PHÊ BÌNH

NAM – BẮC TRIỀU TIÊN: BẢN SAO VIỆT NAM TRƯỚC 1975?

Sau trận mưa xuân… 122mm dữ dội trong hai ngày, cỏ cây đến mùa hồi sinh. Cũng vì vậy mà một số vùng lân cận Chicago được… hưởng một nạn… tiểu hồng thủy chưa từng có trong lịch sử. Mưa xuân không làm dịu đi ngọn lửa thù hận khiến thây rơi, máu đổ trong vụ nổ bom trên đường chạy Marathon Boston (Massachusetts) ngày 14/4/2013. Thêm vào đó, tình hình thế giới nóng hẳn lên vì sự kiện “Bán đảo Triều Tiên” thời hiện đại!

Trên bản đồ, Triều Tiên nói chung không khác nào nước Việt Nam (VN) về hình thể chữ S. Theo chiều dài lịch sử, nếu VN bị cắt đôi ở vĩ tuyến 17 năm 1954; Triều Tiên cũng… xẻ đôi ở vĩ tuyến 38 năm 1953. Sự kiện một nước phân đôi “Anh đi đường anh, tôi đường tôi” và “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” lẽ ra không đốt nóng thế giới bằng sự kiện đe dọa vũ khí nguyên tử của dòng họ Kim thống trị Bắc Hàn suốt 3 đời. Chúng ta không cần bàn tới chuyện “mượn râu hùm rung nhát khỉ” của họ Kim mà chỉ bàn tới nếu Bắc Hàn hay Hàn Quốc… phá rào, vượt biên tấn công nhau. Một cái tên chiến tranh nào được nêu ở đây? Nội chiến hay ngoại chiến?

Trước hết, ta hiểu “nội” và “ngoại”? Trong y học, có bệnh bên trong, bác sĩ gọi là nội thương. Tổn thương ngoài da, gọi là ngoại thương. Vì thế mà có Khoa Nội, Khoa Ngoại. Trên chính trường, chúng ta dùng “đối nội” cho trong nước và “đối ngoại” cho ngoài nước. Hoa Kỳ có Bộ Nội An và Bộ Ngoại Giao. Ngay cả thành ngữ ông bà cũng phân rõ: “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trường hợp này dùng cho thành phố Boston sau ngày bị đánh bom để truy lùng nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev, em trai nghi phạm Tamerlan (đã chết) không sai.

Bây giờ, nội chiến được hiểu là phe đối lập gây chiến tranh trong cùng một nước với bất cứ lý do nào. Ngoại xâm là nước này mang quân chiếm một nước khác. Thế giới đã, đang và sẽ có những cuộc nội chiến đẫm máu. Ví dụ như ở Hoa Kỳ (HK). Nội chiến này kết thúc bằng thắng lợi của liên quân miền Bắc năm 1877. Những quốc gia khác thời cận đại như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc (TQ), Nga, Tây Ban Nha, Lào, Phần Lan, Nhật, Campuchia… đều trải qua nội chiến tàn khốc. Tới hôm nay, Trung Đông – Bắc Phi đều trên đà nội chiến diệt chủng. Nội chiến giống như dịch nạn thiên niên kỷ mà nhân loại khùng khùng… “cho không, biếu không” với nhau.

Ở VN, những cuộc nội chiến được ghi nhận: Nam – Bắc triều (Lê – Mạc), Trịnh – Tây Sơn, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn – Nguyễn, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Cuộc chiến Việt Nam từ năm 1955 tới 1975 có thêm cái tên “chống ngoại xâm” khi Mỹ và đồng minh nhảy vào tham chiến.
Như vậy, hai anh em Triều Tiên… xé rào tấn công nhau là nội chiến “gà nhà bôi mặt đá nhau” như thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nếu quân đội nước ngoài hiện diện trong quân đội một trong phe đối lập nước mình, nội chiến hiển nhiên là nội chiến “cõng rắn cắn gà nhà” như thời Nguyễn Ánh rước quân Xiêm về đánh Tây Sơn. Chúng ta thấy rõ trường hợp này lập lại với VNCH. Chính phủ VNCH đã rước Mỹ như “rước voi giày mả tổ” mà các hình ảnh tội ác chiến tranh được công bố đã phản ánh hùng hồn! Phe đối lập VNDCCH trong lúc đó lập tức giương cao khẩu hiệu “chống ngoại xâm” là…”đế quốc Mỹ” (ngoại) và “bè lũ tay sai” (nội). Còn VNDCCH? Họ được hổ trợ bởi khối xã hội chủ nghĩa như TQ, Liên Xô (thời chủ nghĩa xã hội chưa sụp đổ) chỉ trên phương diện súng đạn, lương thực và ngoại giao là chủ yếu. Lực lượng lính TQ hiện diện trong quân đội miền Bắc hầu như đếm trên đầu ngón tay. Miền Bắc được “danh chính ngôn thuận” nên ung dung… “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đánh đuổi lính ngoại chiến đấu trong hàng ngũ lính nội VNCH. Lính ngoại trong đội ngũ VNCH… vô thiên lũng. Chủ lực là lính Mỹ rồi tới Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Phi, Đài Loan… Cuộc thống nhất VN sau 1975 đã trở thành “Ngày Quốc Hận” đầy căm hận trong mắt “Bên Thua Cuộc” và “Ngày Thống Nhất” hể hả trong con ngươi “Bên Thắng Cuộc” mãi cho tới bây giờ!

Trở lại chiến sự Triều Tiên. Nếu quân đội Bắc Hàn tấn công Nam Hàn hay ngược lại, đó là nội chiến. Cuộc chiến tranh Triều Tiên tức nội chiến 6-25 (tháng 6 ngày 25 năm 1950) khi miền Bắc tấn công miền Nam để cuối cùng, đất nước tiếp tục chia hai. Quân đội Nam Hàn lúc bấy giờ cũng dưới sự chỉ huy của Mỹ và lực lượng đồng minh y như cuộc chiến tranh VN.

Ông bà ta nói: Ngoại thương dễ trị. Nội thương khó lành. Nội chiến cũng là vết thương lòng khó mà chữa trị. Nhìn về Triều Tiên bây giờ và VN trước 1975 có khác gì không? Khác là bây giờ, HK không dại gì chui đầu vào lò bát quái để tham chiến với Nam Hàn nếu bị Bắc Hàn tấn công. Đáng mừng là lò bát quái của Bắc Hàn trong mắt HK chỉ là… “thùng rỗng kêu to“. Lãnh tụ “ngựa non hấu đá” như Kim jong-un của Bắc Hàn chỉ là kẻ “mục hạ vô nhân“. Nó không đáng quan ngại cho lắm bởi vì một đất nước thiếu ăn, thiếu chính nghĩa thì lấy sức sống mãnh liệt ở đâu ta để mà đánh nhau với anh em? Triều Tiên bây giờ giống VN trước 1975 khi hai bên gằm ghè coi nhau là kẻ thù “không đội trời chung”. Người cùng một nước không hiểu rằng khi khơi dậy lòng thù hận cả hai miền chỉ nhận lại mối hận thù “dậy” mãi trong lòng một đất nước. Hận thù chỉ gây chiến tranh chứ không đưa đất nước đi lên. Điều này có lợi cho thế lực nào? Thống nhất đất nước là điều thiêng liêng cần làm trong mối tương quan bỏ phiếu hòa bình. Trường hợp Đông Đức và Tây Đức tái thống nhất năm 1990 thông qua bầu cử là điều đáng để các nước nội chiến noi giương. Tính chất dữ dội, tàn khốc của nội chiến không thua gì thế chiến thu nhỏ. Cho nên, để tránh nội chiến, con đường điều đình tức chọn “deal” chứ không được “no deal” được đặt lên hàng đầu. Ví dụ miền Bắc Sudan chấp nhận thông qua phiếu bầu để Nam Sudan trở thành tiểu quốc gia năm 2011. Thực tế, hai miền vẫn là một nước. Thống nhất đất nước bằng vũ lực là sự lựa chọn cuối cùng nhưng rất man rợ. Lãnh đạo 2 bên đều không đặt quốc gia làm đầu mà chỉ nghĩ tới cá nhân khi “quyền hành bị xẻ đôi”. Đối với phe mình là “có công” nhưng đối với chân sử là “tội nhân thiên cổ”! Miền Bắc tấn công miền Nam VN là ví dụ. Trung Đông với Libya, Syria… là ví dụ cho thế nào là nội chiến!

Nhìn vào tình hình Triều Tiên hôm nay mà ngán ngẩm! Có ai trong chúng ta muốn có một ngày, ta thất kinh hỏi: “mình đây, đầu đâu” khi có nội chiến? Người trong một nước không biết “nhiễu điều phủ lấy giá giương” thì ngoại bang như Trung Quốc hiện nay làm sao mà “thương nhau cùng” lũ con đỏ VN nếu VN lại rơi vào nội chiến hay ngoại chiến? Có thể nói Triều Tiên hôm nay là bản sao VN trước 1975./.

Tháng 4/25/2013
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button