PHÊ BÌNH

TÍNH GIÁO DỤC THÔNG QUA LĂNG KÍNH HIỆN THỰC

Tác phẩm là một công trình của cá nhân, tập thể bằng khả năng lao động trí tuệ và tay chân. Một tác phẩm bao giờ cũng được đánh giá từ hai mặt: Giá trị thẩm mỹ và giá trị nội dung.

* Giá trị thẩm mỹ bao gồm: …

– Cách sử dụng từ ngữ, câu chữ để xây dựng hình ảnh, hình tượng nhân vật. Từ ngữ tạo thành câu văn, thơ có đầy đủ chủ – vị hoặc câu đặc biệt tùy theo nét đặc trưng từng loại thể.

– Cách vật dụng các biện pháp tu từ căn bản: Nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, phóng đại… với những cách dùng dấu câu: Chấm, tách, ba chấm, chấm lửng… và ý nghĩa riêng mỗi cách sử dụng.

Giá trị thẩm mỹ phục vụ cho mục đích nào trong các ngành văn học nghệ thuật? (văn học, sân khấu, điện ảnh, kịch nghệ, hội họa, âm nhạc, điêu khắc…). Câu trả lời chính là nội dung.

* Giá trị nội dung bao gồm:

– Xác định tác phẩm viết cho ai đọc? Mục đích? Lợi ích gì? Tác dụng tốt, xấu ra sao? Nội dung tác phẩm hiện thực phải bắt buộc lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống. Hiện thực cuộc sống có ba cấp độ: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó, sự vật, sự việc, con người sinh sống, đấu tranh để sinh tồn đưa xã hội tiến lên văn minh hay đẩy lùi lịch sử về nguyên thuỷ. Hiện thực là mảnh đất màu mỡ, phong phú cho tác phẩm thể hiện điểm mạnh của phần ngành riêng mình. Xã hội tiến lên hay thụt lùi hoặc dậm chân tại chỗ đó chính là thước đo giá trị tác phẩm gói gọn trong ba từ: ”Tính giáo dục”. Tính giáo dục của một tác phẩm thông qua lăng kính hiện thực có tác dụng làm cho con người sống tốt hơn hay trở nên tồi tệ.

– Con người sống tốt hơn nếu tác phẩm đưa người thưởng thức đến kết thúc có ý nghĩa dù là kết thúc có hậu hay không có?

– Con người sống tồi tệ hơn khi tác phẩm đưa người ác cảm về một xã hội đã thành vết đen không thể xóa được.

Tác phẩm có giá trị chỉ khi nào gấp sách lại, người ta dù nhắm mắt cũng có thể mở ”mắt lòng” nhìn về con người theo chiều hướng đi lên đầy tính nhân bản. Tính giáo dục của một tác phẩm là ở chỗ nó dám nêu lên hiện thực ở cả mức độ phóng đại. Nhìn vào nó, ta có thể thấy rõ những điều tốt đẹp mình cần theo và nên tránh xa những gì nên xa lánh. Tính giáo dục của một tác phẩm thông qua lăng kính hiện thực được thể hiện như sau:

1. Một tác phẩm toàn bạo lực, súng đạn, giết người, thủ đoạn… sẽ đưa con người vào tội ác.

2. Một tác phẩm chỉ phản ảnh một chiều xấu của xã hội với những bất công, tham nhũng, xấu xa… sẽ dẫn con người đi đến mất lòng tin vào cuộc sống, buông xuôi số phận.

3. Một tác phẩm ca ngợi một chiều tốt, thổi phồng sự kiện, che lấp cái xấu cần xoá bỏ sẽ làm người ta nghi ngờ về cái tốt, ảo tưởng thần thánh vào xã hội.

4. Một tác phẩm chỉ chê bai thậm tệ, chỉ trích nặng nề, đổ sông, đổ biển công sức lao động… chỉ gây lòng thù hận, đố kỵ cá nhân, chia rẽ dân tộc.

5. Một tác phẩm coi nặng kỹ thuật ”lột áo” sẽ khơi lên dục vọng yếu hèn, không kiềm chế được sẽ làm mất đi giá trị đạo đức con người.

Bản thân mỗi tác phẩm là một công trình lao động, chúng ta nên giữ cho nó có một giá trị nhất định với nội dung: Phản ánh hiện thực hai chiều tốt, xấu với thái độ xây dựng cho cái xấu bớt đi thì cái mới mới có điều kiện đâm chồi, nẩy lộc vì không có một xã hội, thời đại, chế độ, giai cấp nào với các thời hưng thịnh hay suy vong hoàn hảo.

Một tác giả có tầm cỡ là một tác giả có tầm nhìn nhân bản, lấy mục đích giáo dục lớp trẻ làm hàng đầu, không chạy theo xu thế thời đại. Một tác phẩm được nhiều người mua, người đọc chưa hẳn là một tác phẩm có giá trị chuẩn mực đạo đức. Những tác phẩm bị cấm đôi khi chưa hẳn bị ” trù dập” mà vì nằm trong năm biểu hiện đáng tiếc kia.

Tác giả trang bị cho mình tầm nhìn hẹp hòi, ý tưởng sa đọa ở mọi lĩnh vực nào cũng đều đẫn đến kết quả hư hỏng tác phẩm ở tính giáo dục. Tư tưởng tác giả như thế nào sẽ sinh ra tác phẩm ấy. Thời đại giáo dục như thế nào thì đào tạo ra con người thế ấy.

Riêng văn viết, nếu cứ tiếp tục thẩy vào môi trường giáo dục những điên cuồng mộng tưởng, đấu đá cá nhân, dục vọng thấp hèn, ăn chơi sa đọa, coi thường quá khứ, phỉ nhổ hiện tại, nhạo báng tương lai, đẩy lùi lịch sử… thì vài chục năm nữa, thế hệ đi sau cũng nối bước cha anh ghi ”chiến công hiển hách” với mẫu người thế kỷ chừng ấy tiêu chuẩn, cao cấp thực hành. Khi ấy, chẳng những ”tham nhũng” không bị đẩy lùi mà ”bất công” càng sinh sôi, đường vào tội lỗi mở ngõ… Hiện thực xã hội bây giờ nếu là: Tham nhũng, bất công, sa đọa… thì tác giả cứ xoáy vào mà viết nhưng đừng bắt nhân vật mình ”nghèo” đến nổi không có mảnh vải che thân!

Thẩm định giá trị một tác phẩm không chỉ riêng ở quyền của một tập thể hội đồng Giáo sư, Tiến sĩ với chức vị hẳn hòi có đầy đủ kiến thức cũng như khả năng đánh giá bằng trình độ chuyên môn mà còn ở người đọc với trái tim cũng phải đứng trên lập trường nhân bản, yêu thương đân tộc chứ không phải chỉ nghe ngóng dư luận. Dư luận nhiều khi chỉ để tham khảo chứ không nhất thiết phải đem hết vào đánh giá. Chê, khen cũng có nhiều cái gọi là xu theo thời thế: “Ta sao người vậy khen bậy đỡ buồn!” Nhân dân chính là những người thẩm định tác phẩm nhanh nhất vì họ chẳng có gì để mất nếu chê thẳng thừng hay khen quá mức.

Đánh giá tác phẩm là đánh giá theo hai mặt: Giá trị thẩm mỹ và giá trị nội dung chứ không phải đánh giá theo tác giả là người nổi tiếng hay dân thường kiểu ”nhìn mặt đặt tên”.

Bài viết này cũng là một tác phẩm đi theo giá trị hai mặt trên. Người viết không hề chỉ trích một tác giả, một tác phẩm nào. Người viết bài này cũng chỉ làm một công việc: Nêu chứ không vạch. Lấp chứ không đào. Mặc áo chứ không cởi. Coi trọng công trình chứ không phủ nhận. Thấy đúng thì theo, thấy sai thì tránh. Ngòi bút nào cũng cần lương tâm, cần gì chờ ai ra lệnh hay dỗ ngọt mà viết theo đơn đặt hàng? Không nói được thì ”viết” là sự tự do cuối cùng của ”ngôn ngữ nói”. Làm gì thì làm, mỗi tác phẩm trước khi ra đời, ta cần thận trọng coi thử nó đã có ít nhiều ”Tính giáo dục thông qua lăng kính hiện thực” được sàn lọc hay chưa? Người cám ơn không phải là lớp người bước vào đoạn cuối cuộc đời mà chính là lớp trẻ đang và sẽ ra đời học được nhiều điều tốt đẹp từ những tác phẩm của thế hệ cha mẹ, ông bà.

Mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó nhưng nhìn chiếc lá xanh mơn mởn trên cây trong mây hồng, nắng ấm, người ta thấy yêu đời hơn nỗi buồn lá rụng trong mây đen và mưa buồn cứ rơi hoài. Tính giáo dục của một tác phẩm cùng hiện hữu với cuộc đời hiện thực qua bốn mùa như thế nên chúng ta đừng bao giờ làm chết hoặc để nó cô đơn./.

Tháng 11/30/05
Ngọc Thiên Hoa
(“Nhìn lại bến bờ 1”, Nxb Hội nhà văn – 2008)

Related Articles

Back to top button