PHÊ BÌNH

SHOW CHẾ LINH BỊ HỦY: MUỐI MẶT AI?

Lại chuyện “Phép vua thua lệ làng“.

Chuyện show diễn của ca nhạc sĩ Chế Linh “30 năm tái ngộ” sau cơn “bỉ cực” đã “thái lai”, được đón nhận nồng nhiệt ở Hà Nội. Thế nhưng, “họa vô đơn chí”, nó lại bị từ chối ở Sài Gòn. Tin này như bom nổ tung, không ai không làm con… thằn lằn! Lý do từ chối của Sài Gòn vô cùng… đơn giản tới mức kẻ tiểu nhân nghe tin, cười lai rai, người quân tử lọt tai, thật kinh hãi! Đúng, sai thế nào?

Khi báo chí ồn ào, dư luận phản ứng, đại diện Sở Văn Hóa Thông Tin và Du Lịch (VH-TT&DL) Sài Gòn, Lê Tôn Thanh phải… giảm nhẹ tình hình: “Theo tôi nghĩ là do công ty đứng ra tổ chức không làm đúng theo các qui trình thủ tục thôi, chứ không phải chuyện gì lớn.”(viettop10.com). “Không phải chuyện gì lớn” mà hủy show diễn đã được Cục Hà Nội cấp phép diễn? Chúng ta xem lại tin từ một bài báo khác: “Theo Quyết định 47, ở mục 2 của “Điều 21. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Văn hóa – Thông tin” có ghi: “Tiếp nhận đăng ký tổ chức biểu diễn nghệ thuật (trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do)…“. Sở VH,TT&DL TP.Sài Gòn vừa qua cũng có văn bản gửi cho ông Nông Xuân Ái, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân Gian Việt Bắc có “nêu rõ lý do” là: “Việc tổ chức biểu diễn chương trình ca múa nhạc Live show ca sĩ Chế Linh chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”. Và “Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh không thể cấp giấy tiếp nhận cho đơn vị””(web đd).

Như vậy, về phía Sài Gòn, có 3 lý do chính:

– Chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay.

– Cách tổ chức qúa luộm thuộm.

– Cần tham khảo ý kiến nhiều ban ngành, đặc biệt là UBND thành phố.

(vcpmc.org).

Thực hiện hủy show Chế Linh sau khi nhận đầy đủ công văn, giấp phép của Cục, Sài Gòn đã quyết định “tung chưởng” vào mặt Cục vì Cục trưởng Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật (BDNT), Vương Duy Biên trước đây đã bày tỏ quan niệm: “Chúng tôi đồng ý với Sở VH,TT&DL Hà Nội trong việc xử phạt Công ty Bích Ngọc. Nhưng nghệ sĩ thì không có sai phạm gì, không nên làm khó cho họ. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc là đơn vị của TƯ, có đủ uy tín để tổ chức chương trình” (Hà Nội Mới, thangbommagazine.com/vn). Nghĩa là đơn vị tổ chức show Chế Linh từ tư nhân đã chuyển sang đơn vị nhà nước, một đơn vị có “uy tín” của Trung Ương (TƯ). Vậy sao Sài Gòn đã không coi đơn vị đó là cái “đinh” gì? Như vậy, núp bóng râm cây đại thụ cỡ cấp trên Bộ, Sài Gòn mới dám… nhổ nước bọt vào những công văn, giấy phép từ Cục BDNT?

Một quyết định “khôn ba năm… “.

Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông, thủ phủ tân tiến của 1/2 nước Việt Nam một thời vang bóng. Lẽ ra, hơn bất cứ vùng miền nào, Sài Gòn sẽ đón nhận một danh ca Chế Linh như bao ca sĩ hải ngoại tìm về đất mẹ khác. Nào ngờ ngược lại, Sài Gòn phủi tay vì trong “tình hình chưa thể đón nhận show diễn của Chế Linh”. Như vậy, để “bác sĩ đồ tể” giải phẫu, Sài Gòn cần phải chuẩn bị khâu gì đây mới đón tiếp được show diễn của Chế Linh? Phải chăng Sài Gòn cần có thời gian để chuẩn bị một dàn quân đội, công an để… bảo vệ Chế Linh. Hoặc chuẩn bị mở trường dạy nhạc bolero để dân chúng mới có thể thưởng thức Live Show Chế Linh? Sự chuẩn bị này còn hơn Hà Nội đã từng chuẩn bị “Ngàn Năm Thăng Long”. Nói “điêu” thế là vì khâu chuẩn bị của Sài Gòn chưa thể nói tới tính thời gian khi nào mới hoàn tất? Sự “chuẩn bị tình hình” hết sức chu đáo này của Sài Gòn khiến Chế Linh “xúc động” đến mức phải… nhập viện!

Sự lý giải mơ hồ ú ớ ngậm hột bơ, hột thị trên của Sài Gòn khiến cho Nguyễn Thái Huân, Giám đốc Công ty Sao Nhạc Việt, đã không nhịn được bất bình: “Chưa phù hợp ở điểm nào?”. Đỗ Tuấn trên Thanh Niên online nhận xét đây là cách: “Quản lý văn hóa kiểu ‘ngăn sông cấm chợ’ “. Chúng ta nói tới chuyện “chia chác không đều” hay “cống nạp qúa ít” cũng chưa hẳn là lý do chính. Cái chính là “Phép vua thua lệ làng“. Với Sài Gòn, chuyện này, Sài Gòn như con tắc kè… không chịu đổi màu. Cùng một show diễn với một dàn ca sĩ, các bài hát như nhau, thậm chí phải hát “lấy lòng” Sài Gòn bằng bài “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” cũng không xong. Sở VHTT&DL Sài Gòn cương quyết ra mặt “vua một cõi”… chỉnh cho Hà Nội thấy rằng “cựa” của Sài Gòn “cứng” hơn “cựa” Hà Nội. Đồng thời, Sài Gòn cũng… dằn mặt Cục. Kết qủa cho thấy sau khi Sài Gòn có quyết định hủy show Chế Linh, Cục đã “im lặng… nhặt vàng”! So sánh khập khễnh sự việc im lặng của Cục như… NATO. Khi chính phủ và quân đội Syria đàn áp và giết người biểu tình lên con số hàng chục ngàn nhưng NATO đâu dám nhào vô… gậm nhấm nữa đâu vì một Libya đã qúa ớn lạnh!

Trở lại vấn đề: Chính sự hủy giấy phép từ Cục, chúng ta có thể nói rằng Sài Gòn là thành phố lớn nhất, nhì Việt Nam nhưng lại có bước đi văn hóa nghệ thuật thua kém Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Nội… xa lắc. Nó chỉ chứng Sài Gòn thấp kém về nhận thức và không nắm rõ quan điểm, lập trường “hòa hợp dân tộc” của Nhà Nước. Một thành phố có những đại quan nhát gan như vậy, sợ hãi cả một người ca sĩ, sợ hãi cả cách quần chúng mê tiếng hát của một ca sĩ trước năm 1975 như vậy, liệu khi giặc Tàu hay giặc phương Tây đánh vào, Sài Gòn sẽ phải đầu hàng nhanh chóng như cựu Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng Cộng Sản năm 1975? Sau vụ hủy show của Chế Linh đã dẫn tới những luồng suy nghĩ của quần chúng hai bờ đất nước lệch lạc (CS không quên sự kiện 1975), mất đoàn kết (Sài Gòn – Hà Nội, người Việt trong nước – người Việt hải ngoại), chia rẽ dân tộc (Chàm – Việt), phân hóa quyền lực (Bắc – Nam)… Những tội danh này được thành lập, chính phủ cần phải nghiêm khắc kiểm thảo cả một bộ não chính của Sài Gòn. Nếu không, nhà nước Việt Nam cũng bị cho là “cá bè một lứa”. Nói trắng ra là “tay kia bắt, tay nọ đâm”. Hỏng cả cái tên “Xã Hội Chủ Nghĩa”!

Sở VHTT&DL- Hà Nội đã làm được một việc… cần làm ngay!

Dù có chào thua chiêu thức ”Tiền Trảm, Hậu… Báo” của Cục BDNT, Sở VHTT&DL Hà Nội cũng đã nghiêm túc chấp hành “chuyện đã lỡ” phải “cứu khốn” cho show diễn của Chế Linh. Nhờ tính linh hoạt này (bỏ qua chuyện lót tay), dân chúng Hà Nội đã có thể hiện quyền thưởng thức âm nhạc của mình. Khi thực hiện “Những việc cần làm ngay” đáng có này, Hà Nội đã làm chúng ta nhớ tới cựu Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, người có công “Mở Cửa” và “Đổi Mới” cho đất nước qua cơn tối tăm từ những năm 1986 – 1991 rồi dù có bị đụng…băng sơn… chết chìm như tàu Titanic nhưng cũng đã để lại vết son trong lịch sử!

“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Quần chúng là tất cả. Quần chúng làm ra lịch sử. Quần chúng là công lý, là “chủ” của những ”đầy tớ”. Thế nhưng quần chúng – chủ nhân ở thời hậu chiến không thể làm… cha mà bị… đầy tớ thời hậu chiến “quầng” cho hết kiếp! Chưa có show diễn nào mà chính quyền sở tại chơi trò ú tim, cận diễn mới bật đèn đỏ “Stop!”. Người ta bảo nhau đang chạy nhanh, gặp vật cản bất cứ là động vật hay con người, cũng phải… cán lên mà chạy, nếu không, luật quán tính sẽ giết chúng ta. Nghe ra bất nhân nhưng “Người không vì mình, trời tru đất diệt“! Tội nghiệp cho quần chúng Sài Gòn! Quyền tự do thưởng thức âm nhạc bị cúp như cúp nước, cúp điện. Người dân “Hòn Ngọc Viễn Đông” sau khi phải xếp hàng “rồng rắn lên mây” để mua vé chợ đen cho được, nay phải chen chúc trả vé. Chuyện trả vé cũng dở khóc, dở cười. Tấm vé do họ phải “váng mồ hôi, sôi nước mắt” mua, chưa gì đã lỗ vốn! Vé chợ đen làm sao mà đòi được ở chợ đỏ? Khi mua hí hửng. Khi trả lừng khừng! Mua rồi khó trả là vậy? Nghệ thuật làm ra cho ai thưởng thức? Ai là người biết trân qúy những gía trị tinh thần, vật chất hơn người lao động? Muốn không bị hệ lụy vì lũ “trâu bò”, quần chúng “ruồi muỗi” cũng nên biết “bu”, biết” “chích” cho chúng chết chứ? Không hòa mình vào quần chúng để hiểu họ muốn, khao khát điều gì, làm quan như thế, quần chúng có cần đâu? Còn chúng ta mài lủng quần ở nhà trường cũng chỉ để làm “ruồi muỗi” thôi ư?

Khi Chế Linh là người Chàm…

Trong lịch sử, vương triều Champa đã bị Bắc Việt Nam xâm chiếm và xóa sổ với danh nghĩa “mở mang bờ cõi”. Người dân Champa qua hàng thế kỷ đã hội nhập và trở thành người Việt Nam mà họ chưa có một kỷ niên “phục quốc” nào? Sự thức thời này cần được chúng ta thương cảm và trân trọng. Chúng ta cứ tự hào về nền văn hóa Chăm với hơn 20 khu di tích Tháp Chàm. Trong đó, khu di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn – Quảng Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vậy, những thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây” mà chúng ta thường dạy cho học trò, chúng nên dùng vào lúc nào đây? Từ chối một show diễn hết sức bình thường của một ca sĩ người Chàm như Chế Linh, Sài Gòn muối mặt khi đối diện với chiếc gương lịch sử dân tộc. Không biết đối xử tử tế với chúng dân còn sót lại của một đất nước tàn vong, làm sao mà chúng ta có thể tự hào dân tộc có 4000 năm văn hiến, nhân bản? Một sự vỗ ngực không biết hổ thẹn là đấy! Ngay cả động thực vật gần tuyệt chủng, tổ chức bảo tồn môi trường thiên nhiên thế giới IUCN (International Union for Conservation of Nature) cũng đưa vào “Danh Sách Đỏ” cần bảo vệ triệt để huống chi một giống người! Không biết trân qúy nhân tài như người Chăm, Chà Len – Chế Linh, chúng ta mài lủng đủng quần ở nhà trường chỉ để trở thành… trâu bò hay sao chứ?

V ậy mà , những người Chăm có tiếng tăm, được ân sủng của hoàng gia như Irasara ở đâu mà cũng… tắt tiếng? Ngay cả con trai Chế Linh là Chế Kha cũng chẳng có chút dòng máu anh hùng nào của cha ông Chế Bồng Nga. Tại sao nói thế? Đơn cử một bằng chứng: Chế Kha cầm bản nhạc “Champa huyền thoại”, nhưng cậu này đã từ chối không dám hát khi được yêu cầu thu âm. Lý do là từ sau “Hận Đồ Bàn” của cha Chế Linh, con Chế Kha đã “kiềng canh nóng, thổi rau nguội” cả bài hát đã được tác quyền và được Cục cho phép diễn. Người Chăm như thế, qủa thật Champa chỉ còn là “huyền thoại” nếu không muốn nói “hèn” đến nổi không dám hát bài ca ngợi vương triều của dân tộc mình! Những người Chăm này thật đáng thương nhưng không đáng trọng vì “tự hào dân tộc” là yếu tố chung của người Việt Nam. Người Chăm không phải là dân tộc Việt Nam sao?

Hà Nội đắm mình với dòng belero?

Từ trước tới nay, Hà Nội, trái tim Cộng Sản luôn sẵn sàng với 3 phần để “Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều. Phần cho thơ và phần để em yêu”. Trái tim 3 lổ ấy đâu có lổ dành cho nhạc… hành khất cái bang, huống hồ dành cho giọng ca “phản động” vì chuyên hát về lính Cộng Hòa như Chế Linh, Tuấn Vũ? Vậy mà show diễn Tuấn Vũ hay bất cứ ca sĩ hải ngoại nào với các thể loại nhất là bolero, được dân chúng Hà Nội thưởng thức nồng nhiệt. Tuổi trẻ hóa Hà Nội? Thức thời hóa Hà Thành? Cái gì là dòng nhạc thời gian, cái gì là dòng nhạc phế thải theo thời gian, người Hà Nội đã nhận ra! Đó không có gì là “sĩ diện” cho những tư tưởng hủ lậu những năm 1975. Ngay cả ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cũng thật thà trả lời với phóng viên Tiền Phong: “Giọng Chế Linh là giọng hiếm, tôi thích nghe. Đáng để hát ở đây lắm. Cậu bầu sô nói: “Cháu biết chú ghét ca sĩ hải ngoại nên mới xử như thế”, tôi nói nhà tôi đầy băng đĩa ca sĩ hải ngoại trong đó có Chế Linh” (danviet.com). Đủ biết, ông không nói đùa. Tự bao giờ, người Hà Thành ngàn năm văn vật đã gội rửa tâm hồn định kiến miền Bắc để đón nhận dòng văn hóa nghệ thuật miền Nam? Trong biểu hiện này, người dân Hà Nội thật đáng yêu! Họ thể hiện được tình cảm nồng nàn này là cũng bởi Sở VHTT&DL Hà Nội và Cục BDNT đã tạo cho họ có cơ hội bày tỏ tấm lòng. Điều này, Sài Gòn chưa thể cho dân chúng mình có được cơ hội hiếm hoi này! Đáng tiếc!

Về các bài hát cấm.

Chính quyền sau năm 1975 đã hủy hết những gì gọi là văn hóa miền Nam. Hát nhạc vàng, coi truyện ngụy coi như tuyệt đối cấm. Bây giờ thì sao? Khôi phục lại nền văn hóa miền Nam đã gần như mất sạch để làm gì? Cho phép hát lại nhạc thời chiến của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy – nhạc vàng để làm gì? Trước sau gì cũng phải mở cửa tiếp nhận văn hóa nghệ thuật của dòng văn học miền Nam thì bày chi cái chuyện cấm rồi cho, cho rồi cấm? Nói 11 ca khúc trong show diễn Chế Linh chưa được giấy phép, chúng vẫn còn có giá trị thời gian hơn gấp trăm những bản nhạc mì ăn liền bây giờ. Nói chữ “cấm” thật xấu hổ cho các quan văn hóa thông tin nghệ thuật nhà ta! Chế Linh và các ca sĩ khác không nhờ hát những bài này, họ làm sao đi vào lòng quần chúng? Cái gì cũng có luật thời gian đào thải. Cái nào hay, thời gian giữ lại như báu vật. Thứ nào cặn bã, thời gian tiễn đưa qua sông đi lấy chồng! Dòng nhạc bolero là báu vật của nền âm nhạc Việt Nam! Không cho phép, nó vẫn sống muôn đời mà không cần phải uống trường sinh bất tử!

Chế Linh bị nội thương?

Thích sống trong hào quang nên khi hào quang quanh ta vụt tắt, mắt ta lọt vào bóng đêm và rơi vào trạng thái chán chường với bi quan “người bỏ ta rồi”! Phải tập sao cho tâm hồn ta biết co giãn với những lời khen không làm ta vênh mũi, những lời chê chẳng làm ta ngã xuống vũng sình. Lời chê khen có ý nghĩa luôn luôn là người bạn đồng hành vực ta đứng lên và đứng vững. Về mặt này, Chế Linh luyện… nội công chưa tới… mức thượng thừa nên gặp tình huống mất hào quang là… lăn quay! Với Chế Linh, ông cần có một sức mạnh tinh thần hơn hào quang sân khấu. Chế Linh nhập viện vì “đột qụy” do hệ qủa của sự hủy show từ Sài Gòn. Sức mạnh tinh thần của ông hình như đã qúa yếu kém. Bản thân Chế Linh từng bị tẩy chay từ ngay những người Việt hải ngoại trong các show diễn tại đây. Ông cũng vì vụ rút lui ra khỏi đại hội Chămpa năm 2006 và tẩy chay Po Dharma mà bị tai tiếng. Vậy mà, ông chẳng lấy đó làm bài học tình đời “đổi trắng thay đen” để coi nhẹ cái danh hời một chút.

Nói về tiền bạc. Show diễn thành công, nó mang lại cho Chế Linh cả hai phần lời tiền và tình. Tiền là cứu cánh để “vực được đạo”. Tình để có thể làm bánh xe đẩy bước nghệ thuật khi hai chân ông mỏi mệt. Nhưng không phải “tiền mất, tật mang” khi bị hủy một show diễn cận ngày diễn là mình thành ăn mày. Trong khi đó, bánh xe làm cánh là tình khán giả cho đôi chân Chế Linh vững vàng đứng trên mặt đất vẫn còn đó. Không đứng vững bằng hai chân trên mặt đất, chúng ta thành con sứa. Vậy thì, ông dại gì mà tiếc một show diễn vì quyền lực, vì ganh ghét, vì đấu đá, vì ăn chia, vì thiếu tình người và thiếu tình dân tộc của một nhóm người mà bị hủy? Show diễn bị hủy nhưng ông sống mãi trong lòng những người biết trân qúy những bản nhạc của ông, biết thưởng thức tiếng hát của ông. Cái đó, gía trị hơn cả giải Nobel đã bị coi là ố vàng từ lâu!

Chế Linh bị hủy show là đáng đời lòng phản phúc?

Trong lịch sử, Tàu, Pháp, Nhật và Mỹ là kẻ thù “không đội trời chung” của Việt Nam. Hôm nay, chúng ta và họ như thế nào đây? Khi chúng ta chỉ xiết chặt lòng thù hận, chúng ta mất đi gía trị nhân bản của con người. Không mở lòng hướng thiện và chẳng hiểu hai chữ “trung thành”, chúng ta có tư cách gì mà mắng nhiếc người khác là phản bội? Chế Linh hát nhạc lính, mặc áo lính nhưng chưa từng đi lính cũng không phải là cái tội. Chuyện đó đâu thể nào mang ra chặt thái như băm bèo để nói ông phản khi về Việt Nam? Cái câu “Cáo chết còn quay đầu về núi“, tiền nhân đã để lại. Chúng ta phải biết mình đang nói tới loại người nào để cho tiếng nói của chúng ta còn chút giá trị. Chế Linh là ca sĩ. Ca sĩ gạo cội. Là danh ca. Một ca sĩ được khán giả hai miền ái mộ như ông không phải là nhiều lắm ở Việt Nam. Nếu chúng ta chưa từng sống trong niềm đam mê nào đó, chúng ta chưa thể đủ lý trí để nói tới, để hiểu biết chín chắn về sự đam mê của người khác. Chúng ta tới nhà thờ nghe Chúa phán lời hay, ý đẹp. Chúng ta đến chùa để nghe Phật dạy lòng Bồ Tát, dạ Quan Âm. Có lý nào, chúng ta học mà không hành? Thâm thù huyết hận với ngay cả một ca sĩ, chuyện đó nếu chính Chúa hay Phật dạy thì người cứ ném đá vào Chế Linh. Một ngày nọ, người khác sẽ ném lựu đạn, ném bom vào mình theo “Luật Nhân-Qủa!”.

Cái gì gọi là làm “đúng quy định” và làm “trái quy định”?

Khi Live Show Chế Linh bị hủy rồi được phép diễn ở Hà Nội, người ta đổ thừa những đơn vị tổ chức là Công Ty Giải Trí Bích Ngọc (Thanh Hóa) và ông bầu Hoàng Tiến làm trái quy định:

– Tên quảng cáo sai: “Live Show Ca Sĩ Chế Linh” chứ không phải “Chế Linh 30 Năm Tái Ngộ”.

– Băng rôn treo 2000 cái qúa quy định… 15 cái.

– 11 ca khúc (Tình như mây khói, Một cõi đi về, Rong rêu, Linh hồn tượng đá, Mười năm tình cũ, Tình đời, Túy ca, Lần đầu lần cuối, Thói đời, Một lần cuối, Chuyện buồn của tôi, Tình kỹ nữ…) chưa có giấy phép mà vẫn diễn.

– Tiền tác quyền do bầu Hoàng Tiến còn nợ từ các show trước như Show Quang Lê – Minh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Vũ Live Show.

– Công Ty TNHH Bích Ngọc nợ 90 triệu tác quyền chưa thanh toán.

Còn ở Sài Gòn là:

– Chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay.

– Cách tổ chức qúa luộm thuộm.

Live Show Chế Linh ở Hà Nội được Cục cấp phép vì:

– Live Show Chế Linh đổi chủ sự: Từ Công Ty Bích Ngọc sang Công Ty TNHH Quyên Gia Bình và Nhà Hát Ca Múa Nhạc Dân Ca Việt Bắc.

Chúng ta thấy rõ ràng hai đầu Hà Nội và nhất là Sài Gòn đều thể hiện sự quản lý chưa chín của mình trong lĩnh vực này.

Thứ nhất: Nợ tác quyền.

Bầu Hoàng Tiến, Công ty Bích Ngọc nợ tác quyền ngay từ show Quang Lê mà Cục và Sở VHTT&DL Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng vẫn cho bầu này tiếp tục nhận các show của Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Vũ và Chế Linh? Vậy đúng quy định gì? Các cấp có thẩm quyền cần làm rõ vấn đề tác quyền. Hà Nội không thể nói cho có rồi thôi và không được “gắp lửa bỏ tay” bầu show Hoàng Tiến mới phải. Nếu bầu Hoàng Tiến mắc nợ tác quyền các show trước chứ Chế Linh có biết gì, có mắc mớ gì mà đình bầu Hoàng Tiến để show diễn Chế Linh bị hủy? “Ai làm sai người ấy chịu” không phải là chủ trương của chính quyền sao?

Thứ hai: Khâu tổ chức.

Sài Gòn chê các công ty “tổ chức qúa luộm thuộm” nhưng chính cả cách “tổ chức luộm thuộm”, họ cũng làm không nổi! Khi Sài Gòn không cấp giấp phép, vô hình chung, Hà Nội, Thanh Hóa nơi 3 show diễn của Chế Linh đã thành công, lại trở thành đối kháng với Sài Gòn. Nếu anh đúng thì tôi phải sai. Vậy, Sở VHTT&DL Hà Nội, Thanh Hóa và Cục BDNT phải bị tội “làm trái quy định”? Thế nhưng, hỏi ý kiến quần chúng, họ đã, đang và còn tiếp tục phê phán và chê cười khâu tổ chức của Sở VHTT& DL nào đây?

Thứ ba: Băng rôn. Áp phích.

Băng rôn của show Nguyễn Hưng được treo 1000 cái/15 cái. Như vậy, show Nguyễn Hưng đã làm sai quy định. Những băng rôn của show Quang Lê, Tuấn Vũ là bao nhiêu cái? Có chắc là chỉ 15 cái không? Vậy mà chính quyền sở tại không thấy kêu ca hay hủy show hoặc chỉnh lý gì? Với show diễn Chế Linh, chính quyền sở tạu xử như vậy là không công bằng khi chính họ đã bắt cầu cho những điều sai phạm này tiếp tục sinh sôi, nẩy nở.

Thứ tư: Buổi tổng duyệt.

Theo luật biểu diễn, chương trình nào cũng phải có buổi tổng duyệt. Show Chế Linh trong buổi tổng duyệt ở Hà Nội có hát 11 bài hát cấm hay không? Nếu có, các ông bà kiểm duyệt lúc ấy để cửa sổ tâm hồn và nhị thính đi đâu? Nếu không được phép, sao Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã cho công diễn? Nếu ông bà ở Hà Nội không đến kiểm duyệt, họ đã làm sai. Họ có kiểm duyệt mà không phát hiện ra, họ cũng sai. Họ không tới duyệt vì được “hối lộ”, họ càng làm sai hơn. Như vậy, ai làm sai quy định ngoài các ông bà sở tại? Show diễn Quang Lê (theo nld.com.vn) cũng hát một số bài chưa được cấp phép nhưng có ma nào lên tiếng khiển trách? Một chuỗi dài vi phạm từ show diễn “Giọt Sương Thu” (Trịnh Công Sơn – Phạm Duy) tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị ngày 19-20/10/2011 cũng có 4 bài. Thử hỏi: Danh sách những bài hát được phép và chưa được cấp phép nằm ở web sites nào? Những bài chưa được cấp, ảnh hưởng xấu gì tới vận mệnh quốc gia? Phải có một dàn nhạc sĩ, cán bộ chuyên nghiệp kiểm tra chất lượng tất cả mọi bản nhạc, lúc ấy mới nói tới bản nào cấm, bản nào cho và phải giải thích bằng văn bản cho công chúng biết, tác giả biết vì sao? Chưa làm được mà cứ theo định kiến đánh gía cho hay không là chính quyền đã làm sai quy định.

Thứ năm: Cơ quan nào có thẩm quyền?

Cục BDNT cấp giấy phép chung cho các chương trình ca nhạc. Chương trình tổ chức ở đâu, chính quyền địa phương cấp thêm giấy phép chỗ đó. Điều luật lươn lẹo, õng ẹo này tạo ra tình trạng tiêu cực khi khiến các bầu show tốn thêm khoản chi. Thế nhưng, Cục cho phép mà sở tại không cho, show diễn cũng đi… ăn mày. Ngược lại, sở cho mà cục không cho, show diễn cũng đi… ăn chuối? Ông nào to hơn ông nào khi Cục cho mà Sở không cho. “Ở sao cho vừa lòng người?”. Ai làm sai quy định ở đây?

Thứ sáu: Quyết định… giang hồ!

Quyết định hủy show diễn của Sài Gòn ngày 18/11/2011 trong khi show Chế Linh sẽ diễn tối 19/11/2011. 24 tiếng đồng hồ cho một quyết định đã làm người trong cuộc trở tay không kịp. Hậu qủa là đã gây tổn hại tinh thần và tài chánh cho người trong cuộc. Ra một quyết định giang hồ dựa trên luật rừng này, sở tại làm đúng quy định hay sao? Cần phải có thông báo ngay việc quyết định hủy show phải trước bao nhiêu ngày để người trong cuộc có thể trở tay là việc… cần làm ngay của chính quyền sở tại. Không biết thương dân đen như con, qúy con đỏ như cháu, làm quan ăn bổng lộc từ đám con đen, con đỏ chỉ để làm tổn hại họ thêm mà thôi!

Thứ tám: Chuyện thủ tục phiền hà.

Chúng ta đọc lại tin tức về thủ tục khi phóng viên phỏng vấn ca sĩ Lệ Thu và bầu show Dzũng Taylor:

– Không có ca sĩ nào tự mình đứng ra xin phép về biểu diễn được hết.

– Không ai ở hải ngoại tự mình tổ chức show diễn trong nước được hết.

– Khi một công ty nào trong nước muốn cộng tác mời ca sĩ hải ngoại về biểu diễn, thì sau khi hai bên đồng ý với nhau rồi, công ty đó “có bổn phận xin giấy phép trong nước và tất cả đều xuất phát từ Hà Nội hết. Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn (NTBD) ở Hà Nội là nơi cấp giấy phép, rồi diễn ở địa phương nào thì xin thêm giấy phép của địa phương đó.

– Về phía ca sĩ… Phải có giấy giới thiệu của tổng lãnh sự quán tại Hoa Kỳ, trong giấy đó sẽ có ghi ‘chúng tôi thấy là thời điểm này, tiếng hát của ca sĩ này sẽ có lợi, tốt cho khán giả trong nước. Trong nước nên tạo điều kiện giúp đỡ cho ca sĩ này để ca sĩ có cơ hội hát.

– Công ty tổ chức buổi diễn sẽ mang giấy giới thiệu kèm chung với đơn xin phép biểu diễn, trong đó có đầy đủ chương trình, địa điểm, thời gian, bài hát mà ca sĩ sẽ hát để nộp ra xin phép ở Cục NTBD.” (viettop10.com).

Trời! Luật bắt ca sĩ phải có lời nhận xét tốt của lãnh sự mới được về Việt Nam biểu diễn coi như mẹ ghẻ bắt con chồng nhặt thóc trấu trong gạo mới được dự dạ hội?! Lãnh sự nào mà có thời gian nghe cho hết hàng trăm ngàn ca sĩ hát để phê… học bạ cho họ đây chứ? Còn người viết nhạc, nhạc sĩ về nước làm show phải qua quy định nào? Chẳng lẽ ca sĩ không thật nổi danh, không thể về VN làm show hay sao? Những ca sĩ đã về nước diễn, thực sự có giấy nhận xét của Tổng lãnh sự quán hay không? Hay lại phải qua thủ tục “đầu tiên”? Thế mới nói, các quy định của Việt Nam rối như như canh hẹ. Đụng chuyện, cãi tới ê ẩm hai hàng tiền đạo hết trơn! Cần phải ban hành một thủ tục tránh tiêu cực mới phải.

Cuối cùng: Quy định mực thước nằm ở đâu?

Ở Việt Nam, nếu ai biết, hãy chỉ cho dân chúng thấy cơ quan nào, sở tại nào làm đúng quy định nhà nước? Cán bộ nào dám vỗ ngực nói rằng mình ngồi làm việc nghiêm túc đúng 8 tiếng/ngày? Ai dám tự nhận rằng mình trong sạch chỉ với đồng lương công chức – cán bộ để nuôi sống gia đình mà không có nghề tay trái hay mánh mung? Các cơ quan ban ngành nào mà dám nói mình trong sạch? Các quan tòa dám nói mình là thanh liêm? Nói làm đúng quy định sao lại có chuyện chống tham nhũng? Rừng bị phá. Cầu cống, đường sá hư hại. Công trình xây dựng trơ gan cùng tuế nguyệt. Giáo dục toàn gian lận bằng cấp, thi cử. Buôn quan, bán chức mọi cấp. Hải quan xin đểu. Công an ăn hối lộ, hành sự như côn đồ hầu như ở mọi nơi. Khi bản thân các đại nhân chưa làm đúng quy định, các đại nhân buộc ai? Không may, sao qủa tạ “làm trái quy định” lại rớt trúng đầu show diễn của ca sĩ Chế Linh!

Nói đi cũng nên ngoái lại.

Nếu bầu Hoàng Tiến, Nông Xuân Ái đừng qúa coi nhẹ quy định để Sài Gòn bắt bí, chúng ta không phải nói vào, bàn ra. Tiền mua được tiên thật nhưng tiền chạy bằng 2 chân khắp nơi cũng mỏi, cũng qụy. Thu lợi qua mỗi show diễn đã có, tại sao các bầu show lại phải “ăn quỵt” tiền tác quyền? Người cống hiến cho nghệ thuật thì vô bờ nhưng lòng tham của các bầu show qủa thật vô đáy như vậy chăng? Thêm vào đó, tài năng là “hữu xạ tự nhiên hương” sao phải cần quảng bá 2000 băng rôn phung phí đến thế! Chế Linh đã thành danh ca từ lâu. Chỉ cần vài băng rôn, áp phích thế là qúa đủ cho một show diễn phục vụ quần chúng. Còn chuyện câu chữ? Các công ty làm show Chế Linh cứ xin ngay tên chương trình là “Chế Linh 30 Năm Tái Ngộ” thử coi có bị làm khó không? Tại sao xin dòng này, treo chữ khác chi cho rối chuyện? Nói Chế Linh hát để phục vụ quần chúng, sao giá vé thật “khủng”? Quần chúng nghèo ngày hai buổi chưa no, làm gì họ có tiền mà mua vé vào nghe Chế Linh? Do đó, thực chất các show diễn của các ca sĩ trong và ngoài nước ở Việt Nam cũng chủ yếu là diễn để cho giai cấp có tiền mới được thưởng thức và thương mại là chủ yếu khi núp bóng “làm từ thiện”! Sự kiện show bị hủy này, các công ty và cá nhân bầu show liên quan cũng phải gánh 3/10 trách nhiệm làm hỏng show Chế Linh và phải bồi thường cho tổn thất của ông vì lỗi này, ông có gây ra đâu? Nói ông bị hủy show vì chọn Hoàng Tiến là sai. Hoàng Tiến nếu không có kinh nghiệm làm show, sao ông ta lại có thể làm bầu show của những ca sĩ gạo cội như Quang Lê, Tuấn Vũ, Đàm Vĩnh Hưng trót lọt? Chế Linh không quay lưng với Hoàng Tiến khi bị áp lực là đúng vì Hoàng Tiến là người đã dọn cỗ cho Chế Linh. “Qua cầu không nên rút ván”. Chế Linh đã làm đúng nghĩa cử này! Tuy nhiên, không ai có con mắt sau lưng mà biết nhà nước ta đã lãnh đạo các sở, ban ngành kiểu “ván bài lật ngửa”… ngựa chứng như thế này?

Sau cùng là một lời cảnh tỉnh…

Lịch sử Việt Nam sẽ tiếp tục ghi lại những gì mà chúng ta đã, đang mà sẽ làm. Nếu muốn thách thức lịch sử, chúng ta cứ tiếp tục làm ra những chuyện vô nhân. Ngoại thương mau khỏi nhưng nội thương khó lành. Nhưng thời gian vẫn là phương thuốc tiên và sự đam mê như ánh mặt trời đi qua hoàng hôn là niềm tin cho tất cả mọi người “ngã ngựa” chứ không riêng gì Chế Linh.

Sự kiện hủy show diễn của Chế Linh là sai quy định từ trên xuống dưới rồi mới từ dưới ngược lên trên và chúng đã có chiều dài lịch sử làm trái quy định từ lâu! Hủy show Chế Linh là tự hủy uy tín và danh dự của chính quyền sở tại nói riêng và ảnh hưởng tới uy tín nhà nước nói chung. Vụ hủy show diễn của Chế Linh là một bước thụt lùi của sự “hòa giải hòa hợp dân tộc”. Nó thể hiện sự vô văn hóa của đẵng cấp trí thức. Nó vén màn cho thấy thực chất hai phe phái Bắc – Nam đã, đang và sẽ chống nhau trong cùng sự rạn nức trong guồng máy chính phủ chưa lấy nhân dân làm gốc. Nó ghi một gạch dài tiêu cực khi các nội quan không có năng lực, khả năng cùng sự thông minh cơ trí để giải quyết sự việc dù chỉ là một sự việc hết sức cỏn con. Hủy show Chế Linh, muối mặt Sài Gòn và nhà nước Việt Nam chứ còn ai trồng khoai đất này!./.

Tháng 12/10/ 2011
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button