TRUYỆN NGẮN

MỘT TRONG 1001 CÁI CHẾT

Truyện ngắn Một trong 1001 cái chếtTiếng ồn ào cãi cọ kẻ trước người sau của người đi coi bói đánh động cả xóm chó sủa om sòm. Ngày này, người ta bảo là ngày hên nên đi coi bói khá đông.

Ông Năm Thủ Thiền đang gật gù bên cái bàn riêng trong “khu cấm địa” của riêng ông. Trước mặt ông là hàng chục người đang ngồi chờ đưa tay cho thầy Năm … nắm, sờ, và coi cho một qủe. Ngoài mái hiên, “thập phương bá tánh” cũng đang ngồi xếp hàng rồng rắn để được nghe thầy Năm phán cho một câu vàng ché: “Năm nay tốt nhất ngày này. Bán buôn, cưới gả, ăn… mày cũng hên. Quan ta ăn trước ngồi trên. Học dốt cũng được có tên bảng vàng”. Nhà ông Năm Thủ Thiền hôm nay đang gả con gái. Vậy mà, đúng 11 giờ, họ nhà gái nhận cú điện thoại giật thót từ họ nhà trai:

– Anh chị sui thông cảm cho chúng tui tới trễ chút. Kẹt xe qúa nên chúng tui không tới đúng giờ được quy định được.

Ông Sáu Thủ Phú, đại diện họ đàng gái tỏ vẻ dễ dãi:

– Không sao đâu! Chừng nào đàng trai tới, nhớ báo trước năm mười phút là được.

Cho phôn vào túi quần, ông Sáu Thủ Phú đi ra khu cấm địa. Ông vòng ra sau lưng, ghé tai sát tai ông anh và nói thật khẽ:

– Họ trai báo là họ đang bị kẹt xe!

– Ừ! Không kẹt giờ này mới là lạ!

Ông Năm Thủ Thiền trả lời rất nhỏ nên chẳng ai hay hai anh em họ nói cái quái gì? Nhà trong thôi chộn rộn khâu tiếp nhà trai. Cổng chào bằng hoa hồng thật đang được người nhà tưới nước liên tục để tránh bị nắng háp. Chị vợ ông Năm Thủ Thiền chừng như nóng lòng nhưng không muốn chạy ra nhà sau nhắc nhở chồng đã gần tới giờ. Chị đã quen tính của chồng. Ông muốn sao thì cứ vậy cho yên nhà. Ông Năm Thủ Thiền vẫn điềm nhiên ngồi trên ghế để tiếp tục bói ra… ma cho thiên hạ… lé mắt. 7 năm nay, ông bỏ dạy để chạy qua nghề bói toán nên có tên “Năm mất dạy”. Hai vợ chồng đang chiến tranh lạnh từ bấy lâu nay. Ông bảo đời ông, đừng hòng ông thèm núp bóng những thằng hiệu trưởng “học dốt nhưng tốt lý lịch”. Giáo viên có mỗi một ngày 20 tháng 11 cũng không yên thân. Ông chán ghét những trang giáo án là phiên bản hằng năm chỉ có cách đối phó và những tiết thao giảng, dự giờ, bình chọn giáo viên giỏi “bới bèo ra bọ“. Ông bảo trò hề này chỉ có ở trong thời hủ lậu này mà thôi. Giáo viên không phải “giáo viên giỏi”, chẳng lẽ là “giáo viên drỏm” và toàn bộ hàng triệu học sinh chỉ được học với những “giáo viên dở” hay sao? Ông cười cợt cho những quan lại đầu bò ngành giáo dục ăn phải giòi bọ gì mà ngu hơn chữ “ngu”. Ông bói một qủe cho những thằng “mượn oai hùm rung nhát khỉ” là danh vọng sẽ tàn theo lá rụng. Thế nhưng mấy chục mùa lá rụng qua cuộc đời giáo viên của ông, chẳng có thằng nào tàn theo lá mà ngày một leo thang, có giá hơn nữa. Ông biện luận đó tại là vi thời buổi “đục nước béo cò“, của những “tham ô đi trước, mực thước theo sau. Một lũ đầu trâu, ruồi bâu cục mỡ”. Chị vợ đe rằng ông có ngày bị đì vào lãnh cung cho hết kiếp nói ngông. Ông chả ngán. Vậy là ông… tẩu trước khi bị chúng nó đì. Học trò còn nhớ ngày 20 tháng 11 mà thăm viếng ông, chỉ có thằng Bơ. Ngày trước đã vậy sá gì ba chuyện lẻ tẻ như chuyện cưới xin của cô gái đầu lòng. Nó cãi lời ông mà đi lấy thằng chồng công an khiến ông bực mình. Ông không quan tâm gì tới sự trễ nãi của họ đàng trai bởi vì ông không bói cũng biết hôm nay, ngoài đường sẽ có hình con gì nếu không là hình con… rắn? Thực sự là những người bên họ nhà gái cho gia đình ông đã gọi điện thoại tới báo rằng họ đang… nằm vạ trên đường quốc lộ 1 vì tai nạn xe cộ. Vì thế mà dù cho họ nhà trai tới đúng giờ, họ gái cũng chẳng thể đáp lễ đúng giờ. Không hiểu sao ngày này không phải ngày thanh minh cũng chẳng phải Tết ta mà thiên hạ rủ nhau đi… đầu thai đông qúa. Ở bệnh viện, từ tuyến xã tới tuyến tỉnh, y tá, bác sĩ đi làm cũng trễ giờ. Những ca cấp cứu thi nhau nằm xếp hàng chờ nhìn thấy hãi.

*

Con Lẹ đã đi chợ mua cám heo từ bảnh sáng cho bà nội. Nó trợn mắt nhìn bà bán cám hạ bảng gía cũ để móc bảng giá mới lên treo tòng teng:

– Ủa? Mới hồi nãy giá bán 7 ngàn rưỡi sao bây giờ đã 15 ngàn rồi bác?

Bà bán cám trợn mắt phồng mang:

– Ngày hôm nay là ngày đặc biệt. Hồi nãy khác. Bây giờ khác. Mua hay không? Thắc mắc cái gì? Hàng cám heo đang khan hiếm không thấy à? Đứng một chặp là 30 ngàn 1 ký mà không có cám cho heo ăn!

Con Lẹ vội vã nhào vào cân vài ký rồi chạy. Con Lẹ vừa dắt chiếc xe đạp vừa ràm:

– Gởi xe đạp cũng lên gía nữa! Người đâu mà đông lúc nhúc như dòi! He he mới thấy xe đạp bây giờ đang lấy le!

Con Lẹ trèo lên chiếc xe đạp cũ kỹ thời bao cấp rồi lạng lách len lên hành lang vọt qua hàng ngàn chiếc xe máy. Nhìn con Lẹ cưỡi chiếc xe cà tàng, người mắc kẹt ngoài đường nhìn theo nó, ước gì…

Bà nội đang chờ cám heo ở sau nhà. Bà cũng chẳng lo họ đàng trai tới trễ. Bà phải cho con heo nái bà ăn cái đã. Đám cưới người chớ đám cưới “Vua Heo” đâu mà chờ giờ tốt mới cho ăn? Bà nhả bả trầu đỏ lòm mặt đất. Bầy gà của con dâu bà từ bốn phía phóng “rật rật” tới định kiếm chút cháo thì… chợn. Mắc lõm, chúng… ỉa ngay mấy bãi để trả thù cái hớ miếng ăn. Tức mình, bà nội cầm cái gậy… phang một cái. “Quác! Ác! Ác ác ác…”. Một con gà… trúng đòn, ngã lăn quay, giãy “đùi đụi”. Trước khi qua bên kia thế giới, nó còn kịp chửi bà gìa kia một tiếng “ác!”. Người nhà nhìn ra giật mình. Người anh họ của Lẹ vội lượm con gà đang ngay đơ cáng cuốc chạy vô nhà trong. Người khác nhanh chóng nhúng con gà vào thùng nước đang sôi. Con gà giãy lên lần nữa rồi chỉ nghe tiếng nước sôi ùng ục. Con Lẹ về đến. Nó chứng kiến cảnh bà nội… chưởng con gà chết ngay đơ cáng cuốc mà tức cười. Con bé lè lưỡi rồi huơ huơ bịch cám heo trước mắt bà nội. Bà nội nhìn bịch cám heo, thắc mắc:

– Sao mà nhẹ hiu? Bấy nhiêu thôi à?

Con Lẹ hiểu ý:

– Cám lên giá, nội! Mai mốt cân heo lên giá theo cám, bù lỗ nội à! Bà nội trộn cám rồi để đó con cho heo ăn kẻo bà phang một cái nữa là tiêu mấ con gà là cả… gia tài của má!

– Hứ!

Bà nội chùi mép trầu bằng ống tay áo. Bà nhiếc:

– Đó! Vào cho heo ăn đi! Không chừng nó táp cho một miếng chạy nọc!

Bà nói chưa dứt câu, con heo “éc” lên một tiếng sau tiếng la “oái” của con Lẹ. Con heo háu ăn. Nó đói từ sáng tới giờ nên khi tay múc cháo cám của con Lẹ đưa xuống chưa tới máng là nó nhào vô xơi một miếng khiến con Lẹ nhảy cỡn! Sẵn cái máng trong tay, nó đập vào đầu con heo cái “phụp”. Con heo chưa kịp la làng mà tiếng bà nội chu tréo nghe rợn:

– Trời ơi trời! Chết mẹ con heo nái rồi còn gì!

Con Lẹ thè lưỡi:

– Chết đâu mà chết, nội!

– Mày ác qúa coi chừng chết xuống làm Trư Bát Giái.

– Giới hay giái gì cũng được. Heo ngu, đập cho chết luôn! Nội phang chết con gà mái của mẹ mà mẹ có nói gì đâu hè!

– Mày ngu thì có! Heo nái có chửa háu ăn không biết à!

– Nội cứ bênh con heo hoài. Lúc con làm gãy hoa của ba bị ba đánh, nội đâu có bênh?

Bà nội phun bả trầu tới chân con Lẹ:

– Heo đẻ ra tiền. Mày đẻ ra tiếng mà tiếng tăm…

Con Lẹ vừa nhảy vừa trả treo:

– Tiếng tăm gì nội? Giỡn hoài! Nội nhả bả trầu mất vệ sinh. Gớm!

Bà nội quẹt mồm vào cánh tay áo cho sạch, tiếp:

– Hùm! Mẹ mày là giáo viên cấp 3 đàng hoàng mà phải về nhà lo soạn bài, soạn vở còn lo nhào vô dọn chuồng gà, lượm trứng đi bán. Sáng sớm lo đếm gà con giao hàng. Đêm, lại chong đèn đi bán hột vịt lộn. Nhận vài ba cục xà bông của học trò, người mẹ thằng nhỏ nói um xóm là nhận hối lộ mà để cho con bả điểm kém! Chao! Mày học sao mà cứ để bị thầy cô mắng vốn hoài làm ba mày không đánh sao được. Không biết thương mẹ là mày!

Con Lẹ sầm mặt:

– Con? Hùm! Nội thiển cận bà cố! Má con không nuôi gà, nuôi vịt sao có đủ tiền nuôi gia đình? Nội không nuôi con heo là gì? Nội đi xin chứng giấy liệt sĩ của ông nội không hối lộ quan xã, quan huyện mà được lĩnh tiền tử của ông mỗi tháng? Chu cha! Còn con hả? Úi mèn ơi! Thầy cô cứ bắt đi học cua. Con thấy ba má không có tiền nên có dám xin tiền đâu! Ba lại… kẹo như kẹo kéo. Ổng bói ngày bói đêm mà cứ lấy thêm tiền của má hoài. Má đi coi thầy bói, ổng nói ba lấy của nhà đi cho gái ăn nên má mới phải nuôi gà đó chớ?

– Gái nào mà vào ăn của?

– Má lén đi coi thầy bói ở tận Cà Mau lận nội. Má than với chị Lắm, con nghe được là “ba mê vợ bé bỏ bè con thơ“!

– Nói bậy! Tin thầy bói sói cái đầu!

– Hèn chi đầu má con dạo này trắng bóc!

– Nói bá láp bá xàm. Ba mày nghe được, đít mày khổng thành cái mủn dừa, tao không làm bà nội mày! Học dở lo chửa xong còn không mau lấy mo bó đít?

– Ba là con của nội, ba có gái gọi, nội phải… dạy ba đi! Con không học cua làm sao có 8 chân như cua chạy nhanh có điểm như mấy đứa bạn được? Con muốn ở nhà nuôi heo luôn với bà. Khỏi cần học. Học tới ông Cống, bà Nghè gì gì như nội nói đó rồi cũng ra chợ bán… vé số!

– Quảy? Úi trời! Úi trời! Trả treo! Chả chớt! Tao cho một gậy… này! Nội nói là nói vậy. Mày nhảy trong họng nội mày ngồi à? Con gái hư! Mày giỏi đi bán trứng lộn cho má mày soạn bài. Có dám không?

Con Lẹ nhảy tránh gậy bà nội. Nó tru tréo tiếp:

– Ai nói con không dám? Má không cho đó thôi!

– Thách mày cũng không!

– Nội chờ coi. Chờ ngày tốt, con sẽ… xuất hành ra quán bán trứng lộn. Bán trứng chớ bứng nhà ai mà sợ? Cha! Răng con qủy heo nái này cũng bén qúa. Thiếu chút nữa đổ máu ra như bà nội đổ trầu hôi! Gớm!

Thấy hai bà cháu đang chí chóe ở ngoài trong khi mọi người chạy tới chạy lui lo sửa soạn, người anh họ chạy ra hối:

– Lẹ!Lẹ lên! Tên Lẹ mà chậm như rùa!

– Đem con rùa chạy thi thử coi ai nhanh hơn!

– Con này lý sự gớm. Lớn làm luật sư cùn. Vào thay đồ đi họ chớ! Còn bà nội nữa! Hết giờ cho heo ăn sao mà chọn giờ này hả nội? Họ đàng trai còn nửa tiếng nữa là tới. Nội vào thay đồ lẹ lên chứ ai ngày đám cưới con cháu gái mà hai tay đầy cám heo!

Con Lẹ phủi tay:

– Em đã nói với má là em không có đi họ đâu nà!

Người anh họ trợn mắt:

– Ngày tốt mà không đi họ à? Không đi, con Nhung hàng xóm nó đi cặp với thằng Bơ, em đừng khóc chèo chẹo ra đó nhé.

– Em không thèm! Hôm nay, em đi đâu cũng xui. Ra chợ, bị bà bán cám chửi. Mua cám, mua mắc. Về nhà, nội mắng. Cho heo ăn, heo táp. Đi họ mà cặp với ông Bơ chắc là em thành… bắp!

– Hùm! Ngu thôi là thôi! Nội đi nội!

Bà nội huơ cây gậy đuổi con gà đang chực chui vào ăn cám heo, chậm rãi nói:

– Biết rồi!

Bà phủi hai tay đầy cám và quẹt lia, quẹt lịa vào hai mông đít rồi chậm rãi đi vào nhà. Ngang qua chuồng gà, bà nội lại… phẹt, phẹt liên tiếp mấy bả trầu trúng ngay liếp tranh trước cửa. Con Lẹ lại chui vào chuồng gà của má để lượm trứng cho má. Tay nó chạm trúng liếp tranh. Nó “á” lên như gà mắc dây thun, nó thun như bị ma bóp cổ. Đằng nhà hàng xóm, thằng Bơ đang đi lửng thửng từ nhà nó tới nhà đàng gái vòng ngõ sau nên thấy tỏng tòng tong con bé đang chui vào chuồng gà. Gần đây, nó hay để ý tới con Lẹ đang mùa trổ mã như lúa đang thì con gái. Thấy mọi người trong nhà lo chuẩn bị đám cưới, nó nảy ra ý hay ma lanh bất tử là lẻn vào chuồng gà má con Lẹ để chọc ghẹo con nhỏ xí xọn nhất xóm này. Nó chui đầu vào chưa kịp mở miệng đã thấy con Lẹ vung tay… Ngay tức khắc, những người hàng xóm đứng xem họ đàng trai tới thấy thằng Bơ chạy thục mạng về nhà. Cái mặt nó… đầy máu! Máu vấy xuống áo trắng đỏ lòm. Bên kia, con Lẹ từ trong chuồng gà đi ra. Tay nó cũng… đầy máu! Ai nấy hoảng kinh. Có điều lạ là, mặt thằng Bơ ngoài đỏ, trong tái le còn mặt con Lẹ ngoài xuề xòa như chẳng có chuyện chi mà trong lòng nó vô cùng hỉ hả! Chỉ có mấy con gà chạy quanh chuồng tao tác kêu… “cứu cụt, cụt… cụt cứu…”. Con Lẹ thấy bả trầu của bà nội hôm nay sao mà có chỗ… dụng binh đến thế! Nó chấp tay sau đít đủng đỉnh định đi vào xem chị Lắm mặc áo cô dâu. Đám hoa mồng gà đỏ tươi bị thằng Bơ đạp cho rạp đầu, chúng nằm bẹp dưới đất khóc tỉ ti thương kiếp hoa không bến đổ. Con Lẹ đi ngang, nó khựng lại vừa cột lại những cây hoa ngã vừa lầm bầm chửi rủa thằng Bơ không tiếc lời. Chặp sau, nó lẻn tới khu cấm địa. *

Chừng như thấm mệt, ông Năm Thủ Thiền giơ tay ra hiệu không coi qủe nữa. Người được coi vui vẻ, kẻ chờ không xong càu nhau rồi cũng đi về hết. Ông Năm Thủ Thiền cất tiền vào trong cái túi vải. Trên bàn đối diện với ông còn một người khách. Cô ta xòe tay chờ ông thầy coi cho một qủe làm ăn. Ông Năm Thủ Thiền cầm tay cô nàng coi từ 3 đường tâm đạo, sanh đạo và trí đạo xong, bảo:

– Cô xốc 9 cái rồi bóc cho tôi một quân bài!

Cô nàng sốc 9 cái rồi bóc ra 1 lá. Coi qua, ông Năm Thủ Thiền phán:

– Bổn mạng gìa chuồn rất vững. Mạng cô hồng phúc tề thiên. Tiền tới tay cứ xòe lấy. Nhưng muốn làm gì cô hãy bắt đầu ngay trong ngày nay vì ngày hôm nay là ngày rất tốt chứ để hôm sau là không tốt lắm! Cô hỏi gì nữa không?

– Dạ! Có phải muốn làm ăn, nên bắt đầu trong ngày này phải không ông Năm?

– Mới nói rồi không trả lời nữa!

– Dạ dạ! Bao nhiêu tiền ông Năm?

– Tờ ông Hồ hồng!

Cô gái móc túi lấy tờ giấy ông Hồ xanh. Ông Năm Thủ Thiền mở túi tiền lấy ông Hồ hồng thối lại. Bỗng ông ngã chúi bên thềm. Đầu ông tai vào cái chậu hoa sứ bên cạnh. Tay ông chới với theo cô gái đang chạy qua khu cấm địa. Con Lẹ nhìn thấy hết. Nó lao tới nhưng thay vì chận kẻ cướp kia lấy túi tiền, nó vội chạy tới đỡ ba lên và hét thất thanh. Người cha lờ mờ nhìn cô con gái, ông nói lắp bắp:

– Chậu sứ! Chậu sứ! Con à… chậu…

Ông Năm Thủ Thiền lịm đi và… ngủ cho đến khi người nhà đưa ông vào… nhà thương rồi đưa vào… hòm đỏ chét để… ngủ tiếp. Ông bói cho người nhưng đã không bói được một qủe cho mình là ngày hôm nay, 11 tháng 11 năm 2011, ông sẽ bị một cô gái coi bói giựt túi tiền khiến đầu ông va vào chậu sành trước nhà… tắt thở! Hôm sau, Thằng Bơ đi đám cho thầy cũ bên cạnh con Lẹ như cái bóng ma suốt một ngày mà không dám nói một tiếng nào.

*

Tuần sau, trong đóm lửa leo lét ở một cái quán quen thuộc, thằng Bơ đang làm khách ngồi ăn hột vịt lộn. Mặt nó nôm hiền lành ác. Ai mà chẳng biết nó kiếm chuyện để khiến con Lẹ xinh đẹp mà hung như cọp này nguôi ngoai nỗi buồn mồ côi cha. Trước khi ra về, nó bảo chủ quán:

– Em? “Mồ côi cha ăn cơm với cá” mà em!

– Em gì đây? Đang buồn chết cha!

– Thành thật chia buồn. Lần sau nói nội em có phẹt ngổ trầu, nội cứ… phẹt lên đầu anh để anh mượn trầu mai mối. Cười đi!

– Cười không nổi!

Con Lẹ ném một đống vỏ hộp vịt lộn tới tấp về thằng Bơ. Nó nhăn mũi:

– Lại xả rác! Chút nữa anh ra dọn quán cho em nhé!

– Thèm!

Quán có thêm mấy người khách. Con Lẹ loay hoay với nồi hột vịt lộn khiến thằng Bơ bỏ đi không đành nên quày trở lại. Nó lăn xăn lấy đĩa đựng rau răm, múc muối tiêu y như kẻ bán chuyên nghiệp khiến con Lẹ phục lăn. Khách hỏi mua trứng tang. Con Lẹ lúng túng. Nó có bán hột vịt lột bao giờ đâu mà biết trứng nào tang với tình? Thằng Bơ đưa trứng lên soi rồi lấy bán cho khách khiến con Lẹ phục qúa. Bất giác, quên cả chuyện buồn tang chế, nó khen:

– Giỏi thiệt!

– Hứ! Ăn miết ở cái quán này thành thạo chứ giỏi gì!

– Biết nói thử coi!

– Trứng tang là trứng không thể nở con nên vàng đục và soi lên đèn sẽ không thấy gì. Trứng lộn, con nhỏ nặng hơn con lớn. Soi đèn thấy đầu nào hổng nhiều là trứng gìa như gái lớn tòng ngòng mà chưa có bồ là gái già!

– Xùy!

Con Lẹ cười một chút khi thằng Bơ cười hết hàng tiền đạo rồi đưa luôn hàng phòng ngự ra… cạo dừa. Chặp sau, bà nội ra kêu cháu gái về. Thằng Bơ nháy nhỏ:

– Có bài vở gì cần anh giúp không?

– Không!

– Dóc! Bán hột vịt cả đêm, thì giờ đâu làm bài?

– Nghỉ học, bán hột vịt cho má rồi!

– Ý đừng!

– Ai bảo mày nghỉ! Tao quánh cho nhừ xương chớ bỏ học à? Ba mày mới chết mà bỏ học theo trai hả? Theo thằng này à?

Con Lẹ nghe tiếng bà nội, hết hồn:

– Thằng nào nội?

– Thằng này!

– Ảnh là khách hàng của má mà!

– Vậy sao?

Thằng Bơ cười:

– Nội có phọt trầu, phọt vào đầu con, nội nhé!

Bà nội trợn mắt:

– Đầu mày là ống nhổ hả?

– Con xin tình nguyện!

– Cút!

– Dạ dạ…

Thằng Bơ lè lưỡi. Nó lên xe dông ngay. Bà nội ném theo:

– Thằng vô duyên! Cua gái không đúng lúc!

Chửi xong, bà nội xách phụ với cháu những đồ lỉnh kỉnh mà thương con cháu mồ côi đến nghẹn ngào!

*

Con Lẹ ngồi một mình trong nhà. Nó thấy buồn buồn khi thắp nhang cho ba. Nó cầm cuốn sách toán 12 ra khu cấm địa của ba ngồi bên cây sứ, nơi ba nó ngã chết tại đây. Con Lẹ chống cằm nhìn hoa sứ đưa hương thơm phảng phất. Bất giác, nước mắt nó trào ra. Nó chợt nhớ ba nó trước khi chết đã nói “Chậu sứ! Chậu sứ. Con à… chậu…”. Ba nó thương cây, thương cỏ hơn bất cứ ai. Có vậy mà 3 má con từng “ghen” với hoa cỏ của ông. Con Lẹ từng bị ông đánh đòn là vì đã nghịch làm hư mấy nụ hoa sứ. Cả khi ông sắp chết, ông cũng còn nhắc tới chậu sứ của ông hơn là má con nó. Nó nghe lòng hờn dỗi trỗi dậy. Nhưng bây giờ, nó muốn gọi ba nó sống lại để đánh cho mông nó biết đau hơn là ngồi không đau mông mà đau lòng. Chân con Lẹ đụng chậu sứ. Một cái hoa vừa rụng xuống theo chân. Con Lẹ sợ hồn ba nhìn thấy xót lòng nên nhặt cái hoa lên để trên những hoa khác. Nó xoay cái chậu ra chỗ nắng. Tiếng tụng kinh vẳng lại. Nó thẩn thờ lấy cây thước của ba gõ xuống nền “lịch kịch” theo tiếng thầy tụng cho đỡ buồn. Nó chợt tỉnh hẳn khi thấy mấy viên đá dưới chậu có tiếng kêu đục hơn chỗ khác. Nó gõ liên tù tì và thử nhiều lần. Nó chờ trưa má đi dạy về mới thầm thì với má:

– Con nghĩ ba cất cái gì ở dưới chậu hoa sứ. Lúc ba mất có nhắc con chậu sứ này.

– ???

Má nó nhìn con gái. Chị không còn đầu óc mà nghe con gái nói gì? Nhưng con Lẹ một hai đẩy má phải đi khiến chị uể oải theo con. Hai má con thử hết các cục đá hoa trong khu cấm địa rồi lấy xà beng nậy từng cục đá lên. Con Lẹ đào đất, nó phát hiện:

– Đây nè, má!

Người mẹ đỡ cái hộp. Chị nói với con:

– Mang vào nhà mở cho nội coi ba hay nội cất cái gì ở đây?

Bà nội lắc đầu khi nhìn thấy cái hộp:

– Mẹ không có cái gì chôn giấu hết. Chắc của thằng Năm.

Bà vừa chảy nước mắt, vừa mở cái hộp. Không ai tin ở mắt mình: 5 cây vàng ròng 9999 và hơn chục chiếc nhẫn vàng ta với 1 lá thư. Con Lẹ mở thư cho má: “Má con Lắm, con Lẹ! Đây là của hồi môn cho con Lắm, con Lẹ và cho gia đình mình! Đừng cho mẹ nuôi heo và đừng cho con đi bán hột vịt nữa bà ạ. Sát sanh hại vật lắm. Bà cũng cần trọng mặt mũi giáo viên một chút. Hộp này sẽ mở khi sinh nhật thứ 18 của con Lẹ vào ngày 12 tháng 12 năm 2012”.

Má con Lẹ thẩn thờ. Đây là tất cả những gì mà thầy bói của chị nói mấy năm nay sao? Người chồng mà chị nghĩ đã “hết thuốc chữa” đây sao? Chị đâm ra giận ông thầy bói đoán bừa thiếu chút nữa, chị không chịu được làm to chuyện là hỏng xôi. Chị không biết có ai ngồi chửi rủa cái nghề bói ra ma của chồng mình kh ông? Chuyện vui chưa phải là túi vàng mà tấm lòng vàng của chồng. Ông có gái nào đâu? Bà nội nghĩ tới thằng con trai xấu số có hiếu để. Con Lẹ lặng đi vì ba không quên ngày sinh nhật của mình. Ba người cùng bật khóc. Gói vàng nằm yên trong cái hộp. Nó lạnh lùng với hai chữ “Đại Hung” và “Đại Kiết”. Còn cái chậu sứ? Nó vô tư với 1 trong 1001 cái chết của con người./.

Tháng 11/20/2011
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button