TRUYỆN NGẮN

NHƯ NGỌN ROI DỊU DÀNG QUẤT LẶNG THẦM

Truyện ngắn Như ngọn roi dịu dàng quất lặng thầm1 Người thanh niên nói với người bạn mới quen:
– Về Việt Nam chơi?

– Về…coi mắt vợ.

– Lấy vợ xa dữ! Quen thế nào?

– Bạn giới thiệu.

– Biết con gái Việt ra sao mà về coi mắt?

– Hiền thục, tài nghệ và thủy chung.

– Ai nói?

– Mẹ tôi.

Họ cười vui. Người mẹ lặng lẽ nhìn ra cửa kính có những chiếc máy bay lớn nhỏ nhưng tai bà vẫn nghe không sót những gì thằng con bà đang huyên thuyên với bạn.

– Người Nhật giỏi.

– Thông minh và văn minh.

– Phi trường quốc tế hầu hết sạch sẽ và hiện đại.

– Vì thế, tôi ngán nhất khi phải tới sân bay Việt Nam.

– ?

– Sẽ rõ mà.

Họ, một duợc sĩ ở Canada, một luật sư ở Mỹ. Họ sinh ra tại Việt Nam trước ngày chạy loạn 30/04/1975 vài ba tháng. Người ở Canada thì vượt biển. Kẻ ở Mỹ thì di tản bằng máy bay.

– Đi ghe có sợ không?

– Lúc đó nhỏ hoắc à, mẹ bồng trên tay! Nghe cũng ghê gớm lắm. Chết khát nhiều hơn chết đói. Sợ hải tặc nhiều hơn sợ sóng dữ.

– Mình chẳng chút ấn tượng. Nhưng nghe nói sân bay Tân Sơn Nhất hồi đó bị trúng đạn pháo cháy tan tành. Chút xíu nữa là máy bay nổ luôn!

– Đến giờ rồi!

Hành lý xách tay được bung ra. Những thùng rác đầy các loại chất lỏng cấm mang.

– Họ thông báo lâu rồi mà.

– Dân mình chẳng thay đổi cái tật chờ “mất bò mới lo làm chuồng” cũng như người ta thông báo di tản vì bão mà ngư dân không chịu chạy nên mới bị bão cuốn.

Họ đổi chỗ để được ngồi gần nhau. Máy bay khởi động ù tai. Vài người vẫn cố gọi phôn khiến cho nhân viên máy bay nhắc nhiều lần: “Turn off the phone, please!”. Mọi người nhìn anh ta.

– Máy bay chứa hàng trăm hành khách đang ngồi trên một núi lửa đầy xăng.

– Nguy hiểm khi xài tia phát sóng.

Máy bay ù ù di chuyển. Nó rào rào trên đường băng và lao vút lên trời khiến bao nhiêu người thót ruột! Bà mẹ vẫn lặng lẽ nhìn ra cánh cửa sổ. Ở đó, trời đã không còn xanh nữa mà toàn một màu trắng như tuyết của mây. Bà khấn thầm, cầu hai chữ bình yên.

– Quên hỏi tên bạn?

– Tâm.

– Mình, Hùng.

– Mình về Sài Gòn. Chẳng biết Sài Gòn dạo này thế nào?

– Khác nhiều lắm. Sài Gòn trước năm 1975 giàu có. Sau đó, mẹ mình nói, mình đã phải uống nước cháo thay sữa. Bây giờ, con nít nghèo cũng có sữa thay cháo rồi. Nhà mình bị nhà nước tịch thu nay cũng lấy lại được.

– Mình đọc tin tức có nhiều người hai ba chục năm vẫn còn kiện nhà nước về nhà cửa?

– Chắc họ không có giấy tờ gốc. Có anh chồng lấy vợ Mỹ lai. Anh ta mang giấy khai sinh của vợ đem tới xã làm lại cho mới. Tên cán bộ này chắc cũng mới qua xóa mù nên chẳng biết luật chi hết. Kết quả: Rớt.

– Cái gì có… gốc cũng quan trọng. Không giấy tờ thì như “cái kiến mày kiện củ khoai” nhưng nghe nói nước mình tiến bộ rồi. Ông Bush mới về tháng rồi đó mà. Ông khen Việt Nam đổi mới đáng ngạc nhiên. Nhìn bề ngoài thì biết liền!

– Bề ngoài thường đánh lừa người! Ăn đi!

– Lại ăn?

– Ừa!

– Đồ ăn khó nuốt quá!

– Cải tiến rồi đấy. Thêm món cháo, rau hơi hám Việt Nam chút đỉnh. Trước kia, coi như… làm con ve bụng ỏng của Lafronten! Đừng uống nước cam. Đi máy bay tốt nhất hãy uống nước có ga, hay trà xanh, trà đỏ cho tiêu.

– Thử bia Nhật chưa?

– Mình chẳng thích bia bọt, rượu riệt. Mẹ mình phiền ba mình hoài về chuyện này nên mình… né!

Người mẹ nghe mát lòng. Người con lo cho mẹ xong, quay sang bạn huyên thuyên. Họ ba câu, bốn chuyện rồi chui vào chiêm bao nên máy bay chỉ còn nghe tiếng động cơ ầm ì. Thỉnh thoảng, nó lắc lư như chạm vào vật gì. Hành khách hầu hết đã ngủ. Nhân viên hàng không cũng thôi qua lại trong ánh sáng lờ mờ. Ai đọc sách thì mở đèn riêng. Con nít bớt khóc la. Đêm trên máy bay cũng nhịp nhàng với đêm dưới đất.

*

Đèn bật sáng. Hành khách tỉnh giấc khi được báo còn hai mươi lăm phút tới Việt Nam. Thiên hạ chộn rộn. Tâm nhìn qua cửa sổ:

– Biển!

– Thời vượt biên đi qua. Giờ nhìn thấy, ớn lạnh.

– Lúc chạy tìm sự sống, ai thấy cái ớn ở đâu?

– Mình thích nhất là ngồi trên máy bay nhìn xuống thành phố vào đêm. Đẹp thật.

– Sài Gòn nhìn xuống không lộng lẫy như các thành phố các nước.

Hùng nói:

– Lần trước, mình chờ xe bus thí cha luôn vì không có cửa vào thẳng như bây giờ. Chuẩn bị tiền lẻ nhé.

– Chi?

– Qua cửa khẩu!

Nhìn bộ mặt ngơ ngác của bạn, Hùng khẽ cười. Người mẹ nhắc con:

– Nói ít thôi!

– Biết mà mẹ. Nói vậy chớ đừng thòi tiền ra.

– Sao?

– Mình đâu có mang cái gì quốc cấm mà hối lộ?

Người công an không một nụ cười nhìn cái Passport và mặt từng người. Nhiều người kẹp sẵn năm ba đô trong giấy như món quà “ra mắt’’. Mấy ổng không cho vào lẹ để nhận hành lý thì… tiêu! Việt kiều về thiếu gì sơ hở như điền tờ khai hải quan nè.

– Dân mình có tật hay hối lộ nên tiếp tay cho công an ăn tiền thôi chớ họ đâu đòi hỏi.

– Có lẽ vậy và cũng có lẽ không!

– Không hiểu?

– Có nhiều cái phải hỏi mẹ mình.

Hùng đưa mắt qua mẹ. Bà chỉ mỉm cười.

– Nhận hành lý xong còn phải mua vé ”ra cửa” nữa.

– Lại vé?

– Vé tượng trưng.

– Không hiểu nốt!

– Hối lộ tiếp. Coi kìa! Thiên hạ lại rục rịch bỏ tiền vào tờ khai. Thấy chưa?

– Một ngày có ít nhất hai lượt Việt kiều về. Họ thu không biết bao nhiêu là tiền mãi lộ. Vậy mà…

– Sao?

– Đi nhà cầu rồi sẽ thấy.

Tâm chợn rợn, oẹ. Hùng lanh tay, anh kịp xìa cái túi nôn mửa – anh đã lấy trên máy bay cho mẹ để phòng đi đường, vào miệng Tâm. Mùi hôi của người, mùi khai của nước tiểu lấp lâm, lấp lập, mùi thối của phân người sực vào mũi khiến kẻ chưa quen, nôn thấu mật vàng, mật xanh.

– Bây giờ hiểu hai chữ vệ sinh chưa?

– Vào WTO mà tệ quá! Chỉ cần năm đô hối lộ của Việt kiều, họ cũng mua được giấy toilet sài cả ngày, có đâu mà cả hàng đống người chỉ có một cuộn giấy vệ sinh dơ bẩn còn có người ngồi kiểm tra nữa!

– Chưa đâu! Còn thêm những những câu hỏi Việt Nam bây giờ thật sự đổi mới? Nhà hàng nhiều ngang khách sạn; công trình dởm lấp cả học đường đầy thành tích hảo, bằng cấp giả lấp kiến thức; bệnh viện phiền hà tiền bạc!

Họ ra khỏi cửa. Thiên hạ chen chân đón người thân. Tâm lên taxi. Hùng và mẹ đón xe về khách sạn chờ mai bay ra Đà Nẵng. Bà mẹ khẽ khàng:

– Cậu nhỏ này mẹ thấy hiền lành quá, chỉ sợ bị người ta lừa.

– Gái Canada không có sao mà phải về tận Sài Gòn kiếm!

– Lấy chồng, vợ Việt kiều, ngoại kiều hay làm đĩ hoặc xuất cảnh lao động là cái mốt thịnh hành nhất sau 1975. Bác tài! Dừng lại chút. Mua cho mẹ trái bưởi Năm Roi!

Bà đưa miếng bưởi lên miệng rồi phun ra không kịp:

– Sao chua lét, đắng nghét vậy con?

Anh tài xế cười rộ:

– Bị lừa rồi đó dì ơi!

Hùng nhạo:

– Năm Roi mà chẳng có roi nào!

– Dân mình vẫn cái tật lừa bịp.

– Không gạt người sao sống nổi ở cái đất này, dì.

Anh con trai nhăn mũi cười.

– Về đường Lê Duẩn. Đường cũ thay tên cán bộ cách mạng miền Bắc hết!

– Dì nói, tui mới nói. Tui nghĩ nếu họ lấy tên Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo… đâu có ai nói gì! Trời! Dì coi tụi trẻ đèo nhau chạy đầu thai kia kìa! Sợ chết luôn. Cái nạn xe lớn dù có gì thì cũng bị lỗi.

– Chạy kiểu này ngày nào cũng chết người.

– Dạ! Chết tai nạn nhiều hơn chết chiến tranh và bệnh dịch. Xe bây giờ rẻ bèo. Vài triệu là có chiếc phóng chạy ra đường. Ở đây, thiên hạ phân loại giàu nghèo bằng kiểu nhìn xem người đó chạy chiếc xe gì? Tới rồi, dì.

*

– Cám ơn.

Ba tuần sau. Hai người bạn gặp nhau trên máy bay trở về Nhật.

– Coi mắt chưa?

– Rồi.

Nhìn bộ vó của Tâm, Hùng an ủi:

– Con gái Việt Nam bây giờ không như hồi xưa.

– Chủ động, hở hang làm mình thấy gượng. À nè! Mình thấy dân Nam bộ lam lũ hơn xưa nữa. Ở chỗ bạn ra sao?

– Thành phố thì hoành tráng, dân đông đúc hơn, sự giàu nghèo cũng tách bạch hơn, chỉ có tham nhũng thì không giảm.

– Tham nhũng cũng… có lợi đó nhé! Không có tham ô thì những người vượt biển năm xưa không tới bờ nhen. Công an bán bãi đó. Không có hối lộ thì làm sao mấy anh tài xế chạy lớ quớ kia làm ăn? Mấy chị em bán chợ không nhét cho thuế vụ thì có mà lếch bánh chớ buôn bán nỗi gì!

– Đôi bên như đã thỏa thuận?

– Bạn không thấy bề ngoài Việt Nam cái gì cũng mới kể cả nhân quyền, tự do. Vì thế, Mỹ mới ký thuận cho bình thường hóa mậu dịch. Nếu mấy nguyên thủ quốc gia mà đi về vùng sâu của tầng lớp lao động nghèo hay thử nhìn vào các hang ổ tham nhũng thì sẽ… chùn tay.

– Nhưng tình hình xã hội bây giờ có lợi cho nước.

– Nhưng không phải cho nhân dân.

– Vậy thì bạn sẽ làm gì?

– Mình sẽ chế tạo ra thuốc chống vi khuẩn.

– Mình sẽ viết làm thế nào xóa tham nhũng. À! Có loại thuốc uống vào để quên hết chuyện buồn xa xưa thì cho mẹ tôi một lọ nhé! Người như bà cần sống yên ổn vào cuối đời!

Người mẹ lại nhìn ra cửa sổ. Bà như được giải huyệt vì những lời con trẻ. Bà thấy rằng mọi thứ có thể thay đổi tùy theo lăng kính của mỗi người nhưng dù mấy chục năm đi nữa, người trong nước hay ở nước ngoài vẫn không chút thay đổi là chưa biết lắng nghe tiếng nói của giới trẻ. Họ mới chính là những người giữ nước!

Một chuyến bay đã quay lại hết một đời người, hai thế hệ! Trái bưởi Năm Roi mà bà mua lầm không có roi nào nhưng bà nghe lòng bà như có lằn roi ngọt ngào quất lặng thầm từ những ước mơ lương thiện của con trẻ./.

Tháng 01/08/07
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button