KHI VỢ LÀ Ó MA LAI
Trời đang dọn đường cho mùa thu giăng mây. Chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Korean Air từ phi trường O’Hare chạy lấy đà và tung cánh lên không trong thời tiết đẹp như mơ của mùa hè chuyển thu lý tưởng.. Những tòa nhà, những con đường, những khu phố thu gọn trong lòng bàn tay rồi biến mất dưới màn mây trắng phủ dày. Chuyến du lịch đổi không khí của hai cha con bắt đầu.
Người cha già nhìn con trai. Ông thấy mặt mày thằng Cu nhăn nhúm như khỉ ăn ớt khi khay thức ăn trên máy bay được các cô tiếp viên xinh đẹp đưa tới. Người cha không nói gì. Ông nghĩ bụng: “Nó vẫn giữ bản mặt chàu quạu. Chuyện gì tới cũng đã tới. Không ăn thì nhịn đói. Thà thử ăn cho biết cái gì là ‘một gói khi no’ “. Người cha nhủ thầm và ông lẳng lặng nhâm nhi khẩu phần “gà công nghiệp” của mình. Máy bay ù ù rời khỏi bầu trời nước Mỹ và bay qua biển Thái Bình Dương được màn hình ghi lại trên bản đồ. Nó lắc như những cơn dư âm địa chấn dưới 3 độ Richter. Khay thức ăn của hành khách rung rinh như răng bà già sắp rụng. Ly nước cam sóng sánh đặt trong khay chực đổ ra ngoài. Những tiếp viên hàng không chao tới, chao lui chực ngả bổ ngửa lên hành khách. Nhưng như một phép lạ, mọi thứ vẫn y nguyên. Hình như, các kỹ sư hàng không đã nghiên cứu kỹ lưỡng độ lắc của máy bay khi đi vào vùng có gió mạnh và đã đâu đó dự phòng. Người cha chìa cái tách không bằng nhựa để cô tiếp viên rót vào đó thứ nước vàng xanh óng ánh. Trà xanh chống mỡ tuyệt diệu đó mà. Người cha nghe nói vậy chứ ông chả thiết tha gì tới ba thứ quảng cáo. Ông ngụm một ngụm rồi nhìn qua thằng con. Mặt nó vẫn nhăn như khỉ ăn ớt. Thấy bố nhìn như ra hiệu cho nó ăn, nó đau khổ:
– Nuốt không nổi, bố!
Người bố mỉm hất hàm:
– Nuốt không vô cũng nuốt! Thức ăn là cha thuốc bổ. Thử ăn sẽ quen. Tụi bây đi máy bay như đi chợ mà nói không nuốt nổi thức ăn của người Á Châu cho người ta cười à?
Thằng Cu vớt vát:
– Giá mà có đĩa rau muống chiên hay bông bí xào tỏi như mẹ thường nấu thì hay quá!
– Lấy vợ mà cứ phải cầu viện mẹ nấu cho ăn à? Ăn đi!
Cậu con trai chép miệng. Nó để nguyên khay thức ăn và đưa microphone và tai trong khi con mắt dán vào màn hình trước mặt. Nó coi Kungfu Panda tập 2 mà nghĩ tới đứa con gái hơn 1 tuổi của nó… “Đúng là một xâu chuỗi bẫy sập mà mình ngu ngốc mắc phải”. Bộ não thằng Cu đang quay về background…
*
Ngày nó lấy con Mắm mà con Mắm đã đi dạng kết hôn giả, mặc cho gia đình cô, dì phản đối, nó quyết lấy cho bằng được. Người dì phân tích:
– Con nghĩ coi? Ai đâu con gái nhà lành mà đòi chiếc nhẫn hột soàn 12 ngàn đô với lời giải thích lộ sự tính toán sơ hở là “để sau này, chồng có bỏ thì bán nhẫn nuôi con“? Trời ơi! Chưa chi đã nghĩ chuyện “nắm cán dao”. Lời nói xui xẻo. Dự tính bạc tiền. Nghĩa nhân hời hợt. Hột xoàn ở Mỹ mua rồi bán ra được mấy đồng? Nuôi con tính tới bạc triệu đô chứ 12 ngàn có mua tả lót chưa đủ huống hồ… Bỏ đi con! Mày lấy nó coi chừng có ngày hối hận đa!
Bà mẹ chồng lúc nào cũng phản đối quyết liệt:
– Con mà lấy nó, mẹ chặt đứt ngón tay mẹ cho con coi!
Con em gái gạt:
– Bà chuyên môn thề mắc thắc dối!
Người dì khác gỡ rối khi thấy gia đình con em căng thẳng như trái bong bóng:
– Tụi nó thương đâu cho chúng lấy đó. Biết đâu sau này nó đổi tâm tính.
Người dì khác vốn “dại nhà” nhưng “khôn chợ” buông câu thần chú:
– Non sông dễ dời. Bản tính khó đổi. Chống mắt coi đi! Hối không kịp!
Người bố thường ít khi là người quyết định trong nhà cũng không tán thành cuộc hôn nhân vốn đã gây nhiều phiền phức, tiếng tăm cho phía nhà ông, cũng lên tiếng:
– Con này không hiền đâu. Cứ để cho nó về bên dòng họ nó đi. Con khi gặp nó cũng phải đề phòng coi chừng nó “đơn đao” một phát đứt đầu con à!
Mọi người đang bực cũng phì cười. Thằng Cư ừ à trước mặt cho yên lòng mọi người nhưng sau đó, con Mắm chẳng biết giở chiêu gì mà hôm sau, nó quay kim đồng hồ ngược 180 độ. Thằng Cu cương quyết một hai ba bốn là phải theo con nhỏ có bầu sắp tới ngày “khai hoa nở nhụy” với lý do trời biết là yêu thương thật lòng hay sợ con vợ chưa cưới… cứa cổ nó? Con nhỏ ấy đã từng… cứa tay hủy hoại thân thể chính nó để… hù thằng bồ mặt còn búng ra sữa. “Nó dám cứa tay nó thì dám cứa cổ mình lắm chứ”. Thằng Cu sợ bị cứa cổ ít mà thương cái sinh linh có nhịp tim đập thình thịch trên màn hình khi siêu âm đến nao lòng mỗi khi chở con nhỏ đi bác sĩ sản khoa. Thương con, đó cũng chính là tình phụ tử của nhân loài mà. Thằng Cu quyết định năn nỉ, ỉ ôi mẹ rước con Mắm về nhà. Người ta thấy lóng tay trên bàn tay của người mẹ còn nguyên. Mọi chuyện đâu đã vào đấy. Đùng một cái, cái két sắt của mẹ thằng Cu mới lấy từ nhà bank về để chuẩn bị về Việt Nam đầu tư, không cánh mà bay khiến gia đình bà một phen hưởng bão táp cấp đại. Tội nghiệp thằng Khánh, hàng xóm bên kia đường cách năm bảy căn nhà bị đổ thừa tới tấp mặt mày. Mọi chuyện động đất và sóng thần trong gia đình thằng Cu cũng qua đi và một đám cưới linh đình giữa thằng Cu và con nhỏ đòi chiếc nhẫn cưới 12 ngàn đô vẫn diễn ra nói như Việt Nam là “thành công tốt đẹp”. Đứa con gái 5 tháng tuổi giống mẹ như đúc của chúng nó được cưng như trứng đành tạm giấu ở nhà hàng xóm. Cho đến hôm nay khi “giấy không gói được lửa” và “cây kim trong bọc có ngày lòi ra“, con Mắm chẳng biết nghĩ sao mà… bỏ chồng để mang tiếng “Đồ thủ đoạn!”. Bao nhiêu thành ngữ Việt Nam được mẹ chồng áp dụng ngay:
– Đúng là “cháy nhà ra mặt chuột”. Đúng là “nuôi ông tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. “Phòng kẻ trộm thì dễ, phòng dâu – rể khó phòng”.
– Thật là con đàn bà chằn tinh, ó ma lai rút ruột!
Thằng Cu đóng nhà bank khi đồng tiền của nó cuối cùng bị rút sạch bởi con vợ “ó ma lai”. Nó bị con vợ “đá giò lái” khi trắng tay trắng mắt. Ngay cả căn nhà vợ nó mua, thằng Cu cũng bị gạt tên khỏi “liên danh” chủ nhà. Mẹ nó bây giờ mới “qua cơn mơ”. Bà mở banh mắt nai nhìn con dâu rút ruột thằng con trai yêu qúy của bà mà lòng tam bành nổi lửa. Bà tru tréo với cô em gái:
– Tao bấy lâu nói tốt cho nó chứ nó nào có nấu cơm, nấu nước gì cho nhà chồng! Thậm chí cha chồng còn phải đi rửa chén hầu con dâu nữa là. Tao không ăn cá đồng mà nó cứ mỗi cá đồng kho tiêu, làm sao tao dám ăn? Tao không có con gái nên cưới con dâu, có cháu nội gái, tao không cưng chìu nó, ai vào đây cưng với chìu?
Người em gái tỉnh bơ:
– Bà nói tốt cho con dâu, cho suôi gia, ai chẳng biết nhưng cho chừa bà! Cái tội trắng đen không biết phân minh. 49 gặp 51 là vừa. Ai nói bà cũng không nghe! Khuyên bà, bà bác! Vở hát “mất két sắt đựng tiền” của bà, người ngoài cuộc nghe qua là đã biết ai trong nhà bà là đạo diễn kiêm diễn viên đó mà. Hàng phi pháp trên online mà nó cũng dám… chơi khiến gia đình anh chị em bà mắc oan lộn xộn sao nó không dám “cuỗm” két sắt của bà? Bà nghe lời nó nay đuổi thợ này, mai đuổi thợ khác dù cho đó là em ruột của bà, bà cũng “trảm”. Bà thủ đoạn thì nó… thủ đòn chờ xuất chiêu cho bà tan nhà bại sản cho bà chừa cái miệng bô bô… đại hạ giá nó khi chưa cưới. Nó không trả thù bà kể cũng lạ. Bà sáng mắt, sáng lòng ra chưa hả? Bà ky cóp đầu này, tính toán đầu khác thì để lần này bà bị tổ trác cũng cho chừa! Không cho ai ăn, con dâu bà nó ăn vậy!
Bà mẹ chồng nghe con em đổ dầu vào lửa mà… nhột. Bà banh đầu trâu, moi óc khỉ để nghĩ phương cách “giải tử huyệt” đang bị con dâu bất ngờ điểm trúng. Bà nghe em bà nói mát mẻ như nhùi giẻ cột miệng bà. Bà hừ trong họng: “Để coi mèo cắn mỉu nào”.
Bên căn nhà màu xám như chùa Bà Đanh kia có hai người đàn bà đang ngồi trút bầu tâm sự:
– Con kiện thắng là cái chắc vì con thuộc dạng single moms. Con với nó không có hôn thú nên con có quyền bắt con, có quyền bắt nó Child Support. Căn nhà con mua dưới 100 ngàn đô chẳng ai bươi móc gì. Nhưng con phải nên ngồi lại với nó để bàn thảo vấn đề nuôi con. Thương là thương con bé. Tội là tội đứa trẻ. Tụi bây thì bỏ hay lấy cũng không sao nhưng có con rồi phải nghĩ tới đứa bé trước.
Con Mắm tỏ vẻ ngoan ngoãn:
– Dạ.
Nhưng hai vợ chồng nó chẳng ký được công ước nào. Thằng Cu mang sữa, tả lót cho con, con vợ nhận nhưng rồi đem quẳng lại nhà. Thằng Cu lên thăm con ở nhà trẻ cũng bị con vợ gọi cảnh sát khiến cho chuyện tiểu hóa đại. Sau khi tham khảo ý kiến của người dì bênh nó, con Mắm rất ngoan. Thế nhưng khi nó gọi điện thoại cho mẹ nó ở Việt Nam, nó cười gằn:
– Con chỉ hỏi ý kiến thế thôi chứ con làm theo ý con mẹ ạ.
– Mẹ biết tính mày qúa rồi. Mày dám tự làm hồ sơ kết hôn giả để đi Mỹ còn được mà. Mày chẳng bao giờ nghe lời ai. Lúc mày đòi chết, đòi sống cưới nó, cắt tay cắt chân, mẹ đã hết lời khuyên mày bỏ đi mà mày không nghe. Mẹ banh da xẻ thịt đẻ mày ra nhưng mày có nghe mẹ đâu. Bây giờ, bỏ chồng thì gọi mẹ thưa thốt. Sao không nghe lời mẹ bỏ sớm cho đỡ khổ?
– Nghe sao được! Con phải sinh con, con gái nữa. Nhà ông Cu không có con gái, con nói gì sao họ không theo. Mẹ thấy chưa, bà mẹ ông Cu không chịu mua nhẫn rồi cũng mua. Không cưới rồi cũng cưới. Không cho ra riêng, con cũng ra. Không cho mua tiệm, con cũng mua. Không cho ông Cu đứng tên nhà, ai làm gì được con? Tưởng bả giàu, ai dè le le có mấy đồng. Ông Cu làm tiền không đủ mua game chơi. Ngu sao đeo nó!
– Sao mày biết nhà người ta của ăn, của để chỉ có mấy đồng?
Chừng như nói hớ, con Mắm quay qua chuyện khác:
– Con tính hết rồi mẹ. Con có được nhà, được con, được chính phủ giúp.
– Mày giỏi lắm! Mày liệu hồn làm sao thì làm chứ lấy thằng không có bờ vai để dựa, hở chút là nó về mét mẹ như mày nói làm sao đủ che chở đời con?
– Mẹ không biết bên đất Mỹ “Lady Frist” mà.
– Phớt cái gì mà phớt. Mày có lỗi, có tội, họ cũng cùm đầu mày đó thôi!
– Cùm thế nào mà cùm! Thôi mẹ nghỉ đi!
Chờ cho con gái “lắc xí ngầu” ngày xưa tắt phôn. Bà ta mở máy và rót lời… vàng khè vào tai người phải chịu nghe:
– Bà biết không? Con Mắm nó nói gia đình bà nhà chồng nó ỷ đông ức hiếp. Tui ngày trước bảo nó đừng lấy thằng nước da xanh mét, tướng gầy đét như cây sậy đó đi. Bên Việt Nam thiếu gì thằng mà không lấy, chạy tận Mỹ lấy thằng khố rách áo ôm, trên răng dưới dái, đầu toàn cức không. Mà cái gia đình đó là người miền Trung. Người miền Trung tính toán, thủ đoạn lắm…
– Chị dừng lại chỗ này! Người miền nào cũng có người. Đừng nên “Vơ cả nắm” mà “Bứt dây động rừng”. “Vuốt mắt phải nể mũi” đó chị!
Bà mẹ con Mắm giả lơ, đánh xe sang đường khác:
– Tui bảo con Mắm đi học tiếp đi, mẹ gởi tiền qua cho. Học gì học đừng làm nail. Cái nghề đó mà ra hồn gì, bẩn thỉu…
– Chị dừng lại chỗ này! Con gái chị qua đây, ăn gì, ở đâu, tiền đâu xài, qùa cáp của chị cũng từ tiền gì mà ra? Tiền từ nghề nail đó chị. Người Việt Nam mình ở Mỹ, không có cái nghề này hả, chết mẹ 3/4 rồi. Chị nên uốn lưỡi trước khi khinh bỉ một nghề nào à. Còn chuyện con Mắm, tôi nói thế này: Nó không thương thằng Cu với lý do thằng Cu chơi game, làm income không cao tức không tiền, dốt đặt thì bỏ. Bỏ đi để kiếm thằng nào đủ tiêu chuẩn mà lấy. Nhưng tôi cũng nói thật với chị một điều: Nếu con Mắm mà học lấy được bằng chỉ 2 năm ở đại học cộng đồng như C.O.D thôi chẳng hạn, tôi đi đầu xuống đất. Nó ôm con, đồng ý chính phủ trợ cấp Food tem, Medicare… nhưng 500 – 600 đô một tháng có đủ cho 2 mẹ con nó ăn không? Đang đi học, con bệnh, ai lo? Còn nữa nhá! Con Mắm thi bằng viết tiếng Anh chưa đậu, học làm sao mà chê thằng Cu dốt đặt cán mai? Bằng giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam qua đây chưa đủ trình độ tiếng Mỹ còn vứt huống hồ bằng đại học của con Mắm ở Việt Nam. Vào Mỹ, nói không thông, viết không thạo tiếng người ta, học làm cha thiên hạ à? Còn nữa nè. Bốn tay chân cũng hơn hai tay chân chứ. Bây giờ, con Mắm ôm con, đi làm được mấy đồng mà chê chồng làm lương ít! Vậy hồi trước chắc con Mắm lấy chồng là nhắm vào gia tài người ta à? Yêu thật, ai lại bỏ tiền vào đấy mà so như so dây đàn?
Nghe đầu dây kia bỏ bom bi, mẹ con Mắm im bặt. Sau đó, cả hai không ai nói câu nào. Người đầu dây bên kia tắt phôn, chửi:
– Bà mẹ! Thuở nào nay, có ai chửi mà dám chửi cả dân miền Trung. Thật đúng là đồ vô học! “Khi ghét qủa bồ hòn cũng méo“! Nói thằng Cu hễ chút là mét mẹ còn con gái bà không hễ chút mách với bà? Con bà, bà biết bà bênh, con người, bà khạc, bà rinh xuống bùn? Thấy gớm cho con mẹ…
Thiếu chút nữa, chị ta phang câu “Nhứt lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún” nhưng chị kịp im cái mồm kẻo tự chửi mình “vô văn hóa” luôn! Chị bấm phôn gọi mẹ thằng Cu:
– Bà cẩn thận nghen. Mẹ nó nói với tui là con bả chuẩn bị cho gia đình bà phá sản luôn đó.
– Phá sản làm sao? Tao khai thuế và đóng thuế đầy đủ mà sợ gì?
– Bà không sợ thật à. Giống như An Dương Vương cười Triệu Đà không sợ nỏ thần của ta ư? Nhưng bà mà là An Dương Vương thì xấu hổ cho ông ta qúa. Nó hỏi số an ninh xã hội của bà. Khi có số đó, nó lấy thông tin bà apply xin thẻ tín dụng. Nó xài trên tên của bà. Bà không trả nổi thì… bankruptcy không phải phá sản là gì à? Bà chủ quan tập mấy rồi bà… quại (ngoại)? Tui chỉ cảnh báo cho bà lời suôi gia “tốt bụng” của bà cảnh báo bà thôi à. Còn bà có bùa hộ mệnh như thế nào, bà tự lo liệu. Cái két sắt bà, ai lấy?
– Con qủy đó lấy chứ ai?
– Ụa? Không phải bà một hai khẳng định với cảnh sát là thằng Khánh lấy sao?
– Mày!
– Mày sao? Mày nói… y như thần phải hông?
Hai chị em cười chảy nước mũi trên phôn! Thằng Cu nghe mẹ cười khốn khổ mà cay đôi mắt. Nó nhớ lại đêm nó đi làm nhà về, cái nhà mà con vợ nó gạch tên chủ sở hữu của nó ra mà nó không biết, không có gì ăn, nó chạy ra MacDonald mua cái bánh mì chưa nuốt xuống cổ, con vợ đi chơi hàng xóm về, đẩy cửa cái… đùng: “Tui và ông ly dị” và mày tao mi tớ với chồng. Trời hỡi! “Trời đánh tránh bữa ăn”. Con vợ nó còn hơn cả trời nên mới… đánh nó khi nó đang ăn. Nước mắt leo xuống mặt, thằng Cu đứng dậy lặng lẽ bỏ về nhà mẹ. Đứa con gái bé bỏng nhìn theo cha và chồm mình tới nhưng mẹ nó giữ chặt con bé, bửu bối thần của cô ta. Đêm đó, lòng thằng Cu… mưa tràn biển Bắc!
*
Máy bay không chao đảo nữa, lệnh cài dây an toàn được bỏ nhưng nhân viên tổng tài vẫn yêu cầu hành khách cài dây an toàn suốt chuyến bay. Thằng Cu buồn tay nên lấy bản hướng dẫn hành khách đi máy bay ra đọc. Nó sợ khi nhiệt độ hạ, áp suất trong buồng giảm, không biết sử dụng mặt nạ dưỡng khí thì tiêu đời. Còn nữa, khi máy bay buộc hạ cánh trên biển, không biết giật phồng túi phao làm sao tự cứu lấy mình để thoát ra cửa bảo hiểm? Nghe nhàm nhưng khi đụng chuyện mới biết tầm quan trọng của mọi thao tác hướng dẫn. “Tự cứu lấy mình? Hay qúa!”. Thằng Cu sáng mắt. Nó chẳng phải người đang gần chết đuối trên biển chờ phao cứu hộ hay sao? Thoát hiểm phải ra cửa gần nhất chứ? Phải bỏ hết đồ đạc, tư trang qúy giá mà chạy lấy thân chứ! Muốn hôm nay không còn bản mặt đưa đám, hãy bỏ hết mọi thứ “qúy giá” đi. “Đứa con gái! Phải! Nếu mẹ nó muốn bắt, cứ để mẹ nó toại nguyện. Giành giật quyền nuôi dưỡng làm gì cho lắm chuyện tòa, chuyện luật sư ra. Khốn nổi, con mẹ nó dám trơ trẽn trả lời “I’m not sure.” khi quan tòa hỏi rằng cha của đứa bé là ai? Thật là câu trả lời mất nết! Nó lấy con bé ra làm bùa hộ mệnh thì mình coi như không cần lá bùa này mới phá nổi âm mưu thâm hiểm chia tách tình phụ tử và thâm tình gia đình nhà nội của con vợ trời đánh.” Thằng Cu ngồi thẳng lên một chút. Nó biết nó phải làm gì để bố nó không đau lòng khi thấy nó đưa bộ mặt khỉ ăn ớt chường ra trước mắt ông. Nó hình dung, cô vợ ó ma lai sẽ khựng lại và đứt chớn khi nó tuyên bố với luật sư để trình trước tòa rằng: Thân chủ của ông ta, Trần Văn Cu, không giành quyền nuôi dưỡng hay bắt con nữa. Thử hỏi, con vợ bỏ chồng kia không phải “phá sản” vì đang chạy đua chương trình mang đứa con gái hơn 1 tuổi ra nhử bẫy gia đình chồng hay sao? Nó tức chắc điên! Phải cho nó biết con vợ bỏ chồng vì chồng không làm ra nhiều tiền và ham chơi game sẽ nhận bản án nào thích đáng hơn là cuộc chơi bị dừng nửa chừng. Tức hơn bò đá! Chồng chơi game cũng không bằng vợ mê shopping như con Mắm.
Bữa ăn đêm lại được bày ra trước khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất 3 tiếng. Con vợ ó ma lai không ngờ rằng, năm tới, thằng Cu sẽ ra trường với bằng Dược sĩ. Bây giờ, hai cha con sắp sửa thăm lại những cơ sở, đất đai được gầy dựng ở Việt Nam mà con vợ ó ma lai chưa biết. Nếu nó biết, nó sẽ chẳng ngu gì ly dị thằng chồng “khố rách áo ôm” sớm vậy. Nhưng trong cuộc hôn nhân vì tiền, trước sau gì cũng bỏ nhau khi một trong hai người có kẻ chỉ sống bằng tiền. Thứ vợ sống bằng tiền này, cho không cũng không dám lấy huống hồ sống chung? Thế gian này, đâu phải chỉ có mỗi loại người sống bằng tiền chứ! Thằng Cu tươi nét mặt. Người bố tròn mắt khi thấy thằng Cu… quất sạch mọi thứ trong khay thức ăn… “gà công nghiệp”./.
Tháng 8/26/2011
Ngọc Thiên Hoa