TẢN MẠN

NGÀY “TẠ ƠN” HAY NGÀY “VÔ ƠN”?

Tản mạn Ngày tạo ơn hay ngày vô ơn“Mưa phùn, gió bấc” đã làm mùa Halloween ở Mỹ ảm đạm thê lương và đường phố ngập tràn lá khô đỏ, vàng báo hiệu mùa thu sắp tàn! Trái đất cũng sắp… tan khi nhân tai – vũ khí hóa học, nguyên tử ở Syria, Iran, Bắc Hàn. Còn thêm thiên tai siêu bão Haiyan quét qua Philippines gây thảm họa “khóc trên những xác người”. Với Việt Nam (VN), siêu bão “Thẩm Mỹ Viện Cát Tường” chưa tìm thấy xác nạn nhân bị “lương y dì ghẻ” vứt phi tang cùng siêu bão oan án chung thân Nguyễn Thanh Chấn chẳng hạ màn. Ở Hoa Kỳ (HK), 28/11/2013 trở về với ngày Thanksgiving – Lễ Tạ Ơn như một vết… nhơ trong lịch sử chiếm đất người Original Americans.

Không phải vô cớ mà thành ngữ VN có câu “Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán”. Áp dụng trên thế giới nhất là ở HK và VN sao mà đúng gớm, đúng ghê!

Ở VN, chưa kể tới các triều đại phong kiến “điểu tận, cung tàn” mà chỉ nói tới thời “Cải cách ruộng đất” (1953-1956). Dưới sự giám sát của cố vấn TQ, hàng loạt những bậc công thần, những gia đình, cá nhân “có công cách mạng” tức là người có ơn, đã hóa cá nằm trên thớt. Khi đường lối, chủ trương “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ” lệ thuộc TQ, những kẻ thọ ơn lao vào đường vô ơn. Bản thành tích dày lên, chiến công hiển hách đẫm máu người trở thành bản án tố cáo chế độ phi nhân khó mà rửa sạch. Tiền bạc có thể đền nhưng nhân mạng làm sao bù? “Trường hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong “Tuần Lễ Vàng”, gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập. Trường hợp Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, nguyên Tư lệnh Mặt trận Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội bị các cán bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là “địa chủ, có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng. Các cháu nội của cụ Phan Bội Châu, trong đó có một người là trung đội trưởng, nhà nghèo, 3 sào đất cho 3 mẹ con, nhưng cũng bị quy là địa chủ. Đặc biệt, cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, Bộ trưởng phụ trách Thanh – Nghệ – Tĩnh của Chính phủ bị đấu tố chết tại quê nhà Diễn Châu” (vi.wikipedia.org).

Đó chỉ mới nói tới khía cạnh “người cùng xuồng” là ân nhân của chế độ CS chứ chưa nói tới chuyện đáng hay không đáng giết Người dân “khác xuồng” coi như chỉ có con đường địa ngục! Hiện thực “vô ơn” nói trên đã đi vào tác phẩm và “Ác Mộng” của Ngô Ngọc Bội, “Ba Người Khác” của Tô Hoài, “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đường” của Nguyễn Khắc Phê, “Một Trăm Ngày Vượt Trường Sơn” của Ngô Minh. Khi chiều dài lịch sử nới ra, “chiến công” liên tục, những oan hồn bất đắc kỳ tử càng lượn lờ, vật vờ cho đến hôm nay. Người đời sau có thêm bài học xương máu!

Ở HK, di dân Pilgrims từ Châu Âu tới Massachusetts đã thọ ơn người bản địa Native Americans cái ăn, chỗ ở và cách trồng trọt. Đổi lại, những kẻ vô ơn khi “đỏ thịt thắm da”, “binh hùng, tướng mạnh” đã lấy sức mạnh vũ khí tối tân để xua đuổi ân nhân của mình. Ác nào bằng ác cướp nhà, chiếm đất? Thế kỷ XVII từ năm 1637 trở đi, thời gian chung sống hòa bình “chia nhau qủa bí, củ khoai” đã như… ngày ấy lụi tàn! Cuộc chiến American – Indian Warsbuộc xảy ra. Nó kết thúc là nạn diệt chủng. Thế nhưng những thủ lĩnh anh hùng của các bộ tộc Sioux, Cheyenne, Arapaho như Geronimo, Thayendanegea, Kaintwakon, Mishikinakwa mãi mãi bất tử. Những thước phim về người da đỏ, phim cao bồi ra đời như “Unforgiven, The Searchers, The Outlaw Josey Wales” ca ngợi người cao bồi bao nhiêu lại là chứng nhân sự dã man, vô ơn của người da trắng bấy nhiêu!

Vậy mà hằng năm ở HK, Canada, “Lễ Tạ Ơn” ăn uống long trọng diễn ra! Nhưng người HK nguồn gốc từ Châu Âu, họ cho rằng đó là ăn mừng Tạ Ơn Chúa ban phước lành cho họ nơi xứ người?! Khách vào nhà chiếm luôn nhà, giết chủ nhà rồi “đạo đức giả” lập bàn thờ, làm đám giỗ mời họ hàng nạn nhân cùng xơi! Không gì gian trá và vô ơn bằng! Thế nhưng sai mà biết sửa, sửa cho đến nơi, bù cho đến chốn cũng “có còn hơn không”! May mắn thay! Lịch sử HK không bưng bít và lẫn tránh trách nhiệm như lịch sử VN. Cho nên, chúng ta mới đọc được lịch sử HK trên đường dựng nước đã tắm máu người bản xứ Châu Mỹ và hình dung được con đường bị đuổi tận, giết tiệt về phía Tây đầy nước mắt “the Trail of Tears” của họ để có thái độ cảm thông và sống nhân nghĩa hơn.

Làm người, bốn chữ “ơn đền, oán trả” cũng nên cân nhắc. Ơn đền thế nào cho đúng nghĩa? Oán trả đừng theo Tào Tháo mà “thà giết lầm hơn bỏ sót”. Với chúng ta, lấy nghĩa “Bát cơm Phiếu Mẫu” để mà làm người. Có ngày Thanksgiving hay không, chúng ta cũng hãy “cuối xuống với người tay trơn, để không còn hận hờn, vì trăm năm chập chờn chỉ một giấc chiêm bao!”. Hy vọng chúng ta đừng làm kẻ vô ơn khi thọ ơn người dù chỉ là một hạt cơm nguội, một phút dung thân hay được học một cái nghề hoặc chỉ là một lời nói an ủi lúc ta khi “ách giữa đàng…” hay gặp “họa vô đơn chí”! Khi ăn mừng ngày Tạ Ơn, có nên tránh ngày “Thanksgiving” vì đó là ngày của những kẻ vô ơn?”./.

Tháng 11/15/2013
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button