CÓ MỘT BÀI THƠ GIÀU CẢM XÚC
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau để thấy được giá trị của cuộc sống từ hạnh phúc gia đình.
Diễm phúc thay được sống giữa cõi đời,
Có một gia đình để thương yêu chăm sóc,
Đàn con thơ giúp mẹ cha quên nặng nhọc
Thế giới sẽ già nua vì thiếu tiếng trẻ cười.
Sau đó, nêu cảm nghĩ của anh/ chị về giá trị của toàn bài thơ?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Nam (NXN) với “Tác phẩm trữ tình” (Lí Luận Văn Học tr 357, Nxb GD – 2006) nhận định: “Tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, nhưng tác phẩm loại trữ tình (tức bộc lộ tình cảm) thể hiện theo cách riêng.”
“Cách riêng” đó đã được Xuân Du (XD) thể hiện qua 4 câu thơ:
Diễm phúc thay được sống giữa cõi đời,
Có một gia đình để thương yêu chăm sóc,
Đàn con thơ giúp mẹ cha quên nặng nhọc.
Thế giới sẽ già nua vì thiếu tiếng trẻ cười.
“Tiếng trẻ cười” như phép thần tiên đủ sức mạnh để mang lại hạnh phúc gia đình đã khiến cho tác giả bật lên lời cảm thán: “diễm phúc thay”? Khác với loại thơ trữ tình phong
cảnh (mối quan hệ giữa người và thiên nhiên), đoạn thơ trên nằm trong bài thơ “Con đi rồi” của XD thuộc loại trữ
tình tâm tình (mối quan hệ giữa người và người).
Xuân Du được biết nhiều hơn với tên thật Đặng Văn Du
Tổ trưởng Tổ Ngữ văn trường THPT tỉnh Pleiku và là tác giả của 10 cuốn SGKTK. Bài thơ “Con đi rồi” được tác giả viết vào tháng 04/2005 khi phải xa gia đình: Vợ dắt hai con về thành phố sinh sống. Tác giả ngậm ngùi ở lại phố núi để mưu sinh và vậy là họ tạm xa nhau.
Phân tích thơ tự sự trữ tình có nhân vật, chúng ta không nên bám vào tác giả chính là nhân vật trữ tình mà chúng ta phải bám vào văn bản, quên đi tác giả. Trong đoạn thơ trên, chúng ta chưa thể xác định nhân vật? Là cha hay mẹ tự thoại? Trước hết, chúng ta xác nhận đối tượng? Đối tượng đã tạo nên mạch xúc cảm của tác giả? Chính cụm từ “một gia đình”!.
Khái niệm “gia đình là tế bào của xã hội” đã được đóng triện son từ hàng nghìn năm qua. Trong Tập 1, Đề 98 trg 230 về 2 tác phẩm “Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), tác giả đã gợi ý mở bài bàn về gia đình: “Mỗi con người được sinh ra đều có cha mẹ và tổ ấm gia đình. Mỗi con người đều nhờ có gia đình và xã hội. Gia đình có vai trò rất lớn đối với đời sống của mỗi người.”. Một gia đình thuận hòa thì “tát biển đông cũng cạn”! Đó là một “diễm phúc”. Tính từ “diễm phúc” đi cùng sự “diễm lệ, diễm kỳ” thành “cực kỳ diễm lệ”, “cực kỳ hạnh phúc” để chỉ cái tốt, cái đẹp, cái hạnh phúc cực điểm: Gia đình là món quà qúy giá nhất mà tạo hóa đã ban cho loài người.
Trong 4 câu thơ trên, nhân vật trữ tình ẩn núp để cho tác giả xuất hiện làm người trong cuộc. Có được diễm phúc ấy, một mái ấm gia đình phải có sự phân công hết sức tự nhiên và tràn đầy tình nhà: Bổn phận của cha mẹ? “Yêu thương chăm sóc” con cái. Bổn phận con cái làm gì? Thoáng qua, chúng hầu như chưa làm gì cả vì văn bản không chỉ ra hành động của nhân vật con. Vậy có hay không có hành động của “đàn con thơ”? Có đấy! Tiếng khóc của con trẻ khi chào đời. Tiếng cười nói bi bô của con khi nhìn thấy cha mẹ. Tiếng gọi bập bẹ “ba ba” khi con bắt đầu học nói. Những bước đi chập chững đầu tiên của con trong đời và sinh hoạt của con hằng ngày khi lớn khôn… Đó là hành động của con đã “Giúp mẹ cha quên đi nặng nhọc.” Từ nhận định diễm phúc được sống giữa cõi đời, tới lý giải vì sao có diễm phúc đó, đến chỉ ra hành động nào để có diễm phúc và nhân vật bí ẩn để lại một câu châm ngôn tạc vào núi đá: “Thế giới sẽ già nua vì thiếu tiếng trẻ cười”. Đó là thông điệp gởi tới thế giới mà tác giả thông qua nhân vật trữ tình trong đoạn thơ bằng phép tăng tiến!
Nhưng đoạn thơ trên lại nằm trong bài thơ, cho nên, chúng ta phải đặt nó trong toàn bài thơ (nguyên văn):
CON ĐI RỒI
Con đi rồi căn nhà bỗng quạnh hiu.
Giường, võng chỏng chơ buồn muốn khóc,
Quả bóng, viên bi, đồ chơi nằm lăn lóc.
Xa hẳn rồi bàn tay ấm của con.
Con đi rồi đường sá rộng thênh thang
Đâu còn nữa sáng chở con đến lớp.
Chiều trên phố những dòng người đông ngợp,
Sau yên xe không còn bóng con ngồi.
Từ quán phở mềm đến bà lão bán xôi
Ba chẳng còn ghé thăm, ngồi giục con ăn kẻo trễ,
Ai cũng khen thằng con trai xấu tệ
Lớn hung rồi sao còn đút hở anh?
Nhóm học tan về, nhà cửa vắng tanh
Đâu còn tiếng réo ba từ ngoài ngõ
Mẹ con nhắc nó đòi ba bế đó,
Thằng lớn thưa: con đi học đã về.
Tiếng nghịch đùa mỗi tối, vọng tái tê.
Cầu thang gỗ chờ chân con lên xuống
Căn gác trống trơn trong chiều muộn
Bàn phím buồn điện tử nhớ tay con.
Mấy đứa nhỏ bên nhà (chừng như cũng héo hon?)
Thập thò hỏi thăm, bin về chưa hả bác?
Ba trả lời bằng hai hàng nước mắt
Nên quay mặt đi (vì sợ chúng cười).
Diễm phúc thay được sống giữa cõi đời,
Có một gia đình để thương yêu chăm sóc,
Đàn con thơ giúp mẹ cha quên nặng nhọc.
Thế giới sẽ già nua vì thiếu tiếng trẻ cười.
Hai thiên thần bé nhỏ của ba ơi!
Vì cuộc sống bôn ba nên phải chịu,
Ai chưa qua chắc là chưa hiểu
Nhớ thương con mà nước mắt lưng tròng.
Tháng 4 năm 2005
Xuân Du
Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình chưa xác định hiện ra gọi “Con đi rồi”. Những ngày vắng con, nhân vật trữ tình đã quằn mình với nỗi đau trống vắng: Vắng đàn ông, nhà không nề nếp. Vắng đàn bà, quạnh bếp, quạnh sân. Vắng tiếng con, chân không buồn bước. Cảnh vật nào đã khiến cho nhân vật rên rỉ trong lòng? Chính là cảnh“Căn nhà quạnh hiu, giường, võng chỏng chơ”. Tác nhân nào? Chính là “Con đi rồi”. Những gì còn lại của con thơ là “quả bóng, viên bi, đồ chơi” ở trạng thái không buồn động đến nên chúng “nằm lăn lóc”. Động từ chỉ mức độ “chỏng chơ, lăn lóc, muốn khóc” gợi lên sự thiếu vắng, cô đơn. Tính từ chỉ mức độ tình cảm rớt xuống “quạnh hiu, buồn” tăng thêm phần thê lương cho khung cảnh. Tất cả những thiếu vắng, cô đơn, buồn muốn khóc đó từ ngoài tác động vào trong và từ trong bật ra ngoài và nhân vật đã cảm nhận thiếu vắng khi “xa hẳn rồi bàn tay ấm của con”. Vắng con, nhà cửa không ai muốn dọn dẹp vì không muốn động vào từng kỷ vật của con. Vắng bàn tay ấm của con, cha mẹ như thiếu đi sinh khí! Không có con, buồn vui với ai?
Nhân vật trữ tình cố ghìm nén tình cảm của mình nhưng không thể được nữa. Khi núi lửa tình cảm phun trào, nó phun ra dung nham ký ức nóng bỏng. Ký ức từ nhà ra ngoài cũng theo phép tăng tiến:
Con đi rồi đường sá rộng thênh thang
Đâu còn nữa sáng chở con đến lớp.
Chiều trên phố những dòng người đông ngợp,
Sau yên xe không còn bóng con ngồi.
Tình cảm con người phức tạp buồn, vui lẫn lộn; niềm chung, riêng đan chéo đau đáu con tim. Tác giả cũng thế. Tác giả bùi ngùi nhớ những con đường, nhớ chiều trên phố núi. Con đường xưa đưa con đi thật ấm áp, thật vui nhộn và hồn nhiên “sáng chở con đến trường” qua “những dòng người đông ngợp”. Buổi sáng là giờ cao điểm cho mọi tầng lớp đi học, đi làm. Niềm vui hằng ngày thắm thiết tình mẫu tử, tình phụ tử khi chở con “sau yên xe”. Những cụm từ chỉ công việc hằng ngày của bậc cha mẹ rất bình thường như muôn ngàn người phụ huynh khác. Lẽ ra, không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn thế nữa. Vậy mà, thoáng chốc hôm nay chia tay đã thì tháng ngày hạnh phúc đó đã trở thành quá khứ buồn thương. Tính từ bổ nghĩa cho vị ngữ chỉ tính chất chật hẹp, nông, sâu rớt xuống: thênh thang. Con đường đã rộng mà còn thênh thang nữa là vì lòng người trong cuộc đang cảm thấy quá trống trải! Đại từ phủ định hiện ra xóa mất dấu niềm vui: đâu còn (con nữa), không còn (bóng con ngồi sau yên xe)! Còn đâu cảnh “Cả nhà thương nhau” mà Phạm Văn Minh Ba đã ghép thành nốt nhạc? Ba thương con vì con giống mẹ /Mẹ thương con vì con giống ba./ Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gần nhau là cười!
Hình ảnh nhân vật chở thằng con trai (xác định được qua đồ chơi “quả bóng, viên bi, bàn phiếm điện tử, tên bin”), đi học bằng xe đã hòa nhập cùng hình ảnh những người cha chở con đi học bằng xích lô, chùi nước mắt cho con trẻ, che mưa, bế con khi mới ra khỏi lòng mẹ… đầy trên dòng đời, đầy trên các trang mạng xã hội khiến bao nhiêu người rơi nước mắt.
Dung nham ký ức đốt cháy sự ghìm hãm cảm xúc. Nhân vật trữ tình hiện ra giới tính: Người “ba” mà đoạn thơ tiếp theo đã thanh thiên bạch nhật:
Từ quán phở mềm đến bà lão bán xôi
Ba chẳng còn ghé thăm, ngồi giục con ăn kẻo trễ,
Ai cũng khen thằng con trai xấu tệ
Lớn hung rồi sao còn đút hở anh?
Hai đại từ phủ định “đâu còn” đoạn trên nối theo “chẳng còn, đâu còn, không còn” ở đoạn tiếp cắt đi bao dòng chảy: Ba chẳng còn đến chỗ bà lão bán xôi, chẳng còn đến quán phở giục con ăn nhanh đi học và còn nữa:
Nhóm học tan về, nhà cửa vắng tanh
Đâu còn tiếng réo ba từ ngoài ngõ
Mẹ con nhắc nó đòi ba bế đó,
Thằng lớn thưa: con đi học đã về.
Căn nhà trống vắng sau giờ học nhóm? Trống vắng mỗi đêm trời buông màn? Thời gian đi qua trên hoang tàn? Nếu dòng văn tự sự không có bất kỳ câu hỏi nào trong mạch cảm xúc thì dòng văn trữ tình thường chứa nhiều câu hỏi bỏ ngõ… Tại sao trong đoạn trước, nhân vật ba biến mất? Tâm ba tĩnh để nghe tiếng con động. Con hành động. Con ngoan ngoãn biết chào hỏi lễ phép “thằng lớn thưa: con đi học đã về”. Ba muốn gào lên ba đây nè con! Thế mà… Bây giờ vắng luôn tiếng chào của con! Âm thanh như tắt lịm! Thằng con nghịch đùa mỗi tối, đi lên đi xuống gác bằng cầu thang gỗ, bấm điện tử lốc chốc trong giờ chơi đã “giúp mẹ cha quên nặng nhọc”. Tất cả những hình ảnh đáng yêu đó giờ đã không còn:
Tiếng nghịch đùa mỗi tối, vọng tái tê.
Cầu thang gỗ chờ chân con lên xuống
Căn gác trống trơn trong chiều muộn
Bàn phím buồn điện tử nhớ tay con.
Vắng con, cảnh có vui đâu! Âm thanh tiếng thằng con vẫn còn nghe mỗi đêm trong ký ức nhưng chỉ là tiếng “vọng tái tê”. Buồn gớm! Buồn ghê! Người ba đã ẩn mình trong vật thể“Giường võng chỏng chơ buồn, quả bóng viên bi, điện tử… xa bàn tay ấm của con, cầu thang gỗ chờ chân con, bàn phím buồn điện tử nhớ tay con” để nhân hóa nỗi nhớ từ nội tâm chuyển qua đồ vật từ đồ vật bật lại nhớ về con. Nhớ qua, nhớ lại nhớ tới, nhớ lui! Nhớ trong tái tê, nhớ trong chiều muộn. Nhân hóa đã lột tả nỗi cô đơn khi mái gia đình chỉ còn người cha ra vô một mình! Đau đớn bấy!
Phép tăng tiến lại được dùng để biểu lộ cõi lòng tan nát khi vắng thằng con. Nhớ con từ đoạn đầu cố ghìm nước mắt bao nhiêu thì giờ nhân vật không thể kìm chế cảm xúc được nữa:
Mấy đứa nhỏ bên nhà (chừng như cũng héo hon?)
Thập thò hỏi thăm, bin về chưa hả bác?
Ba trả lời bằng hai hàng nước mắt
Nên quay mặt đi (vì sợ chúng cười).
Im lặng đã là nỗi nhớ cực đau. Nghe trẻ con hàng xóm hỏi thì lại nhớ quay quắc về con hơn. Nhân vật “ba” trong 32 câu thơ xuất hiện có lần:“Ba chẳng còn ghé thăm, Mẹ con nhắc nó đòi ba bế đó, Ba trả lời bằng hai hàng nước mắt. Hai thiên thần bé nhỏ của ba ơi!”. Hóa thân thành vật thể để không mềm yếu chẳng thành công, người cha đành phải quay về với cảm xúc dâng tràn chính mình khi đối diện sự thật gần như “nghe có tiếng sóng trong lòng” thấy ngay “hoàng hôn trong mắt”. Đó là do tác nhân bên ngoài từ “mấy đứa nhỏ bên nhà chừng như cũng héo hon vì nhớ bạn, thập thò hỏi thăm bin về chưa bác?”. Lời thơ như văn. Lời văn như thơ. Vì sao? “Vì ngôn ngữ thơ bão hòa cảm xúc… sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ trong thơ bao giờ cũng nhầm làm cho nội dung cảm xúc…” như PGS NXN ghi nhận (Lí luận văn học, tr 365, sđd).
Cuối cùng, sau khi nâng quan niệm gia đình lên thành gia đình chung cả thế giới, người ba quay về không phải một mà là hai đứa con trai được nâng cấp lên thiên thần để trả lời cho câu hỏi vì sao con lại ra đi? Câu cảm thán độc nhất trong bài thơ trào ra như mạch nước ngầm không gì ngăn nổi. Người cha rên xiết trong lòng:
Hai thiên thần bé nhỏ của ba ơi!
Vì cuộc sống bôn ba nên phải chịu,
Ai chưa qua chắc là chưa hiểu
Nhớ thương con mà nước mắt lưng tròng.
Nước mắt người cha chắc chắn đã rơi hàng đêm nhưng trong bài thơ người ba xuất hiện bốn lần và rơi nước mắt hai lần. Hai lần đối với một người đàn ông rường cột trong gia đình thì đó cũng là số nhiều! Khóc mà đành nén lại, đành phải quay mặt đi. Khóc mà nước mắt chỉ cho phép dừng ở lưng tròng. Thật khó chịu! Vậy thì, hãy khóc thật to một lần đi ba… Du!
Con khóc cha, khóc mẹ, mẹ khóc con… hay nhớ thương… trong văn học và âm nhạc đã có quá nhiều tác phẩm. Điển hình “Nhật Ký Của Mẹ” của Nguyễn Văn Chung, “Tình cha” của Ngọc Sơn, “Cha viết cho con” của Vũ Thành An. Ngay cả cha khóc con cũng là cha khóc thương con gái. Nhà thơ Trần Chấn Uy trong “Giấc ngủ khuyết vầng trăng” (Nxb VH- 2007) với nỗi nghẹn ngào thương con gái như thế:
Đêm ngủ, con sờ vú cha
Giấc khuyết vầng trăng mẹ
… Đêm đêm cha nuốt thầm giọt đắng
Rụng từ đáy mắt khô khan
Người cha này với “đáy mắt khô khan” nghĩa là không còn giọt nước mắt để ru con nhưng đã khóc được. So với người ba trong “Con đi rồi” nén lại lưng tròng thì người ba không khóc ra dòng mới đau hơn. Dòng nước mắt thương đau về giữa đêm buồn. Dòng nước mắt đêm thâu đã lẫn với mưa ngâu. Vậy thì, xin mượn đoạn thơ trong bài thơ “Gối đầu trên cánh tay con” của “cậu bé thần đồng” Đỗ Nhật Nam (dantri.com.vn) để đáp lời nỗi nhớ cho ba Du: Thềm nhà ngan ngát hương hoa/ Thơm đêm lẫn vào giấc ngủ/ Bố có nằm mơ giấc nhớ/ Gối đầu lên cánh tay con/ Bố ơi, đừng lo đừng mong/ Con sắp về nhà rồi đấy/ Ôm bố ngọt ngào như nắng/ Bố và con hóa… mùa hè!
Hy vọng tình ba – con trong bài thơ nói riêng và tình cha con của nhân loài nói chung sẽ hòa vào bốn mùa mà sống mãi với thời gian. Nỗi buồn trong “Con đi rồi” không bi quan mà có giá trị lạc quan. Nó đã và đang tươi sáng hơn trong tương lai. Thế mới nói:
Chia cách hôm nay để ngày mai hội ngộ
Mái gia đình là chỗ để thương nhau!
Cùng đồng hành xa con với người ba, một tác giả bài thơ “Gửi con trai” đã bộc lộ tình cảm:
Sống xa con nhưng không bao giờ là bỏ rơi
Bởi vì con luôn ở trong tim bố
Bởi vì con luôn ở trong nỗi nhớ
Mỗi bước con đi luôn có bố dõi nhìn
Con trai ơi, hãy giữ chặt niềm tin.
… Có một điều bố mong con hãy biết
Bố bao giờ cũng yêu con tha thiết.
Giá trị của đoạn thơ đầu đề bài phân tích như một thông điệp, tác giả Xuân Du thông qua nhân vật người ba và cũng của chính mình gởi tới toàn thế giới về một mái gia đình hạnh phúc mà tác giả được diễm phúc có được. Thông qua đó, tác giả cũng trào dâng cảm xúc với nỗi nhớ thương hai đứa con tạm xa ba hàng tháng trong thời gian dài. Với tấm lòng người ba quá đổi yêu thương con, tác giả cũng chính là nhân vật đã đi từ kỷ niệm này tới kỷ niệm còn lại khác của “hai thiên thần bé nhỏ” mà trào ra dòng nước mắt. Khóc vì tuổi thơ của con đi qua mà không có ba bên cạnh được nhìn thấy để nâng niu. Chỉ có tình thương chân thành mới xây nên hạnh phúc! Chỉ có thiên thần con mới có diễm phúc được thiên chúa… ba bật khóc… lưng tròng!
Để tăng tính biểu cảm trong bài thơ, chất chân thật của cảm xúc tự nhiên đã hình thành nên một số giá trị nghệ thuật qua các phép tu từ: nhân hóa, vật hóa (giường, võng – buồn; qủa bóng, viên bi – xa bàn tay ấm; cầu thang gỗ – chờ chân con; bàn phím điện tử – buồn nhớ tay con) để nhấn mạnh vật thể cũng không vô tình. Phép tăng cấp (buồn – muốn khóc – hai hàng nước mắt – nước mắt lưng tròng; nhớ con từ trong nhà – ngoài đường; con thơ – thiên thần; gia đình – thế giới) nhấn mạnh cảm xúc và giá trị gia đình lên đỉnh điểm. Đại từ phủ định (đâu còn, không còn, chẳng còn) chỉ cái mất hết, tiêu tan hết. Phép điệp từ ngữ (con đi rồi – con đi rồi; đâu còn – đâu còn, nước mắt – nước mắt) nhấn mạnh nguyên nhân chia ly dẫn đến kết quả nước mắt. Yếu tố quan trọng số một để hình thành một bài gọi là THƠ (thơ trữ tình hay trào phúng) chính là cách gieo vần đi với nhau. Trong “Con đi rồi”, tác giả đã đi theo hướng gieo vần đó để thả cảm xúc thành thơ: “khóc – lóc, sóc – nhọc, lớp – ngợp, trễ – tệ, ngõ – đó, đời – cười, xuống – muộn, bác – mắt, chịu – hiểu” khiến bài thơ dễ cảm nhờ tiết điệu như dòng melody ngọt ngào của nhạc. Bài thơ đi vào lòng người cũng vì tác giả sử dụng ngôn ngữ bình dân (lớn hung, xấu tệ, réo ba, ba – con, bà bán xôi… ), ngữ cảnh có thật (căn gác gỗ – không ám chỉ sự giàu có của thời kỳ 2005, chờ hóa giá).
Văn xuôi, kịch trường thường thiên về thắt nút, mở nút. Thơ trữ tình ít khi nhưng không phải không có. “Con đi rồi” có không? Tác giả đi từ thắt nút: Con đi rồi nhưng đi đâu? Người đọc như đứng tim vì tiếng khóc nghẹn nhưng xé lòng của người ba. Chỉ có đi về cõi vĩnh hằng mới đau đớn, mới quặn thắt như thế chứ? Nhưng cuối cùng, tác giả mở nút rất tự nhiên: “Hai thiên thần bé nhỏ” ra đi không phải âm dương cách biệt mà chỉ là “vì cuộc sống bôn ba nên phải chịu” mà thôi! Người đọc thở phào!.
Cuộc đời có xấu lẫn tốt. Gạo cơm lẫn thóc, lẫn sạn. Thơ văn cũng vậy. “Con đi rồi” cũng thế! Tất nhiên, tác giả không phải nhà thơ mà chỉ là tiếng lòng bật ra lời thơ có máu, có lửa. Thể thơ nồng cốt là 8-8-8-8 nhưng khi tác giả bớt đi một từ (8-8-7-8) thì dòng thơ nghe chựng lại nhưta hụt một bước chân và khi thêm bớt nhiều từ (8-7-8-9/ 9-11-8-8 / 10-9-8-8/ 8-9-9-10 thì dòng thơ hơi bị loãng. 32 câu thơ gồm 8 đoạn không hẳn là loại thơ 7, 8 chữ như thường lệ mà nó biến thành thể thơ mới… không cần nề nếp! Nếu bài thơ được chỉnh sửa một tí để cân bằng số từ theo thể 8 chữ và dùng dấu câu thích hợp hơn, với dấu cảm thán đằng sau biểu cảm, có lẽ, “Con đi rồi” sẽ đẹp hơn trên 2 mặt nội dung và hình thức.
Dù sao, tất cả giá trị nghệ thuật cộng và trừ đó đó đã đơm hoa cho nội dung đầy cảm xúc: Từ nỗi nhớ thương tha thiết của cha đối với con đã soi rọi vào lương tâm những người cha rứt ruột đánh đập, bỏ và giết con mình. Từ cách xây dựng mái gia đình chịu chia xa vì cuộc sống nhiều bôn ba, bài thơ sẽ vượt thời gian và sẽ mãi mãi khắc sâu trong lòng độc giả. Hồng Nguyên có một bài “Nhớ” mà cũng khẳng định vị trí của mình trong nền thi ca Việt Nam. Với Xuân Du, có một bài thơ giàu cảm xúc như thế thì vị trí của tác giả đang ở đâu đây giữa thời “những trái tim hóa đá giữa trời Formosa?”
Nội dung “Con đi rồi” quyết định hình thức đã khẳng định tính “nghệ thuật vị nhân sinh” mà nhà phê bình Hải Triều thời 1935-1939 đã tranh đấu quyết liệt với “nghệ thuật vị nghệ thuật” của hai nhà phê bình Hoài Thanh và Thiếu Sơn. Đây là một trong số ít bài thơ giàu cảm xúc, chân thật nhất về tình cha đối với con mà ở vào hoàn cảnh đó “cảm xúc tuôn ra xối xả”. Muốn cho thơ đi vào lòng người, trước hết người làm thơ “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). “Con đi rồi” có thể là đề thi trong các kỳ thi các cấp để thay đi những đề thi chẳng thiết thực cho công việc giáo dục như kiểu “Đề thi minh họa môn Văn kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2017”. Đề thi tầm quốc gia mà phải vay mượn bài phát biểu từ một trường trung học Wellesley của Mỹ. Những đề thi, thi đi, thi lại cứ phân tích, bình giảng hết Ngục Trung Nhật Ký, Việt Bắc, Tây Bắc rồi Tây Tiến mà đất nước thì… Nam tiến vì người anh em láng giềng 16 chữ vàng “Trường kỳ ổn định. Diện hướng vị lai. Mục lân hữu hảo. Toàn diện hợp tác”. Học sinh vô giáo dục. Gia đình tan vỡ. Tim người thờ ơ. Gieo quả ấy sẽ nhận lấy… tương lai sáng lạn: Vào “Ngục Trung” để chép “China nhật ký!”.
Cũng trong Tập 1, Đề 98 trg 231 (sđd) tác giả đã gợi mở kết bài: “Gia đình bền vững thì xã hội mới hạnh phúc. Gia đình văn minh thì xã hội mới văn minh. Gia đình là tế bào xã hội, có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội.” Nói đúng hơn, không có xã hội loài người nào có thể tồn tại mà không có gia đình.
Với đoạn thơ trên, tư duy ở đây là mái ấm gia đình để hình thành thế giới hạnh phúc. Đối với toàn bài thơ, tư duy ở đây chính là cách giáo dục con người yêu thương gia đình, quý trọng cha mẹ và tự hoàn thiện mình xứng đáng là tế bào lành lặn của xã hội! Dạy văn là dạy tư duy! Đây chính là điều mà tác giả Xuân Du hay thầy giáo Ngữ văn Đặng Văn Du trăn trở. Đó cũng là dấu hỏi cho việc: Thay đổi SGK, thay đổi GD hàng chục năm qua nhưng đã thay đổi hay đổi mới được cái gì chưa giữa cuộc đời có một bài thơ giàu cảm xúc như thế!./.
Tháng 10/31/2016
Ngọc Thiên Hoa
(Trích Phê bình Văn học: ĐẶNG VĂN DU: TÁC GIẢ – TÁC PHẨM CÁC DẠNG ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN – TẬP 1& 2.)