TRUYỆN NGẮN

NHỮNG DẤU CHẤM TRONG ĐỜI

Truyện ngắn Những dấu chấm trong đờiLàm có đồng nào, nó lo gởi hết về cho vợ. Con vợ ở Việt Nam chẳng biết nó ăn cái giống gì cứ một tháng, nó ngốn của anh chàng chồng hai ba ngàn đô mà kêu không đủ.

– Dậy làm cha nội. Mắc mớ gì vợ bên này không lấy lại háo của lạ mấy con yêu nữ ở bên nhà, hử?

Thằng cha nội dậy đâu có nổi. Nó ngáp ngáp như sắp lên đồng bóng mấy cái nữa rồi lăn qua, lăn lại mới chịu xỏ đôi chân gớm chết vào đôi giày năm đô la. Tiết kiệm như rứa mà còn… xảy!

– Chuyện gì nữa đây?

– Không gì! Tao thấy mày… ngu quá nên dòm cho kỹ chút thôi. Dập đinh coi chừng dập tay luôn. Con chủ nó thấy, nó… đá!

– Xuỳ!

Cả hai ngồi vào ca. Chuyện ngày hôm qua tạm gát lại. Bên hông nó, mấy bà già chép miệng: ”Nhớ nhà quá đi!”. Nó lầm bầm: ”Nhà bán mấy trăm cây ăn mất còn nói nhớ, khéo!”. Con gái nghe được, nó xửng cồ:

– Đồ lẻo mép.

Thằng lẻo mép sụp mí mắt. Nó cố lấy đồng lương một nghìn rưỡi đô một tháng cộng luôn giờ ”over time” để nhử cho hai con mắt nhướng to chút tí nhưng chẳng thể nào. Cái búa dập đinh rớp xuống đất nghe cái ”bộp” thay vì tiếng ”xẻng, xẻng”. Nghĩa là cái chân nó lãnh đủ một cục u bầm như trái mồng tơi ngày mai.

– Cho chừa cái tội ham kiếm vợ trẻ.

Nó ngủ trong ruột đến hết cách chữa. Chiều nay, tan ca, nó phải đi làm ”part time” ở cái tiệm Nail người Việt. Muốn vợ trẻ thì phải thế. Tiệm Nail không bóng một con khách. Nó ế nhề sau ngày lễ Độc Lập 4/7. Lũ thợ không việc nên kháo đủ thứ chuyện trên đời. Con nhỏ nọ trốn ra sau tiệm gọi điện thoại về Việt Nam. Không biết người bên đầu dây nói tiếng ngoại ngữ gì mà con nhỏ cứ lắc đầu, gật đầu liên tục. Chắc nó điên! Hàng bưu phẩm từ Việt Nam gởi qua. Con nhỏ nhận sau khi ký. Mặt nó chẳng khác nào em bé được quà. Quái lạ!

– Cho ăn ké cái coi!

– Không ăn được.

– !!?

– Thứ gì trỏng, mở coi!

– Không mở mà.

– Thì mở thử. Kẹo kéo!

Nhỏ kẹo kéo nhất định không mở. Nó ôm về nhà tự một mình lén chồng trốn vào cầu tiêu để… thưởng thức. Khi lớp vỏ giấy dày được bóc ra: Con nhỏ như… trời trồng. Một mảnh giấy rớt xuống mà con nhỏ chẳng thấy gì hết. Hai con mắt nó ướt như con mèo bị nhận nước. Giống như con mắt thằng ham vợ trẻ, con mắt con nhỏ cũng… cụp xuống. Nó cho hết những thứ vào thùng rác như thủ tiêu một bằng chứng gì chả biết. Đêm đó, nằm bên thằng chồng, con nhỏ câm như hến. Thằng chồng cũng im như thóc. Chẳng hiểu cả hai nghĩ gì, làm gì nữa. Hai đứa bé bị bỏ đói. Chúng cũng cóc có kêu đói bụng. Hình như chúng đã quen những lần phải nhịn cơm tối như thế nên tự mò vào tủ lạnh kiếm cái gì nhét vô bao tử là xong. Mẹ kiếp! Đêm nay sao dài thế hông biết. Những ngôi sao trên trời đang ngã sấp, ngã ngửa như chúng nó bây giờ.

*

Trong cái quán ca phê ”Không tên” có một đôi trai gái đang ôm cứng.

– Chờ em chút, em có điện thoại.

Cô gái với bản mặt hát bội mở chiếc di động cáu cạnh thấy mà ham: Loại PanTech cứng cưng đầy đủ chức năng quay phim, chụp ảnh như máy kỹ thuật số.

– Alô! Hổng chịu. Hổng chịu đâu. Ừa. Drậy mới…yêu!

Thằng bé đánh giày nãy giờ tò mò rình coi hai người lại rình nghe luôn. Nó bỉu cặp môi Châu Phi: ”Không biết con mẹ này yêu đến mấy người!”.

Anh con trai thờ ơ với thời cuộc bằng điếu thuốc lá ba số mới được con nhỏ trao cho. Anh con trai vừa phì phèo, vừa dán mắt vào hàng chữ:”Smoking causes lung cancer” trên hộp dài: ”Bà mẹ! Hộp thuốc của Nhật đẹp dễ sợ”.

– Xong chưa em?

– Xuỵt. Một chút nữa. Vòi thêm vài trăm.

– Vừa vừa thôi đấy!

– Biết rồi. Dà, em nói với mấy thằng bồi bàn ấy mà.

Không thấy anh con trai ”xửng cồ” lên khi nghe hai từ ”bồi bàn”, cô gái cười tí toét, hai lòng rồi cúp.

– Đi!

– Ghé vào tiệm thuốc tây trước đã.

– Chi vậy?

– Ngu quá! Ngừa!

Bà bán thuốc tây quay lại trả lời một anh xe thồ khi anh này hỏi: ”Thuốc gì bán đắc nhứt, bác?”:

– Thuốc bán đắc nhứt là thuốc… ngừa thai nhưng sao tui cứ thấy tội nghiệp.

Bà nói như chỉ cho chính mình nghe: ”Uống nhiều vào rồi teo luôn buồng trứng lấy gì sinh con đây hổng biết!”. Nhưng có đứa nào muốn biết những chuyện sau lưng làm gì cho mất hứng. Và ”thiên/ trời, địa/ đất, cửu/ thất, tồn/còn, tôn/ con, tử, cháu” gì cũng được cái lũ nhóc mới nức mắt hay những ông già hết xí quách cho… lên gường! Thằng bé đánh giày thở dài:

– Diện thế mà giày không chịu đánh cho bóng!

*

Bà chị chồng không thèm nói một lời an ủi khi con em dâu đầu bù, tóc rối ứ ư, thút thít. Chị ta còn quạt thêm bằng cái giọng chua lét:

– Tao đã nói với mày là nó đã biết mày còn lẹo tẹo với thằng chồng cũ của mày khi mày gạt nó gởi một lúc mười lăm nghìn đô về Việt Nam. Mày đâu có biết thằng chồng cũ mày, nó đã có vợ dù chưa làm hôn thú. Chúng nó nhận tiền của mày xong là con vợ nó cũng quyết định… cắt mày. Lá thư mày làm rớt trong cầu tiêu bị thằng Nam lượm đọc hết trơn. Tánh nó mày biết rồi. Ít nói nhưng cương quyết. Nó bỏ mày thì cũng do mày lạng chạng. Tao không giúp gì được đâu.

– Trời ơi chị ơi! Em đâu có.

Mặc con em dâu phân bua, bà chị chồng phủi đít, đứng dậy: ”Tao về. Chúng mày làm gì thì làm đừng đụng đến má. Má già rồi cần nghỉ ngơi cái đầu óc. Thiệt tình!”. Rồi chị ta không quên… phang một câu như tát trong mặt con em dâu: ”Đánh chết, cái nết không chừa!”.

– Alô! Mày hả Nam? Con Hạnh nó nói mày đổ oan cho nó chớ nó không có. Tao chẳng biết nó ”không có” cái gì!

Tiếng đầu dây như muốn… nhai nát cái phôn: ”Mụ nội nó! Thơ của con drợ thằng chồng cũ của nó chình ình đây. Người ta gởi lại mấy cái hình chụp… thiếu vải của nó và những lá thư tình nó gởi cho chồng người ta. Tuyệt chiêu đó bà Thuỷ à! Nó muốn gì tui cũng chìu, thậm chí, nó gạt tui gởi tiền mà tui cũng vì thằng nhỏ mà cho qua. Nó muốn trở lại với thằng chồng cũ của nó thì nó cứ đi. Tui không cản nhưng nó làm như vầy mặt mũi nào tui ra ngoài gặp người thiên hạ. Chị chờ chút! Hình như con Hạnh gọi. Alô! Gì? Mợ nghĩ mợ là ai chớ? Mợ nghĩ tui còn trẻ con để cho mợ gạt hết lần này tới lượt khác. Cái gì? Ai không có dĩ vãng hả? Tui đồng ý. Tha thứ hả? Tui đâu có dám. Tui là kẻ có tội ngu đần mới đi lấy con vợ bỏ chồng thì làm sao đủ tư cách tha cho mợ. Thôi đi. Tui đang nói chuyện với chị ba. Mai tui đi. Bye. Chị hả? Nó khóc kể om sòm… Thôi, chị đi làm đi. Hôm nay, tui làm sao mà làm cho được. Tui ở nhà dọn đồ. Bye”.

Bà già nghe tin kêu trời kêu đất: ”Nam ơi! Mày suy nghĩ kỹ rồi hẵn đi con. Tha cho nó lần nữa đi. Má già rồi. Ở đây không họ hàng, làng xóm, má đã buồn muốn theo ba mày luôn thể. Tụi bây trẻ người, non dạ nên không biết cái gì là đổ vỡ gia đình. Chúng mày bỏ nhau thì không sao nhưng còn thằng nhỏ này đây nè. Thôi để má mua vé về Việt Nam ở luôn cho phứt mắt”. Thằng Nam… chợn. Bà già nói thì làm y như nó. Cả gia đình qua đây đều bám vào chiếc phao ”con lai”. Má nó ngồi nhớ cái làng có mấy con chó, con bò, cọng rau muống luộc và thèm trầu như điên. Thằng Nam thương má. Nó chạy khắp tiểu bang này để tìm cho má miếng trầu. Già sống không thể thiếu trầu. Vợ chồng có thể bỏ nhau nhưng trầu cau làm sao người già bỏ được. Thằng Nam cục cằn nhưng hiếu thảo với má. Nghe lời má, nó lấy con Hạnh. Con Hạnh đánh đòn tâm lý ăn chắc vào tính hiếu thảo của nó bằng cách nỉ non với bà già. Bà bảo thằng Nam: ”Con Hạnh dù có chồng ở Việt Nam nhưng coi như đã thôi rồi. Nó thương mày thì mày lấy nó đâu đến nổi. Nó coi cũng được gái. Lấy đi con. Kén chọn làm gì. Những con có ăn học, có nghề nghiệp thì đã coi như mình không tới tay. Lấy vợ thì chọn coi đứa nào thương mình mới là vợ mình”.

– Thôi đi con. Chén bát trong xống còn khua huống chi chuyện vợ chồng cãi vã là chuyện thường. Mày thương thằng con mày thì bỏ qua cho con Hạnh. Chúng mày bỏ nhau, má cũng đi.

Thằng Nam đành xuống nước:

– Má à! Má biết về con Hạnh chưa nhiều đâu nhưng thôi được, con đi Florida ba ngày coi sao đã rồi hẳn tính.

Bà già thở phào. Bà bảo con dâu y như lời chồng nó nói. Con nhỏ mừng rơn.

*

Thằng ham vợ trẻ mua vé máy bay về Việt Nam. Nó không báo cho cô vợ trẻ biết để cô bé một sự bất ngờ chơi. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, nó chuyển hành lý sang chỗ bay ”nội địa”. Chuyến bay bốn mươi lăm phút đưa nó về Nha Trang sớm hơn những lần trước mười tiếng đồng hồ. Căn nhà mới tinh nhưng không có ai mở cửa. Nó đành phải lấy chìa khoá riêng của nó mở. Cửa phòng ngủ bật tung. Nó hãi hùng, bất động và sau đó, nó kịp gào to kêu cứu. Con vợ trẻ mặt đầy máu nằm thoi thóp trên sàn. Hàng xóm ngày thường không ai được chủ nhân căn nhà này đãi đằng ăn uống nhưng khi nghe tiếng kêu cứu, họ kéo nhau tới đầy nhà vừa cứu người, vừa tò mò coi thử có cái gì lạ trong nhà đó để sáng mai có chuyện kháo với nhau. Trong lúc chộn rộn, người ta quên mất con số 113. Mặt con máu me được hàng xóm gọi dùm tắc xi đưa đi bệnh viện. Có tiền tất nhiên sự sống dễ lấy lại hơn. Người ta được dịp xì xào:

– Đánh ghen đấy,

– Con này ban ngày nó lấy chồng ngoại nhưng ban đêm ngủ với chồng… nội.

– Chồng… nội của nó đâu?

– Chắc… phóng nhanh chạy lấy mạng rồi.

– Cho đáng đời!

Người ta nhặt một mảnh giấy mà hung thủ cài vội trên gường: ”Cảnh cáo! Lần sau còn tiếp tục sẽ mất cái mạng!”.

Thằng ham vợ trẻ không nghe được. Nó cứ gào: ”Em ơi! Dù em có thế nào đi nữa, anh cũng không bỏ em” khiến người ngoài cuộc mủi lòng. Lời chung tình của nó đáng được đưa lên bàn cân lương tâm. Nhưng chẳng ai biết cái cân nào là cái cân chính xác, không… ăn chận, ăn bớt ký lô?

*

Bà chị nói với thằng Nam:

– Ông chủ nhờ mày đi làm dùm vài tuần thế thằng Quỳnh.

– Sao vậy?

– Vợ nó bị người ta rạch mặt.

– Lại rạch mặt?

– Nghe nói con vợ nó lẹo tẹo với ai đó.

– Lại lẹo tẹo?

Thằng Nam ngồi im một lúc rồi mở cửa sau ra xe. Nghĩ gì không biết mà nó quay vào hỏi chị:

– Cho tui mượn chiếc xe đạp.

-!!?

– Tui đạp về nhà vì hôm nay đã ba ngày. Tui hứa với má, tui về nhà thăm thằng cu. Tui nói dối má tui đi Florida.

– Gọi điện thoại cho con Hạnh chưa. Sớm quá, tao sợ nó chưa dậy nổi.

– Càng tốt. Tui không muốn liên lạc với nó trong lúc này. Thôi cũng không cần đi xe đạp nữa. Tui đi bộ từ đây đến đó cũng chỉ hai mươi mấy phút giãn gân, giãn cốt cũng được. Ờ, chị nói với ông chủ là mai tui làm thế thằng gì đó vài tuần. Tui cũng cần tiền. Tui không muốn đụng đến đồng tiền con Hạnh giữ sau khi tui thôi với nó.

Bà chị ngẫn ngơ nhìn thằng em. Bỗng nhiên chị muốn nói Nam à, mày đừng bỏ mẹ con con Hạnh. Cũng như chị, chị cũng bã bời với đám con chồng. Ở chung cũng chưa là vợ chồng. Lấy nhau nào chắc đâu chồng vợ. Cưới hỏi cũng chẳng qua là cái nợ, cái nần. Hay là cứ thử sống với nhau thêm dăm năm nữa, có hơn không? Mưa xối một cơn đã thèm. Cơn mưa mùa hạ mát mẻ có thể làm dịu đi những nóng nực tâm hồn chị đang trong lúc này. Thằng Nam, mày ướt hết rồi bệnh cho coi.

*

Thằng Nam đã đến nhà. Ngôi nhà vẫn im ắng như quang cảnh chung quanh. Chân nó vấp một chiếc giày. Giày thể thao đàn ông trong nhà nó? Thằng Nam đột nhiên cồn cào sự ghen tuông nhưng nó kịp thời dằn xuống. Thay vì tung cửa thì nó ngồi lỳ trước phòng ngủ của hai vợ chồng nó cách đây mới mấy hôm. Thường thường, hai thằng bé sẽ dậy sớm. Nếu hôm nay cũng vậy, chúng sẽ gặp ba nó ngay trên đường đi. Thằng Nam kiên nhẫn ngồi chờ hai thằng con trong bộ đồ ướt mưa mùa hạ mà lòng nó như có tuyết rụng mùa đông. Nó áp tai vào nghe ngóng một lúc rồi cắn môi.

– Kẹt!

Tiếng cửa mở và đóng lại ngay. Một lát mới có tiếng chân người. Con vợ nó trong bộ đồ ngủ hiện ra:

– Anh về rồi sao không vào.

– Tôi đâu dám quấy giấc ngủ của mợ.

– Làm gì có. Con nó dậy đòi đi đái.

– Vậy sao? Nếu má có hỏi thì mợ nói tui đã tới đây. Thôi tui về. Ngủ tiếp đi.

Con Hạnh không giữ chồng ở lại. Nó cũng vội đóng cửa. Một bóng người lò giò kêu: ”Còn một chiếc giày của anh nữa ở đâu em thấy không?”.

– Ở đây nè!

Cả hai giật nảy như phải điện. Thằng Nam lù lù xuất hiện thẩy chiếc giày vào chân thằng đàn ông đang đứng chết trân và không quên nói dậm:

– Giày mang khập khễnh sẽ làm hư chân. Lần sau nhớ chọn đôi cho vừa chân mới được.

Nói xong, nó lủi ra đường trong cơn mưa với mình mảy ướt nhẹp. Cái hy vọng không thấy thì nó đã chứng kiến. Cái nó không muốn nghe thì nó cũng đã thủng tai. Con còn nhìn bằng con mắt nào? Con còn nghe bằng lỗ tai nào nữa đây hở má? “Em à! Những ngày nằm bên anh nhưng em đã mang trái tim không máu đỏ mà trao cho kẻ khác thì cũng đừng trách ta quay mặt lạnh lùng và đừng mang hai đứa con ra để hòng bắt ta quay về để làm cái lo xo cho em bật dậy, lao vút vào những cuộc tình không phải là tình yêu. Thật khủng khiếp khi em đã dùng chiếc giày thể thao của người đàn ông khác mà chà nát tấm lòng cưu mang của ta lúc em cơ hàn. Em đừng trách ta đã mấy tháng qua, ta chỉ coi em như một chỗ để giải quyết sinh lý. Vậy mà, người như em, ta thấy cũng đã không thể tiếp tục làm cái việc đánh khinh như thế nữa. Ta mửa vào ta thì ta cũng bị tấm lòng hai mặt của em mửa cho đầy áo”. Nó cứ lầm lũi đi trên đường mưa chưa thôi cơn khát khao nắng hạ.

*

Thằng ham vợ trẻ trở lại chỗ làm sau một tháng tận tụy bên con vợ trẻ. Không ai chọc nó nữa và nó cũng chẳng nói gì với ai. Nó cày ngày ở tiệm. Nó bừa đêm ở hãng. Cuộc đời nó cũng là tiền kiếp thân văn trâu cho con vợ nó lội nhỡn nhơ trên nhung lụa mồ hôi và máu mắt của nó. Nó bỏ ngoài tai những lời dị nghị. Nó không thèm nhận những những lời khuyên chẳng biết khi nào tốt xấu. Nó chỉ biết cái con lấy chồng ngoại, ngủ chồng nội vừa bị rạch mặt là vợ nó. Bây giờ, con vợ nó có khi cái bản mặt xấu hơn một chút mà hay. Con nhỏ sau cơn hết hồn trở nên thuần tính. Thằng con trai hay mua thuốc tây cho nó trốn mất. Nghe nói, con vợ cũ của nó vừa bị chồng bỏ vì hắn bắt gặp hai người ăn ngủ trong nhà. Vậy mà, con Hạnh mướn người rạch mặt người ta. Cái thằng hung thủ nhận tiền không đủ đã làm om sòm lên đòi tố cáo, tố kiết gì đó. Ăn chia không sòng phẳng luôn luôn là con dao hai lưỡi. Nó có giá trị tố cáo và cảnh báo cho những cuộc chia chát không sòng phẳng tiếp theo. Thằng ham vợ trẻ như chẳng hay điều gì. Trong nó, nó nghĩ ai cũng phải có một vài lần té sấp, té ngửa trong cuộc đời rồi mới nên thân.

*

Thằng Nam thì quyết liệt hơn vì nó chứng kiến hết, nghe hết và chịu đựng nhiều hơn hết. Khi con người chịu đựng nhiều cái mà mình không mong đợi tới tối tâm mặt mũi thì chẳng mong gì hơn là… dứt bỏ mẹ hết cho nhẹ nhàng tấm thân. Nhiều khi sự dứt bỏ đó còn quá sớm hay quá muộn. Sớm hay muộn đều để lại cho người trong cuộc một nhát chém đầy máu tanh.

– Mày bỏ nó thiệt?

– Còn giỡn được sao chị? Chúng nó ăn ngủ, cười cợt trong nhà mình là tui đã muốn… xả chúng làm đôi rồi. Chị thấy con Hạnh nào phải là kẻ biết phục thiện. Nó nhận đồ người ta trả nhưng lòng không chút thẹn lại thuê người rạch mặt vợ người ta. Tiếc rằng, con nhỏ bị rạch mặt cũng không sạch sẽ gì. Nó là vợ thằng Quỳnh tiệm chị đấy. Vợ thằng Quỳnh, bồ thằng chồng cũ của con Hạnh vợ tui. Chị nghĩ tui có… nhai tươi, nuốt sống nó không chớ. Nhưng của đổ là của dơ. Của van xin là của nợ. Tui thà đi lấy con hà bá trôi sông, con ma le chết chợ nào chớ không trở về với con đàn bà ác như vậy. Một ngày kia, nó có thể cho tui làm… thái giám không chừng!

– Còn hai thằng nhỏ?

– Nó không nuôi thì tui nuôi.

– Nuôi làm sao?

– !!

– Tính đi!

– Tui nhờ má trông dùm.

– Còn má?

– Chị cũng là con mà chị cũng là chị. Dồn tui vào đường cùng làm gì! Tui tính nếu nó bắt con, tui ra đi với một bộ đồ thôi. Nhưng tui nghĩ rằng trước sau gì, con Hạnh cũng bá cổ thằng khác nữa. Tính nết nó, tui biết rõ. Nó không thể sống thiếu đàn ông. Cái thằng ngủ trong nhà tui tối hôm qua chính là thằng làm cùng tiệm của tui hồi mấy tháng trước. Thằng đó có đàn em ở Việt Nam đó. Hèn chi chúng nó coi trời bằng cái vung. Thôi tui không muốn nói cho đau lòng chị, đau má, đau cả tui. Loại người đàn bà như thế mà làm mẹ thì chỉ tội nghiệp cho hai đứa con tui.

Thằng Nam bây giờ mới đi Florida thiệt. Con Hạnh nhất định lấy con. Nó cảm thấy không còn bám víu vào thằng chồng nên nhanh tay đoạt lấy chiếc chìa khoá: ”đứa con”.

Bà má nó khóc mù trời. Thằng con nó níu cha không buông. Thằng Nam nuốt cục nghẹn ngào vào ruột cái ”ực”: ”Ba đi làm xa để dành tiền sau này má theo thằng khác bỏ con thì ba về với bà nội và con nhen. Má à! Cho con đi xa một chút chớ ở đây nhìn cái gì cũng thấy chán chường, con làm sao chịu nổi!”. Người mẹ chùi nước mắt. Thằng Nam leo lên xe. Nó không quay lại nhìn ai một lần cuối.

*

Thằng ham vợ trẻ rồi cũng bảo lãnh con vợ mặt sẹo qua Mỹ bằng bảo chứng nhà băng và giấy kết hôn hợp lệ. Nó đưa vợ đi nhà hàng ”Hai Lúa” mới mở để cho cô vợ thưởng thức món phở người Việt ở nước ngoài. Nhà hàng đổi chủ mấy lần thì chỉ có lần này hơi đông khách. Chờ phở, con mặt sẹo đưa mắt nhìn chung quanh. Mắt nó như đóng đinh ở bàn số ba. Cái mặt này sao quen quá đi. Nó cố moi ra khuôn mặt này, nó đã thấy đâu đó. Chợt con nhỏ cũng dừng cặp mắt láo liêng trên mặt sẹo của nó. Cả hai như chờn vờn. Cuối cùng, ký ức con nhỏ mặt sẹo đã thắng. Nó nhìn ra đúng là con đàn bà mà nó đã gởi hàng từ Việt Nam qua cho nó. Cũng có nghĩa là con mụ này đã cho người rạch mặt nó đây. Máu con mặt sẹo sôi lên kịp lúc, người đàn bà kia cũng như nhận ra địch thủ. Kẻ sợ trong lòng chính là thị. Nó không còn cái mặt đẹp vì thị thì nó dám liều. Thị… chợn. Nhưng con mặt sẹo thấy thằng ham vợ trẻ vẫn thản nhiên như không nhận biết điều gì xảy ra bên trong nên nó lại vờ như không thấy gì nốt. Hai bên đóng kịch thiệt tài. Họ quay về với bát phở ngun ngút khói. Khói lòng mới cay chớ khói phở làm cho người ta say ngon lành với thức ăn. Họ quyết định ăn hết những tô phở trên bàn. Ăn như chưa từng được ăn.

– Tính tiền em!

– Dạ.

Cả hai chui vào hai chiếc xe khác màu, khác biển số nhưng giống nhau ở chỗ cùng chạy như lẫn trách một con quái vật nào đang lẩn quẩn chung quanh.

*

Người đàn bà bỗng sợ có một ngày cái mặt mình cũng bị rạch tan như thế thì xấu như cô hồn dạ quỷ, ai lấy nữa. Còn con mặt sẹo thì thấy mình qủa còn phước đức bảy đời vì mình xấu như ri mà cũng còn có người thương yêu bên cạnh. Hai con đàn bà đang chao đảo như hai con chim bị tên bắn chẳng dám sà đậu cây cành nào. Đêm tối, có hai người đàn bà nhỏ nước mắt thêm vào bầu trời đang mưa. Không hiểu họ khóc vì lẽ gì. Nếu biết họ khóc vì lòng hối hận thì trời sẽ chẳng đổ thêm mưa như bây giờ.

Con Hạnh nhớ lại thằng chồng thay vì đánh cho mình tơi tả trong cái buổi sáng hôm ấy thì thằng chồng nó lại lầm lũi ra đi trong bộ đồ ước mem. Nó chạnh lòng. Ngày xưa, khi nó bỏ chồng theo đám vượt biên qua đây, thất nghiệp triền miên thì chính thằng chồng nó đưa cánh tay đỡ đần. Nó uớc gì cũng có. Nó muốn gì cũng toại. Thành ra nó hư thân. Nó chạy theo đàn ông vì muốn chứng minh cái bản lĩnh chinh phục tài ba của mình. Nó cho người làm cái này cái nọ vì chứng tỏ nó có tiền, có quyền hành. Nó đã quên mất: Quyền hành này ai cho? Tiền bạc này từ đâu mà có? Những thằng ăn nằm với nó cả xác và tiền, nó phải cung phụng. Thế thì ngon lành gì trong sự mua bán ngu ngốc đó. Đột nhiên, nó cầm cái phôn. Nó bấm. Phôn cắt. Nó vật ra gường. Chiếc gường ngày nao ấm cúng hơi hướng hai vợ chồng nay nó cảm thấy sao mà dáy dơ. Sự thiếu vắng chạy dài từ chân lên đầu khiến nó bất động. Khi nào nó trống vắng, nó gọi phôn cho những thằng khốn nạn tới cho vui. Còn hôm nay, nó như chán chường cái cảnh mà nó tạo ra để mất mái gia đình. Thì ra, nó chẳng hề yêu thương ai ngoài thằng Nam và chẳng có ai yêu nó bằng chồng nó. Nhưng đã trễ. Cái con mặt sẹo dứt khoát sẽ không tha cho nó. Ở đất này, người đàn bà nào cũng ngang hàng. Vậy là nó sống trong lo âu, phập phồng trong tội lỗi. Sống như thế thì thà chết còn hơn.

*

Mưa quá! Con mặt sẹo nằm nghiêng để nghe lòng chảy dài trong hối tiếc. Thằng trời đánh đã bỏ chạy cửa sau khi thằng rạch mặt hành hung nó. Loại người này không đáng cho nó làm quen huống hồ cùng nhau nằm dài trên gường.

– Không ngủ được hả em?

– Ngủ được chớ.

– Ngủ đi là quên hết!

Con mặt sẹo… rùng mình. Hình như thằng chồng muốn nói những lời đó cho riêng nó? Thái độ ngọt ngào của thằng chồng như vậy làm nó sợ hơn cả vết sẹo trên mặt. Thằng chồng ngủ ngon. Có phải hắn đang quên hết những quá khứ xảy ra hay hắn cất đâu đấy rồi có một ngày, nó sẽ xổ tung ra? Có hay không cũng là do người đàn bà có biết hối cải hay vẫn cứ trượt dài trên những lỗi lầm không nên có?

Bình minh hé mở một màu hồng rực rỡ ở phía đông. Những con chim hót véo von từ sáng sớm. Mùa hè với muôn hoa rực rỡ như báo hiệu một cuộc đổi đời. Mây xanh mềm như một giải lụa dệt cho người những mơ ước sau cơn mưa. Một ngày sẽ đến trong chim hót, hoa nở và đêm sẽ về với những đoá hoa tàn. Đời vẫn vậy. Đời đi cùng với những sắc màu trong bình minh thay những giọt nước mắt. Trái tim người sẽ thôi đập khi no nê hay thiếu thốn niềm hạnh phúc phù du. Tất cả sẽ là những dấu chấm than, chấm hỏi và dấu chấm cuối cùng!./.

Diên Khánh, tháng 8/12/06
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button