TRUYỆN NGẮN

CHUYỆN MỘT NGÀY SẮP QUA – NGỌC THIÊN HOA

“Reng… eng… eng…” Tiếng chuông ré lên như con dế dũi khổng lồ tập gáy. Chỉ chờ có thế, dân “cu ly” tứ xứ nhỏm đít túa vào phòng ăn như cảnh dân chạy tránh bom có khác! Thiếu chút xí nữa họ tung nhau sứt đầu, mẻ trán, gãy cả răng hàm khi bu nhau lại quanh cái “mai cồ quay” để hâm đồ ăn như kiến bu cục mỡ! Giờ ăn trưa trong hãng ở xứ người là vậy đó mà.

Nhỏ Ngọc ngồi cuối góc phòng chép cái mỏ móm lại, thở hắt:

– Thiệt chẳng ra cái thể thống chi cả ngày nào cũng như ngày nào chẳng có vẻ gì văn minh hơn người thượng cổ.

– Mày thấy người thượng cổ bao giờ?

Tôi bật cười hỏi. Nhỏ Ngọc lườm tôi một cái thấy mười cái lưỡi liềm cắt lúa, rồi cặm cụi ăn phần ăn trưa của nó lạnh tanh như cục nước đá. Chỉ có mười lăm phút làm sao mà chờ hâm đồ, ăn quách cho xong qua ngày, qua tháng! Tôi cũng ráng tọng vào mồm dăm ba thứ hối lộ cho cái dạ dày kẻo nó nổi giận lên thì eo ôi “khốn khổ thân tôi!”

Thiệt ra, nhỏ Ngọc cằn nhằn cũng phải. Tất cả vì cái bao tử mà phải “đầu bò đít lếch”. Ba mươi phút ăn trưa đâu kể gì”quan lớn, quan nhỏ”. Hãng có bốn cái “maicồ quay” thì hết hai cái “biểu tình” rồi. Nói đúng hơn, chúng cũng đến tuổi hồi hưu rồi còn gì. Cái hãng kẹo chi mà kẹo đã đành mà dân cu ly thì trời ơi cũng tạp nhạp. Nhiều me Mễ rửa tay, nước văng tung tóe, giấy vất nửa trong nửa ngoài như cái xác chết gãy đôi trên thùng rác. Lắm hôm không biết “thánh thủ thần thâu”nào chôm mất thức ăn của nhau chửi bới om sòm với đủ thứ ngôn ngữ. Người này chê Mễ “ăn to nói lớn” coi trời bằng cái móng tay “vô duyên lãng thúi” cười cợt hô hố thằng nào dám ưng. Thế nhưng, chúng cũng cặp nhau ào ào chớ có nhỏ nào ế ẩm. Kẻ khác bảo lũ Việt Nam ăn thứ chi mà hôi như cóc chết. Mắm chứ thứ gì. Nhỏ Ngọc thường điên tiết lên khi nó mới giở cái hũ mắm ra là bọn Mẽo bên cạnh bịt mũi:

– Bịt cái gì, thời đại ăn lông ở lỗ người ta còn biết cái thứ này bổ sấp, bổ ngữa, bổ từ trên bổ xuống, từ dưới bổ lên. Cá chớ gì bịt mũi. Cá đấy con ạ, thật rõ… ngu!

– Cá đấy con ạ.

Tôi trêu:

– Cá lẫn xác chuột, mèo đấy con ạ!

– Tổ nội mày!

– Tao nói đâu có sai.

Tôi cố nén cười. Mày thấy dân làm mắm họ ủ cá bao giờ chưa? Tao đây có một ông bạn ở Đồng Đế nè. Một hôm con mèo mướp yêu quý của ổng tự nhiên biến mất đến khi ổng bán gần hết cái lu mắm bự chát mới tá hỏa ra: Con mèo ngậm con chuột đang…tạm trú xác ở dưới đít lu. Không tin hả? Thúi sao được khi xác được mắm ướp quá kỹ đâu thua gì thuật ướp xác của Ai Cập. Vã lại…

– Xùy! Vả trong mỏ mày thì có. Hết giờ kìa sắp “vã” mồ hôi ra đấy con!

Thế rồi chuyện không đầu không đuôi cũng biến theo cái chuông dế dũi. Cái nhà ăn bắt đầu tiếp ca ăn thứ hai lúc mười hai giờ trưa và cái nạn tranh nhau, chen, lấn, xô, đẩy…bắt đầu.

Nhỏ Ngọc là con nhà giàu vượt biên qua Phi ở sáu tháng sau đó định cư tại đây. Nó thiệt may chớ mà đi sau năm 1983 thì không dễ dầu gì mà sang Mỹ. Nó cũng là bạn học cùng trường với tôi thời trung học. Qua đây mỗi đứa một nghề. Nó có bằng trung cấp dược hẳn hoi vậy mà nay vác thân làm mướn cho người nên nó hậm hực hoài. Nó làm gần cả năm mà cũng chẳng thấy sếp nào gọi nó vào văn phòng để “phỏng vấn” nên càng nực gà hơn. Thằng Tùng thày lay thường móc họng nó:

– Tại mày chưa gặp thời giống như Khương Tử Nha phải ngồi câu cá đến năm bảy mươi mới được mời ra làm quan.

Thế là con nhỏ phùng cổ như rắn hổ mang:

– Mày trù tao già? Bảy mươi lúc ấy ra giòi rồi quan với dân cái đầu ngu của mày. Tao biết mày muốn ám chỉ tao dốt tiếng Mỹ phải không? Tao mà giỏi tiếng Mỹ thì tau đã chả ngồi đây. Tau mà rành khắp nơi thì chẳng trụ trì nơi… Thiếu lâm tự này. Cười cái con…

– ??!

Thằng Tùng bụng miệng, trố hai con mắt ếch nhìn nhỏ Ngọc vì không ngờ thiếu chút nữa nhỏ ấy xổ bậy một từ…

Tôi lật đật nhảy vô cứu lửa:

– Thôi đi, thôi đi, làm đi kẻo mấy con mẹ kiểm tra hàng phát hiện lộn cái giống gì là họ lập biên bản đó nha. Thằng khỉ kia, cút!

Chờ có thế thằng nhãi con vội dong qua chỗ để hàng, giả vờ ngó lên, ngó xuống như tìm kiếm pin để tránh mấy sếp và nhứt là tránh được “bà chằn.”

– Con khỉ, dạo này mày hay nổi hung dữ rứa? Nè, cho lon nước trái cây nè, uống cho hạ “hỏa”. Nhớ uống len lén nghe.

– Hừ!

Ngọc gầm trong họng.

Tưởng nó không thèm, ai dè nó dứt sạch một hơi mà chẳng nói cám ơn tôi chi ráo, thiệt là…

Nhỏ Chris đưa cho tôi thêm mớ đơn đặt hàng thấy lạnh gáy. Pin nào pin nấy to bằng cái thúng, nặng hơn xe tăng, thử đập rầm rầm trên bàn như bom nổ khiến mấy người làm cùng chỗ, khác công việc không biết tụi nó làm cái giống gì ở đằng đó. Cái hãng gì mà đổi sếp như đổi áo bởi lương ít quá mà. Ai đó ngu ngốc làm chết xác cho họ thì cũng bằng kẻ làm siêng hổng nổi vậy đó.

Dân Việt làm giỏi thiệt mà kình lộn, chửi lộn thậm chí choảng nhau ngay trong chỗ làm cũng thiệt giỏi. Hôm qua, anh Hào tay săn tin từ chỗ khác tài tình, sốt dẽo báo:

– Mấy bả lại chơi nhau ở đằng dây chuyền. Bà trên tống pin xuống bà dưới cả đống khiến bả chẳng làm gì được, rồi lên tức thì… xổ nho chùm ra.

– Cũng chẳng ma nào chịu ma nào. Lần trước bị thằng sếp bự kêu vô văn phòng cảnh cáo rồi mà cũng không mắc cở. Hèn chi họ “đì” cu ly Việt là phải!

Nhỏ Ngọc hậm hực :

– Đì luôn cả tui.

Chuông dế dũi báo hiệu hết ca rè rè lên. Bà con thi nhau ra bấm thẻ. Trước kia, bà con chờ bấm vô, bấm ra thiệt làmệt như sắp hàng chờ mua vé xe lửa thời bao cấp ở Việt nam. Kỳ cục hết sức. Sau đó, lão phó chủ cho thêm giờ bấmthẻ nên nạn chen chúc bớt dần. Bỡi lẽ, bấm thẻ có năm phút nếu trễ bị trừ lương, ai mà ngu gì muốn bị trừ.

“Thời bao cấp!?” Nghĩ lại rùng mình, ớn óc. Tôi nhớ không lầm lúc ấy tôi đã từng dậy thiệt sớm đi bộ từ nhà đến cửa hàng nhà nước để chực mua cá tôm. Làm gì có chợ. Vậy mà thiên hạ còn dậy sớm hơn tôi nên cái sổ mua hàng của tôi phải nằm sắp trên vài chục cái. Sau đó bạn tôi lại ngóng cổ chờ cái xe lam cụt đuôi chở cá từ Nha trang lên. Không khi nào có cá tươi đâu, toàn những loại gần ung hết vậy mà có người được, kẻ xách giỏ không về ăn muối. Cái gì cũng thẻ, cũng sổ mệt muốn điên. Lũ tôi mỗi lần đi họcxa, nghỉ hè… đều phải xếp hàng mua vé toát mồ hôi hột.Vé hạng nhất, nhì đều lọt ra “chợ đen”. Kẻ không tiền nhưbọn tôi đành xếp hàng dài cổ. Mua được cái vé xe, vé tàu thì mình cũng gần đi cấp cứu. Chưa kể nạn “vé chợ đen” rồi “vé chợ đỏ” (đưa tiền khỏi cần vé) thành một trời thập cẩm, mánh mung ai thiệt không biết chỉ biết dân nghèo là thiệt. Bây giờ mọi thứ có vẻ dễ thở hơn nên mỗi lầncó cảnh chen, lấn, xô, đẩy là không có tôi trong đó. Như những lần hãng đãi “pixà pisồ” gì đó, bọn Mẽo, Mễ v.v…cũng ào ào xông vào xếp hàng tranh ăn thấy mà… nhục. Tôi lẻn ra một góc ăn phần thức ăn của tôi mang từ nhà đến choyên. Bà ngại tôi thường nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn…”. Nhìn bọn họ ăn ngấu nghiến rồi tranh thủ lấy thêm mang về nhàgiấu giấu, diếm diếm thấy sao mà tội!

Thực ra, bấy lâu nay, tôi cũng đang tập cái tính cố tìm lýdo nào đó để thông cảm cho những ai có những va vấp trong cái địa ngục trần gian này để đừng vội kết luận họ như thế này, như thế kia. Ấy, cũng mong chết đi được lên “thiênđàng”, về “nước chúa” còn hơn bị cắt lưỡi hoặc đem cái chảo (đít) đặt lên bàn chông như bà Thanh Đề mẹ ngài Mục Kiền Liên vậy là ôi xương tan! Ủa! Chút xíu nữa húc đít xe trước rồi.

– Trời đất ơi!

Nhỏ Ngọc kêu thiệt bự :

– Mày chạy cái giốnggì… Muốn tự tử thì tự mình mày đi nhen đừng quên mày đang chở bà… thủ tướng tương lai trong xe mày.

-!!!

Tôi phì cười:

– Bà thủ tướng?!? Cha chả ! Thủ tướng gì mày, thủ…lợn thì may ra. Làm chính trị nóng như mày có nước về thủ…phận đầu bếp đi tốt hơn.

– Xùy! Không biết đặt trong đầu ước mơ gì như mày quả thiệt đầu mày chứa toàn chất đen chớ chất xám gì nội cái đi xe cũng ói mửa tùm lùm, gớm!

– Tau nói thiệt cho mày biết nhen: Tau mà đi làm chính trị lỡ bị bắt thì dù “dao cắt, lửa nung” cũng không nao núng nhưng mà nếu họ bỏ tau lên xe chở chạy quanh chợ “chua ồ” ba vòng là tau khai hết, hà!!! Nào, mời… bà.. nội xuống xe cho con “de” ra đậu lại coi.

– Xùy! Chạy xe mấy năm rồi mà đậu cứ de tới, de lui. Tau nghi cái bằng lái xe của mày là bằng giả quá.

Tôi nửa đùa, nửa thật:

– Giả thì không giả nhưng…bằng năn nỉ đó em!

-???

Bỏ mặc cho nhỏ Ngọc với cái mặt thộn ra như ngỗng ỉa, tôi bước thiệt lẹ lên phòng không quên mở hộp thư. Cha, thư ViệtNam! Khỏi cần thay quần áo, tôi nhào đại trên giường hăm hở đọc… rồi thở dài. “… Em có biết không, kể từ khi hồi hương về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hắn đã bị công an áp tải rồi giam ở đâu mất tiêu từ đó đến nay chỉ còn vợ và con hắn thôi…” Hắn? Vậy là đêm nay tôi mất ngủ rồi. Những tưởng hắn đã cùng vợ con hắn hồi hương và đang sốngtrong chuỗi ngày hạnh phúc từ bốn năm nay, ai dè đâu! Lòng tôi lại ray rức và đầy mâu thuẩn: Hắn hạnh phúc! Tôi sẽ không đếm xỉa gì đến nhưng bi giờ hắn chắc chắn đang hưởng năm tháng cay đắng trong nhà tù, tôi bỗng xốn xang, đầu óc bị thờigian quay ngược lại từ mười mấy năm về trước…

Hồi ấy, tôi đang học năm thứ tư của trường sư phạm. Trong đầu tôi chứa toàn kim châm còn trái tim thì hình như là đá tảng. Tôi kiêu ngạo với những gì mình có để đêm đêm không đàn hát viết vẽ, nghe tiếng sóng biển vỗ vào bờ ầm ì thì tôi chỉ chơi với mấy thầy bên khu cán bộ. Trong mắt tôi, lũ con trai chỉ là những con châu chấu cho gà ăn mà thôi. Vậy mà trời trả báo để rồi tôi nhận lời lấy hắn sau khi hắn từ Campuchia trở về nước.

Nhưng nghiệt ngã thay! Trái tim bé nhỏ của tôi không chỗ chứa cái cộc cằn, hung hăng của hắn. Chỉ vì một sự ghen tuông, đúng hơn là cái máu làm anh hùng trước mặt thiên hạ và nhất là trước mặt tôi và bạn tôi hôm ấy: Hắn đã nện cho tôi một tát tai nổ đom đóm. (Hà, phảic òn Mạc Đĩnh Chi thì ông ta có thể dùng lửa đom đóm từ mắt tôi để đọc sách khỏi phải bắt đom đóm thật!) Sau đó, còn chưa đả nư hắn bồi thêm cho tôi một đá vào ngực. (Hú vía vì tôi đã luyện nội công đến mức thượng thừa nên chưa vỡ tim mà chết!)

Vậy đó, tôi quyết định trở về quê tôi và làm giấy tờ đi Mỹ.. Hắn sau khi ôm quả m ìn cộng khẩu súng vào thăm tôi nhưng chẳng ai chết thì hắn cũng quyết định bay qua Phi hòng lấy cái may rủi trên biển cả để mong tôi tha thứ. Vậy mà rồi tôi còn nằm chình ình ở Việt Nam thì hắn ở bên Phi bỗng nổi hứng đi lấy vợ, cuối cùng hồi hương để bị quản thúc đâu đó. Tại sao hắn bị bắt, tôi chẳng rõ. Tôi nghi ngờ vì hắn là sĩ quan cộng sản “phản quốc” nên bị trừng trị chăng? Vậy mà sao bảo những ai hồi hương, lý lịch sẽ chẳngbị truy cứu mà! Dù sao đi nữa, hắn cũng vì tôi mà vậy, cứ cho là thế đi. Vợ hắn? Hai đứa con gái sinh đôi của hắn nữa thiệt là tội nghiệp. Cầu trời, lạy chúa cho hắn sớm trở về với gia đình hắn.

Buồn quá đành phải mở cuốn nhạc của Thúy Nga coi đỡ. Từ cái vụ Thúy Nga bị giũa thê thảm bởi cuốn chủ đề Mẹ, tôi cũng không mua thêm chẳng phải vì thuộcloại “a dua” mà vì Thúy Nga gần như không hợp nhãn của tôi. Asia trẻ trung hơn, màu sắc hơn với những Ni Ni, Uyển Mi, Shayla, Loan Châu, Gia Huy… làm người ta có buồn cũng nguôi ngây năm bảy phút.Thiệt tình máu nhảy nhót mới chính là máu của tôi. Tôi vòi vĩnh đức ông chồng (ca thì dở mà chê thì giỏi) bê cho tôi nguyên dàn Karaoke. Tôi hát. Tôi thử. Tôi thu. Tôi xóa. Tôi thưởng thức mình tôi. Bực mình thay, gã chồng không chịu mở băng nhạc của tôi trong xe gã mà gã chỉ mở toàn băng của ai khônghà. Đúng là bụt nhà không thiêng.

– Nhạc của mấy người dành để ru con, con khóc thêm.

Thiệt là tức điên. Mẹ cha ơi! Có ca sĩ ở nhà thu băng khỏi phải mua tốn tiền mà không chịu rõ ràng “ca sĩ tài ba” như tôi bị ẩn mình trong đóng gối rồi. Tôi đánh một giấc tới 9 giờ đêm hồi nào chẳng rõ. Ba cái buồn bực biến đi ráo vì tôi phải hối hả lăn vàobếp nấu nướng bậy bạ mắt nhắm mắt mở làm cháy món trứngchiên khiến cái “alam” hú lên như còi hụ chiến tranh làm tim tôi cơ hồ như sắp rớt bịch ra ngoài!

Thêm một ngày vớ vẩn đểngày mai vào hãng lại chọc ghẹo vẩn vơ bọn Mỹ. Tiếng Mỹ dốt nên phải chịu khó làm cu ly để “hy sinh đời bố, củng cố đờicon”. Biết dốt mà làm biếng học thì quả đáng đời nhưng mẹ ơi! Sang Mỹ rồi đến cái thư, tôi cũng viết hổng nổi nữa mà nói gì học với hành!

Một ngày sắp hết. Ngày tiếp đến rồi cũng sắp qua. Ngày tiếp tiếp nữa sẽ đến trong xót xa hay hạnh phúc? Không ai biết được chỉ biết có những chuyện vớ vẩn là theo người ta suốt những năm tháng làm người mà không ai dám từ chối nó, xua đuổi nó. Người ta chấp nhận nó như mớ hành lý mang theo khi đi đây, đi đó cần phải có. Bỗng nhiên, tôi nổi hứng gào to: – “Em xé đi, xé đi thư tình. Em đốt hết đi, quăng đi, liệng đi, chôn đi, hổng ngán đâu…”.

Ca sĩ Thái Châu nghe tôi hát bài này chắc sẽ giơ tay đầu hàng còn ông nhạc sĩ chắc sẽ kêu trời không thấu.

– Có lẽ tau uống lộn thuốc của mày rồi “dược sĩ kiêm thủ tướng” Ngọc ơi!

26-3-1998

[yourchannel user=”CNN” search=”Ca sĩ Thái Châu”]

Related Articles

Back to top button