NGÕ CỤT
Trời không biết có phải… lủng bụng không mà đổ ra hàng đống tuyết mặc cho người lớn phàn nàn. Tuyết ướt đặc cục làm những cây cào tuyết như cong lại. Tuyết khô xôm xốt dễ làm quay bánh xe hình chữ chi. Tuyết khô hay ướt cũng làm những người già ớn lạnh. Thế mà, lũ nhỏ, có khi người lớn lại thích thú. Cảm giác đứng dưới mặt đất trắng tuyết mênh mông thật tuyệt vời. Còn chuyện đắp người tuyết đối với bọn trẻ lại còn hấp dẫn hơn chơi một game đấm đá. Khi xe ủi tuyết chưa tới, các đường phố, ngoại ô hưởng mùi… lụt tuyết! Mọi phương tiện đi lại hầu như đi vào… ngõ cụt.
Cạnh người tuyết là một cái cây to bằng hai người đàn ông ôm không xuể, đang mùa ngủ say. Nó khẳng khiu, không một chiếc lá. Mùa đông, để sinh tồn, chim chóc thường chuyển nơi cư ngụ từ Bắc xuống Nam. Một con chim gõ kiến lạc bầy từ đâu xà xuống cái cây đang ngủ. Nó đưa mỏ gõ gõ. Lập tức từ trong hóc ngã ba chảng cây lại lù lù ra đấy một con vật kỳ lạ khiến con gõ kiến giật mình. Con vật kỳ lạ hỏi:
– Chuyện gì đó bạn?
Con gõ kiến nhìn con vật kỳ lạ chằm chằm. Nó quên mất câu trả lời. Con vật kỳ lạ hỏi lần thứ ba, gõ kiến mới tỉnh ra. Nó ngạc nhiên:
– Bạn làm sao mà leo lên cây cao thế này?
Con vậy kỳ lạ phá lên cười:
– Tôi lên bằng… đôi cánh như bạn.
Gõ kiến lắc lư cái đầu ra vẻ không tin. Con vậy kỳ lạ nhẫn nại:
– Tôi cũng là loài chim như bạn. Nhưng bạn là thế hệ chim thời hiện đại còn tôi là thế hệ loài chim đã bị tuyệt chủng.
Dứt lời, con vật kỳ lạ nhảy xuống đất. Nó đứng bằng… bốn chân như chứng minh lời nó mới nói. Nó quên mất là dưới đống tuyết cao như núi, lũ nhỏ đắp người tuyết xong lại moi tuyết làm hang động rồi chui ra, chui vào chơi. Khi con vật kỳ lạ rơi xuống đất, nó đụng ngay con bé mười tuổi từ động tuyết chui ra. Con bé nhìn thấy con vật to đùng kinh dị xuất hiện trước mặt thì kêu thất thanh. Tiếng kêu rát họng của nó khiến anh chị em nó đều chui ra. Chúng kịp thấy con vật bốn chân vút bay lên trời bằng… hai cánh to như cánh đại bàng nhưng khẳng khiu như loài khủng long. Con chị vội ôm chặt con em. Nó sợ em bị chim quắp đi như trong truyện cổ tích. Lũ nhỏ vội chạy trối chết vào nhà.
Chiều tối, chúng nó kể chuyện cực kỳ lạ cho bố mẹ nhưng chỉ có bố tin chứ mẹ chẳng tin bao giờ. Mẹ nói:
– Sao không chụp hình cho mẹ thấy?
Bố gờm:
– Bà đứng đó mà chụp! Nếu nó thấy bà, nó… xơi bà trước!
Mẹ nổi xung:
– Tôi làm gì mà nó xơi tôi? Dẫu có chim thần, chim qủy cũng không vô cớ ăn thịt tôi. Cả đời tôi nào có làm việc chi ác. Tôi chả sợ. Có ăn thịt thì ăn thịt bọn vô thiên, vô phép kia như…
Bố vội ngắt lời:
– Sắp phun ra nữa rồi. Xin can!
Thằng con nhìn mẹ như ước lượng rồi nó cười vô tư:
– Con vật đó mà xơi mẹ à chắc cũng phải mất… mười năm!
Người mẹ lườm nó rồi hứ trong họng. Bà lầm bầm:
– Phải! I am fat mammy rồi sao? Bố con chúng bay chỉ táp nhá, táp nhướng. Thời buổi này còn có chuyện chim gì bốn chân lại biết bay! Hứ! Ngồi nói dóc với bố con bây, tối nay nhà chẳng có gì ăn đừng kêu mẹ này, vợ nọ nấu cho tô phở.
Bà đi vào bếp. Đứa con gái lớn vào theo. Nó giật áo mẹ:
– Có thật đó mẹ. Con thấy rõ ràng. Nó bay trước. Theo sau nó là con chim gì có mõ dài. Chắc chim gõ kiến.
Mẹ bực mình:
– Lại tới mụ con gái lớn này. Mùa này tuyết lạnh, cây nào có con kiến cho gõ kiến tới gõ chứ? Để mai mẹ xem chúng nó có tới cái cây nhà mình nữa không? Nếu có, cứ lấy mấy ảnh mà chụp là biết ngay giống gì!
Cô con gái lớn thôi day áo mẹ. Nó lên lầu để xúm vào bàn tán với bố.
*
Con gõ kiến bay theo con vật kỳ lạ hụt hơi. Nó sắp bỏ cuộc thì con vật kỳ lạ hạ cánh xuống cánh rừng bên đường. Nó kiếm một ngã ba chảng cây to rồi thu mình trên đó. Gõ kiến tò mò:
– Bạn thật là chim ấy à?
– Vậy bạn nói tôi là loài gì?
Gõ kiến lắc đầu:
– Chịu! Hỏi loài người. Họ thông minh hơn loài động vật.
– Vậy sao?
Con vậy kỳ lạ cười. Gõ kiến thấy cả hàm răng nhọn hoắc của nó mới tin nó như là loài thằn lằn bay nào hồi xa xưa. Con vật kỳ lạ nói tiếp:
– Loài người có trí tuệ thật nhưng ác không loài nào bằng.
– Sao nói vậy?
Con vật kỳ lạ vòng quanh:
– Trái đất nóng lên. Băng Bắc Cực tan ra. Tôi chui ra từ cái trứng hàng triệu năm băng đá đấy. Tôi có thể sống dưới nước như chim cánh cụt và đi trên bờ như loài bốn chân!
Gõ kiến thảng thốt:
– Thật không thể tin!
– Tôi bay từ Bắc Cực tới Nam Cực nhưng chẳng có chỗ dừng chân. Tôi đã cố bám đại dương mà sống nhưng bạn thấy đấy. Dưới đại dương cũng chẳng phải yên tịnh. Trái lại, ngày nào, tôi cũng nghe tiếng động dữ dội. Thì ra, thế giới hiện đại chế tạo thứ gì mà cứ thử dưới biển hay vứt hết xuống biển. Lòng đại dương hình như cũng mỏng đi nhiều vì họ nạo vét không ngưng nghỉ hàng chục thế kỷ nay. Tôi bay lên trời. Trời dày đặc các loại máy bay có người và không người lái. Thiếu chút xíu là tôi tan tành. Súng đạn chi chít trên trời. Khói đen đặc xông lên nghi ngút khiến tôi không thở được.
Gõ kiến mổ mổ vào thân cây:
– Bạn nói sao á! Nếu bạn là cá, bạn sẽ sống được như bao nhiêu loài cá. Nếu bạn là chim, bạn sống trên trời như bao loài chim. Tại sao không?
– Tôi không biết! Tổ tiên tôi không thích nghi với điều kiện sống của trái đất nên bị hủy diệt hết. Có thể là vũ trụ. Có thể là chiến tranh. Có thể là bệnh tật. Tôi thấy tôi đừng nên nở ra thì hơn.
– Bây giờ bạn đã nở ra rồi.
– Nhưng tôi không giống loài nào cả! Nói cho tôi biết: Loài người trên trái đất này như thế nào?
Gõ kiến phân vân. Nó chẳng biết nói thế nào? Con vậy kỳ lạ bỗng đập cánh:
– Tôi nghĩ ra một cách! Chiều mai, bạn thích thú thì bay cùng tôi.
Gõ kiến nghe đói râm ran. Ở đây không có kiến, không có cá, không có cọng cỏ. Ăn gì sống? Gõ kiến dũi mỏ vào tuyết. Con vật kỳ lạ cũng vậy. Chúng… ăn tuyết!
*
Người mẹ rình mãi đến mức bà muốn bỏ cuộc. Chồng bà hồi hôm đã “bói” một quẻ đen thui là “con chim nào ngu mới trở lại cho bà chụp hình”. Đám con bà sau giờ đi học về là lủi ra hang động tuyết của chúng. Chỗ nào bị con chồn hay sóc chạy qua làm sụp đổ, chúng moi ra, đắp lại. Đang lúi húi, thằng anh bỗng đưa tay ra hiệu cho em. Nó dứ dứ tay lên ngã ba chảng cây bên người tuyết. Con em út thấy con vật to như con mèo hôm qua, vội kêu thét. Thằng anh nhào tới bụm miệng con em. Cái hang bị lưng thằng anh nhô lên hất tung, đổ sập. Người mẹ trong nhà cơ hồ đứng tim. Nhưng cơ hội tính bằng giây, theo thói quen, bà bấm máy lia lịa. Trời chạng vạng nhưng tuyết trắng vẫn sáng cả mặt đất. Bà nhìn con vật. Nó nhìn bà. Bà buột miệng:
– Con đà điểu?! Không! Chim bốn chân?! Không! Gà móng Nam Mỹ? Thằn lằn bay! Cũng không phải nốt! Con chim gì kỳ vậy trời! Chim khủng long!?
Mặc cho bà chấm hỏi, chấm nhiễu trong đầu, con “chim khủng long” của bà dúi đầu xuống tuyết. Nó lùa từng mớ tuyết vào cổ họng trước 8 con mắt trừng trừng của con người nhìn nó dù rất quái gỡ nhưng nó cảm nhận được sự an toàn.
– Giống chim tiền sử! Trời ơi!
Bà rên trong cổ họng:
– Đi đi con! Đi tới chân trời góc biển mà sống. Ở đây, người ta sẽ bắt con ăn thịt hay tiêm thuốc ướp để nghiên cứu.
Con vật kỳ lạ không sợ người. Nó nhún bốn chân trong tuyết tạo thành vết rồi ung dung xòe cánh. Biết nó chuẩn bị bay, người mẹ nói với:
– Hãy bay đi! Bay thật cao và thật xa! Thế kỷ này không phải chỗ cho mi tồn tại! Con người gian tham, nham hiểm. Họ đố kỵ và ăn thịt đồng loại từ lâu. Bay đi!
Bà giơ tay xua con “chim khủng long”. Con vật ngẩn ngơ một lúc rồi tung cánh. Nhà gõ kiến vội bay theo. Chặp sau, về rừng cây, nó hổn hển thở:
– Bây giờ tôi mới hiểu vì sao bạn rủ tôi tới chỗ nọ. Bạn muốn biết con người ra sao phải không?
Con vật kỳ lạ trầm ngâm:
– Đã có câu trả lời rồi còn gì?
– Bạn định bay đi đâu đó?
Con vật kỳ lạ trả lời bằng giọng buồn buồn:
– Tôi từ đâu tới sẽ trở về nơi đó. Rất vui được gặp bạn. Tạm biệt!
Nó bay thẳng về phương Bắc. Gõ kiến bùi ngùi. Nó nhìn theo người bạn “khủng” tình cờ rồi bay về hướng Nam.
*
Người ta nghe báo chí đăng tin rằng, con vật kỳ lạ đó đã bị rađa phát hiện và bị bắt. Không biết nước nào đã bắt con vật kỳ lạ nhưng bà mẹ lũ nhỏ nói chắc như đinh đóng cột:
– Nếu nó được nuôi tử tế để thử DNA tìm nguồn gốc thì đó là nước Mỹ. Nếu nó bị vào nồi thì đó là nước Bắc Hàn. Còn như nó bị đưa đi… ướp xác thì đó là nước Việt Nam.
Bố đùa:
– Còn như nó bị bắt về để bị… đè đầu cỡi cổ chơi thì nước nào?
Lũ nhỏ nhanh miệng:
– Nước China!
Bố bật cười vì lũ con láu cá. Bà mẹ nghe mà lòng ngậm ngùi. Bà cất cái máy ảnh không cho ai coi những tấm hình hy hữu mà bà chộp được. Bà tin rằng nếu con “chim khủng long” kỳ lạ nghe hết, chắc hẳn nó biết chọn đất mà tới. Nhưng thời nào ra thời đó! Thời gian không quay ngược. Những gì không hợp với hiện tại sẽ bị đào thải theo thời gian. Con “chim khủng long” cũng không ngoại lệ. Trứng nó sinh từ thời tiền sử hàng triệu triệu năm mà nở vào thời hiện đại, coi như đời nó là đi vào… ngõ cụt./.
Tháng 3/08/2013
Ngọc Thiên Hoa