không để ý cái ngậm ngùi của Nguyễn Du sau “ba trăm năm lẻ”. Vì sao Nguyễn Du “cúc cung” cho triều Nguyễn mà không “thiết tha” có lẽ bắt đầu từ ”Tiếng đàn Thúy Kiều” qua Kim Trọng đã trở thành “Khúc ngâm Nguyễn Du” – Một nỗi buồn gia đình tan nát! Tan nát vì thế sự!./.
(Bài viết ”Câu lạc bộ ‘Nguyễn Du-TruyệnKiều’” Văn IVA, khóa 5, ĐHSPQN.
Kính cám ơn thầy Nguyễn Ngọc Quang
* Tư liệu: Giáo trình Đại học.
Quy Nhơn, tháng 1/ 1986
Ngọc Thiên Hoa