PHÊ BÌNH

ANH HÙNG! HỌ LÀ AI?

Chiến sự Trung Đông đi vào giai đoạn tàn khốc khi quân đội chính phủ Syria càn quét vào Homs – nơi ẩn nấp cuối cùng của lực lượng đối lập. Trong khi đó, Ai Cập – “Mùa xuân Ả Rập – Cách Mạng Hoa Nhài 2011” đã biến thành “Mùa Hè Đỏ Lửa 2013” khi quân đội đảo chánh lật đổ tổng thống Mohamed Morsi. Trên Biển Đông, tàu TQ tiếp tục vây bắt tàu đánh cá VN ở vùng Quảng Ngãi trước sự “thúc thủ” của chính phủ VN. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 là tháng tai ương ở Mỹ. Trong những tình huống “thập tử nhất sinh” đã sinh ra anh hùng. Họ là ai?

Ngày 4/7/2013 là ngày Lễ Độc Lập của Mỹ. Ngày 6/7/2013 là ngày kinh hoàng vụ máy bay Boeing 777 Asiana Airlines bốc cháy khi hạ cánh ở San Francisco. Nữ tiếp viên hàng không Lee Yoon-hye đã trở thành anh hùng! Cuối tháng 6, đầu tháng 7 là sự kiện cháy rừng ở Yarnell (Arizona) khiến nước Mỹ rơi vào những ngày tang tóc! Từ “Heroes” xuất hiện ngay trong tang thương.

Khái niệm anh hùng thường được gắn cho những chiến binh trên chiến trường. Thắng hay thua cũng tạo ra người hùng thời đại. Nhưng khái niệm anh hùng không chỉ hạn hẹp chừng ấy. Anh hùng là những người có thể làm được những điều có ý nghĩa thiêng liêng vượt trên sự tưởng tượng mà những người bình thường khó mà làm được. Những nhà thám hiểm. Những khoa học gia, bác học (loại bỏ những người chế tạo vũ khí giết người). Những người bỏ mình vì làm nhiệm vụ có ích. Họ là anh hùng!

Họ là ai? Họ là 20 chàng trai dũng cảm, tinh nhuệ nhất thuộc trạm cứu hỏa số 7 Prescott Granite Mountain hotshots (the Prescott Fire Department’s hotshot crew). Sự cố 19/20 lính cứu hỏa nói trên hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ cứu 2,000 hecta rừng Yarnell Hill gần Yarnell (Arizona) bùng cháy bởi sét đánh, khiến thế giới rơi lệ. Họ nào phải là quân đội Tào Tháo năm xưa trong trận Xích Bích mà Khổng Minh mượn gió ngược đốt Tào?! 19 người lính cứu hỏa đã lao vào cánh rừng lửa khổng lồ. Ông bà có nói “nhất thủy, nhì hỏa”. Có nghĩa là lâm trận “đại hồng thủy” chỉ có thành ma gia. Nơi nào được bà Hỏa viếng thăm, coi như “thập tử nhất sinh”. Nhiệt độ ngọn lửa đã từ 300 lên 500 độ C nhưng 19 người lính cứu hỏa “đại nạn không quay đầu”. Tiếc thay! Lá chắn shelter (bùa hộ mệnh) của họ không chịu được sức nóng hỏa diệm sơn đang bất ngờ đổi ngược hướng. Chỉ mỗi Brendan McDonough may mắn không ở hiện trường nên sống sót!

Theo thống kê trên mạng, năm 1910, cháy rừng Cevil’s Broom, có 86 người lính cứu hỏa thiệt mạng. Năm 1933, trận cháy lớn ở Griffth Park – Los Angeles (CA), đội Hotshot mất thêm 29 lính. Đó là những trận thiên tai. Còn nhân tai với vụ khủng bố 9/11/2001 tại Tháp Đôi ở (New York), con số sinh mạng bị tước đi của lính cứu hỏa lên tới… 343!

Ngần ấy người hy sinh chỉ vì nhiệm vụ cứu người, cứu rừng khiến cho những ai còn ngồi rung đùi đâu đấy hưởng thụ cảm thấy xấu hổ chút nào? Những kẻ ôm bom cảm tử sát hại dân thường có biết hổ thẹn? Từ tấm gương của họ, thế giới soi mình vào để thấy thế nào là tinh thần trách nhiệm của người lính cứu hỏa nước Mỹ? Trước một biển lửa, họ có thể không đi sâu hơn và có thể từ chối dấn bước. Không ai có thể kết tội họ nếu họ không cứu nổi màu xanh của rừng cũng là chuyện thường tình. Nay, 8,000 hecta rừng cũng trụi lũi mà người cũng chẳng còn. Gần 700 người trở thành vô gia cư vì 200 ngôi nhà bị thiêu rụi. “Mất cả chì lẫn chài” là một bài học xương máu cho những người có trách nhiệm suy ngẫm…

Nhìn người, ngẫm ta. Những người cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) của VN khó mà theo kịp Mỹ về trang bị và nhất là tinh thần trách nhiệm! Khi lửa không còn gì để cháy, báo chí hay ngợi ca PCCC đã “khống chế được ngọn lửa”!!? Họ thường bị coi là “bất lực” và là hạng người “tham sống, sợ chết”.

Có những khi trên đường, chúng ta bất chợt nghe còi xe hụ inh ỏi nhất là khi trời đổ mưa, sấm sét rầm trời, những chiếc xe màu đỏ lao tới… khiến ta giật mình! Những người lính cứu hỏa ở Mỹ bình thường nhanh nhẹn như thế vì họ đã được rèn luyện kỹ năng để ứng phó với những tình huống phức tạp mà những hotshots là điển hình của sự tinh nhuệ nói trên.

Cứ mỗi đời tổng thống Mỹ đi qua, chúng ta lại thấy trên đất đào thêm huyệt lạnh cho những anh hùng Hoa Kỳ từ chiến trận thế giới trở về! Nước Mỹ chưa bao giờ có hòa bình thật sự. Chiến tranh. Hỏa họan. Bạo lực. Đó là điều mà nước Mỹ ngày đêm trăn trở! Mỗi chúng ta, nói như trong phim kiếm hiệp “cẩn thận củi lửa, đề phòng hỏa hoạn”. Những người lính hotshots hy sinh với số tuổi còn rất trẻ: Christopher Mackenzie (30), Andrew Ashcraft (29), Kevin Woyjeck (21), Anthony Rose (23), Eric Marsh (43), Robert Caldwell (23), Clayton Whitted (28), Scott Norris (28), Dustin Deford (24), Sean Misner (26), Garret Zuppiger (27), Travis Carter (31), Grant McKee (21), Travis Turbyfill (27), Jesse Steed (36), Wade Parker (22), Joe Thurston (32), William Warneke (25), John Percin(24) (ironfiremen.com). Họ thật sự là những anh hùng trong mỗi chúng ta!./.

Tháng 7/10/2013
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button