BẢNG TIN

PHỎNG VẤN NS NSƯT THẾ HIỂN

Phỏng vấn Phỏng vấn NS NSUT Thế Hiển

(Thực hiện: Ngọc Thiên Hoa – Cộng tác viên ChicagoVietBao).
Nhạc sĩ NSƯT Thế Hiển sinh ra và lớn lên trong hai chế độ. Anh là một ca – nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam (VN). Từ thập niên 80, anh đã đặt cột mốc với ca khúc “Tóc em đuôi gà“. Những ca sĩ… karaoke hầu như ai cũng hát ca khúc này. Nếu chúng ta từng thích thú nghe bé Xuân Mai hát “Nhong nhong nhong cha làm con ngựa để cho con ngồi cỡi trên lưng” thì bài hát “Nhong nhong nhong” đó cũng là của Thế Hiển.

Thật ra, chúng ta sẽ chưa biết nhiều tới Thế Hiển nếu anh không có những ca khúc để đời, những ca khúc nhật ký, những chuyến lưu diễn xuyên Việt để phục vụ đồng bào. Từng số phận con người bất hạnh trên đường số, nạn nhân của chất độc màu da cam, người cùng khổ tật nguyền… đều được anh đem vào ca khúc. Những chuyến công diễn của anh đều mang ý nghĩa “Góp Một Bàn Tay”. Đặc biệt đối với những người lính Trường Sa, Thế Hiển là bạn đồng hành của họ. Hàng loạt ca khúc về Trường Sa theo gió bay cao, bay xa…

Vượt lên trên những tài năng thiên phú về kỹ năng thanh nhạc và kỹ năng sáng tác, ca – nhạc sĩ Thế Hiển trong đời thường là một người rất hòa đồng. Anh thân thiện với mọi tầng lớp và phong cách lịch lãm pha màu sắc lãng tử của anh đã là triện son cho cả cuộc đời anh. Song, tài không qua khỏi vận. Con người tài hoa, đa phong cách trong làng âm nhạc này lại chưa có được bến đổ nhất định. Hạnh phúc lứa đôi đến với anh từng chặng đường mười năm rồi lại đội nón ra đi… Chỉ còn niềm say mê âm nhạc là còn chung thủy ở lại với anh!

Được đào tạo bài bản từ các trường trung cấp âm nhạc tới đại học âm nhạc của chế độ mới, bản thân lại ý thức mình phục vụ sự nghiệp của chế độ đào tạo mình nên Thế Hiển không tránh khỏi có những tư tưởng và quan niệm chưa vượt thoát.

Được sự đồng ý của anh, Ngọc Thiên Hoa (NThHoa) mời anh chia xẻ những vui buồn trong suốt chặng đường 33 năm hoạt động nghệ thuật của mình.

* Xin chào NS NSUT Thế Hiển. Xin phép được phỏng vấn anh trong 12 câu hỏi. Anh sẵn sàng chưa?

– Tôi là NS Thế Hiển từ Việt Nam đang ở Sài Gòn đây. Xin chào độc giả người Việt ở hải ngoại. Chúc tất cả được hạnh phúc. Rất hân hạnh được NThH phỏng vấn.

* 1. Lý lịch trích ngang của anh được đăng chính thức trên các web sites của Hội Nhạc Sĩ VN, Hội Nhạc Sĩ Thành Phố HCM đều ghi rõ gia quê anh ở Nam Định. Bản thân anh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn (SG). Anh trước khi được đào tạo bài bản Trung cấp Thanh nhạc của Đoàn Nghệ Thuật Ca Múa Nhạc Bông Sen (Đoàn Bông Sen) và học Đại học Tại chức 2 ngành Sáng Tác và Thanh Nhạc tại Nhạc Viện Thành Phố, anh là học sinh Trường Luật. Chính anh cũng đã xác nhận điều này. Hiện nay, anh có còn phục vụ ở Đoàn Bông Sen với tư cách một ca sĩ nữa không?

– Tôi học trường luật từ năm 1974-1975. Tôi phục vụ Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen từ năm 1986 và học 4 năm trung cấp 1986 âm nhạc tới năm 1989. Năm 1989 chúng tôi trưởng thành và trở thành ca sĩ tự do trong bối cảnh đổi mới.

* 2. Những nhạc sĩ nào trong Đoàn Bông Sen, Nhạc viện TP hay những nhạc sĩ VN khác đã ảnh hưởng đến sáng tác của anh? Anh vẫn solo hay hòa tấu guitar mỗi đêm ở Hội quán Nhánh Lan Rừng (NLR) của anh hầu hết toàn là nhạc xưa, bolero, rumba, ballade của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phạm Đình Chương…?

– Ô! Nếu mà nói ảnh hưởng thì rất là nhiều. Tất cả các nhạc sĩ trước và sau 1975 đều ảnh hưởng tới sự nghiệp ca hát và sáng tác của tôi. Ví dụ như nhạc của Văn Cao, Nguyễn Ánh 9… chúng tôi đều luyện tập và nghiên cứu bài bản. Những bài hát của các nhạc sĩ trước hay sau năm 1975 bất cứ thời kỳ nào đều là bậc thầy, trong lòng tôi đều có sự tôn trọng. Tất cả âm nhạc trước và sau 1975, ca khúc hay, giai điệu đẹp, chúng tôi vẫn lấy hòa tấu các sáng tác của các nhạc sĩ tài hoa. Trong lòng tôi vẫn có sự khâm phục.

* 3. Trong hơn 33 năm trong tư cách ca – nhạc sĩ phục vụ khắp miền đất nước và nước ngoài, con đường anh đi thênh thang và hạnh phúc khi được quần chúng đón chào nồng nhiệt. Vậy chương trình nào, live show nào mà anh cho là tâm đắc nhất?

– Tất cả những chương trình phục vụ nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều miền, nhiều vùng khác nhau, tôi trân trọng tất cả. Nói được những điều hạnh phúc là tác phẩm của mình được quần chúng yêu mến. Tôi rất tự hào là nhạc sĩ VN.

* 4. Anh có thể chia xẻ cho độc giả biết anh có bao nhiêu ca khúc và thể loại nào là thể loại mạnh trong sáng tác của mình?

– Cho đến hiện nay, tôi có rất ít. Các nhạc sĩ hiện nay cũng đều nói với tôi rằng Thế Hiển viết qúa ít nhưng viết chắc. Một cái đặc biệt của tôi: Tôi là nhạc sĩ đa phong cách. Chính vì điều đó, ở chặng đường âm nhạc đương đại, thế mạnh của tôi là thể loại ca khúc. Trong ca khúc có rất nhiều thể loại và nhiều chất liệu để chúng ta sáng tác. Ví dụ chất liệu dân gian từng miền, từng vùng hay dòng nhạc trẻ đang thịnh hành trong giới trẻ. Bên cạnh đó, thế mạnh của tôi là vừa là ca sĩ vừa sáng tác. Tôi có thể hát chính ca khúc của mình và có thể kiểm tra tác phẩm của tôi với cao độ, trường độ bằng kỹ thuật thanh nhạc mà tôi đã học được. Tôi lấy ví dụ viết về tình cảm Dân ca Nam Bộ nói về sông nước miền Tây, tôi dựa vào Dạ Cổ Hoài Lang cho tôi nhiều cảm xúc viết ca khúc. Nhưng đối với thể loại xã hội, tôi chuyên về thân phận trong xã hội, vượt khó hay tâm tư, tình cảm, kém may mắn. Đặc biệt đối với tuổi trẻ mà tôi đi phục vụ là những chiến sĩ, thanh niên xung phong, tôi vẫn có tác phẩm gắn liền với kỹ năng sáng tác. Chính cuộc sống này đã tạo cho tôi nhiều chủ đề sáng tác và tình cảm tốt đẹp qua trải nghiệm cuộc sống, tôi trang trải vào ca khúc. Những ca khúc mà tôi sáng tác tôi đều yêu mến chúng vì chúng là máu thịt của tôi.

* 5. Mỗi nhạc sĩ chỉ cần một hai bài hát để đời là nổi tiếng. Ví dụ những nhạc sĩ thế hệ sau 1975: Trần Long Ẩn có “Đi Qua Vùng Cỏ Non – Một Đời Người, Một Rừng Cây”, Nguyễn Văn Hiên với “Chiều Biên Giới, Hổng Dám Đâu“, Trần Lê Quỳnh có “Chân Tình”, Huỳnh Phước Long có “Gần Lắm Trường Sa“, Hoài An có “Tình Thơ“, Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc có “Bụi Phấn”… Riêng Thế Hiển có nhiều ca khúc bất hủ như “Tóc Em Đuôi Gà, Nhánh Lan Rừng, Hát Về Anh, Cho Dù Có Đi Nơi Đâu, Dấu Chấm Hỏi”, anh còn ca khúc nào mà anh cho là tâm đắc nhất? Có kỷ niệm nào được gởi gấm bên trong? Ca khúc “Thành Phố Tình Yêu Của Chúng Ta” có phải mới nhất của anh không?

– Mỗi ca khúc là mỗi một chủ đề tôi sáng tác là một phần trong đời sống của tôi. Những nhà báo ở Sài Gòn cho rằng NS Thế Hiển là người viết nhật ký bằng âm nhạc. Trong các ca khúc tôi đều ghi rõ tháng năm nào tôi sáng tác. Ca khúc nào tôi cũng yêu qúy bởi nó là một phần máu thịt của tôi.

Ca khúc “Thành phố tình yêu của chúng ta” đây là sáng tác theo… đơn đặt hàng của những người ở Sài Gòn, Hà Nội, các nhạc sĩ có những kỷ niệm đã gắn bó với Sài Gòn. Còn có những cảm xúc từ học trò những tà áo vời bay trong gió đối với tôi là những kỷ niệm. Những kỷ niệm đẹp nhất trong đời ta. Cha mẹ. Bạn bè. Thầy cô. Tôi chắp bút viết về thành phố tình ca này chính vì những kỷ niệm này nay không còn tìm đâu được nữa.

* 6. Là một ca – nhạc sĩ gạo cội, anh được mời làm giám khảo (GK) của nhiều cuộc thi. Anh cho biết cuộc thi ca nhạc nào để lại ấn tượng cho anh nhất? Với tư cách GK cuộc thi “Ca khúc Yến Sào Khánh Hòa” ở Nha Trang 2013 vừa qua, anh đã chấm như thế nào? Anh nghĩ sao về các giải sáng tác ca khúc hiện nay đều… không có giải nhất? Hầu như đều “Đầu voi đuôi chuột” vì chưa có ca khúc nào chính thức phát sóng từ các đài báo chính? Giải thưởng thì dạng “liên kết” nhau để trúng như nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã “điểm huyệt” trong “Trăn trở với sáng tác ca khúc” (qdnd.vn): “Thứ nhất là có những cuộc viết không công khai rộng rãi, cứ úp úp, mở mở kiểu “thông báo trong diện hẹp”, ai biết thì gửi, chứ “đông quá, làm sao đọc bài xuể được” (nguyên văn lời nói của một thành viên Ban tổ chức một cuộc thi sáng tác). Thứ hai, nhiều cuộc vận động đã có tình trạng: Hầu hết những người ở cơ quan đứng ra liên đới tổ chức lại trúng giải. Điều này rõ ràng đã thiếu tính thuyết phục đối với dư luận.“.

Trần Thị Cúc Phương trong bài “Ca khúc sáng tác bây giờ hồn ở đâu” (Báo Thanh Niên) trăn trở rằng: “Sáng tác ca khúc về địa phương phải mang “hồn” của địa phương đó, chứ không phải chỉ nêu địa danh hay khen ngợi chung chung, thì ca khúc mới có sức sống lâu bền.” Anh nghĩ sao?

– Hàng năm, tôi đều là GK của khu vực miền Tây như Kiên Giang, Rạch Giá và những năm gần đây, tôi được mời làm chánh chủ khảo của một số chương trình truyền hình hàng năm. Trong giai đoạn này có chương trình sân chơi do Sở Văn hóa cho phép văn nghệ cơ sở với nhau. Họ ca hát, luyện tập với công nhân và tôi được mời làm GK hàng tuần từ 9 giờ sáng.

Mỗi một chương trình cuộc thi đều có tiêu chí riêng của nó. Chấm giọng hát dân ca thì chú trọng về loại hình giọng hát. Những nghệ sĩ hàng ngày ở nhà máy, xí nghiệp. Họ chưa có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn đánh giá họ có tình cảm mãnh liệt trong múa, hát dù chưa nhuần nhuyễn lắm. Tôi cho rằng đây là những bông hoa không mang tính chất thị trường, kèn cựa. Họ rất hồn nhiên mang tiếng hát của những thanh niên mãnh liệt.

Với cuộc thi Yến Sào Khánh Hòa chấm như thế nào? Tôi là một thành viên trong BGK. Tôi, NGƯT NS TS Đào Trọng Minh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên ở SG này. Ngoài Hà Nội thì có nhạc sĩ Vũ Thiết. Ở Khánh Hòa thì có nhạc sĩ Huỳnh Phước Liên. Chúng tôi chấm qua 2 giai đoạn. Tất cả các bài hát đều phải được gởi đến các nhạc sĩ. BTC che tất cả tên bài hát, tên tác giả. Chúng tôi thấy trên mỗi bài hát đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4… Nhiều bài hát ví dụ 4 thì đánh 4a, 4b, 4c… chúng tôi hiểu tác giả đó có nhiều bài. Sau khi chấm đợt 1, chúng tôi ra họp ở Khánh Hòa để đánh giá từng ca khúc một. 25 tác phẩm vào chung kết. Đây là một chuyến công tác chuyên môn về âm nhạc. Tôi cảm nhận được tất cả. Tất nhiên trong một cuộc thi chấm giải, BGK bao giờ cũng là số lẻ 5, 3 hoặc 5,7 để cho điểm công tâm tránh bằng nhau. Cho điểm cuối cùng xong, nộp cho BTC. Số nào được giải thưởng nào, BTC có nhiệm vụ công bố. Cho tới ngày trao giải, BGK hoàn toàn không biết ai ở đâu và được giải thưởng gì?

Yến Sào vẫn có 2 giải nhất đó chứ. Trước đó, BGK có định 1 giải đặc biệt xét tổng thể nhưng không có nên BGK thống nhất chỉ có 2 giải nhất.

Trong số những ca khúc cho địa phương, tùy theo khả năng của nhạc sĩ. Có những người viết về Yến Sào mà lại không nói về Yến Sào. Ý tại ngôn ngoại. Có những người viết về Hà Nội, Sài Gòn không nói tên mà chỉ dùng ca từ nói lên đặc trưng tùy theo kỹ năng sáng tác của tác giả chứ không nhất thiết phải có từ địa phương đưa vào. Tùy theo kinh nghiệm và sở học từng nhạc sĩ, BGK chúng tôi không đặt tiêu chí là phải có chữ Yến Sào Khánh Hòa hay chữ Nha Trang vào mới được điểm cao. Không có! Chúng tôi đọc tác phẩm, tư tưởng, suy nghĩ, ca từ của tác giả và cho thang điểm. Người điểm cao thì được giải cao.

Sau những cuộc thi cũng giống như sau những cuộc đá bóng, đổ lỗi cho trọng tài không phất cờ liệt vị. Trong âm nhạc, đổ cho BTC, BGK thiên vị. Ở đâu cũng có lời ra, tiếng vào. Tôi với tư cách là một nhạc sĩ trong BKG có trách nhiệm công tâm, đặt cái tâm, cái trong sáng của mình lên hàng đầu. Đây là kinh nghiệm cuộc đời, tôi muốn nói tất cả nhạc sĩ BGK trong sáng, chính xác và công tâm.

* 7. Ngành Y có “Y Đức”. Ngành Ca, Sáng tác có “Ca Đức, Sáng Tác Đức”. Anh từng là người phê bình các ca sĩ ăn mặc phản cảm. Anh nghĩ thế nào về cái “Tâm” của họ? Có phải vì thể hiện “Người Của Công Chúng” mà anh có tiếng là người ca – nhạc sĩ có phong cách lịch lãm nói theo tiếng lóng là “sạch sẽ” trong y phục biểu diễn cũng như ngoài đời?

– Làm sao mà có thể trách hết, nói hết mọi người được! Bạn ơi! Ngay cả trong ngành biểu diễn của chúng tôi cũng còn có hạt sạn. Ngay cả những người mẫu có những con sâu làm rầu nồi canh. Không thể nào cuộc sống cầu toàn hết được nhưng ý thức bản thân của mỗi nghệ sĩ, nhạc sĩ phải tự hiểu trong lòng mình khi được giao một việc gì? Mình phải yêu nghề của mình. Bởi đó là danh dự, phẩm giá, tư cách. Có những nhạc sĩ bị khai trừ vì làm không tốt khâu sáng tác, ảnh hưởng chung đến uy tín của hội.

Chúng tôi được học từ Trung cấp Thanh nhạc về mỹ học. Chúng tôi phải học kỹ năng, vũ đạo, phân tích ca khúc, lịch sử âm nhạc để người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu phải đạt đến cái “thần” nhất. 21-25 tuổi tôi học biểu diễn từ các nhạc sĩ bậc thầy như các nghệ sĩ Thanh Trì, Quốc Trụ…

Tôi luôn luôn phải chinh phục khán giả bởi hàng nghìn người đang hướng nhìn chúng tôi biểu diễn. Chúng tôi chú ý đến từng, tư thế, tiếng hát, cảm xúc và kỹ năng biểu diễn sân khấu đạt tối ưu nhất để làm sao chinh phục khán giả?

Tôi đã gần 60 tuổi, tôi muốn truyền cho các học trò ngôn từ, kỹ năng sân khấu đòi hỏi ca sĩ phải rèn luyện rất nhiều. Ví dụ tướng đi cô, cậu ca sĩ từ hậu trường bước ra ngoài đi như thế nào, hướng đi như thế nào để chiếm cảm tình khán giả? Đó là yếu tố đầu tiên. Tư thế và phong cách, động tác, bàn tay phải, trái, cao trào ca khúc cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Phải tập nhiều. Tôi may mắn là về sáng tác và biểu diễn đều có thầy. Các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ họ biểu diễn tư thế độc đáo vũ đạo tuồng cổ, cải lương. Có hết. Không phải đờn ca tài tử. Không luyện tập về phong cách biểu diễn thì thiếu sót đi tình cảm chinh phục khán giả.

* 8. Trong bản tham luận năm 2012 kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Âm Nhạc TP, nhạc sĩ Trần Long Ẩn có nêu lên rằng hiện nay tình trạng “cát cứ, phô trương, địa phương, cục bộ” nên đầu ra của sáng tác chưa mạnh. Ông chỉ ra: “Người chưa biết nhạc, chưa học nhạc bao giờ cũng “sáng tác”. Họ chỉ cần âm ư một số câu nhạc rồi nhờ nhạc sĩ hòa âm phối khí hoặc một nhạc công nào đó ghi thành nốt hộ, rồi họ tự đặt lời kiểu gì cũng được. Có ngày họ “sáng tác” từ một đến ba bài. Các nhạc sĩ sẵn sàng phối khí, các “ca sĩ” sẵn sàng hát miễn họ nhận được nhiều tiền. Và cứ thế đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”. Rồi một số các “nhà báo” viết bài lăng-xê (lancer: quảng cáo), vài ba lần sẽ trở thành “hot” (giật gân: hot music), rồi các nhà quảng cáo sẽ nhảy vô “tài trợ” để đưa lên các đài làm chương trình biểu diễn để quảng cáo cho một món hàng nào đó của họ.” Anh nghĩ sao về lời phát biểu này?

– Điều đó đúng! Có tiêu cực xảy ra trong giai đoạn mở cửa, cơ chế thị trường này. Hàng thật, hàng giả đều lẫn lộn. Ca thật, ca nhép, nhạc sĩ thật giả lẫn lộn. Có những ca sĩ tới phòng thu rồi hát nhép, bảo hát thật, họ không dám hát. Có những nhạc sĩ ấm a, ấm ớ nhờ người ký hiệu xong rồi đi đánh vi tính coi như nhạc của mình. Thậm chí có người đi mua nhạc của những nhạc sĩ “uống bia” rồi khoe đó là sáng tác của mình. Vẫn có. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng cái thiện nhiều hơn cái ác. Cái đúng vẫn nhiều hơn cái sai. Thật nhiều hơn giả. Nói xã hội không có trộm cắp? Tôi nói vẫn có. Trong xã hội nào cũng đều có mặt tốt, mặt xấu nhưng việc đúng nhiều, người tốt nhiều và những ai làm sai vẫn chỉ là thiểu số. Thiểu số không bao giờ lấn át đa số cả. Có những thanh niên SG xì ke, ma túy nhưng còn nhiều thanh niên vẫn miệt mài đến trường. Không sao cả. Nhạc sĩ chúng tôi vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Hãy tin đi! Con sâu không bao giờ trưởng thành làm con người. Ta làm tốt thì ta vẫn ở trong số người tốt.

* 9. “Những tác phẩm nào được Bộ duyệt rồi thì được phép lưu hành trong cả nước dưới mọi hình thức. Còn những tác phẩm nào chưa xét duyệt thì không được phép phổ biến.” hay “Cần có những biện pháp chặt chẽ trong khâu quản lý âm nhạc (từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá, phát hành…).” Theo những đề nghị trên của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Đỗ Hồng Quân, anh thấy có hiệu qủa không? Nó có dẫn tới tình trạng tiêu cực trong xét duyệt?

– Tôi là người sống từ nhỏ ở SG nên biết tất cả những tác phẩm trước và sau năm 1975. Đối với những tác phẩm trước 1975 không phù hợp thì không được phổ biến. BVH lập ra danh sách những sáng tác có nội dung tốt phù hợp với chính sách phát triển của VN vẫn lần lượt công bố. Điều đó cũng bình thường thôi. Đối với nhạc sĩ trẻ có những sáng tác không phù hợp xã hội, chống phá chính quyền thì đã phải ngồi trại giam. Xã hội nào cũng thế. Còn những tác phẩm trước 1975, tôi tin rằng những ca khúc ấy là ca khúc VN nếu không ảnh hưởng đến thể chế chính trị thì sau này công bố. Đó là tâm hồn, tính dân tộc VN. Tôi mong ước rằng BVH công bố nữa, sớm ban hành những bản nhạc hay của những nhạc sĩ dù đã mất rồi nhưng âm nhạc của họ nói về quê hương, đất nước, con người xứng đáng được lưu hành. Chúng ta đang làm nhiệm vu bảo vệ quyền tác giả. Con cái họ, gia đình họ sẽ được hưởng. Đó là quyền chính đáng đã được VN ký công ước với thế giới về quyền bảo vệ âm nhạc….

* 10. Anh thường viết về đời lính. Anh hoàn thành các ca khúc về Trường Sa như “Vỏ Ốc Biển” viết trên tàu HQ-636, “Nỗi nhớ về đảo xa” (thơ Lê Cung Bắc). Anh có nghĩ một ngày anh đặt chân tới… Hoàng Sa và viết ca khúc tại đảo này? Hoàng Sa cũng là của VN, vậy sao các nhạc sĩ VN chẳng có ai viết về Hoàng Sa cả? Ca ngợi chiến sĩ Trường Sa nhưng không ai ca ngợi chiến sĩ Hoàng Sa. Điều đó có phải là thiếu một cách nhìn của chính sách “hòa hợp dân tộc” trong sáng tác?

– Đây là vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm. Những người lính ở Trường Sa của chúng ta đang bảo vệ từng lãnh thổ. Trong mối quan hệ Asian và mối quan hệ Biển Đông cùng các nước tháo gỡ để có bầu không khí hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chúng ta hãy chúc cho những chiến sĩ Trường Sa, người đang ở đảo chìm, đảo nổi khỏe mạnh, hoàn thành nhiệm vụ. Còn cái việc tôi có ra Hoàng Sa hay không tùy thuộc vào chủ trương chung của BVH, của những người có thẩm quyền. Còn chuyến đi 2 năm ra Trường Sa đã cho tôi những cảm xúc để viết về những người lính bảo vệ TQ. Nếu tôi nhận nhiệm vụ tới Hoàng Sa thì tôi sáng tác về Hoàng Sa. Hiện tại tôi nhận nhiệm vụ Trường Sa thì tôi viết Trường Sa. Tùy thuộc vào điều động. Người VN chúng ta hiếu hòa chứ không hiếu chiến đâu!

* 11. Nhạc sĩ Thanh Tùng với điệp khúc ca khúc “Một Mình“, nhạc sĩ Trần Tiến với “Sắc Màu” bị cho là… đạo nhạc. Trong cuộc đời ca hát, sáng tác từ thiện của anh, anh từng đối mặt với vụ scandal như vậy năm 2004. Người ta cho rằng điệp khúc “Tóc Em Đuôi Gà” của anh là sao từ ca khúc dân ca của Nga rồi tới giống bản Czardas của Vittorio Monti. Vụ đó đã được sáng tỏ hay chưa?

– Nếu không sáng tỏ thì giờ này tôi không được phong NSƯT đâu, NThH ạ! Trong các cuộc họp các nhạc sĩ, nhà báo năm 2004, chúng tôi có họp bàn với Chủ tịch Hội Nhà Báo, Hội Âm Nhạc và chúng tôi có giải quyết những trường hợp đạo nhạc thì khai trừ, loại khỏi Hội NS. Còn những nhạc sĩ nào còn “nghi vấn” chẳng qua đó là dư luận đánh bùn ra ao. Đ/c Võ Xuân Phụng nhắc nhở các nhà báo, phóng viên trẻ viết về nhân thân tác giả phải rất cẩn thận. Một cuộc họp rất lớn ở SG. Tôi đã được giải tỏa và cho đến giờ phút này, tôi nói thẳng là “cây ngay không bao giờ sợ chết đứng”. Tôi đẻ ra, sáng tác ra tác phẩm ấy. Tôi không vay mượn hay lấy của ai cả. Một số tờ báo khi thì nói giống Nga, khi thì giống Pháp rồi ăn cắp nhạc Ý. Thôi! Chuyện cũ tôi đã bỏ rồi. Tôi từng gặp lại những nhà báo viết bài đó. Họ đến NLR. Tôi xoa đầu bảo “cố gắng bỏ qua tất cả mọi việc và cố gắng vươn lên cháu nhé!”.Chúng ta nên sống vị tha.

* 12. Anh có điều ước mơ nào trong tương lai? Anh từng ví von mình như con chim thích tìm hạt giống âm nhạc, anh có thể cho biết anh có “tìm hạt giống” trong chuyện tình cảm hạnh phúc gia đình của mình? Anh có thể không trả lời câu hỏi mang chút ít riêng tư này nhưng nhắn nhủ gì tới người VN hải ngoại nhất là những ca – nhạc sĩ hải ngoại hay không?

– Những thầy cô nói với tôi rằng: TH tất cả đều có: Tên tuổi có. Địa vị có. Gia đình con cái học hành thanh danh có, danh vọng có. Mối quan hệ bạn bè, thầy cô tốt có nhưng vẫn chưa có được bến đổ nhất định nào.

Tôi gởi lời kính chúc sức khỏe tới người VN hải ngoại. Anh chị em cứ tiếp tục hát và sáng tác phục vụ quê hương. Xin cám ơn và chào tạm biệt.

* Xin cám ơn và kính chào NS NS UT Thế Hiển. Anh chính là một nghệ sĩ nhân dân đích thật về những tháng năm anh đã cống hiến công sức để phục vụ cho đời.

Tháng 7/4/2013
Ngọc Thiên Hoa thực hiện

Related Articles

Back to top button