PHÊ BÌNH

HOÀNG CẦM – MỘT CÕI ĐI – VỀ _PHÙ DU

(Từ ”Hoàng Cầm-Gã phù du Kinh Bắc”)

Đọc ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” của Chu Văn Sơn, người viết như có chút hoài niệm về một kiếp người, một ”kiếp phù sinh tử táng mấy lâm hồi” của Nguyễn Công Trứ. Ngẫm nghĩ, ngậm ngùi…
Thời phổ thông, học sinh nào có học về Hoàng Cầm và chả hiểu gì về Hoàng Cầm thì làm sao biết nghĩa đắng hay ngọt (ngoài cái việc tra tự điển thuốc Đông – Y: Hoàng Cầm là vị thuốc đắng có tên Radixscutellariae, chỉ dùng rễ, có tính hàn vị đắng với công dụng trừ nhiệt, thanh hỏa) mà chỉ thuộc lòng…”Hòn Đất” của Anh Đức mà thôi!

Thời đại ném số phận con người vào từng lô cốt. Tự sống. Tự diệt. Sự can thiệp muộn màng nhưng rất sáng suốt của thời gian đã phá tan những lô cốt. Tôn Ngộ Không chui ra từ Ngũ Hành Sơn sau năm trăm năm bị nhốt cũng có khác gì! Vị thuốc đắng thành vị… thi sĩ Hoàng Cầm chịu đắng cay như cái tên và tự ”thanh nhiệt” cho mình trong suốt cuộc đời chẳng bao giờ ngưng giông bão. Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi hay Hoàng Cầm cũng là một người với những tháng ngày thăng ít, trầm nhiều đã ”thai nghén” tận ba mươi năm mới sinh ra một… Hoàng Cầm Phù Du mà Chu Văn Sơn làm… bà mụ trong ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc”

Truyện thơ ”Men đá vàng” của Hoàng Cầm qua Chu Văn Sơn đã thêm vào cho văn học, cho cuộc đời một người con gái sống chết vì tình yêu là Phong Kiều – một cái tên gợi cho ta về bài ”Phong kiều dạ bạc” nổi tiếng của Trương Kế thời Đường, thế kỷ XVIII. Tiếc thay, người hiện đại đã không thể đem tiếng chuông chùa Hàn San gióng lên khi gã Phù Du kia ”ôm xác người vợ hóa đá mà khóc ròng”. Nàng Phong Kiều ”sống lại vĩnh viễn trong men đá vàng” với một kết thúc ”có hậu” như Bạch Viên được đoàn tụ cùng Tôn Các trong ”Lâm truyền kỳ ngộ” khiến cho ta có thể hình dung những mối tình với những kết thúc không có hậu thê thảm…

Hình ảnh Phong Kiều ” lặn lội tìm chồng, ngày đêm trông đợi rồi tuyệt vọng mà hóa đá” na ná sự tích ”Hòn vọng phu” và như nàng Phương Hoa (Truyện nôm khuyết danh) cải tên Cảnh Yên đi thi đổ làm quan để minh oan cho chồng. Hình ảnh Phong Kiều lại giống rặt nàng Hoa Mộc Lan trong ”Hoa Mộc Lan” trong tiểu thuyết Trung Quốc. Còn nữa, Phong Kiều đó không phải là dư ảnh Kiều Nguyệt Nga trong ”Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu lặn lội tìm kiếm Lục Vân Tiên hoặc phảng phất nhân vật ”Em” trong ”Xống chụ xôn xao” – Truyện thơ dân gian của dân tộc Thái – bị bán như món hàng – rồi cũng đoàn tụ với người yêu sao?

Một khái quát về truyện thơ Hoàng Cầm nói riêng (trong truyện thơ Việt Nam) và thế giới nói chung hình như có cùng cội nguồn về nội dung. Phong Kiều hay Kiều Loan (Kịch Kiều Loan – Hoàng Cầm) đều mang chữ ”Kiều” (nhân vật Kiều mà Nguyễn Du hết lòng thương yêu) đã tồn tại và làm chấn động con người vì ”số kiếp”. Chu Văn Sơn đã nhìn thấy số kiếp đó qua hóa thân của Hoàng Cầm với từng nhân vật mà điển hình là ”Gã phù du Kinh Bắc”.

I. THI NHÂN VỚI NHỮNG HÓA THÂN THỨ HAI:

1.”Hoàng Cầm – Gã Phù Du Kinh Bắc” của Chu Văn Sơn:

Từ ”Men đá vàng” (1973) lùi mốc ”Về Kinh Bắc” (1959) là mười sáu năm nhưng ngược lại, thời gian ra đời lần thứ hai những tác phẩm của Hoàng Cầm, truyện thơ ”Men đá vàng” lại đẻ trước (1989) tập thơ gồm 48 bài ”Về Kinh Bắc” (1994) là năm năm. Ngần ấy thời gian đủ để Hoàng Cầm thật sự trở thành ”Gã phù du Kinh Bắc” qua Chu Văn Sơn.

Tác giả đã du hành cùng kiếp phù du để kết luận: ”Đó là thiên mệnh của hồn thơ Hoàng Cầm”. Ta cũng bất ngờ gặp lại ”Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” của Nguyễn Du khi nói về hai chữ ”số kiếp”. Trước khi hoá thân là phù du, Hoàng Cầm cũng từng trải qua mấy kiếp:

Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín

Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm

Ta con chim cu
về gù dặng tre
Chân dung ”Tự họa” của Hoàng Cầm chính là ”Gã Phù Du” mà tên, lẽ ra phải được viết hoa vì ”Phù Du” này có ”khai sinh” đàng hoàng chớ không là loài phù du chung chung. Hoàng Cầm đã tự vẽ trong “Nhịp cuối – Về với ta” (Về Kinh Bắc):

Ta con phù du ao trời chật chội

đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao.

Trong nhạc có ”Kiếp ve sầu”, có ”Đời phù du” thì sao trong thơ không thể không có bóng dáng ”con phù du” giữa ”ao trời chật chội”? Nhưng ví von như thế cũng nên biết ”phù du” là… con cái nhà ai? Là con chi chi? Là cái giống gì?

Khái niệm ”Phù du” chỉ là một loại côn trùng nhỏ bé, có màu xanh lợt lạt như đọt chuối non. Chúng chuyên lao mình vào vật gì phát sáng nên thường làm mồi cho ngọn lửa thiêu mà ta gọi nôm na là… tự sát tập thể. Kiếp phù du ra đời từ con thiêu thân đó. Phù du này không giống như loài phù du (plankton) chỉ là sinh vật nhỏ nổi trôi trên biển hay trên sông nước ngọt, thậm chí không nhìn được bằng mắt thường.

Chu Văn Sơn đã chọn dùm cho Hoàng Cầm số kiếp phù du không phải không lý do. Bản lĩnh thay, trước khi thiêu thân, con phù du kia cũng phải ”đạp lùi tinh tú ” dù tinh tú giữa vũ trụ chẳng tội lỗi gì cả. Nhân vật ”Phù Du” mà Hoàng Cầm dựng lên trong ”Men đá vàng” thật ra chẳng giống lắm với con phù du đời thường. Gã ”khóc lóc” nhưng đâu có… nhảy vào lửa để tỏ lòng thành hối lỗi với Phong Kiều?

Nhận xét về gã Phù Du, tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” đã viết: ”Cái gã ấy đã khiến ta rơi vào bao nhiêu là ngộ nhận… Mà nghĩ cho cùng, loài người, kiếp người chẳng phải đều mang chung một bản mệnh Phù du sao?”. Sự thông cảm cho gã Phù Du si tình kia chính vì ”Bởi trong mỗi chúng ta đều có gã Phù Du”. Xét về phương diện nhân vật thì tính cách gã Phù Du: ”Lầm lỡ, hối hận” cũng đều có thể xảy ra trong mỗi chúng ta là đúng. Xét về sự hy sinh thì mỗi con người đều có sự lựa chọn hy sinh khác loài phù du nhưng giống ở gã Phù Du trong ”Men đá vàng” là… những giọt nước mắt hối hận, ăn năn .

Khi tác giả ”Hoàng cầm – Gã phù du Kinh Bắc” khẳng định ”con người cũng mang kiếp phù du” thì ta cũng nghe tiếng thở dài cho ”kiếp phù sinh sớm còn, tối mất ”! Nó như một triết lý sống của con người. Không phải ngẫu nhiên mà những thi nhân, văn hữu khi gặp sự cố đều phản kháng lại theo bản năng: Tự chọn cho mình vài hóa thân để ẩn mình qua bốn mùa mưa nắng hoặc để ”hóa giải lời nguyền”.

2. Những hóa thân của thi nhân:

Trong ”Giao khúc tháng sáu”, Du Tử Lê đã tự ví mình là một kẻ ”gan lỳ” mà khiêm tốn:

Tôi từ đó nhỏ nhoi như châu chấu

Như cào cào vỗ cánh chả bay xa.

… Tôi như rêu xanh ôm đá tảng

Khinh loài người nên chọn kiếp vô tri.

Với ”Mảnh trăng thề tri kỷ đã cùng soi”, Vntvnd cũng chọn hóa thân cho mình kiếp sống giang hồ ung dung, tự tại:

Đêm mơ thấy mình thành chim bói cá

Dạo kiếm ăn khắp kênh rạch, ao tù.

Dễ thương sao chú dế trong ”Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài – hóa thân của nhà văn – đã muốn sống cuộc sống vô tư thoải mái của loài vật mở đầu là sự khẳng định thân thế: “Tôi sống độc lập từ thuở bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi”.

Đây, kiếp thân hạn mã trong ”Khai bút” của Duyên Anh buồn thảm mà hiên ngang, thất bại mà can trường:

Ngựa về vết chém ngang lưng

Ủ ê chiến tích, rưng rưng chiến bào .

Hãy xem ”Đêm nghe tiếng cá quẫy”, Trần Mạnh Hảo cũng chọn mình một hóa thân của một ”độc cô cầu bại”- kiếp cá:

Đáy sông trăng rụng hay sông chật

Quẫy nát đêm rồi cá ngóng ai?

Thông qua ”Nhớ rừng”, Thế Lữ đã ”gầm thét” qua hóa thân… chúa sơn lâm trong củi sắt nhớ về một thời oai hùng, kiêu hãnh đã qua:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả,,cây già

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.

Còn trong ”Đan áo cho chồng”, T.T.Kh nào đó đã coi mình như kiếp ”chim trong lồng” khát khao bầu trời tự do tung cánh:

Như con chim nhốt trong lòng

Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao.

Nhỏ nhoi hơn, ”Con gián và mặt trời” , Nghiêm Xuân Cường xem mình như… con gián hiên ngang đi về phía mặt trời:

Những con gián giật nẩy mình ngoài nắng

Từng bước lùi chập choạng thấy mà thương.

Ngay cả Thâm Tâm, chàng nghệ sĩ này có hóa thân cao cấp hơn, ai nguyền rủa mà cũng vội tìm hóa thân cho các nhân vật ”là chiếc lá bay, là hạt bụi, là hơi rượu cay” trôi tan mất hút, không mang thân dế mèn mà cũng phiêu lưu, chẳng là bói cá lặn lội kiếm ăn, đâu cần làm võ sĩ bọ ngựa giơ càng, cong que đánh đấm, cũng chả là con cá quẫy nát càn khôn để con người oán than, đất trời trừng phạt!

Trôi theo ”Gã phù du Kinh Bắc”, ta cũng muốn hóa thân vào thế giới vô tri, vô hồn: Rong rêu lỳ lợm, đá tảng hiên ngang, là cỏ khí phách… Riêng Hoàng Cầm, hắn mắc tội gì mà phải chọn kiếp hóa thân phù du để hóa giải lời nguyền ném xuống? Tiền kiếp của tác giả ”Lá diêu bông” là con bê vàng, chào mào, chim cu, cào cào, ngay cả con phù du cũng chưa giải nổi lời ba mươi năm cầm cố. Tác giả ”Gã phù du Kinh Bắc ” đã dừng lại chỗ ”lời nguyền”. Ta nghĩ nó giống như lời nguyền mà bà phù thủy đã trù ”nàng công chúa ngủ trong lâu đài” trong cổ tích. Những khi người ta lâm vào thế bí khó lý giải, khó mở miệng, khó sống thì đành tìm vào cổ tích, mượn chiếc đũa thần của bà tiên, mượn nụ hôn của vị hoàng tử để ”hóa giải lời nguyền”. Riêng Hoàng Cầm, bản mệnh đã là một vị ”thuốc đắng dã tật” thì may mắn nào bằng ”lấy độc trị độc” tuyệt chiêu ấy!

Đời phù du. Kiếp phù du. Một gã Phù Du Hoàng Cầm cũng nằm trong chữ nghĩa ”tằn tiện” của Chu Văn Sơn cũng… phù du nốt.

3. Hóa thân của Chu Văn Sơn và ”Gã tằn tiện từ ngữ”:

Tiêu mục của gã họ Chu kia cũng ”cụt ngủn, cụt ngơ” như ”thân cau cụt vẫy đuôi mèo”, như ”trăng lên chém đầu gió” của Hoàng Cầm, vậy mà gã dám cho rằng Hoàng Cầm chính là ”gã tằn tiện từ ngữ ”. Một bài nghiên cứu của gã họ Chu có năm mục: Tự họa. Tự liếm lành vết nội thương. Một liêu trai trầm cảm. Thi pháp ”thực” gợi thế giới ”siêu”. Một kết tinh. Ngữ nào cũng nghe thật lạnh lùng. Nếu nhìn vào từ ngữ mà suy ra con người, ta cho rằng tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc ” có… máu lạnh. Đọc chỉ một vài bài viết chưa chắc biết người hay nhưng rượu uống say biết ngay mình tỉnh. Nhập nhằng như thế với từng câu chữ. Thơ khác. Văn khác. Truyện khác. Câu chữ chết bầm lại không khác nên phải làm thân Tấm nhặt thóc. Hóa thân của Chu Văn Sơn là đó.

Trở lại câu chữ mà tác giả ”Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc ” đã chọn. Đập vào mắt người đọc như cận cảnh đoạn phim là từ ”liếm” trong ”tự liếm lành vết nội thương”. Ta trở ngược lại tập thơ ”Về Kinh Bắc” đã được những gã trọng tài yêu thời cuộc hơn yêu nghề thổi còi thưởng… thẻ đỏ suốt ba mươi lăm năm mà cùng Chu Văn Sơn xem xét vết thương cho gã Hoàng Cầm.

a .”Về Kinh Bắc”: Nơi lặng lẽ đi – về nhức nhối của Hoàng Cầm:

”Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm được giới phê bình, nghiên cứu đánh giá: ”đó là tập thơ quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của Hoàng Cầm”. Lưu Khánh Thơ đã nhận xét: ”Là con đẻ của vùng quê Kinh Bắc đồng thời ông cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của đất Kinh Bắc. Ở những bài thành công, thơ Hoàng Cầm thường đi vào cõi tiềm thức, vô thức. Nó diễn tả bằng ngôn ngữ thơ mông lung, khác lạ và giàu tính biểu cảm”.

Vì sao Hoàng Cầm lại chọn Kinh Bắc để ”Đi -Về” trong yêu thương, trong lặng lẽ của cõi ”vô thức”? Kinh Bắc là quê hương của tác giả ”Bên kia sông Đuống” lệch nghiêng với những niềm riêng một đời khó giải. Vũ Quần Phương viết: ”Kinh Bắc, cái nôi xưa của khu văn hóa sông Hồng với núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, chợ Hồ, chợ Sủi, Đông Tĩnh, Huê Cầu, tranh Đông Hồ in trên giấy điệp… Một hoài niệm đau buồn”. Bây giờ, ta có thể hình dung ra vì sao Hoàng Cầm viết ”Tiếng hát quan họ” Bắc Ninh quê nhà năm 1956 rành rọt đến thế và thơ Hoàng Cầm đậm đà lễ hội Kinh Bắc như Hội Liêm mà tầm vóc của nó đã được đi vào di sản văn hóa Việt Nam. Nguyễn Sĩ Đại trong ”Hoàng Cầm – nhà thơ Kinh Bắc” nhận định: ”Hoàng Cầm tự chuyển mình ra thật xa để mà nhớ nước…”.

Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” cho rằng gã Phù Du về Kinh Bắc vì muốn chữa lành chứng ”nội thương” mà ”chính vết thương cần cứu chữa ấy đã mách bảo ông về rịt lại bằng nước nguồn quê mẹ”. Hình ảnh con phù du ”đo gió, tìm sao, đạp lùi tinh tú” oai dũng mất tăm, mất tích để thành con phù du Hoàng Cầm đầy thương tích như vết chém ngang thân ngựa Duyên Anh. ”Vết nội thương” ấy, Chu Văn Sơn thấy được và dùng ngữ ”còng số 8” – bộ khóa, khóa sự tự do – đầy ý nghĩa để gắn vào bản mệnh Hoàng Cầm với ba mươi năm chao đảo. Tác giả khi đi vào phần này lý giải rất nhẹ nhàng như ”kiếp sinh ra thế” (bản mệnh con người khi sinh ra đã thế), cũng chẳng ”vẽ đường cho hươu chạy” (moi thêm vết thương tâm của lịch sử văn học Việt Nam giữa thế kỷ XX), không ”vạch áo cho người xem lưng” (những huynh đệ đã ”xuống đao” không chút lượng tình) mà người đọc cũng hiểu ra: Tai nạn trên văn đàn “Nhân văn – Giai phẩm”. Đó là một cách viết thông minh. ”Oái ăm thay trái ngang làm nảy sinh trái lạ”. Quái ! ”Trái ngang” được úm ba la thành ”Trái lạ”. Thành ra, mặt trái của gã Phù Du si tình nằm hết ở câu chữ này. Có điều, gã tằn tiện từ ngữ quên rằng: Con số 8 kia từ 1958 đến 1988 là tròn ba mươi năm. Ba mươi năm này, ”Gã phù du Kinh Bắc” Hoàng Cầm như thân ”cánh hoa chùm gởi” của Quỳnh Dao, làm thân ve sầu bụng õng của La Fontaine kiếm ăn từ con kiến – chim Hoàng Yến (người vợ cuối cùng nuôi tác giả suốt thời gian bị tước quyền sáng tác), làm thân bói cá của Du Tử Lê nhưng… bói không ra một con cá nào. Thế mới nói: Không có chim Hoàng Yến vợ thì chim Hoàng Cầm chồng chỉ còn bộ xương khô làm gì có gã Phù Du lò dò ”Về Kinh Bắc” cho gã ”tằn tiện từ ngữ” Chu Văn Sơn viết bài! Cái chết thê thảm của Hoàng Yến vợ và Hoàng Yến con là nỗi đau một đời của Hoàng Cầm. Đó chính là vết thương chẳng thuốc thang gì trị được ngay cả thuốc tiên – thời gian!

Vậy, chúng ta cũng nên bổ sung thêm vào đây vết thương lòng: Một cho người tào khang cũng là ân nhân; một cho vụ tai nạn văn đàn. Độc giả qua bài ”Hoàng Cầm – Gã phu du Kinh Bắc” sẽ hiểu phần nào về vụ ”Nhân văn – Giai phẩm”, còn người từng hiểu biết văn học sẽ dừng lại ở ”Nhân văn – Giai phẩm”, ”Xuân thu nhã tập”, ”Thơ Trường loạn”… suy ngẫm vì những cái tên bất hủ đó đã tạo ra ”hội chứng xét lại” gây chứng ”nội thương” trầm trọng cho văn nghệ sĩ giai đoạn giữa thế kỷ XX. Vậy mà con Phù Du kia cũng không chịu lao vào lửa. Xem ra, nó ương ngạnh và thèm sống biết chừng nào!

Kiếp thiêu thân mà chẳng chịu để thân thiêu. Hèn chi tác giả ” Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” không bỏ lỡ cơ hội… tóm lấy nó đặt vào mục ”Một liêu trai trầm cảm”.

Đứng trên phương diện này, gã ”tằn tiện từ ngữ” cho rằng gã Phù Du đã trúng ”hai vết thương tâm. Một vết thương tình ái, một vết thương tình đời ” với ”Cái tôi trúng thương – Người tình hờ hững và thế giới là một Kinh Bắc chấn thương”. Ngữ nghĩa rõ ràng như thế ai nói làm gì, tự nhiên gã Tấm kia chọn ra từ ”liếm” trong ”liếm lành vết nội thương” nghe ra… bất ổn! Biết rằng ”cu Tấm” Chu Văn Sơn cố ý lựa từ nhưng thử nghĩ dùng ”tự vá lành” hoặc ”chữa lành” vết thương” thay vì ”vết nội thương” (nội thương thì làm gì thấy vết?) nghe êm ả hơn. Bởi thế, không gọi gã là ”kẻ tằn tiện từ ngữ” thì còn gọi ai vào? Người viết nghĩ rằng: Gã Phù Du kia lỳ đòn như thế thì nên để cho gã bỏ mặc vết thương lòng cho thời gian chạy chữa để quên ”Cái đau băm nát lời thơ máu trào” (Tinh anh thể phách – Hoàng Cầm). Đó cũng là một cách ”hờn lẫy” tình đời một thời rẻ rúng kẻ tài hoa.

“Về Kinh Bắc” để trị vết thương ung mủ. ”Về Kinh Bắc” để nghe lại lời ru quan họ ngọt mềm. ”Về Kinh Bắc ” để được thấy lại Hội Liêm tưng bừng cay đắng. ‘Về Kinh Bắc” để nhìn dòng sông có con chuồn chuồn khiêng nắng oan khốc sang sông. ”Về Kinh Bắc” để gió rót lời cùng mẹ quê hương thầm thì ”lầm rầm” trong ”Luân hồi” với “mười ngày không khóc“:

Con đấy ư
con đã về Kinh Bắc
Những cỏ Bồng Thi
với dế đầu si
Những lá Diêu Bông
với đôi xe hồng
luân lưu thụ thai qua chín đời
đằng đẵng
đến khi con lọt lòng

Kinh Bắc ngày đi là những đêm ”Tam cúc”. Kinh Bắc ngày về là những ”Lá diêu bông”. Kinh Bắc ”đi – về” mang uẩn khúc nào nguôi. Một tiếng lòng của gã Phù Du nghe sao thê thiết quá!

b. Tiếng lòng của ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc”:

Thơ là chỗ cất giữ hồn người. Thơ Hoàng Cầm tất nhiên mang bí mật hồn Hoàng Cầm. Tác giả không bộc bạch nhưng hóa thân đã tự giải trình. Người đọc được quyền chọn cách hiểu. Có ai biết hết lý lịch chữ ”Tình” trích ngang của Hoàng Cầm đã làm con tim Hoàng Cầm đau thương nhưng khiến cu Cầm kia ”cắn nhọn móng tay. Thơ cùm lim khắc máu” trở thành thi sĩ Hoàng Cầm mơ màng “Phiêu kỵ tướng quân” trong “Đèn nhang 1” oai phong:

Vùng chặt xích bẻ gông
phá cửa
cướp ngựa Hình Tham tri
phóng lên ải bắc
tưởng ngon lắm nhưng lại phải… ”né mũi kiếm vô hình xốc tới. Phanh hầm nhét vội một vầng dương” và ”tình nhỏ làm sao quên” đã bật ra lời thơ máu trào ”Về Kinh Bắc”.

Thâm Tâm ngoài đời thật sự có ”yêu sâu, đau nặng” chỉ một người con gái tên Kh. Hoàng Cầm… đào hoa hơn nên có vô số cái tên ”Chị Vinh, Nghĩa, Bắc, Phương Tuyết, Tuyết Khanh, Minh Xuân, Hồng Yến” lẩn quẩn giữa đời. Trong những giai nhân này, ai là người ”hóa đá” vì ”gã Phù Du?”. Hoàng Cầm có lẽ đã ghi dấu cuộc tình thời niên thiếu của mình vào ”Lá diêu Bông”, vào ”Cây Tam Cúc”. Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” tằn tiện từ ngữ Chu Văn Sơn đã nhanh tay, lẹ mắt… dòm ngó vào mối tình ”nhí ” từ thưở mười hai này, còn coi nó như ”trái tim non ôm những mối tình quá cỡ”. Bi kịch rồi còn gì!

Nhưng ”gã tằn tiện từ ngữ” Chu Văn Sơn đã không chịu buông từ thông cảm cho lý lẽ của Tình Yêu. Gã cũng làm như quên khuấy đi câu bất hủ biện minh cho tình yêu: ”Tình yêu không có biên giới” thì làm gì có tuổi tác, giai cấp ở trong? ”Vết thương” của Hoàng Cầm là sự đổ vỡ ”mối tình non nớt” theo gã tằn tiện và hắn cho vào nó thêm những hình ảnh thê thiết: ”Như cây lúa nghẹn dòng, cây chuối nghẹn buồng”. Ví von của gã hay đến buốt người vì dòng nghẹn này sẽ trào ra những giọt nước mắt nghẹn ngào!

Sau ba mươi năm bị cầm cố (tên Cầm xui xẻo thật), con phù du được thả ra, lảo đảo, chới với trước khi bay lên. Nó rùng mình biến thành ”chim cu về gù rặng tre” gáy bù những ba mươi năm treo bút. Ta hãy nghe… ông ngoại Hoàng Cầm tám mươi ba tuổi tâm sự: ”Điều đó chứng tỏ rằng từ sau khi đổi mới, có lẽ sức viết mình bị dồn nén lại trong ba mươi năm, cho nên đến lúc này nó lại bật ra, giống như cái lò xo, nó bật lên thì tất nhiên nó bật mạnh”. (Phỏng vấn Hoàng Cầm… Thụy Khê thực hiện trên đài RSI-2004). Thế nhưng, tiếng con chim cu gáy giữa trời tự do sao vẫn ”nghẹn” giữa quê nhà?

Theo Chu Văn Sơn là vì ”vết thương lòng” mà người viết thêm vào vì luyến tiếc ba mươi năm xuân hoài, xuân phí (ba mươi năm này là từ 1958-1988, tác giả bị ”treo bút”. Ta cần phân biệt với ba mươi lăm năm là từ 1959 -1994, ”Về Kinh Bắc” mới được phép in). Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” phát hiện ra ”Về Kinh Bắc” toàn những tiếng nghẹn: ”Không phải ngẫu nhiên, rải rác dọc đường về Kinh Bắc lại nhiều nấc nghẹn đến thế”. Thật ra, ”Về Kinh Bắc” còn ”nghẹn ” đến ba mươi lăm năm sau thì cả dòng tộc… Hoàng gia văn học Việt Nam mới chịu nhìn nhận ”đứa con quý tộc ngoài giá thú” này. ”Thế đấy, vết thương tâm trong gã phù du ngây dại kia không chịu lành sẹo. Cứ rỉ máu suốt đời thi sĩ”. Lê Anh Dũng trong bài ”Cảm thơ Hoàng Cầm” (giaodiem.com) nên đã ”rỉ máu” cùng tác giả:

Máu rỉ

đọng từng vũng bên sông!

Màu da, chủ nghĩa đời khô khốc…

Với Chu Văn Sơn, vết thương thứ nhất của con phù du là vết thương ”tình non” mà người viết đã bổ sung vào một vết thương ”tình nợ”. Vết thương thứ hai là ”Cú Nhân văn -Giai phẩm” (tình đời và tình người) không thêm bớt gì nữa cả vì tất cả sự việc trái ngang, oan khúc đã được Hoàng Cầm đưa vào sáng tác (thơ, truyện, kịch) dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã phát ra đầy đủ một tiếng lòng trong ”Vô đề” – Bài thơ mới nhất của Hoàng Cầm:

Người với người cắn nhau đau tội nghiệp

Tình với tình biền biệt những lìa xa .

Kết thúc những mối tình nghiệt ngã chỉ còn là hư không là ảo mộng là phù du trong ”Hai ngã”:

Anh đi về phía không em
Em đi về phía dài thêm bão bùng

Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi

Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóe nẻo đời chưa khô

Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn.

c. Ai là tội nhân thiên cổ?:

Thời đại, con người và tác phẩm không thể tách rời. Cho nên, khi Chu Văn Sơn viết ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” thì thời đại của Chu dẫu có ”mở cửa” thật nhưng cách nhìn nhận sự việc hay đánh giá kết luận một vấn đề, một thi phẩm, một tác phẩm, một con người… đều phải nằm trên một trục sẵn có. Có nhìn nhận gì, thấy rõ điều gì, người ta cũng ”né”, cũng ”tránh”. Ví dụ, nói Hoàng Cầm, gã phù du bị nội thương vì ”Cú Nhân văn – Giai phẩm” nhưng lại ”né” đi kẻ gây tiền án. Ghép tội ai đây ngoài việc chỉ đích danh những ”thiên lôi”: Nguyễn Đình Thi, Mạnh Phú Tư, Xuân Diệu hay cao hơn là Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm hoặc với hơn tám trăm vương tước từ các vương triều mỹ thuật, nhạc sĩ, nhà văn vào ngày 3/7/1958 biểu quyết kỷ luật cho bằng được những kẻ đòi quyền tự do trên văn đàn Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần…?

Người viết bài này chắc chắn rằng: Trong đội ngũ giảng dạy văn học mọi cấp, không ít những người chưa hiểu nổi cái gì là ”Cú Nhân văn – Giai phẩm”. Thậm chí, họ còn viết ”Nhân văn giai phẩm” là một ngữ. Đấy mới chính là ”vết thương tri thức”. Vết thương này không giới hạn ba mươi năm như Hoàng Cầm mà còn từ thế hệ này sang thế hệ khác vì họ đã không được hiểu đầy đủ và hiểu đúng. Tuy chả mang thân phù du như Hoàng Cầm mà Đỗ Mạnh Tuấn, Quốc Việt, Hoàng Giang Hoa, Trần Mạnh Hảo, Thụy Khê… cùng nhau lao vào đám lửa chưa bao giờ tắt nổi: ”Nhân văn – Giai phẩm” để cứu người hay thiêu người còn ”hãy đợi đấy”!

Chu Văn Sơn đồng cảm với Hoàng Cầm trong bài viết của mình: “Cũng bắt đầu từ cái ‘ngày khủng khiếp’ với ‘ngọn lửa hung tàn’, nhưng không phải do ngoại xâm phóng hoả mà do nội tình truy bức. Vì thế, cũng ‘bây giờ tan tác về đâu?’, cũng ‘bây giờ đi đâu về đâu?’, cũng những tan hoang rách xé, nhưng không phải sau cơn bão tố mà sau cơn đấu tố. Cơn đấu tố đã hoả thiêu cái thế giới Kinh Bắc của một tâm hồn phơi phới, biến nó thành Kinh Bắc của một tâm linh bị tổn thương. Khiến tất cả không còn là cái thế giới tranh Đông Hồ nguyên dạng, trái lại, đã bị thiêu hoá, bị hoá vàng thành một Đông Hồ trong cõi ảo sinh. Nếu Bên kia sông Đuống như là Kinh Bắc dương bản, thì Về Kinh Bắc là miền sông Đuống âm bản, một thế giới nghệ thuật mắc chứng trầm uất”.
Sau vết thương lòng làm cho: ”Máu… trộn vào nhau, rỉ đến đâu bầm hoen đến đấy”, gã phù du Hoàng Cầm trở thành… ”gã phù thủy u uất” theo tác giả họ Chu lẫn vào một thế giới khác: Thế giới Kinh Bắc với ”Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”, với ”Ngũ vị thi”, ”Tứ tượng thi” – đã chấn thương chìm vào ”cõi ảo sinh” để cho quên những tội nhân thiên cổ với những câu thơ rát như lửa bỏng trong “Đêm Thổ“:

Tràng mày xếch vòng cung
bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây

Se xót trong “Đêm Kim“:

Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên

Ngậm hờn trong “Đêm Mộc”:

Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng
Khế chua vôi bột lòng tay

Đau đớn trong “Đêm Thủy”:
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
Gài mảnh gương giàn thiên lý đợi tua rua

Nóng ran như “Đêm Hỏa”:

Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
Ngón tay di sợi chỉ nâu
Đồng cảm với gã phù du Hoàng Cầm, tác giả “Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc“ nhìn ra một “Kinh Bắc huyền sử với những lễ hội đình đám huy hoàng thì như đã thiêu hoá từ lâu, những âm hồn, âm binh đã đi cả rồi, đã vào cõi ảo sinh. Tất cả hiện ra như một Thiên thai bị đánh úp, một Kinh Bắc bị chấn thương. Một Kinh Bắc quằn quại qua nghìn độ lửa trong men đá vàng.
Cứ thế, cơn chấn thương đã biến thế giới tranh Đông Hồ tươi trong thành cõi Liêu trai trầm cảm”. Đặng Tiến trong “Thơ Hoàng Cầm – Truyền thống và hiện đại” cảm nhận: “Trong ‘Về Kinh Bắc’ Hoàng Cầm đã có những chùm thơ về lữ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Lại có chùm thơ về thực vật: cỏ, cây, lá, quả về không gian: Gió, Nước, Khói, Sương, chứng tỏ có lúc nào đó, nhà thơ đã suy nghĩ về chất liệu, tư duy từ chất liệu. Trong cội nguồn thi hứng của anh, phải chăng đã có những giấc mơ thành hình từ thể chất, như Bachelard đã nói?”
Hoàng Cầm chả quan tâm tới người ta bình thơ ông ngoại nát như tương chao vì ông… bận với “cơn chấn thương” nhận kỷ luật từ Nguyễn Đình Thi cùng vợ đẩy xe thơ về quê trong “Vĩ thanh”: “Tất cả… tất cả… tôi bơi, chìm trong tất cả da thịt quê hương, hồn phách quê hương. Quê hương Kinh Bắc. Và lời mở đầu cho tập thơ là một lời cầu khẩn từ đáy tâm linh thơ dại: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc”.

d. Tiếng cười bật ra và xót xa sau đó:

”Cõi ảo sinh” là cõi mà tác giả họ Chu đã để gã Phù Du ”gọi hồn về quá khứ thăng đồng” với những khói hương nghi ngút trang nghiêm thế mà làm người đọc không nín được phải… bật cười thành tiếng. Bởi vì, gã tằn tiện từ ngữ nhu mì kia đưa vào đoạn cái từ ”lầm rầm: ”Khắp tập thơ, cứ nghe thấy lầm rầm đến là nhiều tiếng khấn khứa nguyện thầm…”. Có thể nói, gã tằn tiện từ ngữ Chu Văn Sơn đã cùng gã phù du Hoàng Cầm ”thăng đồng”. Gã phù du ”thăng đồng” về Kinh Bắc trong nghẹn ngào. Gã tằn tiện ”thăng đồng” viết bình ”Về Kinh Bắc ” trong ray rứt… Gã phù du đang ”nghẹn”. Gã tằn tiện hô ”biến”. Ngay lập tức, cục đá nghẹn kia bật thành tiếng cười, phá vỡ nút chận quá khứ. Đấy là thuốc bổ đó thôi bởi ”nghẹn” lâu quá có mà… tắt thở thật!

Sự so sánh về cõi ”siêu sinh” giữa Hoàng Cầm và Hàn Mặc Tử được tác giả đặt ra: ”cùng giống và cùng khác” vì: ”Thơ Hàn mặc Tử là thơ cầu nguyện (khá gần với tín ngưỡng Ki Tô giáo), còn thơ Hoàng Cầm là thơ khấn nguyện (rất gần với tín ngưỡng dân gian và Phật giáo)? Có nhẽ thế, mà không phải ai cũng chịu nổi cái âm khí nặng nề e chừng ngột thở ở đấy chăng?” Đúng hơn, người đọc có thể cảm nhận thơ Hoàng Cầm đi mây về gió nhưng ít… rờn rợn như thơ Hàn. Hàn Mặc Tử theo đạo Kitô, sống hết kiếp bất hạnh ở Quy Hoà – thánh đường của kẻ phế nhân nên có tiếng Kinh cầu. Kinh Bắc là quê hương của Hoàng Cầm, của Phật giáo Việt Nam nên gã Phù Du kia có ”lầm rầm” khấn vái thì cũng theo nghi thức, theo truyền thống quê hương mà thôi .

Khắp tập thơ ”Về Kinh Bắc”, ngoài từ ”lầm rầm” khấn nguyện, ta lại nghe thêm tiếng ”rền rĩ ” mà tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” dùng cho Hoàng Cầm trong nội dung ”về” và ”đi” để lý giải cho thế giới phù du của Hoàng Cầm xem ra khá sâu sắc “Đọc Về Kinh Bắc, người này thấy từ “về” nhiều, người khác lại thấy “đi” nhiều… Có ngẫu nhiên đâu, khi tập Về Kinh Bắc kết thúc bằng nhịp cuối cùng: về với ta (rốt cuộc, về Kinh Bắc chính là về với ta), chen cài vào giữa, là hai nhịp “Rồi cùng đi tất cả”, “Rồi lại đi”! Và rền rĩ khắp cả tập là âm hưởng “Đi xa”, “Đi mãi”… đi chìm khuất vào cõi khác. Đi là mất hút, là đuổi theo cái gì vô vọng: “Rồi cùng đi tất cả”, “Bé dại đi rồi”, “Lẽo đẽo em đi vườn mai sau”, “Đi đầu non cuối bể”, “Sớm mai đi”, “Rồi lại đi”, “Đi mãi”, “Trai cầu vồng Yên Thế đã đi”, “Trai Thời Trần đã đi cả”, “Bờ mi em rớt ánh sao / Em đi chân đất khuất vào cõi anh”… Hai động thái/động hướng trái ngược, nhưng không phải không có lúc đồng nghĩa. “Về” là về quê, về cội rễ, về với bản thể mình. “Về” nguồn cội lại cũng là “đi” tuần du. “Đi” cũng có nghĩa “về” khi nó chỉ việc rời bỏ cái thế giới phù sinh, cái thực tại trầm luân phản trắc này. Cái Tôi “về ” là về Kinh Bắc, còn những hình sắc Kinh Bắc “về” là về trong giá đồng”.

Mỗi tác giả nghĩ, tìm tòi, viết về ”Về Kinh Bắc”, về Hoàng Cầm như Vũ Quần Phương, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Mỹ Ý, Trần Công Nhung, Nguyễn Tiến, Nguyên Vũ… đều có những điểm khai thác nổi bật riêng và họ đã thành công.Ví dụ như Thụy Khê, ”Về Kinh Bắc” qua cách nhìn của Thụy Khê là ”sa mạc” và ”Sa mạc Hoàng Cầm trong mắt Thụy Khê: ”Thơ hoàng Cầm trải dài trong sa mạc trần gian, lấy hồi khứ làm điểm tựa. Lấy về làm khởi bút của bi kịch. Về trong không gian. Về trong thời gian. Về lại đất xưa quê cũ. Về viếng dĩ vãng, về hỏi tuổi thơ, về lại cuộc tình, về thăm lịch sử, về với những thời đã mất: ”Về Kinh Bắc”:

Cuối lạy mẹ con trở về Kinh Bắc

… Đê mười tám khúc Văn Giang

Chuông Bách Môn đổ xô gò má

Mây thành thổi lửa

Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân

Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ

Thoắt chìm

Gấu đẩy đá Thiên Thai…

Thoạt nghe giọng thơ ngắt ngúc, người đọc khó mà cảm nhận đến chín mùi giọng thơ gã Phù Du. Hình như gã Hoàng Cầm này chả lựa chọn từ ngữ chi ráo, nghĩ sao viết vậy mới ảo tưởng có ai đó đọc thơ cho mình chép. Ui da! Câu chữ khó hiểu muôn trùng! Hình ảnh, hình tượng dùng búa xua. Nếu có thời gian, người viết nghĩ toàn bộ câu chữ Hoàng Cầm cần… xem lại. Có ép tới, ép lui thay tên đổi họ gì thì nghệ thuật thơ của gã phù du Kinh Bắc cũng chỉ ngắn gọn ở: Cấu trúc tự do. Hình ảnh nhân hóa. Ngữ nghĩa hoán dụ. Hình thức ngụ ngôn. Câu chữ ngang ngược.

Trở lại ”Sa mạc Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc”, Thụy Khê đã nhìn ra bước ”về” của gã Phù Du nhưng chưa thấy bước ”đi”. Với Chu Văn Sơn, ”Về Kinh Bắc” qua lăng kính phù du của anh (sau vết thương lòng từ gia đình, anh đã kịp nhận ra: Đời phù du), từ ”về” cũng chính là từ ”đi” theo hai nghĩa âm chìm, dương nổi. Cuộc đời có sinh tất có diệt, có vui ắt có buồn, có hạnh phúc sao không có khổ đau, có chìm có nổi sao không có về mà chẳng có đi? Tới đây, ta đụng vào ngưỡng cửa Phật giáo ”sắc sắc không không” đúng là thế giới của Kinh Bắc ngày xưa ấy mà gã Phù Du Hoàng Cầm buột lòng phải câm nín mà sống:

Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc

Con không cười

Con thoảng nhớ thoảng quên

… Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng

… Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt

…Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa

… Trăng lên chém đầu ngọn gió

Cành si bưng chậu máu chát chao…

Dư âm Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm được tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” gom lại là: ”Hai thế giới Kinh Bắc trộn vào nhau bởi những cơn đau: Kinh Bắc thực tại thì như sau cơn bão, bầm giập, rách tướp; Kinh Bắc huyền sử với những lễ hội đình đám huy hoàng thì như đã tiêu hóa từ lâu, những oan hồn, âm binh đã đi cả rồi, đã vào cõi ảo sinh. Tất cả hiện ra như một Thiên Thai bị đánh úp, một Kinh Bắc bị chấn thương. Một Kinh Bắc quằn quại qua nghìn độ lửa trong men đá vàng”. Cõi ”Liêu trai trầm cảm” chính là ”thế giới tranh Đông Hồ, thế giới Kinh Bắc chấn thương”. Chữ nghĩa văn hoa của Chu Văn Sơn cũng bị cơn bão chấn động Kinh Bắc dạt vào ”lãnh cung siêu thực”

II. NHÀ ẢO THUẬT “GÃ PHÙ DU KINH BẮC ”:

1. Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc”:

Quái kiệt câu chữ ”siêu, thực” và ”kết tinh” của ”chiêu thức Nghi trang – Phục binh”:

Đọc đến mục thứ tư (Thi pháp “thực” gợi thế giới ”siêu”) của Chu Văn Sơn, người viết đã gặp sự ”phiền phức” của phần ”Thi pháp – Bút pháp” văn học mà các bậc tiền bối đã sắp khuôn khổ câu chữ đâu vào đấy cả rồi. Phiền phức này đã qua những cuộc ”thử bút” không kém phần hấp dẫn như những pha chưởng kiếm hiệp Kim Dung .

Nếu Hoài Trân, Phan Huy Dung cho rằng: ”Dòng chảy của thơ Hoàng Cầm trước hết là dòng chảy lãng mạn… Thơ Hoàng Cầm cũng thấp thoáng nét tượng trưng, thậm chí siêu thực… ” thì lập tức… đụng đài Trần Mạnh Hảo. Chàng dũng sĩ thành Nam gạt phăng: ”Về Kinh Bắc chẳng dính dáng gì đến tượng trưng và siêu thực cả vì tượng trưng và siêu thực là những trào lưu sinh ra để phủ nhận chủ nghĩa lãng mạn… ”. Thế là ”chưởng” qua, ”chưởng” lại chỉ tội nghiệp độc giả xem… mờ mắt chứ các ”vương tôn công tử hoàng gia” có bao giờ ”ghé mắt” coi cho biết ”chúng nó viết, chúng nó ‘chưởng’ nhau vì chuyện gì thế nhỉ?”.

Chốn vương triều đã quen với những văn bản ”Hồn Trương Ba, da hàng thịt ” bao đời nay. Thế giới ”siêu” hay ”thực” có nhằm nhò gì đến họ. Nhưng những nhà nghiên cứu nào dễ dàng bỏ cuộc. Cuộc chiến chưa phân thắng bại vẫn còn tiếp diễn rôm rã như thời ”Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” mà nhóm Hải Triều ”long tranh, hổ đấu” cùng nhóm Hoài Thanh, Phan Khôi giữa thế kỷ XX. Một luận điểm, một câu chữ nào muốn bất hủ cũng qua đấu tranh một mất một còn mới thành chân lý. Những người lính ”tiên phong” trên mặt trận không tốn đạn chì nhưng tốn giấy trắng đen, hao mực xanh đỏ và tiêu hao chất xám hoang phí như thế cũng đáng cho ta phục lăn, phục lốc, dở khóc, dở cười vì ”ngao chẳng thua cò và cò chả ngán ngao” và chẳng biết ai là kẻ ”ngư ông đắc lợi”?

Người viết chọn hai ý tổng hợp dung hoà từ ý của các ”vương tước” trên: Dòng chảy thơ Hoàng Cầm là dòng chảy lãng mạn mà “Về Kinh Bắc” chẳng hề dính dánh gì đến tượng trưng và siêu thực cả. Hiểu nguyên văn như vậy, không dám thêm thắt gì nữa kẻo La Martine, A FFre de Musset (trường lãng mạn Pháp) và Verlaine, Baudelaire (tượng trưng, siêu thực Pháp) cười rằng: ”Dốt ngoại ngữ còn hay nói chữ”. T cứ ”tắm ao ta” với quan niệm ”bắt cá ao nhà dễ hơn trộm tôm hàng xóm” để tìm ra thi pháp một tác giả. Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” đã mang gươm đội mão ”một mình, một ngựa” tiến về con đường ”siêu” gợi ”thực” như thế nào?

Hú vía, lần này, gã tằn tiện từ ngữ đã không xoáy vào ”siêu” (thị), ”thực” (phẩm) mà đi vào làm phép thống kê 48 bài thơ +1 trong ”Về Kinh Bắc” để tìm ra thi pháp Hoàng Cầm: Tước bỏ những từ quan hệ (tức liên hệ từ “như”). Ví dụ: ”Ta con bê vàng lạc ráng chiều xanh đi mãi tìm sim chẳng chín, Ta con chào mào khát nước về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm, Ta con chim cu về gù rặng tre đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng, Ta con phù du ao trời chật chội đứng cánh bèo, đo gió lặng tìm sao…”. Ta thấy lại chữ nghĩa của ”cu Tấm” nhặt thóc: ”Người khác có thể chỉ tước bớt. Hoàng Cầm thì quá tay hơn, đã vặt trụi hết tiệt những chữ ‘như’ ấy. Thế là hợp cách, hợp vía. Lại ra hẳn một nét thi pháp, một độc chiêu. Lạ”. Tác giả gọi ”quan hệ đồng nhất” giữa ”vật” và ”ảnh” đồng thể hoàn toàn dẫn đến một chiêu mà tác giả cho là ”đặc sắc”. Đó là chiêu pháp: ”Nghi trang – Phục binh” nghe lạ hoắc, lạ hơ. Ta có thể hiểu nôm na như kiểu đánh ”Hư trận” mà các nhà chiến gia thời xưa hay sử dụng kế ”Nghi binh”. Ví dụ như trận chiến Bạch Đằng, Ngô Quyền năm 938 đã sai lính vót cọc nhọn cắm xuống lòng sông dụ binh Hoằng Tháo và Trần Hưng Đạo năm 1288 cũng theo kế này để dụ Ô Mã Nhi vào ”đánh úp”. Như kiểu ”dương đông, kích tây” mà Nhật đã dùng với cú đánh chìm hơn nửa Hạm đội 7 oai hùng nhất thế giới của Mỹ trong trận Trân Châu cảng năm 1941 cũng na ná như thế làm kẻ địch chẳng biết đương mô mà lần! Câu chữ của gã tằn tiện nghe kiêu kỳ quá thể nhưng cũng chỉ là một kiểu: Hình tượng hóa ngôn ngữ, sử dụng hình ảnh ẩn dụ với nghĩa thật tả cảnh, nghĩa chìm… xỉa vào tim kẻ có tim khô. (với kẻ không tim thì ngón ”xỉa” này như chỉ xỉa vào… nước đá).

Hãy xem khi Hoàng Cầm viết những câu đầy ẩn dụ và nhân hóa cay đắng:

Đã ủ men xanh giấm lá chìm

Bỗng chồi gai sắc nhọn xuyên tim

thì gặp ngay: ”Bộ xương cá bống là dao nhọn. Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông” của Duyên Anh. Tư tưởng lớn gặp nhau không nói gì, đây tư tưởng ”sụn bà chè” vì thời cuộc mà cũng kiếm đàng gặp nhau! Có lẽ quả đất tròn nên văn thơ cũng khó mà méo! Người có tâm hồn nguội lạnh cỡ nào mà không nhận ra từ ngữ chua chanh, chát khế ”gai sắc nhọn”, “đâm nát hồn ta” kia đã ”rủa xả” vào những nguyên nhân gây cảnh ”phế nhân” không do trời tạo! Kênh chữ mà tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” cho rằng:” Rất ghê, rất sái, rất gở” như :

Cây ổi giơ xương chống đỡ

mùa đông sụp về đánh úp.

… Gió mất chuồi xuân đay nghiến lũy tre gầy.

Giếng ngọc ễng ương quát đêm tiền sử

… Chim vàng phải tên bụng giận mình bay quá cao

… Trăng lên chém đầu ngọn gió

cành si bưng chậu máu chát chao.

Thật ra, chúng chỉ là ngụ ngôn La Fontain thêm chút nhân hóa Việt Nam đấy thôi! Những oan khiên, thương tổn, nói trắng quách ra giấy là nỗi đau của kẻ bị ”bẻ bút” thành phế nhân. Những phế nhân này cầu cứu vào cổ tích như Duyên Anh chẳng hạn: ”Thấy chân cổ tích đi trên lá. Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang”. Bên cạnh những câu ”rất ghê, rất sái, rất gở ” ấy hay những câu nghiêm túc, đàng hoàng như: “Cuối lạy mẹ con trở về Kinh Bắc, Chiều xưa giẻ quạt voi lồng” thì cũng có những câu gợi hình khá kỳ cục như vô lý mà rất dễ thương trong ”Về Kinh Bắc” :

Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc

Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông

Câu quái gỡ này nhắc ta nhớ về trò chơi kéo mo cau ở vùng quê lắm cây nhiều cội. Ta có thể hình dung dòng sông Đuống (cho như vậy) nghiêng mình nhìn theo con chuồn chuồn ỳ à, ỳ ạch khiêng nắng qua thân mình mà không khỏi cười thầm: Khá nghịch ngợm đấy! Chao! Công việc nhẹ nhàng như gió thổi… sợi tóc mà nghĩa trên câu chữ lại quá nặng nề đặt trên thân con vật nhỏ bé với công việc quá sức tải của mình. Câu chữ vô tình gợi ta liên tưởng về những câu tục ngữ ca dao quen thuộc: ”Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Con chuồn chuồn của gã phù du ở dạng nào? Râm buồn. Mưa ướt. Chỉ có nắng mới ấm lòng. Vậy là con chuồn chuồn này cũng ao ước được vượt lên cao. Động từ ”khiêng” nặng nề lại đi với danh từ ”nắng” nhẹ tênh thật nghịch lý (không cân đo đong đếm cũng chẳng nắm bắt gì được cả). Thành thử, câu thơ ngụ ngôn kia cũng chỉ là hình thức ”nổi” (ai cũng thấy) để cõng nội dung ”chìm” (ít ai nghĩ) bay qua dòng sông cuộc đời cay đắng dẫn đến một ”kết tinh” tình ý được ”nghi trang” bằng con bài ”phục binh” mà gã tằn tiện họ Chu như cố tình để riêng một cõi .

2. Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” với ”Một kết tinh” từ ”Cây tam cúc”:

Sau đoạn viết về ”Kinh Bắc bị chấn thương”, đây là những trang phân tích có những đoạn rất ”chín” của Chu Văn Sơn. Ở mục ”Một liêu trai trầm cảm”, gã tằn tiện này có nhắc đến một trong hai ”vết nội thương” của gã phù du Kinh Bắc là mảnh ”tình nhí” qua ”Lá diêu bông”. Trong mục này, gã hóa thân ”cu Tấm” kia đã dành riêng phần đất cho mảnh tình nhí này qua ”Cây Tam Cúc”.

Nếu người chị trong thơ Nguyễn Bính là chị Trúc thì gã phù du Hoàng Cầm có chị Vinh trong ”Lá diêu bông” mà Trần Công Nhung thần tượng: “Lá Diêu Bông mãi mãi là một huyền thoại. Huyền thoại không có trong đời thường mà sao ai cũng thương cũng nhớ, cũng muốn hiểu muốn tìm”. Huyền thoại lá Diêu bông chưa qua, huyền thoại cây Tam Cúc đã tới.
Vậy người mà cu Cầm một ”Chị”, hai ”Chị” xưng ”Em ” là chị nào? Không ai biết thì người chị ấy chỉ là người chị của thi ca mà thôi nhưng Hoàng Cầm đã thú nhận trong “Vĩ thanh: “Chị Vinh võ vẽ chữ nho, đọc thông Quốc ngữ, người quê gốc cũng Tiên Du, nên hát quan họ thì làm mê người ta ngang với nhan sắc của Chị. Chị cũng thừa biết thằng bé con này nó mê đắm mình nên Chị cứ hay trêu đùa, lắm lúc tôi phát khóc, nhưng cũng nhiều giờ phút tôi có một hạnh phúc không gì sánh bằng là được Chị Vinh cho ngồi sát bên Chị, chầu rìa những cuộc chơi tam cúc ngày Tết, ngày xuân hay ngày hội”. Đành chép miệng chẳng thà không phải mà hay! Biết rồi thì còn thần thoại gì nữa! “Hoàng Cầm – người ‘chép’ thơ của cõi vô hình mà báo thanh niên phỏng vấn đã gọi với trái tim chẳng ngủ yên bao giờ vì “vô thức“!

Tôi thật sự chẳng biết gì về cây Tam Cúc ”mép cong cong” của ”cu Cầm” (mới hơn mười đã bày đặt yêu iếc, không gọi… cu Cầm hổng lẽ gọi… cụ Cầm?). Theo tôi, đây là một trong những bài thơ có câu chữ hai nghĩa của Hoàng Cầm hay đến độ… chẳng hiểu gì cả!? Toàn bài thơ chả có vần điệu dù chỉ để gọi là. Nó như bài văn đồng dao. Nó cũng xem xem như ”Đánh cờ” của Hồ Xuân Hương nhưng ”thanh” hoàn toàn không ý ”tục”. Nó như con cờ cứ dập dập, giật giật theo tay người chơi bạc. Đọc mà… tức điên!

Sự tinh con mắt, sắc nét nhận diện của gã tằn tiện đã nhìn ra ba ý nghĩa qua canh bạc đỏ đen này: ”Canh bạc trẻ con. Cuộc tình thơ trẻ. Canh-bạc-đời” được ”tải” qua hai mạch thơ: ”Mạch việc và mạch tình” được hiểu như canh bạc thật đi với canh bạc đời và canh bạc tình em bày tỏ. Tác giả phân tích thật nhập tâm từ chỗ làm nổi bật ”tình em” trước sự đui điếc (có thể giả vờ mù chột) của ”người chị ”:

Chị gọi đôi cây!

Trầu cay má đỏ

Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

Thằng Em này quả ”nhí” nên… ngu hết ý! Chị gọi ”đôi cây” là ”cây đôi” đó thằng nhỏ. Miếng trầu gợi nhân duyên của Hồ Xuân Hương sao thằng Em dốt quá không chịu ”quệt” để ”kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”. Mày ”ngốc” quá thì Chị ”lên xe bông về nhà chồng”. Thằng Em mê Chị trối chết nhưng chỉ biết ”Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm” thể hiện như một em bé thèm hơi ấm mẹ đến chán! Sự ngu ngơ của nó quá rõ hơn khi nghĩ rằng Chị đi vì nó đã lớn nên nó van nài: Em không lớn nữa Chị đừng bỏ đi! Trời ơi! Người Chị này mong mày ”nhớn” cho mau mà hiểu câu Chị ”gọi đôi” nhưng mày cứ hết lần ngu này tới lần dốt khác. Xuân thì năm tháng tàn phai. Lấy chồng kẻo uổng hình hài mẹ cho. Chờ hết nổi, chị đi lấy chồng.

Chu Văn Sơn nặng về canh bạc tình đời: Tình chị ”đui điếc” dẫn đến sự thất bại của Em ở ”cầu duyên ” và Em ngã sấp vào ”bi kịch” (tức là quyền uy của bọn tướng điều sĩ đỏ). ”Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”. Thật buồn đến ngẫn ngơ! Tác giả viết: ”Rốt cuộc, tiếng gọi của Em chỉ là những tiếng chới với rơi hút vào hư không, tan loãng vào vô định… Chị ngoái lại phía sau, chả có lần nào Chị nghe thấy trong gió, dù mờ nhạt, mơ hồ, cái tiếng gọi đôi của đứa Em này!”. ”Tình già” của Phan Khôi cũng không có mà ”tình nhí” của cu Cầm cũng hóa gió mà bay. Gã Phù Du Hoàng Cầm đã tạo ra thêm một thứ tình phù du cay đắng quá. ”Quái kiệt” của Hoàng Cầm mà Chu Văn Sơn phát hiện chính là nghệ thuật tạo sắc ”hồng” lãng mạn (một tình yêu vô tư, một tình yêu không có vàng bảo đảm) và ”vàng” (cao sang quyền quý tột đỉnh) trên sự tương đồng có sẵn của màu ”đen” và màu ”đỏ” đời thường. Tác giả đã làm người đọc hài lòng với kết thúc: ”Cây Tam Cúc xứng đáng là cái giá đã trả được cho khối tình nghẹn của gã phù du Kinh Bắc Hoàng Cầm”.

Thế nhưng, cái thiếu thiếu của Chu Văn Sơn về câu đầu và câu cuối bài thơ:

Chị gọi đôi cây!

Trầu cay má đỏ

… Em đứng nhìn theo Em gọi đôi .

Chị tỏ lòng cùng Em ở câu đầu. Khi Em hiểu ra ”đôi cây ” của Chị và lời biết ” tỏ lòng” bật ra ”Em gọi đôi” thì đã quá muộn màng. Mối tình này đã đi vào kết thúc không có hậu không giống như trong ”Men đá vàng ” và nó cũng chẳng còn ”nhí ” nữa. Em đã van Chị ”đừng đi” khi Em không muốn lớn nhưng nay Em quên lời khẩn cầu, Em hiểu ra từ ”đôi ” nghĩa là Em đã lớn thì Chị đi là hợp lẽ. Chị không quay đầu lại là phải. Trong canh bạc đời, đi có thể quay lại nhưng trong canh bạc tình, đã đi là không bao giờ ngoái đầu nhìn lại. Chiếc võng mây trôi kia có làm bằng vàng ròng 9999 hay làm bằng mây trời đan kết cuối cùng cũng… trôi tan.

Tình phù du hơn bảy mươi năm trước. Đời phù du hơn bảy mươi năm sau. Ông ngoại Hoàng Cầm đã tâm sự: ”Trong một vài năm nay, thơ tôi nó buồn một cách… như vũ trụ này sắp tan đi đâu đấy… những cái như là tình yêu, thương nhớ… “.

Tôi thích câu nhận xét của Đỗ Lai Thúy về Kinh Bắc: ”Về Kinh Bắc là vũ hội hóa trang” nhưng… xanh mặt khi Đỗ Lai Thúy viết về mối tình thơ dại xiết đổi thương tâm của cậu bé mười hai, mười ba tuổi trong “Phân tâm học và phê bình văn học ở Việt Nam“: “Trở lại với những bài thơ Em – Chị, có thể thấy được sơ đồ cảm hứng của tác giả: có sự ham muốn tình dục với một người lớn tuổi hơn, muốn cưới để thỏa mãn ham muốn này trong sự hợp thức hóa (Cây tam cúc), nhưng không được người nữ chấp nhận (Lá diêu bông, Quả vườn ổi) và cũng không được xã hội chấp nhận vì không hợp lẽ và nguy hiểm (Cỏ bồng thi), nên rơi vào tình trạng nước đôi, vừa yêu vừa ghét, vừa thương mến vừa hờn giận, vừa muốn quên vừa mong nhớ (Nước sông Thương). Đây cũng là cấu trúc cảm hứng của toàn bộ tập Về Kinh Bắc, rộng hơn toàn bộ sáng tác của Hoàng Cầm. Tình yêu của Hoàng Cầm với chị Vinh, một người chị lớn tuổi, không chỉ đơn giản là tình yêu trai gái thuần túy, mà còn là sự phóng chiếu của một mối phức tâm khác, mặc cảm Oedipe”.

Trong tự truyện, tự khai, tự kể của Hoàng Cầm, đâu có thấy ông ngoại có ý ”Ham muốn tình dục với một người lớn tuổi hơn muốn cưới để thỏa mãn ham muốn này trong sự hợp thức hóa” ? Cây bài Tam Cúc mỉm cười. Thế gian có mấy người biết nỗi lòng người trong cuộc nên tình yêu – tờ giấy trắng – đã nhúng phải mực chàm vấy bẩn vô lý. Hoàng Cầm đã không nổi giận sao ta lại giận nổi Đổ Lai Thúy? Hiểu sai hay hiểu chưa chín cũng là một cách hiểu!

Chu Văn Sơn viết: ”Bản lĩnh già dặn của một thi sĩ là biết tiết chế tình cảm của mình” nhưng Hoàng Cầm chẳng cần cái bản lĩnh già dặn ấy vì Hoàng Cầm Phù Du đã bật ra ”99 tình khúc” với ”cái đau băm nát lời thơ máu trào”:

Anh đi về phía không em

Anh đi sắp đến vô cùng .

Gã Phù Du ”cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc” và cúi lạy mẹ khi ”Máu đổ. Mây đùn. Gió lộng. Sớm mai đi” và “xé trang luận ngữ, lau gươm lên đường”.

Con đường gã Phù Du đi lần này chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại nhưng cái câu của tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” viết: ”Thi ca muôn đời vẫn tiềm ẩn một nội lực vô song’‘ thu hết phần ”thể phách tinh anh” của con người khi con người phải trả về cát bụi. Một cõi đi – về vĩnh cửu. ”Đi” hay ”Về” đã thành một nghĩa ”tan vào cõi phù du” khi nó là động từ đồng nghĩa, khác âm .

Tổng kết bài viết của mình, Chu Văn Sơn ngắn gọn: “Chao ôi là những vết thương! Có kẻ nào lại muốn mình bị trúng thương, dù có là những gã phù du khờ khạo? Chẳng qua do những mũi tên độc bay ra từ bóng tối! Đã không thể tránh, thì cũng không thể chết! Thi ca phải tự cứu mình, phải tự liếm lành vết thương mình chứ còn biết làm sao. Bị tước đoạt thực tại, thơ ca tất phải tạo ra thực tại của mình để tồn sinh. Kẻ bắn lén không thể ngờ, từ vết thương sâu, lại nảy mầm sáng tạo, lại nở ra những đóa thi ca, lại tượng hình những thi pháp. Thi ca muôn đời vẫn tiềm ẩn một nội lực vô song”.

Văn học Việt Nam hiện giờ nào có thiếu người “bắn lén” như thế! Đó cũng là cái đáng sợ nhưng rất đáng… mừng! Bởi vì, nó sẽ “từ vết thương sâu, lại nảy mầm sáng tạo, lại nở ra những đóa thi ca”.

3. Gót chân Asin (Achilles tendon) và chút cảm nghĩ:

Thần thoại HyLạp có Asin mình đồng da sắc, nói như các nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung: Dù luyện công đến mức ”thượng thừa” vẫn có ”huyệt hở” mà người ta gọi là ”yếu điểm”. Asin mới sinh được mẹ là nữ thần bất tử Thetis tắm trong lò lửa nhưng cuối cùng chàng ta đã bị kẻ thù đâm vào gót chân – chỗ mà nữ thần mẹ đã quên không tắm bằng lửa .

Đọc những sáng tác, công trình nghiên cứu của Chu Văn Sơn (Linh Thi) về các tác phẩm, tác giả như: Ba đỉnh cao Thơ Mới, Tinh hoa Thơ Mới -Thẩm bình và suy nghĩ, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Thảo… và những bài viết cho sách giáo khoa phổ thông trung học, có thể nói bài biết về ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” là bài viết đi vào người đọc nhẹ nhàng mà sâu lắng hơn. Anh đã dùng nhiều từ ngữ với hóa thân nàng Tấm chọn lọc và sử dụng kỹ càng. Nhiều từ ngữ đã như chìa khóa mở tiếng cười vô tư, thông cảm, bằng lòng mà người viết đã dẫn trong bài. Nhưng cũng vì quá chú trọng câu chữ mới nên bài viết của anh đã có những… vết xước.

Tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” cũng đã có ”gót chân Asin” khi sử dụng những từ ngữ gây ”xốc thuốc” cho người đọc. Bên cạnh những từ hợp ngữ cảnh như: ”lầm rầm”, ”rền rĩ ” đi kèm tiếng kinh cầu, lời khẩn nguyện hay ”vặt trụi hết tiệt” đi kèm câu loại bỏ từ so sánh ”như” rất hay còn rất nhiều trong văn bản. Ví dụ như: ”Khóc như tự vấn tự đay, tự hành tự huỷ”. ”Chữ đau, chữ đắng, chữ xót cài cắm đó đây bỗng chồi gai sắc nhọn xuyên tim, thậm chí như cật nứa, như thuỷ tinh, như mũi tên bất chợp chồi lên bắn chết chiều mai ráng đỏ vậy…”. Khổ nổi, bên cạnh những câu chữ như ”một kết tinh” của sự miệt mài cày xới duyên dáng, mượt mà, tự nhiên, trau chuốt, anh hay để lại những ”vết lông ngỗng” thể hiện rõ qua bài viết lần này như ngữ: ”Liếm lành vết nội thương” nghe ”nhột nhạt” với câu dễ gây ngộ nhận sai lạc như: ‘‘Nhiều con thú cùng bị săn đuổi thời ấy đã chọn những nẻo về khác nhau”. (Nó cũng giống như ”Thi pháp thơ điên” khác ”Thơ điên” mà anh dùng trong ”Ba đỉnh cao Thơ Mới ” trong mục Hàn Mặc Tử). Lần này, nếu người đọc, đọc không kỹ sẽ cho anh dám đánh đồng người và thú vật. Những từ chưa rõ nghĩa khác như ”nguyên uỷ” (là ”nguyên thủy”?), ”tiết chế” (hay ”ức chế ”?) hay ”lẩn mẩn lượm bỏ”(chắc là ”tẩn mẩn” và “lẩn thẩn”) hoặc ”nhóng nhánh chất kim sa” (có phải là ”lónh lánh” quen thuộc ?) ”bài cao thủ” (tay cao thủ mới đúng)… chưa rõ nghĩa và những khi đi tìm câu chữ mới, nội dung mới anh dẫn dắt người đọc vào muôn trùng…

Cái làm tôi ”tiếc vô hạn” là khi anh… hạ bút về mối tình thơ nhất, nhỏ nhất, hồn nhiên nhất, đáng hâm mộ nhất trong ”Cây Tam Cúc”, ”Lá diêu bông”. Anh thản nhiên cho nhân vật “Em” yêu ”Chị” là: ”Thứ tình ngây ngô mà chứa chan nhục cảm là đã ‘lệch chuẩn’ rồi”. Lời đánh giá này vô tình đưa anh gặp Đỗ Lai Thuý, người đã mang ”nhục cảm tình dục” vào thơ Hoàng Cầm.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Mối tình trong hai bài thơ đó hoàn toàn trong trắng và quá đổi thơ ngây không vướng víu một chút nào tới ”nhục dục” hay ”tình dục” gì. ”Không ở trong chăn sao biết chăn có rận?”. Đời không lận đận làm sao biết người hận đời? Không yêu thời tuổi thơ làm sao biết tình yêu kia chỉ là ”bài thơ” của tuổi nhỏ? Lê Mỹ Ý trong ”ThơHoàng Cầm và những ‘chiếc lá diêu bông’ ” cũng đã thấy: ”Thơ Hoàng Cầm mượt mà như một làn điệu dân ca, lại có tha thiết quyến rũ bồng bềnh và cũng lắm lúc hồn nhiên… khó cắt nghĩa rõ ràng của một tâm thức luôn hướng về những gì tưởng… ngây thơ lắm… như mộng ảo”.

Thơ tình yêu của Hoàng Cầm lãng mạn thật nhưng không giống như thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương… hay thì có hay nhưng ít nhiều mang nét trần trụi. Thơ tình yêu của Hoàng Cầm nói chung và trong ”Cây Tam Cúc”, ”Lá diêu bông” nói riêng rất hồn nhiên và ngây thơ không thể phủ nhận bằng cách nghĩ đầy ”nhục cảm” nhưng quyền hiểu biết về một tác phẩm là quyền tự do còn lại của con người.

Giá trị thật sự khi đánh giá một bài viết, một tác phẩm, một công trình… là phải nhìn bao quát trên tổng thể. ”Hoàng cầm – Gã phù du Kinh Bắc” của Chu Văn Sơn có giá trị văn học nhất định là đã mang lại cho văn học Việt Nam thêm một tác giả đã từng bị lịch sử văn học bỏ quên với những nội dung đáng được có của Hoàng Cầm: Kiếp phù du giữa cõi đi – về của cuộc đời với một ”thế giới Kinh Bắc” trước và sau ”cơn chấn thương” cùng những canh bạc tình, đời nằm trong những câu chữ được núp bóng khéo léo. Anh đã nêu ra được ”Vết thương lòng” của Hoàng Cầm chính là bị ”Cú Nhân văn – Giai phẩm”. Những ”vết xước văn học” hầu như ai cũng có nhưng nếu có thể nhìn nhận để bài viết sau tránh lập lại thì người yêu thương và có trách nhiệm với văn học không bao giờ cảm thấy phật lòng. Hoa hồng cái nào cũng đẹp, cũng thơm nên không sao tránh khỏi sâu bọ. Cứ nghĩ sâu bọ cũng khoái cái đẹp mà vững vàng ngọn bút tỉa lá hư chứ không ”vạch lá tìm sâu” làm đau lòng kẻ chăm chút .

Phê bình văn học là góp ý câu chữ, đồng cảm khổ bút, trân trọng công trình. Không có công trình nghiên cứu nào vô giá trị cả. Lá xanh. Lá vàng rồi lá rụng. Mầm tơ lá khác cũng chồi lên. Phê bình văn học không cần lớp võ ”sang trọng, lịch sự, lịch lãm” cũng không “hạ thấp mình hay nâng bỗng mình” (chữ dùng của Trần Mạnh Hảo) gì cả. Phê bình văn học là cái cân nhưng quan toà có như Bao Công – Bao Thanh Thiên hay không? Không ai tự nhận mình xấu thì cuộc đời làm gì có bi kịch! Những người viết văn không ai chịu nhận mình dở, mình sai nên văn học mới có chuyện ”bút chiến” từ trong nước ra tới nước ngoài. Thôi thì, tránh mưa cần mặc áo mưa, tránh nắng chịu khó bung dù. Kiếp phù du ai cũng có phước phần đó cả!

Với những người làm công việc nghiên cứu văn học thì việc chối bỏ hay chấp nhận hiện thực phải cần vào thời gian. Những bài viết của Tiến sĩ giảng dạy nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn có giá trị tập thể. Người đọc có quyền tự đọc, tự hiểu và tự đánh giá.

Mọi chúng ta đều có gót chân Asin cũng như ”trong mỗi chúng ta đều có gã Phù Du” và ”Thi ca muôn đời vẫn tiềm ẩn một nội lực vô song” mà tác giả ”Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc” Chu Văn Sơn đã khắc vào núi đá Thiên Thai./.

Tháng 9/17/05

Ngọc thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG

1. Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc (Chu Văn Sơn, bản gởi, dactrung.net).

2. Sa mạc Hoàng Cầm (Thụy Khê, saigontimesusa.com, chimviet.free.fr)

3. Hoàng Cầm (Vũ Quần Phương, tintuc.vnn.vn).

4. Hoàng Cầm (Lưu Khánh Thơ, Từ điển tác giả tác phẩm VHVN, nxbdhsp-2004).

5. Hoàng Cầm, nhà thơ Kinh Bắc, nhà thơ quê Việt (Nguyễn Sĩ Đại, thovn.net).

6. Nhà thơ Hoàng Cầm và những “chiếc lá diêu bông”, cánh phượng hoàng Kinh Bắc (Lê Mỹ Ý, vietnamnet.vn).

7. Phân tâm học và tình yêu – Phân tâm học và phê bình văn học ỡ Việt Nam “Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm” (Đỗ Lai Thúy, ttvnol.com)

8. Hoàng Cầm với “Lá diêu bông” (Trần Công Nhung, viendongonline.com, dactrung.net)

9. Hoàng Cầm – người “chép” thơ của cõi vô hình (thanhnien, vnexpress.net).

10. Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài, vnthuquan.net).

11. Thụy Khuê phỏng vấn Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (Thụy Khê thực hiện trên đài RSI-2004, hopluu.net).

12. Cảm thơ Hoàng Cầm (Lê Anh Dũng, giaodiem.com).

13. Về Kinh Bắc (Hoàng Cầm, talawas.org, annonymous.online.fr vietnamnet.vn).

14. Vĩ thanh (Hoàng Cầm, vietnamnet.vn).

15. Thơ Hoàng Cầm – Truyền thống và hiện đại (Đặng Tiến, talawas.org).

16. Thơ Duyên Anh (vantuyen.net) Du Tử Lê, Vntvnd (thoinay, tuyển tập 3, usa- 2005) Nghiêm Xuân Cường (giaodiem.com).

Xin chân thành cám ơn

Related Articles

Back to top button