TÙY BÚT

“SI MÊ!” TA CÓ NÊN CHÀO MI?

Tháng 11/10/2012
Chào qúy độc giả!

Cuối thu, trời âm u. Siêu bão Sandy càn quét một số tiểu bang Đông Hoa Kỳ nhưng không cản nổi… kình ngư Barack Obama “lội ngược dòng” trong ngày bầu cử 6/11. Chiến thắng 332/306 trước Mitt Romney giúp Obama tiếp tục tại vị khiến người ủng hộ hoan hỉ. Những nụ hôn mừng chung cuộc nở hoa. Vậy mà ở Việt Nam (VN) một nụ hôn đã thành… cơn bão đạo đức.

Cùng độc giả!

Ngày 4/11/2012, Đàm Vĩnh Hưng (ĐVH) tham dự chương trình từ thiện giúp ca sĩ Wanbi Tuấn Anh khiến 2 tỳ kheo dính vào scandal “nụ hôn phản cảm”. Không hiểu “ma đưa lối, qủy dẫn đường” như thế nào mà 2 vị xuất gia tại Thiền viện Phước Sơn (Long Thành, Đồng Nai) là Thích Pháp Định và Thích Giác An “lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”? Ngẫu hứng “lý qua cầu” lòng bồ tát không đúng chỗ khi cả 2 tỳ kheo thắng đấu giá 2 chai rượu của ĐVH tức là được ĐVH hôn như lời hứa. Hai tỳ kheo cùng ĐVH “khóa môi”, “hôn tay” và “hôn má” thắm thiết trên sân khấu trước “những con mắt trần gian”. Hai vị tỳ kheo này đã phạm “Si Mê” nhà Phật (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thêu dệt, nói đôi đường, nói ác độc, tham lam, giận dữ, si mê). Hai vị “Thích… Si Mê” khó vào được 4 cõi Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật! Con nhà xuất gia phạm đại kỵ “không uống rượu” thì mua rượu cũng là tòng phạm. Lập tức “búa riều dư luận” thay cho “giuốc dép bay lên sân khấu” khiến trụ trì chùa Quân Âm Cổ Tự (Đồng Tháp) và giới có chức trách vào cuộc.

Giới dư luận “ném đá” đạo đức tu hành. Giới luật sư có Trần Đình Triển luận: “Hành động trên là phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Võ Trọng Nam trả lời báo Dân Trí “Sở đang xem xét sự việc và sẽ có câu trả lời chính xác tới báo chí”. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Phòng quản lý Cục Nghệ thuật Biểu diễn: “để báo chí phản ánh, dư luận lên tiếng thì cơ quan quản lý phải có trách nhiệm xem xét.”. Giới chức sắc, Hòa thượng Thích Giác Quang nghiêm mặt: “người tu hành thì cần phải xem lại tư cách, oai nghi, đạo hạnh… Ngoài ra các Chư Tôn đức cũng nên thường xuyên sách tấn, khuyến cáo, cổ xúy giới luật của tăng già… nếu các vị làm được như vậy, thì chắc chắn những sự cố đáng tiếc vừa qua sẽ khó có thể xảy ra.”

Người ta hỏi: Hai vị tỳ kheo “sắc sắc không không” này làm sao mà có tới 55 triệu để mua đứt 2 chai rượu? Vậy là tiền cúng dường của thập phương bá tánh… lên đường “từ thiện” một lần nữa? Hòa thượng Thích Phổ Độ, đệ tam pháp chủ Giáo hội Phật Giáo VN từng giảng: “Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng đồng người, nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?” (baomoi.com).

Kết qủa: Sau buổi lễ tác pháp Yết Ma ngày 7/11 do trụ trì Hòa thượng Thích Bửu Chánh chủ trì, 2 tỳ kheo đã bị phạt biệt chúng 3 tháng (không tiếp xúc với ai). ĐVH cũng viết thư tay nhận lỗi. Hình phạt hay xin lỗi là một chuyện. Tái phạm hay không mới là chuyện khác. Thế nhưng, “hôn môi” có tội lỗi gì? Thí sinh Ngọc Anh và Ngọc Ngoan trong “Cuộc thi cặp đôi hoàn hảo” cũng “khóa môi” như chưa từng được hôn. Đan Trường và Thanh Thảo trong live show Thiên Đường Vắng không “hôn môi xa” mà “hôn môi gần”. Thế giới có “nụ hôn lịch sử” ngày 14/9/1945 của chàng lính sau thế chiến thứ 2 cùng cô y tá Edith Shainkhông quen biết trên Quảng Trường Thời Đại mà Katy Perry đã “tái hiện” cùng một thủy thủ khác ở New York. Có sao đâu? Nhưng với các nước Trung Đông, như Abu Dhabi, hôn sơ sơ thôi cũng bị phạt vạ cả ngàn đô hay bị tù. Còn Iran thì đánh ở mông như diễn viên Gorax Komamdirsh hôn má đạo diễn. Tại Châu Á như Malaysia, phạt 75 đô cho kẻ nào dám “môi kề môi” trước đám đông. Ở Indonesia, có thể lên cả trăm ngàn đô cộng thêm tù. Nụ hôn làm cản trở công chúng nên ở nơi xứ sở mặt trời mọc, bản cấm hôn được treo ở nhà ga tàu điện ngầm Warrington Bank Quay. Người thường có đủ kiểu hôn cũng không sao nhưng người tu hành phải hiểu thế nào “xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia”. Nói, không đi với hành là có tội với Đạo, với Đời.

Bạn đọc qúy mến!

Nụ hôn có rất nhiều cấp độ. Hôn như thế nào mới không “phản cảm”? Riêng đối với giới tu hành, việc chắp tay “Mô Phật” để giao tiếp thay thế cho “khóa môi” phải là nội quy phải có. Tâm có trong sạch như nước hồ thu, lòng có sáng như gương, chúng ta mới có thể nói tới “cảm hóa” người. “Si Mê”! Một bài học. Hôn đúng nơi, đúng người thì rất ý nghĩa. Với người tu hay không tu, “Si Mê”! Ta rất nên chào mi lắm lắm! ./.

Chào tạm biệt!

Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button