TRUYỆN NGẮN

HÃY CỐ VƯƠN VAI MÀ ĐỨNG

Truyện ngắn Hãy cố vươn vai mà đứng

Tới đến đất Mỹ vào ngày 20 tháng 7 năm 1995. Phi trường O’Hare thật rộng lớn làm Tới choáng váng mặt mày đến nổi không biết lối nào là lối ra cứ lẩn quẩn theo chân mấy hành khách đi cùng chuyến. Bà chị Tới lộn giờ đón trễ khiến Tới chờ bên ngoài đầy ắp xe cộ qua lại đến nỗi mặt mày tái xanh. Về nhà bà chị xong, Tới mắc phải bệnh nhức thức đêm mà ngủ ngày theo thói quen ở Việt Nam, báo hại nó cứ đờ đà đờ đẩn. Chị Tới bắt Tới bỏ lên xe chạy hết chỗ chợ này đến shop khác cho nó bỏ cái bệnh ói mửa và ngủ gật khiến nó một lần nữa than trời, trách đất.

Lần đầu tiên đi chợ Mỹ Jewel – Osco suýt nữa Tới… được camera quay cho mắc cở vì cái tội… thử kẹo Mỹ. Trời ơi! Ở Việt Nam trước khi mua đồ ăn phải cho người ta thử chớ. Chị Tới mắng cho tới đọt cây luôn:

– Mày chuyên môn láu táu. Mỹ khác, Việt Nam khác!

– Hum!

Phải thầm khen chợ Mỹ sạch ơi sạch, chợ Việt Nam bên Mỹ còn xa mới theo kịp. Sang Mỹ rồi, nó mới rõ ràng cái kiểu đi chợ Mỹ: Đồ mua chất lên xe ra cửa mới tính tiền. Ở Việt Nam khi đi chợ cứ lo nơm nớp bị chôm chĩa mà không hay. Văn minh cũng có lắm bực mình vì nhiều lúc trả tiền xong bị lôi ngược lại vì khi ra cửa, hệ thống báo động ré lên như xe cứu hỏa hú. Có gì đâu! Người bán hàng bấm UPS không kỹ. Tội nghiệp thân Tới, ở Việt Nam nó thường đi tiểu, chỗ nào có lùm cây là nhảy vào… Còn ở đây, cây cối um sùm, lỡ muốn đi cũng phải nín chờ tới chỗ có chữ “Restroom” là nó bay vào cái rẹt. Mấy lần sơ ý không dòm, Tới lao đầu vô phòng vệ sinh nam làm đôi bên kêu réo om sòm. Chị Tới lại mắng: “Con vô duyên!” Ở được hai tháng lấy thăng bằng cái đầu chưa xong, chị Tới trước khi đi vacation quẳng cho nó cuốn sách toàn tiếng Mỹ học lái xe:

– Tra tự điển, dịch, học cho thuộc!

– Trời đất ơi!

Tới chỉ muốn độn thổ. Cho chừa mày, tiếng Anh dăm ba từ bập bẹ mà dám vỗ ngực xưng có chứng chỉ A, B Anh Văn. Hai tuần đã qua, nó chỉ đọc được có mấy chục từ còn lại là đón mò. Tự điển Lê Bá Kông dày cui, chữ li ti phải có kính hiển vi thì may ra tra được dăm ba câu. Lúc ấy, nó chỉ cần cầu trời, cầu Phật, lạy Chúa cho con qua khỏi địa ngục này. Chị Tới trở về mang nó đi thi bằng viết. Tới ngồi đúng ba tiếng đồng hồ vừa tra, vừa khóc thầm trong khi bà chị nó với cặp kiếng cận lão tướng chầm chầm theo dõi:

– Ác chi ác dữ!

Tới mà không đậu chuyến này thì đừng hòng có mặt mũi nhìn… bả! Rồi không hiểu sao, người ta cho nó đậu. Chị nó thở phào:

– Đất Mỹ không có thời gian đi tới đi lui nên làm cái gì cũng phải dứt điểm. Thấy chưa! Phải tự tin chớ, ai thi dùm mặc ai, mình phải tự thi cho chính mình.

Tới ù lỗ tai. Nó chỉ mong về nhà lăn một giấc cho hết tim đập, chân run.

Trời ơi! Ngày Tới đi tập lái xe khổ sở khi phải de tới, de lui, parking cho ngay. Cái nào nó cũng dở ẹt. Ngày đi thi lái xe, có bao nhiêu ông trời, ông địa trên cõi trên, cõi dưới, nó kêu cứu hết trọi. Cuối cùng, nó phải dùng nước miếng năn nỉ bà kiểm tra thi lái:

– Can you help me. I need go to work.

Hú hồn, bà chấm thi của nó lúc đó chắc đêm hôm được ông xả dỗ ngọt nên bả gật cái cụp:

– OK!

Mỹ mà buông từ “OK” ra là mình ăn chắc. Cầm cái bằng lái xe trong tay, Tới hùng dũng bước ra khỏi chỗ thi như được thêm hai cái chưn. Tới nhảy lên xe lái phăng phăng về nhà, làm đẹp de lui một vòng rồi parking thẳng băng vậy mà lúc thi lại ủi mẹ lên đường cái “ình” khiến bà chấm thi dù “OK” vẫn cứ dặn tới, dặn lui là Tới về nhà tập thêm lui và đậu cho ngay. Thiệt “khôn nhà dại chợ”!

*

Ngày đầu tiên, Tới đi làm là mang râu, đội mão cho hãng Bugerking. Trời ơi công việc bù đầu, bù óc chỉ mỗi rửa chén, lau bàn thay giấy vệ sinh vì tiếng Mỹ không rành nên chúng hành cho biết mặt. Làm ở đây với 5 đô một giờ khỏi ăn luôn vì đồ Mỹ khó ăn quá, nó gầy như que củi. Bà sếp thương tình đưa nó lên chỗ nướng bánh và gói bánh nhưng rồi không thể ở không. Hết việc, nó lại phải rửa chén như thường. Tay bị nước thuốc tẩy ăn trầy trụa như cá lóc bị thuốc bên Việt Nam dạo nào. Tiền lương nhận ra, Tới buồn như một xác ma. Trăm mấy một tuần làm sao đủ sống nếu ra riêng hở trời? Chị nó còn lôi nó… tống lên COD (College Of Dupage) theo học chương trình ESL. Cái bằng B Anh Văn của Tới bên Việt Nam với học phí miễn 2/3 vì học giỏi qua đây chỉ đáng vào lớp 1 của ESL… Chị nó lại xin cho nó lên lớp 2 với một giọng đe chắc nụi:

– Phải tập nghe và mở miệng ra!

– Hum!

Thiệt tức! Tới tự ái quá chừng nên nó học qua lớp dễ dàng từ 3 lên 5 với giấy chứng nhận Excelent. Tới lại được bà chị mang đi vào hãng điện thoại ráp nối Amphenol. Một lần nữa, cái trình độ đại học Việt Nam của Tới phải toát mồ hôi khi ngồi trước những bài toán đố tiếng Anh mà Tới nghĩ lũ nhóc học lớp hai cũng làm dễ dàng. Tự ái dân tộc nổi lên, nó lại cắm cổ mò mẩm để nhận lời phê “very good”. Amphenol nhận nó liền sau đó. Mô Phật! “Phước bất trùng lai”, con nhỏ lý dờ Evelyn chiếu tướng Tới sau khi thằng bồ của con Evelyn cứ chiều chiều lượn vòng qua chỗ Tới. Hai tháng sau cái câu: “You do very good job” và cái hẹn cho vào full time được con Evelyn cho nhưng cho vào… nghĩa địa. Một cú phone từ hãng Senelling trung gian gọi lại cho chị nó hay, hãng xuống cấp nên “lay off” nó cái độp! Trời ơi! Tới vừa giã từ cái mụ Bugerking hôm qua vì theo không nổi hai job thì hôm nay cái thằng Amphenol vĩnh biệt nó mà bill bọng thì đang chờ nó đầy ứ trên bàn. Nào tiền nhà (mới thuê được cái phòng), nào tiền phone, nước, điện, tiền chilcare của con nó, tiền chợ. Bớ làng xóm! Tới ngửa mặt lên trời… không than nữa! Gào rát họng nên chắc được mấy vị thông cảm nên Tới được cứu. Bà chị bạn có chồng Mỹ tên Shawson dẫn nó đi apply hãng pin khác. Chị ta dặn:

– Mày cứ làm theo tao dặn nhé. Ở đây, họ tuyển công nhân dễ hơn hãng mày nên lương thấp hơn.

Tới vào dễ dàng vì có chút xí đỉnh tiếng Anh làm vốn. Lúc này mới thấy tiếng Anh là quan trọng biết chừng nào! Tới đã có nó trong mưa tuyết ngập trời, trong tình bạn của mấy người tứ xứ. Rút kinh nghiệm từ hãng trước, nó tránh né hết những thằng sếp lượn vòng. Tới chỉ mở miệng khi cần thiết, rất sợ khi phải nghe từ “good job”. Bảy tháng sau, Tới mới được vô “full time” sau khi xả thân hì hục làm muốn chết và sau khi hăm “nghỉ việc” với sếp. Đồng lương 6 đồng một giờ, overtime 9 đồng một giờ nâng lương của nó mỗi tuần từ một trăm rưỡi lên một trăm tám sau khi trừ một trăm sáu tiền bảo hiểm. Đời nó sau hai năm lận đận đến đây coi như OK!

Nó tiết kiệm thiếu điều bị coi là “cổ lỗ sĩ” vì cứ bương tới chỗ nào garage sell là có mặt nó. Không sao, nó mặc áo sale, giày sale từ 50 cents đến 2 đô, nó có thể tiết kiệm được vài chục để dồn vài tháng, nó có tiền gởi về Việt Nam cho anh em cũng giống như chị nó đã nhịn ăn, nhịn mặc gởi tiền về cho mẹ nó, bão lãnh chị em nó qua Mỹ. Không sao! Tới không cảm thấy nhục nhã gì mà kẻ nhục nhã, xấu xa chính là những kẻ đã bóc lột, ăn cướp tiền nó trên ngay chính mảnh đất freedom này. Họ gởi cho nó những thẻ tín dụng (credit card) với điều kiện là nó pay check cho họ mấy chục. Tiền đã trao nhưng cháo đã thiu thúi nơi nào. Tới bị hố, chị nó mắng:

– Ngu không nghe lời!

Trời ơi! Ai mà không muốn có credit tốt. Này nhé! Khi đi thuê nhà, thuê phòng hoặc mua xe… họ đều hỏi Tới credit này, credit nọ. Có chỗ, họ lắc đầu say “No” vì nó không có thuê nhà trước đây. Mèn ơi! Mày cho tao thuê lần đầu, tao mới có lần sau chớ. Ai cũng không cho tao vào thuê thì làm sao tao có lần đầu! Khi Tới đi chợ nhiều lần trả tiền mệt nghỉ mới phát hiện ra mình bị… hớ: Đồ mua sale nhưng khi tính, họ tính giá cao. Rốt cuộc, nó mất công chờ lấy tiền lại. Chưa hết đâu, người mình lại chơi người mình. Họ đăng quảng cáo làm dùm bằng Nail, tiền đã trả một nửa, bằng Nail cũng chưa đến tay cầm. Chị nó mắng nửa:

– Cho sáng mắt cái đồ không nghe lời. Những người ngu như mày mới bị gạt dài dài!

Cuộc sống Mỹ là vậy chớ sao nữa: Cũng lên dốc xuống đèo, cũng đội nắng, đội tuyết. Vậy mà Tới cũng đã sống qua hai đời tổng thống Bill Clinton và bây giờ là W. Bush. Ông nào lên làm tổng thống thì Tới cũng bị gạt như thường. Thậm chí mấy hãng điện thoại đổi tới đổi lui cũng “đớp” ngon ơ của nó mấy trăm bạc mà nó có gọi sướng miệng chi đâu! Kiện cáo chi được, thế mới thấm thía câu: “Cái kiến này kiện củ khoai…”.

*

Ba năm trôi qua, Tới không thể tiếp tục làm ở hãng pin nữa bởi họ kỳ thị Việt Nam, ngóc đầu không nổi, chổi đầu không lên, lương vẫn 6 đô 75 làm sao sống? Tại sao dân nói tiếng Spanish lại được coi trọng? Họ được đọc chính bằng ngôn ngữ của họ trên đất Mỹ trong khi mình mò từng chữ một qua tiếng Mỹ. Tới đổi nghề. Nó chuyển qua làm Nail. Ôi! cũng đâu đơn giản khi phải tự đọc một cuốn sách Nail thật dày và mấy trăm câu hỏi. Ngày nó đi thi cũng cực khổ trăm phần: Thi lần đầu rớt thẳng cẳng. Lần sau thì đụng xe cũng rớt bịch cho đến lần ba lỳ đòn mới đậu. Trước đây, thiên hạ mua bằng dễ như nhòng ăn ớt! Nhập vào làng Nail mới thấu hiểu vì sao có người mua nhà sắm xe, có người bán vợ đợ con. Ôi chao! Biết bao người cứ rủ nó đi “tàu” ăn cua. Cua thì hấp dẫn nó thật nhưng cúng cho sòng bài thì nó chưa bao giờ. Trời ơi, xứ Mỹ tự do đến mức bài bạc công khai xây lâu đài cho chủ nhân và ném con bạc vào chảo dầu. Nhìn cơ ngơi những sòng bài Tới đã từng đến ăn cua, nó khiếp đởm: “Harrah”, “Vichtoria”, “Hollywood” lộng lẫy như những lâu đài trong cổ tích!

Khi Tới còn ở Việt Nam, nó muốn đi Mỹ để được học hành nhưng sang Mỹ rồi vì miếng ăn manh áo mà tan tành ước nguyện. Trường đại học ở Mỹ luôn mở rộng cánh cửa cho mọi lứa tuổi nhưng ngôn ngữ bất đồng đã chận ngược hướng đi. Nó quay lại nghề cầm bút nhưng chán nản vì người Việt ở Mỹ đâu mê sách báo bằng mê phim ảnh. Đất Mỹ cho nó làm ra tiền nhưng lấy lại cũng gần hết vì thuế. Bạn bè cười nó:

– Khéo bày! Viết lách như mày có mà cạp giấy ăn!

Tới bỏ nghề diễn viên kiêm ca nhạc sĩ trong mơ để về làm mẹ. Đẻ ở Mỹ cũng khác xa ở Việt Nam một trời một vực: Tối tân, sạch sẽ, trang trọng thế sao dân Mỹ họ có rất ít con? Bao nhiêu dấu hỏi ngược cứ vây chặt lấy nó như những vòi bạch tuộc. Đất tự do nhưng tự do trong luật lệ cho có lệ. Ti vi đêm ngày chiếu bao nhiêu cảnh bắn giết. Đài TLC luôn mang đến cho người ta sự hãi hùng về sự thật những tội phạm trên thế giới! Đài chiếu phim sex mở ra là có cảnh bậy bạ làm sao giáo dục trẻ em sống theo phép tắc lễ nghĩa đây? Còn nữa, sự phân biệt chủng tộc từ Nam Mỹ đã tiến lên Trung – Bắc Mỹ ngày một rõ. Cửa hàng người Á châu bị đập phá. Cái tiệm Nail của nó chưa khai trương đã ăn đạn và bị bể kiếng ngay bên hông sở cảnh sát Lisle cũ. Chưa hết, sau đó mấy tháng, màn cũ, cảnh cũ tái diễn lại trước sự bất lực của cảnh sát trong khi nó vẫn phải đóng tiền “support” cho họ khi họ cần. Một năm sau nữa nhà băng Firststar đóng luôn account của hai vợ chồng nó mà không một lý do còn cảnh sát thì gọi tới tra gạn tiền bạc y như chúng nó là tội phạm của FBI!

*

Nhưng “buồn ơi, ta xin chào mi”! Tới ngóc cổ dậy bằng cách tự an ủi mình: “Hãy cố vươn vai mà sống lâu rồi đời mình sẽ qua…”. Dẫu sao, Tới cũng cám ơn đất Mỹ đã cho mẹ con nó một cuộc sống tương đối đầy đủ mà bao nhiêu người ao ước. Địa ngục trần gian hay thiên đàng cũng đều ở cõi đời này. Tới chỉ mong hòa bình. Hôm nay ở Việt Nam, Nông Đức Mạnh lên làm Tổng bí thư hay ngày mai ai đó thế chỗ, nó cũng xin có một lời ước: “Come to Viet Nam for freedom”./.

Tháng 6/25/2001
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)

Related Articles

Back to top button