PHẠM DUY – “HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG”
Thành ngữ: ”Hữu xạ tự nhiên hương” và ”Trâu buộc ghét trâu ăn” của người xưa đã phân ra cho chúng ta hai loại người trong xã hội. Trò chơi ”bập bênh” đâu phải chỉ dành riêng trong sân chơi nhạc sĩ mà hầu như lĩnh vực nào cũng có kẻ thích chơi trò chơi ”mày không xuống, tao làm sao lên” này?! ….
I. Đời nhạc sĩ buồn vui:
1. Hệ lụy:
Cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy (PD), ai cũng có thể hình dung đó là một người tài ba trong lĩnh vực âm nhạc. Nếu lật ngược “lý lịch” PD để kết tội “phản bội” thì kẻ có tội chính là hệ thống chính trị “công chính nghiêm minh” hay “sài lang đương đạo” nào đã “đẻ” ra một PD lang bạc giang hồ? Trường hợp quá khứ lật ngược, chúng ta thấy có Trịnh Công Sơn (TCS) đã từng bị ”ném đá” là “tên đào ngũ” nhưng vẫn cùng dòng nhạc của mình bất diệt, tới một cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, sau đến một nhạc sĩ hai bờ PD tóc bạc cùng tìm về nguồn cội cũng bị ”ném cà chua, trứng thối” bằng những lời phỉ báng. Mọi hệ quả nào cũng đều có nguyên nhân bởi “không có lửa thì sao nên khói”? Xong, thử nghĩ: Người Việt thù sâu như núi không phải dành cho kẻ thù cướp nước, bọn bán nước mà lại dành cho chính người dân mình. Đó mới là nỗi đau của lịch sử. Chúng ta thường tự hào có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Văn hiến mà không rộng lượng, văn hiến ấy cũng chỉ là trên lý thuyết mà thôi!
Cổ nhân có câu ”kẻ thức thời mới là tuấn kiệt”. Người ta nếu không làm kiếp kỳ nhông thì cũng là kỳ đà để mà sinh tồn. Nếu xét về gương ”cuốn theo chiều gió”, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) là tấm gương sáng chói vì Đảng đã thay tên đổi họ, thay chính sách, đổi mục tiêu, chuyển chiến lược… cho phù hợp với tình hình mà đấu tranh, mà bình trị. Vì sao phải nhập ba ĐCS làm một? Vì sao khi hoạt động công khai, khi rút vào bí mật? Khi nào thì yêu sách, khi nào thì nhượng bộ? Tại sao phải đổi ĐLĐVN thành ĐCSVN? Vì sao có chủ trương này, chính sách nọ…? Tất cả là tùy thời ứng biến đó thôi! Hôm trước, chúng ta còn được nghe các thầy ta giảng dạy Trung Quốc là kẻ xâm lược. Thời điểm 1979, cả nước đều đã nghe loa phóng thanh hát ”Giặc bành trướng xâm lược đất nước ta, gieo bao đau thương tang tóc cho quê nhà…”. Bây giờ, nhà nước có coi Trung Quốc là ”bành trướng xâm lược” nữa hay không? Ngày trước, chúng ta từng được nghe giảng về triết học và lịch sử phê phán Đế quốc Mỹ là “tên sen đầm quốc tế” hay “chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ bị thay bằng chủ nghĩa xã hội và thế giới đại đồng”? Nay việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ năm 1991, “tên sen đầm quốc tế” hay “giặc bành trướng” đã được đi đi, lại lại trên khắc đất nước hình chữ S. Điều đó, chẳng lẽ không đủ chứng minh cho một sự ”thức thời là tuấn kiệt” của nhà nước VN? Nhưng nếu Trung Quốc, Mỹ hay một nước nào khác nhảy vào VN đánh phá, nước đó phải bị coi như ”kẻ xâm lược” và nhà nước VN phải chống ngoại xâm bằng mọi giá. Không biết chống ngoại xâm, tức là để mất nước, là thành “thiên cổ tội nhân”! Còn bây giờ, ai đang muốn làm ”bạn bè” với ta, tại sao ta không cho họ và cho chúng ta một cơ hội “thêm bạn bớt thù”?
Trường hợp PD về VN trong tư cách công dân và nhạc sĩ nhiều hơn một “kẻ thức thời là tuấn kiệt”. Quê hương của ông là VN chứ không phải Mỹ. Sự kiện người Việt chạy ra nước ngoài rất nhiều lý do, trong đó có ”tỵ nạn chính trị”. Nó cũng như một sự kiện nằm trong tiến trình tất yếu phải xảy ra của lịch sử VN! Quê hương là quê hương chung. Không ai có đủ tư cách để nghiêm cấm kẻ tha hương quay đầu về cố hương nếu ngoài lý do chính trị. Dù cho nhà nước VN có mang tiếng ”sử dụng con bài Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy”, chính sách đó hẳn nhiên “danh chính ngôn thuận” nằm trong ”tình quê hương, nghĩa đồng bào”, chẳng có gì đi ngược với thuần phong mỹ tục VN! Nếu PD hay những người hồi hương nào có ý định chống lại nhà nước VN, dĩ nhiên, ông ta và họ sẽ bị luật pháp VN chế tài! Đó là quy định pháp luật của một nước như kiểu“Nhập gia tùy tục”. Do đó, chúng ta phản đối với hai bờ “cảnh tỉnh” như nhạc sĩ Nguyễn Lưu (NL), Nguyễn Đức Toàn (NĐT), nhà văn Chu Lai (CL)… thì chỉ giống như “kiền canh nóng mà thổi cả rau nguội” nếu không nói là hơi… “dư thừa”! Có điều bất bình thường ở đây chính là cái lý lịch “mấy đời bánh đúc có xương…”
2. Tiêu chí “lý lịch”:
Những người nổi tiếng nhưng vì lý lịch “có vấn đề” mà bị tai tiếng. Nổi tiếng đi liền tai tiếng là vậy. Những lời buộc tội hết cỡ của nhạc sĩ NL trên “Báo Đầu Tư” ngày 13/3/2006 dành cho nhạc sĩ PD được thanhnien.com.vn tải đăng ngày 18/3/2006 là có lý của Lưu. Thế nhưng, nhạc sĩ NL đã dùng bàn tay nhạc sĩ… cứng ngắt đánh mất hết ”phần mềm” của một bản nhạc. Là một nhạc sĩ, họ phải hiểu âm nhạc đi vào lòng người nhờ cái gì? Cuộc đời con người là một bản nhạc khi hay khi chưa hay. Đánh giá một tác giả, chúng ta hãy nhìn vào những gì người ta cống hiến, còn thành phần xuất thân chỉ là để tham khảo cho có là. Thế nhưng, trong chế độ mới, hầu như ”lý lịch” là tiêu chí quan trọng để xét công trạng, tuyên dương hay thưởng phạt. Do đó, dân gian mới có câu: ”Học dốt nhưng tốt lý lịch”. Điều này, ngay cả những anh hùng, liệt sĩ có những cuốn nhật ký may mắn sống sót mà được ”sủng ái” đã từng than phiền: Đảng đối xử với họ không công bằng vì họ xuất thân từ thành phần “tiểu tư sản” như Đặng Thùy Trâm, “tiểu chủ” như Nguyễn Văn Thạc. Sự xét lý lịch để ghi công trạng, đưa lên hay hạ xuống, đẩy ra khỏi các chức vụ quan trọng suốt một thời gian dài từ 1945 đến hôm nay đã ảnh hưởng quá rõ ràng trong mọi cấp, ngành… Vì vậy, nhạc sĩ NL cũng đã đi theo con đường này khi xét ”tư cách” của nhạc sĩ PD bằng “lý lịch”, thiết nghĩ không có gì lạ! Bởi vì, NL cũng là ”con đẻ” của hệ thống ”xét lý lịch” do nhà nước sinh ra. Đứa con ”ngoan” này lẽ ra phải được ”tuyên dương khen thưởng” hơn là chê trách vì nó đã đi theo đúng cách của ông cha! Nhưng, ở đời có cái gì “cứng ngắt” mà không dễ gãy khi theo tiêu chí xét lý lịch “lấy đồng, bỏ vàng” này! Trường hợp PD là một.
II. Sự thật về nhạc sĩ Phạm Duy? Ngọn nguồn thương ghét?
1. Nhạc sĩ Phạm Duy – Phạm Duy Cẩn (1921 – nay):
Quê quán của PD ở Hà Nội – phố Hàng Cót. Ông di tản và định cư ở Mỹ năm 1975 tại Cali. Tháng 5/ 2005, ông hồi hương trong tư cách công dân VN. PD được coi như nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc VN với hơn ba trăm bản nhạc gồm nhiều thể loại, đặc biệt là mảng âm nhạc ”viết cho quê hương tôi”. PD sinh ra trong một gia đình tiếng tăm lẫy lừng. Bố PD là nhà văn trào phúng, nhà hoạt động chính trị Phạm Duy Tốn (một trong những người sáng lập “Đông Kinh Nghĩa Thục”). PD còn có những anh em đã học hành đổ đạt cao làm đại sứ ở Pháp dưới chế độ Ngô Đình Diệm như Phạm Duy Khiêm, Phạm Duy Nhượng. PD cùng những nhà văn, nhạc sĩ, như Phạm Đình Chương, Phạm Đình Viêm, ca sĩ Thái Thanh và cùng với vợ là ca sĩ Thái Hằng, họp thành “Ban Hợp Ca Thăng Long” năm 1951 nổi danh thời bấy giờ. (thanglong.ece.jhu.edu, phamduy2000.com). Bản thân PD chịu sự chỉ dạy của nhạc sĩ Robert Lopez. Ông tham gia phong trào Việt Minh từ những ngày đầu kháng chiến với vai trò cán bộ văn hoá. Lý do ông từ bỏ hàng ngũ Việt Minh vì không đồng ý một đặc ân được ra nước ngoài tu nhạc buộc ông phải từ bỏ một số bài hát và tư tưởng tiểu tư sản. Điều này, Eric Henry đã viết rõ trong bài ”Phạm Duy và phong trào lịch sử” do Phổ Tịnh dịch (talawas.org, dactrung.net) dựa trên “Hồi Ký” của ông. PD có năng khiếu âm nhạc bộc lộ rõ qua tác phẩm đầu tay phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Bính ”Cô hái mơ”. Suốt thời gian 1940 đến trước 1975, Phạm Duy gắn bó cuộc đời với những bài tình ca, trường ca, dân ca, tục ca, đạo ca, hoan ca mang vinh quang và tai tiếng cho tác giả. Quan điểm sáng tác của ông là viết tình ca để “hát cho dân tôi nghe”. PD sống trong hai chế độ trên hai miền chia cắt và bản thân ly hương nên nhạc của ông tải nội dung hai bến bờ phải chịu “thương ghét” đầy đủ.
Nếu bài ”Bà mẹ Gio Linh” bị VM cấm như NL nói vì lời bài hát gây tâm lý chán chường cho những người cầm súng miền Bắc thì bài”Kỷ vật cho em” phổ thơ Linh Phương của PD cũng gây ”lạnh gáy” cho phía Quốc Gia khi lời bài hát lại thê thảm hơn cho ngày về của một… thương phế binh: ”Anh trở về trên đôi nạng gỗ. Anh trở về vì đã cụt chân”. Phạm Quang Tuấn trong “Nghệ thuật phổ nhạc của Phạm Duy” nhận xét: “Thoạt nghe qua và nhìn vào nhạc, khó thấy là nhạc bài này hay ở chỗ nào. Nhưng không thể quên được cái tác dụng mà nó gây cho thính giả miền Nam trong thời chiến. Phạm Duy kể là mỗi lần nó chơi ở phòng trà là như có “riot”. Tôi còn nhớ khi ở New Zealand bọn du học sinh chúng tôi được nghe băng này, đứa nào cũng bàng hoàng. Thậm chí có người ở miền Nam đã cho rằng bài này là một trong những lý do làm miền Nam thua! Tại sao bản nhạc này lại có một tác dụng mạnh như thế? Ðành rằng lời cũng có ảnh hưởng, nhưng những lời phản chiến như vậy ở miền Nam ngày xưa không phải là quá hiếm”. (tuanpham.org). Nhưng tất cả những bài hát có nội dung trên đều phản ảnh một phần sự thật của một cuộc chiến mang tên “Cuộc chiến chống ngoại xâm (1945 – 1973) và thống nhất đất nước (1973 – 1975)” mà người nhạc sĩ nào có tình quê hương, có lòng trắc ẩn không thể cho qua. Người nhạc sĩ tài năng và có lương tâm dù phục vụ cho một chế độ nào, dưới con mắt tinh anh và tâm hồn đầy chất nhạc trời phú của mình, tất cả những nỗi niềm thống thiết, những số phận không may đã, đang và sẽ được tái tạo qua từng nốt nhạc trong khả năng trời ban cho họ. Nốt nhạc không biết rung động với nỗi thống khổ, buồn vui của nhân loài, nốt nhạc… chết!
Năm 1975, PD di cư sang Mỹ qua con đường tỵ nạn. Trong thời kỳ này, dĩ nhiên, nhạc phẩm “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”của ông phải mang tính chất ”tỵ nạn” không “nặng ký” mấy như “Tỵ nạn ca, Ngục ca” (phổ thơ Nguyễn Chí Thiện) và viết “Hồi Ký Phạm Duy”. Cuộc đời PD gắn liền với âm nhạc như ông từng ao ước và chính tay ghi trên một trang giấy năm 1970: ”Mong ước duy nhất của đời tôi là được suốt bốn mùa ca hát thương yêu vô tận vô biên!” (angelfire.com). Nhưng mơ ước nhỏ nhoi này cũng trở thành sóng gió cuối con đường ông sắp vào… kết thúc cuộc đời! Con đường âm nhạc của PD gắn bó với những dòng thơ của bạn bè như cùng nhau chia sẻ những rung cảm: Người thì cảm bằng những nốt nhạc, người thì cảm bằng những lời thơ. Những thi nhân từ những bước đi chập chững, qua nhạc ông đã trở thành những nhà thơ được cả nước biết đến như Nguyễn Bính với ”Cô hái mơ” (có nơi ghi của Hoàng Giác), Huy Cận với ”Ngậm ngùi”, Cung Trầm Tưởng với ”Tiễn em”, ”Em hiền như masơ” của Nguyễn Tất Nhiên, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Ngày xưa hoàng thị” của Phạm Thiên Thư, “Kỷ vật cho em” của Linh Phương… PD cũng không quên một trong những nhà thơ bị cầm cố ba mươi năm mất quyền sáng tác là Hoàng Cầm. Ca khúc ”Hoàng Cầm ca” đã ra đời. Bên cạnh đó, chàng trai Hàn hai mươi tám tuổi sầu một đời phế nhân qua nhạc Phạm Duy bằng một ”Tình ca Hàn Mặc Tử” cũng đi vào… bất tử. Tại thời điểm này, chỉ có 19/300 ca khúc của Phạm Duy được Bộ TTVH cấp giấy phép. Thế nhưng, hầu như quần chúng đã thuộc hầu hết những sáng tác của ông từ lâu qua luồng sóng “tiếng lành đồn xa…”.
Thi ca và âm nhạc như chiếc cầu nối liền tình người với quê hương, tình yêu và khát vọng. Chúng đi song song với nhau và cùng tri kỷ cho đến ”nốt” (note) tận cùng! Mỗi người có một số mạng riêng và nỗi niềm riêng một đời khó giải. Tuy nhiên, đứng trên phương diện âm nhạc mà đánh giá, nhạc sĩ PD vẫn sáng chói với những ca khúc quê hương mà ít nhạc sĩ gạo cội nào có thể so sánh nổi. Đó là cái kết cục của sự đối lập tài năng và tăm tiếng.
2. Thương ghét từ đâu?
Sự kiện đánh giá sai lệch về PD không chỉ mình nhạc sĩ NL, NĐT nhà văn CL hay những người cùng ý kiến mà bản thân tác giả PD với một vài ca khúc của mình đã đưa đến hai nguồn thương, ghét khác nhau? PD có hơn ba trăm tác phẩm. Nếu đánh giá từng bài một, chúng ta viết cả đời không hết lời khen, ý chê. Nhưng khen nhiều hơn chê đã là một thành công cho tác giả.
Tại sao NL kết thúc bài viết ”Không thể tung hô” của mình trên Báo Đầu Tư lại hậm hực khẳng định: ”Ai muốn coi Phạm Duy là thần tượng, tùy ý, còn tôi, trước sau xin nói không!”. NL không công nhận tài năng của PD hay là ông không muốn nhìn nhận con người mà theo ông coi như đã ”ăn ở hai lòng”? Vì ”hai lòng” nên PD phải chịu mất tất cả những gì thuộc về tài năng mà có? Sự phủ nhận này là không nên vì nặng tính chất cá nhân hơn là sự công bằng. Thái độ hậm hực của NL có từ khi PD ở nước ngoài viết những dòng nhạc mà NL cho là ”chống Cộng” và nổ bùng lên từ đêm diễn ”Ngày trở về”, do Công ty Văn hóa Phương Nam (CTVHPN) thực hiện ngày 3 – 4/tháng 3 năm 2006 tại nhà hát Hoà Bình – Sài Gòn để giới thiệu nhạc PD, đã được khán giả hưởng ứng và đón nhận nồng nhiệt. Chính điều này đã làm cho nhạc sĩ NL, NĐT, CL và vài người trong cuộc cảm thấy… xốc. Vì thế, lý lịch của nhạc sĩ PD được NL lật ra bằng một trích đoạn trên báo “Thế Giới Mới”: “Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu ‘sặc mùi’ hiếu chiến”. Không biết đoạn văn này của nhà văn CL hay của ai vì NL chỉ ghi:“Một người bạn, nhà văn Chu Lai đã tỏ ra tâm đắc với ý tưởng này và cho biết, Tạp chí Thế giới mới số mới nhất có đăng một bài viết, với nội dung gói gọn” như trên? Nhưng Tổng Giám đốc CTVHPN Nguyễn Thị Lệ trong “Văn bản của Công ty Phương Nam” ngày 16/3/2006 cho là của Chu Lai. Song tấu cùng CL, NL, nhạc sĩ NĐT so sánh trong sự “ai oán” về hai loại nhạc sĩ trên “Báo Đầu Tư”: “nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trả lời báo chí, ông khẳng định, không bao giờ đánh giá một nhạc sĩ dám dâng hiến tuổi trẻ trong đội ngũ những người chiến sĩ, ngang bằng một tác giả không dám lâm trận và chỉ ngồi trong lòng địch để than thân trách phận, hay ngợi ca một hạ trắng, thu vàng, chứ đừng nói đến một tác giả đã nhảy vào lòng địch để chống Cộng, rồi sau này, khi hết ‘đát’ lại nói lời xí xoá.” (BBCvietnamese.com). Hẳn nhiên, NĐT ám chỉ Trịnh Công Sơn “ngồi trong lòng địch… ca ngợi hạ trắng, thu vàng” (có lẽ là bài “Hạ trắng” và “Nhìn những mùa thu đi”). Câu sau“nhảy vào lòng địch để chống Cộng…” là ám chỉ nhạc sĩ PD. Tức là theo các vị, nhạc sĩ PD không xứng đáng để người VN đón tiếp nồng hậu trên quê hương vì PD đã “ăn ở hai lòng”. Quan điểm này nếu đi vào phân tích sẽ rớt vào ”quan điểm chính trị”. Tốt nhất, hãy để cho dòng nhạc PD có câu trả lời với nhạc sĩ NL, CL, NĐT hoặc những ai có thành kiến tương tự. Còn việc khán giả đón tiếp nồng hậu PD trong đêm nhạc ”Ngày trở về”, có thể khẳng định một điều trong quần chúng ”Dù ai nói ngã nói nghiêng…”, PD vẫn là một nhạc sĩ quê hương mà họ hâm mộ từ thế hệ ông cha, yêu thích từ những ngày Bắc – Nam chưa thống nhất. Cho nên, chúng ta không thể nào cắt bỏ niềm yêu thương, mến mộ nhạc sĩ PD này trong lòng nhân dân bằng những bài viết đầy tính “trâu buộc ghét trâu ăn” hay“khắc chu cầu kiếm – cố chấp, hẹp hòi”. Không ai có thể ép quần chúng mua vé vào coi một đêm nhạc của một nhạc sĩ nếu người ấy “thùng rỗng kêu to” và ”không ra gì!”. Nếu họ… bị lừa thì ở đời, không có cái gì lừa được người lần thứ hai. PD không phải chỉ diễn một đêm nhạc “Ngày trở về” ở Sài Gòn và khán giả vẫn đến chật kín! Nếu nhạc ông “không là cái thá gì”, “cà chua, trứng thối” chắc cũng ngập sân khấu!
Ta có thể thông cảm cho nhạc sĩ NL ở chỗ “dũng cảm dám nói” dù nói chưa chín tới. NL “dám bày tỏ” những gì mình ấm ức còn hơn những người trong bóng tối chuyên làm ba cái chuyện ”giựt dây” hoặc “khẩu mật phúc kiếm – luỡi ngọt, lòng hiểm”. Thái độ thẳng thừng của NL coi như ”thẳng thắn” một cách “sòng phẳng” đánh một ván bài để tuyên bố một quan niệm sống của mình: Không thích làm người hai mặt. Quan niệm sống này đáng khen nhưng tiếc thay, nó lại ”cứng ngắt” và ”bảo thủ”. Tức là mình cứ cho ý kiến của mình đúng. Nghĩa là NL phủ nhận thân phận con kỳ nhông. Một con người nếu không thích ứng với hoàn cảnh, coi như tự… đào huyệt chôn mình. Điều này, chắc có lẽ bản thân NL hay những cán bộ, sĩ quan, công an bất bình muốn chết về xã hội đương thời mà vẫn cứ “ngậm cây tăm xỉa răng” để “kiếm vàng” bằng sự im lặng, kiểm nghiệm được. Vậy, xin thử hỏi chúng ta ai chưa từng làm con kỳ nhông để kiếm sự bình an cho bản thân, cho gia đình? NL xét tư cách nhạc sĩ PD với kiểu ”xét lý lịch” như đã nói phần đầu. NĐT so sánh hai loại nhạc sĩ như kiểu “trâu buộc…”. Cái nào cũng là “sản phẩm” của một xã hội đã nuôi nấng và dạy dỗ các nhạc sĩ, nhà văn này khôn lớn để họ nhất thời “thần khẩu hại xác phàm” khi xét ngày hồi hương của PD bằng định kiến cá nhân.
3. Những lời nhạc tạo nên khói “lý lịch”:
PD trong ”lý lịch trích ngang” đã một thời có bài hát mà nghe qua cũng biết ông ám chỉ ai. Bản nhạc ”1954 cha bỏ quê. 1975 con bỏ nước” có một đoạn “đụng chạm” như sau:
Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường.
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương…
…Phải nuôi ngày sau về ôm Tổ quốc.
Một suy nghĩ, hành động của một con người trong một thời đại là ý nghĩ và sở thích cá nhân. Quan Công không muốn ở với Tào Tháo. Trần Bình Trọng không muốn về Trung Quốc làm Vương. Mạnh Hoạch về với Lưu Bị. Bá Di, Thúc Tề thà chết đói trên núi Thú Dương chứ không muốn ăn thóc nhà Chu. Nguyễn Văn Thành bỏ Tây Sơn theo Nguyễn Ánh. Dân miền Nam tập kết ra miền Bắc. Dân miền Bắc di tản vô Nam… Tất cả đều có lý do riêng. Ngay cả sách sử hôm trước còn cho Nguyễn Văn Tường có tội, hôm nay coi là có công?! Những nghệ sĩ hôm trước bị cầm cố vì vụ “Nhân văn – Giai phẩm“, hôm nay được tháo củi, mở còng. Một thời kỳ chôn sống, thiêu cháy văn học miền Nam rồi bây giờ đào lên, chữa cháy. Có sao đâu! Triều đại này lên, sử sách phải viết lại cho ”vừa lòng” nhau. Trong sự “xét lại” đó, chưa hẳn là đúng hoàn toàn.
Nếu miền Nam ”Bắc tiến” thành công, trong con mắt những người thất bại, trong đó, chắc chắn có NL, NĐT và CL… thì ”Quốc Gia” có từ nào được các “chiến bại” ấy sử dụng đẹp đẽ hơn từ ”bạo cường, qủy dữ” dành cho “kẻ chiến thắng”? Từ đó, sự căm hận xuất hiện từ những người thua trận cũng là điều tất nhiên. Không biết căm thù mới là người vô cảm! Nhưng chỉ biết căm gan mà không mở lòng thì cũng là kẻ ích kỷ ôm cái “oan oan tương báo, dĩ hận miên miên” mà thôi!
Nhạc sĩ PD, với nhà nước VN, xét ra, công nhiều hơn tội (nếu có). Công của PD là công mang làn hơi ca dao, dân ca, tình yêu quê hương vào trong nền âm nhạc VN. Nhận xét về nhạc sĩ PD, Phạm Quang Tuấn là người hiểu biết khá hơn ai hết trong bài “Ngày Trở Về của Phạm Duy trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam”: “… 1. Nét đặc biệt của Phạm Duy là đã đem dân ca vào dòng chính của tân nhạc, với những âm điệu hấp dẫn, mới mẻ mà vẫn đầy bản sắc Việt Nam. Tối thiểu, dân ca Phạm Duy là chiếc cầu để người trẻ thành thị đi về với dân ca truyền thống nguyên thủy. Nhưng còn hơn nữa, dân ca Phạm Duy làm thăng hoa dân ca truyền thống, làm nảy nở những tinh hoa của nó. Nghe một bài dân ca Phạm Duy như Đố Ai, Quê Nghèo, Người Về, Ngày Trở Về, Bài Ca Sao, người thành thị không chút nào cảm thấy cố gắng phải “tìm về bản sắc dân tộc” để “ra vẻ Việt Nam”, mà cảm thấy cái bản sắc ấy tự nhiên nảy nở throng lòng họ và lôi cuốn họ, chẳng kém, hoặc còn hơn, là khi nghe một bản nhạc thời trang ngoại quốc. Ít có nhạc sĩ VN khác nào làm được điều đó. 2. Những tình ca quê hương: cũng tương tự như dân ca, nhưng phát triển thêm một nấc về tầm cỡ, nghệ thuật và cảm xúc… như Về Miền Trung, Tình Ca, Tình Hoài Hương, Chiều Về Trên Sông… Đây là những tác phẩm điêu luyện, có tầm cỡ, độc đáo, bố cục chặt chẽ mà lại không khả đoán, ra ngoài khuôn sáo của các bài hát bình thường, mang nhiều âm hưởng ngũ cung dân gian, và tràn đầy tình quê hương, thích hợp và cần thiết cho mọi thế hệ người Việt”.Tên của PD là một trong những cái tên được xếp hàng đầu với các nhạc sĩ gạo cội: Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Song Ngọc, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Văn Cao… đại diện cho thế hệ cha chú anh em. Chính NL cũng phải công nhận trong bài “Không thể tung hô”: “Phạm Duy có những tác phẩm làm say đắm lòng người, như Thiên Thai, Trương Chi, Nhạc tuổi xanh, Quê nhà em… Rồi sau đó là các bài như Thuyền viễn xứ, Bà mẹ Gio Linh, Cây đàn bỏ quên, Nghìn trùng xa cách… Khai thác chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, khó có ai qua mặt Phạm Duy…”. Nếu hôm nay vì một lý do cá nhân, chính trị nào đó mà không công nhận họ là tài năng, ngày mai, lịch sử nền âm nhạc cũng lật trở lại để công nhận mà thôi!
Âm nhạc của PD lành nhiều hơn dữ và thấm đượm màu sắc dân tộc hơn là… “mùi chính trị”. Những bài nhạc của ông mang lời quê hương mộc mạc chứ không phải mang ”chất lãng mạn tiểu tư sản, sợ khổ, sợ chết” mà NL thấy rằng ”đã bộc lộ qua những sáng tác của Phạm Duy”. Dù không thuộc tầng lớp “tiểu tư sản”, người nào trời sinh ra cũng thích sống hơn thích chết cả. Thế mới có câu: ”Tham sinh uý tử”. Điều đó dễ dàng kiểm chứng qua bản thân khi bệnh thì lo uống thuốc, khi đói thì lo kiếm cái ăn, khi khát thì mau tìm nước uống, khi có người “công kích” thì phải kiếm đường ”mổ lại”. Ai “không sợ khổ”? Nếu người ta ”không sợ khổ”, VN sẽ không có nhà lầu, biệt thự mà chỉ có ”rừng lá thấp” tè tè mấy dãy nhà tranh. “Không sợ khổ”, người ta cũng đâu có bị kết là ”tham nhũng, ăn hối lộ”? “Không sợ khổ” thì mọi người không tìm mọi cách để có tiền làm gì! Giả như bây giờ có giặc tới thử hỏi ai không ”trốn cho nhanh”. Ngay cả con cái tới nghĩa vụ quân sự, cha mẹ nào cũng tìm cách chạy xuôi chạy ngược cho con mình thoát cảnh ”trên đầu đạn nổ, dưới chân mìn cài”? Đấy! Đã nói thì nói cho cùng, đã nghĩ thì nghĩ cho cạn. Với PD, chất “tiểu tư sản, sợ khổ, sợ chết” chưa thấy (nếu có, chắc nhạc sĩ này… cất giấu ở viện bảo tàng nào đó). Nhạc của PD đầy chất quê hương. Điển hình trong: ”Anh hỡi anh cứ về”:
Cứ về làng thôn tươi thắm
Mong đón đưa bước chân hồi hương.
Hay những bản nhạc đậm đà ca dao – nét độc đáo của âm nhạc PD như “Nụ tầm xuân” hay ”Áo anh sứt chỉ đường tà” phổ nhạc trên ý thơ ”Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Một bài ca giàu chất ca dao và xót thay cho cảnh chiến tranh ”không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương”:
Tôi về không gặp nàng.
Má tôi ngồi bên mộ con…
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong lời ca
À ơi! À ơi! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu.
Ai nghe qua mà không ngậm ngùi! Chính bài hát này đã ”nâng giá” ”Màu tím hoa sim” lên… 150 triệu đồng bản quyền cho Hữu Loan. Còn đây, ”Cây đàn bỏ quên” với lời lẽ chân chất, mà cũng thắm đuộm buồn thương:
Hôm xưa, tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên, quên cây đàn.
… Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Đêm về say đắm…
Khi bông hoa úa tàn, tình tang…
Nhớ người hay nhớ hương, tình tang…
Hoặc những bài “Hoa xuân, Hoa rụng ven sông, Trường ca Con đường cái quan, Tình ca mẹ VN…”. Đặc biệt là “Tình hoài hương”,”Tình ca tiếng nước tôi”: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” mang âm điệu quê hương hiếm thấy trong những ”ca khúc trẻ” bây giờ! Hoa xuân của PD dù cho trên sông có ”rụng tơi bời” hay mẹ già trong PD cứ ”cuốc đất trồng khoai” cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm lắm!
Cùng với Trịnh Công Sơn (TCS), PD đã lên tiếng nói chống chiến tranh vì dù dưới gốc độ nào, chiến tranh cũng mang lại chết chóc, mang lại niềm đau cho nhân loại. Nếu TCS có Album ”Ca khúc da vàng” thì PD có bài ”Đường ra biên ải”, ”Bài ca dân chủ”, ”Kỷ vật cho em”, ”Bên kia biên giới”… được coi như những ca khúc phản chiến chân thật nhất về một cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra trên quê hương đang ”hát trên những xác người” thời bấy giờ! Bên cạnh đó, tình yêu trong sáng, êm đềm của tuổi trẻ, tuổi học trò vẫn đi vào lòng người những âm vang bất tận và rất đổi dịu dàng trong: “Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi, Ngậm ngùi, Cỏ hồng…”. Có ai không một lần qua tuổi học trò, qua những khung trời đại học, đi trên những con đường tình ta đi, qua những ngày xưa hoàng thị ngập cỏ hồng trên những lối xưa…? Đó không có gì là ”tiểu tư sản” cả. Đó chính là một thời để thương và một thời để nhớ của một thời tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại…
Nói về có lợi cho cách mạng, nhạc của PD sao lại là không? Ta hãy nghe những ca khúc mà thời học sinh dưới chế độ mới được hát đàng hoàng như ”Hỡi người chiến sĩ vô danh”:
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành,
Thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh.
Ca ngợi rồi còn gì!
Một bài nhạc nếu áp dụng cho bất cứ chế độ nào cũng hát được cả tức là âm nhạc với những tiết tấu, giai điệu đặc biệt của nó đã làm công việc vượt lên hận thù, bay qua giai cấp và đem đến cho người nụ cười hay nỗi chua xót bằng lời nhạc. Giá trị là ở chỗ vượt thời gian này.
III. Cảm nhận:
Trong vật lý học có ”Định luật Acsimet” (Archimède – 281 – 284 – 212 TCN). Trong bảy loại hình nghệ thuật sao lại không thể không có một ”Định luật Acsimet” trong thế giới âm nhạc? Tức là: Dìm một vật xuống nước càng sâu, “định luật Acsimét” sẽ đẩy vật ấy lên bằng sức dìm xuống. Hoài công là ở chỗ làm kiếp ”Nữ Oa đội đá vá trời” vì rằng dù trái đất có lủng tầng Ozon thật nhưng trời có lủng lỗ nào đâu mà đi vá?
Nhạc sĩ NL, NĐT không nhìn nhạc sĩ PD dưới con mắt một đồng nghiệp cũng không sao nhưng không nhìn dưới con mắt một con người cùng cội nguồn thì hơi khe khắc với cái lý lịch của ông. Công dân PD sống thêm vài niên trên quê hương để rồi cũng phải ”một mai giã từ đất mẹ mà đi”! Một nhạc sĩ có tên tuổi trong giới lý luận như NL sao lại đi hạn hẹp đến thế? Thái độ nóng gà này của NL, NĐT và CL chẳng thể nào làm nức nẻ sự kính trọng, sứt mẻ sự thương yêu về một người nhạc sĩ trong lòng nhân dân mà trái lại, người ta nhìn họ bằng con mắt của “con trâu buộc…” với trò chơi “bập bênh…”!
1. Những quan niệm non nớt:
NL viết 10 điều trong bài viết của mình thì hết 9 “lửa non, cơm sống” khiến Tổng giám đốc CTVHPN Nguyễn Thị Lệ “đập” lại tơi tả như cầu thủ Mỹ Misty May-Treanor và Kerri Walsh… đập bóng chuyền.
– Một. NL mượn câu của Chu Lai hay ai đó trên “Thế Giới Mới” như trên để chỉ trích PD theo kháng chiến chống Pháp rồi theo Pháp, theo Diệm, sau, chạy qua Mỹ chống Cộng rồi xin về VN thì“hà cớ gì phải xưng hô, xưng tụng đến như thế”. CTVHPN viện dẫn bằng:“Chủ trương đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đang thổi một luồng sinh khí mới, động viên tinh thần yêu nước của tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến ở trong cũng như ngoài nước để cùng hướng tới mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”. NL không chống nổi chiêu thức này.
– Hai. ”Khép lại quá khứ không đồng nghĩa là quên đi tất cả”. CTVHPN phản đòn: “Đối với những kẻ thù xâm lược, chúng ta cũng đang xếp lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai, nhưng đọc bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, nhiều người hẳn sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao việc ‘xếp lại quá khứ’ đối với một bộ phận người Việt lại khó khăn đến thế?”. Câu lý luận vay mượn “khép… không quên” trên của NL thật ghê sợ vì con cá sấu đang ngậm miệng kia không có nghĩa nó không ăn thịt người. Cái ”táp phập” khi đang ngậm miệng này quá thâm hiểm. Con người một khi ”không quên” sẽ không bao giờ biết ”khép”. Nếu “khép” để “không quên” thì đây là một sự lừa lọc đáng chê trách. Thái độ này làm người ta thận trọng và e dè, đề phòng, cảnh giác cao độ. Khi người ta đã có thái độ cảnh giới này, còn gì thân thiện thật lòng nữa nếu không nói ”Bằng mặt chứ không bằng lòng”. Con người sống làm sao vô tư nếu cứ phải đề trong lòng những hậm hực, bực mình và tràn ngập lo sợ khi phải lo đối phó với con cá sấu ngủ mà còn há mỏm ăn thịt người!
– Ba. NL so sánh khập khễnh: “Chúng ta cũng không quên tổ tiên ta luôn tỏ rõ nghĩa khí, quyết không sợ xâm lăng và cũng không trù dập kẻ thất trận. Tù binh giặc còn được cấp lương, thuyền để chúng “ra đến bể chưa thôi trống ngực” hay “về đến nhà còn đổ mồ hôi” (Cáo bình Ngô). Nhưng cái khái niệm ân nghĩa bốn bể ấy cũng có những nguyên tắc và với trường hợp của Phạm Duy, chúng ta lại càng cần phải hiểu cho rõ ngọn nguồn”. CTVHPN không phản đòn. Thế nhưng cái câu: ”Ân nghĩa bốn bề cũng cần có nguyên tắc” tức là kẻ thọ ân huệ chỉ có đường “nhận” chứ không được “kêu”. Người ban ân chỉ khi người đó đứng trên cơ kẻ khác hay nắm quyền sinh sát trong tay. Ban ơn mà bắt người ta làm cái này cái nọ, còn gì mà ơn nữa nếu không nói trắng ra “ân nghĩa chủ – tớ”. Trong lịch sử, Lê Lợi tha cho bọn Vương Thông (những kẻ làm ác đến nổi trời không dung, đất không tha, nhà nhà oán hận) được NL ví như nhà nước “tha” cho PD. Dẫn chứng so sánh của NL khập khễnh. Lê Lợi ban ”ân nghĩa” cho giặc. Lê Lợi đâu có theo nguyên tắc ngoài một chữ ”Nhân”? Tha được thì tha. Nếu tha không được, buộc phải giết như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cho đánh đắm thuyền Ô Mã Nhi (vì một lý do là Ô Mã Nhi quá ác) còn bao nhiêu lính tha cho về hết. Nhạc sĩ PD có cái tội ghê gớm như giặc thù ấy không mà NL ”ban ân” không nổi phải mượn ”nguyên tắc”? Nguyên tắc nào đủ sức định mức ân nghĩa ở đây? Nếu cha ông ta cứ lấy nguyên tắc này đối xử với giặc thì chẳng còn một tên nào thua trận mà sống sót vì với kẻ cướp nước, kẻ ngoại xâm làm gì có nguyên tắc để ban ơn? Thế nhưng, cha ông ta đã đứng vững trên nguyên tắc con người. Nguyên tắc này chính ở chỗ: Quân sĩ vô tội! Ai không muốn sống cuộc sống hòa bình? Ai không có cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu? Nhân đạo là ở chỗ ấy đấy! PD không phải là giặc cướp nước như bè lũ Vương Thông. Nhận định, đánh giá sự kiện lịch sử của NL còn ấu trĩ nếu không nói là trẻ con.
– Bốn. NL suy luận: “tôi đã cùng bè bạn trong đơn vị hát những ca khúc rất hay của Phạm Duy, khi ấy đang là một trong những cán bộ văn hóa của chính quyền cách mạng. Tôi đã thuộc lòng câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn – cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước)”. CTVHPN “dếnh” cho một… “chưởng”: “nhạc sĩ Nguyễn Lưu lại đưa người đọc lạc vào những lỗ hổng kiến thức của chính mình. Lỗi tác giả một phần, một phần do lỗi của tòa soạn trong khâu biên tập… Thứ nhất, câu nói nổi tiếng (và cũng bị nhiều tai tiếng) ‘Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn’ không phải của Nguyễn Văn Vĩnh mà là của Phạm Quỳnh (thân sinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả ca khúc nổi tiếng Như có Bác hồ trong ngày vui đại thắng). Bài viết của Phạm Quỳnh được đăng trên tạp chí Nam Phong, về sau được in lại trong Thượng Chi văn tập. Tuy tiếng Việt của Phạm Quỳnh là tiếng Việt của đầu thế kỷ 20 nhưng không có lối hành văn “thì mà là” như tiếng Việt của nhạc sĩ Nguyễn Lưu ở đầu thế kỷ 21! Thứ hai, nếu chỉ nói quá đơn giản như Nguyễn Lưu thì nhiều học sinh ngày nay sẽ không thể nào hiểu được vì sao Truyện Kiều được tôn vinh như là một kiệt tác của văn học Việt Nam, nhưng khen Truyện Kiều thì lại mắc cái tội “biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược”? Ai cũng biết rằng, sinh thời Nguyễn Du là người theo phò nhà Lê thời Lê Chiêu Thống, chống lại Tây Sơn, đã từng bị quân Tây Sơn bắt giam 3 tháng ở Nghệ An, sau theo phò Gia Long, ra làm quan với triều Nguyễn, nhưng điều đó lại không liên quan gì đến việc đề cao Truyện Kiều “là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược”. Cũng như vậy, làm sao con cháu chúng ta có thể hiểu được “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” mà lại bị ghép vào tội… phản quốc?”.
Chúng ta có thể xem nội dung bản nhạc này:
TÌNH CA TIẾNG NƯỚC TÔI
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên…
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng (*)
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (à hàng) mến nhau
Tôi yêu bác nông phu,
Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa
(music.yeucahat.com)
Bài hát tràn đầy tình quê hương và chỉ có mỗi một câu: “Một yêu câu hát Truyện Kiều” là NL có thể suy cò ra cuốc. Cò là cò mà cuốc là cuốc chứ! Phản đòn của CTVHPN chính xác. Nếu vì ca ngợi “Truyện Kiều” mà bị ghép vào “ôm chân giặc” kiểu Phạm Quỳnh như NL khẳng định thì có biết bao công trình nghiên cứu “Truyện Kiều” của các nhà nghiên cứu, tiến sĩ, giáo sư như Lê Xuân Lít, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Huệ Chi, Mộng Liên Đường, Vũ Đình Long, Nguyễn Trường Tam, Trần Trọng Kim, Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Hoàn, Lưu Thế Đức – Lý Tự Chương, Niculin, Buđanen, Ronê Crayxac… đều “ôm chân giặc” hết! Đúng hơn, “hỏa diệm sơn” của NL đã “thiêu trụi” kiến thức của NL!
– Năm. Một bản nhạc của PD được NL cho là người nghe sẽ không dám cho con đi cách mạng: Đó là bài ”Bà mẹ Gio Linh”. “ngay trong thời kỳ ấy, chất lãng mạn tiểu tư sản, sợ khổ, sợ chết đã bộc lộ qua sáng tác của Phạm Duy. Khi ấy, dù còn bé, song tôi đã biết bài Bà mẹ Gio Linh bị cấm, bởi có những câu mà khi hát lên, liệu còn ai, còn bà mẹ nào dám để con đi bộ đội. Và chất đa tình cố hữu, ta thường thấy ở giới nghệ sĩ, ở Phạm Duy được xem là nhược điểm…”. CTVHPN không phản đòn: Nhưng PD không những viết một bà mẹ ấy mà còn viết về những bà mẹ khác như, ”Bà mẹ Phù Sa” ca ngợi sự hy sinh, vất vả của những bà mẹ VN. Ví dụ như ”Bà mẹ quê”:
Vườn rau, vườn rau xanh ngát một màu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu…
Nhạc sĩ NL quên đi chính những bài hát cách mạng như ”Đất quê ta mênh mông” của Hoàng Hiệp phổ nhạc thơ Dương Hương Ly có những câu sau:
Mẹ đào hầm, mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh.
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác.
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.
Đào hầm gì mà đào miết từ thời con gái đến bạc đầu còn đào? Cha mẹ nào nghe xong có còn can đảm cho con đi theo cách mạng để chỉ mỗi… đào hầm không? Có con cái nào chịu để mẹ hy sinh đời một cách tàn nhẫn dưới tầm đại bác như vậy đến suốt đời? ”Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn cũng có bà mẹ thấy mà… kinh hãi nếu theo cách suy diễn ”Tệ hơn vợ thằng Đậu” của NL: “Mẹ về đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ, xoá sạch vết con về
Mẹ ngồi với cơn mưa…
Mẹ lội qua con suối dưới mưa bom không ngại, mẹ nhẹ nhàng đưa lối tiễn con ra núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối, gió mưa, tóc che lối con đi…
Mẹ gì cứ hết “đứng dưới mưa” rồi “lội qua suối” và “chìm trong đêm tối” mãi thế?! Những công việc như trên sẽ là vô nghĩa nếu là người đi trước đã hy sinh một đời thanh xuân cho người đi sau “no cơm, ấm cật” mà ”ăn thịt” lẫn nhau?
Riêng ”Bà mẹ Gio Linh” của PD viết năm 1948 – thời kỳ ”Cải cách ruộng đất” hồi đó bị cấm. Khi Bắc – Nam nối liền, biết bao nhiêu bài hát bị cấm, biết bao nhiêu cuốn sách bị tịch thu. Hồi 75, đố ai hát đưọc những bài hát tình yêu nên mới có chuyện trong nhà trường và ngoài đường phố: ”Không hát nhạc vàng. Không coi truyện Ngụy” để xét tư cách đạo đức con người. Một sai lầm mà nhà nước mới tới bây giờ sửa gần hết hơi đó thôi! Theo như NL, toàn bộ nhạc cách mạng nào mà có những câu chữ mô tả cuộc sống nghèo khổ hay đường đi cách mạng gian nan coi như… tàn!?
Bài hát nổi tiếng và… tai tiếng của nhạc sĩ PD:
BÀ MẸ GIO LINH
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Nhà thì nó đốt còn đâu
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công sới vun cầy cấy
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Ðêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Ðem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Ðường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta
Mẹ già nấu nước chờ ai
Ðêm đêm súng nổ vang trời
Giật mình em bé mồ côi
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Bộ đội đã ghé về chơi
Khơi vui bếp lửa tơi bời
Mẹ già đi lấy nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa
Con, con con ơi! Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đâỵ
(1948)
Đọc toàn bộ bản nhạc, người đọc có thấy những câu ”mà khi hát lên, liệu còn ai, còn bà mẹ nào dám để con đi bộ đội” như nhạc sĩ NL nói hay không? NL đọc thơ cách mạng của Giang Nam ”Nghe em vào đại học” có câu ”Giặc giết em rồi quăng mất xác” hay của Tố Hữu ca ngợi ”Trần Thị Lý”: ”Điện giật dùi đâm, dao cắt lửa nung, không giết được em người con gái anh hùng” hoặc Trầm Hương với”Hai đời làm mẹ”: “Đón con … với đôi chân ngà ngọc … đã bỏ lại chiến trường” không biết nhạc sĩ NL sẽ nghĩ gì đây hay cho rằng thơ khác, nhạc khác? Nếu người ta “không dám đi làm cách mạng” thì ngày hôm nay, các nhạc sĩ ung dung, rung đùi ngồi viết nốt ”thăng” nốt ”giáng” cho người được sao? Những nốt thăng giáng của một bản nhạc chính ”Tử vi bổn mạng” của mình!
Bà mẹ Gio Linh trong nhạc PD “khóc con” bị giặc “cắt đầu” có khác gì người con trai của Giang Nam khóc ”em tôi” bị giặc bắt giết rồi tệ hơn là… quăng mất tiêu xác luôn? Buồn cười và ngậm ngùi cho hai cái chết: Một cái chết “giết em rồi quăng mất xác” của thơ được nhà nước cho phép học trò học ầm ĩ. Một cái chết của nhạc bị “đem giữa chợ cắt đầu” bị chính quyền cấm hát! Chao! Nếu suy diễn như thế, bài “Hận Đồ Bàn” của Xuân Tiên hát về mối hận lịch sử của dân tộc nào? Từ lâu, nhân dân ta thưởng thức âm nhạc đã không coi nặng bài ca ám chỉ cái gì mà chỉ thưởng thức nghệ thuật hay dở của tác phẩm mà thôi.
– Sáu. NL phê phán PD: “Đỉnh cao” sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài Mùa thu chết. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”. Người đại diện cho CTVHPN chứng minh bài “Mùa thu chết” là PD phổ nhạc từ bài thơ ”L’Adieu” của nhà thơ Pháp Apollinaire (Guillaunre Apollinaire 1880-1918): “Bài thơ của Apollinaire vỏn vẹn chỉ có 5 câu, mang tựa đề L’Adieu (Giã biệt), chúng tôi xin ghi lại nguyên văn:
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
Tạm dịch:
Ta ngắt một cành thạch thảo
Em hãy nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta không còn được nhìn nhau nữa trên đời
Mùi thời gian đẫm hương thạch thảo
Em hãy nhớ rằng ta vẫn chờ em
Nội dung bài thơ chỉ có thế, khi phổ nhạc vẫn giữ gần như nguyên vẹn, chẳng liên quan gì đến cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc chúng ta xảy ra sau khi tác giả của nó đã qua đời 27 năm! Nếu lập luận theo kiểu Nguyễn Lưu thì mọi người sẽ nghĩ sao về trường hợp Văn Cao với bài Buồn tàn thu và Phạm Trọng Cầu với bài Mùa thu không trở lại?”.
Một trang web khác về bài thơ phổ nhạc này của PD:
Lời vĩnh biệt
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
Mùa Thu Chết
Phạm Duy (nhạc) & Apollonaire (thơ)
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
mùa thu đã chết
em nhớ cho
mùa thu đã chết
em nhớ cho
mùa thu đã chết
đã chết rồi
Em nhớ cho
em nhớ cho
đôi chúng ta
sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
trên cõi đời này
trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
từ nay mãi mãi không thấy nhau
từ nay mãi mãi
không thấy nhau
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
vẫn chờ em
vẫn chờ em
vẫn chờ em
vẫn chờ
vẫn chờ
đợi
em
(blog.timnhanh.com)
Phản đòn của CTVHPN chính xác. NL áp đặt bài ”Mùa thu chết” của Phạm Duy đã gây ảnh hưởng xấu cho “cách mạng tháng Tám” tức là NL vô tình mang luôn ”Mùa thu trong thi ca” với ”Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư giết trước, bởi vì ”con nai vàng” của một cựu Vụ trưởng Vụ Sân khấu Bộ văn hoá và Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu VN bấy giờ này chỉ biết “ngơ ngác” trước “cách mạng tháng Tám” được coi như ”đám lá vàng khô”? Còn ”Mùa thu trong âm nhạc” với ”Thu sầu” của Lam Phương, ”Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng Cầu, ”Buồn tàn thu” của Văn Cao, ”Đêm thu” của Đặng Thế Phong, ”Không còn mùa thu” của Việt Anh, ”Nhìn những mùa thu đi” của Trịnh Công Sơn, ”Thu vàng” của Cung Tiến, ”Tiếng chuông chiều thu” của Tô Vũ… bị NL dìm xuống biển uống nước mà… trân trân…. Suy diễn này giống như một thời “Nhân văn – Giai phẩm”, Trần Dần đã khốn đốn với Tố Hữu khi dùng từ “Người” mà từ “Người” thì chỉ được dùng cho Hồ Chí Minh. Không nói NL là “con đẻ, con ngoan” của hệ thống suy diễn cực đoan thì nói ai?
Những lời hát với từ ”Thu” được hiểu như ám chỉ “cách mạng tháng Tám” ảo não bị ghép ”tội”, còn những bài hát có từ ”Thu” không ủ rũ sẽ thành bài hát có công ca ngợi “cách mạng tháng Tám” hay sao? Ví dụ như “Thu ca – Phạm Mạnh Cương, Thu hát cho người – Vũ Đức Sao Biển, Cám ơn mùa thu – Thanh Tùng, Bài ca mùa thu – Chu Minh Kỳ, Có phải em-mùa thu Hà Nội – Trần Quang Lộc, Mùa thu còn đó – Châu Kỳ, Nha Trang ơi! Mùa thu lại về – Văn Ký, Thu quyến rũ – Đoàn Chuẩn, Từ Linh…” khiến thiên hạ một phen cười ra nước mắt!
Thiết tưởng đây là một sự trả lời cho sự áp đặt thiếu kiến thức âm nhạc này của NL mà đây cũng là một bài học “chụp mũ” vô văn hóa cho những người “mã tầm mã…” muốn nếm mùi kiện tụng.
– Bảy. NL Sự hổng hóc kiến thức chuyển sang “thêm muối thêm mắn” của NL khi “ngưu tầm ngưu”: “còn nhịp ba trong Quê nhà em lại rất hay, dí dỏm và tố cáo giặc đốt nhà, phá đường…Và cái phải đến đã đến, Phạm Duy “dinh tê”, bỏ kháng chiến vào thành, lập ra ban nhạc “Đêm màu hồng” với Thái Thanh, Thái Hằng, có cả Phạm Đình Chương, Duy Quang… Ngày miền Nam mới giải phóng, tôi có gặp TS Nguyễn Văn Trung, nguyên giảng viên Đại học Sài Gòn. Trước khi di tản đi Mỹ, ông Trung bất đắc chí đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có lời miệt thị một nhạc sĩ có tài là Phạm Duy mà lại đi viết cả những bài hát để ủng hộ sự loạn luân!? Chính TS Trung đã qua Mỹ dạy học, còn nhạc sĩ Phạm Duy di tản sang Mỹ để trốn chạy trước sự trở về của những người đã từng chung một chiến hào với ông ta. Tại Mỹ, Phạm Duy làm nhiều người (trong đó có tôi) sôi sục căm thù, khi viết bài kêu gọi các nam thanh, nữ tú đất Việt hãy xông lên, lấp sông Bến Hải, giải phóng Việt Nam khỏi tay Cộng sản…!”. Đại diện CTVHPN “tiếp chiêu”: “trong bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu còn một số chi tiết khác không chính xác, chẳng hạn: trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy không hề có bài Quê nhà em, Phạm Duy chưa bao giờ được làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa của chính quyền Sài Gòn, ở Sài Gòn trước năm 1975 không hề có cái gọi là “ban nhạc Đêm màu hồng”, GS Nguyễn Văn Trung cũng chẳng phải di tản đi Mỹ mà đi Canada theo diện đoàn tụ gia đình sau 1975, và GS Nguyễn Văn Trung cũng không hề dạy học ở Mỹ”. Phản đòn đúng nhưng còn thiếu. PD không có bài “Quê nhà em” với nhịp ba nào cả mà chỉ có “Bà mẹ quê” và “Em gái quê” với “Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu”. Ban nhạc của PD là “Ban Hợp Ca Thăng Long” chứ không phải ban nhạc “Đêm màu hồng” hay màu đen gì cả. NL dẫn chứng ông TS Nguyễn Văn Trung nào đó cũng phản đối thái độ của PD: ”Viết cả những bài hát để ủng hộ sự loạn luân”. Con người loạn luân đã từng có trong cuộc đời nhưng âm nhạc có sự loạn luân thì trước giờ chưa nghe qua. Một cuốn tiểu thuyết, truyện hay những bài thơ bây giờ (đầy trên các web và trên sách báo) có thể vác cái ”loạn luân” vào để tìm ”đất sống” nhưng trong âm nhạc, nhạc sĩ nào vác cái loạn luân ấy vào thì chỉ có con đường… chết ngắt trên các nốt loạn luân của mình! PD có không? Thời gian sẽ đào thải những cặn bã của cuộc đời. Người đại diện CTVHPN cũng đã đưa ra chi tiết nhân vật Nguyễn Văn Trung của NL là người khác vì ông “Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung” drỏm của NL ở… Mỹ, còn ông “Giáo sư Nguyễn Văn Trung” thật kia đang ở… Canada. Hay là Mỹ và Canada gần quá nên hai ông được NL coi như… một! Mới nói: Nếu chúng ta dẫn chứng một chi tiết, một dữ kiện thiếu chính xác là ăn… cái “gậy ông đập lưng ông” đau điếng.
– Tám. Có một câu trong tác phẩm của Nam Cao mà NL trích dẫn để nhắm vào PD: ”Những thằng chuyên ác chỉ có thể hết làm việc ác nếu chúng không còn đủ sức để làm ác’. Bây giờ, với Phạm Duy cũng như vậy”. CTVHPN không “tiếp chiêu”. Thực ra, là câu này:“Người ta hay hối hận về tội ác thì không đủ sức mà ác nữa” (“Chí Phèo” – Nam Cao). NL nhớ mang máng nên trích dẫn sai nguyên văn mà cũng sai luôn ý khi bỏ mất từ “hối hận”. Vậy, tội ác của PD phải được lịch sử đem ra phân xử cho công bằng. Tội ác này cần ”làm sáng tỏ”. Nếu có, PD mang tiếng xấu ngàn năm. Nếu không, NL là người thêu dệt. Nhưng tội ác không thể thêu dệt và kẻ ác phải bị trừng trị dù kẻ đó có ”ra người thiên cổ” cũng phải truy cứu tới nơi, tầm nã tới chốn. Lịch sử VN trong quá khứ các triều đại hay thập niên bảy mươi, tám mươi đã qua, tội ác của kẻ giết người và gián tiếp giết người bằng mọi cách, mọi nơi với mọi thủ đoạn so với ”tội ác” PD cái nào lớn hơn? Trừng trị PD vì mấy bài hát chống Cộng mà không trừng trị kẻ đã giết người với mọi hình thức dã man, coi bộ luật pháp này thiên vị kẻ ác rồi đấy! Nói như ý Chúa: “Ai thấy mình vô tội thì hãy ném đá vào người đàn bà ngoại tình này?”. Lời kết luận của nhân vật Chí Phèo sau khi được Thị Nở cho ăn bát cháo hành và được giải rượu gắn vào PD chỉ như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Người ta thích nhân vật “Chí Phèo” chuyên rạch mặt ăn vạ, đòi làm người lương thiện của Nam Cao hơn là một “Hậu Chí Phèo” của Phạm Thành “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. Người ta thương nhạc sĩ PD ở tình hoài hương, tình quê hương hơn là công dân VN PD “ăn ở hai lòng” và cũng chẳng hơi đâu xét ông chống Cộng hay không vì ngay bản thân người CS cũng tự chống nhau rồi. Điều ấy, không còn chuyện “kinh thiên động địa” nữa.
– Chín. NL dẫn có câu mà Tổng Giám đốc CTVHPN Nguyễn Thị Lệ cho là của CL: “Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về”. Đây là một câu “đòn xốc hai đầu” sinh ra kẻ chửi, người bới và gây chia rẽ, là một thau nước đá tạt vào trái tim đang ấm hơi quê hương của người hồi hương và… đá một đá vào lòng tự trọng của nguời về với cội nguồn. CTVHPN đã lên tiếng: “Và cũng không thể xếp lại quá khứ theo kiểu lôi hết ‘ngọn nguồn’ của một người để phơi bày trên mặt báo như ông Nguyễn Lưu đã làm! Dù nhắm tới một đối tượng cụ thể là nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng khi ông Nguyễn Lưu (dẫn lời nhà văn Chu Lai) nói rằng “Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về” chắc chắn sẽ làm những người đã hoặc đang có ý định trở về chạnh lòng và cảm thấy bị xúc phạm”. Phản đòn đúng tâm lý: “Đó là một lối nói kiêu ngạo, vô trách nhiệm gây mất lòng tin vào đường lối, chủ trương của Đảng”. Thiết nghĩ không sai ở cụm từ “lối nói kiêu ngạo”. Nói cho đúng, đó là một tầm nhìn“ếch ngồi đáy giếng”. Người ta cười trước cái đã rồi… đau sau: VN là nước xếp loại trong Đông Nam Á còn chưa qua nổi Thái Lan, Phi Luật Tân huống hồ so với thế giới. Ngay mức tham nhũng, mức dân trí, VN còn đứng hạng áp chót theo “Tổ chức Minh Bạch thế giới” là 102/146, còn đói nghèo là 108/152 (nhà nước cũng đã thay “thanh tra” như… thay áo và “người cộng sản chống người cộng sản’‘ nhiều hơn ai hết trong mỗi lần đại hội Đảng mà đài, báo, web site VN đăng tải mỗi ngày như cơm hàng, cháo chợ). Vậy, người từ nước ngoài, nhất là Mỹ trở về VN được coi như là “từ bỏ thiên đường” hay “từ bỏ địa ngục” để về với đất nước đang ”vươn lên mạnh mẽ” với xếp loại như thế? Chẳng qua, thương dân tình khốn khó nên nước người ra sức giúp đỡ, khuyến khích bằng những quan hệ mậu dịch hàng may mặc, hàng thủy sản, nông sản… để nhân dân VN có công ăn việc làm hầu “xoá đói, giảm nghèo”! Thế nhưng, ai giúp cũng không bằng mình giúp mình. Tư tưởng tiến bộ, không bảo thủ mới hòng theo kịp anh em, cha chú. Nên hiểu rằng “gió chiều nào theo chiều ấy” áp dụng cho cá nhân cũng có hai loại: Loại “xu thời” dành cho kẻ tiểu nhân; loại “thức thời” dành cho người quân tử. Chúng ta đứng trong loại nào để phán xét người khác? Nói về ”lợi lộc”, kẻ hồi hương có quyền lợi tiền bạc gì ghê gớm ngoài một “tư cách công dân VN” rồi cũng của mình, mình ăn “được chăng hay chớ”, nào là của ai?
Người về vì nhớ chốn chôn nhau
Xin bậu kia đừng nói nặng để qua đau lòng.
Té ra, những người không xin trở về là những người “hữu nhãn vô châu” nên nào có thấy một VN ”vươn lên mạnh mẽ”? Về thì cũng… quê một cục mà ở cũng… một cục quê! “Tiến thối lưỡng nan!”. Cái câu ”Hữu xạ tự nhiên hương” sẽ tự cho người ta một kết quả dù có mất bao nhiêu thời gian và tranh luận. Nhân dân mới là người có quyền tha thứ hay kết tội một con người, một chế độ, một triều đại.Người ta thưởng thức chất nhạc quê hương của PD chứ không ai đi thưởng thức lý lịch chống Cộng có hay không có, nặng hay nhẹ của ông ta làm gì! Những câu nhạc hát để giới thiệu nước mắm, xì dầu, bột ngọt, kem phấn, điện thoại, sổ số… vẫn được hoan nghênh, lẽ nào nhạc của PD còn tệ hơn thứ nhạc hầm bà lằng đó?
– 10. Công lao từ bài viết “Không thể tung hô” của NL: Bài phản đối của NL có tác dụng nhiều mặt: Thứ nhất: Hả hê lòng những người ghét PD nói riêng, ghét những ai hồi hương nói chung và không tin tưởng vào “Nghị quyết 36″ (36-NQ/TW) ngày 26/3/2004 của nhà nước VN. Thứ hai: Khẳng định một vị trí vững chắc của nhạc sĩ PD trong nền âm nhạc VN với hàng trăm ý kiến chống lại bài viết NL. Thứ ba: Thông qua bài viết non lý luận, yếu dẫn chứng này, chúng ta đánh giá được phần nào thực chất của nền văn hóa VN đang xuống cấp trầm trọng về hai mặt kiến thức văn hóa và tinh thần văn nhân của giới trí thức. Thứ tư: NL đã nói được “tiếng lòng” cạn cùng của mình một cách “can đảm” mà không cần “mượn gan hùm run nhát khỉ”. Nếu nhạc sĩ này trở thành “trí thức có văn hóa”, hy vọng ông ta sẽ viết những bài nghị luận sắc sảo hơn để “lấy lại những gì đã tự đánh mất”, không phải là đi ca ngược PD, mà viết những đề tài khác cẩn thận, nghiêm túc và vị tha hơn.
Giới trí thức cũng có hai loại: Trí thức có văn hóa và trí thức vô văn hóa. Chúng ta hãy chọn vị trí đứng cho mình khi đi tìm lại những gì ta đã đánh mất trên quê hương.
2. Suy nghĩ:
NL dẫn ra có hai nhạc sĩ, nhà văn không đồng tình quần chúng “tung hô” PD là: NĐT, Tân Huyền và CL. Nhưng nhạc sĩ NL đã quên, sự ủng hộ của nhân dân chỉ là sự gián tiếp đánh giá tác phẩm hay công trình của tác giả chứ chưa phải là Bao Thanh Thiên trực tiếp trong sự đánh giá chất lượng tác phẩm. Bởi lẽ, chẳng có nhạc sĩ nào, nhà thơ, nhà văn nào viết tác phẩm ra chỉ để cho đồng nghiệp thưởng thức và bình luận thấp cao, chống Cộng hay không chống Cộng? Thế mới nói: Tính nhân dân, Tính quần chúng trong văn học, âm nhạc, cả lĩnh vực chính trị, đối nội, đối ngoại cũng… không thể thiếu! Cách chứng minh tốt nhất là nhạc sĩ nào bất bình với PD cứ thử tổ chức một đêm biểu diễn nhạc của mình xem để biết “mèo nào cắn miểu (mỉu) nào”?
NL tuyên bố không coi PD như ”thần tượng” là điều tất nhiên vì không một nhạc sĩ, văn thi sĩ nào coi người mình ghét là thần tượng cả dù người đó có tài giỏi đến đâu. Thế mới mắc vào cái câu cũ rích: ”Trâu buộc ghét trâu ăn”. Bàng Quyên chặt giò Tôn Tẩn. Lý Thông xô Thạch Sanh xuống hang. Thật oan uổng!
NL cho rằng PD đã về trong sự ”tiếp đón nồng hậu của những người từng bị ông chà đạp về tinh thần” là điều mà NL không thể chấp nhận. Đứng về gốc độ nhân bản, những người từng bị PD ”chà đạp về tinh thần” nhưng họ là những người rộng lượng. Còn NL, PD có ”chà đạp” NL không? Nếu không, sao NL không rộng lượng như những người dân? Còn có, nó chứng tỏ NL lại là một người hẹp lượng với đồng bào và khắc khe đến mức không mở rộng vòng tay với đồng nghiệp. Con đường hẹp này rồi ai cũng sẽ đi qua và NL sẽ không là người ngoại lệ.
Từ những sai đúng trong ngày về của PD nói riêng và đồng bào VN ở nước ngoài nói chung, ta có nhận ra một vấn đề gì? Thành kiến hai bên vẫn đối nghịch nhau chan chát hai bờ nước lửa. Tại sao chúng ta không thể “Đại sự hóa tiểu, tiểu sự hóa vô“? Hai bên lấn cấn mãi về quyền lợi cá nhân đến nổi quên mất giặc đã gần nhà, vạ nguy đang tới mà ngày còn mơ tranh, đêm còn mê chấp!
Đến lúc, nhà nước VN cần phải lên tiếng. Nếu không, người ta sẽ nghĩ rằng ”Nhà nước chìa một tay cho người bắt, một tay cầm con dao”. Chuyện ”Trâu buộc ghét trâu ăn” tuy là thế nhưng ”con nói bậy phải cậy cha trả lời”. Hiện tượng người VN ở nước ngoài sống không có sự quản lý nào ngoài việc ”nhập gia tùy tục” vào Mỹ nên họ sống, nghĩ và viết tự do vô tội vạ. Riêng ở VN, một quốc gia có thể chế hẳn hoi, lãnh đạo, quản lý bằng Đảng, Nhà nước và có Hiến pháp, Pháp luật, thế tại sao không có một văn bản nào chỉ thị cho rõ ràng về việc này:
– Người VN ở nước ngoài tự nguyện hồi hương sẽ không bị truy cứu về bất cứ hình thức sỉ nhục nào (người nào không có dĩ vãng?)
– Người trong nước cố tình nhiễu loạn tình đồng bào hồi hương sẽ bị tội gì?
– Quyền lợi bổn phận và trách nhiệm của họ có thực sự bình đẵng như người Việt tại nội không?…
Như vậy, vụ việc bài viết của nhạc sĩ NL, NĐT, CL và sự “phản đòn” của CTVHPN sẽ làm người ta suy ngẫm về một dân tộc với con người cùng nghề, cùng gốc, cùng quê hương mà có hai trận tuyến chống nhau cho đến muôn đời! Trách nhiệm này, ai gánh lấy?
Hồi hương hay không hồi hương? Về VN là về với đồng bào chứ không phải về với một thể chế chính trị nào. Trong lời mở đầu ca khúc “1954 cha bỏ quê. 1975 con bỏ nước”, PD đã viết: “… Con bỏ nhà, bỏ nước ra đi. Điều đó không có nghĩa là con bỏ quê hương, quên dân tộc… Cha yêu quý! Sẽ có một ngày, người Việt nhìn nhau với ánh mắt không còn hận thù. Nhà tù sẽ trở thành trường học dạy lại từ đầu bài học yêu thương… Những bản tình ca vang lên trong bình minh, trong tăm tối, ngày ấy con sẽ về, con sẽ tìm đến mộ cha…” (4u.jcisio.com). Nước VN là của người VN chứ không của một nhóm người nào. “Cáo chết còn quay đầu về núi”. Người ở trong nước không thấy thiếu tình quê hương, nghĩa đồng bào nhưng người Việt ở nước ngoài thì tình cảm thiêng liêng này đã trở thành giấc mơ “Tha hương mộng cố tri”. Không ai không muốn được gởi nhúm xương tàn trên quê cha, đất tổ! Quê hương vẫn là ”chùm khế ngọt” trong lòng mọi người dù cho nó có là khế chua, người ăn cũng biết… chấm muối ớt mà ăn. Có một ngày, biết đâu đấy, mỗi chúng ta tự đánh mất quê hương mình bằng lương tâm cằn cỗi yêu thương, đầy gai nhọn hận thù và ung thư tình nghĩa! Cái gì tạo ra quê hương nếu không có con người. Không có con người, quê hương VN chỉ còn là một chữ S khô cằn gió cát, không lời thơ, không tiếng nhạc, không tình yêu thì tất cả chỉ là vô nghĩa, vô hồn!
PD là người có tiếng tăm thì khổ với tăm tiếng. Người thảo dân trong ngày trở về cũng sẽ phải đương đầu với cái khổ của thảo dân. Yêu trẻ phải biết kính già. Chúng ta cần phải có một thái độ quân tử, công bình. Không đứng trong sự công chính, tiếng nói của chúng ta sẽ mất giá trị. Lý lịch không là cái phao cứu người chết đuối. Muốn khỏi chết đuối trên sông, trên biển, chúng ta phải biết bơi. Đó là tài năng. Tài năng qua chọn lọc của thời gian mà trở nên bất tử. Trước khi trở thành bất tử, nó cũng… ngất ngư. Tài năng cũng sẽ mai một nếu như nó thiếu đi cái “tình”, cái “tâm”, cái “trí” và dư thừa cái “tư”. Khẳng định này cũng đã, đang và sẽ được kiểm chứng trên tất cả mọi lĩnh vực.
Ai có dự định về cũng nên xét lại vì ”người trở về đâu phải ai cũng như ai” như NL đã ”hụ còi” báo động. Chúng ta không hơi đâu mà lo một PD “tóc bạc răng long” đủ sức “quậy sóng” VN. Chúng ta chẳng “dư cơm thừa cháo” nghĩ đến “một mặt hai lòng” của “Nghị quyết 36”. Về hay không tự mình quyết định lấy. Điều mà chúng ta lo sợ nhất là đội ngũ trí thức VN đã thiếu kiến thức cơ bản văn hóa mà lại còn đánh mất tư tưởng nhân văn “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” của cha ông. Những kẻ này, nếu đã, đang và sẽ nắm quyền sinh sát trong tay, đất nước VN tương lai chỉ còn là miếng thị tươi trong mắt cọp, beo và cá sấu. Một đất nước vươn lên phải biết trọng nhân tài. Nhân tài không nằm trong sự tuyển lựa tối ưu của lý lịch. PD là một điển hình. Phạm Tuấn Quang (w đd) trăn trở: “Không biết bao giờ nhạc Phạm Duy được chính thức lưu hành và tự do bàn cãi tại Việt Nam. Nhưng một ngày qua mà chưa được hát, chưa được bàn, là thêm một mất mát cho nền âm nhạc Việt Nam, vốn dĩ chưa có gì phong phú” (tuanpham.org).
Thiết tưởng, đó cũng là điều trăn trở của PD và của những ai yêu thích nhạc ông. PD và TCS là hai nhạc sĩ xuất sắc bậc nhất mà ngành âm nhạc VN không thể nào gạch tên. Điều đó lý giải tại sao trải qua bao sóng gió mà những nốt nhạc của họ không bao giờ chết trong lòng người Việt yêu quê hương. Không có những dòng “nhạc vàng” và “nhạc tiền chiến”, nền âm nhạc VN vẫn như con người có đủ 3 phần đầu mình và chân tay nhưng mất hết “xương sống”. Tất cả hãy chờ ”Hữu xạ tư nhiên hương” . Chính nó sẽ đánh bạt tiếng sét của thiên lôi. Sét đánh không bao giờ đánh thẳng. Đó là cái nguy hiểm nhất cho những ai muốn đứng thẳng mà ”hát cho dân tôi nghe”./.
Tháng 3/22/06
Ngọc Thiên Hoa
TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:
1. “Không thể tung hô” – Nguyễn Lưu (”Báo Đầu Tư” – thanhnien.com.vn).
2. “Văn bản của Công ty Văn hóa Phương Nam” – Nguyễn Thị Lệ (Công ty Văn hoá Phương Nam – thanhnien.com.vn).
3. “Phạm Duy và lịch sử Việt Nam”- Eric Henry (Phổ Tịnh dịch – talaswas.org, dactrung.net).
4.“Tiểu sử Phạm Duy” (vhvn.com).
5. “Hồi ký Phạm Duy” (dactrung.net)
6. “Phạm Duy” (vi.wikipedia.org).
7. “Nghệ thuật phổ nhạc của Phạm Duy“, “Ngày Trở Về của Phạm Duy trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam”– Phạm Quang Tuấn (tuanpham.org).
8. Một số web có bài viết và nhạc trích dẫn: 4u.jcisio.com, thanglong.ece.jhu.edu, phamduy2000.com, dantoc.net, vi.wikipedia.org, blogtimnhanh.com, vietforum.org, khoahoc.com, thuongviet.knowledge.base, giaidieu.net, bbc.co.uk, music.yeucahat.com,laodong.com.vn, nhacso.net, angelfire.com…
Xin chân thành cám ơn.