PHÊ BÌNH

TƯỚNG GIÁP: BIA ĐÁ HAY BIA MIỆNG?

Mùa thu se sắt heo mây gió. Lá vàng đây đó rớt thành thơ. Nước Mỹ đến giờ chờ thánh lễ. “Vừng mè ơi! Xin hãy… mở cửa ra!“. Câu thần chú của Alibaba không linh nên nước Mỹ mãi… nguyện cầu trong khi thế giới đầy ấp những chuyện đau đầu vì Trung Đông. Thêm nữa, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đắng đót khi tổng thống Mỹ vắng mặt để Trung Quốc (TQ) lên ngôi. Cùng lúc này, những siêu bão Wutip, Fitow, Nari và Wipha tấn công Châu Á không “hot” bằng sự kiện “Người hùng Điện Biên Phủ” (ĐBP) 1954 ở Việt Nam (VN) đã “khăn gói ra đi”!

Cuộc đời không thiếu những chuyện ngược đời. Nhất là cái chuyện trên thế giới, kẻ thua lại phục người thắng và ca ngợi kẻ thù mình là anh hùng. Tào Tháo buộc phải chém đầu Quan Công nhưng thở ngắn than dài tiếc tới, tiếc lui. Vua Nguyên dụ hàng Trần Bình Trọng không được, phải giết nhưng hết sức khâm phục chí khí “Ta thà làm qủy nước Nam chứ nhất định không thèm làm Vương đất Bắc“. Vua Trần Nhân Tông cởi áo bào đắp cho Toa Đô còn khen là người trung nghĩa. Người Mỹ gọi bác sĩ – liệt sĩ chống Mỹ – Đặng Thùy Trâm là anh hùng. Ngược lại, bên thắng hay thua ở VN cũng liệt tất cả những ai chống lại họ là “kẻ thù”. Quan điểm này đã thui chột “phong độ quân tử” trên chiến trường mà tướng Võ Nguyên Giáp (VNG) là một điển hình.

Từ ngày 4/10/2013, trang báo, mạng nào trong nước và ngoài nước cũng tràn ngập tin tức đưa tin về sự ra đi của ông.

Thế giới:

Chọn tướng Giáp là 1 trong 21 tướng kiệt xuất của thế giới, là 1 trong các “Anh hùng Châu Á”, 1 trong 59 nhân vật từ cổ chí kim thay đổi thế giới trong cuốn “Great Military Leaders and Their Campaigns“. Nhiều sử gia, chính trị ví ông là Napoleon nhưng xét cho cùng, Napoleon mãi là kẻ thua trận còn tướng Giáp vẫn “độc cô cầu bại”!

Tướng Giáp có những cái nhất sau:

– Làm lính trong đội ngũ chỉ có… 34 tân binh.

– Đại tướng 37 tuổi, đại công thần trẻ tuổi nhất của VNDCCH.

– Lãnh đạo quân VNDCCH đánh tan tập đoàn cứ điểm do Pháp cầm đầu với sự viện trợ của… Hoa Kỳ bằng trận ĐBP năm 1954. Trận ĐBP đã chấm dứt “Chiến tranh Đông Dương” làm tăng sức mạnh của VNDCCH mới khai sinh được 9 năm.

– Sống thọ trên 100 tuổi.

– Được nhân dân khóc thật chứ không phải… bị bắt khóc như nhân dân Bắc Hàn khóc Kim Jong- il.

– Không “ăn bẩn” như các đại thần sau khi “công thành, danh toại“.

– Chẳng có nhiều vây cánh và “công lao thượng mã” át cả tội đồ nên tránh khỏi “vạ sát thân” trong “thâm cung bí sử”.
– Con cái chẳng ai nối binh nghiệp quan chức.

– Viết sách nhiều nhất (91 cuốn) nhưng chưa mang tiếng “đạo văn”, “đạo thơ” như Hồ Chí Minh với “Ngục Trung Nhật Ký” để lại bao dấu hỏi.

Tốt nhất thì cũng có cái xấu nhất. Ở đời, công thành danh không thoái như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo đều bị Lê Thái Tổ – Lê Lợi hay bọn gian thần tìm cách giết hại hoặc như Lưu Bang giết Hàn Tín y như ván bài đã định sẵn “hết thỏ, mạng chó săn cũng tàn”!

Thời thất sủng của tướng Giáp:

Tướng Giáp xuất thân là nhà sử học, nổi tiếng tài ba, mưu lược trong đường lối chính trị, quân sự và là đại công thần nhưng lại không được kế vị ông Hồ Chí Minh. Lê Duẩn “sinh sau đẻ muộn” từ Nam ra Bắc đoạt mất ngôi vị này. Sau 1980, chức Bộ trưởng Quốc phòng cũng bị Văn Tiến Dũng (“bộ tứ” thân Duẩn) cướp luôn khi mới 69 tuổi. Năm 71 và 80, ông lần lượt bị tước hết Ủy viên Bộ Chính Trị và Ủy viên Trung Ương Đảng, thôi Phó thủ tướng! Chưa rớt Đảng là may! Không “giết tận” nhưng bị “đuổi cùng”. Năm 1983, tướng Giáp lại bị ông Duẩn giáng xuống làm “Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế Hoạch Hóa Gia Đình” mới có vè châm chích chua chát thân ông:

Nhà thơ làm kinh tế.
Thống chế đi đặt vòng.

“Nhà thơ” ám chỉ Tố Hữu vào chức phó thủ tướng. Những câu thơ trào phúng nhân gian chua như giấm lần lượt ra đời khiến người đọc… bật cười rồi ngán ngẫm!

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên mới về.
Anh hùng mà lại thảm thê
Bị Thọ với Duẩn đập tơ tớt đời!
Kế họach sinh đẻ gọi mời
Giáp… mặt những cái… lỗ, thời vinh chi!

Dẫu rằng nghề nào cũng cao qúy nhưng “hạ nhục” nhau kiểu tiểu nhân này, chỉ có ở VN!

Lý do thất sủng:

Trận ĐBP giải phóng ách thực dân, chấm dứt “Chiến tranh Đông Dương” đưa tên tuổỉ ông Giáp lẫy lừng chừng vang dội hơn ông Hồ. “Kiền canh nóng thổi rau nguội” từ các triều đại trước nhất là của TQ đã nhắc nhở ông Hồ. Ông đưa “cặp mã” Lê Duẩn – Lê Đức Thọ từ Nam ra Bắc cản đường “con tướng Giáp” ngay trên bàn cờ chức quyền. Từ đó, “cặp mã” dựa vào thầy Hồ mới “tiền trảm hậu tấu”. “Hai chọi một, không chột cũng què” nên ông Hồ “chột” nên không thấy được tương lai của con cháu VN khi “giao trứng cho ác“. Ông Hồ cũng “què” khi không vào được miền Nam năm 1975 để thấy miền Nam “nghèo” mà như… “Hòn Ngọc Viễn Đông” và để thấy Đại công thần Võ Nguyên Giáp bị “trên chèn” (ông Hồ, ông Chinh), “dưới ép” (ông Thọ, ông Duẩn) ” vẫn sống dài, sống dai. Tướng Giáp trong vai trò “Tổng tư lệnh” thành “tổng… nghe lệnh” và “Bộ trưởng Quốc phòng” thành “bộ trưởng… quét phòng”! Tướng Giáp hiểu ra là mình đã là “con cá nằm trên thớt” sau năm 1967 với “hồ sơ chống đảng” do ông Duẩn “bật đèn xanh” để cài tội ông Giáp và nhất là sau khi miền Bắc “Tiến về Sài Gòn” vụ “Năm Châu – Sáu Sứ” 1991cũng là cái bẫy cài, nên tướng Giáp tỏ ra “dạ thẳng, lòng ngay“. Ông lấy phương châm “cây ngay không sợ chết đứng” mà lùi dần theo chữ “Nhẫn” vào tới lưng trời đá tảng. Tới đây, đá tảng là quần chúng đã “đỡ lưng” cho ông khỏi bị “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Nhắc tới ông, người ta vinh danh ông vì chiến công ĐBP năm 1954 đánh bại Pháp và Mỹ mà quên đi Chiến dịch HCM 1975 công lao, tội nghiệt của ông cũng xếp hàng đầu. Đó cũng là cái may cho ông. Cái may nữa là vì thời Mậu Thân 1968, theo “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, ông đã bị ông Duẩn và Thọ gạt ra khỏi chiến dịch. Nếu không, tướng Giáp thành “thiên cổ tội nhân” trong vụ Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Tội danh này nếu được thành lập, qủa thật ông “thân bại danh liệt”. Té ra, trời cũng còn thương người hiền!

Phủ phàng ĐBP và Báo chí:

Suốt những năm tướng Giáp bị thất sủng, nhất là năm 1984 về sau, ĐBP kỷ niệm chiến thắng, tên tướng Giáp được nhắc tới rất dè dặt. Báo chí cũng chìm vào im lặng để kiếm “vàng”! Tranh đấu nội bộ chừng như đã quên đi “lập trường dân tộc” cho mãi tới năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới chính thức đưa cái tên Võ Nguyên Giáp – huyền thoại anh hùng ĐBP trở về với sự thật đã bị đánh dạt vào… lãnh cung trước đó. “Xin chào mừng đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ Chính trị, cùng bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng” (beforeitsnews.com).

Không thể dựa vào định kiến cá nhân mà quên đi một chiến công hiển hách như ĐBP. Một chiến công hiển hách không bao giờ thiếu tên người sinh ra nó! Quên vì lẽ nào cũng là thứ phản phúc, vô ơn tiền nhân!

Cái gai trong mắt Bộ Chính Trị?

Trước đó là cái gai trong mắt ông Duẩn – Thọ – Thanh – Hùng. Nay có rất nhiều sự phản đối mà nổi bật nhất là phản đối vụ Bauxite Tây Nguyên do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “bật đèn xanh” cho phép Trung Quốc “xâm thực” VN qua “cuống họng” Tây Nguyên. Ngày trước, ông Thọ từng bảo để lại cái đầu cho tướng Giáp là may lắm. Hôm nay, ông Giáp “hết xí quách” nên ông Dũng mới chịu… chôn ông Giáp mà không chặt cái đầu lâu của ông! Xem ra, tướng Giáp qúa may mắn!

Khóc tướng Giáp: Báo chí và Nhà nước ăn theo?

Khi ông bị thất sủng vì “điểu tận cung tàn“, ít có tướng lĩnh có gan đứng ra “rút đao tương trợ”. Nay khi nhà nước “xuôi theo chiều gió” quần chúng, cho tổ chức tang lễ hoành tráng và qúa tốn kém, báo chí ca ngợi rầm rầm, ăn theo khác hẳn với thời kỳ tướng Giáo bị thất sủng. Trong khi đó, một cuốn sách đồ sộ nặng gần chục ký về ông ra mắt rầm rộ ở Sài Gòn năm 2009 “Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vị tướng của hòa bình” do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn liên doanh CTCP Văn hóa và Truyền thông Thành Đô”do PGS. TSKH Bùi Loan Thúy chủ biên nặng cả chục ký nhưng tất cả những bài viết của ông Giáp về sau không có lấy một bài đưa vô sách. Mới cười bà rỗi bán cá, cái cột, con tôm, cái nồi:

Rỗi chạy, cột cũng… chạy theo
Tôm… đi lẽo đẽo, nồi… leo nóc nhà.

Đi vào sử sách?:

Triều nào ở VN cũng thế. Sách sử viết theo lệnh của chế độ, triều đại đương nhiệm nên “tốt khoe, xấu che“. Sách sử ca ngợi công lao lãnh tụ, chế độ nhiều hơn là phơi bày cái sai, cái trung thực. Thậm chí sách sử là công cụ tuyên truyền chế độ “thương thì củ ấu củng tròn, khi ghét qủa bồ hòn cũng méo” hơn là khơi dậy cho học sinh, người dân lòng yêu nước, thương dân, tự hào dân tộc. Sách sử kiểu ấy là “ngụy sử”.

Cuộc chiến tranh chống TQ bành trướng xâm lược VN năm 1979 rành rành mà đến nay sách sử nào dám công bố? Cho nên, “Huyền thoại anh hùng ĐBP” tướng Giáp bị rút ra khỏi sách và học sinh mù mờ lịch sử không còn gì lạ cả. Tượng đồng chiến thắng ĐBP coi như công lao chung của bộ tứ “Hồ, Đồng, Chinh, Giáp” cũng bị “rút ruột” thì cá nhân anh hùng như tướng Giáp có là cái thá chi!

Nhân dân xuống đường thương tiếc:

Nhìn đi, ngoái lại, họ thấy được giá trị của người anh hùng trên trận chiến thì ít mà so ông với những kẻ đang hưởng vinh hoa phú qúy trên xương máu của quân binh ông để thấy ở ông những điểm son nằm lại thì nhiều. Thất sủng sớm cũng là cái may để tướng Giáp lưu danh thiên cổ. Nếu ông giành được quyền lực, chưa chắc gì ông không “té ngửa” vào con đường “tham nhũng, gian manh, đấu đá, trục quyền” như các người tiền nhiệm và kế nhiệm? Cũng may mắn hơn nữa, ông sống thọ qúa! Nhìn ông uy nghi khi còn tuổi sung, người ta ngưỡng mộ. Thấy ông già nua, tiều tụy trong bộ xương khô, người ta chạnh lòng! Thương, ghét bật ra. Ông đáng thương, đáng tiếc hơn là đáng ghét!

Mạ lỵ:

Một: Những người chưa phân biệt đâu là người anh hùng, đâu là hạng tiểu nhân, đâu là lập trường dân tộc, đâu là lập trường cá nhân mới bịa ra câu sấm: “Bao giờ Hồ cạn, Đồng khô, Chinh rơi. Giáp rách, cơ đồ mới yên”. Cũng như sấm bịa ông Giáp chết trong ngày “Ngàn Năm Thăng Long” 2010:

2010 của tháng 10
Thăng Long Đại Lễ, Giáp thời quy tiên.

cũng chỉ là… tào lao thiên địa, dư cơm, thừa cháo! Khác gì bọn tự xưng “nhà ngoại cảm” đoán qủe cầu may dưới sự dung dưỡng của chính quyền? Mới hỏi:

Bây giờ Giáp đã rách rồi
Cơ đồ đã tới hạ hồi hay chưa?

Hai: Đem câu “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” để kết tội tướng Giáp “nướng quân” vào các chiến dịch thật là một suy nghĩ ấu trĩ. Xưa nay, có tướng nào ra trận mà không có quân lính? Có trận thắng hay thua nào mà không có thương vong? Không có thương vong thì lấy đâu ra con nghĩa sĩ quốc gia hay con thương binh liệt sĩ mà lập đền thờ hay bia công trạng hoặc đài tưởng niệm để “tự hào”?

Kết tội tướng Giáp về mặt này là toàn bộ các thủ lĩnh trên thế giới đều cùng đại tội như nhau. Đại tội như nhau lấy đâu ra lý do ở “ăn mừng chiến thắng”, “ăn mừng độc lập” chứ? Lê Lợi thời chống Minh không phải đem quân cho Vương Thông “nướng” để rồi 3 lần chạy về núi Chí Linh “ngựa không còn một con, quân không còn một chốt” hay sao? Theo lịch sử Hoa Kỳ, nội chiến Hoa Kỳ với 1 trận Gettysburg chỉ 3 ngày (01- 01/7/1863) mà chiến trường có tới hơn 7.500 xác lính hai bên Bắc – Nam. Vậy kết tội ai? Không ai cả! Bởi vì không có hàng triệu người hy sinh, HK không xóa bỏ chế độ nô lệ và họ không có 50 tiểu bang lớn mạnh như hôm nay. Nguyễn Ánh – Gia Long thống nhất VN đã “nướng” bao nhiêu nhân mạng? Các triều đại phong kiến VN mượn danh “Nam Tiến, Bắc Tiến” đã “nướng” bao nhiêu quân, đã tàn sát bao nhiêu dân lành? Bên Cộng Hòa VN đánh nhau với Cộng Sản không có thương vong ư? Ấy chỉ mới là nội chiến “gà nhà bôi mặt đá nhau“. ĐBP của tướng Giáp là trận đánh chống ngoại xâm Pháp, Mỹ. Nó “danh chính, ngôn thuận”. Kết tội làm sao?

Ba: Cho tướng Giáp là tội đồ: Một vị tướng có công giải giáp đất nước thoát khỏi ngoại xâm Nhật, Pháp, Mỹ không đáng anh hùng thì nhân dân lập miếu thờ Sầm Nghi Đống ở Gò Đống Đa “luận tiểu nhân” mà trị tội “nhân nghĩa” với giặc thù? Vua Trần Nhân Tông cởi áo bào đắp cho Toa Đô cũng nên “luận tiểu nhân” mà trị tội “nhân ái” với giặc? Lê Lợi thả Vương Thông còn cấp 500 chiến thuyền và lương thực về nước đáng “luận tiểu nhân” mà trị tội “nhân đạo” với giặc chăng?

“Tội đồ dân tộc” theo chế độ phong kiến là một đại tội đáng bị “tru di cửu tộc”. Nhưng muốn đưa các đại tướng vào đại tội này thật khó như “xuống bể mò kim”. Muốn tròng vào cổ các “đại công thần” thì còn khó hơn “lên rừng tìm cá”. Vì thế mà “kẻ thù trong bóng tối” của tướng Giáp đã không làm gì được ông ngay cả khi ông “hết thời xuống ngựa, cưỡi kiến lấy dây thun bắn ruồi”!

Làm chính trị gia phải biết chiến thuật và cả kỹ năng “xảo thuật” nghĩa là “đạt mục tiêu bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn”. Không giỏi xảo thuật này, đừng nằm mơ “thay triều hoán chúa!” Bởi vậy đa số người suốt đời chỉ làm thần dân mà thôi! Mới hay, “vượt biên có số, định cư có phần” thì vua quan cũng phải có số, tướng tá phải có thời! Không phải ai muốn cũng được. Chẳng thể nằm mơ, quơ tay là có!

Ca ngợi hay kết tội người nào, chúng ta nên đem lên bàn cân lịch sử để cân bằng cái cân “lập trường dân tộc”. “Lập trường dân tộc” ai cũng lợi dụng sử dụng nhưng định nghĩa nó ra sao, áp dụng vào từng loại người, hầu như… botaybohom.het!

Nhưng tướng Giáo bám theo chữ “Nhẫn” mà thành chữ “Hèn”:

Thời kỳ ông còn làm Phó thủ tướng phụ trách công tác Khoa học, Kỹ thuật mà ông chẳng có lời nào về cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc (1979) và Hoàng Sa (1974) – Trường Sa (1984). Lịch sử bị ém nhẹm cũng lỗi một phần do ông. Ông “ngã nghiêng” với chiến thắng ĐBP do ông cầm quân mà không biết trân trọng chiến công vang dội khác của dân tộc VN. Thế là ông bị “ngã ngựa” trong 1/2 cuộc đời còn lại.

Ông không phản thầy, phản bạn nhưng bị thầy bạn hất cẳng mà vẫn ôm riết “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “đeo” chặt “Đảng” như một cái phao cấp cứu trên biển. Hiếm có người được chữ “Trung” đáng ca ngợi nhưng vì thế mà có chữ “Hèn” đáng thương bỏ xuống bên mình. Người xưa nói: “Sĩ khả sát, bất khả nhục” nhưng ông Giáp chịu “khả nhục” để mà “bất sát”! Chịu nhục như thế nên chữ “Sĩ” bị hoen ố! Thế nhưng, xét về công trạng đấu tranh chống ngoại xâm, ông là một anh hùng! Ông chỉ là anh hùng chứ không phải là vĩ nhân!

Trên chiến trận, kẻ thù của ta anh hùng, ta lấy phong độ anh hùng mà kính trọng. VN học được phong độ này của người nước ngoài, lúc ấy mới bàn được chuyện tiểu nhân và quân tử, mới luận được tội đồ dân tộc hay công thần.

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn sát nhau.

Bốn câu thơ này cho là của tướng Giáp hay của ai cũng cho chúng ta suy ngẫm. Kẻ nói ông là tội đồ dân tộc thì đó là bia đá. Người cho ông là người anh hùng dân tộc, đó là bia miệng. Mà:

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Chân sử sẽ trả lại giá trị của từng người nếu bị đánh tráo bởi ngụy sử!./.

Tháng 10/10/2013
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button