Site icon Ngọc Thiên Hoa

TÒ MÒ CHUYỆN HÀNG XÓM

Truyện ngắn Tò mò chuyện hàng xómChuyện hàng xóm kể sao cho hết. Nhà này cách nhà kia có cái hàng rào chớ mấy nên chuyện từxóm dưới chỉ cần năm phút, xóm trên đã biết tỏng tòng tong. Còn nữa, nhà này ước sao như nhà kia, nhà kia thì mong được như nhà nọ. Khổ thiệt.

Này, nhà phía trên là nhà bà B. Bà ta có mấy mẫu đất trồng toàn xoài canh nông ở Cam Hòa – Cam Ranh đến tết thì hóa thành cả mẫu bông, tha hồ hốt bạc. Rồi con cái học toàn ra giáo viên, dẫu chưa có ai tốt nghiệp đại học nhưng cao đẳng thì rồi. Vườn chuối, chanh của bà nổi tiếng khắp làng không ai sánh bằng. Nhà bà M phía trên thì có ruộng cò bay… gãy cánh, chó chạy… trơ xương và vườn quít thấy mà ham, vườn thơm thấy mà thèm rỏ dãi. Còn nhà bà T phía đối diện thì vườn mít, vườn cam xum xuê nếu có chơi trò chạy trốn thì chắc tết Ma-rốc mới tìm ra. Vườn ông Ch thì vú sữa sai quặt quịu trên cây. Bên cạnh là nhà ông T: Vườn mía, vườn mận. Khi mận rụng, bọn trẻ lượm mấy thúng mới hết. Rồi nhà ông B, ôi thanh long chín đỏ ối cả trời khêu gợi dơi và chuột tìm đến. Còn nhà bà T thì vườn bưởi, sao-cô-chê chín cây thơm nức mũi. Ấy, nhà này không có thứ kia thì ước thứ đó của nhà khác, thét rồi nhà nào cũng bắt đầu trồng những thứ mà nhà mình chưa có, không biết mấy năm nữa thì được ăn quảđầu mùa? Nhưng mỗi nhà có những cái mà nhà khác không dám ao ước có.

Đó là nhà bà B có bà nội già sanh tật chửi có dây, có nhợ hay quơ củi từ nhà hàng xóm về nhà mình. Ông nội thì bị què, lết mà còn hung, rượt con cháu chạy có cờ. Còn thằng con trai đầu thì khù khờ, con trai út thì ấm ớ, ngọng ngịu, chuyên đái dầm. Ông B thì hay đánh vợ, ghiền thuốc như ghiền xì ke, thấy quải! Nhà bà M thì bà mang cái tính “cầm nhầm”, “tưởng nhầm” của người ta hóa ra của mình, suốt ngày cứ mà bên hàng rào, hổng biết mần ăn gì trong đó. Thằng con thứ thì chân không bình thường. Tội nghiệp.Nhà bà T thì ông T sáng say, chiều xỉn khiến hàng xóm điếc tai, điếc óc khi ông bắt đầu mắng đông, mắng tây, mắng ngay đường cái. Thằng con út lại điên không ra điên, khùng không ra khùng, tỉnh chẳng ra tỉnh. Nhà ông T thì đỡ hơn nhưng thằng con thứ cũng lình xình, lỉnh xỉnh. Còn nhà bà T thì tệ nhất. Con cái thì đông. Con trai toàn giành nhau đất đai nhà cửa, đánh lộn liên miên tưởng như chiến tranh sắp đến. Nhà ông C gần tương tự. Đấy! Trời ban cho mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa là vậy. Rồi đám con gái, con trai hàng xóm xúm lại từng nhà một chơi kéo co, u mọi, vật lộn, luông chuông, đá dế, đá cầu, bắn cung, bắn ná, thụt bà lời và lắm lúc đi nhổ trộm đậu phụng của xã dưới về luộc. Đúng là vui cả làng lan cả họ. Rồi đùng một cái, mỗi nhà lại gặp hên xui theo thời cuộc, theo quy luật cuộc đời, theo sự vùng vẫy của bản thân mình. Ba đứa con, trong ba nhà từ xóm đó, ở bên Mỹ ăn nên làm ra, học hành đến nơi đến chốn ngon lành. Lũ trẻ còn lại, lớp vào lính, lớp đi theo cải lương, đứa vào đại học, đứa ra thuyền trưởng, đứa trở về làm ruộng, đứa lấy chồng, đứa lấy vợ, đứa trở nên giàu, đứa nghèo xác, nghèo xơ… Kể sao cho xiết chuyện hàng xóm!

*

Bữa nay, chị Năm ngồi kể tội ông chồng say xỉn suốt ngày. Anh Bảy rầu rĩ bà vợ lo bài bạc, số đề. Lớp sau lớn lên sao mà cũng chẳng có gì sáng sủa cho lắm. Chỉ còn hy vọng hai nhà trước và sau là chưa có chuyện bất hòa nào đáng kể. Đó là nhà ông T và ông B Mấy người con đều ăn học đến nơi đến chốn, thêm cha mẹ có của nên chuyện nào cũng được sắp xếp êm xuôi. Tính đến bây giờ, đó là hai nhà hạnh phúc nhất xóm không cần bàn cãi hay giơ tay biểu quyết gì ráo. Chắc cũng vì thế mà đám chó của hai nhà đó cũng thuộc loại khôn ngoan, hung nhất, nhì xóm. Chó gì mà cứ đi theo khách từng bước một chực hờ hở khách “chôm” cái gì là sẵn sàng táp “phạch” vào chân khách thấy mà ghê. Do đó, đám trẻ con xóm ngoài đâu dám hó hé tới lượm mận, xoài v.v… tại nhà có chó dữ. Nhưng đôi khi có đứa cũng liều mình chui rào để rồi khóc la như ma nạp chạy có cờ, mận xoài bị quẳng sạch chạy lấy mạng. Mà cũng phải thôi, lượm dưới đất đã đành còn ngứa tay hái trộm cây trái nhà người ta nữa, chó còn giận huống hồ người.

Hồi kia, xóm này chưa có điện, trẻ nhỏ phải kéo nhau đi coi tivi thấu đầu làng. Giờ đây, nhà nào cũng có tivi nên nhà nào thì coi nhà nấy. Vì vậy, ban đêm ở xóm yên tĩnh hơn và tiếng trẻ nhỏ học bài ngày một ít hơn. Duy có tiếng mưa đêm trong xóm là vẫn như ngày nào buồn buồn và đều đặn đồm độp rơi./.

1983
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)

Exit mobile version