TÙY BÚT

NHÂN NĂM CHỊ HỢI, NÓI CHUYỆN ANH HEO, BUỒN VUI CÙNG KIẾP LỢN

Biên khảo Nhân năm chị hợi, nói chuyện anh heo, buồn vui cùng kiếp lợn

Trong mười hai con giáp, nếu chú Chuột nhắt láu cá, thông minh được xếp đứng đầu thì chị Hợi với chỉ số thông minh… Trạng Lợn được xếp cuối bảng!!

Năm nay là năm Hợi, Đinh Hợi, theo wikipedia.org: “Đinh Hợi (chữ Hán: 丁亥) là kết hợp thứ 24 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Đinh (Hỏa âm) và địa chi Hợi (lợn). Trong chu kỳ của lịch Trung Quốc, nó xuất hiện trước Mậu Tý và sau Bính Tuất”.

Tìm hiểu về con vật đứng cuối bảng xếp loại này trong thời buổi giao thời cũ và mới, tân tiến và lạc hậu, văn minh hay tiền sử để cười ra nước mắt và ngậm ngùi cho một kiếp heo, một kiếp người!

  1. Lý lịch trích ngang:
  2. Đặc điểm sinh lý:

Web vi-wikipedia.org ghi rõ rằng “Lợn thuộc họ Suidae” với hàng chục chi nhánh. Chúng thuộc loài động vật có vú và bộ guốc chẳn như loài nhai lại, Lạc đà, Cheo…phân biệt với bộ guốc lẻ như Ngựa vằn, Tê giác, Lừa, Heo vòi… tức là tùy theo móng chân của chúng chẳn hay lẻ mà xếp loại.

Heo (tiếng gọi miền Nam), Lợn (tiếng gọi miền Bắc) là giống vật được nuôi ăn thịt phổ biến nhất trong “Lục súc tranh công” (trâu, ngựa, chó, dê, gà, lợn). Chị, chàng Heo vẫn đứng… đẹt nhưng lại là có giá nhất khi thời buổi giống gia cầm bị dịch H5N1 làm cho thất điên bát đảo. Dù cho chị Heo cũng chẳng may mắn hơn khi mắc chứng “long mồm, lở móng” của bò dại hay nhiễm H5N1 của gà nhưng trên các chợ trời vẫn không thiếu hẳn món thịt heo mang dư vị “heo ba miền”!

Là động vật nuôi con bằng sữa mẹ nên thiên chức của chị Heo đáng cho người ta ngưỡng mộ. Heo tưởng chừng như “dơ như trâu, nằm đâu…ị đó” nhưng thực ra, Heo rất thích sạch sẽ, ưng người ta vỗ về, gãi lưng và nói chuyện. Sỡ dĩ, Heo ta thường hay ủi vào các vũng sình để mang tiếng dơ bẩn là vì Heo…quá thông minh dùng cách đó để chống sự thất thoát nước vì trên mình Heo không có tuyến bài tiết mồ hôi.

Heo còn có một đặc điểm mà ai cũng chê đó là ăn tạp (ăn luôn thức ăn động-thực vật hay cơm cá của con người). Nhiều khi… điên tiết, heo… nhai luôn bà gà quẳng mỡ chạy vào chọc giận anh chàng đang ham ăn, háu uống! Khi ăn, heo táp xồng xộc, vung vãi cám rau ra hai bên mép khiến người nuôi… say mê. Khi đến giờ mà chưa được ăn, Heo la ục éc dậy làng, dậy xóm. Khi người cho ăn mà không thấy Heo nhào đến thau cám heo để táp lấy, táp để là coi như Heo đang bị bệnh. Heo bỏ ăn, người chạy bắn khói kêu chích y tá chích thuốc heo kẻo tiền bỏ ống theo ông, theo bà “một đi không trở lại”.

Đời sống của Heo dài từ hai đến ba chục năm nhưng chung quy lại, mạng Heo có lớn, phước Heo có dày thì cầu may sống không quá mười hai con trăng là có thể nghe bài “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn khi bị người ”hóa kiếp”!

Heo cung cấp thực phẩm đầy chất dinh dưỡng cho con người mà người khó có thể lấy đậu nành, cây cỏ nào thế được món thịt nguội này dù hiện nay, khoa học phát hiện ra chất thịt mỡ trong loài động vật là nguyên nhân gây đủ thứ chứng bệnh tai biến mạch máu não, bệnh tim, tê thấp…

Heo có ba loại: Heo nhà, Heo rừng và Heo cảnh. Heo cảnh còn gọi là Lợn ỉ dùng nuôi để làm cảnh chơi của những người yêu chuộng loài vật. Ngoài ra, nếu con gà Guai Guai của Trung Quốc biết… làm toán thì con Heo Việt Nam có cái lỗ mũi thính như mũi chó nên chúng cũng được người ta nuôi để đi săn các loài nấm hoặc nuôi để làm xiếc như nhảy vòng, lăn xe, tìm đồ cho chủ chẳng hạn. Nói Heo ngu nhưng ta hãy đọc thử một quảng cáo của một công ty du lịch trên web dlvn.com: “Trên đường đi ghé tham quan Trại Cọp Sriracha, xem show biểu diễn xiếc thú của Cọp, Khỉ, Heo làm toán, Show bắt cá sấu bằng tay không. Ghé tham quan khu trại rắn trường đại học chualalongkong với kỹ nghệ đồ da độc đáo. Tối thưởng thức lẩu SUKIYAKY của Nhật Bản. Tự do khám phá Bangkok về đêm” là đủ thấy loài Heo… giỏi toán hơn con bò! Bài hát nhại: “Ai bảo chăn heo là khổ, chăn heo sướng lắm chứ. Ngồi mình heo chớ nào trèo leo mà ruột thấy…teo teo…” là vì nó…hất một cái, lọt cha vào chuồng heo! Bẩn như…lợn!
Heo rừng hay còn gọi là Heo mọi với màu đen thùi lùi, nhỏ con và chạy rong như chó chạy đường xa nên thịt dai như loại “gà đi bộ” thịnh hành ở Mỹ. Người ta truyền nhau rằng:

Mắn may ăn thịt heo rừng

Tai ương, bệnh tật cũng đừng hòng đến thăm.

Hèn chi, miếng thịt heo rừng đen thui, đen thủi mà người ta tranh lấy, tranh để khẻo… xảy cái mắn may ấy!

Heo nhà là loại được nhắc đến trong cuộc sống con người với màu lông trắng hếu, cứng ngắt và da dày đến tưởng tượng răng người cắn vào là “răng ở lại, môi đi nhé”!

Trong sáu loài ở chung quanh con người thì anh chàng chó và chị gà là hai loài hay vào chuồng heo… kiếm xí đỉnh hay ”kiếm chút cháo”. Thành ra, tuy ít tranh nhau, gây chiến như mèo chó chuột nhưng cũng vẫn xảy ra cảnh chó cắn heo, heo táp gà, gà đá chó! Xoay vòng như trái đất quay chung quanh mặt trời chẳng con nào hèn hơn con nào mới… ách! Heo hiền lành nhưng con nào cũng vậy, chúng luôn tự vệ bằng cách cắn lại khi bị tấn công. Heo cùng với Trâu, Ngựa, Dê, Chó, Gà sống với loài người từ bao đời nay và làm nên bao nhiêu sự tích.

2. Heo đi vào nhân gian:
Người ta thường kể nhau về sự tích con Thằn lằn (Thạch Sùng), con Khỉ đỏ đít, con Bọ Hung, con Bìm Bịp… nhưng có lẽ người ta thích nhất là về tiền kiếp loài heo ủn à, ủn ỉn “mày phỉnh tao hả Bưởi” này. Trên trang web depweekly.com có đăng “Sự tích con heo Phạm Trư”, web thehe8x.net có đăng “Sự tích con lợn” hay “Sự tích con Ỉn” từ cô gái Đinh Thị Hợi… yêu anh Mạc Văn Tuất không thành nên khi chết được Ngọc Hoàng biến thành người sung sướng nhất trần gian “có đẻ không đau, có ăn mà không làm”!

Trong đời sống hằng ngày thì có chuyện mẹ chồng con dâu vì con heo 8 tấc mà sinh ra thù hận như web nói trên đưa tin.

Tuyệt cú mèo hơn, nhân vật kỳ quái được các em ưa thích là Trư Bát Giới (hay Bát Giái, Tôn Ngộ Tịnh) trong cuốn tiểu thuyết chuyển thành phim làm cho Ngô Thừa Ân (Trung Quốc) danh tiếng lẫy lừng là “Tây Du Ký”. Chàng Heo nguyên là Thiên Bồng Nguyên soái vì mắc tội “thả dê” không có “lisense” với Hằng Nga của cu Cuội nên bị Ngọc Hoàng giáng xuống trần làm heo. Vì đặc điểm của Heo là ăn tạp nên nhân vật lão Trư này được trang bị cái… bụng phệ của Đổng Trác thời Tam quốc bên Tàu để làm biểu tượng cho những vương tôn, công tử, các lão ông, viên ngoại nào có cái… bụng bia (bắn bỏ bà)!

Từ đấy! Hễ cứ thấy kẻ nào vác cái bụng bầu mà hầu như chưa bao giờ đau đẻ thì cho là “loại phàm phu tục tử, chữ có, chữ không chỉ lo chổng mông ngồi không, ăn thiệt”! Oan ức thay cho những ai mắc chứng “cum tích” hay chứng “sơ gan cổ trướng” nằm chờ theo… diện ông bà!

Người ta nuôi heo như một cách dành dụm tiền bạc. Hình ảnh những người nông thôn xắn quần lội ruộng, đi sớm về khuya “đầu tắt, mặt tối” về đến nhà là “ba chân, bốn cẳng” đi hái rau heo về nấu cháo trộm cám cho heo ăn no, chóng lớn mà… xuất chuồng kiếm vài đồng nuôi gia đình hay nuôi con ăn học khiến người ta xúc động về một cảnh đời trái ngược: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra”! Nhiều khi con heo nuôi trong chuồng đột nhiên bệnh heo gạo hay lăn đùng ra chết thì kẻ nuôi chỉ biết đấm ngực mà trách trời cao sao không có mắt! Mới đau mà ca rằng: “Nuôi heo bỏ ống con ăn học. Ngẫm thương đời mẹ thời khó nhọc”. Ngày nay, đời hết khó nhọc chưa mà mẹ vẫn đêm ngày bè bạn với đàn heo, đêm khuya chong đèn ngồi bên chuồng heo canh từng con muỗi, con mồng!

Cuộc đời như một bản tình ca. Con heo cũng có… tình ca heo trút ống mà trong “Chuyện tình Lan và Điệp” (Chí Tâm-Lệ Thủy hát) có câu ca mùi mẫn, cảm động khôn chừng của chàng Điệp khi được Thị Lan trút ống heo cho chàng lên tỉnh học. Anh ta cam đoan sẽ nhớ“Dòng sông bên lở, bên bồi. Nhớ người yêu trút ống cho anh ăn học, nguyền trọn một đời không vong phụ đổi thay” nhưng cuối cùng “người phụ tình ta”. Đến lúc này thì Lan phải rên:

Công em trút ống nuôi cò… Điệp

Cò Điệp ăn mập, cò… bịp nơi mô?

Cải lương bi ai về cái ống heo như thế nhưng trong nhạc thì ngược lại. Như một tập tục, trẻ em cũng như người lớn đều để dành tiền lẻ trong “cái ống heo” hay “con heo đất” mà nhạc sĩ Ngọc Lễ trong bài “Con heo đất” đã viết cho các em: “Mẹ mua cho em con heo đất í o. Ngày hôm nay em vui lắm í o… Làm sao cho heo mau lớn í o.. Heo không đòi ăn cơm. Heo không đòi ăn cám. Heo chỉ cần em bế trên tay ầu ơ. Em không thèm mua kem. Em không thèm mua bánh. Em để dành cho heo. Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày. Này heo ơi! Ngon nhé! í o. Này heo con ơi! Mau lớn í o…”

Bài hát dễ thương, thắm đuộm tình yêu tuổi thơ với suy nghĩ thân thiện về con vật có số phận vì con người mà hư danh, mất tính. “Con heo đất” của Ngọc Lễ có tính giáo dục bằng âm nhạc về sự tiết kiệm đáng khuyến khích của các em trong thời đại “lắm hoàng tử, nhiều công chúa” sài tiền cha mẹ như sài tiền lá mít! Còn con heo bằng đất sét hay đất nung vẫn là biểu tượng của đời sống về sự tiết kiệm tiêu sài để dành khi túng thiếu mà ai cũng sẽ có những tháng ngày trước vàng son thay tình như thay áo sau chẳng còn bát cháo, không manh áo che thân!

Nhưng người đời lại chẳng phải nuôi heo đất mà nuôi con heo thật để… thịt nên mới có sự ích lợi và có hại của loại heo nhiều tai tiếng này trong văn học.

3. Heo nối liền đời sống với văn học:

Không ai không thuộc mấy câu này:

Con gà tục tát lá chanh

Con lợn ủ ỉn mua hành cho tôi.

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Bà ơi đi chợ, mua tôi đồng riềng.

Toàn là những gia vị để ướp thịt không hà!

Thịt heo cùng với bò, vịt, gà… là nguồn cung cấp chất thịt không thể thiếu được trong mỗi gia đình từ bình dân đến trưởng giả. Thịt heo ngon đến nổi… ông Địa cũng them nhất là cái đầu heo! Cho nên, cúng tạ cho ông bụng bự này (bà con với lão Trư) nếu cúng cái bánhn tráng, tán đường thì coi như cúng chay mà ông Địa thì khoái mặn nên cúng tạ cái đầu heo phủ màng mỡ heo mong mỏng lỡ có cái lũ “bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng” sà vào thì cũng chỉ đớp được cục… mỡ mà thôi!

Thế mới có câu:

Vái ông Địa, vía ông Đàng

Cho con mà thi đổ ông Trạng

Con về làng cúng heo.

Cái da, con cho dân nghèo

Cái mình, con xẻ nửa, treo ngang nóc nhà.

Rước ông rồi lại rước bà

Còn cái Thủ này, con tạ cúng ông!

Cái đầu heo có chi mà ngon? Thì ra, thịt hai đầu má heo là ngon số hai còn cái lỗ tai heo mới là số một. Tai heo ngâm giấm làm gỏi tai heo đèo theo nấm tuyết, chiếc mấy ngó sen, trộn chèn cà rốt, sốt chút muối đường, tiêu hành ớt tỏi nhai dòn rụm, ngon bỏ bà luôn! Tai heo rộng mắm là đặc sản của hương vị Tết cổ truyền Việt Nam.

Ngày tư, ngày Tết

Mức ngọt ăn ớn chết!

Thủ cái tai heo

Nhậu kiệu, ngon ra phếch!

Nói chi cho xa: Một tô phở heo, một bát bún bò Huế nếu chẳng có cục chân giò tròn trịa nằm khoanh tròn trong tô thì coi như “đi chết đi mày!”. Thiếu dư vị heo mất rồi! Nồi “cháo heo” nghi ngút khói tiêu hành ớt tỏi nếu không có đủ bộ đồ lòng (gan, cật, tim, lưỡi, ruột…) thì cũng đành… làm người đói cho xong! Heo không bỏ thứ gì kể cả… phân heo là loại phân hữu cơ giàu chất đạm tốt cho cây nhất là… rau muống một thời rau đắng thay cơm!

Đầu heo làm gỏi, ngâm mắm. Mình heo chia thành thịt: Thịt đùi trước, đùi sau, thịt ba rọi, thịt ba chỉ, thịt xay… nhưng hấp dẫn vẫn là món heo quay. Heo sữa quay là ngon nhất! Heo quay là cái lễ không thể thiếu được trong đám hỏi, tân gia, sinh nhật và nhất là đám cưới.

Trong bài “Tát nước đầu đình“, người con trai hứa hẹn cưới em nếu em nhặt được cái áo của anh bỏ quên vào ngày tát nước (chẳng qua tìm cách… tán em thôi mà):

…Cưới em một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm”.

Đem con heo đó cho vào lò lửa thì thành con heo quay chín mộng, thịt quyện với ngũ vị hương còn da thì dòn kháy như cơm cháy khấy mỡ hành! Béo bở! Ăn xong, chạy tập thể dục thí mụ nội luôn!

Cưới em một chục con heo

Con quay, con để em trèo, em chơi!

Heo cưới hay cúng đều không được chặt ra. Khổ nổi, nếu chặt ra, thế nào con heo quay dòn kháy đó cũng… long thể bất toàn! Có kẻ “thánh thủ thần thâu” nhanh tay… chôm vài miếng cho vào miệng, đã đã! Có lẽ vì “tri kỷ, tri bỉ” nên ông bà mới đặt cái lệ cúng heo để nguyên con khỏi sợ bị ăn hổn!

Mấy người ăn hổn mới…khôn

Lén len lủm lủm, nó…ngon bỏ bà!

Nếu chó có “Cầy tơ 7 món” trong đó, có món dồi chó với lá mơ trứ danh thì heo với cái ruột già của heo nái cũng có món dồi heo “dồi trường” cộng thêm mấy cọng rau răm tăng khẩu vị nhậu nhẹt, ngon “bá cháy bồ chét chó”!

Trong ba ngày Tết cổ truyền, nồi măng hầm trong mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu vắng thịt heo (thịt ba rọi, thịt đùi):

Thịt heo nấu với măng hầm

Chờ ba ngày Tết, bà… quằm với ông.

Nhưng cái gì cũng phải trả giá. “No mất ngon. Ngon mất thọ” vì lớp da dòn kháy của heo quay hay mỡ heo cùng với thức ăn đồ biển như tôm, cua, sò, ốc, mực hay gan, lòng đỏ trứng… chứa lượng chất béo chưa được bảo hòa là cholesterol gây ra những chứng béo phì không còn “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt” nữa mà là: “Nhất mập, nhì bơm, thứ ba quá ròm“! Cái nào cũng… tốn tiền thuốc! Trên web take2tango.com có ghi: “Bản chất thịt heo chứa đựng nhiều độc tố, sán [sán lải, sán sơ mít…] và mầm mống bịnh truyền nhiễm”.Còn web thuvienhoasen.org cho rằng: ”Nếu như con người ăn thịt, những chất thải sẽ không được bài tiết ra ngoài nhanh chóng do đường ruột rất dài, vì thế sẽ gây nên nhiều chứng bệnh liên quan…” coi như… có lợi và hại cho con người, loài heo đã khoa học và nhân học định sẵn cho một số phận.

Nam mô ông Phật Di Đà

Cho con ăn thử miếng da lợn nhà.

Ăn xong, con… cạch đến già

Con… thử miếng nữa là…. bà… bắn con!

Bà không có… súng thì sao mà bắn!

Ăn hay không ăn thịt heo như người Hồi giáo hay người tu hành, người kỵ thịt thì người như heo cũng cùng chung số phận của một loài… ăn tạp!

Một số phận:
Heo nếu đừng bị loài người ăn thịt thì heo chẳng những có tiếng thông minh mà còn có tài… bảo tồn nòi giống xuất sắc!

Từ ông Trạng lợn, người tuổi lợn:
Heo nằm trong nhóm “ngu, dơ bẩn” (ngu như bò, bẩn như lợn) nhưng chẳng hiểu vì sao người ta lấy tên này để đặt một chức quan Trạng mà chức vị này phải dành cho những người học cao, hiểu rộng, thông minh bằng trời như Trạng Trình, Trạng Hầu chẳng hạn? Có thể vì heo là một loài “ngu thường trực” nhưng “thông minh đột xuất” nên sự mắn may lại chạy vào thân hoặc giả người ta an ủi rằng: Những kẻ bị coi là ngu dốt cũng có ngày nên quan, nên chức? Thế mới nói:

Đừng khinh khi thưở ta nghèo

Quan trạng lắm lúc là… heo xó chuồng.

Heo thực sự ngu hay không còn đợi đấy nhưng nhân gian thông minh thấy rõ khi rào trước, đón sau số phận một con người! Chắc chắn rằng truyện Trạng Lợn là Chung Nhi không thể chứng minh có thật nhưng những ông Trạng sau đây là có thật mà web saigoninfo.com tìm ra:
Trạng Ăn – Lê Như Hổ, Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, Trạng Hầu – Mạc Ðình Chi, Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Hiền – Nguyễn Hiền, Trạng Ác – Giáp Hải, Trạng Mõ – Khiếu Hữu Thanh, Trạng Quỳnh – Nguyễn Quỳnh”.

Những ông Trạng này đều là những trạng thực sự so với những quan Trạng “vinh thân, phì da, làm cha, làm mẹ” của thời “Mua danh, mua chức như mua mức, mua gừng”! Có nghĩa số phận của con chim đa đa là hát ca lời tình phụ! Không phải không lý do khi người đời hay tự an ủi mình bằng cái số kiếp của Nguyễn Du!

Web my.opera.com trong bài “Tuổi con heo“, Cung Hoàng Đạo có viết: “Ðã có tiếng tăm, tuổi Heo lại thông minh cực độ . Tuổi nầy vừa học vừa chơi , vừa tìm tòi để bổ sung kiến thức. Tuổi nầy cũng mê ăn mê uống khiến cho người ta trêu là Tuổi mê ăn trong mười hai con giáp. Thức ăn thức uống phải là thượng hạng”.

Theo web vietvoice.net: “người tuổi con heo chắc chắn là sống trong màu hồng và sang trọng”. Còn webtintuconline.vietnamnet.vn/vn thì ghi: ”Dân gian vẫn cho rằng những người tuổi Hợi là những người may mắn và có ‘số sướng’. Còn tử vi lại nói những người này trầm tính, hiền lành, thích tự do”.

Tuổi Hợi nhìn chung là tốt, riêng đối với người tuổi Đinh Hợi, ông Hiển Linh trong “Tử vi trọn đời” năm 1968, trang 427-429 có ghi:“Tuổi Đinh Hợi hoàn toàn tốt đẹp về tình cảm cũng như cuộc sống nhất là vào thời trung vận và hậu vận”. Tuổi đại kỵ nhất là: “Mậu Tý, Giáp Ngọ, Bính Thìn, Canh Tý, Giáp Thìn, và Nhâm Ngọ”. Giờ xuất hành hạp nhất: “Ngày chẳn, tháng lẻ, giờ lẻ’’. Như vậy, nếu đau đẻ hay mổ xẻ thì quý ông, quý bà ráng… nhịn chờ đến tháng, ngày, giờ hạp hãy đi!

Nói thì nói cho vui chớ mấy cô thiếu nữ Việt Nam lấy… Việt Kiều nào có để ý tuổi tác, hạp hay không hạp mà là chú rễ có chịu… chi hay không? Có chịu đưa nàng ra nước ngoài hay không?

Xem ra, tuổi con nào cũng có những từ ngữ dành cho người tuổi con đó coi về mình mà… khoái chí vì không phải số nhàn thì cũng số sang! Một cách bói tuổi đầy an ủi như lời nói “không mất tiền mua“. Đáng khích lệ thật!

Thực tế, “bói ra ma, quét nhà ra rác” nên ta cũng đừng tin cho lắm mà tắm vẫn ở truồng! Tuổi tam hạp “Hợi-Mẹo-Mùi” hay tứ hành xung “Dần-Thân-Tỵ-Hợi” cũng chẳng quyết định “dài nhân ngãi, ngắn vợ chồng” hay thiệt vợ chồng. Thực tế chứng minh ngay ở đất Mỹ, người đàn bà tuổi Hợi đã… đá con Dê-Mùi chồng bay ra khỏi chuồng heo khi con Dê này chẳng bỏ cái tật ghen bậy và chị Hợi này phải làm lụng cực nhọc mới có đồng vào, đồng ra mà tra miệng mèo, chó, chuột (ba con giáp ở chung một nhà nhưng… thù nhau truyền kiếp!) Khiếp! Không làm sao có ăn? Thế mới nói: “Tay làm hàm nhai. Tay quai, miệng trể” ném vào các tuổi chớ chẳng phải sanh vào tuổi sung sướng hay bần hàn là đúng y phốc! Ông bà ta có nói:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng đâu dễ mà rằng trời cho!

Thiết nghĩ, áp dụng câu này cho bất kỳ tuổi con nào ngồi chờ sung rụng đều đúng trăm phần trăm! Con người mới là một loài tổng hợp thông minh từ ông Trạng Lợn cho đến…

Cho đến… phim con heo:
Không biết tại sao những loài động vật thuộc bộ chẳn hay lẻ gì nhất là họ Chó thì chuyện “phòng the” phơi bày ra trước mặt con người tự văn nhiên nhưng con vật bị “nắm ót, chụp mũ” hay “trúng giải Dâm” vẫn là con heo và tệ đến nổi thiên hạ dùng ba từ ”lấy thẹo” là “Phim con heo” để nhân cách hóa con người, những kẻ “lấy da người bỏ ra, tra da dê heo vào”!

Đặc điểm sinh lý của con dê mới là đáng… kính nể! Một bầy dê cái mà chỉ có mỗi anh dê xồm nên đàn ông tán gái gọi là “thả dê”! Vậy mà anh chàng heo lại được chọn đứng đầu trong lĩnh vực này mới hay! Người ta nuôi heo cảnh, nuôi heo đực hay heo nái cũng là một trong nghề nuôi heo. Một con heo đực hay còn gọi là heo nọc được “chiếu tướng” như web dost-dongnai.gov.vn trong bài: “Phương pháp kích thích heo động đực sớm” ghi như sau: “Heo đực sử dụng để kích thích phải là heo trưởng thành do lượng hooc môn tiết nhiều ở đực tơ và mùi của hooc môn tác dụng kích thích nái lên giống sớm. Heo nái hậu bị được kích thích vào khoảng 5 – 6 tháng tuổi. Thời gian để tiếp xúc từ 10 -15 phút/lần, khoảng 3-4 lần. Phương pháp kích thích là gián tiếp cách biệt để chúng nhìn thấy, ngửi mùi của nhau mà không tiếp xúc với nhau”. Có nghĩa là con người vì lợi nhuận mà bất chấp đến thời gian sinh lý của heo theo luật tự nhiên của tạo hóa. Cướp quyền tạo hóa, con người tạo ra một thế hệ sớm làm quen với tình dục chính là đây!

Heo đực nếu nuôi thành heo nọc thì không bị biến thành “thái giám” sau khi sinh. Làm thế nào để người ta chọn được một tay truyền giống trong 10 đến 15 phút mà tới… 3 đến 4 lần?! Web thuytienson.com ghi rõ:

“- Chọn những con dài đòn, đùi to, khấu đuôi to.

– Da lông bóng mượt, mắt sáng linh hoạt.

– Đuôi dài luôn ve vẩy.

– Con cái vú phải đều to, trên 8 vú.

– Con đực dịch hoàn đều, to, lộ rõ

Không nên chọn: Bụng to, mông lép, đuôi ngắn, lồi xương, da lông xù xì, gầy còm, đuôi vẹo, không có hậu môn, dịch hoàn ẩn, chân năm ngón, mắt có ghèn”.

Người ta rút kinh nghiệm không sai chút nào khi: “Nuôi heo chọn giống, đẻ con chọn dòng”. Giống dòng là khâu tối quan trọng để duy trì giống nòi. Nhưng giống gì thì giống cũng đều có lai căng hết. Riêng với loài heo giống, giống tốt mà web khuyennongtphcm.com đang quảng cáo là là loài heo đực Yorshire, Ladrace, Duroc với bảo đảm “100% Mỹ” nghe mà… bật ngữa!

Heo trong truyện cũng có như “Three little pigs”, hay “ Ba chú heo con” hoặc heo đóng phim cũng không phải không có. Chú heo rừng dễ thương trong phim “Chuyện của lính” (đạo diễn Trương Dũng, phim truyền hình của TFS) hay phim “Charlotte’s web” của Mỹ làm cho trẻ em yêu mến con vật hiền lành, ngây ngô này. Những con heo này được nuôi nấng đàng hoàng, tử tế và không bị… ăn thịt. Trong “Tiếng gọi ngàn“, con heo có tên Vá vì phản bội ngàn xanh khi tiếng gọi mùa động tình của loài heo rừng vang dậy mà nó phải trả bằng cái chết thương tâm sau khi buông tiếng than vãn “tất cả đám lợn rừng không ngủ bên kia đều chăm chú nghe. Nó hối tiếc lần cuối cùng rằng nó đã coi thường tình cảm của giống loài… con Vá cứng đờ nằm lù lù một đống, mép xệ cong, he hé ra chiếc lưỡi trắng bợt, một nửa bị răng hàm cắn ngập”. Con heo rừng này chết vì cách nào cũng là một lời cảnh tỉnh cuối cùng của lòng hối hận. Đáng thương tâm!

Người ta nuôi heo ăn thịt ở trong chuồng nhưng một số tay tổ thờ thần Bạch Mi thì “nuôi heo” trong những hang động, khách sạn với các tay lái heo vào tù ra khám như đi chợ mà các web vnexpreess về “Hang ổ mại dâm thế giới”, ở Sanfancisco, web chuvanan.com với hang động Hoàng Mai. Web laodong.com có tay buôn heo người Dương Ngọc Hoa, Mai Quỳnh Hương, Hiền chèo. Web vietbao.vn có Tú Anh, Tịnh pêđê, Mỹ Hạnh. Những con heo tốt giống “danh giá, cao sang” được phơi trên mạng như Yến Vy, Ngọc Liên, Hà Kiều Anh… thấy mà… hãi hùng, lùng bùng lỗ tai, chai cha con mắt! Những con heo con cũng được “bơm thuốc kích dục” để bổ sung vào chuồng heo người khiến bao nhiêu cha mẹ hết nước mắt, ngoại trừ không ít cha mẹ ham tiền là chính, quen ăn chẳng quen nhịn hay chồng heo còn… khuyến khích, bắt ép heo con, heo vợ phải sắm vai Thúy Kiều “sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”. Những con heo ưng ăn chớ không ưng làm, bình dân không cam, lấy thân mình thay cám lợn! Tiếc thay! Xã hội ngày càng phát triển thì nghề lái heo càng nẩy nở trên “cánh đồng khô”!

Thật là “cao cấp” và lợi hại thật khi những tay lái heo này nuôi heo, thả heo rong trên vi tính, sách báo mà chả cho heo ăn cám hay cháo heo mà heo vẫn… sống nhăn răng, sống “tươi mát” như có phép màu nào đó của “đồng tiền muôn năm không mua nhằm con lợn” dù điều 226 trong cuốn “Bộ luật hình sự Việt Nam” ghi rành rành nào là phạt tù, tiền nhưng nhằm nhò chi mô! Vì thế mà các phim heo “hoàn toàn Việt Nam” được tranh nhau phơi la liệt có tên hãng phim, diễn viên, đạo diễn đàng hoàng như: Ngọc Liên, Em Việt Cave, Vũ điệu bia ôm Sài Gòn, Kim Tinh và người tình Yến Vy, Đường lưỡi gái Việt, Phim khỏa thân Hà Kiều Anh, Ăn chơi Thái Nguyên…Heo mất mùa thời chiến thì thịnh hành thời bình! Thịt heo này ăn sống mà không sợ sán sơ mít hay cúm gia cầm, bệnh long mồm lở móng lây lan mới là chuyện của… người cõi trên!

Thứ thịt này chỉ có người cùng hội, lội cùng sông, sống bằng nghề chổng mông mới… nhâm nhi thưởng thức ngon dở nổi mà thôi! Nhưng chắc chắn rằng: Nếu heo nhà mắc chứng heo gạo, hay nhiễm vi khuẩn tiêu chảy, chứng cảm cúm trong “một số bệnh thường gặp” (webdost-dongnai.com) thì các loại thuốc sau đây có thể chữa khỏi như: Dovenix, Rafoxanide, Oxyclozanide, Membendazol, Albendazol, Ivermectin. Treptomycine, Clotetracyline, Penixiline, Oxytetraciline. Tiamulin, Oxytetracyline, Enrofloxacine, kết hợp với một vài loại sunfamide…

Nhưng ngược lại, heo nuôi trên mạng, trong những hang động bán công khai trong tất cả các loại hình có chữ “ôm” thì 100% chứa toàn siêu vi HIV (Human Immunodeficiency Virus: siêu vi gây hủy hoại hệ thống miễn dịch ở người) nguyên nhân gây ra căn bệnh thế kỷ SIDA mà nghe qua thì người ta lơ là nhưng… nếm qua thì… khiếp quá! Thịt những con heo này ai ăn nấy biết, không phổ biến mà sinh sản đại trà, chẳng thả rong mà lan rộng, không kêu ục éc mà đàn ông hư bu nghẹt!

Phim không “heo”, phim chất lượng… kém.

Văn chương chẳng “lợn” chả ai thèm!

Một cuốn sách, một truyện ngắn trong thời đại “người chẳng ra người, heo chẳng heo” này nếu muốn được nổi lềnh bềnh và đắc như… thuốc lắc thì phải nuôi heo rồi thả heo vào cho “mười mươi bổ ngữa”. Âu cũng là một cách phục vụ nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng! Người còn chút văn hóa thì lắc đầu, kẻ có máu 35, 71 thì cầu vớ con heo sữa! Những con heo ngủ nằm ngữa này mấy thuở gặp thời hái ra tiền, khiến ra bạc, khạc ra đô nên chỉ mong chổng mông, nằm ngữa mà làm kiếp heo cho đến khi thành con nái xề!

Heo nái xề tứ bề đều dở

Nghề nái xề chẳng thế mà vui.

Sống chi cái kiếp dập vùi

Tràng Khanh, Tống Ngọc mù đui, nhục mình!

Con heo bỗng nhiên vì loài người mà chịu tiếng. Oan ức thay! Nhạc nhại rằng: “Tết nay, anh không thèm thịt heo nái vì đã có em –heo sữa đủ bổ ngữa anh rồi!”. Nghe rồi làm bài… văn tế con heo!

III. Thán:

Hèn chi Nguyễn Công Trứ khôn ngoan, nhìn ra thấu rộng nên ông chỉ mong thoát kiếp người mà “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Đáng kính thay! Kẻ chính nhân quân tử là như thế cả!

Những sinh -động vật trên thế giới thuộc loài quý hiếm đã bị hay gần tuyệt chủng làm người ta tiếc nhưng những con heo người trần như nhộng này thì đến bao giờ mới… tuyệt chủng đây?

Con người tự sinh rồi tự diệt, tự văn minh rồi tự đánh rớt mình vào thời tiền sử vì tâm không tịnh. Người vào cửa Phật đều phải qua Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng), đều không phạm Ngũ giới ( không sát sanh, trộm cắp, không tà hạnh, dục dâm, không nói dối, thêm lời, không say sưa, uống rượu).

Con heo Trư Bát Giới đã tu thành chánh quả, còn những con heo trần gian này nếu không sớm tu hành thì chẳng biết cửa thiên đàng nào chịu mở, chốn địa nào không có tên? Trần gian là nơi cũng là thiên đàng khi lòng ta thanh tịnh và sẽ là địa ngục khi lòng đậm dục, tà. Là vinh hay nhục, là vui hay buồn, là tốt hay xấu, là người hay heo, ta là ai trong thế giới này khi ta chọn cho mình một số kiếp bằng cách khẳng định mình hay đánh mất chính mình!

Nhân năm chị Hợi, nói chuyện anh Heo, buồn vui cùng kiếp lợn, rùng rợn thay một kiếp người! Trong tháng hai mưa tuyết bã bời, lòng hoài hương vời vợi nên nói chuyện heo cho đời thôi chơi vơi bật thành câu đối chơi:

Tiễn năm Bính Tuất, goodbye cậu Chó ra đi

Chào Tết Đinh Hợi, welcome cô Heo lại tới!

Tháng 2/11/07

Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

Đinh Hợi, Heo vòi, bộ giuốc chẳn, lẻ (wikipedia.org).
Con heo đất – Ngọc Lễ (myopera.com).
Trạng lợn (saigoninfo.com).
Sự tích con ỉn (thehe8x.net).
Truyện cổ con heo Phạm Trư (depweekly.com).
Các chứng bệnh thường gặp của heo (ddvn.com).
Tuổi con heo (myopera.com, vietvoice.net).
Heo nọc, heo đực (khuyennongtphcm.com, dostdongnai.gov.vn).
Hang ổ mại dâm (vnexpress, chuvanancuatoi.com, depweeekly.com, emsvn.com).
Tiếng gọi ngàn –Đoàn Giỏi (Nxb Hồng Lĩnh 1992).
Tử vi trọn bộ – Hiển Linh 1968.
Chuyện của lính (vnexpress.net).
Xin chân thành cám ơn

Related Articles

Back to top button