WORLD CUP 2010: BẮT BÓNG VUỘT TAY, CHÚ SAM GẶP MAY. KHUYẾT – ƯU CÒN ĐẤY!
1. Tài năng hay may rủi?:
Sau “tear down” ngày 11 tháng 9 năm 2001, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và cựu thủ tướng Anh Tony Blair dẫn đầu chương trình trừng phạt Irag – nước bị cho là dung chứa những phần tử khủng bố và chứa vũ khí hóa học tạo ra…”Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 3″ vào ngày 20 tháng 3 năm 2003. Sau 8 năm cầm quyền, W.Bush rút lui về Taxes năm 2009 và Tony Blair cũng nhường chiếc ghế thủ tướng cho đồng sự là cựu thủ tướng Gordon Brown năm 2007. Sự đồng điệu của cựu lãnh đạo hai nước Anh, Mỹ cũng giống nhau khi họ cùng viết sách hồi ký sau khi về hưu để kể chuyện “những ngày xưa thân ái”. Dư âm một thời hai nước từng chung vai sát cánh trên chiến trường Trung Đông để được chê bai và ngưỡng mộ, vẫn đầy ắp khi hai đội bóng đối mặt trên sân cỏ cũng sát cánh kề vai nhưng tưng bừng chia đôi… 2 cây gậy và 6 lá bùa vàng!
Điệu “luân vũ trên thảm cỏ” ở sân vận động đa năng Royal Bafokeng, thành phố Rustenburg – South Africa vào ngày 12 tháng 6 năm 2010 giữa hai đội Anh và Mỹ, sau 60 năm Mỹ “hạ Anh 1-0” trong World Cup lần 4 ở Brazil, diễn ra nhiều pha hấp dẫn cười buồn chưa từng thấy!
Trên màn hình, đội Mỹ với đồng phục xanh đen từ đầu tới ống quyển trừ chân (vì mang giày vàng), xem như có vẻ… ốm o, gầy còm hơn đội Anh trong đồng phục trắng, to con, mập mạp. Hai đội vờn nhau trong 4 phút đầu với mỗi cầu thủ có tới… 4 cái bóng mình bởi khúc xạ ánh sáng đã in lằn hai sọc chéo xuống cỏ. Hàng trăm lằn chéo di chuyển như trò chơi điện tử khiến ai ớn đá banh thì… canh coi mấy cái bóng này chạy lòng vòng hoa cả mắt cũng khoái chí. Bỗng… “Drô! Vàooo…”. Trên màn hình, cờ Anh bay phất phới là biết trự nào chọc thủng lưới trự nào rồi. Cận cảnh được quay chậm: Tiền vệ số 4 Steven Gerrard – đội trưởng, đậm đà nét nam nhi đã nhận đường bóng xẹt từ tiền đạo mang số 21 Emili Heskey, dứt một phát là bóng ta – Anh bắt buộc phải chun gọn vào lưới địch – Mỹ. Khung thành Mỹ hầu như thả cửa trước đó như thời Gia Cát Lượng Khổng Minh hết quân phải thả cửa đánh lừa Tư Mã Ý. Tư Mã Ý cẩn thận không xua quân vào thành vì sợ mắc mưu Hán Thừa tướng nhưng trái banh da nào có biết sợ là chi, thấy cửa mở banh là… chui vô nhanh. Ự! Xí hụt! Thủ môn Brad Guzan “giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất vắn dài” một mình trước khung thành… nổi quạu. Trên màn hình, anh hét la luôn miệng, chắc có… chửi thề ở trong. Đối lập với Brad Guzan là thủ môn số 12 điển trai Robert Green. Hơn 97 phút chiến đấu, anh không hề la hét như địch thủ mang áo số 1. Ngay cả khi vồ… ếch vì không… “ôm trọn cuộc tình” trong tay để nó xảy rồi tự… đốt nhà mình ở phút thứ 39:39 giây, anh chỉ đưa mắt nhìn theo và trên gương mặt thoáng nét thẩn thờ rất… phong độ “vô lưới không kiêu, thủng lưới không nản”. Hàng thượng khán đài, ba ông bầu và huấn luyện viên hai đội cũng chọi nhau. Các ông bầu và huấn luyện viên đội Mỹ đăm chiêu và im lặng khi các ngài bên đội Đức nhổm đít đứng dậy để la hét. Cuối cùng, huấn luyện viên đội Mỹ thẳng đầu đi tới. Huấn luyện viên Anh cuối xuống bước nhanh. Cổ động viên Anh chết điếng nhìn theo… Cổ động viên Mỹ sững sờ rồi nhảy cỡn! Ngoài màn hình, dân cá độ Anh chấp 1… chửi ầm: “Mẹ bà nóơơo!!!!”. Tiền vệ số 8 Clint Dempsey đá trái banh tình yêu không biên giới này lại cũng chẳng kịp chạy la làng, la xóm như các cầu thủ mỗi lần “dớt” bóng vô nhà người khác, anh chỉ kịp đưa mấy ngón tay lên miệng… “Bóng vào nhà như một giấc chiêm bao! Em ơi! Bây chừ, anh phải làm sao? Miệng anh, anh cứ hun ào. Mặt anh, anh cấu, anh cào. Xong rồi nhìn lên… tỉ số, thở phào!”. Sau khi bị đốt nhà la không kịp, đội hình Anh chộn rộn cảnh cầu thủ luýnh quýnh gỡ thua nên tay níu áo, chân dện giày vào chân nhau và một đạo… bùa vàng đầu tiên được ban thưởng cho tiền vệ số 16 James Milner ở phút thứ 26. Chưa đầy 4 phút sau, huấn luyện viên đội Sư Tử – Fabio-Capello, nóng mặt với bàn hòa lãng xẹt mà đau điếng và ớn chiếc thẻ vàng đầu tiên, đã đẩy tiền vệ số 17 Shaun Wright – Phillips vào thay James hòng tránh khỏi chiếc bùa vàng thứ hai. Bùa này có nguy cơ mất toi con gà cồ nòi James Milner cho trận tranh tài tiếp. Cố cho bằng đội bạn, phút 39, tiền vệ số 6 Steven Pienaan của Mỹ cũng hưởng một… lá bùa vàng đem về đốt uống trừ bệnh “cản chân trái phép”. Tương quan lực lượng nhưng chú Sam vẫn muốn chạy trước nên rước thêm đạo bùa vàng bởi hậu vệ số 15 Jay DeMerit đã dùng… tay chơi bóng cướp quyền thủ môn ở phút 47. Sau này, tiền vệ số 9 Ghezzal của Algeria bắt chước kiểu chơi cấm kỵ nên bị trọng tài Carlos Batres cho 2 đạo bùa trong trận Algeria gặp Slovenia ở bảng C. Đội Mỹ chạy trước, đội bạn Anh từng nếm mật nằm gai ở Irag rượt theo. Trọng tài… thương tình đành phải cho hậu vệ số 18 Jamie Carraher của Anh mới vào một đạo bùa nữa ở phút 59 vì cái tội đốn ngã tiền đạo mang số 20 Robbie Findley của Mỹ như… đốn chuối! Phút 74, tiền đạo 20 Robbie Findley bị đốn như chuối trước đó đã… trút thù vào tiền vệ số 4 Steven Gerrard của Anh đang chạy đuổi bóng mệt le lưỡi khiến trọng tài phải… dán cho Findley lá bùa vàng trừ tà. Hai phút sau, huấn luyện viên đội Mỹ Bob Bradley đã vời tiền đạo này ra để tránh đạo bùa thứ hai như huấn luyện viên Fabio Capello đã làm đối với tiền vệ số 6 James Milner.
Đấy là nói về chuyện ăn bùa. Sự sống động của hai đội là không sử dụng đội hình 4-5-1 chán chết nên không khí sôi động. Các đường banh rượt đuổi, sút trúng trật gì cũng mang lại thót tim cho người hâm mộ. Màn đá phạt ba lần do tiền đạo số 10 Wayne Rooney thực hiện đều đá hỏng nhưng những sự kết hợp giữa ba đôi chân tiền đạo số 10 Rooney, tiền vệ số 7 Lennon, tiền vệ số 8 Lampard kèm theo tiền đạo số 21 Heskey lượn lờ trước khung thành Tim Howard khiến chàng trai Mỹ lắm mồm này cũng tắt đài la lối, chỉ chỏ mà mù mắt lo bắt bóng. Mỗi lần trọng tài người Brazil – Carlos Simon… tặng bùa vàng cho đội Mỹ hay thủ môn Tim Howard đẩy bóng ra ngoài hoặc hai cánh tiền đạo đội hình Mỹ đá bóng… đi chơi ở những phút 10, 12, 31, 38, 63, 65, 68, 77, 79, … đội Anh hưởng những qủa phạt góc tới 18 lần so với đội Mỹ 12 lần khiến cho hai khung thành và sân bóng chẳng phút nào yên tĩnh. 6 cú sút bóng vào khung, 7 cú sút sạt ngoài hay 8 qủa đá phạt góc hoặc phối hợp đội đầu của tiền đạo số 10 Rooney, tiền vệ số 4 Gerrard, 20 Robblie và tiền vệ số 8 Lampard dù có dội cột ra ngoài, bay qua sà ngang… bye luôn nhưng người xem chẳng chán, chẳng chửi, chẳng chê như trận Germany gặp Australia ngày 13 tháng 6. Thủ môn số 12 Green mặt buồn và căng thẳng từ cú “xốc” tai nạn trên thảm cỏ phút thứ 39: 42 giây đáng tiếc đã không để trường hợp nào đáng thiệt xảy ra khi nhiều lần bắt bóng chính xác và đẩy bóng ra ngoài cứu khung thành. Thủ môn Green đốt nhà mình cũng như thủ môn Mark Schwarzer của Úc trong trận Úc – Đức đã như đẩy bóng địch vào góc thành ta. Vì sao đội Anh có nhiều chân sút mà vẫn không làm thủng lưới đội Mỹ thêm? Bởi vì đội Mỹ có hàng phòng thủ phối hợp ăn ý. Họ vẫn dùng đội hình như Anh uyển chuyển từ 4-4-2 sang 4-2-3-1. Đội Mỹ đã làm sống động sân cỏ ở phút thứ 19, 34, 37, 40, 44, 64, 78, 86, 90, 92 với 10 trái sút bóng vào thành và 4 qủa phạt góc. Thủ môn số 1 Howard phút thứ 19 bắt hai trái bóng một mình ở khung thành trống trơn khiến anh… ứ nự. Hình ảnh méo mó mặt mày của thủ quân Howard bị đau tay do khi ngã xuống, tiền đạo 21 Heskey của Anh đã thuận đà… bồi cho anh một đá vào cánh tay, khiến người coi chùn lòng. Anh cũng như Green đã thi đấu hết sức mình điều khiến cho giới hâm mộ có… hăm dọa, chê bai cũng hơi áy náy. Cú sút nhẹ của tiền đạo số 17 Jozy Altidore phút thứ 37 bay sạt qua cột khung thành rồi… bye nhưng nếu bay vô mồm thủ môn Green thì thế nào cũng… mượn tạm… hàng tiền đạo của anh mà không phải trả. Tiền vệ số 8 Clint Dempsey đá phạt góc ở phút thứ 34 và 44 không kém phần hồi hộp. Suốt hai hiệp, đội Mỹ với tiền vệ số 10, 28 tuổi là Landon Donovan qua ba mùa World Cup 2002, 2006, 2010 nhanh nhẹn, kỹ thuật đưa bóng, dứt bóng không dưới Beckham làm nồng cốt. Khuôn mặt thông minh, hiền hậu và đôi mắt thơ thơ của Landon Donovan khi nhìn qua ống kính, có thể làm kẻ ác cảm có cảm tình với nước Mỹ nhiều hơn chăng? Những qủa phạt góc hay sút bóng dứt điểm của Donovan suốt hai hiệp rất đẹp mắt nhưng rất tiếc bóng bay qua sà hay những cú đánh đầu tiếp bóng của hậu vệ số 3 Carlos Bocanegra thay vì hất vào lưới thì lại hất ra ngoài làm hỏng cơ hội làm bàn của Donovan. Khung thành Mỹ bận bịu ở những phút sau khi Anh dẫn 1-0. Nếu coi kỹ, chúng ta sẽ thấy khi thủ môn Tim Howard gần như bỏ khung thành, chỉ có một cầu thủ ở trước khung thành làm anh hùng La Thành thời Đường Thái Tông, đã kịp thời đá bóng qua sà cứu nguy cho Tim Howard. Y như vậy, ở phút 30, thủ môn Úc Schwarzer lớ quớ bỏ khung thành khiến hậu vệ số 2 một mình thực hiện.. Kungpu Panda đá tung bóng ra ngoài cứu nguy đội nhà chịu phạt góc. Khung thành đội Anh đã qúa… bận bịu ở những phút cuối cùng. Những bàn lỡ cơ hội từ đôi chân đã mỏi của hậu vệ số 15 Jay Demerit phút 65 hay của tiền vệ số 10 Donovan phút 88 và 92 bị thủ môn Green đẩy được hay bóng vượt sà cũng để lại trong lòng người xem ấn tượng tốt đẹp của môn thể thao được hâm mộ nhất hành tinh này. Thêm vào đó, hậu vệ cũng trở thành tiền đạo, tiền vệ và đội hình hai đội đã phối hợp tương đối nhịp nhàng. Có điều, người xem cũng thấy rõ cầu thủ hai đội đã không tự mình chơi trội dẫn bóng đi thẳng, sút thẳng như Maradona thời tung hoành sân cỏ mà kéo giãn đội hình chờ phối hợp. Chính sự kéo giãn này khiến cho sân bóng không bị dùn lại như dây thun ở giữa hay hai đầu. Chiến thuật thoáng này mát mắt người xem. Nhược điểm thấy rõ của nó là vì kéo giãn lâu, cơ hội làm bàn bằng đột phá hiếm muộn và mất thời gian. Phải chăng vì hai bên không thể lấn át đối phương, cần cầu thủ hòa? Cũng không phải. Cả hai đội khi thay cầu thủ vẫn đưa các tiền vệ và tiền đạo ra để tìm cơ hội công chứ không thủ. Nếu nói Mỹ may mắn ở phút thứ 39’42” chứ không phải tài năng thì sao cả hiệp hai, đội Anh mạnh gấp hai lần đội Mỹ mà Tam Sư Tử chẳng rứt nổi thêm một thớ thịt của chú Sam? Sự kiện may mắn của đội Mỹ làm người ta nhớ đến vận may của Đức trong mùa World Cup 2002. Đức 3 lần vô địch thế giới đã thắng Mỹ 1-0 vì trọng tài đã không cho Mỹ hưởng qủa phạt đền khi hậu vệ Torsten Frings của Đức đã mắc lỗi chạm tay vào bóng ở khung thành. Nếu được đá qủa phạt này, danh thủ số 10 Landon Donovan của Mỹ sẽ chọc thủng lưới đội Đức. Donovan nổi tiếng nhờ những cú sút quyết định ở thời điểm quyết định và chưa sút trật một trái nào. Trọng tài Carlos Simon lần này đã thực hiện công việc của mình khá nghiêm túc khi nhanh mắt, lẹ tay bắt 26 lỗi, phạt 6 thẻ vàng chia đều cho hai đội Anh và Mỹ đã có trận đấu ngoạn mục thủ hòa 1-1 nhận 1 điểm ở bảng C. Thẻ vàng nhiều hay ít cũng tùy vào trọng tài lúc ghét, lúc thương. May mắn thay, các trận đầu vòng 32, những cầu thủ… ăn vạ kiếm qủa phạt đền hay câu giờ chưa xảy ra đến mức nghiêm trọng như vua phá lưới Henry đã ăn vạ 1 qủa phạt ở phút 83 làm cho Pháp thắng Tây Ban Nha 2-1 năm 2006.
Tóm lại, không có một tinh thần thượng võ, võ sĩ lên võ đài đấu chẳng hay ho. Chẳng có tinh thần quốc gia dân tộc, các đội thi đấu nhạt nhẽo, vô vị. Thắng thua không đặt nặng nhưng tinh thần dân tộc phải cao. Nếu không, tất cả cuộc chơi bị cuốn vào… phi nghệ thuật. Khi trận đấu giữa hai đội đang hồi gây cấn chưa qua hiệp 1, đài số 7 của kênh truyền hình Comcast chạy ra thông báo: Severe II – Storms Warning.
2. Những tiêu cực của world cup:
– Tiêu cực về ăn theo: Những cơn bão “Severe Storms” sẽ đổ xuống nhân gian trong mùa túc cầu quốc tế: Cướp trộm, phá sản hoành hành và hình thành sau khi thua cá cược hàng tỷ đồng cho mỗi trận đấu. Cứ nhân cho 32 trận cơ bản, bao nhiêu con số nhảy ra khiến kẻ nghèo thắt tim! Cổ động viên hành động hooligan đấm đánh, giết nhau khi đội người thắng đội mình. Thanh toán nhau bởi Mafia như lần World Cup 1994, trung vệ trẻ Andres Escobar của đội Colombia vô tình… đốt nhà khiến đội nhà thua Mỹ 1-2 và đã bị Mafia thua cá cược chiếc vé vòng 2, xử bắn trên đường phố ở Medellin khi ôm áo về quê. Ở Nam Phi, Jimmy Mohlala cũng… ô la la ăn kẹo đồng về bên kia thế giới mà làm… ma thành viên Ban Tổ Chức World Cup 2010. Ở Việt Nam, điểm sơ 2 trận gần đây ở sân vận động 30 ngàn người Lạch Tray (Hải Phòng) giữa hai đội XM Hải Phòng và Hà Nội: Cổ động viên Hải Phòng đã ném bịch nước dơ, ném vỡ kính VIP, chửi thề, văng tục cho hả hơi. Trên sân vận động Thiên Tường – Nam Định với sức chứa 30 ngàn người, cầu thủ hành hung, trọng tài đổ máu. Trên sân vận động QK7 giữa đội Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn và Thanh Hóa, cổ động viên Thanh Hóa đã trút mưa vật thể như chai, lọ, giày, dép, ghế và cả chiếc mũ quân đội thành phi đạn xuống đầy sân khi Thanh Hóa thua 0-2 khiến trọng tài Đặng Thanh Hà phải cho dừng trận đấu ở phút 63. Kết qủa: Công an đứng ngó, bó tay. Trọng tài… chạy trốn giơ tay kêu… giời!
– Tiêu cực về phẩm chất tư cách cầu thủ và trọng tài: Nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ trong một trận đấu đã nói lên được sự “ăn thua đủ” chứ không phải hoàn toàn là một trận thể thao lành mạnh. Những trọng tài – cha chúa trên sân cỏ khi thiếu trách nhiệm cũng là nguyên do dẫn đến sự thất trận oan uổng cho một đội bóng quốc tế hay mang thắng lợi cho đội khác như một điều may mắn có thiên vị chứ không phải may mắn do sơ hở. World Cup 2002, Mỹ không được hưởng phạt đền dẫn đến thua Đức 2-1. Thẻ vàng đuợc trao cho số tiền đạo số 19 Claudemir Jeronimo Barretto – Cacau của Đức ở phút thứ 92 của trận Australia và Germany là trọng tài lóa mắt nên bé cái nhầm. Không kể đến trọng tài xử ẩu mà chúng ta đã thấy trên màn hình quay chậm. Hai hậu vệ Patrice Evrra và tiền vệ Patrick Vieira của Pháp đánh nhau khi thua Hà Lan 1-4 và tiền đạo Ruud Van Nistelrooy của Hà Lan cũng bị rủa xả thậm tệ vì… thắng! Trong trận giành vé đi Nam Phi, trọng tài Martin Hanson không phạt thẻ vàng khi Thierry Henry dùng tay chơi bóng… rỗ hạ Ireland đưa Pháp về Nam Phi còn FiFa thì… ngụy biện để đi ngược luật mình đưa ra. Năm 1987, chính Maradona cũng… chơi bóng rỗ thủng lưới Anh mà không bị trọng tài… dán bùa. Trận U19 Việt Nam gặp U19 Myanmar trong 2 phút, Myanmar lãnh… 3 thẻ đỏ còn cầu thủ Việt Nam nóng máu, tự nhiên bỏ sân cỏ rồi tự do quay lại cũng không sao miễn vào đá trở lại là được! Ở Việt Nam, 9 thẻ vàng trong một trận Becamex Bình Dương và Cao Su Đồng Tháp thì còn gì giá trị một trận thể thao? Cầu thủ vô kỷ luật Chí Công rủ đồng đội bỏ đấu nhận thẻ vàng. Quang Thanh, Văn Mộc nện gót vào nhau trả thù, lãnh bùa vàng trừ bệnh máu nóng. Một lượt đi của V – League ở Việt Nam, trọng tài… quất 36 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ!? Nếu trên thương trường và quan trường, người ta thi nhau mua quan, bán chức thì trong giới thể thao, các ông bầu cũng mua cầu thủ như mua hàng xuất nhập khẩu. Tệ lậu đó đã dẫn tới tình trạng phi chính phủ, phi nhân cách.
– Cầu thủ được xem như gà chọi khi mua bán chuyển nhượng. Phải chăng là chế độ nô lệ cấp cao thời hiện đại? Khi cầu thủ nước ngoài được cho nhập tịch nước mình để làm công việc đá thuê thì thành tích đó có gì mà đáng qúy chứ? Có còn gì một thành tích mang tính chất dân tộc độc lập? Đá thuê cũng đâu có khác gì làm luận án thuê, thi tốt nghiệp, đại học thuê, vợ chồng thuê… ? Tệ nạn của cầu thủ nước ngoài là thể hiện bản chất côn đồ. Đội bóng Việt Nam là một điển hình khi mua, thuê các cầu thủ nước ngoài về làm gà chọi. Cầu thủ Leandro (Brazil) đã dùng giày đạp vào mặt tiền vệ Duy Nam, tát cầu thủ Quốc Long trước mặt trọng tài nên nhận thẻ đỏ sau khi có 2 thẻ vàng. Tiền đạo số 33 Danny David hành hung cầu thủ Văn Thuận và… bóp… Văn Duyệt gần chạy nọc. Hai thẻ vàng cho Amakuro nổi loạn ở sân vận động Thiên Trường. Trung vệ Alphonse tát cầu thủ Xuân Hợp khiến cầu thủ này như con giun giãy giụa trên cỏ. Trung vệ John Wole – Halida Thanh Hóa, dùng mũ bảo hiểm thế “nhị khúc côn cầu” quất vào mặt đồng đội Dương Ngọc Hùng khi cãi nhau. Còn nhiều, kể không xuể! Vì tiền, người ta có thể làm tất cả những gì gọi là hạ tiện và hạ cấp nhất bởi quan niệm “Khi con chó có tiền, người ta cung kính thưa ông… Chó”! Mùa world cup là mùa hái ra tiền cùng vui buồn của bạn là xót xa nước nhà. Tài năng hay may rủi cũng góp vào chữ “Tâm” của Nguyễn Du.
3. Nể người, hổ ta:
Trên bảng B, đội Korea Republic – Nam Hàn cùng Argentina đang dẫn đầu và nắm trong tay chiếc vé vào vòng 16 đem vinh dự về cho nước họ. Korea không được coi là nước mạnh, giàu ở Châu Á. Mexico – đất nước hơn trăm triệu dân đã không được coi là trung lưu và vì nghèo nên dân nhập lậu vào Mỹ lớn nhất, cũng đã có tên trong bảng A. Người ta hỏi: Đội bóng Việt Nam ở đâu? Đội bóng Việt Nam còn ngủ ngon trong vòng tay mẹ. Những thành tích đội Việt Nam ở khu vực khiêm tốn như mùa bóng Asean football Championship (Cúp Đông Nam Á) chỉ có 5 nước (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam) trong suốt 14 năm (1996 – 2010) là hai giải nhì (1996, 1998) và một vô địch (2008). Cao hơn chút là giải AFC Asian Cup (Cúp Bóng Đá Châu Á) trong 56 năm (1956 – 2010) với 47 quốc gia. Đội Việt Nam thời Cộng Hòa dự thi năm 1956, 1960 ở Hồng Kông và Hàn Quốc liên tiếp đạt hạng 4 rồi sau 1975… bye hẳn cho tới năm 2007. Việt Nam được đăng cai 1 lần và đi vào trận tứ kết rồi nằm ngủ luôn. Danh sách các đội bóng mạnh, cầu thủ, thủ môn xuất sắc không… chia cho cầu thủ Việt Nam một giải nào. Trong khi đó, thành tích xuất sắc của Hàn Quốc trong suốt 54 năm là nhất, nhì, ba hầu như mùa nào cũng… lượm trái dễ dàng. Hàn Quốc đã “ăn cây nào, rào cây nấy” là vậy. Khi người ta làm phép so sánh về hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc, người ta thấy Việt Nam về phương diện nào cũng… vượt trội. Trong trận gặp Hy Lạp, sức mạnh tập thể của đội Hàn đại diện Châu Á mà các mũi nhọn là tiền vệ Ki Sung-yeung, Park Ji-Sung, Lee Chung -young và tiền đạo Park Chu-young đã chơi qúa xuất sắc dẫn đến kết qủa 2-0 xứng đáng. Khi các đội Hàn Quốc tập trung “mang chuông đi đánh nước người” thì đội Việt Nam đang lên đường đi đánh… Lebanon – một nước có 3 triệu dân và có đội bóng thuộc hàng yếu nhất của khu vực Trung Đông. Vậy cũng… bảnh lắm rồi! Không có Việt Nam, ta trông cậy vào Nam Hàn, Nhật Bản sẽ làm vẻ vang Châu Á với ước mơ có mặt trong vòng tứ kết! Phong độ Nam Hàn đáng nể khi vào trận đấu chẳng bị một thẻ vàng, thẻ đỏ nào. Hy vọng họ giữ được phong thái văn hóa trên sân cỏ mãi mãi. Trong 8 trận/32 của lượt đi tới 16, tổng số thẻ vàng, đỏ là 32 ít hơn Would Cup 2006 4 thẻ vàng và nhiều hơn 3 thẻ đỏ. Trung bình mỗi trận là 4 thẻ. Vẫn còn cao cho một trận đấu đẹp, đầy văn hóa. FiFa có lúc nên ngồi xuống để lập ra kỷ luật thể thao cho những tiêu cực nói trên và thưởng phạt nghiêm minh để đưa môn thể thao dễ thương và dễ chết này lên hàng nhất phẩm chất lượng. Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên nghĩ ra một phương cách nào để kỷ luật những cầu thủ không kềm chế và phạt nặng cổ động viên kiểu hooligan.
World Cup đến 4 năm một lần rồi đội nón ra đi. Lịch sử bóng đá nằm lại viết thêm những trang đẹp cho đời hay tô đen trang vàng lịch sử? Đội nào vô địch? Vẫn còn đầy hy vọng cho những đội bóng mới vươn lên khi qủa bóng còn lăn trên sân cỏ xanh rờn. Cho dù đội ta thua, chúng ta vẫn vỗ tay cho đội người thắng. Đấy mới là tinh thần thượng võ, thượng phong. Ăn thua đủ trên mọi nơi, trong mọi lúc sẽ làm chúng ta cạn cùng lòng nhân ái, kiệt quệ tình nhân loài. Bắt bóng tuột tay? Ai cũng phải có một lần chơi bóng tuột! May rủi và tài năng lúc nào cũng song sinh. Nhìn người chợt nhận ra mình cũng đã từng bắt trượt bóng bay…
Tháng 6/14/2010
Ngọc Thiên Hoa