NGHĨA QUÁN KIM THẠCH
Có một quán ăn thôn dã ở ngã ba đường núi, đồng bằng và làng mạc mọc lên từ hai năm nay. Khách hàng toàn là người thập phương lỡ đường. Lượng khách bộ hành ngày càng ngày càng đông vì họ được tiếp đón ân cần. Họ chẳng phải trả tiền mà còn có thể tha hồ thưởng thức những món ăn dân dã. Cả những tay giang hồ lãng tử hay đại ma đầu khét tiếng trong võ lâm cũng đều đến để thưởng thức tài nghệ nấu nước của chủ quán 義貫金石 (Nghĩa Quán Kim Thạch). Mấy lần kiếm chuyện không xong vì chủ quán vẫn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi“, bọn ma đạo cũng đã thay đổi sắc diện. Khách nào, các tiểu nhị đồ đệ cũng đều biết mặt. Thế mà hôm nay, các huynh muội tiểu nhị đang xầm xì:
– Tiểu muội muội có thấy gã áo đen, đội chiếc nón che mặt ngồi ở góc tận cùng kia không?
Tiểu muội muội vừa bưng một mâm trà xanh chống ung thư cho khách, quay một vòng, vừa đưa nhanh đôi mắt sắc lẹm hướng về phía gã áo đen:
– Theo thiển ý của muội, khách lạ mới che mặt. Sư huynh nên báo cho sư phụ biết là quán chúng ta có dọ thám tới.
– Xì! Chuyện cỏn con này mà động tới sư phụ làm chi muội muội! Hắn dọ thám thì đã không ngu mà chọn hướng sáng mà ngồi. Nhưng tiểu sư muội xoay một vòng nữa thì sư huynh đảm bảo khách hàng chúng ta bỏ đũa mà coi muội muội múa thôi!
– Miệng huynh có giòi hay sao ấy! Nhìn kìa! Chung quanh cái bàn của hắn toàn là rượu xịn của chúng ta?
– Hắn thưởng thức thì để cho hắn thỏa mãn!
– Hãy nhìn cách hắn ăn! Nhất định hắn là người từ phương nào tới. Những người khách quen của chúng ta không có thói vừa ăn vừa lấy đũa khuấy tìm cái gì trong đáy tô?
– Muội để ý khi hắn uống rượu. Mắt hắn chớp chớp…
– Thôi đi mẹ! Hắn che mặt thì thấy cái chi mà mắt chớp chớp? Muội chớp chớp vì hắn đúng hơn!
– Hắn nếm các loại rượu mà không hề say. Chứng tỏ tửu lượng hắn không thua gì Lưu Linh.
– Muội muội cẩn thận nghe không! Nhìn cây kiếm dài hắn dắt ngang hông, huynh biết ngay hắn thích đo kiếm với người khác đấy. Úi cha… Úi da… Úi dà…?
– Không có chuyện của ngươi! Các ngươi đúng là đoán mò. Hắn đã đi rồi!
Sau khi ăn một cốc đầu của chủ quán sư phụ, tiểu nhị huynh muội quay lại góc bàn cuối: Gã hắc y che mặt biến mất tự bao giờ! Người sư huynh gãi đầu khiến tiểu sư muội cười ngất:
– Đầu huynh có chí hả?
Sư huynh lườm:
– Muội ranh! Gã này nội công ghê gớm thiệt. Nháy mắt, huynh muội ta chưa nói xong câu chuyện, hắn đã đi rồi. Nhưng có tờ giấy trên bàn kìa…
Người sư huynh cầm tờ giấy trên bàn đưa cho sư phụ. Ông hất hàm:
– Đọc ta nghe!
– Sư phụ chỉ đùa! Chúng con làm gì biết thứ chữ này cơ chứ? Tiểu muội muội biết chút ít chữ như cái hột quẹt diêm này thì muội đọc đi!
– “Cám ơn quán sư phụ không lấy tiền. Tiểu nhân nghĩ rằng quán sư phụ nên bớt sử dụng mùi hóa chất Flavor thì mùi vị của quán sư phụ sẽ đậm đà hương vị dân dã hơn. Kíình”. Bà mẹ! Gã này viết chữ “kính” hay “kình” mà ẩu xị dữ vậy?”.
Quán chủ vuốt râu. Ông nhìn ký hiệu hình vẽ đen thui và dưới có ghi năm mà bọn tiểu nhị đồ đệ không để ý tới. Sau khi nhíu mày, ông cười khà khà một một cách rộng lượng bảo tiểu nhị đệ tử:
– Khuya nay, chúng ta sẽ có khách! Các ngươi chuẩn bị mọi thứ như thường lệ cho ta và hãy đi ngủ sớm. Chỉ được nổi lửa lúc 2 giờ!
– ?
– ??
– Lại đứng đực mặt cả lũ là sao? Ngươi! Mau lo dọn dẹp. Ngươi! Mài mực cho sư phụ!
– Dạ, dạ…
Tiểu nhị sư huynh vội chạy đi rồi quay trở ra nhanh như chớp trong khi tiểu muội muội lo dọn dẹp bàn ghế cùng các huynh đệ ngoài kia. Quán sư phụ viết nhanh hai chữ 迎 接 (nghênh tiếp)rồi hất tay. Tờ giấy mực đen được vo tròn, bay vút lên không rồi hướng về hướng Nam lao nhanh với tốc độ khủng khiếp trước những cặp mắt kinh ngạc của những người khách còn ở lại và đám môn đồ. Một gã thanh niên đang sử dụng kinh không lướt trên đường bỗng nghe tiếng xé gió ngang tai, hắn nhanh tay bắt lấy vật lạ. Hắn mở tờ giấy và kinh khủng nhận ra những ngón tay hắn bị tờ giấy cào cho mấy đường rướm máu. Chưa làm gì đổ máu mà gã đã phải trả một cái giá bằng máu kể cũng tức thiệt! Gã mím môi.
*
Tối đó, quán sư phụ vẫn nấu nướng bình thường để mờ sáng cho khách lỡ bước dùng điểm tâm. Đám môn đồ chờ hoài mà chẳng thấy vị khách nào ló dạng nên đánh động sư phụ:
– Sư phụ à! Sư phụ có… bói nhầm không? Chúng con chẳng thấy mặt mày hắn ở đâu cả? Đại sư huynh không phát hiện cái gì gọi là khả nghi trên nóc nhà!
– Hắn đã tới từ lúc hai giờ! Các ngươi hãy nhìn vào hướng khói xông lên từ các lò nấu của chúng ta. Hắn từ xa sử dụng nội lực thu hơi nước…
Các tiểu huynh muội trố mắt nhìn nhau. Quả đúng vậy! Những hơi nước từ các nồi hầm thức ăn bay lên rồi bỗng nhiên, chúng kết thành những luồng như rồng hút nước bay trên nóc nhà. Cả đám tiểu nhị môn đồ tròn mắt ếch hết ra. Người sư huynh trưởng bật thét:
– Ồ! Thật kinh khủng!
– Thật là vĩ đại!
– “Thánh Thủ Thần Thâu” ăn cắp hơi nước làm gì kia chứ?
– “Kinh khủng” cái đầu của nhà ngươi. “Vĩ đại” cái mốc xì! Dùng từ không chính xác theo ngữ cảnh! Chỉ có các ngươi là ngu ngốc không biết học cách chưng nước cất, chưng cách thủy, chưng cất dầu thô thành sáp, mỡ, dầu đánh bóng chẳng hạn hay từ dầu hỏa lấy ra được sơn và xăng. Ngay cả mùi nước hoa hồng mà con nhỏ tiểu muội muội của các ngươi thường xức cũng từ phép chưng cất từ các loại hoa hồng. Còn mấy chai rượu Whisky, Rhum, Vodka và rượu Vang mà khách chúng ta khoái uống cũng được chưng cất từ cốt mía nho, lúa mạch…
– Sư phụ đang diễn cái chuyện anh nọ hút thuốc làm cháy cái áo đẹp từ con tằm ăn dâu nhả tơ… hả?
– Các ngươi đúng là thiếu kinh nghiệm chiến trường. Ta nói như thế cốt cho hắn nghe mà thông trong cái đầu u muội của hắn. Bây giờ, ta không nói nữa vì hắn đã đi bỏ đi rồi.
– Sư phụ làm ơn nói rõ chút được không? Khi không thấy ai hết thì sư phụ nói hắn đã tới. Khi đang nói giữa chừng, sư phụ bảo hắn đi rồi? Đi đâu? Hắn có quay trở lại không?
Quán sư phụ cốc đầu tiểu đồ đệ muội muội:
– Con gái mà nóng nảy như con nha đầu này thì chẳng thằng ma le nào thèm lấy.
– Ui cha! Đau con!
Người tiểu nhị nhị sư huynh lừ mắt:
– Cho chừa cái tội chen tắt ngang trưởng bối nói chuyện. Sư phụ! Hắn đến quán ta làm gì vậy hả? Ban đêm, hắn còn rình ở quán nữa thì chẳng phải dân lương thiện và liên quan gì đến chuyện chưng cất rượu nước của sư phụ chứ?
– Hà hà hà… Các ngươi nhớ chữ “Kíình” hắn viết lại cho sư phụ không?
Hắn viết chữ “kính” nhưng cố tình lách dấu thành âm “kình” trong “kình địch” là hai chữ này 勁 敵.Tức là một mặt, hắn bày tỏ lòng “kính” đối với ta nhưng một mặt, hắn cảnh báo ta đã, đang và sẽ gặp “kình địch” tức đối thủ mạnh. Đã thế, hắn còn cho ta biết hắn sẽ… mang “đồ đại lễ” vào chơi với ta bằng chữ “địch” 覿vào giờ nào, các ngươi biết không?
– Con biết rồi, sư phụ! Dễ ợt như nhồng ăn ớt hiểm.
– Nói thử ta nghe!
– Bọn đạo chích ban đêm thường ăn trộm lúc 3 tới 5 giờ sáng là giờ chúng ta ngủ ngon nhất. Đó là giờ Dần. Úi cha! Cốc nữa…
Vừa cốc đầu con đệ tử tiểu muội muội, quán sư phụ vừa vuốt thêm mấy sợi râu:
– Tiểu nha đầu giỏi thiệt! Mi căn cứ vào đâu?
– Đệ tử… đệ tử… từng đi vào giờ đó để… bẻ bắp trộm cho các sư huynh ăn.
– Trời!
– Thiên địa thánh thần ơi!
– Sư muội! Sư muội không bị ai khảo mà khai tuốt luốt ư?!
Quán sư phụ “hùm” lên rồi nhỏ giọng: “Vậy mà ta có được… gặm trái nào đâu?!”.
– Sư phụ bảo chúng con cái gì ạ?
– À! Không! Ta hơi nhức đầu!
– ?!
– Nhìn cái gì? Các người có thấy tờ giấy của gã áo đen hồi chiều có gì khác không. Hắn vẽ con gì đây?
– Con ruồi!
– Không! Con chuột.
– No way! Đây là con gián!
– Tội quá đi! Con trâu.
– Con này mà sư phụ nói con trâu, con chết liền!
– Tên tiểu tử này, trình độ hội họa kém nên hắn vẽ chuột không ra chuột, ruồi không ra ruồi, gián chẳng ra gián nhưng hắn láu cá ghi năm dưới đít con tầm bậy này. Các ngươi đoán thử coi? Động não một chút coi!
Đám đệ tử vẫn há mồm… khiến quán sư phụ cau mặt:
– Năm nay, các người nói năm gì?
– 2009!
– Ứng với con gì trong 12 chi?
– Con.. Ui trời! Ai mà chẳng nói được, thưa sư phụ. Năm 2009 là năm Kỷ Sửu tức con…bò! Ui cha… Trâu cũng như bò mà sư phụ! Hết cú tới cốc hoài a…
– Hùm! Ai cũng đoán được khi ta nói ra gần hết chi tiết. Cái khó là người tiên đoán ban đầu. Vậy khi hắn chú thích dưới đít con tầm bậy này là năm 2009, ta đã đoán biết hắn muốn tới quán ta lúc 2 tới 3 giờ là… giờ Sửu!
– Y! Đúng y thị!
– Sư phụ quả là sư phụ! Tiểu sư huynh dùng “y thị” là sai chính tả nữa rồi! Đúng y sì mới phải a! Dùng không khéo kẻo có những kẻ học mòn bàn trôn mà không khôn hơn trẻ nít bảo sai chính tả đấy nhen.
– Xí xọn! Kệ xác ta! Miễn là sư phụ hiểu! Sư phụ muôn năm!
– Đồ ngốc! Không “quả là sư phụ” chẳng lẽ là sư sãi?! Không cần khen ngợi ta! Tự ta khen ta đủ rồi! “Muôn năm” chỉ để tung hô cho những kẻ muốn nằm mà hưởng. Đừng nịnh bợ mà ta tha cho cái tội xúi giục tiểu muội đi bẻ bắp trộm. Lỡ tiểu sư muội các ngươi bị bắt đi bán qua Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc hay đâu đó thì các ngươi có đứa nào chịu gánh trách nhiệm hử?
– Sư phụ nói gỡ quá! Tiểu sư muội mà có chuyện gì, chúng con thà chết cũng liều mạng hy sinh cứu tiểu muội muội xí xọn nhưng có tài ăn trộm này!
– Hùm! Đi ăn trộm bị bắt là đáng đời! Không xin xỏ, nài nỉ người tha cho mà còn làm tàng liều mạng! Mạng các ngươi bỏ đi vì hai chữ “đạo chích” mà có nghĩa ư? Đạo nghĩa này, các ngươi học từ đâu? Hử?
– Học từ sư phụ!
– Nói bậy!
Tiểu muội muội nhõng nhẽo:
– Sư phụ đừng quát lên là huyết áp tăng. Tụi con nói đùa tí thui mờ!
– Hừ!
– Hắn tới làm gì sư phụ? Sư phụ nãy giờ quanh co như xe lửa trật đường rầy hoài à! Sư phụ đâu có là cầu thủ đá banh mà câu giờ miết vậy hả?
Quán sư phụ nhìn theo luồng hơi nước loãng ra rồi cười nửa miệng:
– Đã xong rồi ư? Hắn tới vì nghe quán ta đông khách hàng. Hắn muốn tìm hiểu ta bỏ cái thứ hóa chất gì trong ấy mà câu khách? Các ngươi hãy nhìn luồng hơi nước bây giờ đã không còn kết thành vòi rồng nữa! Hắn đo độ kết tụ hợp chất trong mấy nồi nước súp của chúng ta. Hắn nghi ngờ thức ăn của chúng ta có hàm lượng Nitơ chất đạm giả từ chất hóa học Melamine của Trung Quốc. Hắn thử các loại rượu của chúng ta mà không lăn quay chỉ bởi một lẽ: Rượu chúng ta không pha C2H6O. Không hiểu gì ư? Rượu Cồn đó mà. Nếu chúng ta có pha quá 0.5%, nguy hiểm chết người, hắn sẽ vận công tống chất độc ra ngoài. Thức ăn chúng ta không có hóa chất. Nếu có, hắn sẽ rời bàn ăn nhanh chóng để ói ra vì thức ăn không thể tống ra ngoài bằng nội công qua các lỗ chân lông như chất lõng. Hắn ngồi gần một tiếng đồng hồ đủ chứng minh điều đó. Nhưng hắn cũng chưa tin nên mới để lại cho chúng ta tờ giấy có chữ “kíình”. Hắn đích thân muốn kiểm nghiệm chúng ta nấu nửa đêm. Món “quà đại lễ” mà hắn mang tới chính là các dụng cụ đo nồng độ chất hóa học và nếu có kết quả, hắn sẽ mang hai chữ: 毒 藥 (độc dược) m à lật đổ bảng “Nghĩa Quán Kim Thạch” của chúng ta. Hiểu chưa?
– Nếu hắn đúng là kẻ kiếm chuyện, huynh muội chúng con sẽ nện cho hắn một trận. Lúc đó, sư phụ đừng có mắng chúng con là ỷ đông hiếp yếu nha!
– Khà khà khà… “Quần hồ đả mãnh hổ” cũng là chuyện chi nhân thường tình. Con mãnh hổ ác, không trừ đi sẽ nguy hiểm cho bần dân lương thiện. Ta không trách các ngươi làm chuyện “đại nghĩa diệt thân” nhưng đánh lầm người cũng không phải là cách hay của một chính nhân quân tử. Hắn là một kẻ giang hồ vì quá kích mà tới, quá nhĩ mới động, quá tưởng mới nhầm. Ta mở quán cho bần chúng dân lỡ đường, nghèo khổ khác nghĩa cướp của tế bần. Quán ta bảo đảm không dùng gia vị độc dược để hại võ lâm đồng đạo. Ta không tranh vị, chẳng xưng hùng. Kẻ nào không hiểu thì ta đích thân “khai quang điểm nhãn” cho mà hiểu. Cố tình phá ta, tất sẽ có kết quả bởi điều nghiệt ác tự tác. Kẻ nào muốn lật đổ thương hiệu chân chính của ta, kẻ ấy phải coi lại bản lĩnh của mình!
Nói xong, sư phụ hất tay:
– Đi ngủ hết đi! Xong chuyện đêm nay rồi!
Đám tiểu nhị đồ đệ dán mắt nhìn sư phụ như những con thằn lằn dán bụng lên tường. Chúng đã ngủ gục lúc nào không biết. Ngoài kia, gã hắc y độc hành đã nghe “truyền âm nhập mật” không sót một chữ nào. Gã rùng mình! Luồng gió lạnh từ tay quán chủ nhân quạt tới rát da khiến gã kinh hoàng, chép miệng:
– Ta đã gặp một cao nhân giữa sơn lâm cùng cốc! Lão mà dùng hỏa nội lực cực độc hòa trong luồng gió này thì ta đã ra tro!
*
“Nghĩa Quán Kim Th ạch” vẫn mở cửa như thường. Tiểu muội muội lại giở chiêu bưng mâm trà xanh, múa một vòng, đặt nhanh tách chè đầy nước xuống bàn cho khách mà nước trà từ những tách trà không chút sóng sánh. Một gã ra vẻ hâm mộ, cung tay thi lễ:
– Thật tuyệt chiêu! Cám ơn tiểu cô nương chu đáo và bổn quán hiếu khách rất nhiều!
Tiểu muội muội phát tay đáp lễ, mắt đảo nhanh rồi thì thầm với sư huynh:
– Nhị sư huynh nè! Hình như gã che mặt không dám đến nữa.
– Huynh cũng nghĩ như vậy.
Chặp sau, quán chủ nhân chấp tay sau đít, mỉm cười hỏi đồ đệ “bẻ bắp trộm còn ham ăn” của mình:
– Hôm nay, con có thấy điều chi là lạ không?
– Thưa sư phụ. Không có.
– Không có gã ngông cuồng bí ẩn đến phá nữa.
– Các ngươi lại đoán non. Hắn vẫn đến nhưng chẳng có ngông cuồng. Vì không thưởng thức món ăn ở quán ta là một thiếu sót cho cái lưỡi của những kẻ sành ẩm thực như hắn. Ta cảnh cáo hắn nhưng giữ thể diện cho hắn một cách “quang minh chính đại”. Kẻ không biết thiện ý của ta thì chỉ là hạng tầm thường nhân cách, rắn rít trong tâm. Hắn thì không. Con a đầu tiểu muội muội của các ngươi là một bằng chứng đấy!
– Con?
– Muội muội ư?
– Sao là muội muội chứ?
– Muội muội! Muội… cảm hắn từ lúc nào?
“Chát”!
– Úi dà!
– Huynh mà nói thêm một từ nữa là muội… cắt lưỡi ngay! Sư phụ u u u u ….ụ….!
Tiểu muội muội lay cánh tay sư phụ. Lão sư phụ cười khan:
– Khà khà khà…. Ngươi gọi sư phụ sao giống như Lục Tiểu Linh Đồng Tôn Ngộ Không gọi Tam Tạng dữ a! Đưa cánh tay phải của con lại đây!
Khi tiểu muội muội giở cánh tay áo ra, tiểu nhị huynh đều “ồ” lên một lượt: Trên cánh tay áo của tiểu muội muội có bốn chữ viết ngay ngắn: 感 紉盛 情.
– Là sao sư phụ?
– Nghĩa là “cảm nhân thịnh tình” từ hai chữ “tâm phục” mà ra!
– Thật tức chết con! Hắn đến lúc nào và bôi mực bẩn vào áo con mà con chẳng biết gì hết vậy?
– Không biết cảnh giác mà còn càm ràm cái gì! Hắn đến lúc quán mở cửa hơn canh giờ. Hắn chẳng cần che mặt vì hắn không còn ý định dọ thám. Che mặt chỉ thêm “giấu đầu lòi đuôi”. Khi con a đầu nhà ngươi cứ múa tới múa lui với cái mâm trà là hắn đã thủ sẵn ngòi bút. Khi cả hai “thi lễ”, hắn nhanh nhẹn thủ bút vào tay áo con dễ như “nhồng ăn ớt hiểm” kiểu con hay tự hào ấy! Con a đầu lấy chủ quan và múa may làm chính này, mai kia ra giang hồ coi chừng trầy da, tróc vẩy hồi nào không hay đa!
– Chịu sư phụ luôn!
– Sư phụ học tiếng Tàu hồi nào mà cắt nghĩa ro ro vậy?
– Khà khà khà… tiếng nào cũng phải học nhưng bây giờ, các ngươi hãy lo mà học tiếng Tàu đi! Hôm nay, các ngươi bỏ vô đầu mười chữ, ói ra chín chữ vẫn còn một chữ. Thế nhưng, hiện tại, các ngươi chỉ học một chữ là đủ rồi.
– Chữ gì sư phụ?
– Tự hiểu lấy!
– Vậy là hắn vẫn “cao tay” hơn chúng ta một bậc rồi sư phụ!
Quán sư phụ khẽ mỉm cười:
– Chưa chắc! Nhưng hãy chuẩn bị đại sự cho ta.
Lão quán chủ sư phụ xua tay cho đám đệ tử tản ra mà lo “đại sự”.
*
Có một gã thanh niên lẫn trong dòng người phiêu bạc giang hồ với ngàn ngàn công nhân quần đùi, ở trần, đi xe không mũ bảo hiểm, nói tiếng gì người Việt không hiểu, đang lần lượt tiến lên hướng núi. Gã thanh niên dừng lại và nghỉ ngơi bên con đường huyền thoại của nền văn hóa Tây Nguyên. Vừa nhai cái bánh bao, gã vừa cười hài lòng:
– Ít ra, ta cũng không phải là kẻ úp thúng, đá nia. Ta đã cảm tạ chân tình bổn quán trên áo cô nương tiểu nhị muội muội của họ. Công lực công nương không xuất sắc cho lắm có lẽ vì họ chỉ là những người bình thường trong nghề phục vụ ẩm thực. Ha ha ha…
Chưa cười dứt tràng, mặt gã bỗng biến sắc: Cánh tay áo trái của gã có một hàng chữ viết sẵn: 無人我之見 (vô nhân ngã chi kiến). Gã ngửa mặt lên trời:
– Quả thật đại cao thủ! Học trò như thế này thì sư phụ phải vào tầm cỡ nào! Ta không thể “mục hạ vô nhân” được.
Hắn ngẩn người ra quên cả mục đích lên Tây Nguyên ghé tới Đắk Nông để thi hành công vụ. Hắn vội vã trở lại “Nghĩa Quán Kim Thạch“. Một cảnh thê lương khiến hắn thực sự rúng động: “Nghĩa Quán Kim Thạch” toàn màu trắng đại tang. Tiểu muội muội gục đầu trên vai nhị sư huynh khóc không thành lời. Sư huynh trưởng ngậm ngùi nói với các huynh đệ:
– Sư phụ chỉ để lại cho chúng ta có một chữ nhưng người không kịp nói thì đã đi rồi nên chúng ta chẳng biết là chữ gì?
Gã hắc y lao vút thân hình tới quan tài của quán chủ nhân. Hắn chấp tay thi lễ lần cuối cùng:
– Lão bá bá! Vãn bối tới trễ. Vãn bối đã biết một chữ của ông. Đó là một chữ 仁 (nhân). Nhưng “vô nhân ngã chi kiến” không phân biệt mình với người của lão bá bá mới chính là sự đắc đạo của một đời người! Người đi vẫn không mất nhưng người ở lại đã coi như mất. Cái trước mắt ngỡ tồn tại nhưng thật sự đã mất rồi! Mất thật và mất giả là nằm trong đôi mắt tinh tường của kẻ luyện chữ “Nhân” đến mức thượng thừa. Xin nhận vãn bối một lạy! Vãn bối xin cáo từ!
Nói xong, gã hắc y vuốt cái áo choàng đen: “Ta mặc nhà ngươi để tưởng niệm ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson. Nào ngờ, ta cũng để tang thêm cho một bậc chính nhân quân tử. Thật là hy hữu! Chắc có lẽ rồi ta cũng phải mặc chiếc áo này đến suốt đời!”. Than xong, gã quăng mình trong gió, mất dạng. Trong gió, tiếng thở than của gã hắc y đã nhập vào lỗ nhĩ một người: “Khi ‘đại công trường’ Hà Nội chuẩn bị đón ‘Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội’, chén tạc chén thù, ta chợt nhớ tới An Dương Vương và khi đứng ngay biên giới Việt – Trung, ta không sao quên được lời dạy học trò của quán sư phụ bá bá và nhất là cặp mắt của… Ngũ Tử Tư tướng phụ nước Ngô – Phù Sai”.
Trong quan tài, đôi mắt của quán chủ nhân vụt mở và trên môi ông như đang nở một nụ cười. Có lẽ vì có người đã thông hiểu nghĩa suốt qua cả vàng đá của ngữ “Nghĩa Quán Kim Thạch” là tên một cái quán ăn thôn dã giữa ngã ba đường./.
Tháng 6/29/2009
Ngọc Thiên Hoa