PHÊ BÌNH

CÁ QUẪY CHO NHIỀU, CÔ ĐƠN CHẾT, CÁ ƠI !

(Kiếp thân nào cũng vẫn có khắc tinh )

Có một bài thơ bốn câu, bảy chữ trên giaodiem.com: ”Đêm nghe cá quẫy”:

Đâu phải chỉ mình anh mất ngủ
Cá kia vật vã suốt đêm dài.
Đáy sâu trăng rụng hay sông chật
Quẫy nát đêm rồi cá ngóng ai?

Đó là bài thơ không năm tháng của Trần Mạnh Hảo (TMH) làm người viết khó biết thời điểm để đi đúng đường: “Thời đại, con người và thi phẩm” khi nghiền ngẫm… thì đành diễn theo ”con thuyền không bến” thôi!

Từ nhà thơ Pháp: Lafôngten (LaFontaine) nổi tiếng bằng thể loại ngụ ngôn (Fables) với những con: Chồn, Cáo, Gà, Ve, Kiến đến nhà thơ Việt Nam: Hoàng Cầm hoá thân của chim cu, bê vàng, chào mào, cào cào, phù du; qua Tô Hoài với dế mèn, bọ ngựa rồi sang hải ngoại có Duyên Anh với con ngựa bị thương cùng Du Tử Lê là châu chấu… thì văn học toàn thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng đã mang thêm sắc thái ”ngụ ngôn” – tiếng kêu của những tâm hồn mắc oan khiên hay bạo mộng. Thế nhưng tất cả những con vật được chọn đưa vào tác phẩm trên, hầu hết là loài ”kỵ thuỷ”, chỉ có TMH là ”can đảm” lao mình vào nước bằng kiếp thân… cá!

I. Điểm luận:

1. Ngẫm nghĩ:

Trần Mạnh Hảo cầm tinh ”Kim Ngưu” (con trâu vàng theo năm tháng trên sách dùng trong nhà trường), mạng ”Tích lịch hoả” (Lửa sấm sét). Chao ôi! Xem tử vi thì phải nhờ đến chiêm tinh gia Đỗ Minh Tuấn mới được kiết tường. Hảo chọn con cá – loài sống dưới nước, kỵ bờ – làm hoá thân thì đúng là ”khắc tinh” với mạng ”hỏa” của mình. Có lẽ, điện từ khác dấu (thủy hỏa) thì hút nhau nhưng đây lại đẩy nhau, xô dập mãi, thành ra:

Đâu phải chỉ mình anh mất ngủ
Cá kia vật vã suốt đêm dài .

”Mất ngủ” của ”anh” có nên đưa về phía ”Không ngủ được” của Hồ Chí Minh vì ”trằn trọc, bâng khuâng giấc chẳng lành” chưa tìm ra đường đi cứu nước? Vì lẽ gì mà ”mất ngủ” ngoài bệnh tật? Chỉ còn: Buồn mình, buồn tình, buồn thời cuộc hay buồn chinh chiến chuyện Đông, Tây?

Chủ thể ”anh” là Hảo hay Hảo là ”anh”? Ta chỉ là người đọc thơ, nghiền ngẫm, nghĩ ngợi theo ý riêng của mình dù ý ta chưa chắc như ý Hảo nhưng đâu có luật nào bắt người phải hiểu theo ý tác giả. Trên luật lệ tự do này, ta cũng chẳng lôi người đọc khác hùa theo ý riêng ta. Cho nên, sau khi đọc thơ, xem văn để biết ”hồn người”, người viết chọn ”kiếp cá” cho Hảo.

Con cá Hảo này lại đang ”vật vã suốt đêm dài” như cùng ”anh” đồng chứng bệnh ”mất ngủ” mà thật ra, ”anh” cũng chỉ là ”cá” đó thôi! Động từ ”vật vã” của con cá dưới nước có xa gì mấy với ”quằn quại” của những loài ”kỵ thuỷ”? Thương tâm lắm! Nhưng ”anh mất ngủ” (con người có thuộc tính ngủ đêm) chẳng dính líu gì đến con cá kia bởi nó đâu có ”mất ngủ” như ”anh”: Cá kia thức ngủ nào ai biết. Đêm ngày mãi miết lượn lờ bơi … Xem ra, hai câu so sánh ngầm trên khập khễnh mất rồi!

Thường, trong loại thể bốn câu chữ, hai câu đầu chỉ là câu mở cho một ý. Hai câu cuối là câu kết mới quan trọng. Thành ra, người viết dời hai câu cuối qua phần khác.

2. Suy luận:

Đáy sông trăng rụng hay sông chật
Quẫy nát đêm rồi cá ngóng ai?

Xem ra có hai lý do để ”cá kia vật vã” là: ”Trăng rụng, sông chật ”. Trăng làm sao mà rụng được đây? Ảo giác lăng kính lung linh qua”Nguyệt cầm” của Xuân Diệu soi vào đây để hứng lấy mảnh trăng rụng xuống tận đáy sông của Hảo chắc ngoạn mục biết chừng nào!

Ôi chao! Biết bao giờ trăng kia mới rụng cũng như ”trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”. Sự đánh giá, phỏng đoán cho mọi việc trên đời đều do con người ảo thuật, phù phép, biến hoá mà ra cả thôi! Hay, dở; đúng, sai; chật, hẹp; xấu, tốt… từ ngàn xưa tới nay không phải qua bàn tay khéo léo (lật lên, lật xuống) và bộ óc tuyệt diệu của con người (đổi trắng thay đen) là gì? Tất cả những ”tuyệt xảo” này được TMH đưa hết vào thơ văn của mình với một sức hút của cái gọi là ”thần giao cách cảm” (xa mấy cũng hay, sâu mấy cũng biết).

Trong câu thơ trên, bức tranh thiệt huyền ảo: Sông sâu. Trăng sáng (nếu trăng mờ, ai thấy được sông sâu?) chói rọi vì có tới hai anh chị trăng: Kẻ đắm đuối nhìn xuống. Người ngây ngất nhìn lên. Nếu chỉ là như thế thì thế giới này vì tình yêu mà hoà bình hết. ”Anh” qủa có tầm mắt của ”tia hồng ngoại” nếu nói hơi quá, còn xà thấp hơn, tầm mắt ”anh” như thế thì đến loài có nhỡn quang nhìn xa như cú mèo, diều hâu cũng bái dài. Cảm giác bực bội vì sự ”chật chội” từ ”anh” đã cách cảm cho con cá bực dọc dòng sông để ”anh” có thể nghe được cái ”quẫy đuôi” của nó. Thính tai quá trời, quá đất luôn! Suy ra, tai mèo dùng để rình bắt chuột giữa đêm còn thua xa. ”Nghe tiếng cá quẫy”, tâm ”anh” động thấu nỗi niềm riêng của cá. Cá mới quẫy mà ”anh” đã nhận thức được nếu tiếp tục ”quẫy nát” đêm thì chả còn ai để khoe đuôi quẫy. Đấy là ”trí’. Trí tĩnh đến độ chưa kết thúc trận đã dư biết mình là kẻ thắng trận. Thiệt đúng là: ”Tri bỉ, tri kỷ ” chẳng bằng ”tri tâm”. Thắng rồi thì một chữ ”nhân” thả vào bóng đêm ”ngóng ai” ai ngóng bây giờ còn ai? Một chấm hỏi đậm đà sắc thái tu từ ”đắc đạo” của ”Độc cô cầu bại” sau khi ”bất bại’. Tuyệt vời! Tuyệt vời hơn ”Tiếng thở” của Thủy Lâm Synh cũng trong một đêm hổng biết ăn trúng cái giống gì mà cũng mất ngủ, mới bèn:

Choàng trăng đi dạo một hồi
Vài dòng thơ rụng chợt rơi xuống hồ .

Anh chàng bắt chước Lý Bạch choàng trăng đi dạo này (chứ không vác trăng rao bán như Hàn Mặc Tử) là con nhà quan sau 1975 đã bỏ ”đồ đao”, cầm bút ”nam mô” nên hình ảnh thơ ”romentích” đi cùng từ ngữ, câu chữ thân thiện làm sao, thua xa với anh nhà lính TMH đầy khí phách của người hùng lăm lăm cây cung… xạ tiễn! Nhưng “thơ rụng” cho đời giọt nắng. ”Trăng rụng” cho đời giọt mưa. Hai cái ”rụng” đều có ích cho con người nếu chúng không bị sài phí quá độ gây hạn hán hay bão lụt.

Tiếc thay, con cá kia không được học hành đến nơi, đến chốn nên nào có biết ”cân, đo, đong, đếm” gì mà biết sông chật, rộng? Cá không biết nói nên ”anh” nói. Cá chả biết gì nên ngu si. ”Anh” bèn nghĩ dùm cho cá .”Anh mất ngủ” nên nghĩ cá cũng mất ngủ nhưng con cá đâu nghĩ như vậy. ”Anh” tâm động sinh trí động. Con cá vô tội kia đã bị kẻ không ngủ được kéo lên bờ (cấm kỵ). Cá bị lôi lên bờ mới ”vật vã” đòi quyền sống chứ cá dưới nước, cá lội nhỡn nhơ. Thế nhưng ”quyền sống” của ”cá” cũng là của ”anh” đó thôi! ”Anh” muốn rời bỏ môi trường hiện có của ”anh” để ”quẫy” mình nhưng lìa khỏi cội rễ, cội nguồn, cố tránh xa môi trường sinh thái, liệu ”cá – anh” có thích hợp để ”vẫy vùng” chớ không ”vật vã”, quằn quại?

Chao! Con hổ của Thế Lữ chỉ… gầm trong… củi sắt. Con chim của T.T Kh giả cũng… hót trong lồng… tù! Nhưng người ta chỉ nói về thân phận bị giam hãm, trói buộc ”như cá trong chậu, như chim trong lồng” chứ chẳng nghe ai bàn về thân cá trong sông. Trời ơi! Cá nước, chim trời, người trần gian là đúng môi trường tự nhiên còn gì! Mà con cá lại chả phải ”cá chậu” mới lý tưởng làm sao! Oan ức gì mà ”quẫy” mà quậy cho sóng tụ, nước dồn? Chắc con cá Hảo muốn làm ”Tôn ngộ Không đại chiến thủy cung?”.

Con người nghĩ cho con vật. Con vật là hóa thân con người. Anh em bà con họ hàng hết trọi. Giả thuyết thứ nhất cho con cá mất ngủ vì”trăng rụng” gieo tiếng động phá giấc ngủ chỉ là ảo tưởng, loại bỏ.

Giả thuyết hai là ”sông chật” làm con cá bực mình, bực mảy. Không ai biết con cá kia lớn bao nhiêu mà chê ”sông chật”. Hóa ra, con cá kia chả chịu lượng sức mình. Cá trong bình, cá chê bình nhỏ. Cá trong hồ, cá ngó ra sông. Cá giữa sông, cá mong ra biển. Cá to sông lại hoá nhỏ giữa dòng đại dương. Cá lớn sẽ nuốt con cá bé theo luật tồn sinh. Thêm nữa, cá nước ngọt thì ở sông. Cá nước mặn mới ở biển. Có điên mới tự tìm cái tự chết vì lạc dòng mặn ngọt. Có chết cũng nên chọn cái chết vinh như loài phù du lao mình vào lửa. Đi ngược lẽ thường, ta nghĩ chỉ có gan như cá Hảo mà thôi!

Sau khi ”vật vã”, cá sông kia kiểm điểm thành tích: “Quẫy nát đêm rồi cá ngóng ai?”.

Động từ gợi hình mạnh mẽ ”quẫy”, TMH dùng ”chuẩn” lắm vì nói lên mức chính xác ngôn ngữ dùng cho thuộc tính của loài sống dưới nước. Động từ này thêm tính từ chỉ mức độ ”nát” cũng ”phong độ” không kém tạo thành ”quẫy nát” nữa thì… tiêu mất đêm trăng! Uổng quá! Sức ”quẫy” của con cá này dữ dội làm tung nước tận trời gây mưa mù, mây đen kéo lại. Kinh khiếp! Con cá này ném vào cá Kình biển Đông mất rồi! Hèn nào nó dám chê sông chật. Bản lĩnh lắm. Có chí khí. Cá biết ”ngóng ai” sau trận ”đại hồng thủy” trên? Tất cả… uống nước đầy bụng, tắt thở chẳng còn một mống. Con cá này đích thực cá kiếm ”nhân ngư” nhưng chẳng biết ”mỹ nhân ngư” hay ”đực nhân ngư” đang ngóng bạn tri kỷ hay ngóng tình tri âm hoặc ngóng chờ vài kiếm khách để ”thử” tay nghề?

3. Thẩm luận:

Một gã đàn ông cả đêm mất ngủ, hình dung ra có một con cá cũng thức trắng mắt vì ”trăng rụng” đánh động, vì ”sông chật” chẳng bơi lội gì được cho thỏa thích. Cuối cùng, cuồng điên ”vật vã”, ”quẫy nát” đêm trăng nhưng lại sợ nỗi cô đơn khi không còn ai ”so tài cao thấp” hay không còn ai ”đồng sàng đồng mộng” hoặc không còn ai ”cùng hội cùng thuyền”.

Ví von, so sánh ngầm, ngụ ngôn, triết lý quả cao tay nghề vậy mà người viết bài này dám kết luận TMH đã để con cá kia cao ngạo, chẳng thức thời và hơi… ác đó. Hóa thân TMH tự làm khổ mình. Đâu có ai ”dao kề tận cổ, súng dí gần tai” mà bắt chàng ”vật vã”? Con đường hoạn lộ của Hảo rất vinh quang, xênh xang áo mão, bao kẻ chống lưng, bút kiếm sừng sững sao còn tự mình ví mình là con cá lớn mới chê ”sông chật”, sông hẹp, đòi ”quẫy nát” đất trời, gây nên sóng gió? Ta nghĩ chàng chắc là Thuỷ Tinh hóa thân thì đúng hơn. Nhưng công chúa Mỵ nương đã thuộc về Sơn Tinh thì đánh nghìn năm Sơn Tinh kia cũng thắng. Thắng bằng bạo lực làm sao đoạt được tim nàng? Tiết Nhân Quý đã chinh Đông thì hãy để cho Tiết Đinh San chinh Tây.

”Thơ phản thơ” đã ”tả xông, hữu đột”. Một cú ”quẫy đuôi” của con cá Hảo đã khiến ”Bóng chữ” của Lê Đạt thành ra ”bóng xế”, đã làm”99 tình khúc” của Hoàng Cầm biến ra ”tình khúc buồn”. Một cái ”quẫy đuôi” nữa knock out ”Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn khỏi vòng chung kết. Trận đấu không trọng tài thổi còi vẫn tiếp diễn giữa cá Kình Hảo oai phong lẫm liệt đã, đang và sẽ với Đỗ Minh Tuấn, Hoài Trân, Phan Huy Dung, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Đình Chú… tấn công vào sách giáo khoa và trên mọi phương diện văn hoá, văn nghệ. Thử hỏi ngần ấy đánh đấm ”tả xông, hữu đột” quyết ”chặt đuôi khỉ” thề diệt ”bạch cốt tinh”, Hảo không được coi như Thường Sơn Triệu Tử Long liều thân cá sống chết bảo vệ ấu chúa họ Lưu sao được? Ngưỡng mộ quá đi thôi! Nhưng ”vận khứ anh hùng ẩm hận đa” của Đặng Dung có thể nào Hảo không biết đến vì nó ứng vào tất cả kiếp người và không chừa một ai dẫu đang trên lưng hay ngã ngựa.

Oai phong gì cũng chỉ là con cá giữa lòng sông chật. Đối phương ngã ngựa rồi thì cuộc chơi mất vui! Muốn dông thẳng ra biển để mặc sức tung hoành, để ”quẫy” sóng thì chẳng những ”nát đêm trăng” (trăng nào của riêng ai) mà còn ”nát ” cả càn khôn. Chao ôi! Mộng tưởng lớn lao. Khát khao quá bạo. Con cá kia từ cá chép sẽ hóa rồng bay lên hay thành cá mập lênh đênh chờ đồng loại sa cơ… táp phập! Thế mới luận rằng: Thắng liên hoàn thì cũng có lúc ”thúc thủ”mà thôi!

ll. Kết:

”Đêm nghe cá quẫy” của Trần Mạnh Hảo chỉ bốn câu mà có giá trị đưa người vào ”giấc mộng cây Hoè” của Trương Sinh. Bức tranh ”thuỷ hỏa trên bờ, dưới nước”: Người ”mất ngủ”. Cá ”vật vã” với ý tưởng ”quẫy nát” đất trời còn chưa kết thúc. May thay cá quậy, cá quẫy ai chỉ mới là dấu hỏi của một bài thơ ngụ ngôn.

Người viết xin phép chư vị anh hùng lấy bốn câu cuối bài thơ ”Tại ngục vịnh thiền” (Ve sầu trong ngục) của một trong ”Tứ kiệt” thời Sơ Đường là Lạc Tân Vương để tặng cho nhà thơ, nhà phê bình TMH:

Lộ trọng phi nan tiếng,
Phong đa hưởng dị trầm .
Vô nhân tín cao khiết ,
Thùy vi biểu dư tâm .

(Sương nặng bay không nổi. Gió to giọng dễ nhòa. Thanh cao không kẻ biết. Ai ngõ lòng giúp ta?)

Thính giác sinh tâm cảm. Tâm cảm sinh tâm bút. Bài thơ ra đời trong khí phách nhưng người đọc có nhận ra hay không nhận ra thì ngôn từ chẳng thể ép uổng. Người đời thường cười: ”Nai dạt móng thì chó cũng le lưỡi”. Ta chỉ mong TMH với những hóa thân như trong thơ của TMH (là cuội, là bùn, là sen, là đàn, là lá vàng, là cò, là ốc, là sáo, là củi, là hoa …) sẽ biết tránh con đường ”chim lồng, cá chậu”. Vì nếu:

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Con cá TMH đang quẫy giữa sông tự do, tự tại thì ham muốn ra biển làm gì quẫy mạnh tạo thiên tai. Tsumani phủ đầu nhân loại quá nhiều. Bức tranh ”cá quẫy đuôi” thôi hãy chấm phá vài nét để con cá chép kia hóa rồng bay đi mà cùng bạn bè ”song kiếm hợp bích”.Bà Triệu từng muốn cỡi cá Kình đạp luồng sóng dữ đuổi Lục Dận đó mà.

Ta lo lắng một ngày nào đó nếu cá kia chưa kịp hóa rồng thì… có một người là Du Tử Lê trong ”Khúc Thụy Du”, là Vntvnd với ”Mảnh trăng thề tri kỷ đã cùng soi ”:

Đêm mơ thấy mình thành chim bói cá
Dạo kiếm ăn khắp kênh lạch, ao tù .

Con chim bói cá kiếm ăn, “Anh ” có còn ”Đêm nghe cá quẫy đuôi”? Kiếp thân nào cũng vẫn có khắc tinh. Quẫy cho nhiều, cô đơn chết, cá ơi!

Tháng 09/15/05
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button