MA CỌP
Trên đời làm gì có ma? Nhân gian thiếu cha ma cọp? Chuyện một đồn ba, chuyện xa đồn tới quan hà. Chuyện nhà ra chuyện hàng xóm. “Tóm lại, giọng bà Mười hạ xuống, tụi mày đừng có tới cái nhà cuối xã kia. Ở đó có con ma cọp. Tin hay không tùy tụi mày nhưng khi bị nó hốt hồn hay bị quào rách mặt thì đừng tới bà ngoại này xin thuốc nhen”. Lời cảnh báo của bà qủa có hiệu lực. Chẳng có lũ “tụi mày” nào dám héo lánh tới căn nhà cuối xã. Riêng thằng Dần – Dần săn tin “bán tín, bán nghi”. Nó từ Bắc vô đây mần ăn nên tò mò đủ thứ trên đời. Chuyện của nó săn lùng qủa là một trời hấp dẫn.
– Bé Lẹ không tin hả? Tui mà nói gian, tui… lé một con mắt trước.
– Chời! Thề độc drữ drậy anh!
Thấy nhỏ Lẹ phụng phịu, thằng Dần vặn vẹo bằng giọng Bắc pha Nam:
– Tui hỏi bé nè? Bé có giỏi trả lời nhá. Mấy cái tin tui kể có đúng như đài báo đăng, nói không? Đúng phốc! Chồng đập chết vợ rồi chặt ba khúc thả hầm phân, thả sông, đúng không? Vụ ca sĩ, diễn viên điện ảnh lấy nhau ngày trước, ngày sau bỏ hàng loạt, đúng hông? Còn nữa, đầu năm nay đã có xe chở khách tông hai người chạy xe gắn máy chết nhăn răng ở km 1691.
– Km 1691?
– Km 1691 nằm ở Bình Thuận bé à. Ở đó nổi tiếng ma nhiều nên người ta hay nói: “Cọp Khánh Hòa. Ma Bình Thuận”. Bé hông nghe a? Nó nằm trong cuốn “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn ấy mà. Mấy chuyện ông lớn, bà to trên toàn thế giới vì tham nhũng mà bị tù, tui không nói tới vì mấy ông bà đó ở tù cũng hổng có ai chết nên ma không có. Chuyện Trường Sa hay Hoàng Sa còn hay mất, tay tui hông đủ dài. Này nhen, chuyện ông Obama ẩm giải Nobel hòa bình lãng nhách, tui cũng chẳng để ý. Giải thưởng cũng biết chọn thành phần, giai cấp và nịnh bợ người được nhận đó cũng là “nhân chi thường tình”. Chuyện máy bay Mỹ mới đây bị khủng bố hụt suýt chút cháy biến thành tro, tui hơi đâu tò mò vì xưa nay những vụ khủng bố kinh dị nào mà thiếu bàn tay Mafia! Này, bé hông biết chứ tui rành ba cái vụ ma cỏ lắm. Ví dụ như…
– Dạ! Thôi đi anh Dần! Chuyện ma cỏ này anh kể mấy trăm lần rồi đó mà.
– Bé phá hoài! Chuyện này khác. Nó là chuyện ma “Paranormal” có thật đó bé Lẹ, thật đó bà Mười à. Này nhé, có con ma nọ theo con nhỏ kia từ lúc 8 tuổi đến khi cô bé đó có bồ. Lạnh xương sống lắm bé Lẹ ơi! Ông hàng xóm nhà tui kể rằng có chị kia, chỉ coi cái video “original” tới chỗ con ma kéo chân cô bồ anh nọ ở trên giường rớt xuống nền cái “đụi” và kéo lê từ nền ra khỏi phòng, chỉ… đái trong quần luôn. Tỉnh hồn, chỉ hỏi: “Đứa nào đổ nước ướt đít tao” nữa chứ? Cười chết đi được! Mấy người đi tìm ma mà tivi quay lại đó, bà Mười tin nhưng cháu hông có tin. Thôi tui drìa còn leo lên cây hái bông Điên Điển luộc cho mẹ tui ăn. Hôm nào tui chở bé đi hái bông Điên Điển rồi bắt cá Linh nấu canh ngọt. Bé Lẹ biết hông? Cá Linh to bằng, bằng à… bằng bắp vế… bé Lẹ đó! Bà Mười à, cháu nhận đủ mười cái giỏ mây đấy nhé. Bán xong, cháu tới giao tiền cho bà. Cháu chào bà ạ.
Thằng Dần săn tin nói xong, quay sang anh em bé Lẹ nói nhỏ:
– Nè, trưa mai, bé Lẹ và cu Tý muốn đi theo tui tới căn nhà cuối xã thì theo nhưng im lặng nghe chưa?
Nhỏ Lẹ nhíu mày. Nó như nhận ra cái gì “xạo xạo” từ thằng Dần săn tin. Bà Mười cười hề hề:
– Thằng nhỏ này ba xạo thì thôi! Nó từ ngoài Bắc vô Nam một thân một mình. Nó ở nhờ, ở tạm, làm gì có mẹ ở đây? Hà hà, còn nữa, bông Điên Điển chỉ có vào mùa nước nổi, tức mùa lũ vào tháng bảy nhưng nay tháng Giêng rồi mà còn bông cái gì!
Hai đứa nhỏ phá lên cười. Bà Mười móm mém nói thêm:
– Chời ơi! Nó tưởng mình ở Củ Chi không biết gì về Hậu Giang nên nó nổ cho mình banh xác nghen? Mẹ cha ơi! Bông Điên Điển làm sao mà leo hái? Cây nó cao bốn – năm thước, dòn như bánh phồng tôm và mọc ở bờ sông Hậu Giang. Cây bông này, người vụng về khèo một cái là gãy nhánh luôn, làm sao mà thằng Dần ở trên bờ hái nổi hén? Hà hà, còn cá Linh nào to bằng bắp vế nhỏ Lẹ? Nổ thôi là thôi!
– Ngoại à! Sao con hông thấy má mua cá Linh? Nó bi lớn hả ngoại?
– Má con thích ăn rau cải nhiều hơn thịt cá và má con ghét cá sông lắm. Cá Linh nhỏ xíu như cá cơm thôi. Khi ở Biển Hồ, nó chỉ bằng đầu cọng nhang hay đọt tăm xỉa răng. Tới sông Cửu Long, nó mới lớn chút nữa và về Đồng Tháp Mười, nó lớn… bằng ngón tay út của con đó mà. Vô bụng người ta, nó hết lớn và tiêu tuốt luốt. Cá Linh kho nước dừa và bông Điên Điển nấu canh chua, luộc là hai đặc sản quý báu của vùng Tây sông nước Nam Bộ đó con. Bông Điên Điển có bao giờ nấu canh ngọt như cái thằng Dần nổ nói!
– Ngộ à ngoại!
– Bà ngoại à! Bà có thấy thằng Dần nói rành tiếng Nam Bộ hông?
Bà Mười vừa vuốt cọng mây tre cho thẳng ra để đan tiếp vừa nói:
– Thằng nhỏ cũng ngộ gớm! Nó “nhập gia tùy tục” nhanh thì thôi! Nó nổ thì nổ nhưng lanh lẹ và thật thà. Nếu nó “gian thành giảo”, sức mấy bà giao hàng chục cái giỏ mây cho nó mang ra chợ bán kiếm lời. Hai đứa con dọn cơm ăn đi. Má con đi Bình Chánh thu Nhang chiều mới về. Bà bảo ba má mày làm cái gì cũng nên biết “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà má con hông có nghe bà. Ba hai đứa tụi mày cũng drậy. Cứng đầu thôi là thôi! Chậc! Bà Mười muốn kể cái vụ “Dự án lập làng nghề biệt thự cây kiểng” ở An Trung và Phú Hòa Đông, ba nhỏ Lẹ mua đất trên giấy nên gặp phiền phức nhưng lại thôi vì bà chẳng muốn nhắc tới những ký hiệu như PC15 hay HTX HQ. Bà nghe người ta than phiền về những cổ phần “ngọt mật chết ruồi”. Phần nhỏ Lẹ, nhỏ mong tới trưa mau để cùng anh hai Tý đi theo thằng Dần săn tin tới căn nhà cuối xã khám phá… “ma cọp”. *
Người đàn bà trung niên tên Hai Lê có dáng dấp cao ráo đang lúi cúi ở cái miếu nhỏ sau nhà. Cái miếu nấp hẳn trong lùm cây khó ai thấy. Người ta kể nhau nghe về căn nhà cuối xã thứ hai mươi. Căn nhà chỉ có ba mẹ con. Hình như họ chuyển từ miền Trung vào đây để sinh sống mới mấy năm nay. Đứa con gái vừa lấy chồng. Chồng cô là phi công lái máy bay, bạn của thằng anh hai. Thằng anh hai lấy cô vợ cũng thuộc ngành hàng không và hai vợ chồng không ở với mẹ. Ngược lại, hai vợ chồng cô em ở với mẹ nhưng lại thường vắng nhà. Ban đêm, nhà chị Hai Lê tắt đèn sớm nhất xã. Những đứa trẻ tò mò lui tới cái miếu trong vườn cây nhà chị Hai Lê đều khẳng định rằng ở trong đó có tiếng cọp gầm. Cọp không xuất hiện ban đêm mà chỉ xuất hiện giữa trưa mới ngộ. Có khi, lũ nhỏ “phao” rằng chúng còn thấy cả đầu con cọp nhô ra từ cái miếu vào khoảng mười hai giờ trưa. Những tin “giựt thần kinh” đó hấp dẫn thằng Dần hơn là coi cảnh người chết bị vứt xác trôi sông. Trưa nay, nó cùng lũ nhỏ tới căn nhà cuối xã… coi cho biết. Người đàn bà nghe tiếng chân, chị quay lại và suýt đánh rơi cái giỏ đan tre đựng thức ăn bởi vì hổm rày, không có lũ nhỏ nào dám tới đây rình coi “ma cọp”. Thằng Dần nhìn người chủ nhà. Nó gãi đầu, gãi tai. Hai anh em nhỏ Lẹ đứng sau đưa mắt nhìn nhau. Chị Hai Lê nhìn thằng nhỏ và dư hiểu rằng nó tới đây vì chuyện gì?
– Muốn thấy “ma cọp” phải hôn? Làm gì có con “ma cọp”, chỉ có “ma cóp” ngoài đường. Drìa đi thôi mấy cô cậu!
– Dạ dạ… hè…
– A lưa (a lô)! Má choảng (chuẩn) bị cơm trưa. Có gì nói xoa (sau) hởa (hỉ)!
Chị Hai Lê nghe phôn. Chị nói từng phát một. Giọng của chị một nửa là tiếng người miền Tây Nguyên, một nửa pha giọng Nam Bộ và tiếng Quảng Ngãi lẫn âm “a” và “ưa” rất khó nghe. Hai anh em nhỏ Lẹ đưa mắt về cái miếu. Thằng Dần nghe tiếng chuông phát ra từ đó. Chúng nó cảm giác lạnh gáy. Người đàn bà đặt cái giỏ vào trong miếu, thắp nhang rồi quày qủa vô nhà mà không nói thêm một lời. Không thấy chủ nhà đuổi cổ, thằng Dần cùng con Lẹ và cu Tý tuồn ra đằng sau. Chúng nó chụm đầu vào cái miếu. Mùi nhang thơm Bình Chánh quen thuộc đang nhả khói mù mờ. Thằng Dần thò tay lấy cây nhang định thắp thì thụt lại vì tay nó chạm phải cái gì lành lạnh dưới cái đĩa đựng nhang. Hú hồn! Chỉ là cái hột quẹt ga cũ đơ, cũ đét, cho cũng không thèm lấy huống chi ăn trộm. Nó nhìn cái giỏ đựng thức ăn. Vừa lúc đó, tiếng chuông ri rỉ từ đâu vọng tới khiến ba đứa đứng tim. Cái miếu chừng như rung rinh trong tiếng gầm. Ba đứa mặt cắt không còn hột máu. Nhỏ Lẹ níu cạp quần thằng Dần. Thằng Tý cố lếch đôi chân chạy ra hét lên: “Ma Cọp! Ma Cọp!”. Nó quên mất đã hứa với thằng Dần là không được la. Chị Hai Lệ nhìn theo. Mặt chị không đổi sắc. Chị nhếch mép và ánh mắt chị dừng lại phía bên sau lưng thằng Dần.
*
Thằng Dần chạy về tới nhà bà Mười thì nhỏ Lẹ cũng vừa hết nước mắt. Nó buông thằng Dần ra và sà vào lòng bà ngoại khiến bà ngã chõng vó trên chiếc chiếu hoa. Cái giỏ lát đan mới một nửa lăn ra khỏi tay bà. Bà giật nẩy mình rồi nhìn ba đứa nhỏ trong cái nhìn “cho đáng đời”. Chập sau, bà mới lên tiếng:
– Thấy “ma cọp” rồi phải hông tụi mày?
Chẳng đứa nào trả lời. Thằng Dần dĩ nhiên câm. Công nhận “thấy” thì nó đang nghi hoặc mà nói là “hông”, e rằng hai lỗ tai nó chắc “có vấn đề”. Nó chỉ còn biết vò hai lỗ tai đỏ chét:
– Thôi con drìa bà Mười nghen!
Nói xong, nó co giò chạy về nhà nó. Không, căn nhà trọ đúng hơn. Tới nhà trọ, nó mới thấy trái tim mình đập chậm lại một chút. “Rõ ràng, chính ba đứa đều nghe tiếng chuông, tiếng rung rinh và tiếng gầm. Chắc chủ nhà phải là một bà thầy pháp hay bà thầy mo nào trên núi về đây mới thản nhiên đến vậy. Cái miếu thờ hai người: Một già, một trẻ. Còn cái giỏ cơm? Người chết gì mà ăn cơm cả giỏ? Tiếng phôn lạ kỳ của thiếm chủ nhà nữa. Khi thiếm ta cầm phôn, tiếng chuông cũng vang lên cùng với tiếng miếu rung và tiếng cọp gầm. Tức qúa! Mình đã quên coi thử thứ gì trong ấy!”. Gió mát lùa qua cửa sổ làm nó ngủ một giấc ngon lành khỏi ăn và thức dậy lúc 5giờ chiều. Chợt nhớ là quên trả tiền mười cái giỏ tre cho bà Mười, thằng Dần thò vào túi quần và kinh hãi khi thấy cái túi trống rỗng. “Chết rồi giời ơi!”. Tháng tiền nhà chưa trả cũng bay luôn. Nó vò đầu, bứt tóc không hiểu mình đánh rớt lúc nào? “Thôi! Đích thị là ngay khi bé Lẹ nắm quần mình”. Sợ mất tiền hơn sợ ma, thằng Dần bương nhanh tới căn nhà cuối xã. Nó làm dạn đi thẳng vào nhà. Nghe tiếng bước chân thình thịch sau lưng, người đàn bà đang chuẩn bị nấu nướng, dừng tay. Một mớ đồ ăn chưa nấu còn đầy bàn. Nhìn mặt thằng Dần như “mất sổ gạo” thời bao cấp, chị bật cười rồi cầm một túi bỏ ra bàn:
– Phải cái này hông? Mắt thằng Dần sáng rực lên khi nhìn thấy cái túi vải. Nó gật đầu lia lịa, nói lí nhí “cám ơn thiếm” và cầm cái túi chạy về một mạch.
– Hông kiểm lại bao nhiêu à?
– Dạ hông.
Nó kịp ngoái đầu trả lời rồi chạy đi. Chị Hai Lê thở hắt ra. Mắt chỉ ngân ngấn nước. Sau đó, chỉ lại hì hục nấu nướng…
*
Mang tiền trả cho bà Mười, thằng Dần nhận mười cái giỏ tre xinh xắn khác để sáng mang ra chợ. Nói chợ cho oai chứ nó theo “chợ di động” do ông chủ nhà trọ làm chủ. Hai người khi gặp mặt là cãi nhau vì từ ngữ. Ví dụ, ông nói “trời”, nó cãi là “giời”. Ông nói “trăng”, nó cãi là “giăng”. Bực qúa, ông dọa “quýnh – quánh” nó. Nó “sửa lưng” là “đánh – nện”. Mấy tháng trước, hàng giỏ tre đan lát không bán chạy bao nhiêu ở chợ Trung Lập Hạ và chợ Phạm Văn Cội, ông thấy vậy gọi nó đi theo bán lưu động. Vậy mà nó bán đắt nghen! Hôm nay, “chợ di động” đi ngang qua tỉnh lộ 15 Phú Thuận, thằng Dần ngắm trái thơm đỏ vàng treo lủng lẳng hai bên đường mà thèm nhỏ dãi. “Ước gì thử cái coi!”. Ông chủ “chợ di động” bèn lấy nửa lạng thịt đổi trái thơm. Ông chia cho nó một nửa không đợi nó nuốt nước miếng cái “ực” lần hai. Trước khi ăn, ông đọc thơ con cóc chọc nó bằng cái giọng chua như dấm:
– Của chua ai thấy cũng thèm
Ăn đi mày nhỏ, e hèm “sực” nhanh!
Thử miếng coi! Ngọt thiệt nhen! Đã đã!
– Chú cứ đùa! “Xơi” chứ lại. Cám ơn chú nhá.
– Dà! Lại hay chữ! Mày khỏi cần khách sáo. Mày ăn cho đủ công lực mà đẩy cái… chợ này cho tao!
– Ối giời! Chuyện đó là chuyện nhỏ. Bán có được hàng không mới là chuyện nhớn chứ lại.
– Ha ha ha… Mày nói chữ “nhớn” nghe như con “lợn”!
– Lần này chú nói trúng đấy. “Lợn” chứ không phải “heo”.
– Hùm!
Hai chú cháu xơi tái trái thơm không đầy hai phút. Vừa ăn, ông vừa chửi cái “giống ngu đần” viết sách chính tả cứ nay “chọn” từ này, mai “không chọn” từ khác thấy kinh hãi cho cái sự “ngu thường trực” của quân “ăn không ngồi xơi nước”. Nước thơm tràn theo nước miếng thằng Dần trào ra hai khóe miệng nó làm ông chủ cười nôn ruột. Ông thôi chửi bới. Ông dợm chân đẩy “chợ di động” của ông ra đường.
– Trúng mánh hả ông chủ chợ? Anh chàng bán thơm nói giỡn.
– Dạ! Trúng gì mà trúng! Tại cái thằng… trúng gió này!
– “Phải gió” chứ chú!
– Phải cái đầu mày! Lần sau mày đừng hòng ăn thơm của tao nữa nhen.
– “Dứa” chứ chú!
– Mày mà có ai lấy là tao… chít liền!
– “Chết liền” chứ chú!
Ông chủ gầm lên. Ổng đẩy cái xe về phía thằng Dần rồi bỏ đi trước. Thằng Dần đang cười hề hề thì mếu miệng. Ông chủ dặn:
– Mày mần sao thì mần nhưng nhớ rao vừa vừa, giọng lên, giọng xuống. Tiếng Bắc mày ngộ thiệt: Âm điệu đầy đủ. Giọng mày lanh lãnh y như ma cái hú về đêm. Ăn khách nghen con.
– Dạ! Chú rao thử bán mấy cái giỏ cho cháu coi?
– Thử giọng qua hả bưởi? Nghe nè nhen: “Ai giỏ lát, giỏ lát đơìi“! Thằng Dần nghe được, nó giãy như “đĩa phải vôi“:
– Chú rao kinh dị thế đố ai dám rớ vào! Cái gì mà “giỏ lát, giỏ lát” y như “ghẻ lác, ghẻ lác”!
– Mày hông biết gì hết chơn hết trọi! Thế mày ngon rao cho tao nghe coi!
– Chú nghe mà… học hỏi nhá: “Giỏ đẹp thí mãi, thí mãi, mại vô, mại vô! Mua đi cậu, cô, chứa bồ cũng đủ. Giỏ tre Thái Mỹ – Củ Chi chỉ cu. Chỉ có vài xu khỏi mang khỏi quảy. Giỏ đẹp thí mãi – Thái Mỹ mại drô, mại drô…”
Ông chủ vỗ vai khen:
– Hay hén mậy!
– Bán cái giỏ anh Hai Lượm ơi! Bao nhiêu drậy?
– Dạ! Chời ơi! Linh ứng wóa!
– “Qúa” chứ lại!
– Cũng mày nữa! Bao nhiêu một cái mày? Bán đi!
– Dạ! Ba chục ngàn thôi dì.
– Sao rẻ drậy?
– Dạ! Tại cháu lấy hàng tại gia. Bà chủ dành cho cháu chục cái còn bao nhiêu thì để cho công ty xuất khẩu sang Nhật, Đức, Đài Loan.
– Chú mày bán một loại này thôi hén?
– Dạ! Tại mấy cái nong, mê, khây đựng thức ăn, ghế xếp bằng tre và trúc ở mình ít thông dụng, bán chẳng được bao nhiêu. Cái giỏ này ngó vậy mà đựng nhiều đồ a. Như thiếm… Thằng Dần chợt thấy miệng mình như “ngậm phải hột thị” khi nói về người đàn bà ở căn nhà cuối xã. Nó đổi tông:
– Dì cân thêm ký rau nhé? Hay mua nải chuối bồ hương tươi xanh như giời sáng banh này đi. Dạ! Cháu bán rẻ thôi à. Dạ không! Không có hóa chất gì. Cha con cháu trồng ấy mà. Không tin, cháu ăn thử nhá.
Nói xong, nó bẻ trái chuối ra làm hai, nó xơi một nửa và đưa nửa còn lại cho người đàn bà trước cặp mắt kinh dị của ông chủ “chợ di động”:
– Dì thử coi rồi mua. Ngọt lắm ạ!
– Ờ! Loại chuối này khác với chuối nhập à nhen. Ngon à!
– Dạ! Dì lấy hai hay một nải? Hai à? Để cháu chất vào giỏ gọn cho dì nhá. Còn ký thịt lợn rừng này, dì cân luôn, cháu drìa. Dạ, thịt heo rừng nướng có bài thuốc đấy dì. Ăn một miếng, ma nào cũng dong kể cả ma cọp! Í giời! “Tôi nói vớ vẫn nữa rồi!”.
Thằng Dần cắn ngón tay một cái đau điếng. Dì mua hàng quay qua ông chủ:
– Chời ơi! Anh Hai Lượm có thằng con khéo ăn, khéo nói qúa! Hổm rày, nó đi đâu không thấy?
– Dạ, dạ… ờ…
– Dạ! Cháu đi học ở trên Sài Gòn ạ.
– Thảo nào! Hai cha con drìa đi chứ còn gì mà bán nữa?
– Dạ! Cũng sắp drìa.
– Dạ! Còn mấy bó rau mà dì. Cháu phải bán cho hết.
– Thôi hai cha con mình drìa luôn đi… cu!
– Í i i…
– Mày đừng có đứng đó mà hát chèo! Đẩy xe drìa! Ngày mai, thằng dẻo miệng mày bắt đầu đi bán với ông đây. Mỗi khi bán chuối, mày có phải cần “ăn thử coi” trước như vậy không hả? Ui da! Mười lần “ăn thử coi” là bay nhánh chuối của tao. Thế anh trồng rau muống, trồng chuối bồ hương hồi nào ấy nhỉ?
– “Nải” chuối chứ chú! Ha ha ha… Buôn bán phải thêm thắt tí. Mình không ăn trước, ai dám mua! Chú giả tiếng Bắc chả giống! Ừa? Còn hai bó rau muống? Cháu mua dùm chú hai bó rau này luôn nhé?
– Mày muốn mang cho ai thì lấy đi! Bày đặt hỏi khéo. He he he…. Tối nay, chúng ta qủa thật an giấc.
– “Yên giấc” chứ chú!
– Nữa! Cái thằng! Mày chuyển nghề đi chỗ khác mần ăn là vừa.
– Chuyển đi đâu và làm nghề chi chú?
– Xuống Tân Lập Thượng mà… nuôi cá sấu!
– Giời ơi giời! Chú đùa “cứ như thật”!
– Chỉ có mõm cá sấu mới “đấu khẩu” được với mỏ của mày.
– “Mồm – miệng” chứ chú! Tới nhà rồi. Cháu đi chút drìa liền chú nhé!
– Nè! Hai bó rau! Quên hả mậy?
– Thế rau này mà có thuốc thì chết!
– Hùm! Lúc bán sao mày bảo là không thuốc? Lượm đi cho mau! Không cần nói ong đơ gì nữa.
Thằng Dần cười hì hì rồi cầm hai bó rau muống xanh mướt định vọt. Ông chủ gọi giật, hỏi:
– Cho nhỏ nào đó phải hông? Sao hông lấy chiếc xe đạp mà đi cho nhanh, này!
– Nào đã phúc thế? Cho cái thiếm nhặt ví tiền cháu hôm qua í. Thiếm ta mà có máu tham, cháu đây trớt vớt!
– Dà! Thằng này bắt chưóc hai từ “trớt vớt” hay nghen.
Thằng Dần nhe răng rồi nhảy lên xe đạp, đạp tới tấp với hy vọng sẽ phát hiện thêm điều gì kỳ lạ ở ngôi nhà cuối xã này. Ông chủ nhìn theo:“Thằng nhỏ coi bộ cũng ngộ drữ hen. Cho nó ở với mình chắc cũng hên chứ không sui sẻo gì”.
*
Thằng Dần phóng một mạch tới nhà cuối xã. Căn nhà hình như có thêm người. Nó lẻn ra sau, chui vào bụi cây và núp vào đó nghe ngóng. Chẳng nghe được tiếng gì lọt vô tai thì… ùm! Nó lọt xuống cái hầm còn kịp kêu: “Chết mẹ rồi!”. Cái hầm tối om nhưng nó nghe tiếng gầm. “Tiếng gầm này sao nghe quen quen? Ma cọp?”. Tim thằng Dần đập bình bình hết cỡ thợ mộc. Tay nó run bần bật khi mò mò ven tường đất. Hình như tường hầm có vết bấu vào có thể lên được. Nó cứ lần lần mò lên, lên nữa. Khi đó, nó nghe tiếng chuông ri rỉ từ phía dưới hầm. Dứt tiếng chuông là tiếng gầm. Tiếng gầm càng lúc càng rõ dần. Hình như có ai đó cũng lần theo lối này mà lên trên? “Ma cọp?”. Không còn hồn vía nào nữa, thằng Dần bấu mạnh và đu người lên trên nóc hầm. “Bùm”! Căn hầm rung rinh. Đầu nó đau ê ẩm và nó thấy ánh sáng:
– Giời i i ìììi!
– Trờiii ììììì!
Hai giọng khác nhau rú lên một luợt. Người đàn bà mặt xanh như tàu chuối trân trân nhìn cái đầu vừa “đội” cái mâm chứa nhang của cái miếu ló ra. Thằng Dần mặt xám như vịt bị cắt tiết khi nhận ra chủ nhân cái miếu ma. Nó bất động. Tiếng gầm lớn hơn. Người đàn bà sựt tỉnh, thét:
– Chui ra mau!
Thằng Dần hết hồn, drọt ra. Người nó mang theo bao nhiêu nhang đèn đổ xuống. Vừa lúc đó, cái đầu đầy lông hay tóc không biết nhô lên cũng từ cái lỗ thằng Dần đội. Cái giỏ đựng thức ăn biến mất. Thằng Dần bất động lần nữa. Người đàn bà đập lên người nó một phát mạnh:
– Vào nhà mau!
Nó lê chân vô nhà mà mồ hôi vả đầu. Người đàn bà đưa cho nó chai nước:
– Uống cho tỉnh hồn. Hôm nay, mày làm gì rình mò vô nhà tao? Làm sao mà mày rớt xuống hầm? Nói nghe coi?
Thằng Dần tái mặt:
– Dạ! Cháu mang cho thiếm hai bó rau muống. Cháu thấy thiếm đi chợ hay mua nhiều thức ăn nên…
– Tao đâu có nghèo!
Chủ nhà dịu giọng. Thằng Dần im ru. Chập sau, nó đứng lên:
– Cháu xin phép thiếm cháu drìa!
– Đứng lại! Mày không nên bép xép gì về chuyện ngày hôm nay! Hiểu không?
Thằng Dần lắc đầu:
– Dạ! Cháu có hiểu gì đâu nhưng cháu thấy thiếm nấu nhiều thức ăn nên sinh nghi. Ma cọp hay ma người không thể nào ăn được thức ăn người trần gian. Ai vậy thiếm? Tại sao thiếm phải nấu ăn cho họ mỗi ngày? Cháu chui ra được, tại sao họ không chui ra khỏi cái miếu này chứ? Họ là ai drậy thiếm?
Người đàn bà không nói gì. Đứa con gái trợn mắt nhìn thằng Dần thấy hãi hùng. Bỗng nó gằn từng tiếng:
– Họ là bà nội và ba của tôi!
Thằng Dần cảm thấy hai chân mình như bị đá dằn xuống.
*
Con Bé nhìn thấy ba chứ không thấy mẹ đón nó vào cuối tuần nên ngạc nhiên:
– Sao má không đi đón con, ba?
– Má thấy không khỏe.
Về tới nhà, con Bé thấy má đang dọn cơm ra cái mâm nhỏ. Nó biết là má nó đang dọn cơm cho bà nội. Nó ôm lưng má, hờn mát:
– Sao má không đón con?
– Mắc chút chuyện mà!
Khi chị quay mặt ra, con Bé sững. Nó không thể nào nhận ra cái mặt gắn lên người má nó là cái mặt của má nó. Nó xông lại:
– Trời! Cái mặt má ghê quá! Ba lại đánh má nữa phải không?
Má nó lặng thing. Con Bé xô cái ghế xuống nền nhà cái “rầm” và hét:
– Ba! Tại sao ba đánh má? Má hầu hạ mấy người hai mươi mấy năm nay không đủ hay sao mà nay đánh, mai đánh? Ba đánh má vì cái tội gì?
Không có ai trả lời làm con Bé điên tiết. Nó gào to khiến cho trên nhà trên tiếng bà già vọng xuống:
– Làm răng mà om sòm, Bé? Con Bé nghe tiếng bà nội, nó sôi gan:
– Có bà nội ở nhà mà bà nội để ba con đánh má con không ra cái mặt người. Má con có tội gì với hai người?
– Hỗn gì với bà nội, chết mày đó nhen!
– Ba còn nói!
– Đánh chi mô? Nhằm nhò gì chút đỉnh. Gớm! Đánh vài bạt tai mà nó cũng thêm thắt cho con Bé. Cái quân gì?
– Quân gì là sao? Ba! Con nói một lần cuối cho ba biết, nếu ba còn đánh má lần nữa, con… chém ba rồi con… tự sát luôn!
– Wô! Wao! Hai mẹ con bà già trợn mắt.
– Bé! Không nói bậy! Người mẹ vội vã la con.
– Má không cần phải bênh. Tự con, con hiểu hai mươi mấy năm qua, má nuôi bà nội giả khùng giả điên. Mẹ con họ không biết ơn lại còn tìm cách đánh đập má. Tức qúa!
Nói xong, nó xách dao bầu băng băng ra vườn chuối. Nó chém. Nó chặt. Nó phang. Nó bửa. Nó làm cho hả cơn giận. Bà nội theo sau thấy vậy kêu gào thất thanh:
– Huơ! Trời quơi! Huơ! Chuối của tao trồng mà nó chẹt (chặt) hết, chém hết! Quân gì khốn nạn! Oác (ác) nhơn!
Con Bé chống con dao bầu lên thân cây chuối còn vết chém chảy mủ, mỉa:
– Ác nhơn phải không bà nội? Cây chuối mà bà còn biết thương! Vậy cái mặt má con sao bà nội không xót? Ai hầu hạ bà? Ai hốt cức khi bà ỉa trên gường? Ai giặt đồ, đi chợ, nấu ăn mỗi ngày ba suất cho bà? Tiền ai chi mọi thứ hằng ngày, hàng tháng, hàng năm? Má hết đó! Vậy mà bà nội nói con ác nhơn! Ác này!
Dứt lời, con Bé “tả xông, hữu đột” cái vườn chuối không còn cây nào đứng thẳng. Ba nó giận tái mặt nhưng “gờm” con gái đang như con cọp cái nổi điên. Anh ta quay vô nhà trong, ngồi. Bà nội hết sức để tru réo thì cũng vào giường nằm, thở. Người mẹ xanh xám mặt mày, lo. Chị rên với con:
– Con càng hung dữ như thế thì có ngày, ba con giết má mất!
– Con nói rồi! Ba mà động đến má một sợi tóc, một cọng lông là con không để yên! Để con đưa má đi bác sĩ lấy giấy chứng thương. Mặt má sưng như cái ú. Hai mắt bầm như mồng tơi như vầy. Cái mũi còn dính đầy máu mà má không chịu đi bác sĩ. Ạ! Con biết rồi. Ba không cho má đi đón con vì sợ người ta hỏi. Má vì sĩ diện mà không dám ra đường! Con méc với anh hai.
– Đừng! Để cho anh hai yên tâm học. Má lạy con.
– Vậy chớ chuyện gì ba đánh má?
Người mẹ không trả lời. Chị lo dọn cơm cho chồng. Con Bé điên tiết:
– Má không việc gì phải hầu hạ cái người đàn ông bạc bẽo, hung ác này.
– Khi nào con có chồng, con sẽ biết!
– Con không… yếu xìu như má! Con sẽ giết nó nếu nó dám đụng tới một cọng lông của con!
Người mẹ ôm con để giấu những giọt nước mắt. Chị muốn nói một điều gì nhưng nước mắt trào ra. Chị phải nuốt vào, nếu không, khi con Bé đau lòng, nó lại nói những lời mà chị cho vừa đúng, vừa hỗn hào hơn nữa.
– Con đi ăn cơm đi! Má không sao!
– Giận no rồi mà ăn gì má! Anh hai hả? A lô… Dì Thiên à? Dạ, má con có đây dì!
Nó đưa phôn cho má nó, Hai người nói gì không biết mà nó nghe má nó bật cười rồi nhăn mặt vì quai hàm như “á khẩu”!
*
Vài ngày sau, dì Thiên nhận một cú điện thoại: “A lô! Cô không nên bỏ chúng tôi trong lúc này? Thằng ngu đó mà lạng quạng, tôi cho đàn em ăn thịt nó liền. Cô mà không giúp chúng tôi, tôi giết cô luôn!”. “Anh nói xong chưa? Xong rồi thì nghe đây: Thứ nhất, tôi không phải là bà mai nên tiếp tay một chuyện vô vị, tôi không làm. Thứ hai, tôi không bỏ bạn tôi lúc họ gặp nạn. Thứ ba, anh là kẻ gây ra xáo động mà anh cho chồng người ta là ngu thì anh hãy nhìn bản mặt anh trong gương coi nó giống hạng người nào? Thứ tư, anh mở miệng hở một chút là đòi giết người. Lương thiện gì anh? Vậy, anh có ngon thì ngay lúc này, cái chiêu ‘anh hùng cứu mỹ nhân’ của anh đâu hãy giở ra cho tôi coi! Anh đến đấy mà chịu đòn thay cho người anh ‘yêu’ cho tôi coi hay anh chỉ như ‘con rùa rút đầu’ tìm nơi an toàn cho bản thân trước? Anh đã giúp được gì cho nó? Vậy mà anh còn dám mở miệng nói tướng, nói sĩ. Tôi yêu cầu anh đừng có gọi phôn cho nó nữa và khuyên anh nên chấm dứt cái tình cảm chẳng chút gì gọi là thiêng liêng đó đi. Lời tôi nói đã xong”.
Dì Thiên nói xong, thở dài: “Mày tự chuốc lấy phiền phức, con quỷ kia! Trong đời, có những thứ tình sau hôn nhân hiếm hoi, thắp đuốc tìm hết trên thế gian này cũng không thấy. Còn những thứ tình rẻ tiền như thằng cha vừa rồi quơ một cái là có cả thúng, đập một cái là bẹp nhép như đập ruồi ai nói làm gì! Hạnh phúc không về với những loại tình ruồi!”.
Dì bấm số phôn quen thuộc: “ Mày hả? Mặt bớt chưa? Cho chừa cái bản mặt ‘khôn ba năm sơ hở một giờ’ của mày. Không sống được thì chia tay cha nó đi rồi lấy thằng khác. Còn như chẳng đặng dừng thì dẹp cha ba mối tình điện thoại rác rưỡi cho nhanh. Công nhận mày chịu đựng và giấu diếm bạn bè qúa giỏi, tao phục mày sát đất. Mày hì hục nuôi bà già chồng tỉnh không tỉnh, điên không điên hai mươi mấy năm! Trời. Một kỳ công không thua Kim Tự Tháp – Ai Cập! Nhà mày không thuộc loại nghèo mà mày cứ xe đạp thuở củ mì, củ lang mà đạp! Muối mặt cho cái xã hội thời hiện đại do mày đại diện qúa! Áo quần, tóc tai của mày, thằng chồng ‘ừ’ thì vợ mới được may, được cắt! Chết đi cho rảnh! Tiền nó, nó giữ làm của; tiền mày, mày chi cả nhà? Chưa có ai ngu hơn bản mặt mày! Hai mươi mấy năm, gia đình mày không hề biết đến quán ăn, con cái không biết đến tô phở là gì? Trời ơi! Sống trên đời có ý nghĩa sao? Bạn bè tới nhà, mày đãi chai bia Tết, nó mắng mày xối mắm luôn! Ai mời nó, nó ăn tới tấp mà chi thì không lòi một xu. Nó bắt mày vào bếp hùi hụi như một con “Oshin” thời hiện đại để cái gọi là ‘tiết kiệm’ ngân sách gia đình! Thà làm lính phòng không sướng hơn! Mày không có bạn là vậy. Ai muốn tới thăm mày khi cái bản mặt chồng mày khác gì là cái chổi chà đuổi khách! Thôi, ngủ đi! Mai tao đưa mày đi bác sĩ. Không gì mà không? Không cũng phải đi nếu mày muốn sống vì con cái”. Dì Thiên nói xong lại bấm máy vào số phôn anh bác sĩ để lấy hẹn cho con bạn nối khố đang như nồi cơm sình.
*
Phòng máy lạnh số 1 trong quán cà phê Hải Hoàng trước bệnh viện tỉnh có thêm hai người khách. Người đàn ông trung niên mặt mũi sáng sủa, lịch sự đang chờ bạn. Anh ta có lẽ chờ hơi lâu nên ly cà phê cũng gần cạn đáy. Một người phụ nữ mặc chiếc áo màu cánh sen được tiếp viên dẫn lại bàn 1.
– Xin lỗi nhen! Em tới trễ. Đường kẹt xe vì tai nạn giao thông ấy mà. Nếu anh không còn thời gian, anh vào đi! Sáng mai, mình gặp lại cũng được.
– Không sao! Hôm nay, anh trực ca. Bạn em té xe nặng sao để ở nhà lâu vậy mới đưa đi khám?
– Ủa? Nó bị chồng quánh nhừ tử đó chứ té xe gì? À chắc nó gượng nên nói xạo đó. Thông cảm đi anh. Nó kêu miệng mở ra không được. Chỉ uống nước cả tuần nay. Nó xấu hổ nên không dám đi bác sĩ là một chuyện. Thằng chồng không cho đi bác sĩ vì sợ tốn tiền là chủ yếu.
– Cô ta không đi làm à?
– Trời! Nó đi dạy ngày hai buổi. Chồng Toán, vợ Văn nhăn răng cũng biết giàu nhưng chồng nó giữ riệt tiền. Thuốc anh bán, nó uống thấy bớt 99% rồi. Thằng chồng thấy nó uống thuốc đắc tiền lại rên rỉ “mặt em sưng có tí thì đắp muối, lăn trứng gà cũng hết bầm. Mua thuốc chi cho tốn tiền”. Khi hắn biết em trả, hắn mới giả lã êm. Anh thấy dã man không? Con bạn em, nó định ra tòa nhưng sợ…
– Không lấy giấy chứng thương thì mệt với tòa án đấy.
– Bởi! Nó bị đánh mất hết hồn vía nên có biết gì đâu!
– Sao bị đánh?
– Vì thằng chồng ghen vu vơ ấy mà!
– Em cứ nói! Sao lại có chuyện “ghen vu vơ”?
– Nghe người ta đâm thọc thì ghen. Không bắt được tay, vây tận hang mà ghen, không phải ghen vu vơ là gì? Chuyện thế này: Cái thằng nọ thích con nhỏ không được nên “đâm thọc” bậy với chồng nó. Ừ thì “Không có lửa làm sao nên khói“. Bọn họ là ba thằng đàn ông thường đi ăn nhậu với nhau. Nhậu ở nhà thì con nhỏ khùng kia phải “phục vụ” nấu nướng cả đêm. Từ đó sinh ra cảnh hai thằng kia nổi máu 35, 71 liếc qua, liếc lại. Chuyện tình cảm tay ba, tay bốn khó nói lắm. Có những mối tình ngoài rất thiêng liêng. Kẻ trong cuộc giữ mãi. Có những mối tình ngoài là cặn bã. Loại người như thế nào thì kết hợp những mối tình như thế đó. Em nói chỉ một chiều. Có khi người này thật lòng lại gặp kẻ đại bợm. Trường hợp của nó, em phản đối từ lâu. Chồng nó kít kẹo khét tiếng đến mức khi nó mua bánh khoai lang chiên cho mấy đứa em ở xa về mà thằng chồng nhăn nhó “mua chi phí!“. Đấy là khi chưa đám cưới đấy. Khi con nhỏ mua vài chai mắm, hai cây chả về quê thăm mẹ, thằng chồng bắt để lại chả cá cho hắn ăn vì “mang chi tới… hai món?”. Khi nó ở nhà sinh con, thằng chồng mua thêm 5 con heo con “ở nhà nuôi con, nuôi heo luôn cho tiện”! Trời! Nghe lạnh xương sống cóng xương sườn! Còn nữa anh, anh là bác sĩ, em kể nghe không gượng, chồng nó… hoang dâm còn hơn Trụ Vương.
– Anh không hiểu? Vợ chồng thì “hoang dâm” gì!
– Ngay khi thằng chồng đánh vợ vì chỉ ghen vu vơ, nó bắt con vợ nằm im trên giường “mày bước xuống đất là tao giết!”. Dọa xong, nó lấy mũi giày nhọn đá thốc vô cặp mắt vợ, gằn: “tao đá cho mày bay luôn hai tròng mắt ra ngoài”. Con nhỏ giơ tay đỡ, nó lấy chỏ từ trên cao dọng xuống ngực, xuống mũi, xuống mặt cho máu phun ra “nhìn cho đã nư”.
– Trời ơi! Ghê vậy!
– Chưa đâu anh! Nó còn lấy giày đá vô “cửa mình” con vợ và nói rằng “đá cho dập nát khỏi thằng nào chơi”! Khi con vợ mình, mặt, mũi đầy máu khóc van, gọi bà mẹ chồng cầu cứu “Mẹ ơi! Mẹ cứu con”, bà ta chống nạnh: “Kêu la cái chi! Cứu cái chi mà cứu”. Khi con vợ gần xỉu, thằng khốn đó dã man hơn dã thú. Anh biết nó làm gì không? Nó lột quần con nhỏ ra và “hiếp” đến 6 lần trong ngày đó trên thân thể và chiếc giường đầy máu tươi! Ác qủy chứ người gì!
– Trời! Anh ta chắc là bệnh tâm thần đó em. Người bị tâm thần chỉ biết “ăn uống” và “tình dục”. Sao cô bạn em không đưa anh ta vào bệnh viện tâm thần?
– Ai khiến được họ? Con nhỏ nói thằng chồng nó uống nhiều loại thuốc lắm để “bổ dương cường thận” nên nó chẳng biết thuốc nào là thuốc trị thần kinh! Nửa đêm dậy giờ nào là lột quần con nhỏ ra giờ nấy. Con nhỏ đòi ngủ riêng thì nó dọa giết. Ngay cả lúc con gái nó bị nghi H1N1 nằm ở bệnh viện chờ thử máu, thằng chồng lại mắc chứng sỏi thận cũng lên bệnh viện nằm. Con nhỏ dạy về phải đi hai bệnh viện nuôi con, chồng và phục vụ mẹ chồng điên ở nhà trong nửa tháng. Chuyện mới xảy ra sau ngày bị chồng hành hạ thôi. Khi ở bệnh viện, thằng chồng “nhịn không nổi” nên mượn xe đạp của ai đó đạp về nhà… đè đầu con vợ đạp mái tiếp.
– Thật không thể tưởng tượng? Sao những chuyện đó, cô bạn có thể nói với em?
– Vì em và nó thân nhất. Cái gì tụi em cũng nói với nhau. Nói ra cũng ra một cách giải “strees” mà anh. Ngu chi để trong bụng cho tức hộc máu chết sớm bỏ con cho dì ghẻ hành hạ.
– Em khuyên cô ấy nên thay đổi cách sống, nếu không cô ta sẽ mắc chứng strees nặng đấy.
– Nó nói rằng hễ nghe tiếng thằng chồng quát chó là nó hãi hùng. Nghe chồng nói ngọt, xót thương làm như chẳng có chuyện gì khi hành hạ vợ xong, nó rùng mình. Em khuyên nó hãy cắt quan hệ thằng nào hay gọi nó đấy. Đó là cái cớ cho chứng giả điên của thằng chồng trỗi dậy. Có phải “Xúy Vân giả dại” gì cho cam! Nó nói nó đâu có liên hệ gì đâu. Đi dạy rồi về nhà cả ngày. Cả cái xe máy cũng bị thằng chồng kiểm tra km, nên nó chọn đi xe đạp cho xong. Nó nói rằng thâu đêm suốt sáng, hắn cứ nói lảm nhảm, hành hạ nó cả đêm không chợp mắt được. Con gái nó hăm đưa ba nó vô nhà thương hoài đó chứ? Bệnh viện gọi ra hả anh? Thôi, anh vô đi. Em cũng về luôn. Cám ơn anh đã chữa lành cái quai hàm của nó.
– Không gì đâu em. Bảo trọng. Em cũng phải nhớ uống thuốc cho hết liều đó nhé!
– Ừ!
Dì Thiên đưa mắt nhìn theo người bạn bác sĩ. Lòng dì nghe ngậm ngùi. Suốt đời dì cứ phải vươn tay này, đỡ tay kia cho người khác còn nỗi lòng mình vẫn chứa một trời mạng nhện chưa có thời gian quét dọn. Không ai biết, dì cũng đang giấu trong lòng một mối tình từ thuở hai mươi. “Anh ấy vẫn xem mình như một bé con!”. Mối tình của dì nhờ vậy mà đẹp như trăng rằm cho đến bây giờ!
*
Thằng Dần hoang mang. Nó chằm chằm nhìn chị Bé. Con Bé kể luôn:
– Má tôi nhờ uống thuốc tây từ bác sĩ bạn dì Thiên mới mở miệng được. Cái đầu cũng bớt đau. Sau đó, tôi đã bàn với má tôi là ly dị ba tôi. Má tôi xót lòng vì không nỡ bỏ ổng vì sợ sau này, ổng điên thiệt không có ai săn sóc . Tôi nói chẳng có ai có lòng nhân từ không đáng như má tôi. Suốt ngày, ba tôi và bà nội thay phiên giở chứng hành hạ má tôi. Khuya thì ổng ràm, ngày thì bà nội tôi mắng chửi. Má tôi không biết bả chết lúc nào! Dì Thiên và mọi người đều khuyên má tôi làm giấy ly dị, chuyển công tác vào đây. Qúa lắm, má tôi mới ưng chịu đó. Chúng tôi ở Sài Gòn kiếm việc làm không về nhà cũ nữa. Bà nội và ba tôi mấy tháng sau trở điên thiệt phải lên nhà thương. Chỉ vài hôm, lúc tỉnh, ba tôi trốn ra ngoài. Ổng trốn hoài nên không bệnh viện nào nhận nữa. Tôi nghĩ rằng bởi vì ổng giả điên, giả khùng đánh má tôi hoài nên bị điên thật. Tôi nghe người ta nói ổng bị buộc thôi dạy và chẳng có ai tới thăm vì cái tính keo kiệt của ổng. Tôi giấu má tôi chuyện này nhưng má tôi lại biết. Bà tức tốc mướn xe bà con về nhà cũ mà bí mật đưa hai người đi vào đây lúc ban đêm. Tôi không nhận ra bà nội và ba tôi vì nhìn đầu tóc hai người thấy dễ sợ qúa. Không hiểu bị chứng gì mà họ nói không thành tiếng người như chú em vừa nghe đó.
– Sao má chị đào hầm nhốt họ?
– Hầm này đâu phải má con tôi đào! Ác thì gặp quả báo đó thôi. Ba tôi hay mò ra vườn. Ổng có thói quen trồng cây cảnh nên thấy cây nào, ổng cũng tới coi. Ổng lò mò bụi cây nên lọt xuống hầm như chú mày rớt xuống đó. Thật là trời giúp. Má con tôi tìm kiếm, cuối cùng phát hiện cái lỗ. Té ra, đây là một trong vô số cái hầm địa đạo ở Củ Chi. Tôi mua thuốc ngủ cho hai người dụ họ uống rồi mới cột họ bằng hai sợi dây vải để họ khỏi chạy lên hầm. Nhiều khi họ chạy ra đường xe cán a. Cái miếu này, tôi xây để trám lối lên và không muốn thiên hạ quấy rầy má tôi. Lối xuống đã có cây cối sẵn không ai chui vào đó như chú mày. Má tôi mỗi ngày cho họ ăn uống đầy đủ. Đêm, má tôi tắt đèn sớm như đi ngủ là chui xuống hầm tắm rửa cho họ hàng tuần, khổ hết xiết. Họ la hét rồi gầm rú. Mỗi ngày má tôi phải gọi phôn vào cái máy khác để dưới hầm để ba tôi nghe mà lên lấy thức ăn. Tập mãi thành quen. Nếu má tôi xuống hoài, có ngày bị họ giết hoặc người khác nghi. Mỗi lần tắm rửa, tôi phải cho họ uống thuốc ngủ đó.
Thằng Dần rùng mình:
– Sao chị không đưa họ vào nhà thương? Uống nhiều thuốc an thần không tốt đâu.
Con Bé lắc đầu:
– Còn hơn là chết bất đắc kỳ tử a! Vào bệnh viện rồi họ cũng trốn ra. Nếu không, họ cũng chẳng có ai chăm sóc. Chú bác tôi ở ngay Sài Gòn nhưng lâu lắm rồi họ cũng bỏ mặc. Má tôi nghỉ hưu không phải để hưởng an nhàn mà còn rước nợ đời. Rước họ vào đây thì má tôi cần gì phải ra đi chứ? Phải chi, hai người đó đối xử tử tế với má tôi hay họ tình cờ bị tai nạn thì tôi không nói gì. Ngược lại, họ ác như vậy mà má tôi vẫn đối xử tốt. Tính rộng lượng này, tôi học không nổi và chẳng muốn học. Có những lúc phải dứt lòng mới giữ mạng. Chú mày hiểu không? Xong chuyện rồi đó. Chú mày muốn kể với ai cũng mặc, tùy nhưng tốt nhất, đừng. Vả lại, bà nội và ba tôi cũng được “khai tử” rồi. Kiếp người không làm thì làm kiếp cọp: “Ma cọp!”
Con Bé dằn hai từ “ma cọp” nghe hãi hùng. Người mẹ ra hiệu cho con gái thôi. Mắt chị dịu lại. Thằng Dần đăm chiêu….
*
Thằng Dần dắt xe đạp ra khỏi nhà. Cuối cùng, nó cũng phải dắt chiếc xe đạp rời căn nhà cuối xã này bằng những bước chân hụt trước, hẩng sau. Nó không đạp nổi. Nó chẳng còn cái gì gọi là “háo hức” kể chuyện phát hiện bí mật của cái gọi là “ma cọp” cho bé Lẹ, thằng Tý, bà Mười hay ông chủ “chợ di động” nghe. Nó biết trên đời này mơ hồ chữ “ma thật” nhưng “ma người” sống mới đáng sợ hơn cả. Còn “ma cọp”? Đó chỉ là cái tên gọi cho một kiếp người không ra con người! Nó chợt nhớ ra, nó cũng mang cái tên một loài động vật ăn thịt người hung dữ. Cái tên không quan trọng và nó quyết định im lặng để bí mật về cái miếu ở căn nhà cuối xã nổi tiếng “ma cọp” mãi còn. Biết đâu, nhờ đó mà người ta sống yên bình hơn.
Sáng sáng, trên các con đường Củ Chi, người ta vẫn thấy “chợ di động” rao hàng: “Giỏ đẹp thí mãi, thí mãi, mại vô, mại vô! Mua đi cậu, cô, chứa bồ cũng đủ. Giỏ tre Thái Mỹ – Củ Chi chỉ cu. Chỉ có vài xu khỏi mang khỏi quảy. Giỏ đẹp thí mãi – Thái Mỹ mại drô, mại drô…”. “Thịt bò, heo tươi như bông bưởi, mua thử cân nào. Rau muống xanh xào, chuối tươi không nhão, trái cây không xạo, mua dạo rẻ hơn… mại drô, mại drô!”. Vài hôm sau, bạn hàng thấy mỗi thằng Dần đẩy “chợ di động”. Bây giờ, nó đã thực sự thành người lớn. Nó không cho ông chủ mà nó gọi là “ba” đẩy xe bán dạo nữa. Thành ra, ba nuôi nó ở nhà tréo chân chữ “Ngũ” mà mần tử vi. Khách hàng cũng đông chật nhà nhất là các bà. Dạo này, hiện tượng “bạo lực gia đình” và tội ác gia tăng nên những nạn nhân phụ nữ không đến cửa Thiền thì cũng tìm đến cửa Bói để an ủi phần hồn. Người ta thấy các cô gái Củ Chi chọc ghẹo chàng thanh niên đẩy “chợ di động” dạo hiền lành, dẻo mồm và dễ thương mỗi khi qua đường. Đến ngày thứ sáu, một cô bạo mồm hơn:
– “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi Củ Chi
Anh mà đối được, em thì theo không?”
Không hiểu thằng Dần đối được cái câu đối hốc búa bao đời nay hay không mà vài ngày sau, người ta lại thấy đằng sau chiếc xe “chợ di động” ngoài thằng Dần, còn có một tiểu cô nương xinh đẹp cũng dẻo mồm không kém đi chung. Mấy bà hàng xóm tò mò hỏi ba nuôi nó:
– Thằng con nhà ông đối sao mà “rước dâu về dinh” ngon ơ vậy? Con nhỏ ngộ nhất Củ Chi này đó nhen. Mấy đại ca tuổi cha, tuổi chú tận Sài Gòn ngấp nghé hoài mà con nhỏ hổng có thèm à.
– Hè hè… Tui nói ra sợ mấy bà, mấy ông chửi tui nói tục đa!
– Hông!
– Tui cũng hông!
– Nó đối rằng: “Trai Móc Cu cu móc đáp… Móc Cu”!
Đem em bỏ chảo chiên xù, nhậu chơi!”
– Chời chời…
– Chời chời chờìììììi!
Ông hàng xóm sau khi cười điên, vặn vẹo:
– Dà! Cái gì mà có địa điểm “móc cu” cà?
– Ông “dốt” địa lý, ngoại ngữ thì thôi! Móc cu là phiên âm từ Moscow, thủ đô của nước… Cuba.
– Ờ! Ủa? Sao ngộ drậy? Hùm… Thôi ông ơi! Thủ đô của Cuba là Havana à nhen.
– Hông phải thôi, làm drữ! Thì thủ đô của Nga. Móc cu chỉ có cu ba già mới móc chớ! Trẻ ai móc!
– Đồ qủy hè! Nhưng cũng hay à nhen!
– Kha kha kha… May mà thằng cu Dần nó hông đối “Trai Bắc Kạn…”. Nó mà đối câu đó, có nước tui bỏ xứ chớ hông dám mần ăn ở đây nữa đâu?
Ông hàng xóm lẩm nhẩm “Trai Bắc Kạn…”. Đột nhiên, ông cười… lút kim chỉ km luôn:
– Ha ha ha…
– Thấm trong đầu rồi phải hông?
– Ha ha ha… Hú hồn! Từ “Móc Cu” đỡ đỏ mặt hơn. Ồi chời ơi! Đối “láu cá” như drậy thì em phải “theo không” là cái chắc!
– “Theo không” cái… Củ Chi ông! Cưới nhanh nhưng cũng khá rình rang đa. Có bao nhiêu vốn, tui trút cho chúng nó cả rồi. Hê hê hê… Năm nay nhất định vợ chồng con trai tui sẽ cho ra một… cu cọp Củ Chi!
– Sao ông biết?
– Con trai và con dâu tui đều Bính Dần 24 tuổi. Chúng nó sanh trong “Canh Thiên Dương” dê trời. Nó “dê” con vợ tới tấp thế nào mà chẳng ra… cu Cọp Giáp Dần. Con trai Giáp Dần được sinh vào mùa thu và đông thì tuyệt cú mèo. Mạng “Đại Khê Thủy” này tài lộc như suối chảy không ngừng. Ông nghĩ đúng hông? Kha kha kha…
– Ông chuyển nghề mần tử vi cũng khá lắm hen!
– Hê hê hê…
Ông Hai Lượm đang cười bỗng xậu mặt, mắt lim dim thấy “đểu ơi là đểu”:
– Nhưng tui không bói tử vi cho tui được khi nào thì tui… rước cái chị ở căn nhà cuối xã mình về nhà tui a!
– Chời! Tính rước “ma cọp” về chời à?!
– Hè hè hè… Qủy mà hiền thục như cổ thì tui cũng “rinh” chớ nói gì ma!
– Chờiì!
– Chời chờìììì!
*
Vợ chồng thằng Dần tung tăng trên khắp các con đường Củ Chi với chiếc xe “chợ di động” có nhiều hàng phong phú hơn trước. Thằng Dần không nghe ba nuôi luận bàn tử vi. Nó bàn với vợ “Tết năm này bán hàng lời nhiều thì mua sắm cửa nhà cho ba ăn Tết ngon hơn năm qua. Nếu hai vợ chồng dư dã, mua ít quà cho bà Mười, cho thiếm ở căn nhà cuối xã nhen em”. Nghe tới “căn nhà cuối xã“, con vợ co mình:
– Mèn ơi! Em nói anh nghe nè. Ở đó có ma cọp anh ơi!
– Mình là hai con cọp người nên hông sợ ma cọp. Đồng ý hông?
– Dạ!
– Em! Mình à?
– Dạ?
– Tháng bảy tới đi Hậu Giang với anh một chuyến nhé?
– Dạ! Làm gì nữa?
– Anh chèo thuyền chở em đi hái bông Điên Điển và vớt cá Linh.
– Chời ơi! Mùa đó ở chợ nào chẳng có, mình mua hông được sao?
– Nhưng anh muốn chính tay chèo ghe, khèo bông Điên Diển và bắt cá Linh.
– Dạ! Bậu khoái thì… qua chìu!
Thằng Dần phì cười, nhéo mũi vợ rồi im lặng. Nó không giải thích với con vợ vì sao nó phải đích thân làm những chuyện tưởng chừng như đơn giản mà khó như thế? Cũng như suốt đời, nó sẽ mãi giữ bí mật về con “ma cọp” cho cái thiếm tốt bụng kia. Ngày đám cưới lẹ làng của nó, nó nhờ bà Mười, anh em cu Tý và mẹ con thiếm Hai Lê đi họ trai. Không biết sao, ba nuôi nó đã “chấm” thiếm Hai Lê trong vai “mẹ nuôi”! Thằng Dần ước: “Một ngày nào đó, mìnhh sẽ hái bông Điên Điển và vớt cá Linh cúng mẹ”. Trong đời nó, nó mơ có một ngày, nó sẽ được có mẹ như người ta. Nhất định, nó sẽ “rước mẹ Hai Lê về… dinh ba Hai Lượm”. Nó cười khanh khách làm con vợ thất kinh. Nhìn mặt mày thằng chồng hớn hở, con vợ nhủ thầm: “Không biết sau này ra sao chớ giờ thấy ảnh dễ thương qúa. Mình mà nghe lời bạn bè là bây giờ làm vợ dư, vợ thừa của mấy cha đại gia đáng tuổi cha mất rồi!”. Nó lại cười khùng khục mặc cho thằng Dần đang thả hồn trong mơ: “Mình sẽ mang một rổ bông Điên Điển và mớ cá Linh cho bà Mười. Ừ, lúc ấy nét mặt bé Lẹ ra sao nhỉ?”. Nghĩ tới bé Lẹ, lòng thằng Dần chợt rung lên. Nó sờ vào cổ. Trên đó có sợi dây chuyền hình Phật Bà Quan Âm mà bé Lẹ tặng nó hôm đám cưới bằng tiền đan giỏ. Đột nhiên, thằng Dần phát hiện ra một điều tại sao trong ngày cưới của mình, mặt bé Lẹ buồn hiu cũng như mình bây giờ, lòng đang nghe một thoáng rưng rưng… Thằng Dần lo lắng nếu một ngày nào đó, bé Lẹ len vào đời nó thì chết dở! Điều này, nó thấy còn sợ hơn cả cái ngày đầu tiên ba đứa đi rình “ma cọp”. Ma không có thật nhưng người lại có thật. Người không sợ ma nhưng người biết hãi người! Thằng Dần véo tay mình một cái cho tỉnh. Nó thấy không đau gì hết trơn nhưng con vợ hét toáng lên:
– Chời ơi! Đau qúa chời chời nè!./.
Tháng 01/10/2010
Ngọc Thiên Hoa