PHÊ BÌNH

BÀI THƠ PHỈ BÁNG CÓ MỘT TƯ TƯỞNG CŨ KỸ

Phê bình Bài thơ phỉ báng có một tư tưởng cũ kỹ

Trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (Nxb HNV – 2005) và trong bản copy cuốn nhật ký viết tay của Trâm (Đại học TECT, Texas, USA), Đặng Thùy Trâm có ghi một bài thơ không tên của mình. Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” (Nxb TN – 2004), Nguyễn Văn Thạc cũng để lại cho đời một bài thơ. Đó là những bài thơ có giá trị như một chứng nhân lịch sử giữa thời kỳ khói lửa. Nội dung của nó ca ngợi về con người đấu tranh cách mạng có một tình yêu riêng tư được ẩn bóng dưới lý tưởng “Đảng và Bác Hồ” tràn đầy tinh thần yêu nước.

Gần đây, một bài thơ có tên: “Sinh viên xa xứ” xuất hiện trên web site.danchimviet.com của một tác giả tự nhận mình là: “Sinh viên yêu nước” trả lời bài viết của Trần Trung Đạo: “Từ ‘Thép đã tôi thế đấy’ đến ‘Nhật ký Đặng Thùy Trâm’ – Những ước mơ bị phản bội”.Bài thơ này liên quan trực tiếp đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và ở Mỹ nói riêng. Tác động của nó ra sao? Chúng ta cần tìm hiểu để nhìn lại người và nhìn lại mình!

SINH VIÊN XA XỨ

Hôm nay xa tổ quốc,

Lòng ta vẫn đinh ninh,

Tư tưởng Hồ Chí Minh,

Vẫn muôn đời tỏa sáng

Ta vẫn tin tưởng đảng,

Vẫn yêu quý Bác Hồ,

Lũ vit kiều vong nô,

Chỉ là bầy vong quốc.

Ta ngẩng đầu, ta bước

Ta thẳng lưng, ta đi.

Mặc lũ ngụy sống qùy

Mãi muôn đời, muôn kiếp…

(Sinh viên yêu nước)

I. PHÂN TÍCH BÀI THƠ:

Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ bốn câu, được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt. Bài thơ không chia bố cục được vì nội dung dính chùm có hai ý rõ rệt:

– Lòng tự hào có Bác, có Đảng (như Đặng Thùy Trâm, như các anh hùng, chiến sĩ khác của chủ nghĩa xã hội thời chiến).

– Thái độ thù địch, khinh miệt những người Việt hải ngoại và những kẻ đã thất trận.

1. Lòng tự hào có Bác có Đảng:

Đầu đề bài thơ cho ta thấy đây là một “sinh viên xa xứ”:

Hôm nay xa tổ quốc

Lòng ta vẫn đinh ninh,

Hai câu đầy đủ cấu trúc cụm chủ vị có trạng ngữ chỉ thời gian đầu câu “hôm nay“, phân biệt với hôm qua, hôm kia, hôm nọ mang tính chất chung chung. Thời gian chỉ hiện tại đích xác như dừng lại với lời thông báo: Tôi đang xa tổ quốc. Từ “tổ quốc” thiêng liêng này được tác giả sử dụng trân trọng. Xem ra, không có gì khác thường ở câu thơ mở đầu thông báo ngữ cảnh. Tức là người làm thơ mới xa đất nước mà thôi. Vậy, đây là đất nước nào? Người này xa tổ quốc vì lý do nào? Vượt biên? Chính trị? Trục xuất? Diện đoàn tụ ODP? Diện con lai? Diện HO? Diện HR? Hôn thê? Hồi hương?

Dù ra đi với bất cứ lý do nào thì tâm lý con người khi đi xa là luôn luôn khoắc khoải nhớ về đất nước.

Trong “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên đã khắc họa được tâm trạng thao thức này của Bác:

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!

Tác giả bài thơ này cũng đang xa nước và kẻ này dẫn dắt chúng ta chìm vào ”tấm lòng nhung nhớ” của nhân vật dùng đại từ xưng hô“ta” ở đây qua câu thơ thứ nhì: “Lòng ta vẫn đinh ninh”

Tấm lòng chắc như đinh đóng cột này đang nhớ về đâu? Về tổ quốc như Trần Mạnh Hảo (trong thời gian ở Liên Xô?) với bài thơ “Đêm phương Bắc nhớ về tổ quốc” chăng?:

Đêm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất

Đêm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu

Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất

Tổ quốc, xin Người đánh thức cả niềm đau.

Nỗi nhớ tổ quốc của Trần Mạnh Hảo được khơi nguồn từ khi tác giả nghe tiếng hát từ đất nước vọng ra, từ than tro “mầm lửa mạ hoen màu” của bếp lửa nới xứ xa gợi nhớ bếp quê nhà đưa lại. Nỗi nhớ vượt lên ngàn nỗi nhớ theo gió bấc về khơi ánh mặt trời. Hình ảnh dùng đắt với những sự vật, màu sắc, thiên nhiên đánh động hồn người để cuối cùng chốt lại “đánh thức niềm đau”! Là cái gì? Cái nghèo khốn khó của cây đa đầu đình, con sông bến chợ; là cái đau của những gì chưa được thiện chung trên quê hương; là cái buồn thân phận con người thèm tự do, khát trí tuệ.

Trong bài thơ trên của một kẻ cũng xa tổ quốc, cũng mang lòng nhớ và cuối cùng, người này chẳng mượn hơi gió đánh đưa cõi lòng, chẳng vay mây trời thêu thắt nhớ nhung. Người này nhanh nhẹn hơn, chắc nịch hơn vớ… khẩu súng lục bắn phát một: Thì ra người này không có cái nhớ đất nước như Nguyễn Đình Thi “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, chẳng mang tấm lòng “Anh đi, anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” trong ca dao và nào có thiết tha gì với “mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con… ” của Phạm Duy. Người xa xứ này “dũng cảm” hơn Đặng Thùy Trâm, “chí khí” hơn Nguyễn Văn Thạc với một tấm lòng ”trơ như đá cẩm thạch“: Không tình yêu, không bạn bè, không gì cả. Tất cả chỉ còn là tấm lòng đinh ninh với:

Tư tưởng Hồ Chí Minh,

Vẫn muôn đời tỏa sáng

Ố mẹ ơi! Lại là một người đệ tử trung thành với Bác Hồ không còn cỡ để so sánh. Người này vác nguyên “Tư tưởng Hồ Chí Minh” ngang ngữa với “Tư tưởng Lenin”, “Tư tưởng Mao Trạch Đông” đồng thời cũng là tư tưởng của chủ nghĩa xã hội chỉ còn cái tên gọi (mang dư vị một thời kỳ cách mạng thắng lợi về chính trị, quân sự nhưng nghiêng ngã với kinh tế và súy té nhào theo hệ thống xã hội chủ nghĩa là Liên Xô tan rã năm 1991) vào thơ! Thơm tho thật!

Như vậy, thích lên mặt, khắc trong lòng “tư tưởng Hồ Chí Minh”, người này đã gián tiếp cho chúng ta thấy đó là một nhân vật được đào tạo chính quy dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tân tiến đã là thành viên thứ 150 của WTO-Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Orgarization) vào ngày 7/11/06. Hẳn người xưng “ta” này không từ các trường Đảng, cũng từ các Khoa Mac-Le của hệ thống đại học về chính trị để đào tạo chuyên viên chính trị. Tất nhiên, những vị này phải có lý lịch trong như ngọc, trắng như ngà. Họ không là con cháu của các Thượng thư các Bộ cũng con quan trong chín phẩm hàm với 6 cấp bậc: Vương. Công. Hầu. Bá. Tử. Nam. Còn không thì cũng phải là những thần đồng khoa học hay con những đại gia mới có tiền chi tiêu cho xuất ngoại vốn người thường nằm mơ cũng không thấy!

Ra nước ngoài làm sinh viên, làm nghiên cứu sinh là đáng khuyến khích với mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Không ít những người trẻ tuổi Việt Nam đã, đang hoàn thành những văn bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có giá trị ở nước ngoài như: Lê Anh Vinh học sinh xuất sắc với 7 xuất học bổng đang học tại Đại học New South Wales chuẩn bị sang Đại học Harvard lừng danh của Mỹ hay Ngô Bảo Châu, Giáo sư 33 tuổi đang giảng dạy tại Đại học Paris hoặc Đàm Thanh Sơn, nhà vật lý, giảng dạy ở Đại học Washington. Họ đều xuất thân từ Đại học Quốc gia Hà Nội… Họ có yêu nước hay không?

Yêu nước có nhiều kiểu: Những người trí thức chân chính trên, họ mang niềm say mê khoa học để phục vụ khoa học. Họ vẫn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học tập với các thầy cô, đồng nghiệp nước nhà về tri thức khoa học. Đó là lòng yêu nước. Họ không cần thích chữ vào mặt hay ôm lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh”, hoặc xiết chặt lấy Đảng để tỏ lòng yêu nước như người làm bài thơ này. Kiểu yêu nước nào đáng cho ta kính trọng trong thương yêu?

Trở lại thế nào là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”?

Hàng trăm cuốn sách, hàng vạn bài viết đã ca ngợi tư tưởng này. Vì sao? Người ta căn cứ vào những hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành tới Nguyễn Ái Quốc sang Hồ Chí Minh ra “Những mẩu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ” qua “Nhật ký trong tù” vào“Di chúc Hồ Chủ tịch” để đúc kết ra “Tư tưởng Hồ Chí Minh” chứ “Bác Hồ” nào đã viết thẳng đó là tư tưởng của tôi? “Tư tưởng Hồ Chí Minh” thời tranh đấu chống Pháp, Nhật là một tư tưởng đầy màu sắc nhân bản. Thời chiến tranh, người ta hy sinh cho tự do. Thời hòa bình, người ta bảo vệ cái tự do đó theo nhiều cách và hình như “tư tưởng Hồ Chí Minh” dù đã được các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể thanh niên nhắc đi, nhắc lại nhưng thực hiện chưa được như ý Người theo di chúc!

Trong bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh học với tư cách những môn khoa học”, (Văn hóa Tạp chí, ngày 4/11/06 cpv.org.vn), Hoàng Chí Bảo có ghi tóm lược lời Bác:

“Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến lên lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành..

Đó là tư tưởng mà cũng đồng thời là chỉ dẫn phương pháp. Đó và phương pháp mà đồng thời cũng và phong cách Hồ Chí Minh”.

Tác giả nhắc lại lời nói của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước được độc lập, tự do, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Doãn Tá trong bài: “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh-tư tưởng bất diệt” (vnn.vn) nhắc lại: “Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là:

“1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc

3. Làm cho dân có chỗ ở..

4. Làm cho dân có học hành”.

Thiết nghĩ đó cũng là những “hiểu biết” sơ đẳng khi “lý luận” về tư tưởng này.

Nếu đó là thực chất của tư tưởng trên, tác giả bài thơ ôm lấy làm chỗ dựa cho mình trong quá trình ra nước ngoài để “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà trở về phục vụ đất nước thì nó cứ tự nhiên mà ”toả sáng”. Nhưng “tư tưởng Hồ Chí Minh” tỏa sáng trên sự sỉ nhục anh em, mạ lỵ hàng xóm như tác giả bài thơ trên thì tinh thần này đã… trượt vỏ chuối để lao vào khoảng không nịnh bợ, hênh hoanh mang kiểu “ngựa non háu đá”, nhóc con láo phét! Thật đáng cho người ta ghét:

Ta vẫn tin tưởng đảng,

Vẫn yêu quý Bác Hồ,

Hai câu thơ vẫn cái giọng chắc như cua gạch, vỗ ngực lạch bạch có chữ “Đảng” mình ”tin tưởng” mà viết hoa không được dù theo cách viết hoa những danh từ chung, riêng theo quy tắc ngữ pháp phổ cập! Cẩu thả câu chữ. Sử dụng phẩy liên tục vô tội vạ như là con trâu bừa lạc đường cày trên ruộng xạ, như hèn sĩ quèn tập làm thơ a dua, như con Cú vọ học hót tiếng Sơn Ca. Sao mà ngân nga tin Đảng, sao mà yêu quý Bác Hồ?

Tin Đảng, yêu Bác thì hãy ráng mà học cho xong cái bằng cấp nước ngoài sáng chói: “Doctorate Degree” hay “PhD Degree” nước ngoài mang về hù mấy kẻ sính đồ mới, khoái mã ngoại. Yêu Bác, tin Đảng mà đi rêu rao tư tưởng lệch lạc của người ta thì không thằng phản nước thì cũng thứ hại nòi.

 

2. Thái độ thù địch, khinh miệt Việt kiều, mạ lỵ kẻ thất trận:

Lũ vit kiều vong nô,

Chỉ là bầy vong quốc.

Hai câu thơ người này thảy vào mặt cho những người Việt hải ngoại mà ông tổ Lạc Long Quân – Âu Cơ có sống dậy cũng chẳng thể mạ lỵ. Hai câu ví von tức cười này không cần đếm xỉa cái “Tôi”, cái tự trọng của cộng đồng Việt Nam hải ngoại và… chà nát bấy “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà “toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân ta ra sức học tập”. Lời kêu gọi này từ Đại hội Đảng VI cho đến nay dù đổi mới tư tưởng gì thì đổi chứ tư tưởng này bất di, bất dịch. Tư tưởng tốt đẹp nhân bản như thế này, người Mỹ nằm mơ cũng không thấy rớt xuống cho cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nói gì đến nước khác!

“Vit kiều” là chi? Việt kiều là gì? Việt kiều còn gọi là người Việt Nam sống ở hải ngoại. Hiện nay có khoảng ba triệu người Việt rải rác trên hơn một trăm quốc gia và Mỹ đông nhất với con số một phần hai tổng số dân. Bỗng đâu, gần ba triệu người này trở thành lũ ”vit kiều”. Con vịt không có dấu nặng ở đít hay người làm thơ gõ nhanh, không kiểm tra lỗi thông thường? Ẩu tập hai sau từ Đảng không viết hoa. “Lũ vit kiều” (khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc) này được mắng yêu là “vong nô“, được nựng yêu là “vong quốc”!

Chết chửa! Chắc tác giả ảnh hưởng cuốn “Việt Nam vong quốc sử” của cụ Phan Bội Châu hay “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên nên người ”có nô” này lý luận sử Việt Nam còn chép Việt Nam vong quốc – không có đất nước thì ”lũ vit kiều” làm gì có nước? “Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương” thì người hải ngoại làm gì có quê? Như thế là ông bà, cha mẹ, tổ tiên dòng họ từ Lạc Long Quân – Âu Cơ đến đời ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng bây giờ cũng… chung thuyền vong quốc! Còn con ông, cháu cha hay ba triệu “vit kiều” cũng chôn chung một lổ “vong nô” – thứ nô lệ mà bản nhạc Quốc tế ca (L’ Internationale) đã kêu gọi:“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”?

Thế là toi ”chính sách Việt kiều” ân cần, niềm nở từ thời mở cửa 1986 -1987 lúc bác Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton (William Jefferson Cliton) bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào tháng 1/1994 và ban giao hữu nghị một năm sau đó (15.07/1995). Công sức của người Việt hải ngoại… bé như con dế nên kẻ làm bài thơ này chẳng thấy trời cao cũng không thừa nhận đất dày! Cái gì gọi là “góp một bàn tay” xây dựng quê hương cũng theo cái đà này mà…chết không nhắm mắt!

Nói về từ ngữ sử dụng, tác giả quả có ”năng khiếu” khi chọn những từ ngữ của lớp không phải con người: trâu, chó, ngựa, gà, dê và heo, tức: “Lục súc tranh công” – truyện khuyết danh của Việt Nam hoặc rành thơ Tố Hữu thời đánh giặc để ám chỉ người Việt hải ngoại chẳng phải là con người. Từ ngữ nặng nề với thái độ khinh rẻ đồng bào hải ngoại là viên đạn bắn vào ngực khô Bác Hồ, là trái bom tanh thả vào Đảng Cộng sản. Nhưng “chuột chù chê khỉ thì hôi. Khỉ rằng cả họ mày thơm đấy à!”

Trong khi đó, theo News Archives: “Việt Nam đang hợp tác với Chương trình chuyển giao tri thức thông qua chuyên gia là người nước sở tại định cư ở nước ngoài(Tokten) của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc(Undp) để xây dựng đề án đưa trí thức người Việt Nam định cư ở nước ngoài về làm việc có thời hạn tại Việt Nam”. (vietnamembasse.us) với hàng loạt cái gì gọi là ”người Việt hải ngoại yêu nước, là anh em, là đồng bào”! Vậy mà kẻ làm bài thơ này ngồi không, dư mỡ, chẳng lo học hành, nhảy lên mạng, không thưởng thí nét văn hóa phương Tây thì thôi, lại còn mở lời phi văn hóa, phi tính người!

Người bình tĩnh nhất cũng ngậm miệng không được. Chí Phèo của Nam Cao bật sống dậy, mở đài: “Họ là lũ người không tổ quốc, là bầy thú nô lệ! Nếu mà thi kiểm tra trình độ nhận thức thế giới bên ngoài, mày không… rớt cái đụi là… tao làm… con mày! Mày ăn đi học nước ngoài mà mày không biết thế giới tự do người ta ra sao? Người ta không ban phát tự do cho mày đăng bài thơ này để mày thỏa ý hổn tang bồng là gì? Mày biết cái web site danchimviet.com này chứ hả? Ở trong nước, mày thử coi có cái trang báo nào, cái web site nào dám đăng những lời phỉ báng chế độ, khinh khi người Việt trong nước hàm hồ như mày đây! Mất dạy như mày đây! Mày ăn cơm nước ngoài cũng bằng thuế má của lũ người mày cho là nô lệ, mày cho là vô tổ quốc đóng hằng giờ đó con! Quân lếu láo!”.

Chửi xong, hắn chui vào trang sách liệt sĩ Nam Cao, đánh một giấc hả hê mà làm Chí Phèo mỗi năm lạn ra bài thi của học sinh để thay bậc đổi ngôi theo trí tưởng tượng phong phú của mấy em mà… cười thương xót! Văn học là thế! Nhân vật phải vậy! Sống mãi trong thế giới chửi có nghề!

Đấy! Thiên hạ khối người chửi như thế đầy mạng ra! May sao! Họ không chơi trò thử súng! Nếu không, mỗi năm đến ngày lòng man mác buồn… ngày giỗ của tác giả! Phải chăng với lời lẽ thiếu văn hoa, thừa mùi thuốc súng của đứa nhóc con, hỉ mũi chưa sạch, người Việt hải ngoại đã… cho qua? Không để mắt tới. “Con dại thì lái chịu đòn“. Nhân ái thế còn gì!

Bác Hồ, vẫn theo Lê Doãn Tá ghi lại: “Người nói “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”… Ngay cả những người đã lầm đường lạc lối, Hồ Chí Minh cũng tỏ rõ sự khoan dung, độ lượng: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ” (vnn.vn). Vậy mà, người làm bài thơ này cũng tự đắc:

Ta ngẩng đầu, ta bước

Ta thẳng lưng, ta đi.

Mặc lũ ngụy sống qùy

Mãi muôn đời, muôn kiếp…

Nếu tư thế này là tư thế những chiến sĩ ngày đêm trên trận chiến thì gọi là tư thế oai hùng “Tây tiến” của Quang Dũng, khí phách hiên ngang “Ra trận” của Tố Hữu, băng qua “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, tới “Chẳng kẻ thù nào ngăn được bước ta đi” mà ”thẳng lưng” mà ”ngẩng đầu”? Hai câu trên đối chỉnh lắm bằng điệp từ “ta” dũng mảnh vô song nhưng tư thế này không đi đối đầu với kẻ cướp nước, đi giành lại từng tấc đất cha ông từ Ải Nam Quan ra biển đông Trường Sa, Hoàng Sa như những người chiến sĩ hai miền Bắc Nam đã đổ máu mà chun ra nước ngoài, ngồi cho chai mông, ngẩn đầu cho dày mặt, để mà… chiến đấu, thách thức với người cùng chủng loại, cùng cha, cùng mẹ sinh ra? Ai ra nước ngoài cũng có niềm riêng khó giải. Người chê ta sống nô vong, nô lệ thì tới đất chủ ta để nịnh bợ hay để làm gì?

Vết thương ba mươi mốt năm còn chưa kín miệng thì kẻ tự xưng con cháu Bác Hồ tàn nhẫn khư ra. Là đoàn kết đấy sao? Là nhân bản đấy ư? Người ngay thẳng dễ mắc họa nhưng thằng nịnh bợ cũng chẳng thể sống lâu. Nó biết nịnh thì cũng biết phản đấy mà! Gọi những người thất trận là “lũ ngụy” với tư thế “sống qùy” đối với sự “thẳng lưng“, ngẩng đầu” để cười kiêu ngạo trên sự chiến bại của kẻ khác là người vô liêm sĩ. “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân mới là dáng dứng con người. Còn dáng đứng kiểu của kẻ non đức này như ông chủ với người nô lệ có phải là chủ trương, chính sách của Đảng, của Bác? “Ai chiến thắng không hề chiến bại. Ai nên khôn chẳng dại một hai lần”. Hai câu thơ triết lý sâu sắc này của Tố Hữu để nói về chân lý của sự có và không, thắng và bại mà thời năm 1969 -1970, Đặng Thùy Trâm còn hiểu thấu để vận dụng vào mình, tự an ủi mình những khi thất bại. Vậy mà, kẻ sinh sau, đẻ muộn trong thời cơm trắng, cá tươi, xế nổ, di động, vi tính lại hủ lậu đến mức chẳng phân biệt địch, thù, bạn, ta…thì sao có thể gọi là những người kế tục sự nghiệp của Bác?

Con người ta dù có rớt xuống hố thẩm cùng cực của đói nghèo, lạc hậu hay thất bại chính trường, kinh tế cũng phải biết tự đứng dậy. Mình là kẻ chiến thắng mà không đưa tay ra kéo người ta lên lại thừa cơ hội đạp người xuống sình coi chơi cho sướng mắt. Nghĩa nhân gì đấy? “Tư tưởng Hồ Chí Minh” gì đấy? Chỉ phá bỉnh chính sách của Đảng, Bác thì có. Nguyễn Hòa có câu: “các luận điệu của những kẻ đã và đang rắp tâm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quá trình hòa hợp của người Việt Nam”. Thiết nghĩ dùng cho bài thơ“Sinh viên xa xứ” này là… hợp khẩu vị.

Tổ quốc trong thơ người này đã không có bóng dáng của những người Việt kiều đang hướng về nguồn cội với cái câu bất hủ, rất ”quê hương”: Cáo chết còn quay đầu về núi” mà chỉ có những lũ vong nô, vong quốc, thân ngụy quyền cứ mãi… cuối xuống mà đi. Nghĩa là có cày nát thân mang tiền của về cho đất nước thì ”mèo vẫn hoàn mèo“, trâu cũng là trâu mà bò cũng mãi bò cho hết kiếp “sống qùy”với thân ngày vong quốc, đêm vong nô!

Không hiểu những nhà doanh nghiệp người Việt… gốc hải ngoại tháp tùng theo những nguyên thủ quốc gia dự hội nghị thượng đỉnh APEC (Pacific Economic Cooperation) đang chuẩn bị vào Việt Nam đầu tư có suy nghĩ gì? Những người đã đầu tư “vì tổ quốc đem nụ cười về quê” như Đinh Đức Hữu (Đại học tổng hợp New Orleans-Lousiana, Giám đốc công ty điều hành nhà máy điện nguyên tử của Mỹ) đã đem một lũ “vong nô, vong quốc” trở về thành lập “Công ty công nghệ Việt Nam-ATI-VN” có thấy buồn cười cho một nhận thức non kém lý luận Mac-Le, tầm thường về nhãn quang tri thức, chưa đủ đạo đức chữ Nhân? Nhạc sĩ Nguyễn Lưu đã từng phỉ báng sự chọn nơi này làm quê hương trở lại của Phạm Duy. Xem ra, người trong và ngoài nước còn nhiều điều xét lại trong tư thế bình đẵng!

 

II. KẾT:

Bài thơ ba khổ, mười hai câu thơ ngũ ngôn (4 câu phỉ báng và 8 câu ca tụng), dùng từ khá chuẩn, gieo vần giữa không chệch (đinh-Minh; Hồ-nô; đi-qùy) nhưng tréo cẳng ngỗng là từ ngữ cũng như ý tứ thơ đã dùng không đúng chỗ, đúng đối tượng thành ra khiến bài thơ có tứ đối chỉnh với ý tưởng tốt đẹp, trung thành với Đảng, Bác Hồ trở thành bài thơ phá hoại những thành quả xóa bỏ thành kiến về người Việt Nam ở nước ngoài. Nó thay vì là bài thơ truyên truyền “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì trở thành con dao hai lưỡi! Một chiêu “gậy ông đập lưng ông” bằng văn nghệ tuyên truyền không bắt nguồn từ chân lý, từ tấm lòng rộng mở đã có kết quả tai ngược ngày hôm nay! Các nhà văn thơ cách mạng không sai khi nhân định: Văn học là cũng là mặt trận. Mặt trận văn bút này trong và ngoài nước cứ bắn mực vào nhau chẳng biết đến khi nào! Khái niệm tổ quốc vì thế cũng căng thẳng thần kinh.

“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên: “Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt. Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta”đã thành tổ quốc chưa bao giờ biết khóc như hôm nay!

Hòa trong những tiếng nhạc tưng bừng gọi lên đường của Lưu Hữu Phước, trong thời kháng chiến, người ta còn hát ầm ĩ: “Tổ quốc ơi ta đã nghe” của La Hữu Vang tha thiết và hào hùng:

Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi

Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời

Từng giây nghe quê hương

Xót xa thầm trong cơn thê lương

Thù quân gieo tang thương

Bao suối lệ tràn dâng muôn phương

Tổ quốc ơi! Ta đã nghe lời sông núi

Hận thù này tràn đầy sục sôi trong tim gan nồng

Ta đi chiến đấu quyết đánh tan quân bạo tàn

Bảo vệ Việt Nam quê hương ta.

Ôi Tổ quốc bao tiếng ca giờ lên đường

Đem máu hồng tô thắm đẹp cuộc đời

Nhưng tổ quốc hôm nay không réo gọi ta cầm súng lên đường hay đổ máu cho những gì là tàn sát anh em. Tổ quốc chỉ kêu gọi ta hàn gắn những gì đổ nát từ hôm qua: Là lương tâm, là trí thức, là bản năng nhân đạo, là lòng tin, là lý tưởng thời hậu chiến! Là tất cả những gì tổ quốc dạy ta đứng thẳng làm người lương thiện chứ không đứng thẳng ưỡn ngực kiêu ngạo với anh em, thách thức đồng bào.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh” thể hiện trong di chúc tháng 10/1969 của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự ghiệp cách mạng thế giới. (Trích “Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” được công bố năm 1969 (“Toàn văn di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nxb Trẻ, 1999).

Lời mong ước thánh thiện này có “bị phản bội hay không” hoặc sẽ không bao giờ thực hiện được khi trong lòng những người tự cho mình chiến thắng có những tư tưởng kẻ thắng làm chủ – người bại làm nô.

Bài thơ này có thể cũng sống nhưng sống thoi thóp với “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”.

Nguyễn Xuân Đức trong “Chiến tranh và hòa bình, vài tâm sự gửi người đồng đội” (danchu.net) tranh luận với Nguyễn Hòa vì lầm tưởng Hòa “phủ nhận lòng yêu nước của những người thua trận và phản bác lại ý kiến của Lê Xuân Khoa ‘Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước‘,Nguyễn Hòa có vẻ rất tâm đắc với định nghĩa : “… lòng yêu nước chỉ thật sự là lòng yêu nước khi nó chi phối sự hình thành trong mỗi người một lòng tự tôn, biết hành động vì lợi ích đất nước, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước… ”. Có thể là lời nói còn nhiều thiếu sót của những gì gọi là danh dự, là quyền lợi nhưng nó cũng manh nha ra điều gì chăng trong sự nhìn xa, thấu rộng?

“Sinh viên yêu nước“! Giờ đây, người này là lưu học sinh ở San Diego – một thành phố lớn thứ nhì của California và là thành phố đẹp nhất của Mỹ. Hãy mở lời văn hoa để thắt thêm tình thân thiện. Mỹ là Hợp chủng quốc. Phỉ báng người vong nô, vong quốc tức là phỉ nhổ vào những cộng đồng nhiều sắc tộc đến từ nhiều quốc gia khác nhau!

Đừng ngủ trong manh chiếu hẹp, như Chế Lan Viên viết những lời thơ lý trí bất hủ:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!

Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn.

Ai chẳng có một thời quá khứ, ai chẳng có một lần ngã ngựa và ai chẳng qua lầm lỗi một lần? Mỗi chúng ta hãy tự chọn cho mình một hóa thân như nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã chọn để sống cho ra con người trong suốt đoạn đường còn lại và để lại tiếng tốt cho con em trong “Tự nguyện“:

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương …

Thế giới đã mở rộng vòng tay đón chúng ta hiệp hòa thương mại, ổn định kinh tế và phục thiện nhân quyền. Còn chúng ta, chúng ta không mở lòng ra để đón nhận ra những tấm lòng? Những người sinh viên không ăn học tới nơi, không phát triển trí tuệ tới chốn thì có một ngày sẽ “không chốn nương thân” ở ngay tại nước mình. Vong quốc hay vong nô và vong thân đang treo trước mắt những người “mục hạ vô nhân” chia rẽ tình thân, tách ly chủng tộc. Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của thế hệ trẻ sao mà cũ kỹ nội dung, nô lệ tư tưởng đến phát rầu!./.

Tháng 11/14/06

Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

1. Sinh viên yêu nước: “Sinh viên xa xứ” (danchimviet.com).

2. Lê Doãn Tá: “Tư tưởng Hồ Chí Minh-Tư tưởng nhân văn- Tư tưởng bất diệt” (vnn.vn).

3. Hoàng Chí Bảo: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh học với tư cách những môn khoa học” (cpv.org.vn).

4. Trần Trung Đạo: “Từ Thép đã tôi thế đất tới Nhật ký Đặng Thùy Trâm-Những ước mơ bị phản bội” (danchinviet.com).

5. Phạm Văn Hùng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc tổ chức và xây dựng Quốc hội thực hiện quyền lực của nhân dân” (na.gov.vn).

6. Tổ quốc: “Vì tổ quốc đem nụ cười về quê hương” (brom.com).

7. Nguyễn Xuân Đức: “Chiến tranh và hòa bình, vài tâm sự gửi người đồng đội” (danchu.net).

8. “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Nxb Trẻ -1999).

9. Những trích dẫn có liên quan trong bài: vietmedia.com, ctu.edu.vn, Ao-th.org, vietnamembasse.us

Xin chân thành cám ơn.

Related Articles

Back to top button