TRUYỆN NGẮN

HỐ ĐEN – BIÊN TẬP

Hố đen Hố đen - biên tậpHarrison tới phòng biên tập sớm nửa tiếng như thường lệ. Ông đưa mắt nhìn quanh bàn và dừng lại ở tập giấy chua dòng chữ “chuyển tổng biên tập” sang “chuyển giám đốc”. Ông nhíu mày. Nếu như không có chuyện gì nghiêm trọng, Aaron sẽ không bao giờ chuyển bài vở cho ông tình trạng tương tự. Cầm xấp giấy, Harrison lước qua rồi chăm chú đọc…

– Cộc cộc…

– Vào đi!

Giọng Harrison đanh lại. Chờ Aaron ló đầu vào, ông chỉ vào tập giấy:

– Cái này là anh biên tập hay Conner?

– Conner biên tập nhưng chú ấy chuyển cho cháu, chú ạ.

– Ông ta nói gì?

– Chú ấy bảo truyện ngắn này bôi nhọ những người sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt. Điều đó cũng có nghĩa là những người tham dự chiến tranh Việt Nam có liên quan.

– Bôi nhọ chỗ nào?

– Cháu đọc thì không thấy gì nhưng chú cương quyết không biên tập.

– Gọi Tyra cho chú!

– Dạ!

– Khoan đã. Cháu hãy đem truyện ngắn này copy cho tổ biên tập đọc. Ai cũng phải đọc. Nếu không thông thì liệu mà chuyển ngành là vừa.

– Dạ, chú!

Aaron hơi chợn. Anh vội ra khỏi phòng. Chưa bao giờ, anh thấy giám đốc cau mặt như lần này. Còn lại Harrison trong phòng. Ông ta lầm bầm: “đầu hủ lậu” nhưng chẳng biết ông nói ai. Ông giở sổ, ghi xuống hai chữ “Hố đen” như mọi lần ông gặp những sự không bằng lòng. Khi nào giải quyết xong thì ông đánh chéo như xóa bỏ.

*

Tyna nhận tập giấy copy từ tay Aaron. Trước mặt cô là Conner. Ông ta cũng cầm một tập, mắt lơ đễnh nhưng cuối cùng cũng ngừng lại tụ điểm trước mặt. Với ông, ông làm sao chấp nhận một truyện ngắn mà ông cho là banh chành cái xấu của sĩ quan thời cộng hòa. Ông mở lời:

– Tyra! Cô có đầu óc hơn tôi. Cô hãy đọc thử truyện này. Thật là trái ngược với chủ đề tôi đưa ra.

– Truyện nào không thích thì không đọc. Có thế thôi chú ạ.

Tyra thản nhiên trả lời. Cô không thấy mắt Aaron chiếu ánh xanh lè nghiêm trọng nhìn mình.

– Thế mà sếp Harrison còn bắt chúng ta đọc lại đấy.

Giọng Conner chán chường.

– Thế à! Để tôi đọc xem. Sếp hôm nay có chuyện gì đụng độ ở nhà hay sao mà bất thường như vậy? Aaron! Anh làm gì mà nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống thế?

– Tôi có sao? Cô đọc rồi bày tỏ ý kiến lên sếp. Sáng nay, sếp định gọi cô nhưng thôi. Tôi thấy chú Conner thành kiến cá nhân hơi nặng. Có lẽ chú còn ám ảnh những ngày tháng ở Đà Lạt thì phải.

Aaron làm như không thấy Conner đang hự như chẳng hài lòng về câu to nhỏ của anh với Tyra. Tyra vội khỏa lấp căng thẳng:

– Để tôi đọc.

Tyra nhìn vào đầu đề: “Huyền sử Mimosa“, cô buột miệng:

– Tựa đề nghe hấp dẫn.

– Hừ!

Không để ý tiếng gừ của Conner, cô dán mắt vào dòng đầu…

HUYỀN SỬ MIMOSA

(Huyền sử một cuộc tình khói lửa trong sắc hoa vàng, lá bạc)

“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ
Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ.
Từng đôi đi trên phố vắng
Bước chân em giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm.
Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông
Hàng cây thẩm màu đèn lên phố phường.
Giờ đây hơi sương giá buốt
Biết ai thương bước cô liêu một người đi trong sương rơi
Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở
Đêm xuống Than Thở vang cung hờn, thêm sắt se tâm hồn.
Người đi trong bóng cô đơn.
Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ
Nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ.
Gần nhau, xa nhau mấy nỗi
Hỡi quê hương xứ sương rơi
Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi! “.

Thư nghe hết bản nhạc của Minh Kỳ và Dạ Cầm do Thanh Tuyền hát không biết đến lần thứ mấy, anh mới chịu rời cái quán cà phê Tùng gần rạp hát Hòa Bình để trở về trường học. Không có mối tình rách vắt vai nhưng nghe câu “Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở… “, anh chợt nghe một nỗi buồn nào đó ngậy lên trong lòng. Những bước chân người lính, phải chăng bước chân của “người đi trong sương rơi” đang chậm rãi lê dần về phía ngôi trường mang cái tên rất “kiêu”: “Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt” – The Vietnamese National Military Academy.

Ông anh họ học khóa 16 nói rằng trước đây nó là “Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt” – Ecole Militaire Inter-Armes – do người Pháp trực tiếp làm chỉ huy trưởng như ông Chaix, Gribius, Lefort, Chevillotte từ những năm 1949 đến 1954. Ngôi trường mẹ trên ngọn đồi 1515 gần hồ nước thiên nhiên đêm ngày rì rào – Lac des Soupirs – với lá thông xanh bạt ngàn, với sương mờ lãng đãng mà sau này, ai đó đã đặt nó cái tên rất bi đát là hồ Than Thở. Ngôi trường kiêu hãnh trên ngọn đồi kia do Tổng thống Ngô Đình Diệm định nên. Trường mẹ không cha đã sinh ra và nuôi dưỡng đàn con, lớp ra đời, lớp còn ở lại bổ sung vào quân đội CH một đội ngũ Bộ binh, Không quân và Hải quân với các cấp Chỉ huy và Tham mưu để dệt nên bao nhiêu tình sử ngậm ngùi!

Hùng đi trước bằng những sải chân dài của vận động viên thời phổ thông. Thấy Thư la cà lâu quá, Hùng quay lại hối thúc. Tiếng Hùng gọi giật ngược đã cắt ngang những ý nghĩ miên man của Thư:

– Về lẹ, nếu không với tác phong lề mề, chỉ huy trưởng cho phơi sương nơi hồ Than Thở!

– Cùng quá thì bắt hít đất trăm cái thôi! Tự dưng mình thấy buồn chi lạ!

– Nhớ nhà thì… chuồn ít ngày.

– Chuồn xong thì… tiêu đời trai luôn!

– Hừ… Lẹ chút nữa coi! Mới vào mấy ngày đã thấm mệt rồi hử? Mày cần đu xích đu để cao thêm chút. Chắc hồi mới đo thước tấc tuyển chọn, khám sức khỏe trong Tổng Y Viện CH, mày mang giày… độn mấy phân nữa cho đủ 1 thước 60 phải không?

Thư phì cười. Anh lò mò cũng về tới doanh trại. Nhào vô giường, Thư nằm dài. Ông anh họ của anh, khóa Lê Lợi cùng xóm sắp ra trường thường căn dặn: “Trung tá Thiệu tướng tinh Qúy Hợi. Nam nhâm. Nữ qúy. Ông ta sẽ có cơ hội thăng tiến của chữ Quý nhưng cũng là người thuộc ‘nhi nữ thường tình’. Mọi sự binh nghiệp của em sẽ phải bắt đầu từ nhi nữ thường tình của ông ta“. “Là sao, anh hai?”. “Mày chậm tiêu. Ra trường, muốn về đâu thì cứ bám theo chỉ huy trưởng, níu áo”. Thư cười: “Mình họ Trần Văn Trụi. Có níu áo thì níu áo dòng họ Trần thôi!”. Rồi anh thầm nghĩ: Thằng Thư này làm gì mà phải “níu áo” chỉ huy trưởng chứ! Biết đâu… anh cũng sẽ là… nhưng anh không sinh trúng vào những năm Hợi, Dần, Mẹo, Tuất, Thân với chữ Tý để làm Tổng thống như ông anh họ “bói một quẻ”… ra nước mắt vì anh cười to quá! Bất giác, Thư gào to: “Tám tuần huấn nhục, buồn như trái… banh, banh… banh an… anh…”.

– Úi mẹ ơi!

Tâm Linh kêu lên:

– Mình chưa bao giờ nghe ai ví nỗi buồn như trái banh cả! Cha này hôm nay đi uống cà phê chắc trúng… cà pháo rồi… cà lăm đây!

Phòng cá nhân như vỡ ra vì tiếng cười. Hùng nhào tới rứt một chiếc giày của Thư:

– Tân binh “sinh viên sĩ quan” tương lai gì mà giày dép tùm lum. Khôn hồn mau tháo chiếc còn lại! Không đổi giày thì mai lại lăn lê bò toài cho hết kiếp!

Thư uể oải ngồi dậy, sờ giày, xoa đầu:

– Chiếc giày này mắc tiền nhất mà bà già bán mấy thúng lúa mua cho mình đấy. Hôm qua chạy cả trăm cây số chỉ lĩnh mỗi bộ đồ lính với đôi giày quăng voi chết không kịp ngáp. Ngày nào cũng tập hợp với quân phục số 1 là mình khoái nhất. Khỏi mặc ba cái đồ nặng như mang cả tấn sắt vào người. Mang giày nhà binh nặng nề, phỏng chân hết trơn! Nhưng, mình tiếc mái tóc Napoléon Bonaparte của mình ghê! Cách đây một tháng, mái tóc mình cuộn vòng, bồng bềnh uốn lượn như cánh phượng hoàng. Bây giờ thì như gáo dừa thiếu cái muỗng.

Ba người trong phòng của trại thứ 100 lại một phen cười vỡ bụng. Thư thản nhiên:

– Thiệt ra, thần tượng của mình là… Napoléon. Ông ta đã chiến đấu, chiến thắng cùng thất bại như một người anh hùng.

– Ông ta là vua nước Pháp. Chức tước cao tuyệt đối, chú mày khó mà với bằng. Ít ra, về hình thức, ông ta cũng… cao hơn chú mày a!

– Ông ta chỉ cao gần 1m 6 mà thôi. Những vệ sĩ của ông ta mới cao qua 1m 6.

– A! Thì ra càng có chiều cao càng làm chức thấp à! Thần tượng của chú mày là vua đấy! Đừng nằm mơ cóc thấy Kỳ Lân.

Thư bỗng mơ màng:

– Napoléon khi tốt nghiệp trường quân sự Pháp, học bạ ông… thiếu “chiều cao” nên mới bị gọi là chàng kỵ mã “lùn” nhưng thành tích đánh đấm của ông thì không “lùn” hơn Diêm Vương Tinh. Mình hy vọng mình sẽ có “chiều cao” khả năng hành quân tác chiến hơn là ba cái học bạ hên xui, khoa bảng may rủi, mũ mão nịnh nọt, bông mai tham quan, họa chăng hay chớ! Mình thích Napoléon ở chỗ dám nói, dám làm chứ mình không tán thành chủ trương “bành trướng” quân sự như Thành Cát Tư Hãn của ông ta. Vua nào, nước nào có mộng bành trướng, nước đó sẽ bị đồng minh của mình phản loạn. Cũng như, các “ngài” đây, cười nhạo Trần Hùng Thư này có ngày, xung trận hay rút lui, các “ngài” cũng tự cười ví nhau đa!

– Hừ! Binh pháp Tôn Tẩn “Tam thập lục kế” có “Tẩu vi thượng sách” như cẩm nang. Ai cùng đường, mở ra dùng. Thần tượng của chú mày không chịu giở cẩm nang Tôn Tử khi bị các chư thần phản nên sớm thất bại đấy. Nhưng, chú mày coi lại cho kỹ nha. Napoléon có ít nhất… chục bà vợ và nhiều con không cha đấy! Chịu nổi không?

Thư nheo mắt nhìn lên trần nhà:

– Ui! Hai chục hay trăm chục, mình cũng… quơ luôn! Phụ nữ thương mình, mình không lấy, mình mang trọng tội khinh rẻ họ đa! Nhưng mình mà lấy thì phải sinh con có “khai sinh” đàng hoàng chứ không phải là con hoang đâu nhen! Mấy thằng mày coi chừng bản lĩnh này không đạt tới “chiều cao”!

– Thằng này phát biểu xập xám chướng quá! Có ngày, nó cãi nhau với chỉ huy trưởng hay Tư lệnh cũng nên. Bông mai vàng rực thắm hay bông mai trắng nở hoa trên vai của mày trong tương lai chắc chẳng thua gì “đêm ba mươi” con ơi! Đi ăn cơm đủ sức để lấy sức chạy lên đỉnh Lâm Viên! Trần công tử!

Thư hậm hừ. Anh lại lê bước sền sệt nghe như chán đời.

– Này! Chỉnh lại cái tướng đi khểnh khảng như thằng thất tình của mày nhanh!

– Mày cứ mở miệng lại như muỗi vo ve… Nghe không khoái bằng cô Thanh Tuyền hát “Đà Lạt ơi! Có nghe chăng Cam Ly…”

– Nữa! Lại “ khóc tình đầu dang dở…”. Suỵt! Im ngay. Không thì bị phạt ngồi canh trên ngọn đồi trước mặt tới sáng thì chết cóng.

Tới phạn xá, những tân binh ma mới cũng như ma cũ mọi chuyện tán ngẫu, nói dóc, bực mình đều gác trong đầu. Phạn xá rộng với sức chứa hơn ngàn mấy sinh viên ăn cơm. Nhúc nhích một cái là hàng nghìn cặp mắt đổ dồn về mình. Thư xốc lại cổ áo, ngồi vào bàn ăn. Cơm quân đội không nổi tệ nhưng anh bỗng thèm bát canh chua cá lóc mà mẹ anh thường nấu. Bất giác, Thư thở dài. Hùng hích vào hông Thư một cái khá đau: “Nghiêm chỉnh. Khóa đàn anh kìa, chào mau!”.

Thư vừa chào vừa rủa: “Cái lão này, hôm trước mình mới vào, hắn bắt nạt mình phải biết. Cái râu ria mình để cho oai, hắn mang dao cạo tới bắt mình cạo sạch. Khi chạy, mệt chết cha, hắn cứ gào ‘cố lên’, cố ông nội tôi! Ra trường, ra trận, đánh đấm nhau, gặp nhau trên chiến trận, phải biết!”. Nhìn sang, thấy Hùng đã ăn gần xong, Thư vội vã đưa hết chén cơm định lùa vào mồm thì chén cơm bị một bàn tay lạnh ngắt nào đó chặn lại… “Úy!?!”

– Ăn từ tốn!

– Dạ! Anh!

“Lại cũng lão khốn!” Thư cho từng hạt cơm vào mồm mà điên tiết! Về phòng, Thư cáu:

– Cái lão ấy, hắn là ai thế? Giận lão mà hôm nay mình quên xơi trái chuối! Lễ Hành Xác Nhập Trường cóc khô,“trời đánh cũng tránh bữa ăn” chứ?

– Trời! Nói năng linh tinh. Anh ấy là Nguyễn Cao Đàm, thủ khoa khóa 14 Nhân Vị. Sĩ quan con cưng của trường.

– Thủ khoa à! Giỏi thật! Ông Thiệu cũng thủ khoa hả?

– Không nghe nói! Chỉ nghe là chỉ huy trưởng. Sếp Thiệu là khóa đầu ở Huế năm 1948 tại trường Sĩ quan quân đội Việt Nam do Pháp mở sau năm 1945 hay bốn mấy gì đó, mình chẳng nhớ. Ông thăng thiếu tá và về đây làm chỉ huy trường Võ Bị này từ năm 1955, hình như khóa 12, 13 thì phải Ông giỏi hai thứ tiếng Anh và Pháp. Nhìn tướng ông, biết ngay con nhà “hào hoa phong nhã” của lính rồi. Tướng ông ấy còn “ngầu” hơn thần tượng Napoléon của mày đa! Muốn “níu áo” ông rồi hả?

Thư chẳng thèm nghe Hùng nhạo. Anh đánh một giấc dài. Bên gường, thằng bạn hiền như con gái của anh – Nguyễn Tâm Linh cũng đang lim dim… vào giấc mộng chinh phục không gian bằng cặp giò 1m 87 của nó.

Đà Lạt! Thành phố của lắm thác, nhiều hoa. Những dòng thác huyền dịu như thác Cam Ly, Hang Cọp, Prenn, Pongour giăng màn nước như sương giăng buổi sáng. Đà Lạt, thành phố của hoa. Hàng ngàn loại hoa rực thắm phơi sắc trên các hàng hoa cũng vào đêm với huyền sử Mimosa vàng rực, thơm man mác của Australian về đôi tình nhân cùng chết trên một cánh rừng cháy đi vào giấc mộng của chàng trai vừa 22 tuổi ngày hôm qua.

*

Một năm học trôi qua với hai mùa: Mùa mưa lạnh hồn. Mùa nắng xám da. Mùa nắng, tân sinh viên học quân sự với phương thức Nhảy dù, Biệt động quân, Học thuyết MacArthur và học Taekwondo, Judo – Karate. Mùa mưa, họ học văn hóa với các môn khoa học xã hội, toán, lý, hóa học, đường sá, cầu cống, bản đồ; nhân chủng học. Học phờ người! Thư càm ràm với Hùng: “Chẳng biết mấy ông chỉ huy trưởng có luyện mình đồng da sắt của Asin hay không mà bắt sinh viên học khổ như trâu”. Tâm Linh cắt nghĩa: “Trường đang tiến lên chế độ 4 năm ngang đại học mà. Các ông chỉ huy trưởng, ông nào chẳng tốt nghiệp từ trường United States Military Academy – West Point, New York của Mỹ! Học xong, sĩ quan phải phục vụ ít nhất năm năm trong quân đội. Ông không đọc kỹ hồ sơ xin dự thi à? Vậy sao còn hỏi vớ vẩn?”. Linh thêm: “Học quân sự giỏi mà văn hóa kém cũng phải ‘về vườn’ như anh Thái Quang Cẩm, Hồ Thành Nhơn khóa 15, 16 ấy chứ giỡn chơi!”.

Thư bớt than thở về đôi chân sưng tấy vì chạy bộ nhiều mùa hè và cái đầu như hết sức chứa văn hóa mùa mưa bởi toàn bộ sách vở. Giảng viên đều giảng dạy y như trường West Point, khác gì đâu! Thư mới vào trường năm 1960 chưa xong tám tuần huấn nhục thì trường chia tay với chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Thiệu. Ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm điều về Sư đoàn 5 Bộ binh trong quân hàm Đại tá và chức Tư lệnh. Con đường quan lộ của ông bắt đầu từ đây. Thiếu tá Lê Văn Kim có cặp mắt như Hàn Quốc và cái cằm dài “ấn tượng” thay thế. Năm 1962, đại tá Trần Ngọc Huyến nghiêm nghị, khắc khổ được điều tới trường thay thiếu tá Kim. Trường thay chỉ huy trưởng như thay áo. Thư chẳng hiểu ra làm sao cả. Mới vừa cười được với ông này thì phải tập cười với ông kia! Chán thật!

“Mười điều tâm niệm” hầu như tân sinh viên sĩ quan nào cũng buộc phải thuộc lòng. Trong đầu Thư, anh chỉ thích điều 2 (danh dự), điều 3 (thành thật) và điều 10 (tin tưởng tiền đồ) những điều khác, anh không thật ghi lòng cho lắm. Ngày chinh phục đỉnh Lâm Viên để công nhận sĩ quan, Thư đã bị tiểu đoàn trưởng “giũa” cho cái tội đang chạy bỗng dừng. Thư phải nghe “giảng đạo”:

– Người lính ra trận, gặp chướng ngại vật cũng phải tìm cách vượt qua. Tại sao dừng nửa chừng? Anh làm ích tắc những người đi sau, có biết không?

– Dạ! Em biết.

– Biết mà vẫn dừng?

– Không dừng thì em… đạp chết… con thỏ rừng ạ!

– A hèm! Con gì cũng phải đạp qua. Chạy trúng mìn cũng phải nhảy qua!

– Dạ! Gặp mìn thì em nhảy liền nhưng con thỏ không phải mìn!

– ?!

Vị tiểu đoàn trưởng mở to cặp mắt nhìn anh. Ông không nói ngay lúc chàng tân binh đang cãi. Đợi khi cặp mắt chàng tân binh dịu xuống, ông chậm rãi:

– Anh ngang ngạnh… đáng yêu đấy! Nhưng trong ngành binh, anh không nên vì nhỏ bỏ lớn. Có thể một ngày nào đó, anh sẽ hối hận vì lòng tốt của mình. Chiến trường không có trái tim. Súng đạn không có mắt. Anh phải dùng tới cái đầu của anh để phỏng đoán chính xác và dùng tay cho thật nhanh khi phải bắn hay do dự. Hiểu chưa?

– Dạ! Em… cố hiểu ạ!

Lần đó, tiểu đoàn nín thở chờ nghe phạt chung vì “con sâu Trần Hùng Thư” nhưng may mắn, không ai bị phạt cả. Tiểu đoàn trưởng quay trở về phòng chỉ huy. Không biết ông nói gì mà chỉ huy trưởng Huyến nhếch mép!

Người hùng Napoléon dở hơi, Trần Hùng Thư được sinh viên và chỉ huy “để mắt” từ đây vì cái tính bướng tới… cùi!

*

Cuối năm 1962, năm thứ 2, Thư được chọn ngành. Thể lực thấp của anh không hợp với ngành Không Quân mà anh mơ ước. Anh lại sợ nước một cây. Do đó, anh bắt buộc phải chọn ngành khác: Bộ Binh. Ba anh động viên: “Ngành nào cũng phục vụ quân đội, cũng thể hiện quyền công dân. Con không nên coi thường một ngành nào dù là ngành… hốt rác.” Hồi ấy, anh suýt cãi với ba về vụ này vì hốt rác là nghề chứ nào phải ngành. Nhưng thấy ba nghiêm nghị nhưng thương con trai, anh thôi không cãi cọ quen miệng như trước. Hùng khen thằng bạn dở hơi nay toàn thân có chút “hơi hám” con nhà binh nghiệp. Thư nghiền ngẫm sách vở. Anh không bao giờ lẻn ra thị xã Đà Lạt trễ giờ tập hợp. Anh sùng bái vị tướng mà anh đang học về ông ta: Thống tướng Công binh Hoa Kỳ: Douglas MacArthur. Tiền sử, ông là Tổng Tư lệnh tối cao lực lượng phe Đồng Minh (Anh – Nga – Mỹ) chống phe phát xít (Đức – Ý – Nhật) trong thế chiến thứ hai. Ông chính là người ký văn bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của Nhật Hoàng ngày 2/9/1945. Sự kiện Nhật Hoàng ký đầu hàng được coi như quyết định sáng suốt để bảo vệ tính mạng nhân dân Nhật khi Mỹ thả hai trái bom nguyên tử “Little Boy” và “Fat Man” hai ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945 xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Hai trái bom này, Mỹ thả để “trả lời” hành động đáng úp và tiêu diệt gần sạch sẽ Hạm đội của họ trong trận Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 tại quần đảo Hawai khi hai bên đang thương nghị.

Tuổi trẻ nông nổi, Thư “khoái” nhất là sự chống mệnh lệnh Tổng thống Harry Truman của MacArthur vì lý tưởng chiến thắng bằng câu nổi tiếng: “In war, there is no substitute for victory” (Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng). Không phải lúc này cũng hoàn toàn tuân lệnh cấp trên. Anh nhớ có lần anh đã cãi lời ba khi ông bắt anh xin lỗi thằng cùng xóm vì khi đôi bên chơi trò đánh nhau, anh đã vô tình đấm trúng lỗ mũi nó làm chảy máu. Cu Thư lý sự: “Đánh nhau tùm la, trúng tùm lum là chuyện thường. Con không có lỗi!”. Ngày đó, cu Thư bị ba phạt chép câu: “Lần sau, con không dám đánh lộn nữa” 100 lần. Chị hai thương em nên lén chép dùm em một mớ trang thì bị ba phát hiện. Nét chữ chị hai đẹp hơn, “con gái” hơn nét chữ thằng em quằn quèo, không theo khuôn phép của tờ giấy học hiệu “Con nai” có gạch màu xanh. Ba cưng chị hai nhưng cũng phạt luôn. Hai chị em chép 200 lần rụng cả tay nên tởn tới già! Má tắc lưỡi: “May mà không gặp thầy giáo. Nếu gặp, thầy cho quỳ xơ mít là lủng đầu gối luôn”.

Bất giác, Thư cười thành tiếng. Hai người cùng phòng chẳng lạ gì tính khí thằng dở hơi nên nhìn nhau, lắc đầu. Bây giờ, họ cũng đang là “đàn anh” của khóa 18 Bùi Nhơn Ngãi và khóa 19 Nguyễn Trãi sắp tới. Thư chẳng bắt chước kiểu “ma cũ” hành hạ đàn em. Anh coi chúng như những người đến sau. Kẻ đến trước chỉ nên hướng dẫn kinh nghiệm cho em út là được rồi. Trường học chứ đâu phải trại tù vô nhân mà để “đại bàng” tung hành bá đạo. Đàn em nể và thương Thư cũng từ chỗ ấy. Danh sách các khóa với những cái tên sĩ quan dài ra trên bàn, Thư đọc xong, vò đầu liên tục:

– Mình thật không hiểu nổi. Những cái tên các khóa như Phan Bội Châu, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ không ai nói gì, lại chen vào Cộng Hòa, Cương Quyết, Thống Nhất, Nhân Vị, Ấp Chiến Lược… khác hẳn đi. Còn các ông Bùi Ngươn Ngãi, Vương Xuân Sĩ, Phạm Công Quân… sao lại đi xếp hàng ngang ngửa với các anh hùng dân tộc tiền bối như thế?

– Lại nói vớ vẩn! Thắc mắc hay đấy. Anh cứ trực tiếp hỏi thẳng chỉ huy trưởng Trần Tử Oai.

Thư hự trong họng. Dĩ nhiên, anh làm sao mà đi hỏi những câu “vớ vẩn” tùm lum nhưng trúng “tùm la” này được.

Khi anh đang ngồi êm ấm trên sân trường Đà Lạt thơ mộng, tình hình chiến sự Việt Nam ngày càng rộn ràng cho những cuộc chiến mới khắp nơi. Ngoài khơi, những chiến hạm với các chiến đỉnh đã được Ngô Đình Diệm cho người tiếp nhận quân sự song song việc nhận viện trợ kinh tế từ Hoa Kỳ. Những người lính CH ăn mặc bảnh bao, giày đinh bóng nhộn khiến bao nhiêu cô gái xinh đẹp, những tiểu thư, con gái nhà ai mê như điếu đổ. Thế nhưng, miền Tây tới hồi căng thẳng khi quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch đã mở trận thắng đầu tiên tại Ấp Bắc. Trên thế giới, mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Cộng trong khối Cộng Sản trở nên căng thẳng khi Liên Xô rút hết các cố vấn ra khỏi lãnh thổ lắm điều bất trắc này. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam bắt đầu là mục tiêu thử nghiệm vũ khí và sức mạnh quân sự giữa hai siêu cường quốc: Hoa Kỳ ủng hộ khối CH miền Nam. Liên Xô, Trung Cộng ủng hộ khối CS miền Bắc. Khi miền Nam nhận viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ thì Liên Xô, Trung Cộng vội vã vận chuyển súng đạn vào miền Bắc. Trong trận Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hai bên đã bỏ lại chiến trường, Vàm kinh 3 những súng đạn nhận từ viện trợ như súng bộ binh, xe cơ giới, máy vô tuyến, tàu chiến lội nước M113 và máy bay cùng… “xác nào là em tôi trong mưa lạnh đầy”!

Thư lặng người bên Hùng và Linh trong phòng khi nghe tin xấu. Anh mở bản đồ Tiền Giang ra. Cả ba cái đầu chụm vào. Trận chiến bắt đầu ngày 21 tháng 1 năm 1963. Tức sau 20 ngày, Tổng thống Ngô Đình Diệm với chủ trương không cầu ngoại đã bị ám sát mà giới chính trị cho rằng có bàn tay của CIA từ Tổng thống thứ 35 Hoa Kỳ John F. Kennedy “bật đèn xanh”. Nó cũng đúng 3 tháng 19 ngày nữa, khóa 17 của anh sẽ ra trường! Thư chống cầm nhìn vào địa hình:

– Trận đánh sớm hơn mùa xuân về! Miền Nam là vựa lúa khổng lồ của Nam Việt. Vụ mùa Đông Xuân đang về với tháng 1. Lúa ở đây có tiếng cao quá đầu người. Nếu quân MTGPMN núp vào gốc lúa phục kích thì quân CH tiến vào Tân Phú chỉ còn là mục tiêu cho họ “bắn bia”. Nơi đây, khu vực dân cư cùng cây cối chen lẫn. Lính dù từ các chiếc Dacota nhảy xuống gặp gió mùa Đông Xuân tạt ngang, dù sẽ dính trên các nóc nhà hoặc các ngọn cây. Lòng dân ở đây lại không theo CH mà theo CS. Tóm lại, địa hình, nhân linh nơi này không thích hợp cho một cuộc càn quét của đại tá Cao Văn Viên – Tư lệnh Lữ đoàn dù.

– Lữ đoàn dù có 7 tiểu đoàn mà đánh không lại à?

– Mày mà làm tướng dốt chiến lược thì thôi! Một trận nhỏ xíu mà bung hết cả 7 tiểu đoàn dù? Đánh trận chiến lược đâu phải như lấy “thịt đè người”? Khổng Minh một mình với cái quạt lông phe phẩy ngồi trên cửa thành mà vẫn đẩy lui mấy chục vạn quân của Tư Mã Siêu đấy.

Linh nhìn Hùng. Cả hai… há hốc nhìn… Napoléon dở hơi. Không ngờ, thằng nhãi nhép, chuyên càm ràm những điều với vẩn đã thành văn bản trở thành một “đại tướng gia” hồi nào.

– Mày thật có đầu óc! Thế nhưng, thất trận rồi mới bàn thì nói làm gì nữa. Ngon thì mày bói một ván cho cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của kế hoạch Staley – Taylor bình định miền Nam trong vòng 18 tháng cho tao coi!

– Hùm! Mày cứ xỉa xói! Thất bại là mẹ thành công. Thất bại mới hái ra được kinh nghiệm chứ. Nếu tao là tướng hả, tao phải… lấy lòng dân trước. Không có dân làm hậu thuẩn, cuộc chiến nào cũng hóa thành phi nhân. Cuộc chiến phi nhân, làm gì có cái gọi là chiến thắng? Cuộc sống phi nhân, nào có cái gọi là tự do, cơm no, áo ấm? Câu này, ba tao nói chứ không phải tao. Hai ngàn sáu trăm cố vấn Mỹ, mới xung trận nhỏ xíu thì đã rụng… ba. Ba trăm rưỡi ngàn quân, mới nhảy dù, mới giao tranh thì toi đi trăm mấy. Chắc tử thương còn hơn nữa. Tử sĩ, thương binh, bên nào cũng giỏi phép “rút gọn”. Tội nghiệp tiểu đoàn B quá. Biết rằng đời binh nghiệp là chấp nhận tử sinh. Tay tiểu đội trưởng đại đội 1 của tiểu đoàn 261 VC ghê gớm thiệt. Dám tung lựu đạn vào nắp hầm xe tăng Mỹ. Nhưng mà nghe chết là mình thấy lòng không vui rồi… mà…

– Suỵt! Đại niên trưởng đi kiểm tra phòng. Ông Cao Văn Viên mà nghe mày bình về cuộc hành binh công dã tràng của ông, chắc ổng kêu chỉ huy trưởng thu hồi lon một gạch, một mai vàng trên cầu vai của mày trong 3 tháng tới!

Thư cười hề hề rồi im ra khi tiếng chân giày binh nện xuống nền bộp bộp… Ít ra, lính có “cương” cỡ nào cũng biết ngán kỷ luật quân sự một khi đã hiến đời trai cho lính chứ! Thư giấu nụ cười trong hai hàm răng. Quai hàm anh bạnh ra khi đại niên trưởng tới gần…

*

30/4/1963

Sĩ quan thủ khoa Nguyễn Vinh Nhi bảnh bao trong 250 tân sĩ quan khóa 17 đứng đầu nhận quân hàm. Tiểu đoàn xếp hai hàng dài với quân phục mới tinh. Hàng thứ nhất, Thư, Hùng, Linh nghiêm chỉnh trong phù hiệu. Tất cả tự hào với một tinh thần “Tự Thắng Để Chỉ Huy”.Nhận găng tay, mũ mão và Alpha Thiếu úy xong, từ đây, nghiệp binh là của những người sĩ quan này. Cũng như bên kia sông Bến Hải, những thanh niên trong quân phục sĩ quan miền Bắc đang hướng mũi súng về miền Nam. Cùng một nghiệp binh, thế nhưng, chúa ai, nấy thờ; đất ai, nấy giữ. “Tố Quốc. Danh Dự và Trách Nhiệm” đã đặt lên vai họ. Với bất kỳ hoàn cảnh nào, cái chết vinh như là phần thưởng cao quý giăng trước mắt họ. Phải chăng những ý tưởng linh thiêng đó có sẵn trên huy hiệu của trường với hai màu xanh đỏ? Màu xanh của sự bất khuất, trường tồn và màu đỏ là sự hy sinh không do dự? Chết cho lý tưởng nào mới là cái chết đúng ý nghĩa? Họ đã chọn chết cho lý tưởng của nền Cộng Hòa cũng như những người anh em bên kia vĩ tuyến 17, họ cũng chọn cái chết cho nền Cộng Sản. Tất cả đến giờ vẫn chưa nhận thức được rằng, họ đều là con một nhà Âu – Lạc. Anh em tương tàn, cha mẹ hai hàng nước mắt! Con Rồng và Thanh Kiếm thần kia đã trở thành huyền sử về một đất nước bị chia cắt và một dân tộc bị xáo thịt, nhồi da. Chỉ huy trưởng Trần Tử Oai cũng vừa ra đi, trung tá Trần Văn Trung vừa tới. Thư nhìn ông ta là thích cung cách cũng như ngoại hình của ông. Thế nhưng, tất cả những kỷ niệm ở trường mẹ đều lùi theo thời gian. Anh phải về nơi các bạn anh đang, đã và sẽ xả thân cho lý tưởng của mình như bất cứ người lính nào ra trận mạc!

Hùng, Linh cũng như tất cả sinh viên ra trường hầu hết đều được “các em” Đà Lạt tặng hoa. Thư trở lại quán cà phê gần rạp hát Hòa Bình để nghe lại bản “Đà Lạt hoàng hôn” lần cuối trước khi “xuống núi”. Một mùa Mimosa của thành phố mộng mơ đã tàn theo mùa! “Gần nhau xa nhau mấy nỗi… “. Bỗng nhiên, Thư nghe trái tim mình… nhói lên một cái.

*

Những gian hàng đầy những chữ Tàu đỏ thắm nằm trên các con đường Đồng Khánh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương treo đèn kết hoa cho ngày lễ Khai Ấn đón mùa xuân. Hội chợ người Hoa Chợ Lớn lộng lẫy như phố Tàu thực sự trong các phim Tàu. Một thiếu nữ xin xắn trong bộ đồ Tàu, kéo tay người mẹ:

– Mỏi chân quá mẹ ơi!

– Mẹ dẫn con tới chùa Ôn Lăng, thắp nhang bà Thiên Hậu rồi còn đến chùa Quan Âm xin cho con quẻ xăm, làm phước, sau đó ghé qua chỗ thờ Thái Thượng Lão Quân rồi mình về.

– Sao mình phải đi nhiều chỗ quá mẹ!

– Cầu nhiều nơi, vạn sự an lành càng nhiều con ạ. Chịu khó với lòng thành thì ma quỷ cũng khó quấy rầy chúng ta. Mẹ cầu chủ yếu bình an cho con.

Người đàn bà mặt mày phúc hậu kêu tài xế tới 12 Lão Tử.

– Năm nào Tết đến cũng đông đen. Pháo bán đắt nhất phải không mẹ?

– Những năm gần đây, Tết đã như bớt đi sự nhộn nhịp. Chiến tranh mà con.

Quẻ xăm của bà có hai chữ “Hạ Hạ”. Mặt người mẹ đổi sắc. Cô con gái cười:

– Mẹ chỉ mê tín. Ngày con đi học, mẹ xin cho con quẻ “Thượng Thượng” về nhân duyên nhưng con nào có anh nào để mắt tới?

– Còn nhỏ lo ăn học. Lớn chút nữa, nhân duyên tiền định sẽ đến. Con gái của mẹ xinh đẹp, học giỏi, hiếu thảo, thiếu gì công tử tuấn kiệt. Mình về.

Người mẹ đưa con quày quả trở về. Bà kể chuyện xin xăm trúng quẻ xấu cho chồng nghe. Người bố vốn sùng tín. Ông khuyên con:

– Ăn Tết xong thì con đi ngay. Ở đây pháo kích tối ngày. Hôm nay, người này bị xử vì theo Cộng Sản thì hôm sau, kẻ khác bị bắn vì là người Quốc Gia. Thật, giả khó phân. Tối, sáng khó lường. Cô giáo của con nhắn con lên Đà Lạt với cô ta vài hôm. Con đi nhanh rồi về ăn Tết. Hôm nay, 23 âm lịch rồi.

Cô gái dạ ran. Chung quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, nhà nào cũng treo những bảng “Quốc Thái Dân An”, “Phúc Lộc Trường Tồn” và họ gởi lòng tin vào những tờ giấy vàng khi đốt thành khói bay lên…

*

Năm 1966. Thư trở lại Đà Lạt. Quán cà phê Tùng ngày một đông khách. Ca sĩ Thanh Tuyền vẫn hát bài Đà Lạt mà anh thích. Hôm nay, anh ngồi không phải với Hùng, với Linh mà với một… cô gái. Nàng đẹp như tài tử Lý Lệ Hoa. Đôi mắt nàng cứ mở to nghe một chàng trai ngây thơ cụ nói trên trời dưới đất chứ không phải nghe một chàng sĩ quan dẻo mồm tán gái. Điều “dở hơi” này, khiến nàng thích thú. Anh quậy ly cà phê cho nàng đến không biết bao nhiêu lần. Anh thầm kêu “thằng Hùng ơi, Hùng hỡi, phải chi có mày… tán dùm tao thì hay biết mấy”!. Anh bỗng bực mình vì sao ba năm ở Đà Lạt, anh đã học bao nhiêu thứ mà không học nổi một câu tán gái nào cho ra hồn!. Anh quên biến Napoléon. Anh chẳng nhớ Thống tướng MacArthur hay những cuộc chiến tranh với bao nhiêu cái tên… Anh chỉ muốn cố nhớ một câu mồm mép của Hùng làm mấy em giáo sinh Trường Cao đẵng sư phạm Đà Lạt chết mê, chết mệt. Hình như, Hùng đã từng nói như thế này:“Chào em! Tiên nga của anh! Thiên thần của lính!”. Anh định mở miệng nói một câu trước khi đưa ly cà phê quậy bắn bọt cho nàng thì nàng đã thò tay nhẹ nhàng… giật lấy:

– Chờ anh mời, ly cà phê thành cà chua luôn thể!

Thư lúng túng. Thật ra, anh định mời đó chứ. Tại nàng tài lanh, tranh mất lời. Thư ấp úng:

– Mời em. Em… thiên thần của lính. Em là… tiên a…

– Trời ơi!

Nàng kêu to như bị ai bóp cổ. Thư cuốn lưỡi thụt như con ốc sên. Anh mở mắt nhìn nàng và bị nàng “hớp hồn”. Nàng sụ mặt, lém lĩnh:

– Tại sao khi ở rạp hát, anh dám nhìn em như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Sao bây giờ ngồi đây không chịu… ”nuốt sống” em đi!

Thư cười bẽn lẽn. Anh rủa: “Mẹ nó! Cười bẽn lẽn là của thằng Tâm Linh chứ phải là nụ cười của mình đâu? Mình… vay mượn nụ cười con gái như vầy thì đâu ra thể thống gì”.

Thư nắm cố áo xốc lại. Cử chỉ này, anh nhớ anh đã dùng nó không biết bao nhiêu lần khi bị các sếp lớn gọi lên trình diện vì dám cãi lời. Hôm nay, chẳng có sếp nào gọi mà anh phải dùng là sao? Thử lần nữa, Thư nghiêm trang:

– Chào em!

– Trời! Ngoài câu này, anh không còn câu nào kha khá khác hơn sao hả?

Thư thật thà:

– Có! Tiên nga của anh. Thiên thần của lính!

Nàng ôm bụng. Chưa bao giờ, nàng thấy anh chàng sĩ quan nào mà “ngố” đến thế. Thư cũng chưa từng thấy người con gái nào vừa đẹp, vừa khủng bố anh bằng giọng cười quái chiêu này. Anh bất giác cũng… há miệng cười theo. Chủ quán cà phê Tùng nhìn hai người, bà cũng cười theo… thằng dại gái!

– Mình đi chơi đi anh!

Thư như được giải thoát. Anh vẫy tay gọi bà chủ. Bà chủ khoát tay: “Người đẹp đã thanh toán trước rồi”! Thư nhìn nàng. Nàng cười tươi như hoa. Nàng không thèm đếm xỉa có bao nhiêu con mắt đang nhìn mình, nắm tay anh thay câu trả lời. Thư dẫn nàng lên thác Cam Ly cho gần. Nàng ngồi bên anh. Anh nghe cả trái tim nàng đang đập thình thịch trong lồng ngực. Tim anh cũng đập tanh bành như đại bàng đập cánh đây. Nhưng anh chẳng dám đụng tới nàng. “Dại gái” ư? Đàn ông, ai mà chẳng dại gái! Nàng kể chuyện nàng. Anh lắng nghe. Nàng nói huyên thuyên. Anh im lặng.

– Tại sao không hỏi em tên gì?

– Em tên gì?

– Trời! Anh thật ngố! Người Trung Hoa thường ví những chàng ngố như thái giám của Võ Tắc Thiên.

– Anh đâu có thái giám! Anh… dám thái những đứa nào cứ nịnh khen em đẹp!

Nàng bật cười khanh khách. Tiếng cười nàng át cả tiếng thác Cam Ly đang đổ xuống tung trắng xóa. Nước văng tia tới hai người. Thấm lạnh, nàng níu áo anh:

– Mình đi về!

– Về đâu?

– Về trại của anh. Em muốn được ở lại đây ăn tết với anh. Em sẽ gọi điện báo cho ba mẹ em biết.

Thư hơi bất ngờ. Anh ngần ngại. Trong túi anh, trống quơ tiền bạc. Lấy đâu thuê khách sạn cho nàng? Anh đành nói thật:

– Anh là lính mà em! Nghèo chết đi! Em phải ở những khách sạn sang trọng mới xứng.

– Em đâu có nói là em ở khách sạn gì!

Nàng gằn từng tiếng:

– Em muốn ở lại đêm trong trại lính của anh, chung phòng của anh!

Thư… hãi hùng! Anh chợt nhớ bà ngoại hay kể chuyện về những con chồn tinh trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh hay con chồn Đát Kỷ của Trụ Vương trong “Phong thần diễn nghĩa” của Hứa Trọng Lâm hay những con yêu tinh trong “Tây du ký” của Vương Thừa Ân. Những “mỹ nhân kế” Tây Thi, Bao Tự, Hạ Cơ, Võ Tắc Thiên, Dương quý phi làm đổ vương triều Phù Sai, Chu U Vương, Trần Linh Công, Đường Cao Tông, Đường Minh Hoàng hay Điêu Thuyền làm hai cha con Lữ Bố và Đổng Trác trở mặt… Còn có thể nàng là người của bên kia… cài vào điều tra cái gì trong quân ngũ chăng? Thư từng nghe những tài liệu phòng công an, phòng nhì, CIA… bị sao chụp, đánh cắp. Những nữ điệp viên tình báo thường ẩn hình trong những tà áo dài tha thướt. Khả năng nói tiếng ngoại ngữ của họ cũng hạng chì. Các nữ gián điệp của DGSE thường phải nói được các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Trung Hoa. Nàng du học ở Mỹ mà lại có giáo sư người Pháp. Ba nàng là người Trung Hoa. Chết cha! Nàng cũng có thể là nữ gián điệp của -18, H-63 của CS. Phong trào Đồng Khởi năm 1960 không do nữ tình báo Nguyễn Thị Định cầm đầu hay sao? CH có những Hằng Nga, Thanh Thúy sao CS lại chẳng có Thị Thảo, Mỹ Nhung? Nhưng nàng chẳng mặc áo dài cũng chẳng mặc áo bà ba đen. Người nàng có chỗ nào giấu máy nghe lén? Chỗ nào nàng cất giấu cây Colt 12? Vậy, nàng là ai? Thư thộn mặt ra như… ngỗng ỉa!

Thấy bản mặt anh chắc là hắc ám lắm, nàng phụng phịu:

– Em nói thật. Em về nước ăn Tết với mẹ ở Chợ Lớn chỉ có mấy ngày thôi. Tưởng em là hồ ly tinh hả?

– Anh đâu có!

– Nhìn mặt thộn, biết liền!

-???

– Đi ăn cái gì, tối về ngủ!

Quên phắt sự nghi ngờ của mình, Thư đề nghị cho hợp túi tiền:

– Ăn hủ tiếu Mỹ Tho nhé?

Nàng ừ nhưng nói: “Ngày mai mới ăn. Chiều nay, em đãi bà giáo sư Pháp của em?”

Thư chưng hửng. Nàng thật nhanh nhẹn. Cái nào cũng như đi… giày nhà binh trong tim anh. Có cô bạn gái thông minh, sắc lẹm như thế nào thì… xé rào ăm đêm sao được chứ!

*

Đêm Tết Bính Ngọ 1966 trong doanh trại thật buồn nhưng Thư đã có người “mở đài” suốt đêm. Anh tắt cái Radio đang hát nhạc xuân để nghe nàng nói chuyện. Anh nghe ngóng:

– Tiếng pháo giòn giã thật. Tiếng pháo và tiếng súng lẫn lộn khó phân biệt, thật là nguy hiểm. Em biết không?

Giọng Thư trở nên buồn buồn:

– Khi ngồi trong trường, anh đã nghe tin báo thất trận Ấp Bắc. Vừa ra trường, anh đã chứng kiến hàng trăm lính CH và Mỹ chết trong trận Bình Giã ngày 28 tháng 12 năm 1964. Má em ở Chợ Lớn chắc rành Sài Gòn. Bình Giã nằm trong chi khu Đức Thạnh toàn giáo dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Nhìn đồng bạn hết người này đến người khác đổ máu, tự nhiên anh thấy cuộc sống như có gì không thật!

– Thất trận à? Không có viện binh ư?

– Có chứ nhưng tất cả đều bị CS phục kích đánh bại hết. Tiểu đoàn 30 và 31 Biệt Động Quân và Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến cùng chung số phận. Hai tiểu đoàn 1 và 3 của Binh Chủng Nhảy Dù tái cứu thì CS đã rút hết rồi, đánh đấm với ai nữa ngoài thường dân? Họ có là VC hay thường dân thì lính Mỹ và lính CH cũng làm sao mà phân biệt nổi chứ?

– Ai chỉ huy mà thảm bại vậy?

– Cố vấn cao cấp Mỹ, Đại úy Franklin P. Eller.

– Người Mỹ thì làm sao mà biết tình hình, phong tục, tập quán nhất là địa hình Việt Nam mà chỉ huy?

– Họ giỏi quân sự.

– Giỏi à? Giỏi sao trận nào cũng thua tơi bời! Dùng quân thường dùng mưu. Em đọc Gia Cát Khổng Minh, Tôn Tẩn, em thấy mấy ông ấy dùng mẹo không hà?

Nàng im lặng. Đột nhiên, nàng đặt vấn đề:

– Hay là anh chuyển về Sài Gòn, giải nghệ binh. Má em chắc hợp với tính anh. Bà hay nghĩ về người khác nhiều hơn bản thân.

– Làm sao được, anh đã tuyên thệ phục vụ quân đội ít nhất 5 năm. Anh không đi lính thì cũng chẳng biết làm gì trong thời buổi này. Binh nghiệp mà em.

– Anh có “yêu” em không?

Nàng hỏi bất thình lình. Thư nghẹn họng. Anh không biết trả lời làm sao cho nàng khỏi phật lòng. Nàng không hỏi tại sao anh không ngủ cùng gường với nàng mà phải nằm ké gường người bạn về quê ăn tết? Nàng không nũng nịu so với buổi sáng nay. Nàng thật đáng yêu nhưng làm sao anh có thể nói cho suông miệng là anh yêu nàng? Nàng không cần anh trả lời. Những gì anh đang chia sẻ cùng nàng ngày nay đã nói lên được phần nào tình cảm của anh đối với nàng. Ngồi chung với nàng trên chiếc gường của anh nhưng anh không dám đụng tới bàn tay của nàng. Còn nàng thì không nắm lấy tay anh tự nhiên, thân mật như hồi sáng. Thư mệt mỏi và buồn với câu chuyện chiến tranh chết chóc, anh ngủ hồi nào không hay. Nàng nhìn anh rồi nhìn ra cửa sổ. Pháo tết lâu lâu sẹt trên không lẫn pháo hỏa châu bắn lên không tỏa nhiều màu thật đẹp. Kéo mềm đắp cho anh, nàng lặng lẽ bên anh một chút rồi cũng ngủ quên. Hoa Mimosa của mùa xuân đang vàng rực lên mùi thơm ngan ngát trong chiếc bình nàng mua ngoài chợ Đà Lạt sáng nay. “Có con gió nhẹ nhàng qua song cửa. Đưa xuân về thoang thoảng Mimosa? Có những lúc cõi lòng nghe tơi tả. Thì chắc là tình đã tới trong ta”. Nàng chìm vào giấc ngủ chập chờn…

Thư cũng đang chìm trong giấc mơ kinh hoàng: Những cơn giông Bình Giã với thân hình đẫm máu của Harold G. Bennett trong tiếng khóc của gia đình cùng cơn bão Pleiku hiện lên. Thư thấy toàn máu và máu. Những bàn tay đầy máu đang cố níu kéo áo anh. Thư ú ớ…

– Anh thấy cái gì vậy?

Thư bàng hoàng. Anh vụt tỉnh khi nhìn thấy nàng lộ vẻ lo lắng bên cạnh:

– Xin lỗi! Anh bê bối quá!

– Súng pháo làm em hết hồn. Anh nữa. Em bệnh tim đó nhé. Anh bê bối đã đành mà chủ quan! Ngủ như chết, lỡ đặc công, trinh sát địch mò vào có mà đầu lìa khỏi cổ. Anh không nhớ trận tập kích căn cứ không quân Holloway của Mỹ năm 1964 à?

– Ừ, ủa, không! 1965. Đêm 6 tháng 2. Sao em biết?

– Ở bên Mỹ, báo chí, đài đăng um lên. Dân Mỹ họ biểu tình đấy. Báo chí đăng là đặc công, trinh sát VC đã lẻn vào căn cứ Không Quân 62 của Mỹ ở đấy khi họ ngủ say như chết.

– Tháng 10 năm 1965, trung đoàn 33 của VC đã tấn công vào Plei Me. Trung đoàn 3 thiết giáp và tiểu đoàn 21 BĐQ viện binh. Trận đó, những bạn bè anh như Hùng, Linh, Vàng đều tham gia cùng đàn em khóa 19 như Cảnh, Tùng làm trung, đại đội trưởng trong tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân. Một số anh em đã không đường về thành phố khi giao tranh ở Tỉnh lộ 6 C. Đó là “tử lộ”đó em. Lần đó, anh làm đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 1 Bộ Binh của Trung đoàn 42 phụ trách tăng viện bên cánh C. Tiểu đoàn trưởng Trần Quang đã không nghe lời khuyên của anh. Trận Ấp Băc, quân Bắc Việt dựa vào lúa cao mà phục kích. Trận này, mục tiêu của họ là muốn cắt đường viện trợ lương thực, thuốc men của Trung đoàn 12 nên Trung đoàn 32, 33 của họ tấn công mà không thèm chiếm mục tiêu. Xe thiết giáp M41, thiết xa M113 với pháo 105 ly của quân CH thật cồng kềnh so với súng cối các loại của họ như 60, 80 và 120 ly. Anh đề nghị với tiểu đoàn trưởng không quân 22 không nên dùng trực thăng vì VC đã phục kích đầy trong rừng với phòng không 12.7 ly rất thuận tiện khi nhắm mục tiêu trên không. Hầm hố ở đây rất nhiều. VC giỏi nguỵ trang. Điều này, mấy trận trước, quân CH nếm mùi thất bại nhưng chẳng cấp chỉ huy nào coi trọng chiếc lược dùng ít, tiêu diệt nhiều này. Anh nói có khản họng. Thậm chí, anh chẳng nghe lời các ông nội ấy. Anh phải dùng lực lượng nhỏ ba người chia ra để kiểm tra hầm hố. Tiểu đoàn trưởng ba cánh quân A, B, C đều nói tư tưởng anh là “xằng”. Họ còn khiển trách anh không biết “Tự Thắng”. Kết quả là những người lính hôm ấy đã không đường về với mái ấm gia đình, không đường về thành phố. Tự thắng cái quái gì ở đây? Anh bực. Gia đình vợ con của binh lính trong trại cũng người còn, người mất. Anh thật chẳng muốn giết ai. Nhưng không biết chừng nào mới hết “ai” giết mình. Anh thật không hiểu, anh em giết nhau, lợi cho ai?

Nhìn thấy giọng Thư lạc đi, Loan đổi đề tài:

– Đùng nói chuyện bắn giết nữa. Tết mà anh. Em muốn lì xì tết cho gia đình anh, được hông? Cho em địa chỉ nhà anh đi!

Thư điếng! Dù sao anh cũng là đàn ông. Mới quen, anh làm sao để nàng thể hiện vai trò “ban phát” dù là phong tục cổ truyền của Việt Nam trong ba ngày tết? Anh ở lại đây cũng vì muốn kiếm chút tiền gởi về cho ba mẹ cùng chị hai ăn tết đó thôi. Lính làm sao mà giàu được nhưng cũng không thể để người con gái chi bao mọi thứ. Anh thoáng tự ái đời trai nên lặng thinh. Nàng choàng tay ra đằng sau cổ anh. Nàng đeo sợi dây chuyền cho anh vừa giải thích vì sợ anh phản đối:

– Đây là bùa hộ mệnh cho anh. Em không muốn thành… góa phụ.

Anh muốn ôm lấy nàng nhưng lại ngại nàng hiểu lầm anh hôn là vì sợi dây “hộ mệnh” này.

Sáng hôm sau, khi anh thức giấc, bức thư nàng đã để lại trên chiếc gường cá nhân được xếp rất gọn gàng: “Anh yêu! Em phải trở về Sài Gòn. Em đi mà không thông cho anh hay. Yên trí, em không phải là tình báo hay điệp viên của bất kỳ hệ thống nào. Trái tim bé nhỏ, bệnh hoạn của em không đủ sức chứa những bom đạn. Mẹ em chỉ mong con gái học xong, lấy chồng, sinh hai ba đứa con bụ bẩm cho mẹ bồng là đủ rồi. Bên nào làm gián điệp thì cũng là kẻ thù của phía bên kia. Chiến công của người bên này là chiếc khăn trắng cho người bên kia. Em đi nhé. Em để lại địa chỉ của mẹ em ở Chợ Lớn. Cám ơn đã cho em ‘ngủ nhờ’ tiết kiệm được số tiền khách sạn khá to. Loan”.

Thư bàng hoàng. Cảm giác trống vắng bủa vây. Anh úp mặt vào chiếc gối anh mà nàng đã gối ba đêm nay để vùi đầu tìm chút hơi thở nàng. Nàng để lại chiếc khăn thêu hình đôi phượng thật đẹp, còn thơm phứt mùi nước hoa trên tóc nàng vương lại. Anh chợt thấy mình đã đánh mất một cái gì đó thiêng liêng lắm. Đột nhiên, anh cảm thấy mình như thằng Tâm Linh ba năm về trước. Đôi tay anh nóng hổi giọt nước mắt tiếc nuối, ngậm ngùi. Thư chợt nhớ nàng còn có cô giáo sư người Pháp ở Đà Lạt. Anh lò mò tới khu biệt thự sang trọng với hy vọng cô ta sẽ là người cung cấp cho anh những gì về cô học trò của mình.

*

Chiếc Mercedes mới cáo cạnh chở Loan về Chợ Lớn. Mẹ nàng ôm lấy con gái. Ba nàng hình như đang còn ngủ. Tránh đánh thức ba, Loan thủ thỉ với mẹ trong phòng. Nàng thầm thì:

– Anh ấy nghèo nhưng không ham tiền mẹ à. Anh ấy ở trong quân đội nhưng hay cãi nhau với cấp trên. Mẹ biết rồi! Cãi nhau với thượng cấp coi chừng có ngày bị án quân sự ra tận Đồng Đế cho coi. Con khuyên ảnh về Sài Gòn, kiếm công việc làm ăn. Mình buôn bán không đến nổi nghèo nhưng con muốn có chồng hiền lành như ảnh.

Người mẹ nhìn con gái:

– Chờ khi nào con học xong mới tính chuyện lấy chồng. Mẹ nghĩ rằng con đang bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Sét đánh làm con… tam tam. Ai mới gặp mà đã yêu chàng sĩ quan nghèo, còn muốn lấy làm chồng nữa chứ? Ba của con là người Tàu. Con biết phong tục người Tàu:“Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.

Loan chùi ra khỏi lòng mẹ:

– Nhưng mẹ đâu có đặt con. Mình ba đặt thì ba ngồi luôn cho tiện. Thời buổi này mà còn phong kiến, cổ lỗ sĩ quá mẹ ơi! Con đói bụng rồi. Hun mẹ một cái. Con đi tắm.

– Còn giáo sư của con đâu? Sao không mời cô ta về Chợ Lớn chơi cho biết!

– Cô còn muốn ở Đà Lạt thêm ít ngày. Cô ấy chưa chồng. Chắc là muốn kiếm tình yêu nơi thành phố thơ mộng đây.

Loan đùa với mẹ. Một cái nháy mắt khiến nàng giật mình. Loan vào phòng tắm. Nàng mân mơ đôi cánh tay trắng ngần của mình mà nghĩ về chàng sĩ quan Đà Lạt. Trong khi ấy, tại Đà Lạt, khu biệt thự biệt lập, cô giáo sư người Pháp đang quấn riết lấy một chàng sĩ quan.

*

Tuần sau, cô giáo sư có mặt tại Sài Gòn. Gia đình Loan đưa cô đi khắp nơi của hòn ngọc Viễn Đông. Cô tấm tắc khen không hết lời. Cô ví Sài Gòn như kinh thành ánh sáng Paris của cô. Loan ngạc nhiên. Bernard là người ít nói. Chẳng khi nào cô ta vui như hôm nay. Khi còn hai cô trò, Loan hỏi:

– Cô Sarah Bernard! Đà Lạt có gì thay đổi không? Hình như cô có chuyện vui phải không?

– Không! Bình thường như mọi ngày. Em thấy tóc mình uốn quăn như vầy có hợp với khuôn mặt không?

– Rất đẹp, Bernard.

– Mình thích kiểu tóc của nữ diễn viên hoa hậu thế giới đầu tiên của Pháp là Denise Perrier.

– Cô cũng đẹp như hoa hậu chứ khác gì đâu!

– Merxi!

Cả hai cô trò cười dòn. Bernard mở ví lấy cây son môi. Một chiếc khăn thêu rơi ra. Cô vội vã xếp nó cẩn thận sau khi đưa lên mũi hít một hơi. Mặt Loan biến sắc như trúng gió. Tay Loan ôm lấy ngực.

*

Thư về đến phòng, người hộ viên trao cho anh lá thư. Anh chần chừ không biết có nên mở ra hay không? Anh cảm thấy mình thật có lỗi với nàng. Nghĩ lại, anh cũng thấy rằng anh đâu có làm gì tổn thương lòng tự trọng của nàng? Người hộ viên quay gót. Thư cầm lá thư. Anh tìm cây kéo. Thói quen của anh là không bao giờ xé bất kỳ lá thư nào bằng tay. Nàng dùng tờ giấy màu hồng để nắn nót viết cho anh. Thư đọc xong. Mặt anh xám ngắt. Anh muốn hét lên rằng anh chẳng phải là con người như nàng đã nhẹ nhàng “nhiếc” anh bằng lời lẽ như trăm ngàn lưỡi dao cắt nhỏ trái tim anh. “Em ơi! Đời sương gió nay đây mai đó. Phút sống còn như có như không. Em lẽ ra phải hiểu là anh không phải thèm đàn bà. Có những phút con người bốc đồng một cơn thèm sinh lý khó ‘tự thắng’, hiểu không?”.

Lá thư Loan nằm trên bàn tay của Thư. Giọt nước mắt đầu tiên sau những ngậm ngùi, mất mát rớt xuống. Anh thật thấy cô đơn. Anh vội vã xin thuyên chuyển đơn vị để tránh đi những va chạm đàn bà mà sau những phút vui, anh cảm thấy đời người thật vô vị. Xác thịt không có tình yêu, chẳng nghĩa lý gì mà thiêng liêng, mà cao cả. Lần đầu tiên anh thấy mình như chạy trốn một thứ không thiện chung. Anh nói với người hộ viên lo thu dọn hành trang. Anh ta chạy đi ngay.

Từ thị xã Đà Lạt trở về phòng, Thư như… trời trồng. Loan ngồi chờ anh trong phòng. Nàng vẫn xinh xắn trong bộ người Tây gọn ghẽ. Ánh mắt nàng nhìn anh như chờ đợi sự lý giải cuối cùng. Người hộ vệ lui ra ngoài. Anh ngồi xuống bên cạnh nàng:

– Em đến mà không báo cho anh?

Nàng cười buồn:

– Em báo cho anh làm gì! Lòng anh đã có người khác. Em làm gì mà có chỗ trong tim anh!

Thư nghẹn. Nàng chậm rãi:

– Em ở chơi với anh đêm nay có được không?

Thư nhìn nàng. Nửa muốn nói rằng ở đây rất nguy hiểm nhưng không hiểu sao, nhìn ánh mắt thiết tha, ương bướng của nàng, anh thấy không cần thiết để nói ra nguyên nhân của câu trả lời “không được”, anh gật đầu.

Đêm nay, nàng không ngủ trên chiếc gường của anh. Nàng trải chiếu ngủ dưới đất bên cạnh anh. Mắt nàng nhìn lên trần, giọng buồn xa xôi:

– Có những điều mình ước thì không có. Có những cái mình không mong, lại tới ngay.

– Anh không hiểu!

– Tuần sau, em sẽ… lấy chồng!

Thư giật mình. Anh ngỡ tai mình nghe nhầm. Anh ngồi bật dậy:

– Em nói gì vậy?

Nàng im lặng. Nụ cười nửa miệng lại hé trên môi: “Em thật thương hại cho anh. Thứ cần biết thì không biết. Cái không cần nếm thì đã thử qua”. Đột nhiên, nàng gằn giọng:

– Tại sao anh không lấy cô ta?

Thư hoảng hốt thực sự. Anh định chạy trốn câu hỏi này nhưng nàng lại giăng ra trên miệng. Nàng tấn công thêm:

– Dĩ nhiên anh nói rằng tại anh không yêu.

– Cô ấy kể cho em nghe à?

– Làm gì có loại đàn bà đang có những cảm giác hạnh phúc kia chia sẻ với cô học trò? Anh coi chuyện ấy không có gì nhưng với cô ta là tất cả đó! Cô ấy làm rơi chiếc khăn thêu có hình đôi chim phượng. Em thêu nó cho anh mà, sao em nhìn không biết. Em không cần hỏi vì sao cô ta có. Với em, đêm nay thế là đủ. Anh không thể là người đàn ông của em nhưng đã là đàn ông ít nhất là một người đàn bà nước ngoài…

– Loan!

– Chuyện gì? Em có nói gì nặng lời đâu! Chúng ta chỉ là anh em, là bạn bè. Em chúc mừng anh. Nào, ngủ đi. Mai anh phải đi xa còn em cũng phải về Sài Gòn làm cô dâu. Rất tiếc, em không còn được dịp nằm bên anh để huyên thuyên và nhất là phải… ôm hai tay mà ngủ!

Thư chết lặng. Giữa trận địa hôm nào, anh vác súng lao lên phía trên. Đạn tránh anh chứ anh không thèm tránh đạn. Những mảnh đạn cháy sém sẹt qua hai màng tang còn rợn người. Anh đã từng bắn. Bắn trúng người có, trúng gốc cây cũng có. Bây giờ, anh bất lực vì không có loại vũ khí nào để tự vệ trước người con gái này.

Đêm như đứng lại. Nàng muốn anh hát cho nàng nghe “Đà Lạt hoàng hôn” lần cuối. Khi anh hát tới “Giờ đây hơi sương giá buốt. Biết ai thương bước cô liêu một người đi trong sương rơi. Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở” thì nàng đã ngủ. Nàng ngủ trong hai cánh tay của mình thật. Ngủ rất ngon. Thư bần thần… Hình như nàng đến đây lần cuối bằng sắc thái dữ dội nhưng đầy quyến rũ này cốt để chỉ nói tận tai anh mấy câu như kim châm, lửa chích và ở bên anh trong giấc ngủ thiên thần? Trạng thái bây giờ, làm sao anh có thể nói một câu rằng anh yêu nàng, yêu chết đi được nhưng thằng đàn ông trong người anh lại không cho anh có dịp để nói. “Anh rất muốn được ôm em trong vòng tay, Loan ơi! Anh muốn lắm”. Thư cắn lưỡi. Nó đau điếng. Thì ra, mình vẫn còn sống. Một cái hôn gởi lên má khi nàng ngủ, anh cũng không dám. Nàng như thiên thần. Nàng dám đến một mình với anh tức nàng đã có một bản lĩnh. Anh không dám phạm thượng tới nàng vì nàng tinh khiết quá! Ngày tới, nàng sẽ lấy chồng! Lấy chồng danh giá như gia đình nàng! Nỗi đau này, anh làm sao mà hé miệng nói cùng nàng? Không dám hở môi thì mất nhau vĩnh viễn. Thư cắn môi lần thứ mấy rồi. Đêm nay, quỷ quái gì, hai con mắt anh không cho anh khép lại chứ? Dựa lưng vào tường, anh thức tới sáng chờ nàng thức dậy để nói một lời chia tay. Khi nàng quay đi, Thư vùi đầu trong gối để hồi tưởng lại câu nói cuối cùng của nàng: “Nếu anh yêu đời binh nghiệp thì hãy chọn một chiến công hiển hách và nếu có chết, cũng nên chọn cái chết can đảm như anh đã can đảm chọn sự rời xa em”. Trên bàn, hoa Mimosa, loài hoa nàng yêu thích nhất vì nó tượng trưng cho tình yêu chân thành với lá bạc hoa vàng rực rỡ đang “khóc tình đầu dang dở“!

Vị niên trưởng vào thăm, ông ta lắc đầu bảo người hộ vệ của Thư: “Anh cứ để mặc cho hắn ngủ. Ngủ được, mọi chuyện cũng qua luôn”.Ông đưa tờ phép hai tuần của Thư cho người hộ vệ rồi đi nhanh. Tiếng giày của ông nện bộp bộp trên thềm…

*

Hai tuần phép về thăm nhà lần đó coi như lần gặp gỡ cuối cùng trước khi anh được chỉ định du học. Một chuyến xa nhà bắt đầu. Thư cho đó là điều kỳ diệu và đau đớn nhất trong đời của anh. Một chuyến đi định mệnh. Tin ông anh họ đã gục chết trên trận Đồng Xoài ở Phước Long khi Trung đoàn 272 của quân CS tấn công vào doanh trại Thiếu úy Charles W.Williams khiến anh bủn rủn. Vẫn chiến thuận đánh không chiếm giữ khiến các tướng lĩnh CH chẳng hiểu họ muốn gì! Thư lờ mờ thấy rằng các chiến lược, chiến thuật của Mỹ đưa ra, cái nào cũng đen tối và quân đội tổn hao. Những tử sĩ hai bên bỏ lại, nhìn vào đôi giày binh bóng nhộn với chiếc dép lốp là biết quân nào ngay. Phương tiện hiện đại của sự viện trợ kinh tế Mỹ khiến những người lính CH sống đầy đủ về vật chất hơn người lính CS. Thế nhưng, về tinh thần, mục tiêu của CS đã hướng về Mỹ và quân CH, còn mục tiêu của quân CH chỉ là chống trả, tái chiếm hoặc bình định. Cái nào cũng theo Mỹ. Thế thủ nhiều hơn thế công. Thế bị động nhiều hơn thế động. Thư nghe ba má ông anh họ khóc thảm khi nghe con tử trận mà nao nao: “Mày nhớ trả thù cho nó!”. Thư dạ. Lòng anh nặng chĩu những câu trả thù chưa biết trút vào đâu! Đột nhiên, anh nhớ câu của tiểu đoàn trưởng hôm học ở trường Đà Lạt: “Có thể một ngày nào đó, anh sẽ hối hận vì lòng tốt của mình. Chiến trường không có trái tim. Súng đạn không có mắt. Anh phải dùng tới cái đầu của anh để phỏng đoán chính xác và dùng tay cho thật nhanh khi phải bắn hay do dự. Hiểu chưa?”. Đến bây giờ, anh cũng chưa thật hiểu.

Chị hai của Thư cũng đã đi lấy chồng. Chồng chị là một thư ký của Tổng nha Cảnh sát. Hôm tiễn Thư đi, anh vỗ vai Thư:

– Nghe chị Yến ngày nào cũng khoe có thằng em hào khí. Gặp là biết chị em không nói xạo rồi. Đi mạnh giỏi nha. Nhớ viết thư về.

Thư cười. Ba má anh cũng cười. Hai đứa con đã nên gia thất. Nụ cười mãn nguyện không nở ra trong lúc này thì còn chờ lúc nào? Trước khi lên xe, Thư cởi sợi dây chuyền Loan tặng anh có mặt hình Phật Bà Quan Âm rất đẹp đưa cho người anh rễ: “Em chỉ có một chị hai. Chiến tranh khốc liệt. Em không muốn thấy chị hai của em trở thành góa phụ. Anh mang cái này để cầu may mắn. Em đi xa, gởi chị hai lại cho anh”.

Người anh rễ chạnh lòng. Cả gia đình mắt rơm rớm nhìn theo Thư cùng người hộ vệ lên chiếc xe Deep mất hút cuối con đường. Lần tiễn đưa cuối cùng!

*

Người đàn ông tóc đã bạc, cầm trong tay bó hoa. Ông đi một mình tới công viên Veteran’s Memorial Park – Wichita (Kansas). Đặt từng cái hoa xuống những ngôi mộ, ông đứng im khoảng vài phút tưởng niệm các cựu chiến binh, trong đó có những người là bạn ông. Cách đây hai năm, đài kỷ niệm cũng là nơi đấu tư tưởng giữa ông Phillip Blake, John Wilson với James Denison và những người Việt Nam có thân nhân hy sinh trong cuộc chiến. Ông nghe chuyện, giọng buồn buồn nói với vợ: “Những vong hồn vị quốc. Họ chiến đấu chung cho một chủ nghĩa thì cái chết của lính Mỹ hay lính CH đều như nhau. Chôn ở đâu, tưởng niệm chung hay riêng không còn là vấn đề quan trọng. Nếu lòng chúng ta có họ, chúng ta hãy làm gì cho những cái chết này không bị coi là ngu xuẩn và oan uổng. Cái quan trọng là thế hệ con cháu chúng ta nghĩ gì về những sự hy sinh này? Con cháu của những người hy sinh đó được hưởng quyền lợi gì bù lại sự hy sinh của họ? Thế hệ con cháu chúng ta, chúng nó sẽ làm gì để đừng có sự đổ máu trong tương lai? Người sống mới là quan trọng. Trước khi tôi chết đi, tôi muốn thấy các con, cháu tôi không sống phè phỡn với lý thuyết này, tâm niệm suông nọ mà chúng nó phải chịu cực ở học đường, lớn lên thành người chính nghĩa. Tôi không được tâm nguyện này, chết không nhắm mắt“.

Người vợ của ông là người Mỹ nhưng bà hiểu những điều ông muốn nói. Bà lấy chồng người Việt Nam, tổ quốc của chồng cũng chính là một nửa tổ quốc của bà. Con cháu bà muốn phục vụ ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam, bà không hề cản. Thế nhưng, bà khuyên con không bao giờ nhúng tay vào chuyện chính trị. Với bà, tham vọng chính trị dẫn con người đi lầm đường và trượt đà trên đỉnh cao tội ác diệt chủng. Giết hại đồng bào mình, là tội diệt chủng. Trong chiến tranh, phần lớn ai cũng có thân nhân bị giết bởi hai phe. Kẻ giết người phải đền mạng nhưng đền mạng cho đến bao giờ? Bà Susan cũng có người anh tên Thomas đi lính chết trong trận Mậu Thân 1968 và mới đây, cháu trai bà đang học Đại học MSSU (Missouri Southern State University) đã phải rời trường để đăng ký đi Irag như chú mình năm 1968 đăng ký đi Việt Nam và không trở về. Gia đình bà nguyền rủa chiến tranh nhưng không bao giờ nguyền rủa dân tộc Việt Nam hay Irag. Bà Susan an ủi chị dâu: “Nó đi nó sẽ trở về thôi chị ạ! Thằng Michael của em cứ nằng nặc đi với anh nhưng tôi khuyên rằng ở lại đây, phục vụ trong ngành Khoa học cũng là một cách đóng góp cho nước Mỹ”. Chồng bà, Will Tran, ông cũng an ủi rằng: “Mỗi đứa thanh niên, đều có lý tưởng riêng của nó nhưng em hồi nhỏ cũng thích đánh đấm. Vào nhà binh thấy đổ máu nhiều cái vô vị. Mỗi lần máu mình đổ, các ngôi sao từ vàng tới trắng gắn hết kẻ này tới ông nọ thấy bất nhẫn vô cùng”.

Đời binh nghiệp hào hùng. Những cái chết vô vị? Đến bao giờ! Những cuộc đảo chánh xảy ra là dấu hiệu cho thấy sự diệt vong của một chính phủ. Những chia rẽ, đấu đá nội bộ là mầm móng của sự tan vỡ của một đoàn thể. Cái gì tự sinh thì tất tự hủy diệt. Mệnh trời!

*

Chiều nay, Michael Trần xin phép ba mẹ đưa Linda, cô bạn gái về chơi. Anh dẫn cô đi khắp Kansas và tới bờ sông Missouri để thưởng ngoạn cảnh đẹp của quê hương mẹ anh. Kansas là thành phố lớn nhất của tiểu bang MO (Missouri). Nhiều gia đình Việt Nam đã cư ngụ ở đây. So với người Việt ở Cali, Houston và Washington-DC sống tập trung, người Việt ở Kansas sống rải rác. Tiểu bang MO là nơi đã sinh ra Harry S. Truman, Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Ông là người triệt để chống phận biệt đối xử và tệ nạn tham nhũng trong guồng máy chính phủ.Sông Mississippi – con sông dài thứ ba trên thế giới – chảy qua Minnesota và Louisiana. Con sông này phân ranh Alabama (tiểu bang mà Lâm Lương – người Việt gốc Miên – đã ném 4 đứa con nhỏ xuống sông). Bạn gái anh rùng mình khi anh nói tới sự ác độc của con người. Anh nắm tay cô dịu dàng:

– Ba anh thường nói: “Không có sự giáo dục lương thiện, con người mất hết tính người khi còn nhỏ. Lớn lên, không có sự hướng thiện của gia đình, con người thành kẻ sát nhân. Em có tin như thế không?”.

Linda gật đầu. Cô nép bên Michael nhìn dòng sông đục ngầu cuồn cuộn trôi xa. Michael dẫn Linda vào khu phố Việt Nam. Quán phở Quê Hương đông đen. Bàn số 9 có hai người gọi phở. Michael dẫn Linda ngồi bàn kế bên. Đang chùi đũa cho Linda, Michael chợt nghe người con trai bàn bên hơi gằn giọng:

– Đấy là ba anh. Phải thì làm sao? Không phải thì làm sao?

– Sao anh bảo ba anh làm công ty điện toán? Anh gạt em!

– Anh không gạt em. Ba anh trước kia làm ở công ty đó nhưng nay công ty nào cũng thải nhân viên. Em coi, tình hình nước Mỹ chỗ nào cũng thất nghiệp. Thâm thủng ngân sách cho chiến tranh, cho công việc từ thiện quốc tế gần năm trăm tỷ đô la Mỹ đó. Ba anh không muốn trợ cấp thất nghiệp thì ông xin đi làm nhân viên chạy bàn cho quán phở không được sao? Tư cách em cao quý lấy anh có ba làm nhân viên bán phở thì không xứng phải không? Uổng cho cô là người có học. Học sinh danh dự cơ đấy! Không có người bưng phở cho cô ăn thì cô vào mà tự bưng lấy. Nếu cô trông thấy ba tôi là nhân viên ở đây khiến cho cô không thấy ngon miệng thì cô nên rời khỏi chỗ này!

Michael không nghe tiếng cãi nhau. Anh sợ Linda hỏi tới nên cắm đầu nuốt. Lòng anh nghẹn lại. Khi anh ngó sang, cô gái đã đi mất. Người nhân viên chạy bàn đang cầm khăn lau tới chỗ con trai.

– Ba à! Sao ba lại đi làm ở đây?

– Chỗ nào làm mà không được. Con nên đi dỗ bạn gái của con đi!

Người thanh niên rít trong họng:

– Nó đã khinh dễ ba, con không bao giờ lấy những người con gái khinh thường cha mẹ mình. Dù ba là người như thế nào, là kẻ tay nhúng chàm, ba cũng là ba của con. Con không bao giờ đấu tố ba để lấy điều lợi bản thân. Ở đây, nếu công việc làm ba vui tuổi già thì ba làm vài tuần chơi, con có việc làm thì nhất định con không cho ba đi làm nữa.

Người nhân viên chạy bàn cười. Mặt ông chẳng có gì là tự ti. Trái lại, ông đang cảm thấy đang ăn “mật ngọt”. Mật ong này chính tay ông đã “nhân tạo” mà nên.

Michael đặt trên bàn tờ giấy 5 đô. Anh cùng Linda rời quán phở. Anh thật muốn làm bạn với người thanh niên này ghê trời. Nhưng, người thanh niên ấy biến mất giữa đám đông.

*

– Con nói bạn gái con tên Linda hả? Họ gì? Sao nó giống một người mà ba quen quá vậy?

– Cô ta họ Kingston.

– Ừ. Người giống người con ạ.

– Mẹ Linda rất đẹp ba à. Bà sinh Linda năm 1982. Sáu năm sau thì mất. Đây là hình ba mẹ Linda chụp chung với Linda khi Linda năm tuổi. Mẹ Linda mất vì bệnh tim. Wiil Trần nhìn tấm hình từ tay con trai. Ông dụi mắt. Ông lấy kính lão… Ông như đang hôn mê…

… Mùa hè 1970, Thư về nước sau khi thụ huấn tại West Point. Chiến sự đang diễn biến căng thẳng trên từng tấc đất. Mỹ ủng hộ Thủ tướng Lon Nol bằng cách đưa quân Mỹ và quân CH tiến vào Campuchia. Khi anh còn ở trường Đà Lạt, nền Đệ nhất CH của Tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ năm 1963 bởi những kẻ phản bội dẫn đến sự về hưu non của đại tá Bùi Dinh, thủ khoa khóa 3, Nguyễn Trãi, đàn anh của Thư. Khi anh từ Hoa Kỳ về, nền Đệ Nhị CH của Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng thoi thóp. Chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971 đánh qua Lào tổn hao nửa số quân tham chiến. Chiến dịch Commando Hunt và Igloo White cũng không góp phần tô chiến thắng trên lá cờ Mỹ và CH. Các tướng Đông, Thi, Thiệu, Khiêm thay nhau đảo chính khiến tình hình nội bộ rối ren. Tin Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 (Quân khu I) tái chiếm Quảng Trị năm 1972 và trận An Lộc do tướng Phạm Quang Hưng phản công thắng lợi và danh sách tử trận hai bên dày lên khiến Thư vừa phấn kích vừa nặng một nỗi lo âu.

Chiến dịch “Commando Hunt” nối tiếp “Tiger Hound” được cố vấn Mỹ triển khai để “trả đũa” phía bên kia. Hàng rào điện tử mang tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara với các thiết bị điện tử hiện đại như rada, máy thu các chấn động, máy tính IBM 360-65 được cài đặt với hàng rài mìn. Chúng phân đều trong 17 khu căn cứ quân sự để chống phá Trung đoàn Trường Sơn 559 của VC ngày đêm xây dựng tuyến đường xuyên Bắc – Nam ven dãy Trường Sơn hùng vĩ. Các chi phí viện trợ quân sự ở Việt Nam cho kế hoạch này ngốn 2 tỉ đô la được trình lên quốc hội Mỹ là con số không nhỏ khiến chính phủ Hoa Kỳ… giật mình. Tổng thống Lyndon B. Johnson sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” giữa tàu BV và USS chạm súng ngoài khơi năm 1964 đã nghĩ tới một giải pháp hội đàm chấm dứt chiến tranh Đông Dương càng sớm càng tốt.

Nghe tin Hà Nội bị B 52 ném suốt 12 ngày đêm, đại đội trưởng Lê Cường nói với Tiểu đoàn trưởng Trần Hùng Thư trong cuộc họp chỉ huy:

– Em thật không hiểu nổi, Hoa Kỳ muốn rút quân còn rải bom Hà Nội làm gì?

– Trước khi rút, cũng nên chứng tỏ một chút sức mạnh quân sự. CH có Hoa Kỳ và đồng minh chiến đấu bên cạnh còn thua liểng xiểng. Nay họ rút quân, cắt viện trợ, chúng ta sẽ là những con thiêu thân. Những con hổ đói không bao giờ nhả con mồi dù chỉ là con chồn hôi. Huống chi chúng ta không phải là con chồn hôi. Đánh chiếm miền Nam là mục tiêu của quân Bắc Việt. Tôi cũng không hiểu tại sao, Tổng thống Thiệu không tăng cường quân bảo vệ Ban Mê Thuột. Nó là yết hầu của vùng Tây Nguyên. Nếu yết hầu bị cắt, con người sẽ chết ngay. Hãy xem, đường Trường Sơn của BV đã chẳng hề hấn gì với hàng rào của Mc Macnamara. Chúng ta không thu phục được lực lượng Fulro do Y-Bham cầm đầu, chúng ta sẽ thiếu một cánh tay trái.

Tiếng đạn M 79 nổ dòn bên kia phòng tuyến B khiến Cương hoảng hốt:

– Lại đánh rồi!

Thư chạy tới hầm: “Truyền lệnh tôi, tất cả vào công sự. Không có lệnh tôi, không được bắn, coi chừng nhầm dân chúng buôn làngÊ-Đê”.

Chiến sĩ Thắng cầm máy điện đàm. Anh gọi cho đại tá Quang, sư đoàn trưởng 23 Bộ Binh. Ông này gọi cho thiếu tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II xin chỉ thị. Tướng Phạm Văn Phú ra lệnh giữ lấy bằng bất cứ giá nào. Tướng Phú nhận định tầm quan trọng chiến lược của Ban Mê Thuột. Ông báo cáo lên Tổng thống Thiệu điều này từ trước. Thế nhưng, tướng lĩnh CH hiểu thì tướng lĩnh CS cũng hiểu. Bản đồ tác chiến hai bên được căng ra. Lợi thế của quân Bắc Việt quá rõ ràng khi tấn công liên tục 36 trận từ 1963 đến nay chỉ thua 2. Làm sao một sư đoàn quân CH có thể đương đầu với 4 sư đoàn CS? “Bốn chọi một, không chọt cũng què”. Thế nhưng, bốn phía, tiếng súng, tiếng pháo, xe tăng ầm ầm của hai bên đã nổ ra. Những bóng đen từ 2 giờ sáng đã tràn khắp ngã đường. Thư cầm súng trong tư thế sẵn sàng. “Có thể là mình sẽ chết tại đây. Ở đây cũng gần với Đà Lạt”. Thư thầm nghĩ. Anh nhớ tới người con gái anh yêu. “Nếu đã chết thì hãy chết xứng đáng”. Bây giờ, không phải là lúc chết xứng đáng hay sao? Súng đạn không có mắt. Tiểu đoàn bộ binh của anh, lớp chết, lớp bị thương lẫn vào xác thường dân chạy loạn, lẫn vào xác anh em – địch quân không kịp thu nhặt. Tướng Phú mật lệnh cho các tiểu đoàn trưởng thu quân chạy về Pleiku, Kon Tum cố thủ. Ông nói: “Không rút sớm, chúng ta hy sinh thêm quân lính một cách vô ích. Chúng ta không có viện trợ, không có viện binh, tử thủ cái gì”.

Người cận vệ của Thư, trung úy Tiến kịp hất Thư sang một bên. Anh hứng nguyên một viên đạn từ người mặc sắc phục dân tộc Ê-Đê. Thư bàng hoàng. Phản xạ của anh chỉ còn giơ súng. Anh lại lưỡng lư mấy giây khi thấy sắc phục dân quân thì “đoành”. Anh ngã qụy xuống. Một thân người cũng ngã khụy xuống sau lưng anh cách mười mét. Tiểu đoàn phó vội vực anh dậy: “Tiểu đoàn trưởng có sao không? Lũ khốn chúng mày!”. Sau tiếng rít của vị tiểu đoàn phó, Thư nghe hai lỗ tai như điếc đặc…

Tỉnh dậy, Thư thấy cánh tay cầm súng bị quấn băng. Người cận vệ của anh không còn sống được vì máu ra nhiều quá. Từng cái mả lạnh được đào lên, lấp vội bên đường như những ngôi mồ vô danh dọc đường Trường Sơn. Tuyến đường 14, 19 và 21 đã bị quân CS cắt hết. Đại uý Thắng, mặt mày mệt mỏi. Hai mắt anh đầy nét căm hờn, bước lại gần Thư:

– May phước cho đại tá. Nếu không, đại tá đi luôn theo thằng Tiến. Bọn Ê-Đê đó toàn là giả dạng cả. Cởi đồ chúng ra, đứa nào cũng có súng và máy ghi âm nhỏ xíu với Colt 12. Thằng bắn thằng Tiến, cổ nó có đeo sợi dây chuyền hình Phật Bà rất đẹp. Phật Bà nào phù hộ cho ba cái tên giả dân, đánh sau lưng chứ. Tôi không cản thì lính nó tháo rồi. Chúng nó nói rằng cái thân cũng sắp bỏ, ngó gì sợi dây chuyền… Nhưng ghét quá thì giật tất. Hình như bọn giả người Ê-Đê đều ở lực lượng tình báo A -18 thì phải. Không biết họ theo mình từ lúc nào?

Không nghe Thư trả lời. Thắng nhìn lại, Thư đã hôn mê theo lời tường trình của Thắng “sợi dây chuyền hình Phật Bà rất đẹp”. Anh vội vã gọi điện. Ban Mê Thuột thất thủ chỉ trong một ngày! Trực thăng UH-1 chở Thư cùng một số quân binh khác chuyển về quân y viện Sài Gòn. Những kẻ may mắn tử trận được đưa về nghĩa trang Biên Hòa, nghĩa trang mồ côi!

Cuộc di tản kinh hoàng trên các đại lộ Đà Nẵng, Xuân Lộc, Sài Gòn bắt đầu. Những chiếc CH-46 chuyển tải người di tản ra chiến hạm H.Q500, USS ngoài khơi. Ai là kẻ nợ máu của nhân dân? Bàn tay người cầm súng nào còn chưa vấy máu đồng bào, anh em? Tất cả đều ném trả về “Nhất thắng công thành, vạn cốt khô”. Những bàn tay níu kéo sự sống. Những cái chết không tên nối dài. Những lời nguyền rủa kẻ phản bội buông cùng màn đêm. Những linh hồn tữ sĩ nghĩa khí bay lên cùng mây trắng. Sài Gòn về đêm vẫn lấp lánh muôn màu che giấu nỗi buồn chia biệt em – anh.

“Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng? Tà áo em bay theo giọt nắng vàng. Con đường ta đi dòng sông kỷ niệm. Nỗi nhớ trong em, nỗi nhớ dịu dàng. Sài Gòn bây giờ mưa giăng ngập lối… Đôi mắt yêu thương, làn môi chờ đợi. Từng đợt mưa rơi… bối rối, bồi hồi. Sài Gòn bây giờ lòng ai vương vấn. Mai anh đi rồi, còn nhớ em không? Đôi mắt nai tơ buồn xa vời vợi… Cơn gió vô tình đuổi lá vàng rơi. Sài Gòn bây giờ có buồn không em? Mưa vẫn rơi rơi từng giọt êm êm. Suối tóc thơm bay hương tình dịu nhẹ. Ngây ngất dạt dào con phố về đêm…”.

Cuộc chiến tàn rồi. “Không! Anh không chết đâu em. Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua…”.

*

Michael trở lại quán phở Quê Hương hỏi về người thanh niên hôm nọ. Người bố tươi cười nói rằng con trai ông ta sau sự ăn năn lỡ lời của cô bạn gái thì đã cùng nhau làm lành. Cô bé đã xin lỗi người bố chồng tương lai. Ông đã khuyên con trai: “Lầm lỗi nào cũng có thể sửa được. Con hãy biết vị tha để nhận lại một tấm lòng”. Họ cưới nhau và ông sắp có cháu nội nhưng ông chưa chịu nghỉ làm ở quán phở này. Michael cảm thấy lòng mình như thư giản ra. Tình người thật là bao dung. Anh muốn sống với những ngày tháng bao dung ấy cùng với Linda. Anh quay về nói chuyện cưới xin với ba mẹ. Hai gia đình Wiil Tran và Kingston cùng tới viếng mồ mẹ Linda trong ngày Linda làm lễ đính hôn với Michael. Những bó hoa hồng trắng cũ và mới nối nhau trên mồ người khuất mặt. Ai đó đã từng tới đây trong mấy tháng vừa qua?

– Có thể là bạn của mẹ con ngày xưa.

Ông Kingston trả lời con gái khi Linda hỏi cha. Ông nuôi con gái duy nhất khi vợ mất năm 1988. Ông không lấy vợ khác vì thương con gái và thương quý vợ. Với ông, Linda là món quà quý giá nhất trên đời sau người vợ quá cố của ông. Ai đặt hoa lên mộ vợ ông, ông không cần suy nghĩ. Ông chỉ biết rằng đó là một nghĩa cử cao đẹp, là cách thể hiện tình cảm thiêng liêng nhất của người sống đối với người đã chết. Dù không liên can gì đến ngoại chiến Việt Nam trước năm 1973, Kingston vẫn mở lòng ủng hộ những người thương phế binh từ chiến trường Việt Nam bằng cách ghi chi phiếu cho “Veterans Of Foreign Wars”. Con người cần có một tấm lòng!

*

Người đàn ông với cơn mưa “Sài Gòn niềm thương nỗi nhớ” một thời lần tới thành phố buồn. Mười năm từ 1966 đến 1975, ông không lấy vợ. Ông tìm nàng khắp nơi. Hôm nay, ông không phải đi tìm nàng nữa. Ông đi ngang qua hai hàng bia mộ và ngồi xuống trước một tấm bia nho nhỏ. Tấm hình người trong mộ hình như đang cười buồn với ông. Ông đặt bó hoa hồng trắng xuống chân tấm bia. Ông ngồi lâu lắm. Những con chim bay qua, bay lại không biết bao nhiêu lần trên bầu trời không chút nắng giăng giăng. “Amy Loan! Em bao giờ cũng đi trước anh một bước! Khi nào anh trở về quê, anh sẽ lên Đà Lạt, sẽ mang về những đóa Mimosa hoa vàng lá bạc cho em và… anh sẽ nói cái câu mà em hằng mong đợi. Cuộc chiến qua rồi. Không còn khói lửa, chết chóc như em mong. Anh đã giã từ vũ khí. Anh đã không nỡ trút lên vai con cháu mối thù hai phương trời Nam – Bắc của thế hệ cha ông. Hãy để tâm hồn con em chúng ta được thơ ngây như tờ giấy trắng. Xanh. Vàng. Đen. Đỏ? Tùy chúng nhuộm màu”.

Con người càng về cuối đời thường hay tô vẽ chi tiết, đánh mất chính mình. Cuộc đời ông, không hồi ký, không tạc bia cho mình. Ai cũng có quyền dựng bia cá nhân nhưng tấm bia ấy, tồn tại bị đập vỡ đi, có người đặt lên đấy bó hoa hay chỉ hoang tàn, là câu trả lời bởi người đời sau. Vì đất nước hay vì quyền lợi bản thân? Trả thù dân tộc hay trả thù cá nhân? Một ngày nào đó, chính sử sẽ được giữ lại, ngụy sử sẽ bị xóa đi. Lịch sử sẽ được viết lại bởi thế hệ khác về một cuộc chiến tương tàn sau 1973. Trường Sa với họa xâm lược phương Bắc mới là nguy cơ mất nước!

Trời Kansas nhỏ từng giọt mưa buồn xuống đất trong khi khắp nơi trên đất Mỹ, tuyết nhuộm trắng cánh đồng. Đôi mắt người trong hình long lanh. Nụ cười hình như mở rộng. Người đàn ông ràn rụa nước mắt. Hai tay ông ôm lấy tấm bia thay thế một vòng tay ấm ấp bằng tình yêu thánh thiện đã không dám dành cho người yêu một lần trong đời! Tấm bia ấm lại trong tay ông. “Gần nhau xa nhau mấy nỗi…”.

Ngày mai, nhà hàng Thủy Tiên tưng bừng tiệc cưới của đôi uyên ương Michael Tran và Linda Kingston. Thế hệ mới bắt đầu. Họ sẽ tiễn đưa tình sử người lính trận đi qua thời gian.

Ngôi mộ trong thành phố buồn ngày ngày vẫn có những đóa hồng nhưng tháng tháng vẫn chưa có những cánh hoa vàng, lá bạc mang tên tình sử một loài hoa Mimosa./.

Nguyễn Hoàng Lan

***

Tyna thở hắt sau khi đọc một mạch. Cô nghẹn lời. Nửa tiếng sau, Harrison triệu tập phòng biên tập. Người được ông “phỏng vấn” là Conner:

– Conner! Anh nói cho tôi biết, chủ đề anh đưa ra là gì?

– Viết không ảnh hưởng hai bên nhưng tác giả viết lệch lạc…
– Nói tiếp đi!

– Tác giả viết không trúng ý tôi. Nhiều người cho rằng truyện này tác giả không viết mà đưa về cho tụi cán bộ CS viết rồi gởi qua.

– Anh dựa vào đâu?

– Vào những tư liệu chiến tranh mà cô ta có.

– Những tư liệu này CS có hay không? Các anh có hay không?

– Ai cũng có.

– Ừ! Tyna!

– Dạ!

– Những tư liệu chiến tranh trong cái truyện cô vừa đọc có ở đâu?

– Ở đâu cũng có.

– Cô có nghĩ rằng những các bộ CS đã viết dùm cho tác giả này không?

– Tôi khẳng định là không! Không cán bộ nào dư thời gian và tốn công sức để viết cái truyện thiên về tình sử cho một người bên kia từng thù địch. Thế nhưng, cho phép tôi được bày tỏ quan điểm viết văn của tôi: Quan hệ tác giả với ai, không quan trọng. Cái quan trọng là tác giả viết cái gì ở trong đó. Nhân vật xây dựng phải liên quan với chủ đề.

– Anh nghĩ thế nào, Conner? Chủ đề này là huyền sử. Huyền sử làm gì thật 100% mà anh đòi hỏi. Nhật ký, hồi ký ai dám vỗ ngực cho là mình viết thật 100%, tôi cho rằng đồ nói dối tất!

– Tác giả là đàn bà. Tôi nghĩ là cô ta làm việc cho CS.

– Anh căn cứ vào đâu?

– Vào truyện này. Những cái cô đưa ra không đúng. Nhân vật sĩ quan Đà Lạt đâu có như vậy.

Harrson ngả người ra ghế. Ông nhìn lên trần nhà rồi chậm rãi:

– Anh làm việc với chúng tôi bao nhiêu năm rồi nhỉ?

– Hai mươi ba năm.

– Anh có bằng văn chương Việt, tôi không nói nhưng anh từng tốt nghiệp thạc sĩ văn chương Mỹ. Anh từng học cái gì là Topic chứ hả? Vậy Topic là cái gì?

– Sếp cứ đùa. Chủ đề.

– Truyện này có tên gì?

– Huyền sử Mimosa.

– Aaron! Mimosa là cái gì?

– Dạ! Một loài hoa từ Úc Châu. Màu vàng rực, mùi thơm ngàn ngạt. Cháu từng tới Đà Lạt và hoa này chỉ có ở Đà Lạt vào mùa xuân. Chú làm khó cháu rồi. Chú rành hơn cháu. Chú từng tham dự cuộc chiến Việt Nam mà.

Harrson bật cười nhưng giọng cười thật đanh:

– Mọi cuộc chiến chứ không riêng gì cuộc chiến Việt Nam, thế giới này đều phản đối. Kết cục của nhân vật chính đúng là một tình sử. Conner! Anh đừng để tôi nói rằng anh cần vào trường học lại cách viết văn và cách biên tập. Anh phải biết nhân vật trong truyện là nhân vật có quyền được hư cấu bởi tác giả không? Anh có cần tôi kêu Tyna giảng lại cho anh không? Hùm. Không cần ai có ý kiến gì, truyện này phải được giải quyết bằng tấm lòng chứ không phải bằng định kiến tào lao.

– Dạ!

Aaron thở phào cùng Tyna về phòng mình. Cả ba chẳng biết nghĩ gì mà ai cũng im lặng đến nỗi họ nghe được tiếng những con ngỗng quang quác trên bầu trời.

Conner như ngồi trên đống lửa. Ông ta về phòng. Công việc đầu tiên của ông là điện thoại nhờ ai đó làm việc gì cho ông.

Nửa khuya, Conner bị đánh thức bởi mail tự động báo có người gởi tin. Ông ta mở máy. Ông dụi mắt. Những dòng chữ có kim châm chạy ngang qua mắt ông: “Nguyễn Hoàng Lan là con nghĩa tử quốc gia từ năm 1968. Ba: Sĩ quan cao cấp ngành công an cộng hòa. Anh trưởng là thiếu úy cảnh sát từng ngồi tù vì đỡ tội cho đại tá Hồ Văn Cài. Tù cải tạo CS sau năm 1975. Anh thứ hoạt động trong cơ sở dân vận chiêu hồi. Anh thứ nữa là biệt động quân. Chị trưởng là nhân viên thông dịch viên trong CIA, di tản năm 1975 dưới cờ tướng Viên. Các anh trai nói trên không có ai bỏ chạy vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả. Anh thứ khác và em út từng vượt biên năm 1989. Nói chung, gia đình hoàn toàn là quốc gia. Bản thân tác giả trưởng thành trong hai chế độ nên bạn bè trong ngành công an, cảnh sát, tướng tá không phải là ít nhưng không quan hệ chính trị với ai ngoài đối tác văn học. Nguyễn Hoàng Lan từng bỏ công tác vì phản đối thủ trưởng ăn chận tiền của học sinh. Từng là đối tượng Đảng nhưng không làm đơn xin gia nhập. Nói chung, chúng ta đã… đụng hàng. Nếu nói trắng ra, chúng ta lấy tư cách gì mà kết tội cô ta?”.

Conner nghẹn họng. Ông nhìn qua cửa sổ. Ông thấy toàn tuyết trắng. Ông nhìn vào đôi tay. Tay ông có máu tanh không? Giết ai với bất cứmục đích gì thì cũng là giết người. Không có sĩ quan nào tự động mà thăng quan tiến chức nếu không nã đạn vào lấy mạng địch thủ. Ông ta lấy tư cách gì để đòi hỏi thế hệ sau phải gánh mối hận 30/75? Thật là vô lý. Nguyễn Hoàng Lan nếu đứng trong tư cách là con nghĩa tử quốc gia, là gia đình sĩ quan, cảnh sát, công an, chiêu hồi của nền cộng hòa ở lại chịu đựng cuộc sống nghèo thời buổi giao thời mà lên án những kẻ bỏ chạy năm 1975, ông lấy gì mà chống? Người ta từ trong đống bùn mà giữ hương sen. Còn ông, ông từ trong đầm sen lại chui vào đống rác! Thật là hổ thẹn. Thạc sĩ với Tiến sĩ gì ông mà ông không mở lòng với những điều lương thiện của người khác làm nên, viết ra?

Một cái tết đang từ từ đi tới đẩy lùi mối hận “bụng làm dạ chịu“. Ai là người có lỗi trong cuộc chiến 30-75? Lịch sử đã trả lời và sẽ trả lại công đạo cho từng người. Tự vấn mình xong, ông cảm thấy lòng nhẹ nhàng đôi chút. Conner thở dài. Cái mà ông đeo đuổi lại từng ngày làm ông mệt mỏi. Bây giờ, có ai muốn cầm cây súng chứ? Ai lên ngồi ghế cao mà tay chẳng nhúng chàm? Có lẽ Harrison nói đúng. Những cái đầu hủ lậu đã đến lúc thành bã đậu trong nhận thức mất rồi.

– Mai Liên! Năm nay, anh muốn ăn một cái tết hoàn toàn Việt Nam, có được không?

Người vợ nhìn chồng chăm chắm. Lâu lắm rồi bà mới nghe chồng cởi mở. Ông đã băng qua hố đen của ông. Khi ông ngủ ngon thì bà lại thức. Thì ra, người cởi mở tấm lòng bao giờ giấc ngủ đến cũng ngon lành. Còn người nhận sự thay đổi của người khác thì lại trằn trọc… Vì lẽ nào? Huyền sử Mimosa đã không nói hộ tiếng lòng cho bà hay sao? Những cuộc chiến với những hy sinh oan uổng vẫn thay nhau nối dài không biết đến bao giờ! Bà cố nhắm mắt để kiếm một giấc ngon bên chồng. Trời bên ngoài lạnh lắm nhưng bà thấy lòng mình ấm lại.

Harrison cũng trằn trọc. Hố đen của Stephen Hawking đã thành hư không. “Hố đen” hay “Hố trắng, Hố giun” là của thiên văn. Lòng người còn giữ “hố đen” để làm gì kia chứ? Ông mở sổ và đánh dấu chéo vào hai chữ “Hố đen“. Ông vừa “biên tập” cho một nhân viên biên tập. Ở đời, người ta cần biên tập cho nhau. Biên tập lần cuối cùng./.

Tháng 12/30/2008
Ngọc Thiên Hoa

Related Articles

Back to top button